Chiều hôm qua nó gọi điện (nó làm ở nhà tôi suốt ngày, nhưng khi tôi đi làm về thì nó đã về rồi) chỉ cho tôi cách dùng. Tối đến tôi hào hứng, chà tới 1h sáng, chỉ mới xong cái trần nhà của phòng ngủ. Bụi bay đầy đầu. Món này dùng nhàn hơn, nhưng chậm hơn chà bằng tay. Tôi có chút cảm giác rằng tam đệ nó mua cho tôi cái này vì nó nghĩ tôi chà bằng tay chắc...không kham.
Tuần vừa rồi tôi đi làm trở lại, giao tầng hầm cho tam đệ tôi hôm nào rãnh thì nó xuống làm. Còn tôi, tuần rồi vừa mua thêm cuốn sách Home Improvement 1-2-3 của Home Depot, tối đi làm về lọ mọ được tí nào hay tí đó. Mục tiêu của tuần rồi là trét bột để lắp các dấu đinh và các kẻ hở giữa các tấm ván, và chà giấy nhám. Đây là giai đoạn công phu (mất thời gian) nhất, và xem mức tiến triển của tuần này, có lẽ phải hết tuần thứ 3 mới xong. Phải trét đến 3 lớp bột: lớp đầu rộng 6'', lớp hai rộng 6'', và lớp sau cùng 12''. Sau mỗi lớp bột, phải để qua đêm cho bột khô, rồi hôm sau trét thêm lớp kế tiếp. Sau khi lớp thứ 3 đã khô, thì dùng lưới nhám chà cho nhẵn những chỗ không bằng phẳng.
Qua nay tôi chờ tam đệ tôi xuống để nó chỉ chà giấy nhám, nhưng không thấy nó xuống. Trưa đi cắt tóc về xong, tôi đánh liều, coi sách rồi làm bừa. Bắt đầu 16h00 làm tới gần 20h00. Ôi, chà mỏi cả tay, bụi bột dính đầy đầu, mồ hôi ra như tắm. Oải! Thêm vào đó, ngày mai tam đệ tôi nó xuống, có xác suất khá cao là nó sẽ bắt tôi làm lại từ đầu.
Trong buổi lễ an táng cho Thượng Nghị Sĩ Edward Kennedy, bài diễn văn của TNS Patrick Kennedy,con trai ông, làm tôi chú ý nhất:
Thêm một chứng nhân cho câu hỏi vì sao Chúa Cha cho phép sự đau khổ xãy ra trên thế gian: để loài người chiến thắng sự đau khổ như Chúa Con đã làm, với sự động viên của Chúa Thánh Thần, và từ đó trở nên thánh thiện giống như Chúa.
Không đùa (Biết qua @timbray): Theo cuộc thăm dò của Westin Hotels, khi được hỏi "muốn chọn XXX hay Zzz", đa số người Canada chọn XXX. Từ đó chỉ có thể kết luận: người Canada đang thiếu chất XXX một cách trầm trọng.
Đọc mấy lời bình thấy cực tếu. Ví dụ:
When you live in Canadia, as I do, and you have six months of darkness and terrible cold, plus all the igloo-living and seal-liver you can handle, of course you want to have great sex as soon as you hit clean sheets, fluffy towels and a real bathtub. Plus, have you ever had sex with frozen condoms? So, nothing at all peculiar that us Canuckers, when placed in a hotel room, would go for the horizontal rhumba over the Zzzzs.
Phản ảnh ấn tượng sai lệch của thế giới (hay chỉ là của người Mỹ?), rằng người Canada sống 6 tháng thiếu ánh nắng mặt trời, và ở trong lều tuyết như người thổ dân Eskimo.
Công nhận hai thằng em tôi nó làm nhanh. Nhị đệ tôi nó đã định về hôm tối Thứ Bảy, nhưng sau cùng quyết định nán lại thêm một ngày để đóng cho xong vách tường. Kết cuộc đóng hết ván drywall nhưng vẫn chưa hết tường, đành ngưng sớm hôm chiều Chúa Nhật, tắm rửa, ra ngoài ăn tối xong thì bọn nó về.
Tội nghiệp hai đứa cháu tôi: J & K. Tối Thứ Tư, Ba nó gọi điện về nhà, cu J (thằng anh) mếu máo bảo nhớ cha. Dám chắc trong đời, cha nó chưa từng xa nó lâu như vậy. Làm tối Thứ Năm cha nó nóng ruột, bèn xách xe chạy về Guelph, và sáng hôm sau đèo cả đám xuống, cho bọn nó đi CNE chơi (nghe đâu ngày đầu mở cửa, khuyến mãi giá $1/người) trong lúc ba nó tiếp tục làm nhà cho bác hai.
