Chiều hôm qua, tam muội tôi xuống chơi. Lâu lắm rồi nó không xuống thăm tôi, còn mấy dịp tôi lên nhà nó thì không có nó ở nhà.
Hôm nay mẫu thân tôi làm mâm cơm chay cúng giỗ Bà Ngoại tôi. Sáng nay định thức dậy sớm để đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn Bà Ngoại, nhưng dạo tâm hồn tôi mệt mỏi, nên ngủ tới 10h00 sáng mới thức giấc.
Sáng nay mẹ tôi đi cúng chùa. Trưa nhị đệ tôi nó lên chơi. Chiều mẫu thân đi chùa về, mua đồ chay từ chùa về, làm mâm cơm cúng ở nhà. Tôi gọi điện mời phụ thân tôi xuống cùng vui--hơi băn khoăn tại sao dạo này tôi cần thiết phải mời thì ông mới xuống. Xong thì tôi xách xe chạy một vòng, mua kết bia cho mấy anh em nhâm nhi, và mua ít trái cây về cúng Bà Ngoại.
Khi tôi về tới nhà, thấy nhị đệ tôi nó đang ở trước cửa nhà, thay mặt tôi "tiếp đón" hai anh truyền đạo Nhân Chứng Giê-hô-va, tôi vội ra "đỡ lời" nhị đệ tôi. Hai người, một Việt một Tây, xưng tên là "Hòa" và "Bình". Anh Hòa, mẹ lại là một người công giáo, nhưng chẳng hiểu sao anh ta lại theo NCGHV. Tôi trao đổi với hai anh về câu "Gioan 1:1" trong Thánh Kinh Kitô giáo . Tôi hỏi hai anh có sự giải thích thế nào về lối chuyển dịch theo bản dịch NWT. Tôi cố thuyết phục họ về thuyết Chúa Ba Ngôi; họ cố thuyết phục tôi về quan niệm "thần linh" trong tín ngưỡng của họ. Tôi yêu cầu họ nêu lên ví dụ nào khác trong Kinh Thánh mà các thánh nhân hoặc thiên thần được gọi là "god", tương tự như lối dịch của NWT trong "Gioan 1:1" về Chúa Giêsu. Họ hứa sẽ tìm, và sẽ email cho tôi. Về "Gioan 1:1", sau này tôi sẽ có bài "siêu tầm" riêng. Hiện thời, chỉ ghi thêm ý này: tôi hỏi họ về Gioan 1:1 là vì tôi cho rằng quan niệm về Chúa Giêsu là điều tất yếu trong Kitô giáo. Nếu hiểu sai Chúa Giêsu là ai, thì rất có thể ta sẽ hiểu sai những lời dạy của Ngài. Hiện nay hầu hết các giáo phái Kitô giáo đều tin rằng "Giêsu là Đức Chúa Trời", ngoại trừ tín đồ NCGHV tin rằng Giêsu chỉ là một vị thần linh.
Phụ thân tôi xuống tới, mọi người ngồi vào bàn, với mấy món đơn sơ, vừa ăn vừa nghe mẫu thân tôi kể chuyện đời xưa về Bà Ngoại. Quan niệm của tôi về việc cúng giỗ ông bà: mục đích chính là để tưởng nhớ; cúng kiếng là để no bụng cho người sống, chứ người chết thì ăn được gì. Tưởng nhớ là để noi gương những cái hay, thậm chí những cái ta cho là "dở" cũng có thể dạy cho ta được bài học. Bởi mục đích chính là tưởng nhớ, cho nên tôi không đồng ý với lý luận cho rằng chỉ có nơi nào làm nhà thờ chính thức (nhà Dì Hai tôi bên VN, bởi là con gái lớn trong gđ) thì mới làm lễ giỗ, còn ngoài ra thì thôi. Tôi cám ơn mẹ tôi đã cho tôi cơ hội để có thêm chút ấn tượng về bên ngoại.
Đã lâu, tôi không có chút ấn tường gì về Bà Ngoại. Mẫu thân kể, Bà mất năm '77, thọ 46t. Do bệnh đau bao tử nên bà nhập viện để uống thuốc và điều trị, đêm khuya đi tiểu tiện, trượt chân mà té, nằm hôn mê trong nhà cầu. Tới sáng, dì Út tôi (lúc đó khoảng 7-8 tuổi gì đó) đi tiểu, thấy bà nằm đó, bèn vội kêu cấp cứu. Mẹ tôi--lúc đó do phải buôn bán xoay sở cho gia đình nên ở nhà, không trực trong b/v--hay tin thì chạy ngay vào nhà thương trông nom. Mẹ tôi đổ lỗi cho mấy người "bác sĩ quốc doanh" (lúc đó mới vừa "tiếp thu" các bác sĩ "ngụy" đã bỏ chạy hết), thiếu hiểu biết, gây trì trệ, không điều trị gì mà chỉ thử máu cho đến chết, cứu chữa không kịp thời nên Ngoại tôi mới tử vong. Khi Ngoại tôi mất, Mẹ phải mướn xe, giữa đêm đen, chở xác bà về nhà. Mẹ kể, trên đoạn đường về, Mẹ nhìn thấy bóng một người đàn bà đội nón lá, băng qua đường, rồi khuất bóng sau chiếc xe vừa chạy ngang. Bác tài xế hỏi: "Vừa rồi chị có thấy gì không? Đó là ma đó!" Mẹ cho rằng đó là Ngoại tôi, vừa đã xuất hồn.
