Khi tỉnh thức, ta mơ ước sống từng giây bên em.
Khi ngủ mê, ta chiêm bao ân ái cùng em.
Khi nhận thấy khuyết điểm, và liền sau đó nhớ lại bao ưu điểm.
Khi buông lời trách mắng, và liền sau đó tự hận mình quá lời.
Khi hiểu rằng, ta diễm phúc được có em trong đời.
Và khi em ra đi, ta hiểu rằng ta không đáng có được em.
Ta yêu em từng giây phút của đời ta.
Những món quà, mà tôi từng nhận được trong đời, hoàn toàn không phải là do tôi xứng đáng, mà là do lòng hảo tâm của người ban tặng. Đó gọi là ân huệ, là hồng ân. Tôi trân trọng nó từng giây, từng phút, vì bởi tôi biết nó có thể biến mất đi bất cứ lúc nào.
Đọc bài Ghen và hạnh phúc trên mục Giải Đáp Tâm Tình của Thời Báo, không phải tôi quá rãnh muốn mở dịch vụ "giải đáp tâm tình" cạnh tranh với Thời Báo, nhưng vì thấy có nhiều điểm quen quen.
Người trong cuộc thường hay bị "rối trí", nhất là trong chuyện tình cảm. Tôi thấy bác Tr. H. N. làm sai ở chỗ này: "Tôi phẫn nộ và quyết tâm bằng bất cứ giá nào phải giữ nàng lại, bảo vệ hạnh phúc gia đình. Tìm V. để hắn biết khó mà lui? " Có câu (tôi trích phỏng): Những gì của mình thì sẽ về mình; còn những gì không thuộc về mình thì dù có cố níu giữ cũng sẽ mất. Vấn đề không phải là ở chỗ bác V; đây là một thử thách về sự chung thủy của cô Th.
Ghen không phải là điều xấu, nhưng ghen tuông thường là động cơ cho nhiều hành động tệ hại. Nếu là tôi thì tôi sẽ "án binh bất động", đừng làm gì hết, thậm chí tự cách ly mình ra xa, để có khoảng thời gian suy nghĩ và định đoạt, dùng đầu óc của chính mình để suy xét, nhưng dùng con tim để kiểm chứng sự định đoạt ấy. Hành động nhất thời theo đề nghị của người khác, nhất là của người thân, đôi khi sẽ phản tác dụng. Và sau hết, nếu không thể vãn hồi, nếu bác thật sự yêu cô Th, thì hãy để cho cô ấy đi.
Trong đời tôi hay làm nhiều điều ích kỷ, nhưng không ai có thể cho rằng, tôi ích kỷ trong tình yêu.
Thêm một đợt phát thanh hay của chương trình Q làm tôi chú ý, lần này nhân ngày Lễ Tình Nhân (toàn bộ chương trình, dạng mp3, nằm ở đây):
Vài điểm gây chú ý:
tiền bạc luôn là sự cản trở,
áp lực của đời sống chật vật thường làm cho người ta phân ly.
Đúng là, lúc gian nan mới rõ thâm tình.
Mặt khác, mới hồi chiều đưa mẫu thân tôi đi dạo nơi Pacific Mall, ngang qua một tiệm bán hoa hồng, thấy có nhiều cô cậu choi choi bu quanh, tôi liếc nhìn qua khung cửa sổ của tiệm, thấy có để giá: $12 một nhánh, 80$ nửa chục, $120 một chục. Rõ ràng đối với các cô cậu đang yêu, tiền bạc vốn không thành vấn đề.
Hai tuần trước (hôm 22 tháng 1) tình cờ nghe chương trình Q của đài CBC bàn về vấn đề tình yêu ngẫu nhiên (serendipity), hôm nay mới tìm ra đoạn podcast của họ. Đề tài phỏng vấn: The realism of romantic comedy (bản Việt ngữ trên VnExpress.net: Phim tình cảm làm hại tình yêu). Toàn chương trình podcast nằm ở đây. Dưới đây tôi trích đoạn phần phỏng vấn bác Bjarne Holmes, người nghiên cứu:
Phản ảnh những quan niệm lệch lạc về tình yêu:
thiên duyên tiền định, và
"Nếu anh ấy thật sự là người đồng cảm (soul mate) với tôi, thì anh ấy phải hiểu tôi đang nghĩ gì!"
Tóm tắt ý:
về thiên duyên tiền định, thà tin không còn hơn tin có.
trên thực tế, "đồng cảm" là một trạng thái do nhiều năm dày công khổ luyện mới đạt thành, chứ không phải do tự nhiên mà có.
