Entries tagged as công việc
Monday, December 8. 2008
CDK Tối Thứ Sáu tuần rồi, tôi tháp tùng với ông sếp CEO (ông sang viếng nhóm kỹ thuật suốt cả tuần) đi dự tiệc giáng sinh của công ty bạn. Năm nào họ cũng nhã nhặn mời, nhưng hai, ba năm vừa rôi tôi không dự, bởi không mấy hứng thú chuyện tiệc tùng, đình đám. Vậy nhưng năm nay tự nhiên hứng. Tán dóc với ông sếp tôi trong lúc ngồi bàn tiệc. Dzời! Làm chung với nhau hơn một thập niên, giờ mới biết được ông ta cũng là người Công Giáo. Ông này giữ đạo mình kín thật. Cũng có thể là tôi đang ngủ gục suốt mười mấy năm nay mới không hay biết. Tôi nghĩ chắc ông ta là cái mà người đời gọi là "người công giáo theo truyền thống" ( cultural catholic).
Saturday, October 18. 2008
CDK Bây giờ là 8h55 giờ địa phương. Tôi đang ngồi tại cổng B6 ở phi trường Sky Harbor, Phoenix (phi-níx), chờ chuyến bay 10h00 về Toronto, chuyển tiếp qua Las Vagas, dùng mạng wifi của phi trường. Phi trường Phoenix (phi-níc) Sky Harbor có wifi miễn phí. Thật hiếm! Thời buổi này, dường như mấy mạng wifi ở phi trường nào cũng phải bắt đóng tiền ($7.95/ngày) để nối mạng. Lúc nãy tôi mới đứng lọ mọ trước mấy cái màn hình, tra xét cổng khởi hành cho chuyến bay, có một cô nhân viên tươi cười đến hỏi "cậu cần giúp gì không?" Trước, đó khi đi trên xe buýt, từ chỗ trả xe mướn, vào phi trường, thấy tivi hô hào khẩu hiệu, "America's friendliest airport". Giờ thấy họ không nói ngoa.
Lẽ ra đã về hồi hôm qua, nhưng làm đe-mồ hơi quá giờ, đến quầy lấy phiếu máy bay cho chuyến 15h12 thì đã trễ 10'. Ai biết họ đã có nhu cầu check-in trước 60' từ hồi nào. Tôi đến 50' trước giờ bay. Thế là họ không cho vào. Đành ngủ lại đây thêm một đêm. Mướn xe (có GPS, thêm $13.95/ngày), định nhân cơ hội đi đâu xem thắng cảnh thiên nhiên. Grand Canyon thì quá xa. Ăn chiều xong thì đã hơn 18h30. Tính làm một chuyến lên Flagstaff xem hố thiên thạch--hơn 2h lái xe. Đi được nữa đường thì thấy oải. Bụng bảo dạ, nếu tới nơi mà lả mệt, lái về không nổi thì là nguy. Bèn quay xe trở lại, về khách sạn lúc 21h20, nghỉ thôi.
Monday, October 13. 2008
CDK Thử Bảy vừa rồi lên nhị đệ phụ nó đóng vách phần còn lại của tầng hầm, sẵn đến Chúa Nhật chung vui này sinh nhật thứ 5 của bé K. Sáng Chúa Nhật phụ thân tôi lên tiếp nó một tay. Đóng vách xong, tiếp theo sẽ là trét bột, sơn vách, rồi lót gạch.
Tối thì tối qua phải về vì hôm nay (Thứ Hai) có công việc, phải chuẩn bị đe-mồ, dự trù tuần này sẽ phải bay sang Phoenix một phen để demo trực tiếp với khách mới. Công việc này đáng lẽ ra là ông sếp tôi bên Mỹ làm, nhưng ông ta bị kẹt bên Úc mấy tuần nay, gần cuối tuần này mới về lại Mỹ.
