Trong kinh doanh, thất bại là lẽ thường. Lắm khi, nó mang hình dạng của một động cơ thúc đẩy, tạo điều kiện cho nhiều sự thành công trong tương lai.
(In business, failure comes with the territory. Often, it takes the form of a motivating moment that makes future successes possible.)
Đêm hôm qua lại gặp giấc mơ lạ. Tôi đi hướng dẫn khách hàng sử dụng sản phẩm. Đến cuối giờ, tôi móc danh thiếp của mình để trao các học viên. Khi nhìn kỹ thì tôi nhận ra rằng, ngoại trừ hình biểu tượng (company logo) và tên công ty, danh thiếp của mình trống trơn, không ghi tên họ, địa chỉ, số điện thoại gì cả.
Gần đây công ty tôi gặp chút trở ngại. Dĩ nhiên tôi qui trách nhiệm cho bản thân tôi, tự trách mình vừa thiếu tài, vừa thiếu nghị lực (đọc: lề mề) về phương diện lãnh đạo kỹ thuật. Đôi lúc tôi gần như có ảo tưởng là tôi có thể đảm được trọng trách lèo lái công ty này (ít ra trên phương diện công nghệ) đi đến thành công; khi khác thì tôi nhận ra rằng chung qui tôi cũng chỉ là một tên làm mướn, không hơn, không kém. Không biết giấc mơ đêm qua là điềm báo cho tôi nên đổi công ty--nhận thất bại sau 11 năm nỗ lực, và bắt đầu một danh thiếp mới--hay là động lực cho tôi hãy mạnh dạn "cải tổ" lại phương thức làm việc trong công ty cũ cho được hữu hiệu hơn? Nếu thay đổi thì lại thoáng lên trong tôi cái mộng thành lập công ty của hôm nào, nhưng trung thành với bài viết ở trên thì đúng là tôi sợ thất bại nặng nề. Còn nếu "cải tổ" thì tôi cần thiết lập một hệ thống tự kiểm điểm, trước tiên là cho bản thân, để khi năng suất mình bì sút giảm thì mình có thể nhận dạng một cách cụ thể, mà kịp thời điều chỉnh. Hình như giới công nghệ gọi cái này là QMS (Quality Management System), nhưng phải là những gì cực đơn giản, dễ áp dụng, kém mất thời gian. Nếu hỏi ông sếp cũ của tôi thì dĩ nhiên ông sẽ trả lời (theo kinh nghiệm cá nhân ông): hãy tận dụng cái bộ não của cậu là đủ. Và tôi cũng sẽ trả lời với ông y như lúc xưa: tôi không mấy tin tưởng vào bộ não của tôi.
Bên blog Đông A (đạo hữu nào nhẹ bóng vía thì xin đừng tới đó ) vừa có bài viết khiến tôi lưu ý: Bao giờ người Công giáo hết dối trá?. Trả lời ngay: Người Công Giáo hết dối trá khi nào họ đã thành thánh.
Tôi định không lên tiếng, bởi người trong đạo Công Giáo thừa thuộc lòng cả câu chữ lẫn tinh thần của Mười Điều Răn. Cho nên lối lập luận "cấm làm chứng dối không có nghĩa là cấm dối trá như nói dối, viết sai sự thật, nói sai sự thật" thì chỉ có người không hiểu đạo Thiên Chúa mới thốt lên được.
Ý thức được lời của Thánh Phêrô: "Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em (1Peter 3:15)", nhưng cũng dè dặt với Châm Ngôn 11:9 ("Quân vô đạo dùng miệng lưỡi làm hại tha nhân,..."), e rằng chính tôi lại lần nữa vấp phải điều tôi chỉ trích. May thay, đây có liều thuốc giải cho CN11:19: "Nhưng phải trả lời cách hiền hoà và với sự kính trọng" (1Peter 3:16). Nếu ta chỉ trích trong tinh thần kính trọng thì đó là điều tốt. Với hành trang này, tôi lao mình vào cơn lửa khinh miệt của bác Đông A Trần Minh Tiến.