2006-02-15 04:14
Tối qua trên đường chạy xe từ công ty về nhà, nghe đài CHFI 98.1 đang phát thanh chương trình Lovers and Other Strangers (Tình Nhân và Những Người Lạ Khác) đặc biệt nhân Ngày Tình Nhân (Valentine's Day). Nghe vị điều khiển chương trình đọc trích một câu nói của ai đó:
If you live to be one hundred years old, I want to live to be a hundred years minus one day so I'll never have to live without you.
Nếu em có thể sống đến 100 tuổi, ta muốn được sống đến 100 tuổi trừ một ngày, để ta khỏi phải sống một ngày nào không có em.
Đang tập trung lái xe nên không để ý coi cao nhân nào là tác giả của câu nói vừa nghe. Nghe thấy không ỗn, bụng bảo dạ, "người nào mà nói câu gì ích kỷ vậy, hay ho gì mà cũng trích!". Không được, không được. Phải sửa lại là:
Nếu em sống được đến 100 tuổi, anh ước gì được sống đến 100 tuổi cộng thêm một ngày, để anh có thể chăm sóc em trọn đời.
Chúa Giêsu dạy (và đã là chứng nhân): Tình yêu là sự hiến dâng và phục vụ trọn vẹn của chính mình dành cho người mình yêu cơ mà.
Tối về đến nhà tôi "điều tra" xem thằng ông nội nào lại để đời một câu thiếu suy nghĩ kia. Trời! Té ra cao nhân ấy là ... cô gấu hoạt hình Winnie The Pooh. Doh! Uổng công điều tra nhảm không đây nhỉ.
Hôm nay tôi như bị ai nhập. Bài viết này là xuất thần giảng đạo cho chính mình, chứ không dám ngông cuồng "lên lớp dạy bảo" với người đọc.
Nếu mọi người trong chúng ta được đặt vào tình thế thử thách phải chọn giữa chữ hiếu và chữ tình, thì chúng ta phải chọn thế nào nhỉ? Hẳn nhiên, đa số trong chúng ta sẽ trả lời là "vì hiếu phụ tình". Trong truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, Thúy Kiều đã làm như vậy, khi nàng hy sinh mối tình đầu với Kim Trọng, bán mình để chuộc cha già.
Vấn đề cân nhắc giữa tình và hiếu nhiều khi bị người đời làm lu mờ đi, nên cần phải sáng suốt để nhận định rõ vấn đề, hầu khỏi phải sai lầm mà gây cảnh tang thương không cần thiết.
Tôi thí dụ, chàng và nàng yêu nhau thắm thiết, nhưng cha nàng vì lý do nào đó không ưa anh chàng, và không chấp nhận cho cuộc tình của hai người. Thậm chí, còn nhất quyết rằng: cô mà lấy hắn thì từ nay tôi sẽ từ cô, tình cha con và mọi quan hệ với gia đình này đối với cô kể như chấm dứt. Giữa tình và hiếu, cô hãy khéo chọn đi.
Ai trong chúng ta nếu thường xem những vỡ tuồng cải lương hoặc những phim tình cảm xã hội, ắt sẽ không lạ gì với hoàn cảnh trên. Nhưng, đều lạ là ở chỗ những chuyện tình lâm ly bi đát ấy vẫn còn xãy ra ngoài đời, ở thời thế hiện đại này. Dường như người ta xem phim, đọc truyện xong rồi lại cho qua lề, xem chúng chỉ như là một món ăn giải trí mà không đếm xĩa gì đến những bài học để đời mà tác giả đã dầy công dàn dựng.
Trở lại ví dụ trên của tôi, thử hỏi hai chữ tình-hiếu trong đấy có giống như hoàn cảnh của Thúy Kiều hay không? Xin thưa, rõ ràng là không, hai trường hợp hoàn toàn khác, vì một bên là thử thách của người, còn một bên là một thử thách của đời. Thử thách của đời là thử thách của tự nhiên, của thiên nhiên, do hoàn cảnh đẫy đưa mà nên, thậm chỉ cũng có thể cho là thử thách của trời ban, nên không thể chấc vấn. Còn nếu là thử thách nhân tạo, thì về mặt tình và lý, cần phải suy xét xem thử thách ấy có công bằng, hợp lý, và có mang tính ích kỷ hay không. Tại sao buộc phải như vậy, trong khi giữa tình và hiếu đều có thể được chu toàn cả hai?