Cái quái quăm của ngày lễ này là: Canada tổ chức vào tháng 10, trong khi Mỹ lại cử hành vào tháng 11, tạo sự nhập nhằng trong quan hệ kinh doanh. Tôi đã cố gợi ý lắm, rằng hôm nay là ngày lễ bên đây, nhưng chúng nó vẫn dửng dưng. Thôi thì mình hãy còn nhỏ nên đành chịu vậy.
---
Cập nhật 1 tháng 2, 2009 @ 14h30:
Hình này, đang ngồi ngoài sàn sau ở nhà thằng em, nó lấy máy bấm cho một tấm hồi nào không nhớ ...
Friday, September 26. 2008
CDK Mọi việc coi như đã dàn xếp xong. Vẫn còn mậy mọ một quyển sách củ mèm, nhưng đã lật qua chương mới của nghề nghiệp...
Từ chối một lời mời với mức lương cao 17% hơn những gì tôi đang hưởng. Chắc tôi đã điên rồi!
Hồi đầu tuần nay, khi đưa yêu cầu 20% để phản bác đề nghị 9% trong thư mời đầu tiên, một chút gì đó trong tôi thầm mong rằng họ sẽ không thỏa thuận, bởi nếu có thì đây quả là thử thách quá lớn cho lòng trung thành của tôi.
Wednesday, September 24. 2008
CDK Hôm nọ nằm mơ về việc đốt cầu, trong đó nhóm kỹ thuật có anh Cường. Lúc thức dậy tôi thắc mắc--Cường hiện đâu có làm chung công ty với tôi đâu mà lại...Rõ là đầu óc mình lẩm cẩm thật. Nghĩ xong rồi bỏ qua. Sau đó tưởng là chi tiết nhỏ không quan trọng, nên không đề cập trong bài viết kỳ rồi.
Hôm 2 tây vừa rồi, Cường gọi điện hỏi thăm, làm tôi dần hiểu được ý nghĩa của giấc mơ hôm nọ. Bên công ty của anh đang cần tuyển nhân viên.
Hôm qua mới dọ ý cùng một lúc 3 ông sếp (CEO, CFO, và CTO), nói chuyện hơn 2 tiếng đồng hồ.
Hmm...Xem chừng ra nếu đi thì là "đốt cầu", còn ở thì coi như ... tự thiêu.
Wednesday, August 27. 2008
CDK Đang còn điện đàm với khách hàng từ 14h00, đói đến lạnh tay. Nhân lúc nó bận mình nhảy qua đây ghi mấy dòng. Hơi hối hận đã không đi ăn trưa trước khi lao đầu vào cuộc gọi này.
Kỳ thật, mỗi lần đói bụng là hai bàn tay tôi lạnh buốt lên thế này.
Monday, August 25. 2008
CDK Đêm qua mơ ngồ ngộ. Giờ chỉ còn nhớ mơ hồ, nhưng đại ý là, bị ông sếp CTO cũ của tôi gọi cả lũ vào phòng họp lớn, mắng cho một trận, xong thì bảo: "thế đó, tụi bây đứa nào không ưng ý thì có thể tự động nghỉ việc". Rồi thì ông đi ra, trở về văn phòng ông. Còn lại mấy đứa đứng láo nháo, xôn xao. Tôi thì tức quá--mình nai lưng làm bao nhiêu việc vậy, mà hắn lại còn mắng chê--lập tức cuốn gói đi một mạch không ngoảnh mặt, không từ giả.
Giật mình tỉnh giấc, thấy thỉnh thoảng đầu óc mình sao mơ ngu thật. Thứ nhất, tôi quen ông sếp tôi hơn chục năm nay, trong khoảng thời gian ấy, ông đã từng chỉ trích tôi thẳng thừng trước mặt các toán viên khác nhiều lần, nhưng không bao giờ thẳng thừng đến mức độ như trên. Thứ hai, cho dù là có, lời nói ấy hướng về cả nhóm chứ đâu phải cá nhân mình đâu mà mình bức xúc đến vậy? Thứ ba, dù sao đi nữa, phản ứng cái kiểu "đốt cầu" ( burn bridges) như vậy là hạ sách.
