Sau một tuần ấm lạ thường (nhiệt độ cao nhất lên tới 19°C) kết thúc Mùa Đông 2010--hôm qua là ngày xuân phân--cuối tuần vừa rồi trời Toronto lạnh trở lại. Thứ Bảy đi dự tiệc sinh nhật của cu J--tụi nhóc được "thả giàn" một đêm, chơi khuya tới hơn 4h00 sáng mới đi ngủ. Đến chiều Chúa Nhật mới về. Tối, Tam Muội chạy xuống thăm.
Tối Thứ Bảy, ngồi "nhâm nhi" chai St. Remy, nghe/xem tụi nhóc hát Karaoke bài Bohenian Rhapsody, lần đầu tiên giật mình với lời nhạc u ám: "I sometimes wish I'd never been born at all" và "nothing really matters to me". Cảm giác nhất thời: khi một người có cảm giác ghê gớm vậy, không những lỗi do gia đình và môi trường, nhưng còn là lỗi do chính bản thân không tự nhận trách nhiệm với cuộc đời mà mình được ban tặng. Xã hội thật sự đang gặp tệ nạn, khi ta được nghe câu "Ông Trời thật sự thương yêu bạn, dù cho bạn có làm điều ghê gớm gì đi nữa", và lập tức cười chua chát đáp rằng "Đó chỉ là một sự giả dối". Vì bởi, nếu Ông Trời thật sự không thương ta, thì tất nhiên "nothing really matters" (mọi thứ đều là vô nghĩa). Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu trong vườn Gethsemane cũng vì lý do này.
Sáng nay, chở mẫu thân đi khám chuyên khoa mắt. Nghe bà tả rằng mắt bị xốn. Nghe bác sĩ nói bị trầy giác mạc (corneal abrasions).
Gần đây tôi bị thêm "chứng bệnh câm", không tha thiết "nhiều chuyện" nữa. Hy vọng đây là dấu hiệu của giai đoạn trải nghiệm sự "phó thác", hơn là gì gì khác.
Một đoạn từ tập phim hoạt hình Dante's Inferno: An Animated Epic (2010) (Chín tầng Địa Ngục của Dante), dựa trên thiên sử thi Divine Comedy của văn hào người Ý tên Dante Alighieri (1265-1321):
Câu hỏi mà những người đả kích đạo Thiên Chúa thường đặt ra: Tại sao một vì Thiên Chúa từ nhân lại nhẫn tâm trừng phạt con người đến đời đời kiếp kiếp nơi hỏa ngục? Có lẽ đoạn Thánh Kinh dụ ngôn về Người Con Hoang Đàng (The Prodigal Son, Luca 15:11-31) sẽ giúp giải thích phần nào. Chuyện kể về người con thứ hai, xin cha chia gia tài, rồi rời xa quê đi chơi bời tận hưởng. Khi trắng tay, khốn khổ cùng cực, thì mới hiểu được "đạo", bèn quay về xin lỗi cha, xin được nhận làm người làm mướn cho cha để có cơm ăn. Người Cha không những không trách mắng, mà còn ôm choàng lấy con, cho đeo nhẫn kế thừa, cho mang giày trong khi những người làm phải đi chân không, và mở tiệc linh đình ăn mừng người con đã trở về bình an vô sự. Trong dụ ngôn này, Người Cha ấy chính là Chúa, và người con hoang đàng là những ai sống ngược với điều răn rất đơn giản của Ngài, là "mến Chúa, yêu người".
Thử tưởng tượng, nếu người con thứ kia đã không được bình an trở về, mà ngược lại, trong lúc ăn chơi sa đọa, không may anh ta bị thiệt mạng, thì đó có phải do lỗi của người Cha không, hay là do quyền tự do chọn lựa của người con ấy dẫn đến hậu quả chết chóc? Dó là cái chết của xác thịt; Sự đọa đày nơi hỏa ngục là cái chết của linh hồn, dù rằng linh hồn là một thứ bất diệt.
