Monday, February 22. 2010
CDK Tôi mới về đến nhà hồi 01h00, từ nhà của tam đệ tôi. Mấy đứa nhóc đã tháp tùng với Chú Ba và Bà Nội nó về trước lâu rồi, còn tôi (và tam đệ) bị nguyên chai Whisky Absolut Vodka "hành" đến 00h30 tôi mới đủ tỉnh táo để lái xe. Trưa nay (trưa Chúa Nhật) tôi đã lên nhà "ăn Tết muộn" với nó. Bà xã nó và bé T đã về VN chơi--"vắng chủ nhà thì gà mọc đuôi tôm" mà.
Monday, February 15. 2010
CDK Thứ Sáu: Sáng trước khi đi làm, mẫu thân thông báo, xác nhận nỗi e ngại của tôi hồi tháng rồi. Không tả nổi nỗi buồn, cùng sự bất lực, nhưng vẫn hy vọng trong sự lạc quan.
Thứ Bảy: Sáng, tôi gọi điện nói chuyện với nhị đệ, đột xuất rủ tụi nó lên Toronto chơi. Nó bảo chiều sẽ trả lời. Trưa đến, mẫu thân đi hát văn nghệ ở hội chợ tết Hamilton, rủ tôi đi cùng. Bà nói bà phải đi trước để tập dợt, tôi sẽ đi sau. Một giờ đồng hồ sau, bà gọi về nhờ làm đem dùm bà một ly trà giá để uống cho thanh cổ họng. Chiều, lái xe 1h đồng hồ, lên đến Hamilton đã gần 18h30, đưa mẫu thân ly trà giá, ăn được một hộp bê thui tại gian hàng hội chợ, rồi lái xe quay đầu về. Tối, bọn nhị đệ đến nơi lúc 20h00. Chợ Tầu đã đóng cửa ăn Tết. Không kịp mua đồ nấu lẩu, tôi chỉ kịp vớ lấy thùng Heineken trên đường từ chợ về. Hai anh em ngồi uống bia, nhấm chả cá chiên, đến 22h00. Tôi xách xe chạy trở lên Hamilton rước mẫu thân. Về tới nhà thì đã qua giao thừa, tụi nhóc đã ngủ hết, chỉ còn nhị đệ thức. Mẫu thân tôi mệt, nói chuyện hoa loa tí rồi cũng đi ngủ luôn.
Chúa Nhật: Sáng, "hộ tống" tụi nhóc đi Woodbine Fantasy Fair chơi. Chiều về, ghé chợ mua đồ về nấu nồi lẩu đồ biển. Bọn nó định ăn chiều xong rồi về--tôi biết chúng nó tới nhà Bác Hai chơi rất chán, bởi chẳng có trò gì để giải trí--nhưng tôi mừng vì sau khi nhâm nhi tới tối, tụi nó quyết định ở lại chơi một đêm nữa. Ba Nó với Bác Hai ngồi xem Vân Sơn 43, xem Thế Vận Hội Mùa Đông ở Vancouver, đến 2 giờ sáng mang nồi lẩu còn lại ra hâm lên tém sạch, xong thì rút lều, đi ngủ.
Thế là xong ba ngày lễ, xong ba ngày Tết trơ trọi. Trước khi tụi nhóc ra về, Bác Hai hứa với nó lần sau sẽ mua vài món "trò chơi trí tuệ" như Mini Scrabble cho tụi nó tiêu khiển, kẻo chúng nó cứ mê chơi vi tính và chơi điện tử miết.
Monday, February 1. 2010
CDK Tối hôm qua mẫu thân tôi đi Chùa về, đem về cho tôi mấy cái bánh ít và nhắc tôi lúc xưa Nội tôi hay làm bánh ít, nhất là vào dịp Tết. Mẹ chua thêm: "Hình như ông bà nội [con] chưa đầu thai, dạo này [Mẹ] hay nằm mơ thấy ông bà đang ở trong nhà này." Tôi nửa đùa với mẫu thân rằng nếu thật vậy thì tôi đây quả là có phước, có được ông bà trú ngụ để trông nom cho tôi.
Tôi lấy sự kiện trên làm lời nhủ: lúc cầu nguyện, không những cầu cho người sống mà như đã chết (i.e. tôi) mà còn nên cầu cho những người tuy đã chết, nhưng hãy còn đang sống trong tôi. Tôi tưởng tượng khi mình đang cầu nguyện, thì họ đang hiện về ngồi quanh bên tôi. Chúng tôi là những kẻ đang chết, cùng hướng về Chúa và cầu mong được sự cứu rỗi, nhờ sự cầu bầu của Đức Mẹ và các thánh--hội thánh thông công.
