Thursday, October 29. 2009
CDK Chiều hôm qua rời văn phòng, bước ra sân thượng nơi bãi đậu xe, mới 18h30 mà chẳng còn thấy ánh sáng mặt trời đâu cả, chợt nhớ câu nói của Bà Nội tôi lúc xưa: "Đêm tháng 5 chưa nằm đã sáng; Ngày tháng 10 chưa cười đã tối". Ngàn dặm xa xôi cách hơn nửa vòng Trái Đất, câu nói này vẫn còn quá đúng.
Cuộc đời Nội tôi khổ nhiều, sướng ít. Sáng mở mắt ra là làm lụn tất bật, loay hoay chưa làm được chi mà đã tới tối mờ, không thấy đường để cuốc đất nữa nên phải nghỉ thôi. Tối đặt lưng nằm xuống, gác tay lên trán suy tính coi ngày mai sẽ làm gì, ngã lưng chưa được yên thì gà đã gáy, trời đã hừng sáng.
Cuối tuần này đây miền đông Bắc Mỹ sẽ đổi giờ (thụt lùi lại một giờ), câu nói dân gian ở trên sẽ trở nên "bớt đúng"...ừm...hay là càng đúng hơn?
Con vẫn luôn nhớ đến Nội, dù cho mấy năm gần đây, thử thách của đời dễ làm con quên lãng.
Wednesday, September 16. 2009
CDK Tối mấy hôm trước, sau khi dọn dẹp dưới tầng hầm xong , tôi ra sau nhà hóng mát nhìn sao, thấy có một ngôi sao rất tỏ, nổi bật trên nền trời Tây Nam, không biết là sao gì. Đến tối nay (~ 11-12 giờ đêm, trung tuần tháng chín) thì thấy vẫn còn hiện lên nơi vùng đó. Thử tìm trên mạng thì có người nói đấy là sao Thái Bạch (Thái Bạch Kim Tinh - Venus). Stellarium thì bảo đấy là Mộc Tinh (Jupiter). Nếu là sao Thái Bạch thì ...
Venus = Sao Kim, hay Thái Bạch Kim Tinh = Sao Mai = morning star (Isaiah 14:12) = Lucifer = Sa-tăng
Hmm...chắc là không phải. Thân tôi là tạo vật yếu hèn, không dám trực diện đối đầu với Thái Bạch Kim Tinh đâu.
Hồi nhỏ ở dưới quê, tôi hay thích ngắm sao (do Bà Nội tôi dạy). Từ đó đến nay đã mấy chục năm trôi qua. Chắc tôi sẽ phải đầu tư cho một cái ống kính thiên văn.
Tuesday, June 23. 2009
CDK Năm nay, lần đầu tiên đứa cháu đích tôn đít vại này chứng tỏ rằng hắn xứng đáng bị truất phế: hắn đã quên ngày giỗ Bà Nội hắn (1/5 AL). Bây giờ đi đọc kinh cầu nguyện cho bà đây.
Wednesday, June 4. 2008
CDK (khoảng) 3 tây tháng 6, 1997:
Nghe tin Nội tôi (78) do đi đứng bị trợt té mà nằm liệt, tôi từ Canada bay về VN thăm. Ba tôi đã bay khẩn về hơn một tuần trước đó, còn tôi lo phải thu xếp công việc nên mới về sau. Hơn một tuần lễ, Ba tôi hầu cận bên cạnh bà trong bệnh viện, nhưng xem chừng lành ít dữ nhiều, nên bác sĩ đề nghị nên cho bà về nhà. Sau hơn 10 năm, tôi gặp lại bà trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê. Tôi ôm bà khóc một phen. Bà nhận ra tôi. Liền đó, bà quyết định trao chiếc vòng cẩm thạch lại cho tôi--chiếc vòng mà suốt quản đời, đã không hề rời xa cườm tay bà kể từ khi 19 tuổi. Tôi van bà hãy để lại cho Ngũ Cô (con gái duy nhất trong gđ), nhưng Bà một mực không chịu. Chiếc vòng được tuốt ra khỏi tay. Vài hôm sau Nội tôi qua đời.
Từ đó chiếc vòng đã trở thành biểu tượng cho Nội tôi. Nói theo kiểu "kiếm hiệp" thì là: thấy vòng như thấy người.
Duyệt nhanh lại vài mảnh thư từ củ....