Cha không thiếu sự kiên nhẫn, kiên nhẫn mời gọi, và rồi kiên nhẫn chờ đợi đến khi tôi trở về nhà Cha. Cha không ép buộc tôi phải trở về. Nhưng, đến một lúc nào đó, thời hạn của tôi sẽ chấm dứt.
Thứ Sáu: Trời mưa dầm dề, bắt đầu từ tối Thứ Năm và không dứt mãi đến sáng Chúa Nhật, lần nữa gợi cảm rằng phải chăng Giáo Hội đã nhớ lầm ngày Chúa Giêsu tử nạn?
Thứ Bảy: Đưa mẫu thân tôi đi bác sĩ, khám chứng chóng mặt, sẵn dịp "khám" "ké" cho cái đầu tôi--mấy hôm trước đau mé phải, nay đau phía sau. Ông bác sĩ hỏi hoa loa mấy câu, đại khái là gần đây có bị stress gì không, v.v..., xong rồi định cho toa thuốc. Tôi hỏi, đây là thuốc trị hết hay chỉ là thuốc giảm đau. Ông bảo, là thuốc giảm đau. Tôi nói, vậy thì thôi xin khỏi cho toa, tuy đau nhưng không đau lắm, tôi chịu đựng được; chắc là viêm xoang nhẹ thôi. Ông bảo, vậy để xem trong vòng 5 ngày, nếu không hết thì đi khám lại để chụp x-quang.
Chúa Nhật: Sáng nay bị thiếu ngủ một giờ (do hiện tượng Tiết Kiệm Ánh Sáng Ban Ngày). Ăn sáng/trưa xong, chở mẫu thân đi dạo Pacific Mall. Mấy tháng nay, trong tuần bà đi làm, cuối tuần bà đi "công chuyện", nên hai mẹ con ít có dịp cùng đi dạo chơi. Tôi vẫn có cảm giác, bà vẫn không bộc lộ tâm sự được khi nói chuyện với tôi, so với khi nói chuyện với hai thằng em tôi. Có người bảo tôi khó tính. Chắc mẹ tôi cũng nghĩ vậy. Người ta chỉ cho rằng tôi khó tính vì họ không hiểu tôi. Nhất thời, chỉ muốn nói rằng sự hy vọng của tôi hồi tháng rồi hoàn toàn không uổng phí tí nào.
Tình cờ bắt được, nên tôi ráng thức khuya để xem đài truyền hình Salt-and-Light tái chiếu Thánh Lễ do ĐHY William Nevada (Bộ Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin của Vatican) làm chủ tế tại Nhà Thờ Đức Bà ở Ottawa. Lễ vừa mới kết thúc. Trích đoạn từ Bài giảng của ngài:
Ý tưởng về bí tích Công Giáo dạy ta rằng điều phi thường chỉ nằm ở bên ngưỡng cửa của sự tầm thường. Sự khoe khoang tự hào nhất của nhân loại là một trinh nữ vô danh của thành Nazareth. Vị Chúa Tể Càn Khôn nằm trong máng lừa nơi Bethlehem. Sự cứu rỗi của toàn thế giới được thực hiện giữa hai tên ăn trộm. Chúa Phục Sinh đến với ta trong những nguyên tố thấp hèn của bánh mì và rượu nho. Quyền năng tha tội được ủy thác nơi những người vốn đã mắc tội. Đây chính là sự quy mô của bí tích, mà trong đó điều phi thường được hoàn thành bởi phương thức rất tầm thường.
[The Catholic sacramental imagination teaches us what Naaman had to learn, namely that the extraordinary lies just on the other side of the ordinary. The proudest boast of the human race is an unknown virgin of Nazareth. The Sovereign Lord of the universe lies in manger in Bethlehem. The redemption of the whole world is accomplished between two thieves. The Risen Lord comes to us in the humble elements of bread and wine. The divine power to forgive sins is entrusted to sinful men themselves. This is the sacramental economy, in which the most extraordinary things are accomplished in the most ordinary way.]
