Chút cảm tưởng, từ một người đứng ngoài lề cộng đồng, nhân dịp xem đoạn video phóng sự trên của TV Thời Báo.
Tôi thấy con em người Việt chúng ta được sinh ra và lớn lên tại Canada (Toronto) rất tha thiết với truyền thống Việt Nam, nhưng lại không biết nói tiếng Việt cho dù hiện tại thành phố Toronto có khá nhiều trường Việt ngữ so với khoảng thời gian mà tôi mới đến đây hơn 20 năm về trước. Tôi thấy hiện tượng trẻ em không biết nói tiếng Việt đây không phải trường hợp dị biệt nhưng là chuyện thường gặp--mấy đứa cháu tôi (đứa lớn nay đã 8 tuổi) cũng không biết nói tiếng Việt, ngoài mấy chữ "Ông Nội", "Bà Nội", "Bác Hai". Điều đó cho thấy, việc duy trì ngôn ngữ của cha ông cho thế hệ sau là một việc làm hết sức khó khăn cho người Việt tha hương.
Đọc bài viết "Thấy người sang…" trên blog Hiệu Minh hôm nọ, nhận thấy rằng đây không phải là khó khăn của cộng đồng người Việt tại Toronto (Canada) thôi, mà còn ở Hoa Kỳ (chí ít, ở New York nơi tác giả đang cư ngụ), thậm chí đối với những người Việt sang đây sau này (tức là không thuộc vào thế hệ tị nạn Cộng Sản). Điều này cho thấy cộng đồng người Việt nói chung, trong nhu cầu đời sống, không coi trọng việc truyền thụ ngôn ngữ cha ông cho lắm, nhưng rồi lại quay ra ta thán rằng tại sao con cháu ta lơ là với cội nguồn.
Thay vì tổ chức các lớp học thêm ngoài giờ học thường, thì, tôi nghĩ, phối hợp chúng vào giáo trình ngoại ngữ của bộ giáo dục thành phố có lẽ sẽ có hiệu quả hơn. Hai mươi năm về trước, khi tôi học Trung Học, Bộ Giáo Dục Toronto (Toronto Board of Education) đã có giáo trình học Hoa ngữ (Chinese language) có tính điểm (tức là, được tính như một tín chỉ ngoại ngữ trong điều kiện tốt nghiệp trung học). Không thấy có giáo trình tương tự nào cho Việt ngữ. Điều này dễ hiểu vì cộng đồng người Việt lúc bấy giờ hãy còn non. Hiện nay, tìm nhanh trên mạng của TDSB cho thấy có 27 trường dạy Việt ngữ ở cấp bậc tiểu học. Bộ Giáo Dục Công Giáo có 3 trường: James Culnan, Jane Frances, và Barbara. Bậc trung học tại các trường công lập (public secondary schools) thì nghe nói mấy năm trước có lớp tín chỉ Việt ngữ vào buổi tối, nhưng năm nay thì không có, có lẽ do thiếu giảng viên. Giải pháp? Nhập chất xám sang từ Việt Nam (nếu cộng đồng VN ở đây không quá tự hào về mình).
Gợi ý: Quí vị nào bên VN có nhả ý sang Canada hành nghề giáo viên Việt ngữ thì có lẽ bây giờ hãy còn là thời cơ tốt.
Đã tự hứa lâu rồi, hôm qua mới có dịp "mã số hóa" (digitize) cái băng cassette sinh hoạt Trại Về Nguồn hồi năm 1986 tại công viên Akasaka-yama thuộc tỉnh bang Niigata (ở đây có đoạn viđiô về công viên này), đã nghe lại, và rùng mình đẩy lên mới sáng nay--rùng mình vì nhớ lại lúc nhỏ tôi "quậy" thật.
Những gì của cộng đồng, nay trả lại cho cộng đồng.
Đợt đi trại này phụ thân tôi không có đi, nên tôi đã đem theo máy ghi âm bỏ trong túi để thâu lại từng chi tiết để đem về cho ông nghe. Tôi còn nhớ, do Ba tôi không đi nên khi bước lên xe buýt tôi buồn hiu, nhưng 5 phút sau, khi đã hòa vào cuộc vui "văn nghệ bỏ túi" ở trên xe, thì đã bỏ quên cái buồn đâu mất tiêu.
Đây là sơ lượt vài thời điểm của đoạn ghi âm:
00:05:42: "Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay, tay kia cầm sợi dây, để bắt con cầy" là giọng của "yours truly".
00:14:20: "Đi xích qua bên bểnh. Người ta đi ngay hàng người ta đây [mà] khi không xích ra sao được!". Giọng tôi "cãi lộn" với Nga. Đợt đi trại này là lần đầu tiên chúng tôi quen nhau.
00:20:30: "Thấy hông, con nói con đem theo miếng trải rồi mà Ba không cho [đem]." Lại là giọng nhí nhảnh của cô bạn tên Nga của tôi.
00:45:10: "Dozo, yoroshiku onegaishimasu."
00:45:45: Bé Đinh Nguyễn Tường Vi hát bài "Kìa con bướm vàng"
00:47:00: Kịch bản Sơn Tinh Thủy Tinh
00:53:15: "Kết thân, kết thân! Mấy người? Năm người. Woh...ba người..."