Friday, January 30. 2009
CDK Đêm ba mươi Tết (Chúa Nhật tuần rồi) mẫu thân tôi đi chùa. Hai người hái đem về cho tôi cái thơ lộc này:
Bài 87
Dứt lìa năm ấm pháp này,
Lắng yên huệ trí sáng ngời tư duy.
Chẳng sa lại vực sâu kia,
Thảnh thơi, sáng tỏ đường đi tốt lành.
Khi đà ngăn nén dục tình,
Vô-vi cõi ấy thân mình tuyệt vui.
Ấy là mình cứu mình rồi,
Đã nên huệ trí, biết sai khiến lòng.
Nghe giống như là bạch thầy ở chùa này đang khuyên tôi nên đi tu đây.
Sunday, January 25. 2009
CDK Trước nhà tôi có trồng một cây mai bốn cánh (tên tiếng anh gọi là Northern Gold Forsythia). Giống cây này thường thì tới độ tháng năm, tháng sáu mới đơm bông, chứ còn bây giờ thì thân nó trơ trụi như bao nhiêu cây khác ở xứ tuyết lạnh này.
Năm ngoái bà bạn của mẫu thân tôi bày cho cái mẹo...ép hoa cho nở vào dịp Tết Nguyên Đán: cắt cành đem vào nhà và chưng trong bình nước sôi (nước nóng), mổi tối thay nước sôi mới. Tôi không tin.
Năm nay làm thử. Tối Thứ Sáu tuần trước cắt mấy nhành trụi đem vào, nấu một nồi nước sôi đổ vào chậu và đặt nhành cây vào, và chờ...
Sáu ngày sau:
Bảy ngày sau:
Chín ngày sau (chiều nay):
Nhìn gần:
Monday, February 4. 2008
CDK Hôm Thứ Bảy rồi, cụ thân mẫu nhà tôi cùng gia đình Chú Ba nó đi Hội Chợ Tết ở Quảng Trường CNE (Đài CityNews có bài phóng sự). Còn tôi, theo thói quen "phản xã hội", đã ở nhà...ngủ.
Mấy hôm trước, thấy đài truyền hình địa phương, khi nhắc đến Tết, đã dùng cụm từ "Vietnamese New Year" thay vì "Chinese New Year", đủ chứng tỏ cộng đồng người Việt tại đây đã đạt được một chỗ đứng khá đáng kể trong lòng người bản xứ so với 20 năm về trước. Nhưng Tết nơi xứ người làm sao bằng Tết ở quê nhà, sau hơn 20 năm phiêu bồng, nhất là khi hoàn cảnh không cho cơ hội ăn mừng (Tết đến giữa tuần làm việc). Tết ở đây rời rạc. Trời mùa đông lạnh buốt hồn viễn xứ. Người tha hương nào ở nhà tha hương nấy.
Năm 2006 tôi đã có dịp về quê ăn Tết. Quang cảnh giao thừa ở đường phố Sài Gòn tấp nập và vui nhộn không thể tả. Đó là lần đầu tiên, sau nhiều năm dài, tôi được hưởng hương vị Tết ở Việt Nam. Không kém sự mỉa mai, tôi đã được một người bạn Tây (gốc Anh) hướng dẫn đi dạo phố và dạo quán (ông ta có quán rượu ở Sài Gòn).
Nhớ hồi ở quê nhà (bảy, tám, chín, mười tuổi gì đó), mỗi năm hai bà cháu tôi lên Sài Gòn ăn tết. Cửu Thúc chở ra bến Bạch Đằng coi pháo bông. Xong về nhà, Bà Nội tôi và Cô Năm tôi làm bánh tét, bánh ít. Tôi ngồi kế bên bếp, ôm chân Nội, chờ cơ hội phụ...ăn thử. Có lần buồn ngủ quá thức không nỗi, bèn phải đi ngủ trước. Sáng sớm Nội đem bánh ra chợ bán, lúc nào cũng để lại, lúc thì cái bánh ích nhân đậu sanh, lúc thì khoanh bánh tét nhân dừa, nhân chuối, cho tôi có ăn khi thức dậy. Lúc xưa tôi là đứa bé hư hỏng, nhưng Nội thương tôi nhất.
Giờ đây, nhìn thấy những gì tôi đã làm, không biết Nội có quỡ trách tôi không. Tự tôi biết câu trả lời.
Xin Chúa ban ơn phúc cho Nội, suốt cuộc đời vì con, vì cháu, không chút nghỉ ngơi mãi đến khi an nghỉ ngàn thu. Đây, cháu bất hiếu thắp nén hương lòng, tưởng nhớ ơn dưỡng dục của Nội nhân dịp Tết Năm Tuổi của con. Đồng tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, tiền bối, bằng hữu. Người đi trước chỉ đường kẻ theo sau. Không có người thì sẽ không có ta. Xin Chúa ban phúc lành cho tất cả.