Chúa không ngừng mời gọi ta đến dự bàn tiệc của Ngài, mặc dầu ta liên tục khước từ. Tôi vốn mơ hồ rằng mình hiện đang mang trên vai hai sứ mạng: 1) chữa mình, 2) chữa người. "người" ở đây mang hàm ý trước tiên là những người thân yêu của tôi. Sứ mạng phi thường thật. Phương thức tầm thường nào có thể giúp tôi đây? [thở dài]
Sáng Thứ Ba ngủ dậy thấy lừ đừ, lại thấy trời ấm áp nên chán đi làm, viết thư vào công ty báo "bệnh", rồi cúp cua đi dạo mát ngoài trời. Chiều về bị nhức đầu cho tới bây giờ. Trời phạt tội nói láo. Viêm xoang chăng? Chỉ có nhức đầu, không xổ mũi, không sốt. Chờ vài ngày nữa xem, nếu không bớt thì đành phải vác xác vào trình diện bà bác sĩ để nghe giảng: "mình bệnh, có tiền thì mua thuốc uống; còn người ta bệnh, không tiền, thì để từ từ cũng hết bệnh thôi!"
Tối hôm kia nốc hai viên Tylenol 500, thấy đỡ. Sáng hôm sau thì đau lại, định nốc thêm hai viên nữa nhưng nghĩ lại--hễ cứ đau tí là uống thuốc chỉ để làm giảm đau, mãi rồi khả năng chịu đau của mình chẳng còn gì nữa, biến mình thành tên nhu nhược--bèn thôi không uống nữa. Tôi cần tập chịu đựng cái đau, thay vì luôn tránh né nó.
Tôi mới về đến nhà hồi 01h00, từ nhà của tam đệ tôi. Mấy đứa nhóc đã tháp tùng với Chú Ba và Bà Nội nó về trước lâu rồi, còn tôi (và tam đệ) bị nguyên chai WhiskyAbsolut Vodka "hành" đến 00h30 tôi mới đủ tỉnh táo để lái xe. Trưa nay (trưa Chúa Nhật) tôi đã lên nhà "ăn Tết muộn" với nó. Bà xã nó và bé T đã về VN chơi--"vắng chủ nhà thì gà mọc đuôi tôm" mà.
Hôm qua, đọc đi đọc lại Kinh Ăn Năn Tội trong lúc cầu nguyện trước thánh lễ, lần đầu tiên trong đời, tôi chợt lưu ý đến câu này, tạo nên chút nhiễu loạn trong lòng: "Chúa đã dựng nên con, và cho Con Chúa ra đời chịu nạn chịu chết vì con".
Phải hiểu thế nào nhỉ? Rằng Chúa Cha là Đấng đã dựng nên tôi sao, trong khi Thánh Kinh (Gioan 1:3) lại có chép rằng chính Ngôi Lời mới là Đấng tác tạo nên muôn vật hữu hình và vô hình.
À, tôi hiểu rồi. Có thể nào hiểu theo bối cảnh của công nghệ xây dựng địa ốc, cũng như công nghệ phát triển phần mềm máy vi tính? Có lẽ Chúa Cha là thiết kế gia (chief architect), trong khi Chúa Con là vị kỹ sư (engineer) thi hành theo kế hoạch dự án. Và như thế, câu kinh "Chúa đã dựng nên con" không phải là phủ nhận công việc tác tạo của Ngôi Lời, mà là xác nhận sự tiên khởi của việc tác tạo ấy, phát xuất từ vị Kiến Trúc Sư của Sự Sống là Chúa Cha, cùng hành động tác tạo của Chúa Con, hiệp thông với phép lực của Chúa Thánh Thần, là "công cụ" ban sự sống.
