ThanhHai
Hai Lúa mới vừa được định cư ở Canada được 1 năm và đang theo học chương trình lớp 10 trung học. Một hôm, Hai Lúa đang đi rong trên lầu ba của nhà trường thì chợt đi ngang phòng máy chi chi đó có nhiều màn hình và bàn phím giống hao hao như mấy cái bàn đánh chữ mà cậu ta đã từng thấy trong văn phòng kế bên nhà bà cô ở Sài Gòn lúc trước. Có mấy cô cậu đang ngồi chăm chú vào màn hình, tay gõ lia lịa mà không cần nhìn vào bàn phím tí nào.
Hai Lúa lấy làm lạ, men tới gần ghé xem, thấy có 1 anh người Việt cũng đang ngồi gõ, nên kề tới, gạ hỏi thăm, được biết anh tên Nghĩa, và đây là lớp "còm" (còm-píu-tờ). Hai Lúa cao hứng, hỏi làm thế nào để vào lớp này được, có cần dự bị bằng môn nào trước không? Được đáp là "không". Hai Lúa mừng quýnh lên, chạy xuống văn phòng Ban Hướng Dẫn xin đổi lớp ngay.
Vào lớp đã trễ gần 2 tháng, Hai Lúa càng ngơ ngác hơn. Hên được cái, có ông thầy tốt bụng, đang lúc giờ thực hành của mấy học sinh khác, ông bắt cậu ta ngồi lại để truyền cho chút nội công lý thuyết. Bài dạy đầu tiên ông viết trên bảng đen:
1 + 1 = 10
Hai Lúa vừa đọc vừa gãi đầu. Đây là thứ toán ma quái gì đây?
Viết xong, thầy nhìn xuống nói:
"This is a binary number expression".
Hả??? "binary"??? "expression"??? Điếc!
Hai Lúa lúc còn ở VN vừa học xong lớp sáu, sang đây trường lại cho tọt vào lớp chín, chỉ biết số thập phân chứ có biết "nhị phân" là khỉ khô gì đâu, đừng nói gì gì là "binary numbers"? Cậu nhìn ông thầy, ngơ ngáo. Thầy giáo lật sách ra chương nói về số "binary number system", đưa cho, bảo về nhà đọc.
Hai Lúa đem sách về nhà lật sách ra để một bên, quyển tự điển để một bên, cặm cụi mò đỏ mắt, chữ nào cũng phải tra tự điển, cuối cùng cũng mơ hồ hiểu được phần nào. Thì ra "binary numbers" là số nhị phân, một hệ số với đơn vị là 0 và 1 (khác với số thập phân, với đơn vị từ 0 tới 9). Biểu thức 1 + 1 = 10 là phép cộng của hai con số nhị phân. Một đơn vị trong hệ số nhị phân còn được gọi là một tí (bit). 8 tí hợp lại thành một miếng (byte--byte là lối chơi chữ của các tiền nhân sáng lập máy vi tính, dựa theo từ bite).
Sau này Hai Lúa mới được biết là gọi "tí" với "miếng" nghe không mấy hay, nên người Việt chúng ta mượn luôn của bên Anh ngữ, gọi thành "bít" và "bai", tương tự như lúc ta đã mượn từ "kílô" trong đơn vị đo lường.)
Theo định nghĩa, 1 kílô bai (KB) bằng 210 bai (tương đương với 1024 bai), và 1 mêga bai (MB) bằng 1024KB. 1 giga bai (GB) bằng 1024MB, vân vân, 1 té ra bai (TB) bằng 1024GB, và vân vân...
Hai Lúa đọc tới đây, tuy thường thì ngu quá cỡ, nhưng giờ này cũng có chút khôn để thắc mắc: tại sao máy vi tính lại không dùng hệ thập phân mà lại dùng nhị phân nhỉ. Cậu bèn lật tới lật lui nát bấy chương sách, coi mình có bỏ sót khúc nào không. Lật tới mấy trang nữa thì cậu tìm ra câu trả lời. Thật là đơn giản. Thì ra mấy cha nội sáng chế máy vi tính đã dùng số nhị phân để mô tả 2 trạng thái của máy: tắt (0) hoặc mở (1). Tất cả những bộ phận điện trong máy vi tính đều qui theo hai trạng thái {tắt, mở} trên, nên lấy số nhị phân để tiện bề tính toán. Từ đó, có biểu số nhị phân tương đương với số thập phân:
Thập phân | Nhị phân |
0 | 0 |
1 | 1 |
2 | 10 |
3 | 11 |
4 | 100 |
5 | 101 |
6 | 110 |
7 | 111 |
8 | 1000 |
9 | 1001 |
10 | 1010 |
11 | 1011 |
... | ... |
Và có phép cộng tương tự như thập phân:
01
+ 01
_______
10
À, thì ra 1 + 1 = 10 là vậy!
Lại đọc tới phép trừ thì thấy có one's complement (số bù 1), two's complement (bù 2). Chao ôi! Đầu óc heo của Hai Lúa đã bắt đầu nhức nhối. Nhìn lên đồng hồ đã 12 giờ khuya rồi. Thôi, cuốn gói đi ngủ cho xong kẻo cái đầu nó nổ tung mất. Hôm khác lại đọc tiếp vậy. Hôm nay học nhiêu đó đủ xài gùi.
Recent Comments