Hằng năm, vào tháng này, trong thành phố Toronto có nhiều địa điểm công cộng triễn lãm đèn giáng sinh. Ngoài ra, nhiều nhà dân cư cũng giăng đèn đủ màu, đủ hình tượng, trước ngõ nhà họ (tôi không có trong số này). Gần xóm tôi, trên đường Caledonia, khoảng giữa Rogers và St. Clair, có ngôi này làm hơi quá đà ngoạn mục:
Còn nữa, nghe đâu bên Markham (thành phố phụ cận phía đông bắc của Toronto) có gia đình Lindsay, thậm chí còn chơi trò hòa nhạc--phát thanh trên băng tầng nội bộ 104.9MHz FM, đệm theo từng nhịp đèn chớp nhoáng trước sân nhà:
Gần nhà tôi có cái siêu thị bán thức ăn tên A&P Dominion. Đây là nơi mà mấy năm trước, tối tối tôi hay ghé mua thức ăn về để nấu nướng. Tôi chuộng họ vì họ mở cửa 7/24 (7 ngày trong tuần, 24h trong ngày), thích hợp cho mấy thằng đi làm về muộn như tôi. Mấy tháng trước, bản hiệu của tiệm tự nhiên biến thành Metro. Biết họ đã có chủ mới, nhưng không dịp tìm hiểu thêm làm gì, cho tới sáng nay tình cờ đọc blogTO, dẫn tin của CityNews. Thì ra Dominion đã bị Metro (gốc từ Québec) nuốt chửng từ hồi 2005 lâu lắc rồi, nhưng đến nay họ mới xác định sự hiện diện của họ tại Ontario dưới nhãn hiệu Metro.
Cơn tuyết kỳ rồi là chỉ nghe qua, không chính mắt thấy, nên không đáng nói. Hôm qua mới đích thực là trận tuyết đầu tiên của mùa đông 2008-2009. Thường thì sau trận tuyết đầu tiên sẽ có khoảng một tháng mấy thời gian ấm. Xong thì mùa tuyết lạnh sẽ thật sự bắt đầu.
Chúa Nhật vừa rồi ông già Nô-En âm thầm vào làng--âm thầm bởi tôi lại ngủ gục, không hay. Chiều hôm qua, qua Scarborough Town Centre chơi, thấy thiên hạ đã bày bán hàng Nô-En, máy phóng thanh cho hát nhạc Giáng Sinh, mới ngỡ ra mục đích thương mại của việc ông già Nô-En vào làng.
Tối qua, tôi ngồi dán mắt vào cái tivi từ 20h00 tới 00h00 để xem lịch sử diễn ra trước mắt. Người Mỹ bầu người da đen đầu tiên--bác Barack Hussein Obama--vào ghế tổng thống. Thú thật, tôi thầm hy vọng bác McCain sẽ thắng, mặc dầu đã thoáng biết rằng đây là thời cơ của Obama. Họ bầu cho "hy vọng".
Hồi chiều, lãng vãng qua Sherway Gardens, tôi thấy bà con lúm xúm xếp hàng để chích ngừa. Đã gần chục năm rồi không chích ngừa cúm. Nhìn lại mấy năm qua, mùa đông nào cũng bị chứng cảm đánh gục ít nhất một lần. Nay thấy bà con xếp hàng cũng không đông lắm, thôi thì sẵn đường, nhào vào chích luôn.
Hằng năm khoảng cuối tháng 10 đến giữa tháng 1, theo chương trình chăm sóc sức khỏe (health care in canada) của quốc gia, Ban Công Y của Toronto (Toronto Public Health) cho ra chiến dịch "Hãy Đánh Bại Chứng Cúm" (Let's Beat the Flu). Các nhân viên y tế dựng lều tại các trung tâm mua sắm lớn trong thành phố để chích ngừa miễn phí cho người dân.
Tôi ngỡ "chiến dịch" này chỉ dành riêng cho người dân Canada, nên tôi hơi ngạc nhiên khi họ không kiểm tra thẻ y tế của tôi, mà chỉ yêu cầu điền đơn với địa chỉ và số điện thoại. Nghĩa là, nếu ai đó ở quốc gia khác tới đây du lịch qua mùa đông, và muốn được chích ngừa cảm cúm, thì cũng sẽ được chiếu cố thôi.
Sẵn xưng tội, xưng tội luôn: tôi cũng sai khi tôi đoán vị Tổng Thống thứ 44 của Hoa Kỳ sẽ là một người phụ nữ. Nhưng trong vấn đề này, có lẽ sẽ chỉ là chênh lệch tí xíu thôi.
Tôi tình cờ xem được bài diễn văn này của bác John McCain trên C-SPAN tối Thứ Năm hôm đi công tác ở Phoenix.
Wow! Chưa bao giờ tôi thấy bác McCain sống động và hài hước như thế trước đám đông. Đối lập trong ôn hòa. Đây là những giây phút nổi bật nhất của một nền dân chủ.
