Sau một tuần ấm lạ thường (nhiệt độ cao nhất lên tới 19°C) kết thúc Mùa Đông 2010--hôm qua là ngày xuân phân--cuối tuần vừa rồi trời Toronto lạnh trở lại. Thứ Bảy đi dự tiệc sinh nhật của cu J--tụi nhóc được "thả giàn" một đêm, chơi khuya tới hơn 4h00 sáng mới đi ngủ. Đến chiều Chúa Nhật mới về. Tối, Tam Muội chạy xuống thăm.
Tối Thứ Bảy, ngồi "nhâm nhi" chai St. Remy, nghe/xem tụi nhóc hát Karaoke bài Bohenian Rhapsody, lần đầu tiên giật mình với lời nhạc u ám: "I sometimes wish I'd never been born at all" và "nothing really matters to me". Cảm giác nhất thời: khi một người có cảm giác ghê gớm vậy, không những lỗi do gia đình và môi trường, nhưng còn là lỗi do chính bản thân không tự nhận trách nhiệm với cuộc đời mà mình được ban tặng. Xã hội thật sự đang gặp tệ nạn, khi ta được nghe câu "Ông Trời thật sự thương yêu bạn, dù cho bạn có làm điều ghê gớm gì đi nữa", và lập tức cười chua chát đáp rằng "Đó chỉ là một sự giả dối". Vì bởi, nếu Ông Trời thật sự không thương ta, thì tất nhiên "nothing really matters" (mọi thứ đều là vô nghĩa). Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu trong vườn Gethsemane cũng vì lý do này.
Sáng nay, chở mẫu thân đi khám chuyên khoa mắt. Nghe bà tả rằng mắt bị xốn. Nghe bác sĩ nói bị trầy giác mạc (corneal abrasions).
Gần đây tôi bị thêm "chứng bệnh câm", không tha thiết "nhiều chuyện" nữa. Hy vọng đây là dấu hiệu của giai đoạn trải nghiệm sự "phó thác", hơn là gì gì khác.
Một đoạn từ tập phim hoạt hình Dante's Inferno: An Animated Epic (2010) (Chín tầng Địa Ngục của Dante), dựa trên thiên sử thi Divine Comedy của văn hào người Ý tên Dante Alighieri (1265-1321):
Câu hỏi mà những người đả kích đạo Thiên Chúa thường đặt ra: Tại sao một vì Thiên Chúa từ nhân lại nhẫn tâm trừng phạt con người đến đời đời kiếp kiếp nơi hỏa ngục? Có lẽ đoạn Thánh Kinh dụ ngôn về Người Con Hoang Đàng (The Prodigal Son, Luca 15:11-31) sẽ giúp giải thích phần nào. Chuyện kể về người con thứ hai, xin cha chia gia tài, rồi rời xa quê đi chơi bời tận hưởng. Khi trắng tay, khốn khổ cùng cực, thì mới hiểu được "đạo", bèn quay về xin lỗi cha, xin được nhận làm người làm mướn cho cha để có cơm ăn. Người Cha không những không trách mắng, mà còn ôm choàng lấy con, cho đeo nhẫn kế thừa, cho mang giày trong khi những người làm phải đi chân không, và mở tiệc linh đình ăn mừng người con đã trở về bình an vô sự. Trong dụ ngôn này, Người Cha ấy chính là Chúa, và người con hoang đàng là những ai sống ngược với điều răn rất đơn giản của Ngài, là "mến Chúa, yêu người".
Thử tưởng tượng, nếu người con thứ kia đã không được bình an trở về, mà ngược lại, trong lúc ăn chơi sa đọa, không may anh ta bị thiệt mạng, thì đó có phải do lỗi của người Cha không, hay là do quyền tự do chọn lựa của người con ấy dẫn đến hậu quả chết chóc? Dó là cái chết của xác thịt; Sự đọa đày nơi hỏa ngục là cái chết của linh hồn, dù rằng linh hồn là một thứ bất diệt.
Cha không thiếu sự kiên nhẫn, kiên nhẫn mời gọi, và rồi kiên nhẫn chờ đợi đến khi tôi trở về nhà Cha. Cha không ép buộc tôi phải trở về. Nhưng, đến một lúc nào đó, thời hạn của tôi sẽ chấm dứt.
