Tuesday, September 18. 2007
CDK Trong một thế giới đa nguyên, hòa đồng, và cởi mở, con người cần có sự cảm thông, đối thoại, và chấp nhận về các quan điểm và tín ngưỡng khác nhau. Nhưng cũng nên nhớ, trong sự nhiệt tình chấp nhận các tín ngưỡng khác ấy, không có nghĩa là ta vội vàng từ bỏ đức tin và lập trường của chính ta.
Dominus Iesus không có lời tuyên bố nào mới mẻ, ngoài việc tái xác định đức tin của Giáo Hội. Môn đồ của Giáo Hội cần đọc và hiểu rõ rằng mình đại diện cho những gì, ngõ hầu tránh sự ngộ nhận.
Tôi đang tìm bản dịch tiếng Việt. Khi tìm ra sẽ cập nhật lại đây.
Monday, September 17. 2007
CDK Nhân tin cố Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận được mở án phong chân phước, tìm hiểu đôi chút về bậc thánh nhân...
Trích từ mạng Catholic Weekly (Úc Châu):
"Tôi biết, nếu tôi có thật lòng với đạo Thiên Chúa, thì tôi phải thương yêu những người đã bắt giam tôi."
....
Họ thay đổi lính canh gác ông mỗi hai tuần, nhưng rồi họ đã dẹp bỏ việc làm ấy vì ông đã dần dần thuyết phục những người canh gác ấy theo đạo, và họ e rằng nếu tiếp tục, có ngày ông sẽ biến họ thành Kitô hữu hết.
...
Saturday, September 15. 2007
ThanhHai Bác Hiếu có đăng tải công trình AVIM của bác ta, dưới dạng của một phụ bản (add-on) cho Firefox, hỗ trợ cho việc gõ chữ Việt trên trình duyệt Cáo Lửa này.
+1
Lưu ý cho bác quản trị mạng Độc Cô (i.e.: tôi!): Cài phụ bản này cho chú Cáo Lửa của nàng Phê-đo-ra, để tiện việc gõ chữ Việt trên hệ Linux khi cần dùng đến máy này.
Friday, August 31. 2007
CDK Bài nói chuyện khá thú vị và hài hước của bác Huỳnh Kim về cuộc hành trình đến hiện đại. Bác Kim là tác giả của quyển sách Where The Sea Takes Us (2007).
Thursday, August 16. 2007
Sunday, August 5. 2007
CDK Như thể châm thêm dầu vào ngọn lửa tranh cãi bấy lâu nay về vấn đề cho rằng tập truyện Harry Potter là phù phép và phản Thiên Chúa giáo, bài viết của bác Lev Grossman trên tờ Times đề nghị rằng "người" chết trong tập truyện Harry Potter 7 chính là Thượng Đế:
Nếu bạn muốn biết ai đã chết trong [truyện] Harry Potter, câu trả lời thật đơn giản: Thượng Đế. Harry Potter sống trong một thế giới tự do khỏi [sự gò bó của] tôn giáo hay bất cứ loại thần linh gì. Cậu ta sống chung quanh những ma quái, nhưng không cầu nguyện với ai cả...Trong thiên niên kỷ mới, phép thuật không đến từ Thượng Đế hay thiên nhiên, hay những gì vĩ đại hơn, huyền bí hơn đơn thuần những xúc cảm của con người. Khi chọn Rowling là người mơ mộng của thế hệ ta, chúng ta đã chọn một nhà văn với ước mơ về những phép thuật [vô tôn giáo], quan liêu hóa, và hoàn toàn có tính cách phàm tục [thay vì tính cách siêu phàm]. Trong hệ thức này, tâm lý và kỹ thuật đã vượt trội trên thần linh.
"Thượng Đế" mà Grossman muốn nói thật ra là "Tôn Giáo". Dầu là vậy, tôi cũng không đồng ý với quan điểm của bác ta.
Dĩ nhiên, tôi không phải là người duy nhất. Ben Myers, tác giả của trang bloóc Faith and Theology (Tín Ngưỡng và Thần Học), có một cái nhìn khác:
Rowling, trong một lần được phỏng vấn, đã nói rằng bà ta không đề cập công khai về quan niệm tín ngưỡng của mình vì những độc giả sáng suốt sẽ nhận ra điều đó từ tập truyện thứ 7 của bà. Thật vậy, bà ta đã dựng lên một thần thoại với nhiều yếu tố vĩ đại của Kitô giáo (Thiên Chúa giáo): Lời dọa giết nhắm vào cậu bé Harry gợi cho chúng ta đến sự kiện vua Hê-rô-đê toan giết cậu bé Giê-su năm xưa; Harry, người không tranh giành quyền lực mà lại có được quyền lực; Harry, người đã tâm sự với các linh hồn trong rừng cấm, như Chúa Giê-Su đã cầu nguyện trong vườn Giệt-si-ma-ni; Harry, người đã dâng tánh mạng mình để cứu mạng của bạn mình [, như Chúa Giêsu đã dâng mạng mình để cứu nhân loại bạn mình].