Trở lại cái hầm của nhà tôi. Tóm tắt tuần đầu:
Ngày 1-5: đóng sườn, và lót giấy dầu. Dùng cây tuyết tùng (cedar), 2x2, 2x4, và 4x4.
Ngày 3: chạy dây điện.
Ngày 5: lắp mớ vật liệu chống lạnh (insulation). Dùng R14 Flexibatt cho vách bìa (for exterrior walls), bới nó cách nhiệt hữu hiệu hơn. Lần đầu tôi mua nhầm loại cho "interrior walls", nhị đệ tôi bảo không đúng loại, đành phải đem đổi.
Ngày 5: bọc giấy ny-lông chống ẩm (moisture barrier) phía ngoài lớp vật liệu chống lạnh.
Ngày 5-7: Đóng vách drywall
Mấy bước lớn tiếp theo, đa số sẽ do tam đệ tôi chưởng quản:
Chiều hôm Thứ Năm, có ít nhất 2 cơn lốc (tornado) đã đi qua hai thành phố phụ cận Toronto. Cơn thứ nhất chấm xuống vùng Durham. Lúc cơn thứ hai chấm xuống Vaughan, nơi tam đệ tôi cư ngụ, tôi đang lái xe trên đường Dundas, gần Keele, cách khoảng 14km từ trung điểm của cơn lốc. Tôi cảm giác như cơn bão đang tới bên xe tôi: mưa gió ào ào, văng vẵng tiếng sấm sét. May là khu vực nhà của tam đệ chỉ bị cúp điện mấy tiếng đồng hồ thôi, không thiệt hại gì. Nghe nói có hơn 200 gia đình bị mất nhà.
Ở đây hai mươi mấy năm, lần đầu tiên tôi nghe tin cơn bão lốc đến vùng Toronto gây thiệt hại to tát đến thế.
Gần đây nghe nói về bão táp hơi bị nhiều. Mới tuần trước nghe đài CBC Radio 1 quảng cáo phim Act of God (Thiên Tai tôi tạm dịch là Thiên Lôi) được trình chiếu trong lễ hội phim ảnh TIFF. Chắc phải tìm xem cho biết.
Tuần này tôi lấy một tuần nghỉ phép để ở nhà làm cái basement. Nói "làm" cho hoành tráng chứ thật ra công tác thợ do hai thằng em tôi đảm nhiệm, còn tôi chủ yếu làm "thợ vịn". Nhị đệ của tôi nó cũng nghỉ phép tuần này, nên nó lên làm dùm tôi.
Hôm thứ hai lột hết đồ, máy móc, đem ra kho sau, đêm lên tầng 1 và tầng 2 để tạm. Cho nên máy chủ blog động thổ, bị off-line suốt ngày.
Tam đệ của tôi nó vừa mở công ty tu sửa nhà cửa--T&P Railings Limited--nên có đủ đồ nghề. Tôi thích món đồ chơi này: cây Remington 479, bắn bằng đạn dượt, dùng để bắn đinh qua thềm xi-măng.
Súng này bắn kêu cái "chát" y như súng thật, điếc con rái. Hôm qua tôi xài thử, chưa quen, bóp cò tay phải nhưng dùng bàn tay trái vịn phía sau súng cho vững, bắn bị dội, trúng đốt ngón trỏ tay trái làm sưng một cục.
Đã chụp hình "lưu niệm" để theo dõi mức tiến triển từng ngày, nhưng chắc sẽ dành cho một bài viết khác chi tiết hơn. Nhị đệ tôi nó vừa dậy, nên tôi phải xuống làm thợ vịn tiếp.
Trưa nay tôi đã đặt mua quyển sách Complete Idiots Guide To Finishing Your Basement để "ngâm cứu". Tuy biết rằng đọc được là một chuyện, còn làm được lại là một chuyện khác. Nhưng, sau hơn 7 năm lơ là việc nhà cửa (tôi mua căn nhà này hồi năm 2002 nhưng tới nay cái tầng hầm vẫn chưa hoàn tất) đã đến lúc nên thử thời vận. Phen này không còn an phận với bản tánh "cái gì cũng không biết làm" nữa.