Thứ Sáu: Trời mưa dầm dề, bắt đầu từ tối Thứ Năm và không dứt mãi đến sáng Chúa Nhật, lần nữa gợi cảm rằng phải chăng Giáo Hội đã nhớ lầm ngày Chúa Giêsu tử nạn?
Thứ Bảy: Đưa mẫu thân tôi đi bác sĩ, khám chứng chóng mặt, sẵn dịp "khám" "ké" cho cái đầu tôi--mấy hôm trước đau mé phải, nay đau phía sau. Ông bác sĩ hỏi hoa loa mấy câu, đại khái là gần đây có bị stress gì không, v.v..., xong rồi định cho toa thuốc. Tôi hỏi, đây là thuốc trị hết hay chỉ là thuốc giảm đau. Ông bảo, là thuốc giảm đau. Tôi nói, vậy thì thôi xin khỏi cho toa, tuy đau nhưng không đau lắm, tôi chịu đựng được; chắc là viêm xoang nhẹ thôi. Ông bảo, vậy để xem trong vòng 5 ngày, nếu không hết thì đi khám lại để chụp x-quang.
Chúa Nhật: Sáng nay bị thiếu ngủ một giờ (do hiện tượng Tiết Kiệm Ánh Sáng Ban Ngày). Ăn sáng/trưa xong, chở mẫu thân đi dạo Pacific Mall. Mấy tháng nay, trong tuần bà đi làm, cuối tuần bà đi "công chuyện", nên hai mẹ con ít có dịp cùng đi dạo chơi. Tôi vẫn có cảm giác, bà vẫn không bộc lộ tâm sự được khi nói chuyện với tôi, so với khi nói chuyện với hai thằng em tôi. Có người bảo tôi khó tính. Chắc mẹ tôi cũng nghĩ vậy. Người ta chỉ cho rằng tôi khó tính vì họ không hiểu tôi. Nhất thời, chỉ muốn nói rằng sự hy vọng của tôi hồi tháng rồi hoàn toàn không uổng phí tí nào.
Tình cờ bắt được, nên tôi ráng thức khuya để xem đài truyền hình Salt-and-Light tái chiếu Thánh Lễ do ĐHY William Nevada (Bộ Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin của Vatican) làm chủ tế tại Nhà Thờ Đức Bà ở Ottawa. Lễ vừa mới kết thúc. Trích đoạn từ Bài giảng của ngài:
Ý tưởng về bí tích Công Giáo dạy ta rằng điều phi thường chỉ nằm ở bên ngưỡng cửa của sự tầm thường. Sự khoe khoang tự hào nhất của nhân loại là một trinh nữ vô danh của thành Nazareth. Vị Chúa Tể Càn Khôn nằm trong máng lừa nơi Bethlehem. Sự cứu rỗi của toàn thế giới được thực hiện giữa hai tên ăn trộm. Chúa Phục Sinh đến với ta trong những nguyên tố thấp hèn của bánh mì và rượu nho. Quyền năng tha tội được ủy thác nơi những người vốn đã mắc tội. Đây chính là sự quy mô của bí tích, mà trong đó điều phi thường được hoàn thành bởi phương thức rất tầm thường.
[The Catholic sacramental imagination teaches us what Naaman had to learn, namely that the extraordinary lies just on the other side of the ordinary. The proudest boast of the human race is an unknown virgin of Nazareth. The Sovereign Lord of the universe lies in manger in Bethlehem. The redemption of the whole world is accomplished between two thieves. The Risen Lord comes to us in the humble elements of bread and wine. The divine power to forgive sins is entrusted to sinful men themselves. This is the sacramental economy, in which the most extraordinary things are accomplished in the most ordinary way.]
Chúa không ngừng mời gọi ta đến dự bàn tiệc của Ngài, mặc dầu ta liên tục khước từ. Tôi vốn mơ hồ rằng mình hiện đang mang trên vai hai sứ mạng: 1) chữa mình, 2) chữa người. "người" ở đây mang hàm ý trước tiên là những người thân yêu của tôi. Sứ mạng phi thường thật. Phương thức tầm thường nào có thể giúp tôi đây? [thở dài]
Sáng Thứ Ba ngủ dậy thấy lừ đừ, lại thấy trời ấm áp nên chán đi làm, viết thư vào công ty báo "bệnh", rồi cúp cua đi dạo mát ngoài trời. Chiều về bị nhức đầu cho tới bây giờ. Trời phạt tội nói láo. Viêm xoang chăng? Chỉ có nhức đầu, không xổ mũi, không sốt. Chờ vài ngày nữa xem, nếu không bớt thì đành phải vác xác vào trình diện bà bác sĩ để nghe giảng: "mình bệnh, có tiền thì mua thuốc uống; còn người ta bệnh, không tiền, thì để từ từ cũng hết bệnh thôi!"
