Tuesday, November 24. 2009
CDK Đọc tác phẩm "Giêsu là Ai?" của bác Trần Chung Ngọc quả là một cực hình--toàn là lời lẽ khinh miệt, chẳng có chút nào tinh thần đối thoại liên tôn từ một tín đồ Phật giáo. Đây là bài học cho tôi khi đối thoại với tín đồ Chứng Nhân Giê-hô-va.
Trởi lại đề, chương 1 của bác Ngọc thấy có chép:
theo Matthew 1:1-17 thì các thế hệ tiếp nối giòng họ Giê-su từ vua David như sau:
David, Solomon, Rehoboam, Abijah, Asa, Jehoshaphat, Jehoram, Uziah, Jotham, Ahaz, Hezekiah, Manasseh, Amon, Josiah, Jeconiah, Shealtiel, Zerubbabel, Abiud, Eliakim, Azor, Zadok, Akim, Eliud, Eleazar, Matthan, Jacob, Joseph, Jesus.(tất cả là 27 thế hệ.)
Nhưng theo Luke 3:23-28 thì các thế hệ tiếp nối từ vua David tới Giê-su như sau:
David, Nathan, Matthata, Menna, Melea, Eliakim, Jonam, Joseph, Judah, Simeon, Levi, Mathat, Jorim, Eliezer, Joshua,, Er, Elmadam, Cosam, Addi, Melki, Neri, Shealtiel, Zerubbabel, Rhesa, Joanan, Joda, Josech, Semein, Matthathias. Maath, Naggai, Esli, Nahum, Amos, Matthathias, Joses, Jannai, Melki, Leci, Mathat, Heli, Joseph, Jesus. (tất cả là 42 thế hệ.)
Chúng ta nên để ý rằng, trong 2 danh sách trên kể về dòng dõi của Giê-su, chỉ có ba tên giống nhau (chữ đậm), còn thì hoàn toàn khác biệt, và Matthew kê ra 27 thế hệ trong khi Luke kê ra 42 thế hệ. Nếu những tên thế hệ đều giống nhau thì chúng ta có thể cho rằng Matthew bỏ sót, liệt kê cách quãng những thế hệ tiếp nối từ David đến Giê-su. Nhưng rõ ràng là không phải vậy.
Đúng ra, "2 danh sách có ba tên giống nhau" mới thật là vấn đề, bởi hai quyển Thánh Kinh trên đây ghi chép hai dòng dõi khác nhau: Ma-thi-ơ ghi chép dòng dõi từ vua Solomon, con trai của vua Đa-vít , trong khi Lu-ca ghi dòng dõi của Nathan, một người con trai khác của vua Đa-vít.
Vậy tại sao, hai dòng dõi lại hội tụ lại nơi Thánh Giuse? Theo Tự Điển Bách Khoa Công Giáo, có một cách giải thích:
Estha cưới Mathan, con cháu của vua Đa- vít bởi Solomon, và trở thành mẹ [ghẻ] của Jacob; sau khi Mathan chết đi, bà ta lấy ông chồng thứ hai, Mathat, cũng là con cháu vua Đa-vít nhưng thuộc dòng dõi Nathan, và do đó trở thành mẹ [ghẻ] của Heli. Jacob và Heli do đó trở thành anh em trong giới luật. Heli cưới vợ, nhưng chết không có con; góa phụ của ông ta, theo luật của người Levi bấy giờ, trở thành vợ của Jacob, và hạ sanh Giuse. Giuse là con ruột của Jacob nhưng cũng là con của Heli theo pháp luật, và do đó kết hợp hai dòng dõi của nhà vua Đa-vít.
Trở lại vấn đề, nếu là hai dòng dõi khách nhau, vậy tại sao hai danh sách lại trùng hợp ở hai tên Zorobabel (Zerubbabel) và Salathiel (Shealtiel)? Bài viết của Tự Điển Bách Khoa Công Giáo cũng giải thích, có thể là do trùng tên chứ không phải là cùng một nhân vật:
Nếu Salathiel và Zorobabel lúc bấy giờ đã làm rạng danh trong dòng họ Solomon, thì không mấy gì lạ lùng nếu dòng họ của Nathan lấy hai tên ấy để đặt cho hậu duệ của mình. Ở đây, người đọc cần lưu ý rằng, chúng ta chỉ đề nghị một lối giải thích khả dĩ cho vấn đề; khi có sự khả dĩ, thì đối phương của chúng ta không có lý gì để cáo buộc rằng gia phả của Matthew và của Luke mâu thuẫn nhau.
Lại thấy bác Trần Chung Ngọc chép:
Một vài nhà thần học Ki Tô đã đưa ra một cách giải thích có tính cách ngụy biện nhưng không được thông minh cho lắm. Đó là gia phả của Giê-su theo Luke là theo dòng họ mẹ, nghĩa là Maria, chứ không phải là dòng họ bố là Joseph. Nghiên cứu về cổ sử và truyền thống Do Thái, các học giả đã bác bỏ lý luận ngụy biện này. Thật vậy, cả Matthew và Luke đều ghi Giê-su thuộc dòng dõi cha là Joseph chứ không ghi Giê-su thuộc dòng họ mẹ là Maria.
Có lẽ là ở điểm này bác Ngọc nói đúng: Matthew và Luke đều ghi chép dòng dõi của Thánh Giuse. Bởi trang Tự Điển Bách Khoa Công Giáo cũng có nói: theo truyền thống, các giáo phụ không có ai cho rằng gia phả theo Luke là thuộc dòng dõi của Đức Mẹ Maria ("It may be safely said that patristic tradition does not regard St. Luke's list as representing the genealogy of the Blessed Virgin.").