Đang tìm cách giải tỏa cái đống đồ dưới basement để trống chỗ mà hành sự. Trưa hôm qua tôi có gọi điện hỏi thử một nơi cho mướn chỗ để đồ (self storage), được biết giá $78/tháng cho một phòng chứa 5'x6' (30 sq.ft). Cũng không đến nỗi đắt. Nhưng tôi nghĩ chắc tôi phải cần một phòng 5'x10' hoặc 8'x10' (80 sq.ft).
Tôi đang đi trên đường Howard Park, chuẩn bị cua phải để nhập vào Dundas West. Trước mặt tôi là đèn đỏ. Tôi thấy chiếc xe phía trước ngừng lại, rồi từ từ tiến vào ngã tư. Đến lượt tôi. Tôi tiến tới lằn trắng của người đi bộ, rồi tôi ngừng, chờ đèn đỏ chuyển sang đèn xanh rồi mới đi. Lần nào đi tới ngã tư này tôi cũng làm vậy. Có lần, anh chàng phía sau tôi bực tức bóp còi, rồi rẽ sang "lane" trái để qua mặt tôi, khi chạy ngang không quên loé cho tôi một cái nhìn toé lửa. Lần khác, một anh khác vừa qua mặt tôi, vừa liếc nhìn, mỉm cười như thể nói: mầy khùng hả mầy?
Ừ, có thể là tôi khùng. Có nhiều chuyện, tôi nhất định không hùa theo đám đông.
Hôm kia 05/08/2009, vừa nghe về tác giả Corinne Maier trên chương trình Q. Cô này chủ trương: không có con sẽ giúp ích hơn cho nhân loại.
Mấy bác phân tích gia về tâm lý này rõ là kỳ quặc.
Tôi thấy câu tóm tắt của bác David Eddie, về sự ảnh hưởng của con cái đ/v bậc làm cha mẹ, thật là tuyệt:
Kids disassemble your personality, like a mechanic disassemble your car, but then they leave all the pieces on the floor, and you have to put yourself back together again. But then what you do, is that you leave out all the extraneous bits and all those frills and furbelows, and you create a very practical A-to-B device like a Jeep or a Dune Buggy, you know, and leave all the other parts on the floor.
Tức là: con cái giúp ta trở thành một con người hoàn thiện hơn.
Tôi nghĩ nhiều bậc cha mẹ không biết "put [themselves] together again", và họ trút hết mọi lỗi lầm trên đầu con cái của họ.
Thêm điểm nữa của bác Eddie mà tôi thấy cũng rất có lý: nhiều người--có thể Corinne Maier là một trong số đó--khi dấn thân vào đường làm cha mẹ, đã hy sinh cho con cái quá khả năng của họ, và sau đó đi đến hậu quả như cô Maier đã kết luận.
Chiều đến, rảo ra Yonge-Dundas Square để xem lễ hội của người Thổ Nhĩ Kỳ. Chán. Đảo sang viếng nhà thờ lớn Thánh Michael do TGM Thomas Collins cai quản:
Bên trong có tấm tranh miêu tả cảnh Thánh Mi-caê (Michael), với chức vụ tổng lãnh Thiên Binh, chiến thắng quỷ Sa-tăng, khi thần Lưu Ly này náo loạn Thiên Cung:
Wasaga Beach là một khu du lịch nổi tiếng nằm khoảng 100km về phía bắc Toronto. Nó nằm ở chót phía nam của vịnh Georgia, thuộc hồ Huron (một trong ngũ đại hồ của Bắc Mỹ), chia làm 6 khu (Area 1 tới Area 6). Khu số 1 là bãi chính, có các quầy bán thức ăn và vật lưu niệm bên lề đường. Còn khu 2 tới 6 chỉ là những bãi picnic và tắm biển. Mỗi khu có bãi đậu xe chính, với giá $18/ngày. Nếu khách quan lanh trí một tí, ở ven các con đường vào các khu, có các doanh nhân địa phương mở bãi đậu xe của nhà họ để khoản đãi du khách với giá là $5/ngày. Chỗ tôi ghé vào, là bãi đậu của nhà trọ Beach 2 Motel, số 281 đường Mosley. Băng ngang qua đường là đến bãi tắm. Đi bộ về phía tay phải một tí là đến Khu Vực Số 1.
Gần đây tôi được chứng kiến cái bệnh này hơi bị nhiều. Tức là: A nói chuyện với B rồi nói xấu C. Nhận thấy liều thuốc của bác Tim O'Reilly đề ra năm nào có thể áp dụng được, nên tôi đã đút kết lại sau đây để làm bài học cho chính bản thân mình.