Mới năm ngoái, con vịt vừa bay qua đầu ông Washington, thì nay lại thụt lùi ra sau đít ông: 1.00CAD = 0.797USD. Thứ Năm tuần rồi, vào máy rút tiền ở phi trường Phoenix, rút 100 USD dằn túi, mà nay xem lại tài khoản, thấy nó tính 100.00 USD @ 1.2265 = 122.65.
Cho thấy, lời phát biểu của bác Harper vào tháng rồi, rằng nền kinh tế Canada vẫn vững mạnh, chả có nghĩa lý gì cả. Biết rằng ở cương vị của một quốc trưởng, ông phải nói vậy để trấn an lòng dân.
Nhưng, theo thông tấn Canadian Press, đồng đô Canada phải tụt giá như vậy để đương đầu với cuộc khủng hoảng thị trường toàn cầu, vì đồng đô yếu sẽ khiến giá xuất khẩu tụt. Giá rẻ hơn thì sẽ dễ hấp dẫn khách hàng nhiều hơn. Ví dụ, lúc này là lúc thuận tiện cho mấy bác láng giềng của tôi ở phương Nam lên Canada để du lịch, mua sắm.
Tối đi làm về, xem tin tức mới hay, ngày nay phía bắc thành phố vừa được hứng một trận tuyết rao mùa. Chỗ công ty của tôi, không thấy hạt tuyết nào cả.
Tánh tôi lẩm cẩm, cho nên nhờ ghi chép trên đây, mới thấy, ở xứ này, tháng 10 có tuyết cũng không phải là lạ.
Còn vài ngày nữa là đến đợt bầu cử liên bang thứ 40 của Canada. Đã định sẽ bầu cho đảng Bảo Thủ của bác Harper vì thấy bác ta làm được. Hơn nữa tôi thấy thái độ điềm tĩnh của ông khi đối đáp phỏng vấn về sự khủng hoảng thị trường hiện thời--trong khi mấy bác bên phe đối lập hoang mang như gà bị chặt đầu--biểu lộ phong cách của một vị quốc trưởng. Nhưng đến giờ này vẫn chưa thấy con ma dân biểu nào của bác ta đến xóm tôi vận động. Sáng nay đọc mấy blog cộng đồng Toronto mới biết lần đầu tiên tên của mẹ cha nội dân biểu đảng Bảo Thủ đại diện cho xóm mình--Jillian Saweczko Aydin Cocelli. Nên bực mình. Dường như họ đã nắm chắc phần thắng hay sao ấy. Định sẽ bầu cho mấy bác Tự Do. Nhưng thật ra tôi vẫn chưa khẳng định.
Đợt bầu cử liên bang kỳ rồi hồi 2006, tôi ngủ gục--Tôi nhớ hình như do bị kẹt ở công ty, về bầu không kịp. Nên bác Harper vào 24 Sussex Drive hồi nào tôi không hay. Tự nhủ, ngày 14 tây tháng 10 sắp tới đây, sẽ không xao lãng việc thực thi quyền tự do dân chủ của mình nữa.
Gần đây, nhờ những vụ bùng nỗ tranh chấp nhà đất liên quan đến giáo phận Hà Nội, tôi mới được đọc thêm chút về Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt. Mới đây, dường như câu phát ngôn của ông đã làm rối loạn lòng dân trong nước:
...Do đó, chúng tôi xin nhắc lại, chúng tôi rất mong muốn xây dựng một khối đại đoàn kết dân tộc. Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế. Còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng...
Nghe đâu vì những lời này mà có một số giáo dân đòi truất phế chức vụ Tổng Giám Mục của ông.
Tôi không biết gì nhiều về Đức Tổng, nhưng nếu người thế gian chỉ trích, bắt bớ ông như thế, vậy thì chắc là ông đang làm đúng. Nếu là 2000 năm trước đây, chắc người ta còn hô hào đóng đinh ông vào cây thập tự nữa là khác.
Mấy tuần vừa qua có nhiều sự xáo trộn trên thương trường của Hoa Hỳ. Thị trường Mỹ vừa trải qua một "cơn bão cấp 4" (ngôn từ của tờ Washington Post), chưa từng thấy trong lịch sử kể từ trận Đại Suy Thoái (The Great Depression) của thập niên 1930. Các cơ quan đầu tư khổng lồ của nền kinh tế thị trường như Lehman Brothers, Bear Stearns, Fannie Mae, Freddie Mac hoặc là đã suy sụp hoặc là đang trong cơn hấp hối, Merrill Lynch bị nuốt chửng bởi Bank of America, trong khi AIG đang tung chiêu "cầm nã thủ" của Cái Bang, xách bị xin tiền chính phủ để sinh tồn. Riêng Fannie Mae, đã từng được học giả Jim Collins đề cao là một trong những công ty đã đi từ Từ Tốt Đến Vĩ Đại dưới sự lèo lái của CEO David O. Maxwell vào thập niên 1980. Bài viết bên Bloomberg.com có tiêu đề "thiên tài của nền kinh tế tư bản bại hoại bởi sự điên rồ của nạn cho vay dưới mức lời chỉ định" (Capitalism's Genius Perverted by Subprime Madness).