So sánh hay!
Quả thật, tôi chỉ là tạo vật của Cha Ngài, chỉ đáng hàng tôi tớ của Ngài, mà Ngài lại xem tôi như anh em, bè bạn sao?
Tuesday, July 31. 2007
CDK Tình cờ đọc được bài viết của một "công dân neét" tên violine, làm gợi ý cho bài này:
Có một điều khiến tôi luôn thắc mắc là tại sao con người dễ dàng bị thuyết phục bởi những điều thuộc phạm trù tín ngưỡng, niềm tin, tôn giáo...Đây chỉ là những niềm tin mù quáng không có cơ sở khoa học, và đi xa hơn chúng trở thành mê tín dị đoan.
...
Có thể có một số người tự chọn cho mình cuộc sống đó. Nhưng có lẽ rất nhiều đã bị áp đặt từ khi họ còn nhỏ, do hoàn cảnh mồ côi hay một sự không may nào tương tự. Áp đặt niềm tin tôn giáo lên trẻ nhỏ trong lúc chúng là những tờ giấy trắng và không tự quyết định được con đường chúng sẽ đi, đối với tôi, là một điều phi nhân bản.
Trước hết, tôi hơi ngạc nhiên khi thấy người bạn này bị bức xúc bởi sự áp đặt niềm tin. Không phải bạn ấy đang sống trong một xã hội chuyên áp đặt chủ thuyết của Bác-Mác-Lê lên người dân ngay từ thuở ấu thơ hay sao?
Lối suy nghĩ của người bạn này tương tự như quan điểm của Giáo Sư Richard Dawkins.
Tôi nghĩ vấn đề xãy đến là do đôi khi chính bật cha mẹ không am tường về tôn giáo của mình. Đến khi con cháu gạn hỏi, không biết phải trả lời ra sao, thì chúng ta quát tháo với con em:
tao bảo tin thì cứ tin đi! Không được hỏi. Còn ở nhà tao thì phải nghe lời tao. Cấm cãi! Con cãi cha mẹ thì trăm đường con hư!
Điểm sai lầm này đáng tiếc này gây ác cảm đối với đứa trẻ. Khiến nó sẽ tự đi tìm hiểu ở nơi khác. Gặp được cao nhân này chỉ điểm thì thành người mộ đạo. Gặp "cao nhân" khác chỉ điểm thì lại thành người chống đạo.
Ép đặt niềm tin dĩ nhiên là không nên. Nhưng dẫn giải cho chúng hiểu những điều hay, lẽ phải, thì không những là "nên" mà là "phải", vì đó là bổn phận của bật làm cha mẹ. Tuối trẻ bồng bột, rất dễ bị quyến rũ bởi nhiều điều xấu. Ví dụ như, nếu ta không dạy cho con em chúng ta rằng hút thuốc là điều có hại cho sức khỏe, nhất định khi chúng đi học, áp lực của bè bạn hút sách sẽ khiến chúng tập tành thói hư tật xấu thôi. Rồi sau này, khi bốn mươi mấy năm mươi tuổi đời, khi ôm chứng ung thư gan chờ ngày chết, chúng sẽ trách rằng tại sao lúc trẻ thơ không ai chỉ cho chúng điều sai để tránh.
Bật làm cha mẹ còn có bổn phận dạy dỗ cho con cái của chúng ta những giá trị đạo đức của con người. Vậy thì chúng ta lấy đâu làm nền tảng của những giá trị đạo đức ấy? Đối với người có đạo, những giá trị ấy lấy từ trong tôn giáo của họ. Ví dụ, trong đạo Thiên Chúa thì người ta lấy lời dạy của ông Giê Su làm gương: hãy thương không chỉ những người thương yêu ngươi, mà hãy thương cả những kẻ thù ghét ngươi; nếu ai tát vào má trái của ngươi thì hãy đưa luôn má phải cho họ đánh; ai muốn giựt chiếc áo lót trên người ngươi thì hãy cho họ luôn chiếc áo choàng ngươi đang mặc; vv...