Vậy câu hỏi kế tiếp: Tại sao lại ghi chép dòng dõi của Thánh Giuse trong khi Giuse không phải là cha ruột của Chúa Giêsu?
Trong bộ Tổng Luận Thần Học, Phần 3, Nghi vấn 29, Mục 1, liên quan đến đề tài tại sao Chúa Giêsu lại chọn cho mình một người mẹ đồng trinh đã đính hôn, thấy Thánh Thomas Aquinas chép:
[Ấy] là điều hợp tình hợp lý vì 3 nguyên nhân: vì lợi ích riêng của Ngài, vì lợi ích cho Mẹ Ngài, và vì lợi ích cho chúng ta.
Trong lợi ích cho Chúa Giêsu, có 4 lý do. Thứ nhất: Kẻo lời đồn thị phi của những kẻ nghi ngờ, mà cho rằng Ngài là con hoang. Vì lẽ này, Thánh Ambrose đã nói về Luke 1:26-27: "Làm sao chúng ta có thể trách Herod hay dân Do Thái nếu họ có ý bách hại một kẻ đã được sanh ra bởi tội thông dâm?" Thứ hai, để theo tập tục, hầu cho gia phả của Ngài được vạch theo dòng dõi của [người cha dưới thế gian]. Do đó, Thánh Ambrose đã nói về Luke 3:23: "Đấng đã đến trong thế gian, theo tập tục của thế gian, cần phải được danh chánh, ngôn thuận. Với mục đích này, tục lệ đòi hỏi người đàn ông [trong hai vợ chồng] phải là người đứng ra làm thủ tục ghi danh, bởi đàn ông là đại diện cho gia đình trong nghị viện và tòa án. Tập tục trong Thánh Kinh cũng cho thấy dòng họ của người đàn ông luôn được dùng để liệt kê gia phả". Thứ ba, vì an toàn cho đứa bé sơ sinh, kẻo quỷ thần lại mưu đồ ám hại Ngài. Vì lẽ này, Thánh Ignatius đã nói rằng Đức Bà phải được đính hôn, "hầu cho phương cách hạ sanh của Ngài được che giấu khỏi tai mắt của quỷ thần". Thứ tư, hầu cho Ngài được che chở bởi cha nuôi là Thánh Giuse, người được gọi là "cha" của Ngài, bởi là người đã nuôi dưỡng Ngài dưới thế gian.
Việc ấy phù hợp cho Đức Mẹ Maria bởi 3 lý do. Thứ nhất, bởi thế Đức Bà mới được thoát khỏi sự trừng phạt của người thế gian, đó là "kẻo Bà bị ném đá cho đến chết, bởi người Do Thái, vì tội thông dâm", theo lời Thánh Jerome. Thứ hai, để bảo toàn cho danh tiết của Đức Bà; Thánh Ambrose nói về Luke 1:26-27: "Bà phải được đính hôn, ngõ hầu tránh khỏi sự tổn thương bởi tai tiếng là kẻ bị xúc phạm tiết hạnh, khi bào thai trong bụng Bà lớn dần". Thứ ba, như Thánh Jerome nói, để hầu cho Thánh Giuse có thể chăm sóc cho bà.
Việc ấy cũng gây lợi ích cho chúng ta bởi 5 lý do.
Thứ nhất, do vậy mà Thánh Giuse có thể làm chứng cho chúng ta về sự hạ sanh của Chúa Giêsu bởi một người nữ đồng trinh. Thánh Ambrose nói: "Chồng bà là một chứng nhân đáng tin cậy về sự trong sạch của bà, vì bởi lẽ ra ông phải oán trách bà do sự ô nhục ấy, và trả thù vì bà làm tổn thanh danh ông, nếu thật sự ông không chấp nhận mầu nhiệm."
Thứ hai, bởi thế lời lẽ của Đức Bà trở nên đáng tin cậy hơn khi bà khẳng định sự trong sạch của mình. Thánh Ambrose nói: "Niềm tin nơi lời nói của Đức Bà Maria được thêm sức mạnh, động cơ của lừa dối được dẹp tan. Nếu bà không được đính hôn khi mang thai, bà sẽ bị buộc phải che giấu bằng lời dối. Khi đã được đính hôn, bà không còn lý do để nói dối, trong khi sự mang thai là một tặng thưởng của hôn nhân và nó chúc phúc cho sự kết hợp vợ chồng. Hai lý do trên đây, góp phần tạo sức mạnh cho đức tin của chúng ta.
Thứ ba, ngõ hầu cho mọi sự bào chữa có thể được loại bỏ đối với những trinh nữ khác, cho dù muốn thận trọng, lại rơi vào sự ô nhục. Thánh Ambrose nói: "Thật là điều không thích hợp nếu các trinh nữ để mình bị vấp phải tai tiếng xấu, và rồi lại viện cớ rằng chính Đức Mẹ Chúa Trời đã từng bị áp bức bởi ô danh".
Thứ tư, bởi vì sự kiện này mà Giáo Hội công giáo lấy làm gương, đó là một nữ đồng trinh, nhưng lại được đính hôn với người đàn ông (Chúa Kitô), như Thánh Augustine nói (trong tác phẩm De sancta virginitate, quyển xii).
Thứ năm, bởi Đức Mẹ Chúa Trời được đính hôn và lại là nữ đồng trinh, cả hai lối sống trinh tiết và kết hôn được tôn vinh qua con người Bà, ngược với những kẻ dị giáo nào đã từng gièm pha lối này hay lối nọ.
|
Recent Comments