Thế là đã bớt nhiễu loạn phần nào. Tuy nhiên, đọc phiên bản Anh ngữ--Act of Contrition--không thấy có câu nào tương ứng với câu "Chúa đã dựng nên con, và cho Con Chúa ra đời chịu nạn chịu chết vì con" trong bản kinh Việt ngữ cả:
O my God, I am heartily sorry for having offended You and I detest all my sins, because I dread the loss of heaven and the pains of hell, but most of all because they offend You, my God, who are all good and deserving of all my love. I firmly resolve, with the help of Your grace, to confess my sins, to do penance and to amend my life. Amen.
(Lạy Chúa con! Con ăn năn vô cùng vì đã xúc phạm đến Chúa, cùng chê ghét mọi tội con. Vì con khiếp sợ sự đớn đau nơi hỏa ngục, và sợ mất sự sống đời đời trên thiên đàng, nhưng trên hết là vì con đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa, là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng, thật xứng đáng để cho con kính mến. Nên con dốc lòng chừa cải, và nhờ ơn Chúa, thì con sẽ sốt sắng tuyên xưng tội lỗi mình đã phạm, cùng làm việc đền tội, hầu cải thiện cuộc đời con. Amen.)
Hôm nay là Lễ Tro. Sáng nay trên đường đi làm, lần đầu tiên tôi ghé viếng Thánh Ambrose trên đường Browns Line, rất gần chỗ tôi làm việc. Khi xưa Thánh Ambrose đã từng dẫn đường cho Thánh Âu Tinh ra khỏi chốn sa đọa, thì nay tôi cũng xin ngài soi đường cho tôi đi. Nhà thờ đã hành lễ hồi 8h00 sáng. Khi tôi đến thì thánh đường vắng tênh, chỉ có tôi, Thánh Ambrose, và Chúa. Hương vị trong ngôi thánh đường này làm tôi nhớ đến phòng trọ của tôi hồi thời học Đại Học.
Tối nay nhà thờ Thánh Cecilia của Cha Tập sẽ làm lễ vào 19h15, hy vọng tôi sẽ về kịp để dự.
Kinh ăn năn tội
Lạy Chúa! Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng. Chúa đã dựng nên con, và cho Con Chúa ra đời, chịu nạn chịu chết vì con, mà con đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa, thì con lo buồn đau đớn, cùng chê ghét mọi tội con trên hết mọi sự. Con dốc lòng chừa cải, và nhờ ơn Chúa, thì con sẽ lánh xa dịp tội, cùng làm việc đền tội cho xứng. Amen.
Ơn Trời đến như một cơn chớp. Đúng là chỉ có nhờ ơn Trời (Hồng ân Thiên Chúa, the grace of God) thì tôi mới có thể biết làm thế nào để "đền tội cho xứng" mà thôi.
Tôi lại nhớ rằng, tôi cầu nguyện không phải để Chúa thay đổi người khác, nhưng là để thay đổi chính bản thân tôi. Tôi cũng cầu nguyện để xin ơn rỗi cho các linh hồn đã quá cố, bởi chính bản thân họ giờ đây không còn làm được việc ấy nữa.
Ngôi Hai giáng trần là vì để cứu chuộc tội tình của chúng tôi, tội tình vốn bắt nguồn nơi tổ tiên loài người từ ngàn xưa, đã thấm ngầm vào xương tủy như một cơn bệnh AIDS, và từ đấy, đã sanh đẻ ra muôn vàn cơn bệnh khác.
Khi xưa, tôi được rửa tội là để được tha tội di truyền từ tổ tiên, vì bởi chỉ có Ông Trời Con mới đủ thẩm quyền tha thứ tội này, mà Ngài cũng đã chẳng tha tội xuông, mà đã phải gánh lấy tội ấy trên vai mình, là việc Ngài đã phải làm để duy trì sự công chính trong Đức Chúa Cha. Nghịch lý lắm thay, khi sự cứu chuộc ấy, một bên là buộc phải là như vậy, đồng thời lại là sự chọn lựa tự do của Ngôi Lời, tự do trong sự vâng phục hoàn toàn đối với Đức Chúa Cha, và trong sự hết mực thương yêu kẻ tội lỗi như tôi, và tổ tiên tôi, là những tạo vật do chính tay Ngôi Lời đã tạo thành.