Thật ra khi các tín đồ của Thiên Chúa giáo tìm hiểu sâu sắc hơn về tôn giáo của mình, thì chúng ta sẽ nhận ra nhiều chân lý thật quí giá. Thậm chí, chúng ta còn sẽ thấy rằng nếu người khác thấy được lối nhìn của mình thì chắc chắn họ cũng sẽ tin. Đây quả thật là một niềm tin hợp lý và có cơ sở. Nói như vậy không phải là tôi cho rằng các tôn giáo khác là vô lý và không cơ sở; tôi đã có đôi lần viếng chùa Phật, có tham khảo giáo thuyết của nhà Phật và thấy có nhiều điều rất hay, tuy rằng có điểm tôi không đồng ý (ví dụ: tôi tin rằng Thượng Đế là đấng chí tôn hằng có, tạo nên vạn vật hữu hình và vô hình; trong khi người của Phật giáo dường như tin rằng có vũ trụ trước, rồi Đấng Chí Tôn sau bao ngàn năm tu hành, đắc đạo mới thành Thượng Đế; nhưng đây sẽ là đề tài cho một bài viết khác vậy).
Dĩ nhiên, đến một giai đoạn và mức độ nào đó, bật cha mẹ cũng phải buông tay với câu "khôn nhờ, dại chịu", còn hơn là cưỡng bức chúng làm theo ý mình.
Friday, July 20. 2007
CDK Dùng ngôn ngữ của Phái Giê-Đai mà nói: "hiện đang có một sự nhiễu loạn lớn trong chốn sinh linh." Tên của nó là Vô Thần Giáo (atheism).
Vô Thần Giáo (atheism) là một tôn giáo với niềm tin khá mãnh liệt rằng: không có Thượng Đế. Vô Thần Giáo đã nãy sanh kể từ lâu lâu lắm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cụm lửa này dường như được thổi phồng lên, nhờ sự nhiệt tình của những vị thủ lãnh có tên tuổi, như Richard Dawkins. Giáo Sư Dawkins là một sinh vật gia, phong tục gia, giáo sư của trường Đại Học Oxford và là tác giả của nhiều quyển sách "phản tôn giáo", nổi bật nhất là quyển The God Delusion (Ảo Tưởng về Thượng Đế), một trong những cuốn sách bán chạy nhất của cuối năm 2006 và đầu 2007. Trong đó, giáo sư Dawkins lý luận khá hùng hồn rằng:
- Thượng Đế không tồn tại, bởi nếu có Thượng Đế, vũ trụ này hẳn phải khác hơn nhiều so với hiện tại.
- Tôn giáo là nguồn cội của mọi sự độc ác đã và đang xãy đến trong thế giới.
Chủ trương của bác Dawkins là: khoa học phải là chủ thuyết tối thượng, bởi không có gì tôn giáo giải thích được mà khoa học không giải thích được, ý đề cập đến thuyết Tiến Hóa (evolution) của khoa học và thuyết Hóa Công Hữu Ý (intelligent design) của Thiên Chúa giáo.
Ở cuối chương 1, GS Dawkins viết:
If this book works as I intend, religious readers who open it will be atheists when they put it down.
Nếu quyển sách này tác dụng theo ý tôi mong mỏi, người mộ đạo khi đọc nó xong sẽ trở thành người vô thần.
Sau khi đọc xong quyển "Ảo Tưởng về Thượng Đế", tôi vui vẻ và thành thật báo cáo rằng: tôi vẫn còn là tín đồ của Đạo Thiên Chúa. Hơn thế nữa, tôi càng tin mạnh mẻ hơn rằng:
- Thượng Đế là hằng có và vô tận.
- Thượng Đế là một khoa học gia tuyệt vời và hoàn mỹ vô cùng.
- Thượng Đế là đấng tạo tác lên vũ trụ này (và, có thể, cả vô số những vũ trụ khác nữa).
- Thượng Đế là đấng đã đặt ra các luật lệ "tự nhiên" trong vũ trụ. Những luật lệ mà loài người đã khám phá ra và chứng minh thì gọi là "khoa học" (science). Những luật lệ mà loài người chưa khám phá ra thì gọi là "phép lạ" (miracles).
- Thượng Đế là tuyệt đối. Chỉ có nhận thức của loài người về Thượng Đế là tương đối.
- Mục đích thuần khiết nhất của tôn giáo là đạo, là đường lối giúp con người sống một cuộc sống hướng thiện. Vì thế, một tôn giáo chân chính không thể phản khoa học.