Có lẽ đây là phản ảnh phần nào về sự bất mãn của tôi đối với những nỗ lực của chính mình.
Tuesday, July 8. 2008
CDK Tận tâm, tận sức thôi chưa đủ. Đôi khi còn đòi hỏi phải kèm thêm sự hy sinh cá nhân nào đó trước khi được chứng kiến sự thành công mỹ mãn, xán lạn. Đối với tôi trong hơn hai tháng nay, sự "hy sinh" ấy lên đến khoảng $4,800.00.
Friday, March 14. 2008
CDK Công việc đã xong. Đang ngồi ở phi trường Atlanta chờ chuyến bay 20h00 (+02h00) về Toronto.
Thử xài dịch vụ wifi của Boingo, thấy cũng khá nhanh.
Có điện đàm với anh chàng khách hàng mấy ngày trước khi xuống đây, được biết mấy tháng nay bên này bị hạn hán, dân Atlanta đang cầu một cơn mưa. Tôi cười đùa với anh chàng, phàn nàn rằng mấy lần tôi tới Atlanta, lần nào cũng đã bị mắc mưa.
Atlanta hôm nay trời mưa.
Nguồn: AccuWeather.com
Thursday, March 13. 2008
CDK
Đang ngồi tại phòng khách sạn FairField trong College Park, gần phi trường Hartsfield-Jackson. Mới đáp máy bay hồi chiều 15h30, đi ăn tối với ông sếp CEO xong. Ngoài việc đến để "hỗ trợ tinh thần" cho tôi, ông ta còn có mấy cuộc họp với bạn hàng ở vùng này vào chiều nay và ngày mai. Phần tôi giờ đây đang soạn bài vở cho lớp huấn luyện khách hàng vào sáng ngày mai.
Buồn ngủ quá, nhưng phải cố tiếp cho xong.
Mạng wai-phai ở đây chậm như rùa.
Thursday, March 6. 2008
CDK Hình như là mình vẫn chưa dám xúi cho lắm, hoặc nếu có thì cũng là tự xúi mình hơn xúi người khác.
Đã nằm trong Ban Chấp Hành hơn 4 năm. Hôm nay tưởng cũng không muộn lắm để tìm hiểu về những trách nhiệm liên quan đến vai trò này, ngoài việc lãnh lương muộn nhất so với các nhân viên khác, và góp phần gánh vác nợ nần của công ty.
Sunday, September 9. 2007
CDK Guy Kawasaki, tác giả của quyển The Art of the Start, phỏng vấn Scott Berkun, tác giả của The Myths of Innovation, về sự phát minh (innovation).
#1
Hỏi: Phải mất bao nhiêu thời gian trong thế giới hiện thực--so với thế giới của ngành báo chí hồi tố (retroactive journalism)--để có thể đi đến giây phút mạc khải (epiphany moment)?
Đáp: Giây phút mạc khải chỉ là một điểm đầu của tảng đá sáng tạo, và mọi sự mạc khải đều bắt nền từ sự làm việc.
Nếu bạn lấy bất kỳ một điểm kỳ diệu nào, trong lịch sử loài người, về sự khám phá, và lần ngược thời gian, bạn sẽ thấy có nhiều sự quan sát, những nghi vấn, hoặc những mẩu kịch nho nhỏ đã phải xãy ra để cho giây phút mạc khải ấy có thể thành hiện thực.
Tất cả những nhà sáng tạo vĩ đại đã từng biết điều ấy--và thường thì họ đặt nhẹ những vây phút diều-rí-cà (Eureka) ấy hơn người ta hằng tưởng. Nhưng, chúng ta ai lại chẵng thích những câu chuyện ngoạn mục--Bác Niêu-Tông bị quả táo rớt trên đầu mà khám phá ra lực hấp dẫn của Trái Đất, hoặc một người cầm sô-cô-la tình cờ tông vào người cầm bơ đậu phộng nơi hành lang--những mẫu chuyện ấy gây nên sự thú vị hơn khi người ta nghĩ đến nó. Một cuốn phim với tựa đề "hãy xem Einstein chòng mắt vào tấm bảng đen trong vòng 90 phút" dĩ nhiên sẽ không gợi cảm hứng gì mấy cho người xem.