Tối hôm kia nốc hai viên Tylenol 500, thấy đỡ. Sáng hôm sau thì đau lại, định nốc thêm hai viên nữa nhưng nghĩ lại--hễ cứ đau tí là uống thuốc chỉ để làm giảm đau, mãi rồi khả năng chịu đau của mình chẳng còn gì nữa, biến mình thành tên nhu nhược--bèn thôi không uống nữa. Tôi cần tập chịu đựng cái đau, thay vì luôn tránh né nó.
Yêu mến, say mê sự trần tục không có tội; có tội chăng là khi ta say mê chúng ngoài ý niệm về Ông Trời, khi chúng ta dừng lại ở sự hưởng thụ chúng, dừng lại trước khi tấm lòng ta được cảm hóa bởi Đấng đã tạo nên chúng.
[To love God’s creation isn’t sinful; it is sinful only to love them independent of God, stopping before our hearts can be turned toward the Creator.]
và:
Mọi vật đều là phương tiện cho ta tìm hiểu về Ông Trời. Sự tốt lành của chúng làm chứng cho Đấng đã tạo nên chúng. Chúng là phương tiện để cho ta yêu mến Ngài hơn...Ta được [Ông Trời] tạo nên để ngợi khen, sùng bái, và phụng sự [Ngài]. Mọi tạo vật đều phải được sắp đặt cho mục tiêu này, và chúng ta sẽ chẳng ham muốn điều gì khác ngoài những thứ có thể giúp ta đạt đến mục đích ấy.
[All things are a means to know God (Rom 1:20). Their goodness testifies to the goodness of the One who created them. They are a means to love Him more...We were made to praise, reverence, and serve God. All created things must be ordered to this end and we should prefer nothing except insofar as it helps us praise, reverence, and serve as we were created to do.]
Đọc đến đây, tôi nhớ lời bất bình của một người bạn "vô thần" của tôi đã thốt lên mấy năm trước: "Ông Trời ích kỷ thật nhỉ. Tôi đâu có đòi được tạo ra (I didn't ask to be here). Tại sao lại tạo nên tôi, lại bắt tôi phải thờ lạy, bắt tôi phải chịu khổ?"
"Phải chi tôi đừng được sanh ra thì tốt biết mấy"--tốt như thế nào? Tôi có thể hưởng lợi gì, nếu tôi không hiện hữu?
["It would be better for me not to exist" - in what sense "for me"? How should I, if I did not exist, profit by not existing?]
...
Nếu thế gian hiện hữu cốt không phải để ta yêu mến Ông Trời, nhưng để Ông Trời yêu mến ta, thì như vậy là để ngõ hầu cho ta được lợi. Nếu Đấng vốn không thiếu điều gì, tự chọn lựa để cần đến ta, đó là vì chính ta cần đến sự cần kíp đó."
[If the world exists not chiefly that we may love God but that God may love us, yet that very fact, on a deeper level, is so for our sakes. If He who is in Himself can lack nothing chooses to need us, it is because we need to be needed.]
Đâu có ai, khi ăn cơm hay uống nước, lại thốt lên rằng "tại sao lại bắt tôi phải ăn/uống?" Và, bác Lewis cũng từng nói: "Nếu ta không tập ăn thứ thức ăn duy nhất mà vũ trụ này làm ra, thì ta đành phải chịu đói vĩnh viễn thôi".