Viết đến đây, vì là người trong Thiên Chúa Giáo, nên tôi liên tưởng đến điều răng thứ tư của mười giáo điều: hãy thảo kính cha mẹ. Vậy thử hỏi, nếu cãi lời cha mẹ trong vấn đề này thì có phải là đã vi phạm giáo điều hay không? Những người làm con trong đạo, nếu lâm vào cảnh này, ắt sẽ bị ray rứt, khỗ tâm không ít. Trong lịch sữ của Giáo Hội đã có không ít trường hợp những vị, như Thánh Phanxicô Assisi, đã bị gia đình từ bỏ, vì lý tưởng của mình. Tôi nêu lên ví dụ này không phải để ví tình yêu cao cả của Thánh Phanxicô dành cho Chúa với chuyện nam nữ thường tình, mà chỉ muốn ngõ ý rằng: "thảo kính" không có nghĩa là mù quáng vâng lời, mà phải biết suy xét, nhận định cho riêng mình, vì chỉ có mình mới hiểu rõ mình nhất, và vì Chúa đã cho mình quyền tự do ý chí đó. Nếu hai người thật sự yêu nhau, ngoại trừ một sô trường hợp trái ngược với luân thường đạo lý, thì không ai có quyền cấm cản họ cả, vì ở đâu có tình yêu, thì ở đấy có Thiên Chúa, bởi Chúa là tình yêu. Bậc làm cha mẹ, nếu thật sự biết thương con, vì con, thì sẽ không cản trở tình yêu của chúng nó mà đưa con cái mình đến hoàn cảnh phải khó xữ phân chia giữa hiếu với tình, mà bi kịch Romeo và Juliet của văn hào Shakespeare là một trong nhiều thảm trạng thực sự có thể xãy đến.
Xin đừng hiểu lầm. Tôi không bao giờ chủ trương xúi giục người ta nên cãi lời cha mẹ. Nhưng phải khẳng định một điều: làm một con người, một cá nhân, cần phải có cá tánh, có lập trường, phải biết suy nghĩ và lập luận cho riêng mình. Đó là cái bản chất và ý chí tự do của trời cho. Cha mẹ thì suốt đời cũng sẽ là cha mẹ. Cha mẹ chí có bổn phận dìu dắt chúng ta trong lúc còn non dại, và tất nhiên đối với công ơn của cha mẹ, phận làm con không thể nào quên được. Nhưng cha mẹ cũng chỉ là con người, cũng có khi đúng, có khi sai. Nếu ta biết rõ mình đang làm gì, và không dối lòng, hành động theo lương tâm, thì chung qui sẽ không có gì phải hối hận cả. Sách có câu "nhân bất vị kỷ, thiên tru địa diệt (người không vì mình thì trời tru, đất diệt)", là ý như thế. Việc mình nên làm thì phải làm, còn cha mẹ nếu có bất đồng thì chỉ còn cách giải quyết duy nhất: nhẫn nại thuyết phục và nhờ vào thời gian để hóa giả, chờ cơ hội để báo hiếu nếu được cho phép.
Và riêng về phần mình, cũng khá phải nhớ rằng: tự do đi đôi với trách nhiệm, và sự lựa chọn sẽ tiếp theo bằng hậu quả--đó là luật nhân quả. Vì vậy, cũng giống như lời cam kết giữa hai vợ chồng khi lấy nhau: có phước cùng hưởng, và có họa thì ... ráng mà chịu một mình.
Nhóm tại Đại học Pavia đã tìm ra một hoá chất trong não chịu trách nhiệm cho những cảm xúc yêu đương đầu tiên. Hàm lượng protein đó tăng sẽ kéo theo cảm giác lâng lâng và lệ thuộc mà mọi người thường trải nghiệm ở giai đoạn đầu của cuộc tình. Nhưng sau khi nghiên cứu những người mới yêu, yêu đã lâu và những người độc thân, họ tìm thấy hàm lượng protein đó giảm dần theo thời gian....kết quả đó không có nghĩa rằng những người kia không còn yêu nhau nữa, mà tình yêu đó không còn mãnh liệt như hồi đầu. Tình yêu đã trở nên ổn định hơn. Sự lãng mạn dường như chấm dứt"
Ahem...Lên giọng ngông cuồng tí xem nào .... ahem ...
Hmm...Không biết vị tác giả này định nghĩa "lãng mạn" như thế nào đây, nghiên cứu ra sao, mẫu dữ liệu nghiên cứu (sampling size) được bao lớn, mà lại kết luận là "sự lãng mạn ... chấm dứt". Hay là bài báo đã dịch sai từ "lãng mạn"? Hoặc tôi đã hiểu sai ý của bài viết chăng?
Theo tôi, "lãng mạn" còn hay mất là do ý thức chứ không phải do đặt để phải như vậy. Nếu có trường hợp "dịu dần sự lãng mạn" đi chăng nữa, thì chỉ vì các cô cậu nhà ta cho rằng đã "được" về mình rồi thì không cần phải nhọc tâm...vun bón thêm nữa làm chi. Nhưng đối với những người ý thức được, thì sự lãng mạn ấy, nếu hiểu theo tiếng Anh là "romance" hay là "romantic" ấy, vẫn còn tồn tại. Chẵng qua nó đã được biến dạng, từ một trạng thái thơ mộng, có tính cách tiểu thuyết, đến trạng thái thực tiễn hơn.
