Thursday, October 9. 2008
CDK Còn vài ngày nữa là đến đợt bầu cử liên bang thứ 40 của Canada. Đã định sẽ bầu cho đảng Bảo Thủ của bác Harper vì thấy bác ta làm được. Hơn nữa tôi thấy thái độ điềm tĩnh của ông khi đối đáp phỏng vấn về sự khủng hoảng thị trường hiện thời--trong khi mấy bác bên phe đối lập hoang mang như gà bị chặt đầu--biểu lộ phong cách của một vị quốc trưởng. Nhưng đến giờ này vẫn chưa thấy con ma dân biểu nào của bác ta đến xóm tôi vận động. Sáng nay đọc mấy blog cộng đồng Toronto mới biết lần đầu tiên tên của mẹ cha nội dân biểu đảng Bảo Thủ đại diện cho xóm mình-- Jillian Saweczko Aydin Cocelli. Nên bực mình. Dường như họ đã nắm chắc phần thắng hay sao ấy. Định sẽ bầu cho mấy bác Tự Do. Nhưng thật ra tôi vẫn chưa khẳng định.
Đợt bầu cử liên bang kỳ rồi hồi 2006, tôi ngủ gục--Tôi nhớ hình như do bị kẹt ở công ty, về bầu không kịp. Nên bác Harper vào 24 Sussex Drive hồi nào tôi không hay. Tự nhủ, ngày 14 tây tháng 10 sắp tới đây, sẽ không xao lãng việc thực thi quyền tự do dân chủ của mình nữa.
Sunday, September 21. 2008
CDK Mấy tuần vừa qua có nhiều sự xáo trộn trên thương trường của Hoa Hỳ. Thị trường Mỹ vừa trải qua một " cơn bão cấp 4" (ngôn từ của tờ Washington Post), chưa từng thấy trong lịch sử kể từ trận Đại Suy Thoái ( The Great Depression) của thập niên 1930. Các cơ quan đầu tư khổng lồ của nền kinh tế thị trường như Lehman Brothers, Bear Stearns, Fannie Mae, Freddie Mac hoặc là đã suy sụp hoặc là đang trong cơn hấp hối, Merrill Lynch bị nuốt chửng bởi Bank of America, trong khi AIG đang tung chiêu "cầm nã thủ" của Cái Bang, xách bị xin tiền chính phủ để sinh tồn. Riêng Fannie Mae, đã từng được học giả Jim Collins đề cao là một trong những công ty đã đi từ Từ Tốt Đến Vĩ Đại dưới sự lèo lái của CEO David O. Maxwell vào thập niên 1980. Bài viết bên Bloomberg.com có tiêu đề "thiên tài của nền kinh tế tư bản bại hoại bởi sự điên rồ của nạn cho vay dưới mức lời chỉ định" ( Capitalism's Genius Perverted by Subprime Madness).
Hồi xưa tôi có học một khóa về luật thương mại ( MTHEL100), nên nay ngứa ngáy, ôn lại và cập nhật thêm ti tí về tình trạng phá sản ( bankruptcy) của một doanh thương xem. Khi một công ty cổ phần (publicly traded company) đang trong tình trạng vỡ nợ (insolvent), ban giám đốc bất tín nhiệm, không còn khả năng điều hành nữa, thì tòa án sẽ can thiệp để bổ nhiệm một người tiếp quản (receiver) để phân phối tài sản trước khi giải thể công ty. Công ty nằm trong tình trạng này được gọi là "in receivership" (trong tình trạng tiếp quản). Hồi mới ra trường đi làm, tôi đã được nếm thử cái cảnh của một công ty đang trong tình trạng tiếp quản. Tình trạng conservatorship (bảo tồn)--tương tự nhưng nhẹ hơn receivership--dường như chỉ có trong nền luật pháp của Hoa Kỳ. Tòa án sẽ bổ nhiệm "người bảo tồn" để tạm thời tiếp quản công việc điều hành công ty, với hy vọng phục hồi lại công ty ấy và sau đó trả lại quyền "tự trị" cho công ty. Trong trường hợp của Fannie Mae, chào đời năm 1936 đã là một cơ quan quốc qua, được tư nhân hóa vào năm 1968. Bộ Tài Chính Hoa Kỳ hôm 7 tây vừa rồi đã bổ nhiệm FHFA làm cơ quan tiếp quản.