Khi tiến sĩ Trần Chung Ngọc, trong tác phẩm chống Kitô giáo mang tên "Giêsu là ai?", bàn về đoạn Kinh Thánh Matthew 15:21-28, đã chê bai rằng "tin theo Chúa kể cũng khá mất nhân vị", thì chắc bác ta đã không nhận ra (hoặc không chấp nhận) quan điểm này của C.S. Lewis. Tôi nhìn thấy chính tôi trong người đàn bà xứ Canaan này, không phải vì tôi là người "phi Do Thái", nhưng là vì tôi là kẻ đầy khuyết điểm. Và tôi cầu mong rằng, khi giờ phút thử thách của tôi sẽ đến, tôi sẽ có đủ sự khiêm hạ để thưa với Chúa tôi rằng: "Vâng, lạy Ngài, tôi chấp nhận rằng thức ăn ngon của Ngài là để dành cho các con ngoan của Ngài. Nhưng lũ chó con như tôi cũng cần phải có ăn để được sống. Xin ban cho tôi những mảnh bánh vụn mà các con ngoan của Ngài đã bỏ thừa."
Thứ Bảy vừa rồi tôi chuyển dịch vụ Internet từ Rogers qua Bell. Xem chừng như Bell ($31/tháng) thay đổi địa chỉ IP của tôi thường hơn Rogers ($60/tháng). Trước đó tôi dùng ipcheck để cập nhật DNS cho tên miền. Sáng này vào công ty thì thấy không truy cập được máy nhà, lên dyndns.com thì thấy tên miền đã bị họ khóa do ipcheck cập nhật nhiều lần quá. Qua trang hỗ trợ của Dyndns thì thấy nay họ đề nghị dùng chiêu này: Using inadyn With DynDNS.com Services.
Tải về và cài đặt chương trình inadyn: # make
# cp bin/linux/inadyn /usr/local/sbin/
# cp man/inadyn.8 /usr/local/share/man/man8
# cp man/inadyn.conf.5 /usr/local/share/man/man5
Tạo tập tin /etc/inadyn.conf (cho phiên bản 1.96.2 của INADYN): # Basic configuration file for inadyn
#
# /etc/inadyn.conf
background
log_file /var/log/inadyn.log
update_period_sec 600 # Check for a new IP every 600 seconds
username ****
password ****
dyndns_system dyndns@dyndns.org
alias codockhach.blogdns.net
alias oceanus.is-a-geek.net
Tập lệnh (script) cho dịch vụ /etc/init.d/inadyn: #!/bin/bash
#
# chkconfig: 345 55 25
# processname: inadyn
# description: dyndns.org update service
Trong kinh doanh, thất bại là lẽ thường. Lắm khi, nó mang hình dạng của một động cơ thúc đẩy, tạo điều kiện cho nhiều sự thành công trong tương lai.
(In business, failure comes with the territory. Often, it takes the form of a motivating moment that makes future successes possible.)
Đêm hôm qua lại gặp giấc mơ lạ. Tôi đi hướng dẫn khách hàng sử dụng sản phẩm. Đến cuối giờ, tôi móc danh thiếp của mình để trao các học viên. Khi nhìn kỹ thì tôi nhận ra rằng, ngoại trừ hình biểu tượng (company logo) và tên công ty, danh thiếp của mình trống trơn, không ghi tên họ, địa chỉ, số điện thoại gì cả.
Gần đây công ty tôi gặp chút trở ngại. Dĩ nhiên tôi qui trách nhiệm cho bản thân tôi, tự trách mình vừa thiếu tài, vừa thiếu nghị lực (đọc: lề mề) về phương diện lãnh đạo kỹ thuật. Đôi lúc tôi gần như có ảo tưởng là tôi có thể đảm được trọng trách lèo lái công ty này (ít ra trên phương diện công nghệ) đi đến thành công; khi khác thì tôi nhận ra rằng chung qui tôi cũng chỉ là một tên làm mướn, không hơn, không kém. Không biết giấc mơ đêm qua là điềm báo cho tôi nên đổi công ty--nhận thất bại sau 11 năm nỗ lực, và bắt đầu một danh thiếp mới--hay là động lực cho tôi hãy mạnh dạn "cải tổ" lại phương thức làm việc trong công ty cũ cho được hữu hiệu hơn? Nếu thay đổi thì lại thoáng lên trong tôi cái mộng thành lập công ty của hôm nào, nhưng trung thành với bài viết ở trên thì đúng là tôi sợ thất bại nặng nề. Còn nếu "cải tổ" thì tôi cần thiết lập một hệ thống tự kiểm điểm, trước tiên là cho bản thân, để khi năng suất mình bì sút giảm thì mình có thể nhận dạng một cách cụ thể, mà kịp thời điều chỉnh. Hình như giới công nghệ gọi cái này là QMS (Quality Management System), nhưng phải là những gì cực đơn giản, dễ áp dụng, kém mất thời gian. Nếu hỏi ông sếp cũ của tôi thì dĩ nhiên ông sẽ trả lời (theo kinh nghiệm cá nhân ông): hãy tận dụng cái bộ não của cậu là đủ. Và tôi cũng sẽ trả lời với ông y như lúc xưa: tôi không mấy tin tưởng vào bộ não của tôi.
