Entries tagged as tội tổ tông
Friday, December 11. 2009
CDK Ghi kẻo quên...
Cu J:
1) RipStik ( Bà Nội Bác Hai)
2) Vulcan EBF-25 ( Bác Hai Cô Út)
Bé K:
1) Bộ trang điểm
2) Ví Barbie
Bác Hai:
1) Đi xưng tội, dọn mình đón nhận Hiện Thân Của Ông Trời giáng trần chuộc tội cho nhân loại.
Bàn ngoài lề: Trước khi tìm hiểu về tội tổ tông, tôi chỉ hiểu mơ hồ về cụm từ "chuộc tội cho nhân loại". Nay thì không còn mơ hồ gì nữa về cái "hiểu". Vấn đề của hiện tại là: làm (vâng lời).
Saturday, December 5. 2009
CDK Hôm trước đọc lời bình của một vị quí khách cho một bài viết của tôi hồi năm ngoái, khiến tôi nghĩ đến câu hỏi này: Tại sao trên thế gian có nhiều tôn giáo thế? Đường đến chánh đạo có nhiều lối đi vậy sao?
Đọc tác phẩm Living Buddha, Living Christ của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, tôi được biết rằng theo quan niệm của Phật giáo, có đến 84,000 cửa giác ngộ (dharma doors). Ngài nói thêm:
"Nếu bạn may mắn tìm được một cửa, một Phật tử không thể nói rằng cửa của mình là cái cửa duy nhất dẫn đến sự giác ngộ." (tr.39)
Thiên Chúa giáo thì khác. Bởi quan niệm về tội tổ tông, nên đạo Thiên Chúa (bao gồm Công Giáo La Mã và nhiều hệ phái Kitô giáo khác) cho rằng chỉ có đạo của Chúa Giêsu là đạo duy nhất để đưa đến "chánh quả". Dĩ nhiên quan niệm này, cho dù nếu là đúng, có chút tai hại. Người cho mình là chánh đạo sẽ tìm cách tiêu diệt những cái mà họ cho là tà đạo.
Trong chương "Đối Thoại Thật (Real Communication)", Thầy Hạnh viết:
"Nếu chúng ta quan niệm rằng mình nắm giữ độc quyền về chân lý, mà ta vẫn tổ chức cuộc đối thoại, thì đó là điều không trung thực. Chúng ta phải tin rằng đối thoại sẽ giúp ta thay đổi bản thân, và hiểu sâu, trông rộng hơn" (tr.9) (nguyên văn: "If we think we monopolize the truth and we still organize a dialogue, it is not authentic. We have to believe that by engaging in dialogue with the other person, we have the possibility of making a change within ourselves")
Đoạn trên làm tôi hơi thất vọng. Dường như Thầy Hạnh vẫn chưa hiểu đạo Thiên Chúa lắm. Đồng ý là đối thoại giúp ta thay đổi bản thân, nhưng một trong những sự thay đổi đó là sự thông cảm. Dù cho chúng ta "quan niệm rằng mình nắm độc quyền chân lý", đối thoại vẫn có ích vì nó giúp ta thông cảm (và chịu đựng) được đối phương. Chúa Giêsu đã nói "hãy thương yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. (Matthew 5:44)". Từ đó, tôi nghĩ, tà được cho phép tồn tại là để thử lòng người chánh đạo.
Người có ý khiêu khích, đặt câu hỏi: Phải chăng theo quan niệm đạo Thiên Chúa của anh, anh tin rằng Phật Thích Ca hiện giờ đang ở dưới hỏa ngục? Dĩ nhiên câu trả lời là: không. Quả thật là đạo Thiên Chúa quan niệm rằng nếu anh không tin (ở đây tôi dùng từ "tin" với ý nghĩa "tin + làm") theo Chúa Giêsu (Ông Trời Con), thì anh sẽ vào hỏa ngục, nhưng giáo lý Công Giáo cố tình không nói rằng dưới hỏa ngục hoặc luyện ngục hiện đang có những ai, bởi chúng tôi quan niệm rằng lòng khoan dung của Thiên Chúa vô bờ bến, con người không hiểu hết được.
