Đã lâu lắm rồi không đi dự, sáng Chúa Nhật hôm nay, tôi mon men ra Quảng Trường Nathan Phillips để xem cộng đồng người Việt ở Toronto cử hành buổi lễ kỷ niệm ngày Việt Nam Cộng Hòa thất trận. Tôi phải đi thôi, bởi không thể phủ nhận, sự kiện 30 tháng 4 là lý do gián tiếp tại sao tôi đang có mặt trên mảnh đất Bắc Mỹ này. Thế mới rõ một điều: trong cái họa có cái phúc.
Đây là trích đoạn của chương trình truyền hình Vietnam - The Ten Thousand Day War mà hồi mới sang đây tôi đã xem được trên đài Citytv (Toronto), chiếu vào mỗi Thứ Bảy vào 13h00 giờ chiều:
Tôi xem các cụ cựu sĩ quan và binh sĩ của binh chủng VNCH rải rác trong đám đông của Nathan Phillips Square mà thầm mũi lòng cho mấy cụ. Đã hơn 30 năm, tại sao họ không hướng được về tương lai mà cứ ôm mãi vết sẹo xưa? Tại sao họ không quên được biến cố 30 tháng 4 nhỉ? Tôi nghĩ bởi vì vết thương hãy còn đó, và họ vẫn chưa chính thức nhận được lời xin lỗi nào về lối cư xử của Hà Nội đối với họ và các đồng chí của họ sau cuộc chiến. Chiến tranh gây nhà tan, cửa nát đã đành. Nhưng nếu đã "hòa bình", sao lại còn gây phân ly, khiến vợ mất chồng, con thiếu cha. Đối với nhiều người, sự cách ly ấy kéo dài đến mười mấy năm ròng rã. Đối với cá nhân tôi, viết lên bài này coi như là giải tỏa một phần ấm ức nào đó không nói lên được, một bước đầu để xoa dịu vết thương gia đình, đã ly tan sau 30/4, và mãi đến mấy năm gần đây mới tạm gọi là đã "đoàn tụ".
Hôm qua, ngồi ăn tối với phụ thân tôi--có cả nhị đệ của tôi tới chơi--kể chuyện tị nạn ngày xưa, làm sáng tỏ thêm trí nhớ mù mờ của tôi về chuyến hành trình vượt biển của tôi năm xưa. Thì ra, chiếc tàu đã cứu vớt chúng tôi hồi năm 1985 là chiếc J. Paul Getty (được đặt tên theo một công nghiệp gia dầu hỏa cùng tên, còn được gọi là Alaska Getty, treo cờ Liberia, thủy thủ đoàn người Ý). Trước giờ tôi cứ ngỡ nó là chiếc tàu của Na Uy, nhưng thật ra nó thuộc công ty vận chuyển Fuji Trading Co. Ltd. - Marine Supply and Engineering của Nhật, theo thông tin từ phụ thân tôi.
Recent Comments