Những gì mắt thấy, tai nghe, chưa hẳn giúp cho mình hiểu được trọn vấn đề. Ở đây xin nêu lên ví dụ của Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, năm 1968 đã "bị" nhiếp ảnh gia Eddie Adams chụp tấm ảnh của ông ta chính tay xử bắn một Đại Úy chỉ huy nhóm đặc công của Việt Cộng, Nguyễn Văn Lém (Bảy Lốp), giữa công chúng lúc ban ngày. Lối tử hình theo luật rừng này đã làm tàn đời tướng Loan, và càng khiến chế độ VNCH bị thêm mất lòng dân. Người ta xem tấm ảnh thì cho rằng tướng Loan dã man, tàn bạo. Chuyện người ta không biết khi nhìn tấm hình ấy là đêm trước đó Bảy Lốp đã cho giết toàn bộ gia đình người bạn thân của ông Loan.
Nếu không có điều gì tốt lành để nói thì tốt hơn là đừng nói. Điều này các bậc cha mẹ người Tây phương hay dạy con cái họ lúc còn thơ. Thật sự phải nên sửa thành: nếu không có điều gì tốt lành để nghĩ suy, thì tốt hơn hết là đừng suy nghĩ viễn vong. Bởi nghĩ ra tức là đã nói lên.
Để thử coi cái nào là nên nói và cái nào không nên nói: Những gì mình nói với B về C, nếu không muốn C biết thì tốt nhất đừng nói ra, bởi sớm muộn gì nó cũng sẽ tới tai C. A hãy thử hình dung cảm giác của C nếu trực tiếp nghe những lời ấy từ chính miệng mình.
Và sau cùng: Lời nói sắt bén hơn gươm đao. Nên cẩn trọng từng câu chữ, kẻo những lời vô tâm của mình gây tổn thương đến thanh danh của người mình đang nói (dù cho họ có nghe được hay không nghe được), thì thật là tội nghiệp. Đây là lúc cần áp dụng lòng trắc ẩn (compassion), mà hình như bên đạo Phật gọi là "lòng từ bi". Nếu quả thật người ta tệ như mình nghĩ, thì thay vì khinh khi, miệt thị, chê bai, thật là hữu ích và phúc đức vô cùng nếu mình thành tâm chỉ giúp cho họ trở nên tốt hơn. Đối với người dưng cũng như đối với người thân.
Tôi nhìn C nằm khóc sướt mướt, mà lòng đau như cắt, nhưng không nói được lời nào để an ủi bạn tôi. An ủi được gì khi chính tôi là căn nguyên của niềm đau ấy. Tôi biết C bị chấn thương khó có thể hàn gắn. Tôi trách A đã buông lời vô tâm. Tôi trách C đã không đủ tự tin để chế ngự lời thị phi. Nhưng trên hết, tôi trách tôi đã không làm được tường đồng, vách sắt, để ngăn cản những lời thị phi ấy khỏi đến tai C.
Cuối tuần vừa rồi nhà tôi làm tụ điểm để mừng sinh nhật cho nhị đệ tôi: chiều Thứ Bảy nó đến, nấu thức ăn và nhậu ở nhà. Phụ thân tôi cũng có mặt. Sẵn dịp gọi về VN hỏi thăm Thất Thúc, rồi nhăm nhi tới 2h sáng. Sáng Chúa Nhật dẫn nhau đi ăn điểm tâm (dim sum). Sau đó nó và phụ thân tôi cùng thu dọn lại đống đồ của mẫu thân tôi dọn xuống mấy tuần trước, chuẩn bị thêm chỗ cho bà dọn thêm đồ từ tiệm về, trong khi tôi phải bỏ mặc mọi người để rút vào phòng làm việc gần cả ngày để hoàn tất dự án. Hy vọng hai anh em chúng tôi đủ thân tình để nó coi nhà tôi như nhà nó, và không trách tôi lơ là.
Đến sáng/trưa Thứ Hai tụi nó mới về. Tuần này nhị đệ tôi nghỉ phép nên không vội về gấp hôm Chúa Nhật như mọi lần trước.
Hiện giờ tầng hầm và nhà xe của tôi chấc đầy đồ. Xe tôi phải đậu ở phía ngoài, bên cạnh nhà xe. Mẹ tôi, đồ gì bà cũng lấy theo, không chịu vứt bỏ món nhặt nào cả--hình như tánh người già là vậy. Thoạt đầu tôi từng có suy nghĩ: nhà tôi có tí tẹo mà lại chấc hết vào, còn nhà hai thằng nhóc kia thì sao? Nhưng rồi tôi tỉnh táo hơn: sanh nạnh như thế với em út là sai ở nhiều chỗ. Đây là cơ hội cho tôi. Còn hai đứa kia thì ... hồn ai nấy giữ.