Tôi được rửa tội cũng để nhờ lời dạy và các bí tích của Chúa mà tôi sẽ lánh xa, và nếu không thể lánh xa thì vẫn có sức kháng cự lại dịp tội, nhờ sức mạnh của Ngôi Lời và của Đức Thánh Linh. Tội tổ tông đã được tha, nhưng tôi đã và đang thất bại trong sự kháng cự. Tôi thất bại chỉ vì tôi chối từ Chúa, bằng cách này hay cách khác. Concupiscence là bản tính, là khuynh hướng, là sự thôi thúc muốn hành động theo sở thích cá nhân. Có lẽ suốt cả kiếp người này, tôi vẫn sẽ còn thất bại, sẽ còn vấp ngã dài dài bởi sự thôi thúc trái ngược ấy. Thế cho nên tôi không chỉ "xin ơn lánh xa dịp tội", mà còn xin mỗi khi sa ngã vì tội, tôi sẽ còn đủ nghị lực và sự khiêm cung để trỗi dậy và tiếp tục đi, cho dù mỗi lần trỗi dậy là mỗi lần chấp nhận lãnh thêm một vết thương trên chặn đường sắp tới. Và với ý niệm này, tôi cảm giác rằng con đường tôi đang đi không phải là con đường sai (mặc dù đôi lúc tôi không khỏi ngờ vực), mà là con đường phải đi. Ở một mức độ nhỏ bé nào đó, có thể nó là "con đường thương khó" mà Chúa đã dành cho tôi.
Thứ Sáu: Sáng trước khi đi làm, mẫu thân thông báo, xác nhận nỗi e ngại của tôi hồi tháng rồi. Không tả nổi nỗi buồn, cùng sự bất lực, nhưng vẫn hy vọng trong sự lạc quan.
Thứ Bảy: Sáng, tôi gọi điện nói chuyện với nhị đệ, đột xuất rủ tụi nó lên Toronto chơi. Nó bảo chiều sẽ trả lời. Trưa đến, mẫu thân đi hát văn nghệ ở hội chợ tết Hamilton, rủ tôi đi cùng. Bà nói bà phải đi trước để tập dợt, tôi sẽ đi sau. Một giờ đồng hồ sau, bà gọi về nhờ làm đem dùm bà một ly trà giá để uống cho thanh cổ họng. Chiều, lái xe 1h đồng hồ, lên đến Hamilton đã gần 18h30, đưa mẫu thân ly trà giá, ăn được một hộp bê thui tại gian hàng hội chợ, rồi lái xe quay đầu về. Tối, bọn nhị đệ đến nơi lúc 20h00. Chợ Tầu đã đóng cửa ăn Tết. Không kịp mua đồ nấu lẩu, tôi chỉ kịp vớ lấy thùng Heineken trên đường từ chợ về. Hai anh em ngồi uống bia, nhấm chả cá chiên, đến 22h00. Tôi xách xe chạy trở lên Hamilton rước mẫu thân. Về tới nhà thì đã qua giao thừa, tụi nhóc đã ngủ hết, chỉ còn nhị đệ thức. Mẫu thân tôi mệt, nói chuyện hoa loa tí rồi cũng đi ngủ luôn.
Chúa Nhật: Sáng, "hộ tống" tụi nhóc đi Woodbine Fantasy Fair chơi. Chiều về, ghé chợ mua đồ về nấu nồi lẩu đồ biển. Bọn nó định ăn chiều xong rồi về--tôi biết chúng nó tới nhà Bác Hai chơi rất chán, bởi chẳng có trò gì để giải trí--nhưng tôi mừng vì sau khi nhâm nhi tới tối, tụi nó quyết định ở lại chơi một đêm nữa. Ba Nó với Bác Hai ngồi xem Vân Sơn 43, xem Thế Vận Hội Mùa Đông ở Vancouver, đến 2 giờ sáng mang nồi lẩu còn lại ra hâm lên tém sạch, xong thì rút lều, đi ngủ.