Hồi xưa tôi có học một khóa về luật thương mại (MTHEL100), nên nay ngứa ngáy, ôn lại và cập nhật thêm ti tí về tình trạng phá sản (bankruptcy) của một doanh thương xem. Khi một công ty cổ phần (publicly traded company) đang trong tình trạng vỡ nợ (insolvent), ban giám đốc bất tín nhiệm, không còn khả năng điều hành nữa, thì tòa án sẽ can thiệp để bổ nhiệm một người tiếp quản (receiver) để phân phối tài sản trước khi giải thể công ty. Công ty nằm trong tình trạng này được gọi là "in receivership" (trong tình trạng tiếp quản). Hồi mới ra trường đi làm, tôi đã được nếm thử cái cảnh của một công ty đang trong tình trạng tiếp quản. Tình trạng conservatorship (bảo tồn)--tương tự nhưng nhẹ hơn receivership--dường như chỉ có trong nền luật pháp của Hoa Kỳ. Tòa án sẽ bổ nhiệm "người bảo tồn" để tạm thời tiếp quản công việc điều hành công ty, với hy vọng phục hồi lại công ty ấy và sau đó trả lại quyền "tự trị" cho công ty. Trong trường hợp của Fannie Mae, chào đời năm 1936 đã là một cơ quan quốc qua, được tư nhân hóa vào năm 1968. Bộ Tài Chính Hoa Kỳ hôm 7 tây vừa rồi đã bổ nhiệm FHFA làm cơ quan tiếp quản.
Có người hô hào cho rằng đây là một đòn lấy từ trang sách của chủ nghĩa xã hội, là phản tư bản. Thật ra nhiều nền kinh tế Tây phương--trong đó có Hoa Kỳ và Canada--từ đầu đã là những nền kinh tế hỗn hợp (mixed economy), pha trộn giữa kinh tế tư bản (kinh tế thị trường--market economy) và kinh tế xã hội (kinh tế trung ương--command economy). Lấy hệ thống trợ cấp xã hội (gọi là welfare hay social assistance) của Canada ra làm thí dụ: những người có công ăn việc làm thì đóng thuế; một phần của tiền thuế ấy được dùng vào việc trợ cấp cho những người không có công ăn việc làm--một hệ thống người khắm khá trợ giúp người khốn đốn. Từ quan điểm ấy, tôi thấy luận điểm của bài bình luận này--Don't Like Bailouts? Consider the Alternatives của Steven Pearlstein--nghe hay hay: việc chính phủ Hoa Kỳ cứu vớt Fannie Mae và Freddie Mac là một chiêu trợ cấp xã hội ở tầm vóc doanh nghiệp (corporate welfare). Đây là việc làm cần thiết, bởi nếu không làm vậy thì không những chỉ có một, hai công ty lớn bị phá sản, nhưng có thể toàn dân, và cả thể giới sẽ gặp nguy.
Nhắc đến việc vay nợ mua nhà, làm tôi nhớ, khoảng 5-6 năm trước đây, tôi có nghe trong cộng đồng người Việt ở đây, người ta hô hào cho nhau--thậm chí các nhân viên địa ốc còn công khai quảng cáo trên báo Việt--cái "mẹo" mua nhà với mức lời thấp và lại được khỏi phải trả tiền "đao" (down payment).
Có lẽ trong nhiều năm tới đây, thiên hạ sẽ vẫn còn oằn oại trong sự khó tin, "làm sao một sự tệ hại to tát như thế có thể xãy ra?"
Dĩ nhiên, sự kiện này sẽ xúc tác cho những chính sách mới trong hệ thống kinh tế Hoa Kỳ để tránh sự tái diễn.
Trong khi đó thì Thủ Tướng Stephen Harper tuần rồi đã tuyên bố: hệ thống tài chánh của Canada vẫn vững mạnh.
Đọc tờ tạp chí Maclean's, số ra ngày 29 tháng 9 năm 2008, vớ được trong quầy tính tiền của Wal-Mart hôm qua, thấy có bài viết, đề nghị rằng có thể đây là cơ hội cho các ngân hàng Canada nới rộng địa bàn hoạt động sang biên giới phương nam.
Hừm. Hết Hè, đang chuyển sang Thu (sẽ chính thức bắt đầu tại miền đông Bắc Mỹ vào ngày 23 tháng 9, 2008), trời bắt đầu lành lạnh, nên mình diện cớ để lười, định nghỉ đi xe đạp. Tuần này xách xe hơi đi làm được 1 tuần. Sáng nay ngủ dậy thì nghe tin, giá xăng tăng vọt 13¢/lít qua đêm, trở lại tình trạng gần đến $1.40/lít. Coi bộ phải cưỡi "ngựa hai bàn đạp" thêm một thời gian nữa, để trả đũa bọn vua dầu hỏa bóc lột người đi xe máy. Coi ai sẽ bị thiệt thòi thì biết!
Recent Comments