Tôi mới về đến nhà hồi 01h00, từ nhà của tam đệ tôi. Mấy đứa nhóc đã tháp tùng với Chú Ba và Bà Nội nó về trước lâu rồi, còn tôi (và tam đệ) bị nguyên chai WhiskyAbsolut Vodka "hành" đến 00h30 tôi mới đủ tỉnh táo để lái xe. Trưa nay (trưa Chúa Nhật) tôi đã lên nhà "ăn Tết muộn" với nó. Bà xã nó và bé T đã về VN chơi--"vắng chủ nhà thì gà mọc đuôi tôm" mà.
Hôm qua, đọc đi đọc lại Kinh Ăn Năn Tội trong lúc cầu nguyện trước thánh lễ, lần đầu tiên trong đời, tôi chợt lưu ý đến câu này, tạo nên chút nhiễu loạn trong lòng: "Chúa đã dựng nên con, và cho Con Chúa ra đời chịu nạn chịu chết vì con".
Phải hiểu thế nào nhỉ? Rằng Chúa Cha là Đấng đã dựng nên tôi sao, trong khi Thánh Kinh (Gioan 1:3) lại có chép rằng chính Ngôi Lời mới là Đấng tác tạo nên muôn vật hữu hình và vô hình.
À, tôi hiểu rồi. Có thể nào hiểu theo bối cảnh của công nghệ xây dựng địa ốc, cũng như công nghệ phát triển phần mềm máy vi tính? Có lẽ Chúa Cha là thiết kế gia (chief architect), trong khi Chúa Con là vị kỹ sư (engineer) thi hành theo kế hoạch dự án. Và như thế, câu kinh "Chúa đã dựng nên con" không phải là phủ nhận công việc tác tạo của Ngôi Lời, mà là xác nhận sự tiên khởi của việc tác tạo ấy, phát xuất từ vị Kiến Trúc Sư của Sự Sống là Chúa Cha, cùng hành động tác tạo của Chúa Con, hiệp thông với phép lực của Chúa Thánh Thần, là "công cụ" ban sự sống.
Thế là đã bớt nhiễu loạn phần nào. Tuy nhiên, đọc phiên bản Anh ngữ--Act of Contrition--không thấy có câu nào tương ứng với câu "Chúa đã dựng nên con, và cho Con Chúa ra đời chịu nạn chịu chết vì con" trong bản kinh Việt ngữ cả:
O my God, I am heartily sorry for having offended You and I detest all my sins, because I dread the loss of heaven and the pains of hell, but most of all because they offend You, my God, who are all good and deserving of all my love. I firmly resolve, with the help of Your grace, to confess my sins, to do penance and to amend my life. Amen.
(Lạy Chúa con! Con ăn năn vô cùng vì đã xúc phạm đến Chúa, cùng chê ghét mọi tội con. Vì con khiếp sợ sự đớn đau nơi hỏa ngục, và sợ mất sự sống đời đời trên thiên đàng, nhưng trên hết là vì con đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa, là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng, thật xứng đáng để cho con kính mến. Nên con dốc lòng chừa cải, và nhờ ơn Chúa, thì con sẽ sốt sắng tuyên xưng tội lỗi mình đã phạm, cùng làm việc đền tội, hầu cải thiện cuộc đời con. Amen.)
Hôm nay là Lễ Tro. Sáng nay trên đường đi làm, lần đầu tiên tôi ghé viếng Thánh Ambrose trên đường Browns Line, rất gần chỗ tôi làm việc. Khi xưa Thánh Ambrose đã từng dẫn đường cho Thánh Âu Tinh ra khỏi chốn sa đọa, thì nay tôi cũng xin ngài soi đường cho tôi đi. Nhà thờ đã hành lễ hồi 8h00 sáng. Khi tôi đến thì thánh đường vắng tênh, chỉ có tôi, Thánh Ambrose, và Chúa. Hương vị trong ngôi thánh đường này làm tôi nhớ đến phòng trọ của tôi hồi thời học Đại Học.