Thế là xong ba ngày lễ, xong ba ngày Tết trơ trọi. Trước khi tụi nhóc ra về, Bác Hai hứa với nó lần sau sẽ mua vài món "trò chơi trí tuệ" như Mini Scrabble cho tụi nó tiêu khiển, kẻo chúng nó cứ mê chơi vi tính và chơi điện tử miết.
Đêm qua không hiểu đã nằm ngủ theo tư thế làm sao, mà sáng dậy thấy đau cổ họng (phía dưới quai hàm bên trái). Nuốt nước miếng thấy đau, ách-xì thì càng đau dữ tợn. Chiều đi khám thử thì bác sĩ bảo bị viêm (sưng), cho toa thuốc kháng sinh. Tưởng gì, té ra lại là kháng sinh. Dẹp qua một bên, chờ vài ngày xem tự nó có bớt không đã.
Tôi hôm qua thấy phụ thận tôi phản hồi cho bài Không nên quên, nhưng cũng không nên hận thù. Tôi đã gởi bài này cho ông đọc (và không ân hận đã làm vậy), và đã trải qua hơn hai ngày mới thấy ông chính thức hồi âm, chứng tỏ những gì ông viết không phải là sự bực tức nhất thời mà là có suy luận chín chắn, mặc dầu ông đã hiểu sai trầm trọng những ý tưởng trong bài viết của tôi. Để đó, chờ khi nào cảm xúc bớt giao động rồi sẽ hồi âm.
Tối hôm qua mẫu thân tôi đi Chùa về, đem về cho tôi mấy cái bánh ít và nhắc tôi lúc xưa Nội tôi hay làm bánh ít, nhất là vào dịp Tết. Mẹ chua thêm: "Hình như ông bà nội [con] chưa đầu thai, dạo này [Mẹ] hay nằm mơ thấy ông bà đang ở trong nhà này." Tôi nửa đùa với mẫu thân rằng nếu thật vậy thì tôi đây quả là có phước, có được ông bà trú ngụ để trông nom cho tôi.
Tôi lấy sự kiện trên làm lời nhủ: lúc cầu nguyện, không những cầu cho người sống mà như đã chết (i.e. tôi) mà còn nên cầu cho những người tuy đã chết, nhưng hãy còn đang sống trong tôi. Tôi tưởng tượng khi mình đang cầu nguyện, thì họ đang hiện về ngồi quanh bên tôi. Chúng tôi là những kẻ đang chết, cùng hướng về Chúa và cầu mong được sự cứu rỗi, nhờ sự cầu bầu của Đức Mẹ và các thánh--hội thánh thông công.
Hôm nọ, có bạn nhận xét rằng sao thấy dạo này tôi viết nhiều về tâm linh. Khi con người cảm thấy thế giới bên ngoài thiếu vắng sự cảm thông, tự nhiên người ta hướng nhiều về nội tâm. Phần tôi, khi hướng về nội tâm, tôi hay đi tìm Ông Trời, như để tìm sự an ủi thầm lặng, hằng có, và muôn đời không đổi thay. Nỗi đau đớn cho tôi là, dường như Người Cha Trên Trời ấy cũng đang thì thầm nói với tôi rằng: Con sai rồi.
Lâu rồi tôi không cầu nguyện (lần rồi đọc kinh cầu nguyện là vào dịp giỗ Bà Nội tôi). Tuy mỗi tối đặt lưng xuống giường, đặt tâm suy ngẫm vài ba phút về những khuyết điểm của mình, nhưng đó chẳng đáng để gọi là cầu nguyện. Tối hôm Thứ Tư rồi, đứng trong bóng đêm khuya vắng trước bàn thờ, đột nhiên tôi muốn quì xuống để cầu nguyện. Tôi quì, chắp tay, lặng thinh cầu, nhưng tâm tư thấy trống rỗng, tôi chợt nhận ra mình đã quên làm sao để cầu nguyện.