#2
Hỏi: Có phải sự tiến triển về phát minh xãy ra theo một đường ngay thẳng? Ví dụ: từ tran-si-to đến con chíp, đến máy vi tính cá nhân, đến MySpace?
Đáp: Phần đông, loài người chúng ta muốn lịch sử phải giải thích rằng chúng ta đi đến đây bằng cách nào, hơn là muốn nó phải dạy họ cách biến đổi tương lai. Và để phục vụ cho mục đích ấy, lịch sử đại chúng thường được kể bằng những giọng điệu oai hùng, và có lý luận rõ rệt: họ chế ra cái tran-si-to, dẫn đến con chíp, tạo khả năng chế máy vi tính, v.v...Nhưng, dĩ nhiên, nếu bạn hỏi bác William Shockey (tran-si-to) hoặc bác Steve Wozniak (PC), rằng những sáng kiến và sự thành công của họ đã hiển nhiên như thế nào, thì bạn sẽ nghe những mẫu chuyện khá khác biệt về sự rối loạn, ngờ vực, và những cảm giác rằng mọi xác xuất đều đang chống lại họ.
Nếu ta tin rằng, mọi sự việc đều không chắc ăn tí nào đối với những nhà phát minh hiện tại, thì ta phải nhớ rằng sự việc cũng đã không kém sự may rủi cho những người trong quá khứ. Đó cũng là một mục đích lớn cho quyển sách của tôi [Scott Berkum]: dùng những câu chuyện phi thường trong lịch sử phát minh ấy như công cụ dành cho những ai hiện đang đeo đuổi sự phát minh mới.
#3
Hỏi: Các nhà phát minh là do bẩm sinh hay luyện thành?
Đáp: Cả hai. Lấy trường hợp Mô-saát. Vâng, bác ta đã có một tiềm năng sáng tạo tuyệt vời về âm nhạc, nhưng, bác ta cũng đã sinh trưởng ở một quốc gia mà lúc bấy giờ đang là tâm điểm của thế giới âm nhạc, có người cha là giáo viên âm nhạc, và đã bị buộc phải thực tập hàng giờ mỗi ngày ngay cả trước khi bác ta được vào mẫu giáo. Tôi đã nghiên cứu về tiểu sử của nhiều bậc thiên tài, và tôi luôn luôn tìm thấy từ họ, có nhiều yếu tố khác nhau--trong và ngoài vòng tự chủ của bản thân--đã dẫn đến sự thành đạt của họ.
#4
Hỏi: Thử thách lớn nhất có thể đối diện với một nhà phát minh là gì?
Đáp: Nó tùy theo mỗi nhà phát minh, nhưng có một thử thách thường đè bẹp rất nhiều người, là thái độ nhàm chán của thế giới đối với sáng kiến của họ. Tìm được người ủng hộ--dù cho là ủng hộ tinh thần, vật chất, hay chấc xám--cho ý tưởng của mình, là một vấn đề khó, và còn tùy thuộc vào những kỹ năng không ăn nhậu gì với trí tuệ siêu quần hoặc khả năng sáng tạo. Đó là điều dễ làm tê liệt nhiều thiên tài bất toại: họ phải mất khá nhiều thời gian--nhiều hơn khoảng thời gian dành cho việc sáng tạo--để thuyết phục người khác về ý tưởng của họ, và họ không có đủ kỹ năng và tính nhẫn nại cho việc đó.
#6
Hỏi: Tại sao các nhà phát minh hay gặp phải nhiều sự chống đối hoặc sự tiêu cực?