Dĩ nhiên, trong cái nhìn hạn hẹp của con người, "tà" và "chánh" chỉ là quan niệm tương đối--người ta có thể lầm "chánh" thành "tà", và tà có thể đội lốt "chánh" để làm việc đồi bại hầu bôi nhọa chánh nghĩa, v.v...Có lẽ vì lý này mà đạo Phật quan niệm "thà tin không có Thượng Đế, còn hơn là tin có", vì họ sợ suy tưởng về một đấng Toàn Năng có thể làm hư hỏng tâm trí con người chăng--nói theo kiểu kiếm hiệp là bị "tẩu hỏa nhập ma". Tôi đã nghĩ đến điều này khi tôi xem bác Karen Armstrong nói chuyện về tác phẩm mới nhất của bác ta--The Case for God ("Bào chữa cho Đấng Tạo Hóa"). Nguyên là một nữ tu sĩ của giáo hội Công Giáo, nhưng tôi không nhìn thấy chút khái niệm nào từ bác ta về đạo Thiên Chúa, và ngược lại, dường như bác ta đã hấp thụ rất nhiều giáo lý Phật giáo. Tôi vốn khâm phục Phật giáo ở chỗ: với quan niệm không có Thượng Đế, họ đã hiểu được nhiều chân lý. Cho nên, nhờ bác Karen Armstrong và Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, tôi hiểu rằng khi tín đồ Phật giáo nói "tôi không tin có Thượng Đế", thì câu nói đó chẳng có nghĩa lý gì cả. Dường như ở đây, câu nói của cố Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu có thể áp dụng được: "Đừng tin những gì [họ] nói, mà hãy nhìn những gì [họ] làm [được]".
Monday, October 5. 2009
CDK Từ hôm viết bài này cho tới nay, tôi băn khoăn nhiều về đề tài và giải pháp. Mấy hôm nay, dường như có hé lên chút tia sáng. Nghĩ lại, trong quá khứ, tia sáng ấy đã vài lần đến với tôi. Đấy là: tôi phải tự hạ nhục mình, mà không chút do dự. Gợi nhớ câu nói của một Phật gia nào đó tôi đã đọc/nghe được mấy tuần trước, nhưng giờ không còn nhớ rõ quí danh, tôi đỗi chủ đề "nhận thức về con sông" thành "sự ức hiếp/sỉ nhục", dựa trên gương của Chúa Giêsu:
Lâu lắm rồi, tôi từng bị người đời ăn hiếp, và tôi phẫn uất. Và tôi tìm cách làm sao đễ khỏi bị người đời ăn hiếp. Và giờ đây, sau bao nhiêu năm, tôi đã tìm ra "cách": hãy cứ để người đời ăn hiếp.
Hình như đại ý của đoạn văn gốc là như thế này:
Years ago, when I first began to practice meditation, a river was as river. And, as I meditated, the river stopped being a river. And now, after many years of meditation, I see a river as a river.
Tự hạ nhục mình. Có lẽ đây cũng là cách để khắc phục tội tổ tông.
Thursday, September 17. 2009
CDK Mấy tuần nay tôi đã tìm đọc nhiều tài liệu về "Tội Tổ Tông". Càng đào sâu vào học thuyết này (the doctrine of original sin) tôi càng bủn rủn tay chân. Khủng khiếp thật cái lỗi thứ nhất của tổ tiên loài người: nó ảnh hưởng tới cả một nhân loại. Từ ngữ "genocide" (tội diệt chủng) của ngày nay chắc cũng không đủ xứng đáng để gọi nó. Bởi sự lạm dụng quyền tự do này, mà sự chết đã đến trong thế gian. Hôm nọ thấy có người nào đó viết câu thật hay: "Death is hereditary. Life is an STD". Có thể, Tổ tiên ta đã không thể ngờ rằng hậu quả lại trầm trọng đến thế, tương tự như ngày nay có nhiều điều ta làm mà không thể lường được hậu quả có thể xãy đến.
Tín điều về tội tổ tông là nền tảng của đạo Thiên Chúa, bởi không có Tội Tổ Tông thì không có Giáng Sinh. Không có Giáng Sinh thì không có Phục Sinh. Không có Phục Sinh thì không có sự sống đời sau. Và nếu tôi tin rằng sự tồn tại của con người chỉ vỏn vẹn mấy mươi năm rồi hết, thì đấy là một niềm tin vào một sự tuyệt vọng cùng cực, chua chát không thể tả.
ĐTC Benedictô XVI đã từng nói (December 11, 2008):
The existence of what the Church calls 'original sin' is, unfortunately, overwhelmingly obvious, if we only look around ourselves, and above all within ourselves.
ĐTC Gioan Phaolô II trong bài giảng Original Sin Causes a Fundamental Change in Mankind (September 10, 1986):
To eat or not to eat the fruit of a certain tree may itself seem irrelevant. However, the tree "of the knowledge of good and evil" denotes the first principle of human life to which a fundamental problem is linked. The tempter knows this very well, for he says: "When you eat of it...you will be like God, knowing good and evil." The tree therefore signifies the insurmountable limit for man and for any creature, however perfect. The creature is always merely a creature, and not God. Certainly he cannot claim to be "like God," to "know good and evil" like God. God alone is the source of all being, God alone is absolute Truth and Goodness, according to which good and evil are measured and from which they receive their distinction.