Tháng 10, 2002:
...
Ta muốn nói về vòng cẩm thạch, di vật của Bà Nội. Bởi Nội thương lo cho con, muốn con sớm thành gia thất nên vào những ngày giờ cuối của cuộc đời, Nội không thấy còn gì khác ngoài vòng cẩm thạch trên tay muốn để lại cho con làm lễ vật khi cưới vợ...Ngụ ý khi con trọn bề gia thất thì Nội mới yên tâm. Con phải biết hiểu ngụ ý của Nội là muốn thấy con thành vợ thành chồng, chứ chưa hẳn là muốn trao vòng cẩm thạch một đời gìn giữ của Nội cho một người ngoại tộc.
...
...
...
Vì những lý do trên, Ta quyết định giữ vòng cẩm thạch cùng những di vật của Nội còn tại VN như những di vật gia phả. Chỉ có ai thuộc cùng huyết thống của Bà Nội mới được gìn giữ quản lý mà thôi!
Hmm....Thì ra chiếc vòng từ VN đã xuất ngoại, để rồi nhập nội từ bao giờ. Nhiều lúc tôi phân vân, muốn chôn vùi và quên đi những lời đáng lẽ không nên thốt ra, cử chỉ đáng lẽ không nên làm. Tôi biết cần phải cho nó qua, nhưng dường như tinh thần chưa đạt đước đến bước đó, bởi lòng vẫn còn đau. Chắc là nay mai thôi, và hôm nay là một sự bắt đầu. Phần lớn đều là lỗi tại tôi. Cách cư xử cứng đơ của mình hiếm có ai hiểu được.
Hôm nay là mùng 1 tháng 5. Bà tôi mất, tính đến nay đã tròn 10 năm.
Nội tôi là người không có đạo (ngoài việc thờ cúng ông bà). Nhưng, nhớ lúc xưa khi kể chuyện, bà hay nhắc đến "Ông Trời" và "thời khai thiên lập địa", cho thấy bà đã có ý niệm về Đấng Toàn Năng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình. Vào khoảng gần cuối cùa đời, bà hơi nghiêng về bên đạo Phật. Là dân nhà nông, câu mà bà thường hay thủ thỉ bên tai tôi:
Mong Trời mưa xuống, có nước tôi uống, có ruộng tôi cày...
Sẵn dịp này, khởi đầu một tập tục mới. Đi tìm hiểu một chút về cách Đọc Kinh Ngày Giỗ. Bên Diễn Đàn Thư Viện Toàn Cầu có bài thắc mắc: Đọc kinh gì trong ngày giỗ. Trích lời bác ThanhXuân:
Nếu nói đến đọc kinh giỗ trong gia đình, thì có nhiều kinh khác nhau để đọc lắm. Tôi gửi anh/chị link nói về đọc kinh giỗ: http://thanhlinh.net/caunguyen/CacLinhHon/ThamNhiaTrang.htm
...
Đọc kinh giỗ trong gia đình tại nhà, tôi đề nghị bỏ hết phần trên từ kinh cầu các Thánh của trang Thánh Linh.
Đầu tiên làm dấu, đọc kinh Chúa Thánh Thần, kế đó kinh Ăn năn tội, tiếp nên đọc Năm sự thương, sau khi đọc xong Năm sự thương, đọc tiếp kinh Cầu Các Thánh, kế đó nên đọc thêm hai kinh kính tên Thánh của Cụ, và sau đó tiếp tục đọc theo trang Thánh Linh (phần kế của Kinh cầu các Thánh)cho đến hết.
Hồi còn ở Nhật và mấy năm đầu sang đây, tôi rất siêng năng đọc kinh. Nhưng sau đó, và đã khá lâu, không đọc kinh ban sáng hằng ngày. Thôi thì sẵn dịp, đọc theo các kinh ban sáng ngày thường cho trọn, cầu cho Nội và cũng là cầu cho con, cầu cho người chết và kẻ sống luôn thể.
+++
Monday, February 4. 2008
CDK Hôm Thứ Bảy rồi, cụ thân mẫu nhà tôi cùng gia đình Chú Ba nó đi Hội Chợ Tết ở Quảng Trường CNE (Đài CityNews có bài phóng sự). Còn tôi, theo thói quen "phản xã hội", đã ở nhà...ngủ.