Thánh Gioan Thánh Giá đã từng viết về Đêm Tăm Tối của Linh Hồn. Dường như tôi đang trải qua giai đoạn này. Chứng tỏ rằng mặc cho những gì tôi đã học và hiểu được, hạt giống đức tin của tôi vẫn chưa bám sâu vào lòng đất Chúa cho lắm, khiến lòng dễ bị giao động. Thánh Âu Tinh nói, "hồn tôi không yên nghỉ, cho đến khi nào nó nghỉ yên trong Chúa tôi." Quả thật, linh hồn tôi đang thổn thức. Cũng có thể nói là nó đang hấp hối. ĐTC Biển Đức XVI đã viết trong Niềm Vui Khi Được Biết Chúa Cứu Thế: "Chúng ta không cần sợ vấp ngã, bởi khi ta vấp ngã, ta sẽ ngã vào tay Chúa." Nhưng tôi sợ. Tôi sợ sẽ lọt qua kẽ tay Chúa, bởi trong thâm tâm, tôi thấy rằng mình vẫn chưa trọn vẹn hiệp nhất với Chúa. Thánh Gia-cô-bê đã từng viết: "Đức tin thiếu thực thi thì đức tin chết". Thực thi ở đây bao gồm hai ý nghĩa: 1) hành động giúp ích cho bản thân; và 2) hành động giúp ích cho thế nhân.
Bài viết này khởi đầu cho đợt "ngâm cứu" về tỉnh tâm Linh Thao (Spiritual Exercises) của Thánh Y Nhã (Ignatius of Loyola) mà tôi đang chuẩn bị dấn mình vào. Linh Thao và Lectio Divina có thể nào sẽ là cứu cánh cho tôi chăng.
Đi tìm sự thỏa mãn khao khát tâm linh, nhưng vẫn luôn ý thức bổn phận mình với đời.
Vừa tiễn chân đám của Nhị Đệ tôi về, tôi quay vào nhà, dọn dẹp chén bát, cho vào máy rửa chén, bật nút cho máy khởi động, xong thì rót cho mình ly cuối cùng của chai Dubonnet (quà của Tam Đệ tôi biếu vào dịp Tết Tây), leo thang lầu lên văn phòng ngồi ghi nhật ký, đầu óc lâng lâng như thể mình đang say.
Hôm nay đám của Nhị Đệ tôi lên Toronto để đi xem Hội Chợ Tết Cộng Đồng của Hội Người Việt Toronto (có mẫu thân tôi đi cùng, và "nghe đồn" là vé vào cửa của tụi nó do phụ thân tôi "đài thọ"). Tôi không có đi. Và tụi nó do chán hay sao đó mà mới hơn 16h00 đã ra về. Trong khi đó, tôi chạy lên quán Thế Kỷ tậu một nồi lẫu thập cẩm, gọi điện cho Tam Muội tôi tháp tùng xuống chơi. Lai rai tới gần 20h00, phụ thân tôi "ra lệnh" gọi về cho thằng em tôi, tên tục là D, con của Ngũ Cô tôi, bắt nó lên mạng để cho ông có lời dặn. Gặp mặt được Cửu Thúc, được tin từ D rằng nó đã nối mạng cho nhà ông (sát vách với nhà nó).