Có người hô hào cho rằng đây là một đòn lấy từ trang sách của chủ nghĩa xã hội, là phản tư bản. Thật ra nhiều nền kinh tế Tây phương--trong đó có Hoa Kỳ và Canada--từ đầu đã là những nền kinh tế hỗn hợp ( mixed economy), pha trộn giữa kinh tế tư bản (kinh tế thị trường-- market economy) và kinh tế xã hội (kinh tế trung ương-- command economy). Lấy hệ thống trợ cấp xã hội (gọi là welfare hay social assistance) của Canada ra làm thí dụ: những người có công ăn việc làm thì đóng thuế; một phần của tiền thuế ấy được dùng vào việc trợ cấp cho những người không có công ăn việc làm--một hệ thống người khắm khá trợ giúp người khốn đốn. Từ quan điểm ấy, tôi thấy luận điểm của bài bình luận này-- Don't Like Bailouts? Consider the Alternatives của Steven Pearlstein--nghe hay hay: việc chính phủ Hoa Kỳ cứu vớt Fannie Mae và Freddie Mac là một chiêu trợ cấp xã hội ở tầm vóc doanh nghiệp (corporate welfare). Đây là việc làm cần thiết, bởi nếu không làm vậy thì không những chỉ có một, hai công ty lớn bị phá sản, nhưng có thể toàn dân, và cả thể giới sẽ gặp nguy.
Nhắc đến việc vay nợ mua nhà, làm tôi nhớ, khoảng 5-6 năm trước đây, tôi có nghe trong cộng đồng người Việt ở đây, người ta hô hào cho nhau--thậm chí các nhân viên địa ốc còn công khai quảng cáo trên báo Việt--cái "mẹo" mua nhà với mức lời thấp và lại được khỏi phải trả tiền "đao" (down payment).
Có lẽ trong nhiều năm tới đây, thiên hạ sẽ vẫn còn oằn oại trong sự khó tin, "làm sao một sự tệ hại to tát như thế có thể xãy ra?"
Dĩ nhiên, sự kiện này sẽ xúc tác cho những chính sách mới trong hệ thống kinh tế Hoa Kỳ để tránh sự tái diễn.
Trong khi đó thì Thủ Tướng Stephen Harper tuần rồi đã tuyên bố: hệ thống tài chánh của Canada vẫn vững mạnh.
Đọc tờ tạp chí Maclean's, số ra ngày 29 tháng 9 năm 2008, vớ được trong quầy tính tiền của Wal-Mart hôm qua, thấy có bài viết, đề nghị rằng có thể đây là cơ hội cho các ngân hàng Canada nới rộng địa bàn hoạt động sang biên giới phương nam.
---
Sưu tầm:
[1] Bankruptcy and Insolvency Act ( R.S., 1985, c. B-3 ), Bộ Tư Pháp Canada.
Tuesday, July 1. 2008
CDK Sáng sớm, phụ thân tôi đã gọi điện, có vợ chồng người bạn từ Seattle sang chơi, ra quán ăn sáng cùng, rủ tôi ra ăn luôn.
Ăn sáng xong, đảo qua Công Viên Downsview dự lễ mừng sinh nhật thứ 141 của Canada. Nhìn thấy thiên hạ đến đông nghẹt, xe hơi nối thành hàng dài, dọc đường Sheppard gần lối vào công viên, làm mình hơi chán ngán. Thế nhưng cuối cùng cũng vào được, ăn được mấy cây kem sữa, 1 cái hotdog, và miếng bánh sinh nhật, miễn phí.