Mấy hôm trước, thấy đài truyền hình địa phương, khi nhắc đến Tết, đã dùng cụm từ "Vietnamese New Year" thay vì "Chinese New Year", đủ chứng tỏ cộng đồng người Việt tại đây đã đạt được một chỗ đứng khá đáng kể trong lòng người bản xứ so với 20 năm về trước. Nhưng Tết nơi xứ người làm sao bằng Tết ở quê nhà, sau hơn 20 năm phiêu bồng, nhất là khi hoàn cảnh không cho cơ hội ăn mừng (Tết đến giữa tuần làm việc). Tết ở đây rời rạc. Trời mùa đông lạnh buốt hồn viễn xứ. Người tha hương nào ở nhà tha hương nấy.
Năm 2006 tôi đã có dịp về quê ăn Tết. Quang cảnh giao thừa ở đường phố Sài Gòn tấp nập và vui nhộn không thể tả. Đó là lần đầu tiên, sau nhiều năm dài, tôi được hưởng hương vị Tết ở Việt Nam. Không kém sự mỉa mai, tôi đã được một người bạn Tây (gốc Anh) hướng dẫn đi dạo phố và dạo quán (ông ta có quán rượu ở Sài Gòn).
Nhớ hồi ở quê nhà (bảy, tám, chín, mười tuổi gì đó), mỗi năm hai bà cháu tôi lên Sài Gòn ăn tết. Cửu Thúc chở ra bến Bạch Đằng coi pháo bông. Xong về nhà, Bà Nội tôi và Cô Năm tôi làm bánh tét, bánh ít. Tôi ngồi kế bên bếp, ôm chân Nội, chờ cơ hội phụ...ăn thử. Có lần buồn ngủ quá thức không nỗi, bèn phải đi ngủ trước. Sáng sớm Nội đem bánh ra chợ bán, lúc nào cũng để lại, lúc thì cái bánh ích nhân đậu sanh, lúc thì khoanh bánh tét nhân dừa, nhân chuối, cho tôi có ăn khi thức dậy. Lúc xưa tôi là đứa bé hư hỏng, nhưng Nội thương tôi nhất.
Giờ đây, nhìn thấy những gì tôi đã làm, không biết Nội có quỡ trách tôi không. Tự tôi biết câu trả lời.
Xin Chúa ban ơn phúc cho Nội, suốt cuộc đời vì con, vì cháu, không chút nghỉ ngơi mãi đến khi an nghỉ ngàn thu. Đây, cháu bất hiếu thắp nén hương lòng, tưởng nhớ ơn dưỡng dục của Nội nhân dịp Tết Năm Tuổi của con. Đồng tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, tiền bối, bằng hữu. Người đi trước chỉ đường kẻ theo sau. Không có người thì sẽ không có ta. Xin Chúa ban phúc lành cho tất cả.
+++
Monday, November 20. 2006
CDK Mẹ tôi. Từ nhỏ tôi không được sống gần mẹ tôi. Bà đi buôn bán nơi phương xa trong khi Ba tôi đi "học tập cải tạo". Tôi sống với Bà Nội tôi. Bà tôi lo cho tôi ăn học, cưng tôi lắm, nên cũng đã bù được phần nào cái lẻ loi phải xa cha lẫn mẹ.
Dòng đời éo le, khi Ba tôi về thì niềm mơ ước, cảnh gia đình đoàn tụ như tôi đã từng đọc trong sách lớp 3--tôi vụt chạy ra đón Ba, nhảy tót ôm vai mừng Ba đã về, trong lúc Mẹ bồng em ra trước sân nhà chờ đợi--đã không được thành hiện thực.
Vì tạo dựng tương lai cho tôi, Ba dẫn tôi mạo hiểm ra nước ngoài. Năm đầu Ba "cày kéo" thật vất vả lo cho tôi ăn học. Tôi cố tiện tặn, chú tâm vào việc học, không chơi bời, để Ba đỡ gánh nặng. Nhớ có lần Ba dẫn tôi đi xin tiền trợ cấp vé xe buýt cho tôi đi học, bị nhân viên từ chối vì không hội đủ điều kiện, nhìn nỗi thất vọng tràn trề trên mặt tôi chắc Ba đã không khỏi xót xa. Ba tôi an ủi: "Thôi con đừng lo. Để Ba cho con thêm tiền mỗi tuần để đi xe buýt." Mấy tháng sau, Ba tôi tìm mướn nhà gần trường tôi. Tôi chỉ cần đi bộ 5' là đến lớp.