Hồi tôi về VN năm 2005, Cửu Thúc đã tỏ ý muốn nối mạng cho cái máy tính xách tay của ông, nhưng tôi lại lu bu không làm được cho ông. Mãi tới Nô-en vừa rồi Nhị Đệ và tôi mới thuyết phục được D để nó lắp một cái máy router cho mạng ADSL của nhà nó, cho ông chú tôi (cũng là cậu của nó) "xài ké". Từ nay tha hồ cho ông mò mẫm. Đầu tiên là ông muốn nâng cấp cái mái xách tay, đã có ít nhất 5 năm tuổi. Cửu Thúc vẫn là cửu thúc, vẫn thích mậy mọ máy móc như ngày nào. Nhưng chắc là tôi "nâng cấp" cho ông một cái máy mới, sẽ ít tốn kém hơn là hướng dẫn ông mua các bộ phận mới để nâng cấp CPU cho máy cũ.
Chiều Thứ Hai tuần rồi, trên đường đi làm về, nghe tin vụ động đất mức 7.0 ở Haiti trên đài CBC. 7.0 đâu phải tệ, nhưng nghe giọng thuyết trình không thiên vị của cô xướng ngôn, nghe như chẳng phải chuyện gì to tát. Mãi tới Thứ Năm, lần nữa qua đài phát thanh CBC, khi nghe giọng nói đẫm lệ của một cô gái khi nói về người mẹ bị thất lạc bên đó, tôi mới suýt khóc theo.
Về mặt thương vong: 200,000 trong số 1 triệu dân, trong đó có Đức Tổng Giám Mục giáo phận Port-au-Prince, Joseph Serge Miot.
Về mặt cộng đồng, trận thiên tai này chứng kiến tình nhân loại đổ ra ở mức độ nhanh chưa từng thấy của cộng đồng thế giới đối với một quốc gia nghèo nhất châu Mỹ, và cũng là một trong số quốc gia có nạn tham nhũng cao nhất thế giới. Thắc mắc: không biết việc Nữ Toàn Quyền đương nhiệm của Canada là người gốc Haiti có phải là một nguyên do? Liên tưởng: nếu Việt Nam được thế giới ủng hộ thế này khi gặp nạn thiên tai thì người dân đỡ khổ biết là bao. Thắc mắc: Về mặt này, không biết chính quyền có phải là chướng ngại hay không.
Về mặt khoa học, tại sao tiên đoán động đất vẫn còn là một bài toán chưa có phép giải? Vũ trụ/thiên văn học, Dịch học có giúp ích gì được không?
Về mặt tâm linh, thiên tai lần nữa gợi lên nghi vấn: tại sao Ông Trời nhẫn tâm để nhân loại chịu khổ? Và rồi, người lạc quan dĩ nhiên sẽ nghĩ rằng: trong những lúc này, Ông Trời đang khóc nhiều hơn con người; và rằng: trong khổ đau, Ông Trời sẽ đem lại sự tốt lành mới (chí ít, sự thể hiện tình thương người-với-người là bằng chứng). Mà qua gương khổ đau của Ông Trời Con, Ngài dường như muốn nói với nhân loại rằng: đừng tuyệt vọng, bởi chính ta đã và đang đồng hành cùng các con trong sự khổ đau này.
Trưa nay đọc thư, thấy phụ thân tôi quở trách rằng sao tôi lại bắt mẫu thân tôi lo lắng quá sức. Thì ra bà đã mách với ông rằng bà ở với tôi còn mệt hơn ở một mình. Ngay từ đầu, tôi đã đùa ngoài miệng với mọi người rằng tôi muốn bà về ở chung với tôi vì bởi tôi cần bà nuôi cơm nước, nhưng dụng tâm của tôi hiển nhiên là để cho bà bớt gánh nặng trang trải, để bà rãnh tâm lo toan cho việc khác. Nay thấy mẫu thân thốt lên lời kia thì có nghĩa là dụng tâm của tôi đang thất bại.
Tôi hiểu rõ dụng ý chính của mẫu thân không phải là trách móc tôi, mà là để kỳ vọng vào một việc khác. Nhưng, lòng không khỏi ngấn lên một nét buồn, khi thấy mình bị dùng làm "con cừu dê tế thần" như thế. Tôi cần nên cam tâm, mong rằng mẫu thân sẽ đạt được ý nguyện.
Recent Comments