Trong kinh doanh, thất bại là lẽ thường. Lắm khi, nó mang hình dạng của một động cơ thúc đẩy, tạo điều kiện cho nhiều sự thành công trong tương lai.
(In business, failure comes with the territory. Often, it takes the form of a motivating moment that makes future successes possible.)
Đêm hôm qua lại gặp giấc mơ lạ. Tôi đi hướng dẫn khách hàng sử dụng sản phẩm. Đến cuối giờ, tôi móc danh thiếp của mình để trao các học viên. Khi nhìn kỹ thì tôi nhận ra rằng, ngoại trừ hình biểu tượng (company logo) và tên công ty, danh thiếp của mình trống trơn, không ghi tên họ, địa chỉ, số điện thoại gì cả.
Gần đây công ty tôi gặp chút trở ngại. Dĩ nhiên tôi qui trách nhiệm cho bản thân tôi, tự trách mình vừa thiếu tài, vừa thiếu nghị lực (đọc: lề mề) về phương diện lãnh đạo kỹ thuật. Đôi lúc tôi gần như có ảo tưởng là tôi có thể đảm được trọng trách lèo lái công ty này (ít ra trên phương diện công nghệ) đi đến thành công; khi khác thì tôi nhận ra rằng chung qui tôi cũng chỉ là một tên làm mướn, không hơn, không kém. Không biết giấc mơ đêm qua là điềm báo cho tôi nên đổi công ty--nhận thất bại sau 11 năm nỗ lực, và bắt đầu một danh thiếp mới--hay là động lực cho tôi hãy mạnh dạn "cải tổ" lại phương thức làm việc trong công ty cũ cho được hữu hiệu hơn? Nếu thay đổi thì lại thoáng lên trong tôi cái mộng thành lập công ty của hôm nào, nhưng trung thành với bài viết ở trên thì đúng là tôi sợ thất bại nặng nề. Còn nếu "cải tổ" thì tôi cần thiết lập một hệ thống tự kiểm điểm, trước tiên là cho bản thân, để khi năng suất mình bì sút giảm thì mình có thể nhận dạng một cách cụ thể, mà kịp thời điều chỉnh. Hình như giới công nghệ gọi cái này là QMS (Quality Management System), nhưng phải là những gì cực đơn giản, dễ áp dụng, kém mất thời gian. Nếu hỏi ông sếp cũ của tôi thì dĩ nhiên ông sẽ trả lời (theo kinh nghiệm cá nhân ông): hãy tận dụng cái bộ não của cậu là đủ. Và tôi cũng sẽ trả lời với ông y như lúc xưa: tôi không mấy tin tưởng vào bộ não của tôi.
Tôi đang soạn giúp cho tam đệ tôi các bản Báo Cáo Tài Chính Dự Toán (Projected Financial Statements) và Kế Hoạch Kinh Doanh (Business Plan) để nó đi "gây quỹ" cho công ty xây dựng của nó. Hmm...chắc phải phủi bụi mấy quyển sách Accounting 101. Khó ở đây là làm sao mình "dự toán" nguồn tài chính chi/thu cho một/hai năm, khi ta chỉ mới khởi nghiệp? Tôi đề nghị với nó rằng dùng "phi vụ" làm nhà cho tôi, cộng thêm mấy dự án nho nhỏ nó đã làm mấy tháng trước, gọp lại cũng được 2-3 tháng, để có chút nguồn thu nhập và chi tiêu (tiền xăng cho xe, tiền mua dụng cụ nghề nghiệp, v.v...), và từ đó làm cơ sở phỏng ước khả tín về nguồn thu/chi cho suốt năm.