Thử lấy hai thời điểm, trước khi cưới và sau khi cưới, để rõ ràng, dễ phân tích. Giả sử, lúc mới yêu, tối thứ sáu nào chàng cũng dẫn nàng đi ăn nhà hàng sang trọng, hoặc thứ bảy thì đi thăm viếng thắng cảnh đẹp thiên nhiên, hoặc Chúa nhật thì đi xem xi-nê chẵng hạn Cưới xong, một năm sau, ở giữa hai người lại có thêm một người. Chiều thứ sáu đi làm về thì người lo nấu ăn, người lo thay tả, tắm rửa cho người thứ ba. Rồi thì giặt dũ, đi chợ, nấu ăn, tặng tiện tiết kiệm cho mái ấm gia đình. Còn thời giờ đâu mà ngắm cảnh, ăn hàng rong, xem xi-nê của thuở ban đầu. Thế nhưng, chàng sáng đi làm thì hôn vợ một cái với câu đơn sơ, "anh yêu em", nàng với câu "chúc anh yêu một ngày tốt đẹp". Chiều về chàng ... ghé tiệm mua tí đồ về cho vợ, đỡ nàng phải lội bộ đi mua. Tối vê thay phiên ... xoa bóp nhau cho bớt xì-trét do công việc hàng ngày. Sáng thứ bảy chàng dậy sớm, để cho vợ ngủ thêm, rón rén xuống nhà bếp làm thức ăn sáng, chờ nàng dậy thì hai người cùng ngồi ăn và tâm sự.
Như thế vẫn lãng mạn chứ nhỉ, nhưng là thực tế hơn lúc mới yêu nhau, phải không nào..."lãng mạn" trong những cữ chỉ rất đơn giản, rất nhỏ nhoi, và người ý thức được thì sẽ làm được. (Viết như vậy không có nghĩa tôi tự cho là mình lúc nào cũng hoàn toàn ý thức được.)
Bản thân tôi biết được ít nhất hai, ba cặp đang làm được như vậy. Hai người cựu đồng nghiệp của tôi (người ngoại quốc), người (1) đã có hai ba mụn con, còn người (2) tuy chưa có con nhưng đã cưới nhau ba, bốn năm rồi. Người (1) đã có con đi trường học cấp hai rồi. Thế nhưng có lần đi công tác với tôi, thấy anh ta chiều vừa về đến khách sạn thì gọi ngay về cho bà vợ, tù ti tủ tỉ, I love you, you love me này nọ tứ lung tung, làm tôi nghe cũng thấy hơi ... nhột. Còn anh (2) thì cuối tuần nào vợ chồng cũng dẫn nhau đi chơi giải trí lành mạnh, mùa hè thì đi cắm trại, chèo thuyền, mùa đông thì đi trượt băng, trượt tuyết. Chẵng biết hai cặp này có bị giảm chất phờ-rồ-tê-in gì đó như bài báo đã nói không, nhưng tôi thấy họ cũng vần còn lãng mạn quá đi chứ, mặt dù đã hơn quá xa 1 năm rồi còn gì. Đây là dữ liệu thí nghiệm (empirical data) lấy từ ngoài đời đấy.
Từ đó cho ta thấy, sự lãng mạn vẫn còn trơ trơ đó chứ đâu. Trở lại bài nghiên cứu, có lẽ sự giảm thiểu của chất protein gì đó, là một kết quả (effect) của sự thiếu lãng mạn, chứ không phải nguyên nhân (cause) khiến mất đi sự lãng mạn.
Đôi khi người ta thường hay bị quá lôi cuốn vào vòng đời, lo cho sự sống quá nên quên sống thật sự. ??? mâu thuẩn không nhỉ Nhưng chỉ cần thay đổi ý thức mình, thay đổi cái nhìn một tí thôi, thì mọi việc sẽ khác hẳn ra.
Tiếc thay, thay đổi một ý thức hệ còn khó hơn là dời non, lấp biển nữa, nhất là khi người thông minh và tự hào thường sẽ không bao giờ chịu nhìn thấy cái sai nơi bản thân.
Hehe ... Đây tôi chỉ là thuận miệng nói bừa thôi, chứ chẵng phải giàu kinh nghiệm quách mo gì đâu nhé. Nếu lạc đạn, phật lòng người đọc thì xin cảm phiền ... ráng chịu vậy.
Có lẽ tôi mới là người đang trong tình trạng mơ mộng, ảo tưởng.
Recent Comments