Chiều chạy lên Whittamore's Farm, định lập lại màn hái dâu của năm ngoái, nhưng thấy trời nắng quá, nông trại này tuy là rất lớn nhưng ít có bóng mát, cây dâu thì trông như bị cằn cỏi, bèn bỏ cuộc. Chạy về, tấp ngang Pacific Mall mua ba cái đĩa phim về nhà coi. Thế là xong một ngày. Happy Birthday, Canada!
Bánh sinh nhật
Thiên hạ tấp nập, xếp hàng chờ chơi và chờ ăn, miễn phí.
Thành phần thực dụng ở trong tôi không khỏi thắc mắc, thành phố đã phải "chi" bao nhiêu ngân phí (dĩ nhiên trích từ tiền thuế của người dân) cho cuộc vui này nhỉ. Chắc đây cũng là một chính sách kích thích nền kinh tế địa phương. Defined tags for this entry: canada
Monday, November 26. 2007
CDK Bác Dâu ( Joe Ruelle) này biến " tào lao" thành một nghệ thuật:
Chắc ai cũng biết Celine Dion, một ngôi sao rất nổi tiếng trên khắp thế giới. Nhưng ít ai biết cô ca sỹ này nếu là người Việt Nam sẽ ăn Tết ở Nghệ An. Quê thật của Celine là Quebec, và Quebec là Nghệ An của thế giới Pháp. Nếu tiếng Pháp của Paris là tiếng Hà Nội thì tiếng Pháp của Quebec là tiếng Nghệ An. Thực sự. Có nghĩa là nghe người Pháp nói chuyện thì người Quebec có thể hiểu được nhưng nghe những người Quebec nói chuyện với nhau ở quê thì người Pháp chẳng hiểu gì đâu.
Từ đó tới giờ thường nghe nói người Canada gốc Pháp châm chít người Canada gốc Anh (uhh...Ruélle không phải là gốc Pháp hay sao ta?), chứ ít khi nghe ngược lại. Người Canada nói chung có tiếng là lịch sự, trong khi Québec có tiếng hay khinh khi, kỳ thị.
Nhưng, nghĩ lại, dường như gần đây dân Canada không mấy gì ưa cô Céline Dion. Chả hiểu sao. Defined tags for this entry: canada
Monday, November 5. 2007
CDK
Chương trình CBC News: In Depth có bài sưu tầm về sự vượt trội của đồng đô Canada trong mấy tháng qua. Xin trích một phần:
Những lý do cho sức mạnh của đồng đô Canada đã từng được nêu ra trong nhiều năm qua. Giá cả của các mặt hàng xuất khẩu--xăng dầu, đồng, vàng, lúa mì--bạn thử nêu lên bất cứ mặt hàng nào, Canada dường như đã và đang sản xuất những mặt hàng đó ở mức độ dư thừa.
Đồng lu-ni (loonie) cũng được hấp dẫn bởi sức mạnh tương ứng của nền kinh tế Canada. Canada đang có một ngân sách và mậu dịch dư thừa (không bị thiếu nợ); Mỹ đang lỗ lã ở cả hai mặt này. Guồng máy kinh tế Canada đang nảy sanh nhiều công ăn việc làm, trong khi Mỹ đang sa thải nhiều công nhân.
Khung cảnh địa ốc cũng tốt lành hơn; gần như không có dấu hiệu của cuộc khủng hoảng nợ nhà cửa, đã xãy đến với Hoa Kỳ vào Tháng Bảy năm nay, bởi hiện tượng quá nhiều người vai nợ không đủ khả năng trả nợ [, và kết cuộc là nhiều sự vở nợ mà ngân hàng phải chịu lỗ lả].