Như vậy, tội tổ tông là tội "đại nghịch bất đạo", và hậu quả là sự chết. Đây là một sự trừng phạt. Nhưng "trừng phạt" ở đây chắc không phải là theo nghĩa của thế tục--tức là con làm sai thì bị cha đánh đòn--nhưng trừng phạt theo nghĩa: cha đã bảo con đừng đút tay vào ổ điện, nhưng con cứ cãi lời cha, thì chừnng đó con sẽ bị "trừng phạt" bằng một cú điện giật, đừng trách cha, bởi đó là sự tự chọn của chính con.
Tôi lại thắc mắc. Như ĐTC Benedictô XVI nói ở trên, cây Ý Thức Thiện Ác ấy biểu hiện cho một giới hạn không thể vượt qua, đối với loài người: tạo vật không thể nào trở thành "như Tạo Hóa" được. Nhưng, mục đích tối cao của loài người là gì, nếu không phải để trở nên hoàn hảo, trở nên thánh thiện--hay nói cách khác là "trở nên giống như Chúa"? Đấy không phải là thánh ý của Chúa Giêsu khi Ngài giáng trần hay sao? Hay là: Chúa thật sự muốn ta trở nên giống như Chúa, nhưng ta phải đi đường dài (chánh đạo), phải làm bằng nỗ lực của chính mình, thay vì đi đường tắt, nương tựa vào những liều thuốc "thần dược" hầu đạt được mục đính nhanh chóng nhưng không bền lâu?
Dường như vận mệnh của con người vốn là để trở nên "giống như Chúa", sẽ biết phân biệt thiện ác. Mỉa mai thay, cách duy nhất để ta biết phân biệt thiện ác là phải nếm thử sự ác.
Cây "thiện ác" ấy là cây gì mà tổ tiên ta lại bị "nhiễm độc" nặng để nỗi phải chết dần, chết mòn? Phải chăng "cây đó là cây gì" thật ra không quan trọng, nhưng khi Evà quyết định hái nó ăn thì đã phạm tội rồi? Và, làm sao tội ấy lại ảnh hưởng tới cả chủng tộc? Trái cây có chất kích thích tố gì? Hay là khi A-dong quyết định hái trái cây để ăn, thì tư tưởng đã bị nhiễm độc rồi. Rồi thì tư tưởng ấy thấm ngầm vào DNA của ông ta--tương tự như bài này: Social Interactions Can Alter Gene Expression In Brain--và từ đó di truyền cho con cháu đời đời kiếp kiếp về sau?
Câu hỏi tiếp theo... có những việc gì khác, mà tôi đã và đang làm, có thể ảnh hưởng tới hậu duệ của tôi trong tương lai? Chắc chắn có nhiều việc đời này làm mà ảnh hương sâu xa đến đời sau, mà chính bản thân người làm không bao giờ hay biết, chẳng hạn như hiện tượng Hâm Nóng Môi Sinh (global warming). Tôi điếng người, khi nghĩ đến nhất cử nhất động của tôi có thể ảnh hưởng đến an nguy của cả dòng họ. Nới rộng thêm một tí, con người không ai thật sự sống trong đơn độc hoàn toàn, mà còn liên lụy với gia đình, họ hàng, bạn hữu, ngay cả người dưng chỉ đơn giản chạm mặt "ngoài đường".
Người ta có thể cho là "tội tổ tông" là một sự bịa đặt, nhưng, như bác C.S. Lewis đã từng viết trong The Problem Of Pain (1940):
At every stage of religious development man may rebel, if not without violence to his own nature, yet without absurdity. He can close his spiritual eyes against the [Creator], if he is prepared to part company with half the great poets and prophets of his race, with his own childhood, with the richness and depth of uninhibited experience. He can regard the moral law as an illusion, and so cut himself off from the common ground of humanity. He can refuse to identify the [Creator] with the righteous, and remain a barbarian, worshiping sexuality, or the dead, or the life force, or the future. But the cost is heavy.