Hơn tháng nay tôi cũng đang tò mò về các chương trình tài trợ của chính phủ tỉnh bang và liên bang để giúp đở các thương gia khởi nghiệp. Hầu hết đều là các chương trình cho vay mượn, hiếm thấy có chương trình "cho không" (có chứ không phải không, chỉ là hiếm). Đã tham khảo qua các mạng này:
Công ty nơi tôi đang làm việc, trong quá khứ đã dùng đến chương trình SR&ED (Scientific Research and Experimental Development) của chính phủ Canada, chắc là tương đương với chương trình SBIR của Mỹ. Dĩ nhiên công ty tu sửa nhà cửa của tam đệ tôi chắc không dùng được chương trình này, trừ phi nó sáng chế ra một phương thức xây dựng mới mẻ nào đó ít tốn kém hoặc hiệu suất cao hơn bình thường. Hơn nữa, chương trình này thuộc dạng "tiền hoàn trả" (rebate), đòi hỏi ta phải tự ứng số phí tổn nghiên cứu trước đã, rồi cuối năm mới được chính phủ hoàn lại.
Tôi sẽ ghi chép thêm nếu có khám phá gì mới mẻ về các chương trình này và về quá trình lập kế hoạch kinh doanh.
Mới hôm nào đây nghe dư luận bàn tán về mưu toan của IBM để mua lại Sun, thì hôm qua bất ngờ nghe tin động trời: Sun "được" Oracle thôn tính. Xem thêm: thư của CEO Jonathan Schwartz gửi cho nhân viên. Phen này chắc MySQL bị rồi đời.
Chưa thấy cảm tưởng gì từ bác James Gosling về vụ này.
When [Jessica Livingston] asked me what she should speak about [at the upcoming conference], I asked her to consider describing all the different ways a start-up can fail, rather than the usual stuff about lessons learned from people who succeeded.
"That would be boring," she told me. "They all fail for the same reason: People just stop working on their business." Um, yeah, well, sure, and most people die because their heart stops beating. But somehow dying in different ways is still interesting enough to support 40 hours a week of prime-time programming.
Thêm một ý tưởng mới để cho tôi nghiền ngẫm: cái gọi là quản lý tinh thần (morale management). Tôi nghĩ "tinh thần" ở đây không những ám chỉ tinh thần của bản thân người quản lý (người chủ chốt, người sáng lập), mà còn phải bao gồm sự chăm lo đến tinh thần của những người làm việc dưới quyền mình.
Tôi không phải là một người sáng lập, và đúng ra cũng không phải là người quản lý--nhiệm vụ của tôi là phát triển kỹ thuật. Nhưng đôi lúc tôi cảm thấy mình đang đứng trong vị trí phải cổ động tinh thần cho những người làm chung với tôi. Đây là một việc mà tôi đang thất bại thê thảm.
Theo tin trên Yahoo! News, bài hát có tên "F.U.C.K Me"--ý quên, If You Seek Amy--trong anh-bum mới của Britney Spears hình như vi phạm luật bất khiếm nhã (indecency law):
Chắc cô này lại định dụng chiêu tiếp thị "sex sells" thể khôi phục ngôi "công chúa nhạc pốp".
Đã ẩn tích gần chục năm nay, hôm qua định hạ sơn, đi Hội Chợ Tết của Hội Người Việt ở CNE, nhưng rồi bị Như Quỳnh trong Hội Xuân Tha Hương cám dỗ, và ngược với lương tri ("against my better judgement" dịch ra làm sao ta), tôi đã đi xem hội chợ ở International Centre gần phi trường.
Cảm tưởng chung chung: chán, chán như con dzán. Địa điểm chật hẹp, tưởng tượng như tôi đang đứng trong một nhà kho (warehouse). Mấy gian hàng le ngoe, nhợt nhạt, chỗ duy nhất gây ấn tượng là quầy bán đồ chay của chùa nào đó ở Brampton--đã quên tên mất--có món bún bò huế (chay) bá chấy bò chét. Giàn âm thanh trong sân khấu quá tệ. Hồi trước đi nghe văn nghệ của mẫu thân tôi hát, tưởng âm thanh bên đó quá tồi, giờ có dịp so sánh, thấy cũng không đến nỗi tệ.
Một vài ý kiến đóng góp xây dựng:
Nếu họ treo thêm 2 cái màn hình LCD (không tắt tiếng) nơi hội trường ngoài (1 gần cửa ra vào, và 1 ngay trước cửa vào hội trường văn nghệ) thì có lý hơn.