Giáo sư Dawkins là một tác giả tài ba và hùng hồn. Có thể là ông ta lầm khi chỉ tin tưởng duy nhất ở khoa học--trên đời còn có những bộ môn khác ngoài khoa học . Nhưng có một số vấn đề ông nêu ra về tôn giáo (cụ thể hơn là Thiên Chúa Giáo) thật là hữu lý. Trên phương diện đại chúng, tôi không nghĩ rằng những gì ông ta nêu lên sẽ gây nên sự diệt vong của tôn giáo, nhưng ngược lại nó sẽ giúp củng cố lại tôn giáo, buộc các tôn giáo phải lược lại những niềm tin vào giáo thuyết của mình dựa trên hiện trạng của thời đại.
Đã có nhiều học giả chỉ trích lối lập luận của Dawkins, nổi bật nhất là giáo sư Allister McGrath của Đại Học Oxford và giáo sư Margaret Somerville của Đại Học McGill. Nếu có dịp, tôi sẽ "siêu tầm" thêm về quan điểm của những vị học giả này so với quan điểm của giáo sư Dawkins.
Monday, June 4. 2007
CDK Mấy ngày nay không biết mắc chứng gì mà bị lở miệng, rát thấy ông bà ông vải, nhất là khi ăn đồ nóng hoặc uống nước chua. Không biết loại ôn dịch này từ đâu ra.
Theo Wikipedia.org, triệu chứng này tiếng Anh gọi là Aphthous Ulcers. Có người nói do bị stress nhiều mà ra. Người thì nói do ăn uống thiếu dinh dưỡng hoặc ăn đồ ăn có chất nóng. Lại nghe đâu kẹo cao su, không đường (sugarless), cũng có thể gây lở miệng--mấy hôm trước mình vừa ngốn cùng một lúc ba, bốn miếng kẹo cao su Juicy Fruit loại chua.
Cách trị liệu gồm có:
- súc miệng bằng nước muối (đã làm qua)
- súc miệng bằng trà gừng, trà chanh, hoặc trà mật ông (chưa thử)
- súc miệng bằng nước sát trùng có hóa chất hydrogen peroxide (H2O2) như Peroxyl của Colgate. Tránh các loại nước súc miệng có chất át-xít (chua) như Listerine. (chưa thử)
- ăn 8oz (~ 200g) sữa chua (yogurt) mổi ngày (trưa nay sẽ có dịp thử)
Defined tags for this entry: y học
Tuesday, April 3. 2007
CDK Sau vụ một tác giả của nhà xuất bản O'Reilly bị những tên Ẩn Danh đăng lời dọa dữ, ngay trên chính trang blog của bà ta, bác Tim O'Reilly ra bài viết về Luật Lệ Cư Xử Dành cho Dân Viết Blog. Tôi đọc thấy hay hay, nên xin mạn phép tóm tắc lại ở đây chơi:
- Hãy gánh lấy trách nhiệm không những đối với lời lẽ của bạn viết, mà còn đối với những gì bạn cho phép người khác bình luận trên trang blog của bạn.
- Nêu rõ quan điểm và mức độ chấp nhận của bạn đối với những lời phản hồi có tính cách nhục mạ.
- Cân nhắc xem có nên cấm đoán những lời phản hồi ẩn danh chăng.
- Mặc kệ lũ côn đồ. Bạn càng để ý đến chúng thì càng làm cho chúng thêm hăng say.
- Nếu cần thiết, hãy đem những cuộc thảo luận lạc đề qua một phạm vi riêng tư hơn, bằng cách e-mail, chat, hoặc nói chuyện trực tiếp với nhau.
- Nếu bạn nhận thấy người nào đang có thái độ không tốt, hãy chỉ cho họ biết. Có thể họ không hề cố ý nhục mạ bạn.
- Và sau cùng, đừng viết lên những lời lẽ mà bạn không dám nói nếu thực sự đang đối diện với người đang nghe.
Defined tags for this entry: blog
Wednesday, December 27. 2006
CDK Bên diễn đàn Thư Viện Việt Nam có đăng bài Tự Luyện Nội Công Thiếu Lâm Tự của VS Hàng Thanh mà lúc xưa tôi từng tập dở lỡ. Tuyệt cú mèo! Phen này lại có cơ hội thứ hai để tẩu hỏa nhập ma rồi đây.