Tóm lại, tội tổ tông là tội "bất tuân". Vậy để hóa giải tội bất tuân thì đơn giản là: tuyệt đối vâng lời. Mà tại sao lại chỉ vâng lời theo Chúa Giêsu (hiện thân của Đức Chúa Trời) thì mới được cứu giải? Tôi sẽ tiếp tục "siêu tầm". Hiện giờ có thể nói: suy ngẫm về tội tổ tông đã khiến tôi khiếp đảm gần như tê liệt khi nghĩ đến việc phạm tội, mà bản thân tôi đã và đang vấp phải rất nhiều lần. Hy vọng đây có thể là một phương pháp có hiệu quả để chống lại mọi sự cám dỗ về sau.
Thursday, September 10. 2009
CDK Mấy tháng trước, ngoài ý muốn của tôi, tôi bị "liên lụy" vào mấy cái mailing list nho nhỏ của các cựu sĩ quan hải quân VNCH mà phụ thân tôi là thành viên. Từ nhỏ trở thành lớn. Từ đó tới nay, tự nhiên dính vô mấy "cha" viết toàn chuyện gì đâu: chống cộng có, chống người quốc gia có, chống tôn giáo có. Họ lại CC luôn địa chỉ email của các hội đoàn, các tòa soạn bên VN. Có nghĩa là: có thể các cơ quan chính quyền và, đáng ngại hơn là, các công ty quảng cáo bên VN đã nắm được địa chỉ email của tôi. Đau cái đầu!
Gần đây, thấy có ai đó gửi bài chống Công Giáo của "giáo sư tiến sĩ" Trần Chung Ngọc. Bác này tôi từng được "biết" qua.
Có lẽ đối với giới học giả bên VN, GS Ngọc chống tôn giáo ở tầm cỡ như Richard Dawkins bên Anh Quốc hoặc Sam Harris bên Hoa Kỳ. Nhưng tôi đã cho qua, vì thấy ngôn từ của Trần Chung Ngọc rất lỗ mãn, có vẽ như GS Ngọc cố ý sỉ nhục hơn là bàn luận với người Công Giáo. Dawkins chống tôn giáo nhưng ít ra ông đã dùng lập luận của những nhà thần học như Thánh Thomas Aquinas để phản biện. Đằng này, GS Ngọc chỉ lý luận một chiều, chỉ dùng lý luận của những người chống Công Giáo để hỗ trở cho luận điểm của mình.
Khi đọc các tác phẩm chống Công Giáo, ấn tượng đầu tiên của tôi là: ừ, lập luận khá hùng hồn, khá thuyết phục. Nhưng rồi tôi đem những lập luận ấy để đối chứng với giáo lý của đạo tôi, và hầu như ở mọi trường hợp, đều đi đến kết luận (tôi không nói quá lời): chân lý Kitô giáo thật tuyệt vời! Thậm chí, tôi không khỏi có cảm giác, tuy những người chống công giáo cho rằng tín đồ Công Giáo đã bị giáo hội lường gạt bởi do họ thất học, thiếu dân trí (một cách "lịch sự" để chữi người Công Giáo là ngu đần), nhưng tôi thấy chỉ có ai thất học mới tin những gì những người như bác Trần Chung Ngọc viết mà không đi kiểm chứng với các nguồn tài liệu khác.
Cho mỗi một người như Dawkins, Hitchens, Harris, thì có ít nhất 3 người như McGrath, Somerville, Wilson, Crean, Ward, DaSouza, Craig, Atran, Keller, Reza. Đây chỉ là nêu lên những học giả của thời nay. Còn thời xưa có vô số kể. Đây là một số tôi đã đọc/biết qua: Ambrose, Anselm, Athanasius, Augustine, Aquinas, Ignatius, C.S. Lewis. Có thể nói là những cao nhân thời xưa này đã ảnh hưởng một phần nào về tư tưởng của tôi. Càng đọc những tác phẩm của các vị này, tôi không khỏi thoáng lên ý nghĩ: tới một thời điểm nào đó, câu nói "không biết không có hại" sẽ không còn giá trị lợi dụng nữa. "Không biết" ở đây sẽ không còn là không biết vì không có phương tiện để biết, mà là do cố tình không biết, thì đó thật là một điều thật tai hại. Và, hơn nữa, người ta sẽ không thể nói "tôi không có tội bởi tôi đã bị những người như bác Trần Chung Ngọc lường gạt", bởi con người có tự do ý chí của riêng mình, cho nên suy cho cùng, bản thân phải chịu trách nhiệm cho những gì chính mình làm.
Từ câu cuối của đoạn trên, gợi ý cho đề tài "siêu tầm" kế tiếp của tôi về đạo công giáo mà bác Trần Chung Ngọc cho là "huyền thoại của thời bán khai": Tội Tổ Tông (original sin).
|
Recent Comments