Mấy năm trước thay dễ ghê, nhất là bóng trên trái. Sao lần này mở cái vành chặn bóng đèn (retaining ring) sao khó dữ. Để sáng nay thử lại một lần xem sao.
--- Cập nhật 09:42:
1/2 không đến nỗi tệ.
Phải mở ngàm của bình nước rửa kiếng, đẫy qua một bên cho trống chỗ. Xong, tháo dây điện bóng đèn ra trước. Rồi dùng cái thằng này (1):
để bẩy cái thằng này (2) sang bên trái:
Đã thay cả bóng đèn chạy đêm và đèn pha. Nhưng đèn pha thay xong lại vẫn không cháy. Có thể là: 1) bóng mới dỏm, 2) mạch điện dơ, 3) đứt dây điện. Chắc phải chờ dịp nhị đệ tôi xuống chơi, nhờ nó coi dùm.
Hết chứng cảm đã hai tuần, nhưng vẫn còn ho khan. Người cảm thấy vẫn bình thường, không sổ mũi, không nghẹt mũi, không đau cổ họng, nhưng lại cứ mắc ho như thể bị nhột cuống phổi. Thi thoảng, hỉ mũi thấy có máu. Hình như tôi đang bị nội thương.
Tối nay về sẽ làm thử ly trà gừng mật ong uống xem sao.
Mấy hôm nay liên lạc qua i-meo, lại đụng chạm với mẫu thân. Khổ! Lần này có lẽ tôi lại "bị đòn" nặng. Bà viết: "Thật đáng buồn cho mình, thì ra trong đầu nó vẫn còn ác cảm với người mà nó gọi ngoài miệng là Mẹ, nhưng trong thâm tâm thì khác."
Nhớ mấy năm trước bà cũng đã nói về tôi: "Con cái chữi Cha mắng Mẹ thì thế nào cũng sẽ bị Trời đánh." Mà tôi đã có "chữi/mắng" bà hồi nào đâu.
Lần rồi tôi bị "tù treo" 1 năm. Phen này không biết lại sẽ bị treo bao lâu đây.
Mấy anh em nhà tôi ít khi dám đá động đến mẫu thân, vì sợ gây chạm tự ái sẽ làm bà cả giận lên. Quả là người ta đã từng bảo "im lặng là vàng", nhưng phải là im lặng khi không cần phải nói, và can đảm nói khi không nên giữ im lặng, dù cho lời nói ấy sẽ đem đến sự phiền hà cho bản thân. Dẫu biết ở chữ "nhịn", nhưng ít ra phải nói lên một lần rồi mới nhịn, bởi tôi cứ e không nói lại có hại hơn là nói.
Suy đoán làm chi những điều không thật, chỉ hại cho sức khỏe mình thôi chứ ích lợi gì ai đâu. Nếu phải nghĩ những gì không thật, thì tốt hơn nên nghĩ tốt cho người ta, không nghĩ xấu cho người ta. Tiếc rằng giữa mẫu thân tôi và tôi vẫn chưa có được khoảng cách đủ gần để khi tôi nói lên những lời này, thì Mẹ tôi sẽ nghĩ rằng tôi nói vì thương Mẹ chứ không phải là do có "ác cảm" với Mẹ.
Đã hết cảm nhưng mấy hôm nay còn ho xù xụ.
Hai ngày vừa qua phụ thân tôi xuống phụ ráp dùm hai cái cửa lưới (screen doors) trước sau, mua từ Home Depot, hai cái tổng cộng khoảng $310. Chúa Nhật ráp cửa sau, do chưa có kinh nghiệm nên mất nhiều thời gian và cửa đóng hơi bị kẹt. Thứ Hai ông không có đi làm, chiều tôi về sớm, ráp cửa trước, mất khoảng 2 tiếng đồng hồ, gọn gàng, không bị kẹt.
Nhân dịp này, có cơ hội ngồi ăn mấy bữa cơm giản dị với phụ thân, tôi chợt nhận thức lần đầu: Ba tôi đã già. Đầu tóc bạc xơ. Ánh mắt sáng quắc của thuở nào, nay có phần mệt mỏi.
Tuần thư 6: các ngón tay và ngón chân được thành hình
Trong tuần thứ 6 đến 11: kích thước của thai nhi sẽ tăng trưởng gấp 5 lần
Tới tuần 11, trẻ bắt đầu biết cười và mếu, biết ngọ nguậy ngón tay và ngón chân, biết bú tay, biết lựa chọn thích tay trái hay tay phải.
