Trong kinh doanh, thất bại là lẽ thường. Lắm khi, nó mang hình dạng của một động cơ thúc đẩy, tạo điều kiện cho nhiều sự thành công trong tương lai.
(In business, failure comes with the territory. Often, it takes the form of a motivating moment that makes future successes possible.)
Đêm hôm qua lại gặp giấc mơ lạ. Tôi đi hướng dẫn khách hàng sử dụng sản phẩm. Đến cuối giờ, tôi móc danh thiếp của mình để trao các học viên. Khi nhìn kỹ thì tôi nhận ra rằng, ngoại trừ hình biểu tượng (company logo) và tên công ty, danh thiếp của mình trống trơn, không ghi tên họ, địa chỉ, số điện thoại gì cả.
Gần đây công ty tôi gặp chút trở ngại. Dĩ nhiên tôi qui trách nhiệm cho bản thân tôi, tự trách mình vừa thiếu tài, vừa thiếu nghị lực (đọc: lề mề) về phương diện lãnh đạo kỹ thuật. Đôi lúc tôi gần như có ảo tưởng là tôi có thể đảm được trọng trách lèo lái công ty này (ít ra trên phương diện công nghệ) đi đến thành công; khi khác thì tôi nhận ra rằng chung qui tôi cũng chỉ là một tên làm mướn, không hơn, không kém. Không biết giấc mơ đêm qua là điềm báo cho tôi nên đổi công ty--nhận thất bại sau 11 năm nỗ lực, và bắt đầu một danh thiếp mới--hay là động lực cho tôi hãy mạnh dạn "cải tổ" lại phương thức làm việc trong công ty cũ cho được hữu hiệu hơn? Nếu thay đổi thì lại thoáng lên trong tôi cái mộng thành lập công ty của hôm nào, nhưng trung thành với bài viết ở trên thì đúng là tôi sợ thất bại nặng nề. Còn nếu "cải tổ" thì tôi cần thiết lập một hệ thống tự kiểm điểm, trước tiên là cho bản thân, để khi năng suất mình bì sút giảm thì mình có thể nhận dạng một cách cụ thể, mà kịp thời điều chỉnh. Hình như giới công nghệ gọi cái này là QMS (Quality Management System), nhưng phải là những gì cực đơn giản, dễ áp dụng, kém mất thời gian. Nếu hỏi ông sếp cũ của tôi thì dĩ nhiên ông sẽ trả lời (theo kinh nghiệm cá nhân ông): hãy tận dụng cái bộ não của cậu là đủ. Và tôi cũng sẽ trả lời với ông y như lúc xưa: tôi không mấy tin tưởng vào bộ não của tôi.
Tôi đã để đồng hồ báo thức 4h30, nhưng đã ngủ thẳng cẳng tới 7h00 mới dậy, làm trễ chuyến bay 7h30 bay trực tiếp tới Phoenix.
Sau 10 năm làm việc, đi công tác bao nhiêu lần. Nhận thấy trong phi vụ, mình vẫn còn được sự "may mắn" không kém thuở ban đầu. Có khác chăng là phản ứng của tôi khi vấp phải những trường hợp này: tôi không còn hốt hoảng, hoang mang như xưa nữa. Mấy bác chuyên quản lý dự án (project manager) có một câu để ứng xử cho những trường hợp này: "It is what it is!". Sự việc đã là như vậy. Có hốt hoảng, hoang mang, cũng chẳng giúp được gì.
12h35 giờ địa phương.
Đang ngồi tại phi trường McCarran, chờ chuyến bay về TO. Lại bắt được sóng wifi miễn phí. Wow! 2/3 không phải tệ. Mạng wifi ở đây xem chừng nhanh hơn tôi từng nhớ.
Chuyến bay từ Phoenix tới Las Vegas chỉ mất khoảng 35'. Vừa chui ra khỏi phi cơ, ngay trong khuông viên cổng máy bay, biểu tượng thủ đô cờ bạc của thế giới đã ập ngay vào mắt tôi:
Mới vừa nghe cô nhân viên thông báo trên máy phóng thanh: máy bay bị đình trễ, nghĩa là sẽ cất cánh trễ hơn dự tính khoảng 30'.
Bây giờ là 8h55 giờ địa phương. Tôi đang ngồi tại cổng B6 ở phi trường Sky Harbor, Phoenix (phi-níx), chờ chuyến bay 10h00 về Toronto, chuyển tiếp qua Las Vagas, dùng mạng wifi của phi trường. Phi trường Phoenix (phi-níc) Sky Harbor có wifi miễn phí. Thật hiếm! Thời buổi này, dường như mấy mạng wifi ở phi trường nào cũng phải bắt đóng tiền ($7.95/ngày) để nối mạng. Lúc nãy tôi mới đứng lọ mọ trước mấy cái màn hình, tra xét cổng khởi hành cho chuyến bay, có một cô nhân viên tươi cười đến hỏi "cậu cần giúp gì không?" Trước, đó khi đi trên xe buýt, từ chỗ trả xe mướn, vào phi trường, thấy tivi hô hào khẩu hiệu, "America's friendliest airport". Giờ thấy họ không nói ngoa.