Sân khấu văn nghệ cần rộng hơn, trang trí tươi tắn hơn cho hợp với không khí Tết. Tôi có cảm giác cái sân khấu hôm qua không xứng đáng với mấy anh chị em nghệ sĩ tên tuổi như Như Quỳnh, Bằng Kiều, Minh Tuyết,vv...
Tóm lại, có phần trình diển tự ứng này tôi thấy là ấn tượng nhất trong ngày:
Diễn ra trong lúc xổ số cho mấy em thiếu nhi, cậu bé này đã cao hứng, tự động leo lên bục thềm sân khấu, cầm bong bóng (chưa thổi) trong tay, múa máy vô tư.
Nhìn lại hai cái hội chợ tết khác nhau, tổ chức cùng ngày, không tránh được ý nghĩ: dường như cộng đồng người Việt ở đây vẫn chưa có đoàn kết cho lắm. Nhưng cũng có thể hiểu được quan điểm của người trong cuộc: tất cả chỉ là sự cạnh tranh công bằng trong kinh doanh.
Hành động đầu tư tiền, của, dịch vụ, thời gian và/hoặc công sức để hổ trợ một lợi ích cho xã hội, với mục đích cụ thể, mà không vì lợi ích tài chánh hoặc vật chấc riêng cho người đầu tư.
(the act of donating money, goods, services, time and/or effort to support a socially beneficial cause, with a defined objective and with no financial or material reward to the donor.)
Tôi đã dịch sửa từ "tặng biếu" (to donate) thành "đầu tư" (to invest) cho có hương vị kinh doanh ti tí, và hợp ý với bác Lu cát khi viết:
cần xem xét dưới mức độ ... đầu tư ...và tầm nhìn cực xa của Bill
Từ Điển WordNet của Đại Học Princeton định nghĩa từ philanthropy đơn giản là:
Sự tự nguyện đẩy mạnh công cuộc cải thiện đời sống cho nhân loại.
(voluntary promotion of human welfare.)
Vậy philanthropy, charity (lòng thương người), và humanitarianism (nhân đạo) khác nhau chỗ nào? Mạng Tự điển từ nguyên www.etymonline.comghi:
gốc từ tiếng Hy Lạp, philanthropia, nghĩa là "lòng nhân đạo, lòng từ thiện"; từ philanthropos (tính từ), nghĩa là "thương người"...
(1608, from L.L. philanthropia, from Gk. philanthropia "humanity, benevolence," from philanthropos (adj.) "loving mankind," from phil- "loving" + anthropos "mankind" (see anthropo-). Originally in L.L. form; modern spelling attested from 1623. Philanthropist is first recorded 1730.)
Gần như chúng đồng nghĩa với nhau. Dường như, khi một người giàu có làm từ thiện thì nó là philanthropy; khi một cơ quan hay cá nhân nào làm từ thiện thì nó là "act of charity"; và khi cơ quan nào đó làm từ thiện và muốn tránh liên hệ tới tôn giáo thì họ gọi nó là "humanitarian work".
Ghi chú: Trong giáo lý Kitô giáo, charity là đức mến trong ba đức tin-cậy-mến: thương người như thể thương thân.
Trưa nay đưa mẫu thân tôi đi may lại vết thương, ngồi ngoài phòng đợi, buồn buồn lật tờ MacCleans ấn bản tháng 7, 2008, thấy có bài viết hay hay, về Bill Gates, với tựa đề The Gospel According to Bill (Phúc Âm theo Bill). Một khi người ta đã đạt được sự giàu có vượt qua mức tưởng tượng, thì còn việc gì nữa trên đời để làm đây? Câu trả lời theo Bill Gates, mà hiện giờ ai cũng đã biết, ấy là: làm từ thiện. Điều tôi không biết là: bác Bill không phải là người đầu tiên đi theo công thức này, mà dường như bác đang đi theo dấu chân của John D. Rockefeller và Andrew Carnegie. "Mốt" này dường như hơi được thịnh hành trong xóm người muốn làm giàu: chú tâm kiếm cho thật nhiều tiền, rồi thì với số tiền kếch xù ấy ta có thể làm được nhiều việc từ thiện giúp ích cho đời. Bác Gates là một gương sáng cho những người này.