Sáng hôm nay, thấy phụ thân tôi i-meo cảnh báo: vật dụng bà tạm gởi, cần giữ nguyên, đừng vứt bỏ món nào. Hmm...
Mấy tuần nay dự án WHBOE ở công ty vào giai đoạn cuối, công việc hơi chăm. Tối Thứ Hai thức suốt đêm để làm việc. Tôi không khẳng định, nhưng hình như chiều hôm sau đó trên đường lái xe về nhà (sau 36h không ngủ), tôi ngủ gục sau tay lái trong vòng 1-2 giây. Khiếp vía! Về tới nhà, ăn tối xong là tôi leo lên giường khò ngay. Bà project manager bên công ty bạn tuyên bố sẽ ngủ lại tại trường cho tới khi xong việc, nhưng tôi biết sức tôi có hạn, ngủ một giấc cái đã. Sáng 5h thức dậy, đầu óc bớt đần một tí nên đã giải quyết xong nan đề nhanh chóng, tới 9h thì xong việc. Hú hồn. Nhưng vẫn chưa xong hết đâu--phải còn mất vài ngày nữa để thu dọn bãi chiến trường.
Tôi vừa đọc qua đoạn bác Cẩn viết về vụ đảo chính 1963, ám sát Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Thì ra Tướng Dương văn Minh là chủ mưu. Bác Cẩn viết:
Một chế độ Cộng hòa biểu tượng cho chính nghĩa quy tụ hàng triệu thanh niên miền Nam xả thân cho đất nước bị một thiểu số tướng lãnh dày xéo. Thiểu số tướng lãnh bất tài và tham quyền cố vị này thanh trừng lẫn nhau, nay đảo chánh, mai chỉnh lý, dùng quân đội của nhân dân để thỏa mãn tham vọng ích kỷ của mình, đưa đất nước vào một chuỗi dài bốn năm tao loạn, mãi đến năm 1967 mới tái lập chế độ Cộng hòa.
[tr.140]
Đứng đầu thiểu số tướng lãnh này là Dương văn Minh, bên cạnh là tướng Trần văn Đôn và Tôn Thất Đính. Ông Minh đã bị Mỹ lợi dụng để triệt hạ TT Diệm vì ông Diệm phản đối Mỹ đổ quân vào VN, và đã bị Việt Cộng lợi dụng, xúi dục phá bỏ Ấp Chiến Lược, vốn là chướng ngại rất lớn đối với họ.
Ông Diệm và Ông Nhu có lỗi lầm của họ, nhưng dường như thời kỳ Đệ Nhất Cộng Hòa (1954-1963) là lúc hưng thịnh nhất của thể chế VNCH. Sau biến cố 1963, dường như tất cả đều theo đà trượt dốc.
Người ta sống trong tự do dân chủ mà chưa hiểu nhiều về "dân chủ". Ở đầu chương bảy, thấy bác Cẩn viết rất hay:
Tự do dân chủ là một chuỗi dài học tập, tự chế của toàn dân, tôn trọng nền móng pháp trị để tự do của mình không xúc phạm tự do của kẻ khác, để cho ai nấy đều được hưởng tự do. Dân chủ là một trạng thái tinh thần đòi hỏi những cố gắng của các thế hệ không ngừng bồi đắp lòng tự trọng và tôn trọng người khác, dần dà thành thói quen của nếp sống, để rồi với thời gian kết thành truyền thống dân chủ chi phối đời sống quốc qua.
[tr.158]
Đêm Thứ Sáu tôi lại nằm mộng quên đi thi: thi mãn khoá (tốt nghiệp đại học), môn toán thống kê hay là toán tích phân (calculus) gì đó--bây giờ không còn nhớ rõ--thi lúc 9h00 sáng nhưng tới khoảng 14h00 chiều mới nhớ là hôm nay thi.
Tiềm thức đang muốn báo cho tôi điều gì nhỉ. Gần đây công việc trong công ty có phần căng thẳng. Dự án WHBOE đi đến lúc gay go, thiếu nhân lực, nhân viên bộ hạ làm không vừa ý, bản thân mình làm việc quá sức ...
Không có thời gian để sưu tầm cặn kẽ. Ghi lại đây để sau này có đủ dữ kiện sẽ kiểm chứng.
Recent Comments