Tối nay nhà thờ Thánh Cecilia của Cha Tập sẽ làm lễ vào 19h15, hy vọng tôi sẽ về kịp để dự.
Kinh ăn năn tội
Lạy Chúa! Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng. Chúa đã dựng nên con, và cho Con Chúa ra đời, chịu nạn chịu chết vì con, mà con đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa, thì con lo buồn đau đớn, cùng chê ghét mọi tội con trên hết mọi sự. Con dốc lòng chừa cải, và nhờ ơn Chúa, thì con sẽ lánh xa dịp tội, cùng làm việc đền tội cho xứng. Amen.
Ơn Trời đến như một cơn chớp. Đúng là chỉ có nhờ ơn Trời (Hồng ân Thiên Chúa, the grace of God) thì tôi mới có thể biết làm thế nào để "đền tội cho xứng" mà thôi.
Tôi lại nhớ rằng, tôi cầu nguyện không phải để Chúa thay đổi người khác, nhưng là để thay đổi chính bản thân tôi. Tôi cũng cầu nguyện để xin ơn rỗi cho các linh hồn đã quá cố, bởi chính bản thân họ giờ đây không còn làm được việc ấy nữa.
Ngôi Hai giáng trần là vì để cứu chuộc tội tình của chúng tôi, tội tình vốn bắt nguồn nơi tổ tiên loài người từ ngàn xưa, đã thấm ngầm vào xương tủy như một cơn bệnh AIDS, và từ đấy, đã sanh đẻ ra muôn vàn cơn bệnh khác.
Khi xưa, tôi được rửa tội là để được tha tội di truyền từ tổ tiên, vì bởi chỉ có Ông Trời Con mới đủ thẩm quyền tha thứ tội này, mà Ngài cũng đã chẳng tha tội xuông, mà đã phải gánh lấy tội ấy trên vai mình, là việc Ngài đã phải làm để duy trì sự công chính trong Đức Chúa Cha. Nghịch lý lắm thay, khi sự cứu chuộc ấy, một bên là buộc phải là như vậy, đồng thời lại là sự chọn lựa tự do của Ngôi Lời, tự do trong sự vâng phục hoàn toàn đối với Đức Chúa Cha, và trong sự hết mực thương yêu kẻ tội lỗi như tôi, và tổ tiên tôi, là những tạo vật do chính tay Ngôi Lời đã tạo thành.
Tôi được rửa tội cũng để nhờ lời dạy và các bí tích của Chúa mà tôi sẽ lánh xa, và nếu không thể lánh xa thì vẫn có sức kháng cự lại dịp tội, nhờ sức mạnh của Ngôi Lời và của Đức Thánh Linh. Tội tổ tông đã được tha, nhưng tôi đã và đang thất bại trong sự kháng cự. Tôi thất bại chỉ vì tôi chối từ Chúa, bằng cách này hay cách khác. Concupiscence là bản tính, là khuynh hướng, là sự thôi thúc muốn hành động theo sở thích cá nhân. Có lẽ suốt cả kiếp người này, tôi vẫn sẽ còn thất bại, sẽ còn vấp ngã dài dài bởi sự thôi thúc trái ngược ấy. Thế cho nên tôi không chỉ "xin ơn lánh xa dịp tội", mà còn xin mỗi khi sa ngã vì tội, tôi sẽ còn đủ nghị lực và sự khiêm cung để trỗi dậy và tiếp tục đi, cho dù mỗi lần trỗi dậy là mỗi lần chấp nhận lãnh thêm một vết thương trên chặn đường sắp tới. Và với ý niệm này, tôi cảm giác rằng con đường tôi đang đi không phải là con đường sai (mặc dù đôi lúc tôi không khỏi ngờ vực), mà là con đường phải đi. Ở một mức độ nhỏ bé nào đó, có thể nó là "con đường thương khó" mà Chúa đã dành cho tôi.
Thứ Sáu: Sáng trước khi đi làm, mẫu thân thông báo, xác nhận nỗi e ngại của tôi hồi tháng rồi. Không tả nổi nỗi buồn, cùng sự bất lực, nhưng vẫn hy vọng trong sự lạc quan.