Ba tôi đi bước thứ hai.
Chung chung, Dì tôi chăm sóc cho tôi khá tốt, nhưng cảnh mẹ ghẻ con chồng làm sao không khỏi chỗ bất hòa đồng. Ba tôi thương tôi lắm, nhưng trong những lúc này, tôi ước ao nếu có Mẹ tôi bên cạnh thì hay biết bao. Không biết Mẹ có linh cảm được rằng, mình đang cảm thấy côi cút lắm hay không?
Mẹ tôi sang.
Lúc đầu tôi chẳng muốn nhìn lại bà, vì tôi hận bà đã bỏ bê tôi. Nhưng rồi thì em tôi (nó đã sống với Mẹ từ nhỏ), rồi cả Ba tôi can thiệp, khuyên nhủ, nên kết cuộc hai mẹ con tôi ôm nhau khóc sướt mướt.
Mẹ tôi ở với em tôi. Khi Mẹ giận vợ chồng tụi nó, bà bệnh nằm gường ai khuyên ăn cũng không chịu ăn. Tôi lên thăm, ghé Swiss Chalet mua hộp súp nóng lên thổi đút cho Mẹ thì Mẹ ăn liền. Khi khác nghe người báo tin Mẹ trở bệnh phải đưa đi nhập viện, tôi đang làm việc, vội bỏ hết tất cả, xách xe vọt ngay vào bệnh viện xem thực hư. Đêm hôm đó tôi ngồi ghế bên cạnh giường bệnh Mẹ để trông nôm. Sáng hôm sau Ba tôi ghé thăm, "thay ca", tôi, hai mắt trắng dờ, đạp ga xe dông vào công ty làm cho xong công việc vỡ lỡ. Chiều hôm đó Mẹ tôi xuất viện bình an vô sự.
Tưởng đã hàn gắn lại được mối quan hệ thiêng liêng. Đùng một cái, vì chút chuyện vật chất không đáng gì mà đã...
Kẻ mồ côi xưa kia nay lại thêm danh hiệu kẻ lạc loài.
Mẹ ơi, có lẽ Mẹ nói rất đúng--Mẹ là Mẹ của con mà, dĩ nhiên phải nhận xét đúng đắn về con thôi. Những việc con đã làm đấy đều toàn là giả dối, thiếu sự thành thật. Đã vài lần ý nghĩ ấy có thoáng qua trong tâm trí con: chắc bản tính của con là giả dối. Con thật hư quá, đã vô phương cứu chữa rồi.
Thursday, March 23. 2006
ThanhHai Đang ngồi chờ quá trình tự xây dựng thi hành xong để kiểm tra, tôi đảo lên mạng trượt chơi tí, "siêu tầm" ra được cái mạng này về Gò Công . Hihi...Xin phép các bác quản trị mạng cho tôi bắt nối ké tấm ảnh này nhé! Có dịp sẽ ghé thăm pho-rum của các bạn nhiều hơn.
Quê tôi đó. Lúc xưa ở quê nhà, phía sau nhà tôi cũng có cái sông y như vậy.
Hồi còn bé, tôi với Bà Nội tôi, mỗi tối hai bà cháu đã từng ngâm mình, nước lên đến ngực, đi kéo cá cơm và kéo tép bên mép sông. Thuở ấy tôi thường sống với bà, nên cảm giác gần gủi như một người Mẹ hơn là một người bà. Những lúc thấy tôi bị chú út tôi ghẹo khóc, bà liền rầy chú, bảo "mầy đừng có ăn hiếp em". Nội cưng tôi lắm. Cháu đích tôn mà. Tiếc thay, nay đã bị truất phế rồi.
Giờ nhìn lại ảnh này, bao kỷ niệm tiềm tàng và sao lãng trong ký ức chợt ập về, làm tôi nhớ Nội tôi quá. Nội ơi! Bao nhiêu năm nay vắng bóng Nội, cháu bơ vơ, lẻ loi một mình, nên bị người đời ăn hiếp quá Nội ơi! Nội mau về bênh vực cho cháu đi ... huhuhu. Xin Chúa dủ thương ban hồng ân đến với những người thân yêu của con. Amen.
|
Recent Comments