Sự yếu ớt của nền kinh tế phía nam khiến Ngân Hàng Trung Ương Mỹ phải cắt giảm lãi suất vai mượn; trong khi đó thì Ngân Hàng Trung Ương Canada đang có dự định sẽ gia tăng mức lãi suất để chế ngự áp lực của mức lạm phát.
Ahhh, sự ứng dụng của chính sách tài chánh ( fiscal policy) và chính sách tiền tệ ( monetary policy). Mấy môn Kinh Tế vĩ mô vỡ lòng hồi năm đầu đại học xem ra cũng không đến nỗi vô dụng, để tôi có thể mơ hồ hiểu được một vài từ trong bài báo này.
Friday, September 21. 2007
CDK Trong vài phút giây của ngày hôm nay, 1.0000 CAD = 1.0002 USD (Theo tờ Economic Times).
Whoohoo!!!
Đã đến lúc xua quân nam hạ để đi...sốp-binh. Defined tags for this entry: canada
Wednesday, September 12. 2007
CDK Lời phát biểu của Thủ Tướng Stephen Harper, nhân chuyến công du sang Úc Chầu để dự phiên họp của Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Á Châu-Thái Bình Dương:
nếu chúng ta bỏ rơi đồng loại mình để họ sống trong sự bần cùng, tàn bạo, và dốt nát, thì trong xóm địa cầu (global village) của ngày nay, sự khốn khổ của họ sẽ dần dần biến thành khốn khổ của chúng ta, không tránh khỏi.
Hay! Hy vọng lời lẽ này phát xuất từ đáy lòng hơn là trống rỗng mù tịt đọc diễn văn do người khác viết.
Trong cuộc chiến xâm lược Áp-Ga-Nít-Tăng, tôi tự hào với lối cư xử của chính phủ Canađa, đã từng khuyên đàn anh Mỹ là "đừng nên...", nhưng sau khi sự việc đã rồi, Canada đã tình nguyện đóng góp tiền tài và xương máu để bảo vệ an ninh Áp-Gan và dựng lại những gì bị phá hủy.
Lối cư xử này làm tôi liên tưởng đến lối cư xữ trong gia đình...
Đối với đứa con khó dạy, bậc phụ huynh thường hay có câu (1): " Tao nói mà không nghe thì chừng đó có chuyện gì thì ráng mà chịu, đừng kêu réo tao. Tao không có thằng con như mầy. "
Lối ứng xử này không hay. Nên sửa ti tí như thế này (2): " Tao nói mầy không nghe thì cứ tự ý mầy làm đi, tới chừng nào thất bại, gặp rắc rối rồi thì cứ về đây tao gở rối dùm cho. Mầy là thằng con bướng bĩnh khó dạy, nhưng bậc làm cha mẹ này không từ bỏ mầy đâu." Đây là lối ứng xử của một Người Cha Trên Trời đối với những Người Con bất phục tùng ở dưới Trần Thế.
Tôi nghĩ, trong thực tế, đối với bậc cha mẹ dưới trần thế, miệng thì nói câu (1), nhưng rồi lại thực thi câu (2).
Sunday, July 1. 2007
CDK Chúc mừng nàng Canada, hôm nay được vừa tròn 140 tuổi. Hôm qua ngẫu hứng định quất ngựa sắt lên Ottawa mừng sinh nhật cùng với bà con, nhưng rồi lại thôi. Defined tags for this entry: canada
Thursday, May 10. 2007
CDK Tự do ngôn luận, một quyền lợi quốc tế được Liên Hiệp Quốc công nhận trong bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Quốc Tế ( bản dịch tiếng Việt từ đài RFA). Điều 19 có ghi:
Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bầy tỏ quan điểm; kể cả tự do bảo lưu ý kiến không phụ thuộc vào bất cứ sự can thiệp nào, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận, truyền bá thông tin và ý kiến bằng bất cứ phương tiện thông tin đại chúng nào và không giới hạn về biên giới.