Thai nhi chuyển động trong bụng mẹ ít nhất là 50 lần mỗi giờ đồng hồ
Tuần 13: tai bắt đầu biết tiếp nhận các rung động của âm thanh. Thai nhi biết cảm thấy an ủi bởi âm thanh liên tục từ nhịp đập tim của mẹ. Siêu âm cho thấy có dấu hiệu ngủ mơ R.E.M.
Sau 6 tháng, tất cả các bộ phận cơ thể đều đã được hình thành và hoạt động như một thai nhi đã trưởng thành.
Thánh Kinh dạy chúng ta rằng: Thiên Chúa là đấng tác tạo nên sự sống. "Trước khi Ta nắn hình nên ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi được sinh ra, Ta đã thánh hóa ngươi." (Jeremiah 1:5)
Thiên Chúa đã đặt kế hoạch cho mọi sinh mạng. "Khi tôi mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy; mọi ngày trong đời được dành sẵn cho tôi đều thấy ghi trong sổ sách Ngài, trước khi ngày đầu của đời tôi khởi sự." (Thánh Vịnh 139:16)
Con cái là sự ân huệ từ Thiên Chúa. "Này con cái là hồng ân của Chúa, con mình sinh hạ là phần thưởng Chúa ban." (Thánh Vịnh 127:3)
Đêm nay thức khuya để hoàn thành dự án để ông sếp ngày mai đê-mồ cho khách--một bộ giáo dục bên Connecticut. Cái tiểu ứng dụng web (ASP.NET) này, tôi xây dựng trên cơ sở patterns & practices Web Client Software Factory. Bắt đầu nghi ngờ ở cái gọi là "patterns & practices" của bác M$. Đầy dẫy những sự rườm rà ở các tầng lớp (presentation layer, data layer, và business layer). Chỉ thêm có một mục dữ kiện thôi mà phải đổi mã ở ba, bốn nơi.
Đang đói bụng, tạm ngưng, làm một tô mì Kim Chi lót dạ cái đã.
--- Cập nhật 17:06:
Đe-mồ khá thành công. Giờ chạy về nhà ngủ bù đây.
Sáng Thứ Sáu, cảm thấy không được khỏe. Gửi email vào công ty, báo bệnh, sẽ không vào sở làm. Dần đến trưa, chiều, thì triệu chứng càng nặng hơn. Cảm giác lạnh run. Tối đến, nằm run giật theo từng cơn lạnh nó ào đến trong cơ thể. Uống Tylenol. Đắp nước lạnh cầm chừng.
Sáng Thứ Bảy dậy, thấy không còn lạnh như đêm qua. Gọi điện cho văn phòng bác sĩ gia đình, được bác ta cho số của bộ Công Y thành phố để họ chẩn đoán qua điện thoại xem có phải bị H1N1 không. Đường dây nóng đang bận, cô thư ký bảo khoảng 45' sau sẽ có cô y tá gọi lại. Quả là 45' sau, cô y tá gọi đến. Chẩn đoán một hồi thì phán cho một câu: chỉ cảm cúm thường.
Sáng Chúa Nhật dậy, tắt tiếng. Nói không nổi. Ráng bò ra khỏi giường, súc miệng bằng nước muối, thấy đỡ, nhưng sinh hoạt tới chiều thì đừ người ra.
Sáng Thứ Hai, đỡ hơn nhiều, nhưng vẫn còn oải. Chiều đến chạy lên đưa thư cho phụ thân--nghe nói mấy ngày nay ông cũng sụt sịt--tối chạy xuống đường Queen ăn chầu Chả Cá Lã Vọng, vẫn thấy ngon miệng như xưa. Chạy về nhà, ngang công viên nhỏ ở trong xóm, thấy chòm xóm tụ nhau đốt pháo bông, bèn tấp xe lại xem ké một hồi.
Tháng Bảy tới chắc sẽ ra công viên Ashbridge's Bay (Bãi Hồ ở phía đông Toronto) xem pháo bông ngày quốc khánh Canada. Nghe nói đấy là địa điểm lý tưởng nhất để xem pháo bông.
Đã tự hứa lâu rồi, hôm qua mới có dịp "mã số hóa" (digitize) cái băng cassette sinh hoạt Trại Về Nguồn hồi năm 1986 tại công viên Akasaka-yama thuộc tỉnh bang Niigata (ở đây có đoạn viđiô về công viên này), đã nghe lại, và rùng mình đẩy lên mới sáng nay--rùng mình vì nhớ lại lúc nhỏ tôi "quậy" thật.
Những gì của cộng đồng, nay trả lại cho cộng đồng.
Đợt đi trại này phụ thân tôi không có đi, nên tôi đã đem theo máy ghi âm bỏ trong túi để thâu lại từng chi tiết để đem về cho ông nghe. Tôi còn nhớ, do Ba tôi không đi nên khi bước lên xe buýt tôi buồn hiu, nhưng 5 phút sau, khi đã hòa vào cuộc vui "văn nghệ bỏ túi" ở trên xe, thì đã bỏ quên cái buồn đâu mất tiêu.
