Không chủ ý tìm, nhưng mò đâu ra được phần mềm hòa âm tên Audacity. Xài thử xem. Tải điệu nhạc (dạng mp3) từ trên mạng về, thâu chêm lời vào, cắt xén, chỉnh đốn cho đúng nhịp. Lần đầu chưa biết điều chỉnh míc nên hơi bị ồn:
Để giới thiệu cho nhị đệ dùng thử xem. Nó giỏi mậy mọ ba cái thứ này hơn tôi.
Cập nhật 2008-08-24 23:10:
Đã chỉnh được mức độ tạm ổn, giảm thiểu tiếng ồn:
Âm lượng của micrô trên âm-ly1: 8/31
... trên máy vi tính (Volume Control settings): 1.5/7
... trên Audacity: 0.1/1.0
--- 1đúng ra là cái máy hát đĩa LD hiệu Pioneer CLD-V720 đời 1991, nơi cắm mic, phụ thân tôi đã cho mấy năm trước. Từ máy Pioneer lấy audio out nối vào lỗ mic của máy vi tính.
Dường như nếu tôi cố gắng để ý, thì tôi sẽ nghe được lời răn dạy của Chúa Thánh Thần. Mới hôm nọ viết bài chỉ trích Chứng Nhân Giê-hô-va, thì hôm nay bắt gặp bài giảng của Lm. Al Lauer của mạng phát thanh (podcast) Daily Bread, với lời nhắn: việc Chúa làm thật nhiệm mầu; Chúa làm việc qua cả những bàn tay không hiệp thông với Hội Thánh của Chúa, và ngay cả những bàn tay không nhìn nhận Chúa. Mark 9:38-40:
38Ông Gio-an nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta." 39 Đức Giê-su bảo: "Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. 40 Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.
Khái quát ý tưởng này thêm một chút, ta có thể nói thế này chăng: các tôn giáo ngoại, dù có hiệp thông với sự mạc khải của Ông Trời Con hay không, đều là dụng ý của Đức Chúa Cha và đều nằm trong kế hoạch cứu độ của Chúa?
Dĩ nhiên, tôn trọng niềm tin của họ không nhất thiết đòi hỏi ta phải bác bỏ niềm tin của mình.
Cô trẻ này làm tui phục quá. Cân bằng giữa việc học (ĐH Windsor), việc làm (RBC Dominion Securities) và chủ nhân của công ty bất vụ lợi Lemonade Capital (trang Wikipedia chưa tồn tại, nhưng chắc sẽ có trong nay mai), mà cô vẫn còn thời gian cho mọi sinh hoạt đời thường. Bí quyết của cô ta, đơn giản là: "Tôi đã chinh phục việc quản bá thời gian."
Tôi thì vẫn chưa. Những ai quen tôi đều không lạ rằng: tôi là một thằng hay lề mề, rề rà.
Từ lâu tôi đã ngừng lập kế hoạch cho một ngày làm việc, vì mọi dự tính đều tan biến khi nhiều nguyên tố ngoài sự điều khiển của mình luôn xảy đến.
Nghe bài phỏng vấn này có thể là động cơ thúc đẩy tôi thử lại một lần, cảm thấy mình đã lãng phí nhiều thời gian, giải thuật (algorithm) về đời sống hơi bị kém năng suất. Và giờ đã không còn nhiều thời gian như lúc xưa nữa. Đến lúc cần phải tối ưu hóa giải thuật ấy. Nhưng "tối ưu hóa" cái kiểu nào? Trời biết! Chỉ biết là: chỉ được nâng cấp; không được tái tạo, bởi làm như thế sẽ tháo gỡ những đường tơ hệ trọng của tấm thảm đời đã góp phần làm nên ta. Cho nên, ít ra bài tập này sẽ giúp khẳng định hay không, rằng: bản tính tôi vốn là một tên lề mề. Và nếu thật là vậy, thì chỉ có thể kết luận rằng: những gì tôi làm được, bất chấp cá tính lề mề, là vì bởi ơn Trời.
Thuần túy tiếng Việt chúng ta thường dịch "pornography" là "sách báo khiêu dâm", hay "dâm thư". Theo Wikipedia, chữ "pornography" bắt nguồn từ ngôn ngữ Hy Lạp, kết hợp bởi hai từ "porne" (đĩ điếm), và "grapho" (ghi chép) thêm hậu tố là "-ia" (nơi của, thuộc về), tức là "nơi ghi chép về đĩ điếm"
Gợi đến vấn đề "tại sao những tài liệu khiêu dâm có hại cho trẻ em?" Theo mạng ProtectKids.com:
Vào khoảng thời kỳ hệ trọng nào đó của tuổi ấu thơ, bộ óc của trẻ em được "lập trình" cho sự định hướng tính dục. Vào thời kỳ này, tâm trí của em dường như đang phát triển một thứ "lắp đặt dây điện cố định" về những gì sẽ gợi cảm hoặc thu hút con người ấy. Nếu được tiếp xúc với những quan niệm lành mạnh và bình thường về tính dục vào những thời kỳ quan trọng này, trẻ em sẽ phát triển một định hướng lành mạnh. Ngược lại, nếu bị ảnh hưởng bởi tài liệu khiêu dâm vào thời kỳ này, những quan niệm thái quá về tính dục có thể sẽ in sâu vào tâm trí các em và trở thành một phần "bất di bất dịch" của định hướng tính dục của các em.