Phiên bản dạng PDF có tại đây. Defined tags for this entry: võ học
Sunday, December 3. 2006
CDK Hai giờ khuya không ngủ được, ngồi viết mã chán, cần thư giản, tôi lần xuống lầu bật lên đài PBS, xem được chương trình về cuộc đời của cố Thống Đốc Robert F. Kennedy, một con người đáng nể, rất thông minh và có ý thức đạo đức cao. Như người anh của ông, John F. Kennedy, RFK cũng bị cướp mạng, ám sát, khi tuổi đời còn đầy hứa hẹn. Tôi xem chương trình, thấy ông công khai chống đối với những người cùng màu da với mình để bênh vực cho những người da đen bị kỳ thị chủng tộc, mà bụng thầm nghĩ (trước đây tôi chưa biết về cuộc đời và cái chết của ông), điệu nào chắc ông này sẽ cùng chung định mệnh với người anh trai của ông. Trải qua sự ám sát của JFK, và rồi đến Martin Luther King, Jr, chắc ông đã từng nghĩ việc ấy có thế xãy đến trên mình ông, nhưng ông tuyệt đối không dùng đến mật vụ hộ tống khi đi lại nơi công chúng.
"Người có lòng (học hỏi), buộc phải chịu đau khổ. Và ngay cả trong giấc ngủ, những niềm đau khó quên ấy, nhỏ từng giọt, từng giọt vào tim ta, để rồi trong nỗi tuyệt vọng và ngược với ý muốn, cái khôn len lỏi đến với ta, bởi hồng ân khủng khiếp của Thượng Đế." - RFK trích Aeschylus nhân dịp hay tin King bị ám sát.
Tồi vẫn hằng mong chờ đón nhận "cái khôn" do Trời mạc khải ấy. Thì ra là phải đợi đến lúc đau khổ tuyệt vọng mới có phúc cảm nghiệm được.
Thursday, November 23. 2006
CDK
- 1 quyển Modern Automotive Technology: $120 (mua hồi năm 1999)
- 2 tiếng đồng hồ tự mò mẩm ngoài trời lạnh bắt bịnh xem vì sao chiếc xe ô-tô đề máy không được: $100
- 1 máy sạc bình ác-quy Motomaster Eliminator Intelligent Charger: $68.39
- Cảm giác thỏa mãn khi tự mình giải quyết được một nan đề mà người khác nghĩ rằng một tên trói gà không chặt như mình không thể nào làm: vô giá!
Sunday, November 19. 2006
ThanhHai
Vừa đọc mấy câu trao đổi lạc đề, xem chừng có phần va chạm, trên Blog Cái Tôi, khiến tôi liên tưởng đến tính cách nặc danh (anonymity) của blog.
Các bậc cha đẻ của phần mềm blog đã nhận thức được nhu cầu ẩn danh của người sử dụng, để các tác giả tránh khỏi sự trả đũa hay ngược đãy vì tư tưởng của mình. Vì thế khi dựng lên công cụ viết blog, họ đã tạo chức năng nặc danh, dành cho người góp ý kiến. Đồng thời họ cũng cho phép chủ nhân của trang blog có sự chọn lựa muốn tiếp nhận những ý kiến nặc danh ấy hay không.
Cũng có không ít trường hợp những người lạm dụng chức năng ấy để bôi nhọ, phỉ báng người khác từ trong bóng tối.
Ẩn danh hay hiện danh đối với tôi chẵng ăn nhậu gì--tôi vẫn coi thường cả hai như nhau. (đùa)
Quan trọng là nội dung ý tác giả. Lời lẽ kém nhã nhặn và thiếu tinh thần xây dựng, không đáng gây nên sự bức xúc, và tôi không ngần ngại tiễn ngay vào thùng rác nằm chơi.
Tuy nói vậy nhưng đó giờ chưa hề phải tiễn ai vào thùng rác cả, nếu có họa may chỉ là những lời đăng nhầm và hoàn toàn chỉ theo lời yêu cầu của người viết.
Defined tags for this entry: blog
Monday, September 4. 2006
ThanhHai
Ba ngày cuối của hội chợ CNE, có mấy cuộc biểu diễn phi cơ quân sự trên bầu trời của Hồ Ontario. Năm nay có chiếc F-22 Raptor (Chim Săn Mồi, hình bên trái) của Mỹ sang. Nhưng đặc sắc nhất vẫn là phi đội Snowbirds của Canada, với các màn biểu diễn đẹp mắt ... Mà thời tiết cứ âm u, cũng chán.
Bác nào ở xa không đến coi được thì xem đây cho đỡ ghiền nhé...
Theo: Google Video
|
Recent Comments