Hay thay, dường như đôi khi câu giải đáp cho vấn đề nó lai vãng quanh đây mà mình không hề lưu ý. Hai ngày nay tôi đang vò đầu tìm giải pháp cho vấn đề tương tác (interoperability) giữa công nghệ WPF và VB6. Nghiên cứu dưới hai ngày cho thấy dường như câu trả lời cho vấn đề "làm sao ứng dụng một thành phần điều khiển (user control) của WPF trên một mẫu đơn (form) của VB6?" là: vô phương.
Sáng nay lướt qua những blog chuyên ngành, tình cờ được nhắc lại câu này:
Mọi nan đề trong phần mềm đều có thể được giải quyết bằng cách thêm vào nó một tầng lớp gián tiếp.
(Any software problem can be solved by adding another layer of indirection. Except, of course, the problem of too much indirection.)
- Steve Bellovin của AT&T Labs
Vậy, thay vì đi đường VB6->WPF, tôi có thể dùng VB6->WinForms->WPF. Nhịp cầu VB6->WinForms thì tôi đã bắt hồi năm 2006. Và còn WPF->WinForms thì rất đơn giản.
Lưu ý: gián tiếp hóa (indirection) không đồng nghĩa với trừu tượng hóa (abstraction).
Thuần túy tiếng Việt chúng ta thường dịch "pornography" là "sách báo khiêu dâm", hay "dâm thư". Theo Wikipedia, chữ "pornography" bắt nguồn từ ngôn ngữ Hy Lạp, kết hợp bởi hai từ "porne" (đĩ điếm), và "grapho" (ghi chép) thêm hậu tố là "-ia" (nơi của, thuộc về), tức là "nơi ghi chép về đĩ điếm"
Gợi đến vấn đề "tại sao những tài liệu khiêu dâm có hại cho trẻ em?" Theo mạng ProtectKids.com:
Vào khoảng thời kỳ hệ trọng nào đó của tuổi ấu thơ, bộ óc của trẻ em được "lập trình" cho sự định hướng tính dục. Vào thời kỳ này, tâm trí của em dường như đang phát triển một thứ "lắp đặt dây điện cố định" về những gì sẽ gợi cảm hoặc thu hút con người ấy. Nếu được tiếp xúc với những quan niệm lành mạnh và bình thường về tính dục vào những thời kỳ quan trọng này, trẻ em sẽ phát triển một định hướng lành mạnh. Ngược lại, nếu bị ảnh hưởng bởi tài liệu khiêu dâm vào thời kỳ này, những quan niệm thái quá về tính dục có thể sẽ in sâu vào tâm trí các em và trở thành một phần "bất di bất dịch" của định hướng tính dục của các em.
Trẻ em thường hay bắt chước những gì chúng thấy, đọc, hoặc nghe. Nhiều nghiên cứu cho thấy sự tiếp xúc với dâm thư có thể xúi giục trẻ "thực hành" các hành động ấy đối các em khác trẻ hơn, nhỏ hơn, và yếu đuối hơn chúng.
Đối với không chỉ các tài liệu khiêu dâm hạng "nhẹ", nhưng thậm chí các tài liệu rõ ràng là đồi trụy (tức là: bẩn thỉu, ghê gớm, bất thường), càng được tiếp xúc nhiều, trẻ em sẽ càng học được một điều rất nguy hiểm: quan hệ tính dục vô trách nhiệm là chuyện bình thường và đáng khát khao. Bởi
dâm thư khuyến khích sự thể hiện tính dục không trách nhiệm, nó có thể nguy hại đến sức khỏe của trẻ em.
Đa số phụ huynh có tinh thần trách nhiệm trong chúng ta muốn truyền dạy cho con em những giá trị cá nhân về sự quan hệ, về tính dục, sự thân mật, tình yêu, và hôn nhân. Rủi thay, những thông tin mãnh liệt từ dâm thư có thể đang "giáo dục" con em chúng ta về những đề tài hệ trọng ấy. Cũng như những bức quảng cáo 30 giây có khả năng ảnh hưởng đến sự lựa chọn của ta về một nhãn hiệu nước giải khác phổ biến, sự tiếp xúc với dâm thư có thể định dạng cho thái độ, giá trị, và luôn cả cách cư xử của chúng ta.
Lời cuối tôi dành cho bài viết có phần tựa Photographs don't affect us? (Hình Ảnh không ảnh hưởng được chúng ta ư?), bác Karen Holgate viết:
Dâm thư có thể gây nghiện ngập. Điều đó không có nghĩa là người nào xem hình ảnh khiêu dâm cũng đều sẽ trở thành kẻ nghiện. Tuy nhiên, gần giống như rượu [hoặc thuốc lá], ta không thể lường trước được, cho đến khi tiếp xúc với chúng. Đối với những ai yếu lòng, nó như xăng châm vào lửa.
Tức là, nếu không điều lượng được thì tránh xa càng tốt, e lại đem vàng dỏm đi thử lửa.
Nhân tiện, trong ngữ cảnh đoạn trích trên tôi e dè nghĩ đến "thị kiến"-- cái thấy siêu việt, và luôn tâm niệm rằng sống ở đời nên chăng cần có vị giác đủ tốt để chấp nhận nếm đủ mọi thứ ngọt bùi, chua đắng, mặn chát như nó vốn thế...
Hmm...Chắc phải mắc bẫy của anh thôi, bởi tôi đã cố tình tránh không chuyển ngữ phần trích đoạn của bài viết.
Nhưng âu cũng là cơ hội để nghiền ngẫm về dịch thuật.
Từ "thị kiến" (vision) mà anh nêu dường như là gần giống với ảo giác, dùng như trong trường hợp của câu "rất đông người đã thị kiến Đức Mẹ tại Lộ-Đức". Trong khi, "vision" theo đoạn trích trong bài ngụ ý tầm nhìn xa và rộng của một người, như lời anh: "cái thấy siêu việt".
Có thể nào tạm dịch là "viễn giác"?
"Tìm kiếm Nâng cao".
Đây là cách dịch của từ "Advanced Search" bởi google.com.vn, và nhiều mạng thông tin khác ở Việt Nam.
Quái!
Nếu là tôi dịch thì tôi sẽ dịch là "Tìm Kiếm Phức Tạp" hoặc "Tìm Kiếm Chi Tiết". "Advanced" ở đây muốn nói về mức độ chi tiết (complexity of details), hơn là nâng cao, đề cao cái gì đó.
Dĩ nhiên, lạm dụng sức tưởng tượng cho mấy thì tôi cũng chẳng phải là chuyên gia ngôn ngữ. Biết đâu "tìm kiếm nâng cao" có cái lý hay của nó.
Recent Comments