Chiều Chúa Nhật vừa qua, cộng đồng Ta Miêu (Tamil) đã tràn ra xa lộ Gardiner biểu tình đòi chính phủ Canada can thiệp, bênh vực cho đồng bào của họ bên Sri Lanka, nghe nói đang bị chính quyền đàn áp. Dưới chân buổi tối lễ Hiền Mẫu, cuộc biểu tình làm tắt nghẽn xa lộ huyết mạch của thành phố, khiến nhiều người bị kẹt xe hơn 4 tiếng đồng hồ.
Đọc qua ý kiến của độc giả, nhận thấy với việc làm phạm pháp này, thay vì giúp ích, hình như nhóm biểu tình này đã làm tổn hại đến chính nghĩa của họ.
Thử tưởng tượng nếu cộng đồng người Việt ở đây tổ chức một cuộc mạo hiểm tương tự để đòi chính phủ Canada can thiệp, đòi Hà Nội trả tự do cho những tù nhân lương tâm như Linh Mục Nguyễn văn Lý và Hòa Thượng Thích Quảng Độ, thử hỏi người Canada sẽ có cái nhìn như thế nào về cộng đồng người Việt nhỉ.
Chỉ trên trực giác thôi, có cái gì đó không hợp tình hợp lý cho lắm (nếu không muốn nói là ích kỷ), khi ta bắt buộc người khác phải chịu phiền phức để thỏa mãn nhu cầu của chính ta, dù cho trong thâm tâm ta, tầm vóc của sự phiền phức ấy thật nhỏ nhoi so với nan đề ta đang trải nghiệm. Nếu họ có chịu phiền, thì phải là do tự ý của họ, không phải do họ bị bắt buộc.
Mặt khác, đôi khi chúng ta lại cảm thấy bị bắt buộc phải làm việc gì đó, không phải do ai khác, mà do chính lương tâm ta buộc ta.
Đã ẩn tích gần chục năm nay, hôm qua định hạ sơn, đi Hội Chợ Tết của Hội Người Việt ở CNE, nhưng rồi bị Như Quỳnh trong Hội Xuân Tha Hương cám dỗ, và ngược với lương tri ("against my better judgement" dịch ra làm sao ta), tôi đã đi xem hội chợ ở International Centre gần phi trường.
Cảm tưởng chung chung: chán, chán như con dzán. Địa điểm chật hẹp, tưởng tượng như tôi đang đứng trong một nhà kho (warehouse). Mấy gian hàng le ngoe, nhợt nhạt, chỗ duy nhất gây ấn tượng là quầy bán đồ chay của chùa nào đó ở Brampton--đã quên tên mất--có món bún bò huế (chay) bá chấy bò chét. Giàn âm thanh trong sân khấu quá tệ. Hồi trước đi nghe văn nghệ của mẫu thân tôi hát, tưởng âm thanh bên đó quá tồi, giờ có dịp so sánh, thấy cũng không đến nỗi tệ.
Một vài ý kiến đóng góp xây dựng:
Nếu họ treo thêm 2 cái màn hình LCD (không tắt tiếng) nơi hội trường ngoài (1 gần cửa ra vào, và 1 ngay trước cửa vào hội trường văn nghệ) thì có lý hơn.
Sân khấu văn nghệ cần rộng hơn, trang trí tươi tắn hơn cho hợp với không khí Tết. Tôi có cảm giác cái sân khấu hôm qua không xứng đáng với mấy anh chị em nghệ sĩ tên tuổi như Như Quỳnh, Bằng Kiều, Minh Tuyết,vv...
Tóm lại, có phần trình diển tự ứng này tôi thấy là ấn tượng nhất trong ngày:
Diễn ra trong lúc xổ số cho mấy em thiếu nhi, cậu bé này đã cao hứng, tự động leo lên bục thềm sân khấu, cầm bong bóng (chưa thổi) trong tay, múa máy vô tư.
Nhìn lại hai cái hội chợ tết khác nhau, tổ chức cùng ngày, không tránh được ý nghĩ: dường như cộng đồng người Việt ở đây vẫn chưa có đoàn kết cho lắm. Nhưng cũng có thể hiểu được quan điểm của người trong cuộc: tất cả chỉ là sự cạnh tranh công bằng trong kinh doanh.
Chiều Thứ Sáu vừa rồi, tôi xuống khu đường College xem Hội Hè Taste of Little Italy, do cộng đồng Ý Đại Lợi ở Toronto tổ chức trong 3 ngày, từ tối Thứ Sáu đến tối Chúa Nhật. Đoạn đường College bị phong tỏa từ đường Bathurst đến đường Shaw. Dân chúng tràn ra khắp đường, thật vui nhộn. Hai bên đường được bày bán các loại thức ăn từ thịt nướng, bánh mì hót đoóc (hot dog), kem, nước giải khát.
Tôi quan sát cậu bé này nhiều nhất. Một cây đàn tí hon, gắng vào âm ly hẳn hòi, cậu ta gồi ghế vừa rải đàn, vừa nhịp chân theo điệu nhạc các cô chú người lớn ở phía sau, trông thật dễ thương.
Lâu nay tôi chưa hề đi xem nhạc hội, nhưng Thứ Sáu vừa rồi có dịp đi dự đêm văn nghệ của Nhạc Sĩ Nguyễn Đức, gồm có sự quy tụ của các cựu thành viên của Ban Việt Nhi:
Tôi ngưỡng mộ cô Phương Hồng Quế từ lâu (cô Quế là học trò của bác Đức).
Bác Đức, tuy rằng tôi chưa hề được hân hạnh diện kiến, nhưng lúc trước, khi còn học cổ nhạc, có nghe thầy tôi, bác Trang, nhắc nhiều về ông, dù chỉ là nhắc để mà ganh.
Recent Comments