Lẽ ra đã về hồi hôm qua, nhưng làm đe-mồ hơi quá giờ, đến quầy lấy phiếu máy bay cho chuyến 15h12 thì đã trễ 10'. Ai biết họ đã có nhu cầu check-in trước 60' từ hồi nào. Tôi đến 50' trước giờ bay. Thế là họ không cho vào. Đành ngủ lại đây thêm một đêm. Mướn xe (có GPS, thêm $13.95/ngày), định nhân cơ hội đi đâu xem thắng cảnh thiên nhiên. Grand Canyon thì quá xa. Ăn chiều xong thì đã hơn 18h30. Tính làm một chuyến lên Flagstaff xem hố thiên thạch--hơn 2h lái xe. Đi được nữa đường thì thấy oải. Bụng bảo dạ, nếu tới nơi mà lả mệt, lái về không nổi thì là nguy. Bèn quay xe trở lại, về khách sạn lúc 21h20, nghỉ thôi.
Công việc đã xong. Đang ngồi ở phi trường Atlanta chờ chuyến bay 20h00 (+02h00) về Toronto.
Thử xài dịch vụ wifi của Boingo, thấy cũng khá nhanh.
Có điện đàm với anh chàng khách hàng mấy ngày trước khi xuống đây, được biết mấy tháng nay bên này bị hạn hán, dân Atlanta đang cầu một cơn mưa. Tôi cười đùa với anh chàng, phàn nàn rằng mấy lần tôi tới Atlanta, lần nào cũng đã bị mắc mưa.
Đang ngồi tại phòng khách sạn FairField trong College Park, gần phi trường Hartsfield-Jackson. Mới đáp máy bay hồi chiều 15h30, đi ăn tối với ông sếp CEO xong. Ngoài việc đến để "hỗ trợ tinh thần" cho tôi, ông ta còn có mấy cuộc họp với bạn hàng ở vùng này vào chiều nay và ngày mai. Phần tôi giờ đây đang soạn bài vở cho lớp huấn luyện khách hàng vào sáng ngày mai.
Suốt cả tháng nay mình đóng quân miết ở công ty khách hàng, trong thành phố, cách công ty nhà 15', đi đi về về mỗi ngày. Thuận trên đường từ đấy về công ty nhà, có quán bánh mì California Sandwiches, với tuyệt chiêu: bánh mì thịt bê! Thật là tuyệt...cú mèo! Xơi mấy tuần nay làm mình ghiền mất. Mấy năm trước đã được một anh đồng nghiệp quảng cáo địa điểm này cho mình, nhưng dù không xa mấy mà đã lâu rồi không có dịp ghé qua.
Mấy tuần bỏ mặc những công việc nội vụ trong sở cho mấy cậu đàn em, trong khi mình thảnh thơi đi ngoại giao nơi "chiến tuyến", làm tụi nó cũng bị áp lực nhiều, nên hôm nay tôi cao hứng "đài thọ" một chầu thịt bê. Trong bọn có 1 cậu người Ý, cũng "kết" với cái quán này, vừa nghe danh là đã hớn hở lên.
Với cái tên "Bánh Mì Cali", chắc chủ nhân cố ý đánh lạc hướng thực khách, vì họ sửa soạn thức ăn theo phương thức gia truyền gì gì đó của người Ý (chủ nhân là người Ý), và theo tôi được biết thì quí quán chỉ có những địa điểm trong vùng Toronto mà thôi.
Cả tuần nay đi "công du" ("công" nhiều hơn "du") sang New Haven, Connecticut. Đáp máy bay từ Toronto sang Hartford mất 2 giờ đồng hồ, xong lái xe xuống New Haven khoảng 1 giờ nữa. Công ty bạn, mục tiêu của đợt công tác của tôi lần này, nằm ở Branford, cách New Haven 10 phút lái xe, nhưng khách sạn tôi nằm ở New Haven nên có dịp đi dạo phố lúc tối về.
New Haven là "quê hương " của trường Đại Học Yale. Yale là một trong 6 trường Ưu Hạng của Hoa Kỳ, chuyên về Y Học, cùng với CalTech (Khoa Học Kỹ Thuật), Harvard (Luật), MIT (Khoa Học Kỹ Thuật), Stanford (Văn Học Nghệ Thuật), và Princeton (Vật Lý).
Hồi chiều, sau giờ làm việc tôi cao hứng đảo một vòng quanh khuôn viên của trường Yale để tham quan. Kiến trúc của những tòa giảng đường và nội trú trông đồ sộ và rất ... cổ. Bác nào muốn tham quan qua mạng thì hãy vào đây.
Lái xe lòng vòng một hồi phát chóng mặt, tôi đậu xe lại, xuống tản bộ để dạo phố một hồi, lạc chân đến góc đường Howe và Whalley/Broadway, thấy có tiệm Mì "bình dân" của người Tàu với cái tên ngồ ngộ: East Melange.
Cả tuần ăn đồ Tây khô khan không có nước, đang đói, chợt thèm tô mì vịt quay, tôi bèn rảo bước vào thưởng thức. Bữa ăn chưa tới $20 USD mà ngon miệng hơn mấy bữa ăn ở quán Tây hơn $40USD.
Chiều mai tôi sẽ về nhà rồi. Máy bay cất cánh rời Hartford vào 7 giờ tối, về tới nhà chắc cũng 10 giờ. Đi xa một tuần, mình nhớ nhà quá. Nhà của Độc Cô Quái Khách tuy lúc nào cũng vắng lặng như tờ, nhưng mình vẫn nhớ, thèm nằm vào chiếc giường đơn sơ nhưng đủ êm ấm của mình, ngủ một giấc tới chiều hôm sau luôn, để bù lại suốt một tuần thiếu ngủ vì công việc bề bộn.
Recent Comments