Thứ Bảy: Sáng, tôi gọi điện nói chuyện với nhị đệ, đột xuất rủ tụi nó lên Toronto chơi. Nó bảo chiều sẽ trả lời. Trưa đến, mẫu thân đi hát văn nghệ ở hội chợ tết Hamilton, rủ tôi đi cùng. Bà nói bà phải đi trước để tập dợt, tôi sẽ đi sau. Một giờ đồng hồ sau, bà gọi về nhờ làm đem dùm bà một ly trà giá để uống cho thanh cổ họng. Chiều, lái xe 1h đồng hồ, lên đến Hamilton đã gần 18h30, đưa mẫu thân ly trà giá, ăn được một hộp bê thui tại gian hàng hội chợ, rồi lái xe quay đầu về. Tối, bọn nhị đệ đến nơi lúc 20h00. Chợ Tầu đã đóng cửa ăn Tết. Không kịp mua đồ nấu lẩu, tôi chỉ kịp vớ lấy thùng Heineken trên đường từ chợ về. Hai anh em ngồi uống bia, nhấm chả cá chiên, đến 22h00. Tôi xách xe chạy trở lên Hamilton rước mẫu thân. Về tới nhà thì đã qua giao thừa, tụi nhóc đã ngủ hết, chỉ còn nhị đệ thức. Mẫu thân tôi mệt, nói chuyện hoa loa tí rồi cũng đi ngủ luôn.
Chúa Nhật: Sáng, "hộ tống" tụi nhóc đi Woodbine Fantasy Fair chơi. Chiều về, ghé chợ mua đồ về nấu nồi lẩu đồ biển. Bọn nó định ăn chiều xong rồi về--tôi biết chúng nó tới nhà Bác Hai chơi rất chán, bởi chẳng có trò gì để giải trí--nhưng tôi mừng vì sau khi nhâm nhi tới tối, tụi nó quyết định ở lại chơi một đêm nữa. Ba Nó với Bác Hai ngồi xem Vân Sơn 43, xem Thế Vận Hội Mùa Đông ở Vancouver, đến 2 giờ sáng mang nồi lẩu còn lại ra hâm lên tém sạch, xong thì rút lều, đi ngủ.
Thế là xong ba ngày lễ, xong ba ngày Tết trơ trọi. Trước khi tụi nhóc ra về, Bác Hai hứa với nó lần sau sẽ mua vài món "trò chơi trí tuệ" như Mini Scrabble cho tụi nó tiêu khiển, kẻo chúng nó cứ mê chơi vi tính và chơi điện tử miết.
Khi tỉnh thức, ta mơ ước sống từng giây bên em.
Khi ngủ mê, ta chiêm bao ân ái cùng em.
Khi nhận thấy khuyết điểm, và liền sau đó nhớ lại bao ưu điểm.
Khi buông lời trách mắng, và liền sau đó tự hận mình quá lời.
Khi hiểu rằng, ta diễm phúc được có em trong đời.
Và khi em ra đi, ta hiểu rằng ta không đáng có được em.
Ta yêu em từng giây phút của đời ta.
Những món quà, mà tôi từng nhận được trong đời, hoàn toàn không phải là do tôi xứng đáng, mà là do lòng hảo tâm của người ban tặng. Đó gọi là ân huệ, là hồng ân. Tôi trân trọng nó từng giây, từng phút, vì bởi tôi biết nó có thể biến mất đi bất cứ lúc nào.
Người ta thường nói "anh hùng không qua nổi ải mỹ nhân". Mới hôm trước, đọc tin về sự sa ngã của Tiger Woods (34t), thì sáng nay lại nghe tin Adam Giambrone (32t) tuyên bố rút lui khỏi cuộc chạy đua giành ghế Thị Trưởng Toronto, âu cũng vì một chữ "sắc".
Hôm Thứ Năm tuần rồi, tôi mới bắt đầu nghe đọc sách The Republic (Nền Cộng Hòa) của triết gia Plato, cốt chỉ để tìm hiểu thêm về thể chế cộng hòa. Ngay hôm sau, tình cờ đọc được bài phân tích Tiger Woods and Plato của giáo sư chính trị học Carson Holloway (biết qua blog của Lm. Tim Moyle), tôi mới biết rằng The Republic cũng đi sâu vào vấn đề tâm linh.