Nhưng có điều--và như lời thằng nhị đệ của tôi nó đã có lần nói--nếu tôi cần bác cứu trợ, mà phải chờ đến khi nào bác thành đạt vượt sức tưởng tượng mới có thể được bác cứu giúp, thì tới chừng đó tôi sẽ đã chết khô khan từ kiếp nào.
Chẳng hiểu chích ngừa làm cái quái gì, vẫn bị trúng cảm như thường. Liên tục hai đêm nằm run lập cập trong chăn, mặc dù đã mặc 3 lớp áo, 2 lớp quần, và luôn đôi tất. Dường như theo thường lệ, hễ tới dịp nghĩ phép là đau--nhàn cư vi bất thiện?
Tuy vậy nhưng cũng không đến nỗi liệt giường. Sáng hôm qua còn lồm cồm bò dậy, xách xe lên đưa phụ thân tôi ra phi trường--ông đi dự lễ cưới con người bạn bên Cali--đã lấy vé hơn 6 tháng trước rồi. Xong thì về nhà ngồi thảo lại bản hợp đồng thuê chỗ cho bà khách của mẫu thân tôi--Mẹ tôi bán tiệm cho bà kia, nhờ soạn dùm bản giao kèo thuê chỗ mới. Mọi việc xong, tôi leo lên giường, trùm chăn đánh một giấc tới chiều.
Lại nói chuyện phụ thân tôi đi Mỹ. Thằng nhị đệ của tôi tuần rồi hay tin, chua một câu: "Ông Nội, đám cưới người dưng tận bên Cali mà đi được, còn cháu nội gần trên Guelph đây thôi mà không đi thăm được". Dường như nó trách phụ thân tôi bỏ bê nó. Tôi không biết "Ông Nội" có trách nó là thằng con bất hiếu như ông từng trách tôi hay không. Dù trong thâm tâm nó, ông có chểnh mảng chức vụ làm cha tới đâu, không có ông thì làm gì nó được ở trên mảnh đất hứa này, cho dù nhà cao cửa rộng là hoàn toàn một tay nó làm ra.
Tối Chúa Nhật, 4 tây tháng 1, ông về qua ngõ Chicago. Ghi đây để nhớ mà đi rước ông.
Đầu óc tôi quả là có vấn đề, chưa già mấy mà đã lú lẫn cha nó rồi. Sáng nay ngủ dậy, tưởng là ngày Chúa Nhật. Đem xe ra Canadian Tire (CTC) sửa. Bất mãn. Về nhà. Vẫn còn quên là hôm nay Thứ Hai phải đi làm, lại định xách xe chạy lên Guelph cho nhị đệ nó coi lại xem sao.
Tuần rồi đem xe cho họ thay nguyên bộ đĩa thắng (brake calipers), bố thắng (brake pads), và trục quay (rotors) cho hai bánh sau, tốn $900. Về chạy nghe mùi nhựa khét. Hóa ra họ thay làm sao mà dây thắng tay bị đứt--dĩ nhiên họ không chịu nhận là lỗi ở họ--giờ bảo phải tốn $500 để thay dây thắng. Thôi, dẹp. Kỳ rồi (3,4 năm về trước) họ thay nhớt, quên đóng nắp bình nhớt. Và bây giờ thì lại vụ này. Khỏi phải nói, từ nay bác Canadian Tire đã mất đi một khách hàng trung thành. Dĩ nhiên, có một tí xác suất rất nhỏ, là do dây thắng của xe tôi quá cũ kỹ nên đã bị đứt, nhưng thiệt hại đã đành: tôi không còn tin tưởng ở khả năng và chất lượng của CTC nữa.