Trích đoạn từ bài viết nói trên:
Tôi cảm thấy dường như dối trá là một song hành với Công giáo và điểm này thật ra cũng không phải là khó hiểu bởi vì trong mười điều răn của Chúa không có điều răn nào cấm dối trá....10 điều răn của Chúa trong Kinh Thánh...Chỉ có cấm làm chứng dối trá chứ không cấm dối trá như nói dối, viết sai sự thật, nói sai sự thật.
...
Thiên Chúa giáo là tôn giáo độc thần, ở đó không có sự bình đẳng giữa Chúa và con người, và vì vậy không thể cấm nói dối.
...các chính khách Mỹ nói dối thoải mái và không có một tí mặc cảm tội lỗi nào về chuyện nói dối của mình ... vì họ là tín đồ Thiên Chúa giáo.
Tóm tắc các luận điểm chính để tiện xem xét tính trung thực của từng điểm:
Mọi giới luật của đạo Công Giáo phát xuất từ Mười Điều Răn.
Mười điều răn của Chúa không có điều răn nào cấm nói dối.
Từ đó suy ra, đạo Công Giáo không hề cấm nói dối.
Điểm 1 chưa chính xác lắm, bởi hãy còn Điều Răn Thứ Mười Một: "Hãy yêu thương [mọi người] cũng như Thầy đã thương yêu các con." Thật ra, hàm ý "hãy thương người" đã có sẵn trong các Điều Răn 5 đến 10 rồi. Nhưng con người vẫn cứng lòng, nên Thiên Chúa đã phải xuống phàm trần để làm gương cho nhân loại. Đủ bản lãnh để soi được tấm gương ấy hay không chắc có lẽ là đánh dấu sự khác biệt giữa tiên thánh và người phàm, mặc dù mục đích của Chúa ngay từ đầu là ngõ hầu cho mọi người trở nên thánh.
Vậy, còn lại luận điểm 2, thử xét xem việc cấm nói dối có bắt nguồn từ Mười Điều Răn hay là hàng giáo sĩ (và giáo hoàng) đã vô cớ tự ý đặt ra. Trong TLTH,2-2, Q110,A4 "phải chăng mọi sự dối gian đều là trọng tội?"), Thánh Thomas Aquinas viết:
Dối trá là đi ngược với lời dạy này trong Mười Điều Răn: "Ngươi chớ làm chứng dối".
(lying is against this precept of the decalogue: "Thou shalt not bear false witness.")
Trong De mendacio (Về Sự Dối Gian, ~395AD), Thánh Augustinô có đoạn viết:
...Nhưng, kẻo ai đó sẽ lý luận rằng không phải mọi lời dối đều nhất thiết là thể hiện của việc làm chứng dối, hắn sẽ trả lời sao đối với câu "ăn gian nói dối giết hại linh hồn (Khôn Ngoan 1:11)": và kẻo ai đó lại cho rằng có điều ngoại lệ, hãy để hắn đọc thêm, "Ngài diệt trừ bọn điêu ngoa (Thánh Vịnh 5:7)". Do đâu mà chính Chúa đã từng nói "Nhưng hễ 'có' thì phải nói 'có', 'không' thì phải nói 'không'. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ (Matthew 5:37)". Do vậy, Thánh Phaolô Tông Đồ, cũng để giáo huấn cho việc lảng tránh lão tà--tên gọi của mọi sự tội lỗi--đã nói ngay, "Bởi thế, một khi đã cởi bỏ sự gian dối, mỗi người trong anh em hãy nói lên sự thật. (Ephesians 4:25)"
(...But lest any should contend that not every lie is to be called false witness, what will he say to that which is written, "The mouth that lies slays the soul:" and lest any should suppose that this may be understood with the exception of some liars, let him read in another place, "You will destroy all that speak leasing." Whence with His own lips the Lord says, "Let your communication be yea, yea; nay, nay; for whatsoever is more than these comes of evil." Hence the Apostle also in giving precept for the putting off of the old man, under which name all sins are understood, says straightway, "Wherefore putting away lying, speak ye truth.")