Đây là sơ lượt vài thời điểm của đoạn ghi âm:
00:05:42: "Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay, tay kia cầm sợi dây, để bắt con cầy" là giọng của "yours truly".
00:14:20: "Đi xích qua bên bểnh. Người ta đi ngay hàng người ta đây [mà] khi không xích ra sao được!". Giọng tôi "cãi lộn" với Nga. Đợt đi trại này là lần đầu tiên chúng tôi quen nhau.
00:20:30: "Thấy hông, con nói con đem theo miếng trải rồi mà Ba không cho [đem]." Lại là giọng nhí nhảnh của cô bạn tên Nga của tôi.
00:45:10: "Dozo, yoroshiku onegaishimasu."
00:45:45: Bé Đinh Nguyễn Tường Vi hát bài "Kìa con bướm vàng"
00:47:00: Kịch bản Sơn Tinh Thủy Tinh
00:53:15: "Kết thân, kết thân! Mấy người? Năm người. Woh...ba người..."
Đã quá trễ giờ.
Em bước ra cửa, nhưng rồi lại muốn quay vô, như thể vừa nhớ lên điều gì.
Anh quát lên, giọng trầm, nhưng gằn rõ từng câu chữ: "Thôi đi ra mau!"
Em cuối đầu, vâng lời bước nhanh qua ngưỡng cửa.
Anh biết ngay lập tức...
Anh đã lỡ lời.
Anh xin lỗi em yêu.
Chiều Chúa Nhật vừa qua, cộng đồng Ta Miêu (Tamil) đã tràn ra xa lộ Gardiner biểu tình đòi chính phủ Canada can thiệp, bênh vực cho đồng bào của họ bên Sri Lanka, nghe nói đang bị chính quyền đàn áp. Dưới chân buổi tối lễ Hiền Mẫu, cuộc biểu tình làm tắt nghẽn xa lộ huyết mạch của thành phố, khiến nhiều người bị kẹt xe hơn 4 tiếng đồng hồ.
Đọc qua ý kiến của độc giả, nhận thấy với việc làm phạm pháp này, thay vì giúp ích, hình như nhóm biểu tình này đã làm tổn hại đến chính nghĩa của họ.
Thử tưởng tượng nếu cộng đồng người Việt ở đây tổ chức một cuộc mạo hiểm tương tự để đòi chính phủ Canada can thiệp, đòi Hà Nội trả tự do cho những tù nhân lương tâm như Linh Mục Nguyễn văn Lý và Hòa Thượng Thích Quảng Độ, thử hỏi người Canada sẽ có cái nhìn như thế nào về cộng đồng người Việt nhỉ.
Chỉ trên trực giác thôi, có cái gì đó không hợp tình hợp lý cho lắm (nếu không muốn nói là ích kỷ), khi ta bắt buộc người khác phải chịu phiền phức để thỏa mãn nhu cầu của chính ta, dù cho trong thâm tâm ta, tầm vóc của sự phiền phức ấy thật nhỏ nhoi so với nan đề ta đang trải nghiệm. Nếu họ có chịu phiền, thì phải là do tự ý của họ, không phải do họ bị bắt buộc.
Mặt khác, đôi khi chúng ta lại cảm thấy bị bắt buộc phải làm việc gì đó, không phải do ai khác, mà do chính lương tâm ta buộc ta.
Sáng hôm qua gọi điện về thăm mẫu thân. Bà đã lên Sài Gòn hôm 30/4, nhưng mà đang đi thăm người thân ở ngoại ô, không có quán Internet nên không lên mạng chít chát, không "check mail" được. Hồi ở Cần Thơ cứ mãi than trời nóng, không đi đâu được. Nay nghe nói lên đây mát hơn nhiều. Mới đi Suối Tiên chơi, mà lại nấu cơm nếp, nướng thịt gà, đem theo ăn. Bó tay.
Tuần sau bà sẽ trở vô nội thành.
Angels & Demons (Thiên Thần và Quỷ Sứ) là tập trước (prequel) của Mật Mã Da Vinci. Trong tập truyện giả tưởng này, giáo sư Robert Langdon giúp cứu nguy giáo hội La Mã khỏi đợt trả thù của mật hội Illuminati (Những Kẻ Giác Ngộ).
Bây giờ thì tôi tin hơn bao giờ hết, những cuộc "công kích" của những người chống đối giáo hội Công Giáo, thật sự giúp ích cho người công giáo tìm hiểu nhiều hơn về đạo mình, và từ đó khiến họ vững lòng tin hơn, thay vì khiến họ bỏ đạo.