Sự việc này làm tôi nhớ có lần xem chương trình Kitchen Nightmares của bác siêu đầu bếp Gordon Ramsay. Bác chủ quán tâm sự với bác Ramsay: "Tôi không hiểu vì sao nhà hàng tôi lại thu nhập tệ thế; các phiếu thăm dò ý kiến mà khách hàng đã từng ghi, đều cho thấy họ hưởng ứng rất khả quan kia mà". Bác Ramsay đáp: "Những mẫu giấy thăm dò ý kiến ấy hoàn toàn vô dụng. Khách hàng không trả lời bằng giấy mực hoặc lời nói. Họ trả lời bằng cách không bao giờ trở lại đây nữa."
--
T.B.: chữ "kém tài" này tôi dịch ra từ chữ "incompetence", nghe sao thấy nó chưa đúng ý cho lắm.
Hai cái cuối tuần vừa qua, tôi lò mò dựng lên cái trang web cho cái tiệm của mẫu thân tôi: Vicky's The Spa. Hôm nay đã tạm hoàn tất, sẵn tiện công bố ở đây. Mạng này do tôi dùng dịch vụ Google Sites, cộng thêm dịch vụ đăng ký tên miền của co.cc, tất cả đều là miễn phí.
Mấy tuần vừa qua có nhiều sự xáo trộn trên thương trường của Hoa Hỳ. Thị trường Mỹ vừa trải qua một "cơn bão cấp 4" (ngôn từ của tờ Washington Post), chưa từng thấy trong lịch sử kể từ trận Đại Suy Thoái (The Great Depression) của thập niên 1930. Các cơ quan đầu tư khổng lồ của nền kinh tế thị trường như Lehman Brothers, Bear Stearns, Fannie Mae, Freddie Mac hoặc là đã suy sụp hoặc là đang trong cơn hấp hối, Merrill Lynch bị nuốt chửng bởi Bank of America, trong khi AIG đang tung chiêu "cầm nã thủ" của Cái Bang, xách bị xin tiền chính phủ để sinh tồn. Riêng Fannie Mae, đã từng được học giả Jim Collins đề cao là một trong những công ty đã đi từ Từ Tốt Đến Vĩ Đại dưới sự lèo lái của CEO David O. Maxwell vào thập niên 1980. Bài viết bên Bloomberg.com có tiêu đề "thiên tài của nền kinh tế tư bản bại hoại bởi sự điên rồ của nạn cho vay dưới mức lời chỉ định" (Capitalism's Genius Perverted by Subprime Madness).
Hồi xưa tôi có học một khóa về luật thương mại (MTHEL100), nên nay ngứa ngáy, ôn lại và cập nhật thêm ti tí về tình trạng phá sản (bankruptcy) của một doanh thương xem. Khi một công ty cổ phần (publicly traded company) đang trong tình trạng vỡ nợ (insolvent), ban giám đốc bất tín nhiệm, không còn khả năng điều hành nữa, thì tòa án sẽ can thiệp để bổ nhiệm một người tiếp quản (receiver) để phân phối tài sản trước khi giải thể công ty. Công ty nằm trong tình trạng này được gọi là "in receivership" (trong tình trạng tiếp quản). Hồi mới ra trường đi làm, tôi đã được nếm thử cái cảnh của một công ty đang trong tình trạng tiếp quản. Tình trạng conservatorship (bảo tồn)--tương tự nhưng nhẹ hơn receivership--dường như chỉ có trong nền luật pháp của Hoa Kỳ. Tòa án sẽ bổ nhiệm "người bảo tồn" để tạm thời tiếp quản công việc điều hành công ty, với hy vọng phục hồi lại công ty ấy và sau đó trả lại quyền "tự trị" cho công ty. Trong trường hợp của Fannie Mae, chào đời năm 1936 đã là một cơ quan quốc qua, được tư nhân hóa vào năm 1968. Bộ Tài Chính Hoa Kỳ hôm 7 tây vừa rồi đã bổ nhiệm FHFA làm cơ quan tiếp quản.