Cần nhấn mạnh thêm, "chớ làm chứng dối" cấm dối gian ở mọi hình thức, không chỉ riêng ở việc nói dối.
Và sau cùng, động cơ chính của bài viết này là để cho tôi tự xét mình, kẻo người đời lại nghĩ là tôi tự cho rằng mình chưa hề gian dối. Xin nêu lên một ví dụ nho nhỏ đã xãy ra cách đây không lâu:
Tôi yêu cầu anh bạn đồng nghiệp (tạm gọi là A) báo cáo công việc.
A trả lời: Tôi tưởng tôi đã bàn với anh rồi kia mà
Tôi: Nếu tôi không nhớ tức là anh chưa bàn
A: Nếu anh không nhớ thì anh nên sửa lỗi cái bộ não của anh đi!
Tôi: Xin lỗi, bởi câu vừa rồi tôi hơi nhân nhượng. Ý tôi muốn nói là: Anh nói dối! Anh đã chưa hề bàn việc ấy với tôi.
...
Ouch!!!
Buộc cho người khác tội nói dối thì chính mình cũng phạm tội "chớ làm chứng dối". Tôi đã nói lời xin lỗi hai hôm sau, khi anh ta chịu trở lại làm việc.
Trưa nay điện đàm với ông sếp tôi bên Mỹ, được nghe ông kể về phiên họp dự kiến triễn khai với một công ty bạn hồi sáng. Họ nhờ chúng tôi xây dựng một "món đồ chơi" mới, tạm gọi là X. Giám Đốc (GĐ) Bán Hàng (VP of Sales) "cãi lộn" với Kỹ Sư (KS) Trưởng Công Nghệ cho sản phẩm Y.
GĐ nói: Tôi muốn làm sao có thể bán kèm X với mọi hợp đồng cho Y. (Dịch: tôi muốn Y phải hết sức "khiêu gợi")
KS nói: Nhưng tôi chỉ muốn X giúp khách hàng có cái nhìn tốt hơn về Y. (Dịch: Nhưng Y chỉ là tạm thời, không nên tốn nhiều công sức cho nó quá.)
Không biết hai người đã cãi nhau trong bao lâu, nhưng nghe sếp tôi kể đến đây, tôi buộc miệng: Nhưng mà hai người họ đều nói cùng một ý: X sẽ giúp Y tìm thêm nhiều khách hàng.
Cắm đầu, cắm cổ mà cãi, không để ý rằng, với cách diễn đạt riêng của họ, đối phương đang đồng ý với mình. Lỗi lầm này tôi cũng thường vấp phải. Nhớ lại lời Thầy Sáu đã có lần giảng dạy: "Mau nghe, chậm nói, chậm giận ..."
Ngay chính lúc tôi tưởng mình đang cố gắng hết mình, thì lại bị thúc đẩy cố gắng nhiều hơn nữa.
Những lúc này, tôi liền có cảm giác muốn ngưng ngay sự cố gắng.
Trong đám "bộ hạ" đã từng hân hạnh được tôi "chỉ huy", không biết có đứa nào đã từng có cảm giác này không nhỉ.
Trái gió, trở trời, nội lực tiêu tan, tôi cảm nhận được cơn bệnh cúm đang tấn công sắp tới nơi. Thể xác cũng mệt mỏi, nhưng dường như tâm hồn tôi mệt hơn.
Tối nay phải đi ngủ sớm thôi--ngay sau khi viết mấy dòng này. Sáng 02h00 sẽ dậy làm việc, trưa mai phải giao nộp dự án cho khách.
Sáng nay hệ thống mạng của công ty bị trục trặc--không đăng nhập vào được. Lại nhằm lúc tôi có dự án phải giao khách hàng vào chiều nay, nên buộc phải xách xe chạy vào cty để điều tra. Làm việc với anh quản lý IT qua điện thoại được một hồi vẫn không có kết quả, anh ta phải vào xem thôi.