Hiến Chương của Canada cũng có đoạn tương tự về quyền công dân này (xem Hiến Pháp 1982, điều 2: quyền tự do căn bản dành cho công dân). Bởi thế cho nên có những trường hợp công nhân viên của các hãng xưởng đình công biểu tình vì một vấn đề nào đó (việc đòi hỏi tăng lương bổng hoặc chẳng hạn), và thậm chí họ có quyền ngăn cản những công nhân tạm thời (được hãng xưởng mướn làm thay thế những người đình công), không cho họ vào làm việc.
Thế nhưng, thực thi như thế nào là quá trớn? Hồi tháng 3 gần đây, một số thổ dân Mô-Hóoc (Mohawk) đã biểu tình và chiếm đóng nơi mỏ đá Deseronto, thuộc quyền sở hữu của công ty đường rầy CN Rail, vì họ bảo đấy là vùng đất của họ. Sự quấy nhiễu ấy gây tổn thất cho CN Rail đến hơn $100M CAD.
"Tự do ngôn luận" gì mà kỳ vậy nhỉ. Bác vì quyền tự do ngôn luận của bác mà khiến tôi thua thiệt hơn $100 triệu đô. Nếu một tháng 30 ngày, ngày nào bác cũng thực thi quyền tự do ngôn luận của bác, chắc tôi phải dẹp tiệm, chuyển sang hành nghề Cái Bang mất. Dĩ nhiên đó là điều bác mong muốn, nhưng xem có công bằng cho tôi không, một người đã đầu tư vốn liếng không nhỏ để mướn mảnh đất này. Như thế quyền tự do ngôn luận của bác đã lấn át quyền tự do mưu sinh của tôi ư?
Ấy! Nhưng mà luật pháp của Canada cũng khá công bằng đấy chứ, vì tôi cũng có thể thực thi quyền lợi của tôi. Tôi có thể thưa kiện bác để đòi bồi thường cho sự tổn thất.
Gần đây trong cộng đồng người Việt Hải Ngoại cũng có chút xôn xao quanh vấn đề tự do ngôn luận này. Tôi đọc được từ bài viết 24 tiếng ở Sydney của bác Nguyễn Cao Kỳ Duyên, cựu em-xi của Trung Tâm Thúy Nga (Xem thêm: Kỳ Duyên phản hồi 'Xin có sự công bằng'). Bác Duyên bị bức xúc như thế cũng dễ thông cảm thôi. Nhưng xét theo hậu giác, sự việc đến nông nỗi như vậy là vì 2 vấn đề thiếu sót: 1) phe tổ chức thiếu an ninh để bảo vệ cho các nghệ sĩ, 2) phe rạp hát sợ bị biểu tình hơn là bị thưa kiện (Cũng có thể #1 dẫn đến #2). Vấn đề 1 đơn giản miễn bàn. Vấn đề 2: Bị kiện phải bồi thường vài lần rồi chắc họ sẽ thay đổi quan điểm. Không đồng ý cho thuê để khỏi bị rắc rối ư? Thì kiện tội "kỳ thị". Kiện cho họ sạc nghiệp luôn thì mới chừa.
Monday, January 8. 2007
ThanhHai Tình cờ xem được chương trình đầu năm Những Phát Minh Vĩ Đại Nhất của Người Canada, trên đài truyền hình CBC. Nhiều số trong những phát minh này làm tôi ngạc nhiên, khi biết nó đã được sáng chế bởi người Canada. Tiêu biểu như sau:
1. Thuốc insulin, trị bệnh tiểu đường. MacLeod và Banting của Đại Học Toronto được thưởng giải Nobel năm 1923.
3. Bóng đèn điện. Henry Woodward và Matthew Evans sáng chế ra bóng đèn vào năm 1874, song đã bán bản quyền lại cho Thomas Edison với giá $5000.
12. Ngôn ngữ lập trình Java. Quê quán của James Gosling là Calgary, Alberta.
Defined tags for this entry: canada
|
Recent Comments