Có người hô hào cho rằng đây là một đòn lấy từ trang sách của chủ nghĩa xã hội, là phản tư bản. Thật ra nhiều nền kinh tế Tây phương--trong đó có Hoa Kỳ và Canada--từ đầu đã là những nền kinh tế hỗn hợp (mixed economy), pha trộn giữa kinh tế tư bản (kinh tế thị trường--market economy) và kinh tế xã hội (kinh tế trung ương--command economy). Lấy hệ thống trợ cấp xã hội (gọi là welfare hay social assistance) của Canada ra làm thí dụ: những người có công ăn việc làm thì đóng thuế; một phần của tiền thuế ấy được dùng vào việc trợ cấp cho những người không có công ăn việc làm--một hệ thống người khắm khá trợ giúp người khốn đốn. Từ quan điểm ấy, tôi thấy luận điểm của bài bình luận này--Don't Like Bailouts? Consider the Alternatives của Steven Pearlstein--nghe hay hay: việc chính phủ Hoa Kỳ cứu vớt Fannie Mae và Freddie Mac là một chiêu trợ cấp xã hội ở tầm vóc doanh nghiệp (corporate welfare). Đây là việc làm cần thiết, bởi nếu không làm vậy thì không những chỉ có một, hai công ty lớn bị phá sản, nhưng có thể toàn dân, và cả thể giới sẽ gặp nguy.
Nhắc đến việc vay nợ mua nhà, làm tôi nhớ, khoảng 5-6 năm trước đây, tôi có nghe trong cộng đồng người Việt ở đây, người ta hô hào cho nhau--thậm chí các nhân viên địa ốc còn công khai quảng cáo trên báo Việt--cái "mẹo" mua nhà với mức lời thấp và lại được khỏi phải trả tiền "đao" (down payment).
Có lẽ trong nhiều năm tới đây, thiên hạ sẽ vẫn còn oằn oại trong sự khó tin, "làm sao một sự tệ hại to tát như thế có thể xãy ra?"
Dĩ nhiên, sự kiện này sẽ xúc tác cho những chính sách mới trong hệ thống kinh tế Hoa Kỳ để tránh sự tái diễn.
Trong khi đó thì Thủ Tướng Stephen Harper tuần rồi đã tuyên bố: hệ thống tài chánh của Canada vẫn vững mạnh.
Đọc tờ tạp chí Maclean's, số ra ngày 29 tháng 9 năm 2008, vớ được trong quầy tính tiền của Wal-Mart hôm qua, thấy có bài viết, đề nghị rằng có thể đây là cơ hội cho các ngân hàng Canada nới rộng địa bàn hoạt động sang biên giới phương nam.
Cô trẻ này làm tui phục quá. Cân bằng giữa việc học (ĐH Windsor), việc làm (RBC Dominion Securities) và chủ nhân của công ty bất vụ lợi Lemonade Capital (trang Wikipedia chưa tồn tại, nhưng chắc sẽ có trong nay mai), mà cô vẫn còn thời gian cho mọi sinh hoạt đời thường. Bí quyết của cô ta, đơn giản là: "Tôi đã chinh phục việc quản bá thời gian."
Tôi thì vẫn chưa. Những ai quen tôi đều không lạ rằng: tôi là một thằng hay lề mề, rề rà.
Từ lâu tôi đã ngừng lập kế hoạch cho một ngày làm việc, vì mọi dự tính đều tan biến khi nhiều nguyên tố ngoài sự điều khiển của mình luôn xảy đến.
Nghe bài phỏng vấn này có thể là động cơ thúc đẩy tôi thử lại một lần, cảm thấy mình đã lãng phí nhiều thời gian, giải thuật (algorithm) về đời sống hơi bị kém năng suất. Và giờ đã không còn nhiều thời gian như lúc xưa nữa. Đến lúc cần phải tối ưu hóa giải thuật ấy. Nhưng "tối ưu hóa" cái kiểu nào? Trời biết! Chỉ biết là: chỉ được nâng cấp; không được tái tạo, bởi làm như thế sẽ tháo gỡ những đường tơ hệ trọng của tấm thảm đời đã góp phần làm nên ta. Cho nên, ít ra bài tập này sẽ giúp khẳng định hay không, rằng: bản tính tôi vốn là một tên lề mề. Và nếu thật là vậy, thì chỉ có thể kết luận rằng: những gì tôi làm được, bất chấp cá tính lề mề, là vì bởi ơn Trời.
Recent Comments