Mấy hôm trước tôi nghe được bài hát You Raise Me Up của nhóm Westlife, thấy hay quá, định thâu lại. Đã tải về phiên bản "dùng thử" (trial version) của Sony Vegas Movie Studio rồi. Nay đang trong tình trạng "sitting duck", công việc chẳng làm gì được nữa, bèn vỡ ra thâu thử, tốn khoảng 30' thì thời.
Trưa nay nhị đệ tôi nó lên Toronto có chút chuyện, sẵn ghé nhà tôi chơi. Chiều có phụ thân tôi tới. Nấu nồi lẩu vịt nấu chao cả nhà cùng ăn. Sinh hoạt có vẻ như thường lệ. Nhưng tôi cảm giác rằng không khí gia đình dường như đã mất đi cái gì đó, khiến lòng nằng nặng. Chẳng lẽ tôi hễ có cha thì thiếu mẹ, và có mẹ thì lại phải thiếu cha?
Đôi lúc, tôi nổi lên cái cảm giác bớt hứng thú với cái công việc này. 'Đôi lúc' đó lại xãy ra vào tuần này. Cảm giác này hơi nguy hiểm, bởi khi không còn hứng thú với việc gì, người ta thường có khuynh hướng ngừng tay, rút lui. Tôi cần phải sáng suốt: không chán nản quá sớm, và không rút lui quá muộn. Khó! Linh hồn tôi đang đói, và khát! (linh = spirit; hồn = soul) Tôi cần Chúa Thánh Thần thêm sức. Tôi cần ăn thịt Chúa Giêsu.
Không biết có phải do mẫu thân tôi không đây. Mỗi lần Bà đi biệt tăm mấy ngày là tôi ngủ không được. Nhưng cũng chưa chắc đó là lý do. Dạo này công việc trong sở cũng khiến tôi suy nghĩ nhiều.
Hâm ly sữa nóng uống, rồi đi tiếp tục dỗ giấc ngủ thôi.
--- Cập nhật 2009-07-11 09:40:
09h00 sáng, mẫu thân gọi điện về để báo: ngày mai tam đệ sẽ mướn xe dọn đồ ở nhà bà xuống nhà tôi. Thì ra mấy hôm nay bà đi làm ở Ottawa Oshawa.
Đêm nay thức khuya để hoàn thành dự án để ông sếp ngày mai đê-mồ cho khách--một bộ giáo dục bên Connecticut. Cái tiểu ứng dụng web (ASP.NET) này, tôi xây dựng trên cơ sở patterns & practices Web Client Software Factory. Bắt đầu nghi ngờ ở cái gọi là "patterns & practices" của bác M$. Đầy dẫy những sự rườm rà ở các tầng lớp (presentation layer, data layer, và business layer). Chỉ thêm có một mục dữ kiện thôi mà phải đổi mã ở ba, bốn nơi.
Đang đói bụng, tạm ngưng, làm một tô mì Kim Chi lót dạ cái đã.
--- Cập nhật 17:06:
Đe-mồ khá thành công. Giờ chạy về nhà ngủ bù đây.
Đã hơn 1 giờ khuya. Mấy năm rồi chưa thức khuya đến độ này--thường thì 0h59 là cùng.
Tối nay do phải giúp ông sếp tôi chuẩn bị cho chuyến đe-mồ bên Phoenix (lại là Phoenix?) ngày mai. Chuyến này ông đi; tôi ở nhà dùng chiêu "cách không điểm huyệt" để hỗ trợ từ xa. Giờ đã xong việc phải làm. Đi ngủ thôi!
When [Jessica Livingston] asked me what she should speak about [at the upcoming conference], I asked her to consider describing all the different ways a start-up can fail, rather than the usual stuff about lessons learned from people who succeeded.
"That would be boring," she told me. "They all fail for the same reason: People just stop working on their business." Um, yeah, well, sure, and most people die because their heart stops beating. But somehow dying in different ways is still interesting enough to support 40 hours a week of prime-time programming.