+++
Monday, January 1. 2007
CDK Vừa hồ hỡi đón giao thừa 2007--như năm ngoái--bằng cách ngồi ở nhà bật tivi lên xem người ta dầm mưa, thở ra khói, đứng nhố nháo ngoài Nathan Phillips Square (Toronto) và Time Square (New York) cùng một lúc (tivi có PiP). Cũng cùng với mọi người đếm xuống từ 10 tới 1 giây cuối cùng của năm 2006, rồi một mình la hét rùm trời nhà, "Happy New Year!!!! Whooooooooooo!!!!!!!!!!!!!!!!!". Rồi thì họa theo cô ca sĩ xướng ca bài Auld Lang Syne, cô ta hát lời Anh, mình hét lời Việt:
Ò e, Rô Be đánh đu,
Tặc Răn nhảy dù,
Sạc Lô bắn súng,
Chết cha, con ma nào đây,
Làm tui hết hồn,
Thằn lằn cụt đuôi.
Hì. Nhớ thời nhỏ, 6-7 tuổi gì đó, khi tết đến, được Bà Nội dắt lên Sài Gòn chơi, nghe mấy đứa nhóc hàng xóm hát bậy bài này, vậy mà cũng bị nhồi sọ, nhớ mấy lời tầm phào vậy.
Đã dự định sẽ lên thăm nhị đệ, cùng đón giao thừa với gia đình nó, nhưng rồi lại bị mắc cái cảm cúm, nằm liệt mấy ngày nay, đi không nổi nữa.
May có phụ thân và tam muội xuống thăm hồi trưa, mua 3 tô phở nóng, ba cha con cùng ngồi ăn ngon lành. Xong, hai anh em cùng xem cuốn phim X-Men: The Last Stand (2006), trong khi phụ thân lấy đờn vọng cổ ra tằng tăng. Rồi thì mọi người về hết, mình leo lên giường đánh một giấc, tới 22h00 thì bò xuống lầu mở tivi lên xem chương trình đón năm mới trên CityTV và Fox/29.
Coi như năm 2006, một năm nhiều sầu muộn, cuối cùng đã kết thúc với một vài điểm khả quan. Hy vọng 2007 sẽ đem lại nhiều ánh sáng hơn nữa, tùy theo Ơn Trên khoan hồng.
Wednesday, February 1. 2006
ThanhHai Nhân dịp Tết Nguyên Đán vừa qua, tôi may mắn có được ba viên ngọc quí. Hai trong ba viên ấy là hai quyển sách: Kinh Dịch của dịch giả Ngô Tất Tố, và Mai Hoa Dịch Số của Thiệu Khang Tiết--một triết gia vào thời Bắc Tống bên Tàu. Tôi được "biết" đến và ngưỡng mộ Thiệu tiên sinh lúc xưa qua bộ phim Bao Công - Hiệp Cốt Thần Toán. Tuy biết rằng phim ảnh đã thần thoại hóa đi phần nhiều cái tài năng của ông ta, nhưng tôi cũng vẫn không khỏi lấy làm thán phục với cái tài thần cơ diệu đoán của ông. Nay không biết do hữu duyên hay cố tình mà có được tác phẩm Mai Hoa Dịch Số của tiên sinh trong tay, nên tôi không ngại thời gian, bèn bắt tay vào việc nghiên cứu ngay.
Nhiều người cho rằng bói toán là một trò lừa bịp. Có thể thật là như vậy. Cũng có thể có một số người đã mạo danh nghĩa bói toán để gạt gẫm người đời hầu mưu lợi cho riêng mình, làm nhơ bẩn đi một môn học chân chính. Với kiến thức còn non nớt về nền khoa học huyền bí này, tôi ví việc bói toán như là việc làm dự báo thời tiết. Các chuyên viên khí tượng, họ quan sát những biến chuyển trong bầu khí quyễn mà đoán biết ngày mai sẽ mưa, ngày mốt sẽ nắng, ngày kia sẽ có giông tố. Cũng tương tự như vậy, Kinh Dịch là một quyển sách ghi chép lại những định luật biến chuyển trong vũ trụ. Mai Hoa Dịch Số của Thiệu tiên sinh dựa trên những định luật ấy mà rút ra những phép bói kỳ diệu. Có nhân thì sẽ có quả. Có lửa thì phải có khói.
Với những gợi ý trên, và với đầu óc cởi mở, không tạp niệm, tôi bắt đầu vào công việc sưu tầm về Dịch Số, một môn khoa học huyền bí của nền văn minh Á Đông, được sáng lập mấy ngàn năm trước khi nền văn minh Tây Âu được hiện hữu, để tự nhận định xem hư thực thế nào...
|
Recent Comments