Trẻ em thường hay bắt chước những gì chúng thấy, đọc, hoặc nghe. Nhiều nghiên cứu cho thấy sự tiếp xúc với dâm thư có thể xúi giục trẻ "thực hành" các hành động ấy đối các em khác trẻ hơn, nhỏ hơn, và yếu đuối hơn chúng.
Đối với không chỉ các tài liệu khiêu dâm hạng "nhẹ", nhưng thậm chí các tài liệu rõ ràng là đồi trụy (tức là: bẩn thỉu, ghê gớm, bất thường), càng được tiếp xúc nhiều, trẻ em sẽ càng học được một điều rất nguy hiểm: quan hệ tính dục vô trách nhiệm là chuyện bình thường và đáng khát khao. Bởi
dâm thư khuyến khích sự thể hiện tính dục không trách nhiệm, nó có thể nguy hại đến sức khỏe của trẻ em.
Đa số phụ huynh có tinh thần trách nhiệm trong chúng ta muốn truyền dạy cho con em những giá trị cá nhân về sự quan hệ, về tính dục, sự thân mật, tình yêu, và hôn nhân. Rủi thay, những thông tin mãnh liệt từ dâm thư có thể đang "giáo dục" con em chúng ta về những đề tài hệ trọng ấy. Cũng như những bức quảng cáo 30 giây có khả năng ảnh hưởng đến sự lựa chọn của ta về một nhãn hiệu nước giải khác phổ biến, sự tiếp xúc với dâm thư có thể định dạng cho thái độ, giá trị, và luôn cả cách cư xử của chúng ta.
Lời cuối tôi dành cho bài viết có phần tựa Photographs don't affect us? (Hình Ảnh không ảnh hưởng được chúng ta ư?), bác Karen Holgate viết:
Dâm thư có thể gây nghiện ngập. Điều đó không có nghĩa là người nào xem hình ảnh khiêu dâm cũng đều sẽ trở thành kẻ nghiện. Tuy nhiên, gần giống như rượu [hoặc thuốc lá], ta không thể lường trước được, cho đến khi tiếp xúc với chúng. Đối với những ai yếu lòng, nó như xăng châm vào lửa.
Tức là, nếu không điều lượng được thì tránh xa càng tốt, e lại đem vàng dỏm đi thử lửa.
Tại các bệnh viện công cộng (được tài trợ bởi chính phủ--đúng hơn là bởi tiền thuế của người dân) ở Toronto, đôi khi bệnh nhân phải chờ đợi quá lâu (có khi hơn 10 tiếng đồng hồ) mới được gặp bác sĩ chuyên khoa điều trị.
Trong số các bệnh nhân đến phòng cấp cứu, chỉ có 20% là nằm trong tình trạng nghiêm trọng. Tuy nhiên, hầu như ai cũng cho tình trạng của mình là trầm trọng và đáng được điều trị trước các người khác. Vô tình hay cố ý, những người này gây trì trệ cho cả một hệ thống.
Thứ tự điều trị không nhất thiết là "đến trước, trị trước". Tùy mức độ nghiêm trọng của từng bệnh nhân, người đến sau sẽ có thể được ưu tiên điều trị trước.
Thiếu bác sĩ. Thiếu giường bệnh.
Giải pháp hiện thời cho những người có khả năng tài chánh: bệnh viện tư. $200 để gặp bác sĩ thường trực ER. Muốn gặp bác sĩ chuyên khoa, thêm $$$.
Công việc của các Y Tá Xếp Hạng (triage nurse)--làm thế nào để phân biệt được bệnh nhân đang nguy kịch hay đang dở trò, hầu sắp xếp thứ tự cho hợp tình hợp lý--là một nghệ thuật. Hay, dùng từ ngữ của một y tá được phỏng vấn, đó là một "yêu thuật (black art)". Cách xếp hạng: hạng 1 - gần chết, điều trị lập tức; hạng 2 - nghiêm trọng (nhưng chưa đến nỗi chết), ~ 15' đợi; hạng 3, ~ 30' đợi; v.v...
Recent Comments