Theo GS Holloway, Plato gọi linh hồn (soul) là "tâm thần" (psyche), và ông phân chia nó ra thành ba đặc tính: ham muốn (desire), xúc cảm (spiritedness), và lý trí (reason). Điều lý thú là, ông (Plato) so sánh linh hồn như là một thành thị, là nơi trú ngụ của ba thành phần nói trên. Hơn nữa, trong một linh hồn có trật tự, lý trí là thành phần được nắm quyền cai trị, và khi lý trí bị hai đặc tính kia chế ngự, thì linh hồn trở nên hư hỏng. Lý trí không cưỡng chế xúc cảm và sự ham muốn, mà cả hai thành phần này đều hiệp lực với lý trí, tạo nên sự hài hòa cho linh hồn. Chí ít, tôi nghĩ sự hài hòa ấy là tối ưu quan trọng, bởi nếu lý trí được tự do lộng hành, thì lý trí cũng dễ bị hư hỏng, và người ta sẽ lạm dụng lý trí để làm chứng cho sự ngụy biện. Dầu vậy, quan niệm lý trí luôn nắm quyền cai trị--hài hòa hay không hài hòa--tôi vẫn cho là khả nghi. Tôi nghĩ trong đây có sự biểu hiện không phải chỉ là một nền cộng hòa, mà còn là một nền dân chủ: đôi khi lý trí nắm quyền là điều tốt, và có khi khác, xúc cảm nắm quyền lại cũng là một điều tốt.
Hồi nhỏ (chắc độ khoảng 14 tuổi), khi tôi vẫn còn được gần với Chúa tôi hơn so với bây giờ, tôi có lần va chạm với dì tôi. Bà ấy trách oan tôi, nhưng khi tôi cố biện minh thì bà lại cho rằng tôi dối trá. Phụ thân tôi buồn lòng bèn khóa cửa phòng lại mà tủi thân. Thuở ấy tôi thần tượng phụ thân tôi gần bằng Trời, cho nên khi thấy mình đã khiến cha buồn lòng đến vậy, tự nhiên tôi đã quên hết mọi sự oan ức trên đầu mình. Tôi sợ ông làm bậy, nên đã quýnh cống khóc thê thảm, nài xin ông mở cửa. Ông không mở cửa, mà bảo tôi hãy đi học bài đi. Thay vì đi học bài, tôi chạy vào phòng quì xuống cầu nguyện. Vài phút sau, phụ thân tôi cho gọi tôi vào. Tôi quì bên giường cha tôi, miệng mếu máo vừa khóc vừa nói: "Con xin lỗi Ba. Con không muốn làm Ba buồn. Nhưng giờ Ba đã buồn, nên con xin lỗi Ba". Tại đấy, lý trí đã đầu hàng vô điều kiện, và đã nhường ngôi lại cho sự điều khiển hoàn toàn của cảm xúc.
Có thể là hiện giờ, cái mà đang ngự trị trong tâm hồn tôi là một thứ lý trí hư hỏng. Nghĩ đến phụ thân tôi nay tuổi đã già, sức đã yếu, tâm trí có lẽ không còn minh mẫn như khi xưa, tôi không khỏi xót lòng. Nhưng tôi không còn có thể ép mình đi xin lỗi chỉ để làm vừa lòng cha như năm xưa nữa. Nếu là tôi sai, thì quả thật tôi chưa cảm nhận được. Còn nếu ông sai, mà tôi cứ lại nhận lỗi về mình, thì chẳng khác gì tôi làm hại thêm cho phần hồn của ông. Đôi khi ông có cử chỉ bao dung khiến tôi thấy thương ông vô cùng, nhưng chỉ sau một thời gian thì lại đem chuyện cũ bới ra, khiến tôi thắc mắc không biết ông có tiếp nhận một câu nào mà tôi đã nói hay không.
Mặt khác, tôi cũng ý thức được rằng, những sự ngược đãi mà tôi từng nhận được là để tinh luyện cho bản thân tôi. Hay, nói theo cách của giáo sư tin học Randy Pausch: Mọi sự cản trở mà đời đặt ra cho ta là để thử xem ta có thật sự ham muốn niềm hạnh phúc ấy hay không; nó hiện hữu để cản trở những ai khác không ham muốn mãnh liệt bằng mình. Ông Trời sợ tôi trở nên nhàm chán với cuộc đời, nên đã sắp đặt đoạn đường sắp tới đây thêm vài sự cản trở.
Recent Comments