Nhắc đến nhóm Illuminati, chợt nhớ tới bộ phim truyền hình 24, Tập 7, đang được chiếu mỗi tối Thứ Hai, vẫn chưa ngã ngũ, thấy vừa mới xuất hiện một nhóm 12, rất bí ẩn. Không biết nhóm này có liên quan gì đến hội Illuminati không ta.
Nếu là 3 năm trước, chắc có thể tôi sẽ đi sắp hàng để chờ vào xem ngày đầu. Nhớ hồi năm 1994 lúc còn đi học, tôi đã cùng 3 thằng bạn lái xe từ Waterloo về Toronto để xem cho được hồi (episode) cuối cùng của ST:TNG (All Good Things...), được chiếu trong SkyDome. Tôi nhớ hôm đó hình như là tối Thứ Năm trong tuần, bởi xem xong, chúng tôi còn phải lái xe về Waterloo để hôm sau phải lên lớp. Vị thuyền trưởng tôi thích nhất không phải là James Tiberius Kirk, mà là Jean-Luc Picard. Picard có vẽ biết tự kiềm chế hơn Kirk, mặc dầu thời còn trẻ Picard cũng đã "quậy" không kém gì Kirk.
Hồi xưa tôi theo dõi Star Trek không thiếu tập nào. Nhưng đó là hồi xưa. Bây giờ thì già rồi. Không còn hứng thú bon chen như lúc xưa nữa. Chờ nó ra đĩa cũng được. Chừng đó chắc sẽ phải đầu tư cho một cái máy hát đĩa Blu-Ray thôi. Hoặc là lên nhà thằng em tôi coi ké cũng không chừng, nhưng tôi nghĩ chắc nó không hứng thú với Star Trek.
Đã lâu lắm rồi không đi dự, sáng Chúa Nhật hôm nay, tôi mon men ra Quảng Trường Nathan Phillips để xem cộng đồng người Việt ở Toronto cử hành buổi lễ kỷ niệm ngày Việt Nam Cộng Hòa thất trận. Tôi phải đi thôi, bởi không thể phủ nhận, sự kiện 30 tháng 4 là lý do gián tiếp tại sao tôi đang có mặt trên mảnh đất Bắc Mỹ này. Thế mới rõ một điều: trong cái họa có cái phúc.
Đây là trích đoạn của chương trình truyền hình Vietnam - The Ten Thousand Day War mà hồi mới sang đây tôi đã xem được trên đài Citytv (Toronto), chiếu vào mỗi Thứ Bảy vào 13h00 giờ chiều:
Tôi xem các cụ cựu sĩ quan và binh sĩ của binh chủng VNCH rải rác trong đám đông của Nathan Phillips Square mà thầm mũi lòng cho mấy cụ. Đã hơn 30 năm, tại sao họ không hướng được về tương lai mà cứ ôm mãi vết sẹo xưa? Tại sao họ không quên được biến cố 30 tháng 4 nhỉ? Tôi nghĩ bởi vì vết thương hãy còn đó, và họ vẫn chưa chính thức nhận được lời xin lỗi nào về lối cư xử của Hà Nội đối với họ và các đồng chí của họ sau cuộc chiến. Chiến tranh gây nhà tan, cửa nát đã đành. Nhưng nếu đã "hòa bình", sao lại còn gây phân ly, khiến vợ mất chồng, con thiếu cha. Đối với nhiều người, sự cách ly ấy kéo dài đến mười mấy năm ròng rã. Đối với cá nhân tôi, viết lên bài này coi như là giải tỏa một phần ấm ức nào đó không nói lên được, một bước đầu để xoa dịu vết thương gia đình, đã ly tan sau 30/4, và mãi đến mấy năm gần đây mới tạm gọi là đã "đoàn tụ".
Hôm qua, ngồi ăn tối với phụ thân tôi--có cả nhị đệ của tôi tới chơi--kể chuyện tị nạn ngày xưa, làm sáng tỏ thêm trí nhớ mù mờ của tôi về chuyến hành trình vượt biển của tôi năm xưa. Thì ra, chiếc tàu đã cứu vớt chúng tôi hồi năm 1985 là chiếc J. Paul Getty (được đặt tên theo một công nghiệp gia dầu hỏa cùng tên, còn được gọi là Alaska Getty, treo cờ Liberia, thủy thủ đoàn người Ý). Trước giờ tôi cứ ngỡ nó là chiếc tàu của Na Uy, nhưng thật ra nó thuộc công ty vận chuyển Fuji Trading Co. Ltd. - Marine Supply and Engineering của Nhật, theo thông tin từ phụ thân tôi.
Recent Comments