Thêm một ý tưởng mới để cho tôi nghiền ngẫm: cái gọi là quản lý tinh thần (morale management). Tôi nghĩ "tinh thần" ở đây không những ám chỉ tinh thần của bản thân người quản lý (người chủ chốt, người sáng lập), mà còn phải bao gồm sự chăm lo đến tinh thần của những người làm việc dưới quyền mình.
Tôi không phải là một người sáng lập, và đúng ra cũng không phải là người quản lý--nhiệm vụ của tôi là phát triển kỹ thuật. Nhưng đôi lúc tôi cảm thấy mình đang đứng trong vị trí phải cổ động tinh thần cho những người làm chung với tôi. Đây là một việc mà tôi đang thất bại thê thảm.
Hôm qua tìm ra đoạn vi-đi-ô này về bài quyền Phục Hổ của Thiếu Lâm Hồng gia ('Hồng' là Hồng Hy Quan), giống y như cuốn quyền phổ tôi đang có trong tay:
Đây là cơ hội. Từ nay thử học lại bài quyền này như là lần đầu tiên xem. Thử ra kế hoạch học võ như là làm dự án coi sẽ đi tới đâu...Bài quyền này có 93 chiêu thức. Nếu khiêm tốn phân ra một ngày học 5 thức, thì chỉ mất 19 ngày là xong. Nhưng do tôi tự học--lại tối hôm qua thử đem ra thi triển vài ba thức thì lại thở hổn hển như bò--cho nên tự trừ hao cho mình thành 3 tháng (hay 3 năm?). Như vậy tới cuối tháng 4 sẽ phải hoàn tất.
Hôm qua về hơi tối, chạy trên đường tuyết, vô ý để vấp ổ gà. Rầm!!! Cảm giác có gì đó không ổn, nhưng trời tối rồi, mặc kệ, cứ chạy tiếp.
Sáng ra, xem lại thì hởi ôi:
Tiêu tùng cái bánh xe trước (phải).
Ráng lếch như vậy ra tới GoodYear, sẵn thay luôn cái vỏ sau (phải) cũng đang xì lên xệp xuống. Đem võ bánh trước trái ra sau phải, và lấp hai vỏ mới vào hai bánh trước.
Mất 1 ngày.
Sáng nay sau khi bỏ xe cho họ làm xong, chạy bộ về nhà gởi i-meo vào công ty báo sẽ làm việc "tại gia".
Tổng chi: $115 (1 vỏ Goodyear Assurance P195/60R15) x 2 + $30 (công) => $260+ 5% (thuế liên bang) + 8% (thuế tỉnh bang) = $293.80
Hay thay, dường như đôi khi câu giải đáp cho vấn đề nó lai vãng quanh đây mà mình không hề lưu ý. Hai ngày nay tôi đang vò đầu tìm giải pháp cho vấn đề tương tác (interoperability) giữa công nghệ WPF và VB6. Nghiên cứu dưới hai ngày cho thấy dường như câu trả lời cho vấn đề "làm sao ứng dụng một thành phần điều khiển (user control) của WPF trên một mẫu đơn (form) của VB6?" là: vô phương.
Sáng nay lướt qua những blog chuyên ngành, tình cờ được nhắc lại câu này:
Mọi nan đề trong phần mềm đều có thể được giải quyết bằng cách thêm vào nó một tầng lớp gián tiếp.
(Any software problem can be solved by adding another layer of indirection. Except, of course, the problem of too much indirection.)
- Steve Bellovin của AT&T Labs
Vậy, thay vì đi đường VB6->WPF, tôi có thể dùng VB6->WinForms->WPF. Nhịp cầu VB6->WinForms thì tôi đã bắt hồi năm 2006. Và còn WPF->WinForms thì rất đơn giản.
Lưu ý: gián tiếp hóa (indirection) không đồng nghĩa với trừu tượng hóa (abstraction).
Recent Comments