CDK Xem những diễn biến sau cùng của vụ án Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung, nghe hai vị này thú tội vi phạm Điều 79 của Bộ Luật Hình Sự nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, thử tìm hiểu xem luật ấy nói gì:
Điều 79. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân
Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân
dân, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm
trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình;
2. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
Điều 4 của Hiến Pháp nước CHXHCNVN:
Điều 4
Đảng cộng sản Việt Nam ... là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Có lẽ đúng như lời chứng của LS Lê Công Định trước phiên tòa:
Luật pháp và hiến pháp của Việt Nam đã quy định và bảo vệ quyền lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng Sản Việt Nam....Cho nên, những lời kêu gọi đa nguyên đa đảng mặc nhiên là muốn thay đổi thể chế chính trị Việt Nam hiện nay. Và những tổ chức nào chủ trương đa nguyên, đa đảng thì đương nhiên là vi phạm Điều 79 của Bộ Luật Hình Sự.
So sánh với Luật Hình Sự ở Canada, "lật đổ chính quyền" được ghép vào phạm vi của tội phản quốc (
Bộ Luật Hình Sự Canada, Phần II, Điều 46)":
Phản Quốc
(2) Một cá nhân phạm tội phản quốc ở Canada là người,
(a) sử dụng vũ lực hoặc bạo lực với mục đích lật đổ chính quyền Canada hay của một tỉnh bang; hoặc
...
(c) âm mưu với bất kỳ người nào để ... làm bất cứ điều gì đã đề cập tại khoản (a); hoặc
(d) hình thành một ý định làm điều gì đó có tính cách ... đã đề cập tại khoản (a), và biểu hiện ý định đó bằng một hành động công khai;
...
Điều cần lưu ý rằng việc "lật đổ chính quyền" phải có liên quan tới vũ lực mới phạm pháp. Hồi tháng 12 năm ngoái, ba đảng Tự Do, Tân Dân Chủ, và Khối Québecois định hợp lực nhau lật đổ chính quyền của Thủ Tướng Stephen Harper--một việc làm hoàn toàn hợp pháp ở Canada. Mục tiêu thất bại khi chủ tịch đảng Tự Do quyết định ủng hộ chính sách của Thủ Tướng vào giờ chót.
Trở lại vụ Lê Công Định, lời chứng của LS Định trước tòa án không khỏi gây thất vọng và khó hiểu, nếu không muốn nói Lê Công Định hóa ra từ trước tới nay chỉ là một con cờ của chính quyền Việt Nam để răn đe những kẻ khác. Hiển nhiên, với tư cách một luật sư, bác Định đã thừa hiểu về Điều 79 khi dấn thân vào Đảng Dân Chủ. Nhưng, như Nguyễn Tiến Trung đã có lần nêu lên: Lập đảng hội đâu có phạm pháp. Và lập đảng hội để kêu gọi dân chủ và một xã hội đa nguyên, đâu hẳn là một âm mưu lật đổ chính quyền. Nếu có thì chẳng qua đó là quyết định của nhân dân qua việc bầu cử, chứ đâu phải trực tiếp do đảng phái ấy cưỡng ép chính quyền, bởi trong thể chế đa đảng, người ta lại có thể bầu chọn cho đảng Cộng Sản được cầm quyền kia mà.
Sự việc thật sự to tát hơn một cá nhân Lê Công Định hay một Nguyễn Tiến Trung nhiều. Đành rằng mọi hoạt động chính trị đều phải nằm trong khuôn khổ của luật pháp. Nhưng nếu mọi hoạt động nhằm khuyến khích tu bổ luật pháp đều bị cho là phạm pháp thì còn nghĩa lý gì nhỉ? Bác là người đang nắm độc quyền điều hành. Tôi mới chỉ van nài với bác vì lợi ích cho nhân viên và cho cả tập đoàn để đối diện với ngoại bang, hãy cho phép người khác có được cơ hội điều hành. Thế là bác tống giam tôi với tội quấy phá hành chính. Tôi có nên nản lòng không?
Nếu tôi thật sư tha thiết với dân tộc tôi, nếu tôi thật tin tưởng ở sự hữu ích cho nhân dân bởi một thể chế đa nguyên đối lập (adversarial process), nếu tôi không hề có ý gây "nợ máu" của đồng bào tôi, và nếu tôi có thừa lòng kiên nhẫn, thì tại sao tôi phải nản lòng? Ngược lại, nếu bác khăng khăng ôm cái Hiến Pháp của bác và cho đấy là bất di, bất dịch, thì có thể bác sẽ bị trào lưu tiến hóa của nhân loại bỏ lại sau lưng.
Câu hỏi sau chót: âm mưu lật đổ chính quyền thật chỉ vỏn vẹn có bốn mạng vậy sao?
Recent Comments