Đáp: Đó là bản tính con người--chúng ta bảo vệ chính mình đối với sự đổi mới. Chúng ta thích nghĩ rằng mình là một người cấp tiến, nhưng mọi cơn sóng sáng tạo trong lịch sử đã phát triển chậm hơn ta được biết: máy điện tín, máy điện thoại, máy vi tính, và mạng In-tờ-nét, đều đã phải trải qua hằng thập niên để phát triển từ những tư tưởng đến những công cụ được người dân thường dùng đến. Nhân loại chúng ta thường cảm thấy bị đe dọa đối với sự đổi mới, và phải tốn một thời gian rất lâu để thuyết phục người ta thay đổi lối cư xử của họ, cũng như thuyết phục họ xa lìa với đồng tiền của họ.
Đọc phần còn lại ở đây...
Thursday, April 26. 2007
ThanhHai Mấy tháng trước lượm cái máy củ mèm (P4, 1GHz, 256MB) của công ty tha về, để không chẳng làm gì. Nay mới tăng cường cho nó cái ổ đĩa 200GB. Khi rãnh mình thử tải Ubuntu Desktop về cài thử với MonoDevelop, bắt đầu nghiên cứu chút lập trình .NET trên Mono xem sao.
Đã cài thử máy ảo Open SUSE 10.2, dùng VMWare Player, nhưng chậm không thể tưởng tượng. VNC hoặc RDP vào từ công ty thì tốc độ lại càng tồi tệ hơn.
Saturday, April 21. 2007
ThanhHai Cài máy ảo Open SUSE 10.2/Mono vào máy mới lượm, bắt đầu tọc mạch lập trình .NET trên hệ Linux.
Monday, March 26. 2007
CDK Bài viết về việc chỉ trích đồng nghiệp vừa rồi hình như có liên hệ đến bài này...
Nói đến "khiêm tốn" thì thiết nghĩ chắc bản thân tôi không thiếu. Nhưng, như mọi thứ, "khiêm tốn" cũng phải tùy theo thời điểm và trường hợp. Nhiều lúc cái "khiêm tốn" của tôi nó đem lại điều hại cho tôi, khi bị chỉ trích (trong nghề nghiệp) điều đầu tiên tôi làm là nhượng bộ (vì người kia thật sự giỏi hơn và già dặn hơn tôi nhiều--ông ta là bật thầy của tôi), nhận lỗi ở nơi mình, đứng sang một bên để người khác lèo lái vấn đề. Kinh nghiệm cho thấy, hậu quả lại càng tai hại hơn, vì mặc dù người kia giỏi hơn và nhiều kinh nghiệm hơn tôi, ông ta không có nhiều kinh nghiệm trong phạm vi chuyên chế của tôi, cho nên nhận định của ông ta chỉ nằm trong phương diện khách quan. Tôi sai ở chỗ không sớm nhận ra điểm này.
Hìhì....Hôm nay, phiên họp về cấu trúc và bước thiết kế tiếp theo của sản phẩm, lại một lần chạm trán nhau, nhưng kết cuộc thì lại khác, đủ chứng tỏ một điều: nếu ta tha thiết với một cái gì đó thì phải quyết tâm bênh vực nó tới cùng. Kết quả tiếp đến, đôi khi sẽ tạo sự ngạc nhiên thú vị cho chính bản thân ta.
Đôi khi, tôi tự nghĩ, tôi bây giờ có bằng ông hồi 10 năm về trước không nhỉ.
Bây giờ tuy tôi vẫn phục ông, ông ta vẫn giỏi hơn tôi, nhưng 10 năm kinh nghiệm trong nghề nghiệp cũng đủ khiến tôi có chút nhận xét, rằng những giải pháp của mình cũng có giá trị đôi chút chứ không phải tệ, cứ việc thẳng thắn mà đấu lý, không ngần ngại...
Điều duy nhất đáng e ngại ở lối tư duy như thế này, sợ ở hậu quả, mình sẽ biến thành những gì mình hết sức tránh né: một tên cố chấp, ngang ngược, và ba hoa, cao ngạo quá đáng.
|
Recent Comments