Tôi đang ngồi lọ mọ trên máy vi tính thì mẫu thân tôi thò đầu vào cửa phòng làm việc, bảo: "Mẹ đi làm". Trời! Bà mới đi làm ca ban ngày về hồi 21h00, giờ do họ gọi tức tốc lại đi làm ca đêm. Tôi ngại cho bà sáng mai lại còn phải đi tiệm, nhưng chẳng biết nói gì, chỉ biết đi theo bà xuống lầu, lấy bình thủy pha một bình trà nóng cho bà đem theo uống để đỡ buồn ngủ. Mẹ tôi năng động cực.
Tôi không hiểu cái nhu cầu kiếm tiền của mẫu thân tôi. Nhưng mà, còn có nhiều việc làm khác của mẹ tôi mà tôi không hiểu, và tôi cũng không hỏi.
Một điều tôi thầm mừng, là dạo này thấy mẹ tôi vui vẻ, yêu đời hơn nhiều so với 3-4 tháng trước. Và một điều man mác buồn, là từ khi mẫu thân về ở với tôi, khoảng cách giữa tôi và phụ thân tôi trở nên xa vời. Dường như bây giờ mọi thông tin về tôi, ông biết qua mẹ tôi, cho nên không cần thiết tâm sự trực tiếp với tôi nữa.
Sáng nay nhận được tin nhắn của cô em họ. Vui thật là vui. Thỉnh thoảng tôi có gửi email về cho mấy đứa em (con của mấy chú cô tôi) để hỏi thăm, nhưng hiếm thấy tụi nó hồi âm. Tưởng mình không những bị "vạ tuyệt thông" bởi Canada, mà còn bởi VN nữa chứ. Chắc tụi nó bận rộn lắm (có lẽ nào lại bận rộn hơn tôi). Đôi lúc, cảm giác không những chỉ bị gia đình mình, mà là cả dòng họ ruồng bỏ. Dĩ nhiên, nếu Tứ Thúc, Ngũ Cô, Thất Thúc, và Cửu Thúc biết tôi nghĩ vậy thì chắc chắn họ sẽ quở trách tôi.
Nhờ bác David gợi ý hôm nọ, mấy hôm nay tôi tìm hiểu thêm về phong trào Công Giáo Canh Tân Đặc Sủng (Catholic Charismatic Renewal movement). Theo bài viết trên Wikipedia, phong trào này bắt nguồn từ thập niên 1960 bởi giáo phái Ngũ Tuần (Pentecostals), gọi là Charismatic Renewal (Canh Tân Đặc Sủng, hoặc Canh Tân Thần Ân), và, từ 1967 trở đi, được cộng đồng Công Giáo hưởng ứng. Các chương trình cho phong trào này được gọi là các buổi "Cầu Nguyện Thánh Linh" hoặc "Khóa Thánh Linh" (xem bài viết này trên mạng thanhlinh.net: CHÚNG TÔI DỰ KHÓA THÁNH LINH TẠI NEW ORLEANS). Cộng đồng công giáo ở Austin - Texas cũng có nguyên một web site cho phòng trào này (sao Toronto không có, ta?).
Nói chung, đây là một phong trào lành mạnh, nhằm cho tâm linh và ý chí của con người được hướng về Chúa.
Tuy nhiên, người tu hành có câu nói: "đạo cao 1 thước, ma cao 1 trượng". Tại Toronto, vào năm 1994, đã xãy ra hiện tượng quái đản mà sau này được phổ biến với cái tên Toronto Blessing (Phép lành Toronto), do nhóm nhà thờ (Tin Lành?) tên Toronto Airport Christian Fellowship (TACF) khởi xướng:
Trong bài giới thiệu phong trào Canh Tân Đặc Sủng trên blog Xuân Bích của Đại Chủng Viện Huế, thấy có đề cập tới hiện tượng Toronto Blessing và gọi đó là "làn sóng thứ ba" của phong trào Canh Tân Đặc Sủng. Cần nhấn mạnh, những người khởi xướng "Toronto Blessing" không phải là tín đồ công giáo, nhưng xem chừng, hiện tượng này đã tạo dư luận lớn lúc bấy giờ, đến nỗi cộng đồng Công Giáo cũng phải lên tiếng. Bác Colin Donovan, phó giám đốc của đài truyền hình EWTN, có bài viết rất hay, đã góp phần cho sự nhận định của tôi về vụ này. Tôi đặc biệt để ý đến câu này: "Thánh Gioan tông đồ đã khuyến khích chúng ta nên thử thách những 'thần linh' này (1 John 4)". Thoáng nghe, tưởng chừng như câu này gây mâu thuẫn với câu: "Anh em đừng thử thách ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, như anh em đã thử thách ở Massah" (Đệ Nhị Luật 6:16). Nhưng, với Thiên Chúa không thể có sự mâu thuẫn. Do vậy, tôi buộc phải hiểu rằng: 1 John 4 khuyên đừng vội tin một cách mù quáng mà dễ bị Satan đánh lừa; và ĐNL 6 khuyên rằng khi đã đủ chứng cớ để tin, thì đừng cố chấp, cứng lòng.
Nếu ngày nào đó tôi đi dự các buổi "cầu nguyện thánh linh" do cộng đồng công giáo tổ chức, tôi sẽ đi với mục đích gì khác chứ không phải đi để tìm "dấu lạ". Mục đích gì thì chưa biết. Tôi hay chú ý tới những tác động của Chúa Thánh Thần trong tôi. Chưa thấy có sự thúc giục mạnh mẽ nào lôi cuốn tôi tới phong trào này--có thể câu hỏi đặt vấn đề của bác David là một sự khởi đầu. Hiện thời, tôi có linh cảm với sự tác động này mạnh hơn: hãy đi gặp cha xứ mà xưng tội cho mau!
Recent Comments