Monday, January 5. 2009
CDK Tối hôm qua ngồi trong xe chờ chuyến bay của phụ thân tôi đáp (máy bay bị đình trễ, hơn nửa đêm mới đáp, đưa ông về tới nhà thì đã gần 2 giờ sáng), buồn buồn mở băng tầng AM của radio nghe mấy chương trình hội thoại của đài CBS, nghe bàn về đức tin Công Giáo trong vấn đề kết hôn với người ngoại đạo. Nghe một bà--người công giáo--dõng dạc tố cáo một cô giáo của một trường công giáo là đã phạm "tội trọng" vì đã kết hôn với người ngoại đạo mà không thông qua bí tích hôn phối, tức là không được chấp nhận bởi Giáo Hội, và do đó hôn phối không có hiệu lực.
Hmm...Nghe những người sùng đạo hay vội vã kết tội như thế này, làm tôi không khỏi e dè. Tôi thiển nghĩ, Chúa Thánh Thần thật sự khoan dung nhiều hơn những người này hằng tưởng.
Tra cứu các tài liệu Giáo Lý Công Giáo ( The extent of sacramental marriage, Disparity of Worship, và Mixed marriages and disparity of cult) thì tình hình gần như là bà kia đã tuyên bố. Rõ ràng các bậc giáo phụ đã sợ người có đạo bị lôi kéo bỏ đạo, nên đã khuyên không cho người có đạo lập hôn phối với người ngoài đạo. Nhưng cũng không quên lưu ý GLCG - Phần II - Đoạn II – Chương III - Mục 7 ( THE SACRAMENT OF MATRIMONY):
1637 Trong trường hợp hôn phối khác đạo, bên công giáo có trách nhiệm đặc biệt: "Chồng ngoại đạo được thánh hoá nhờ vợ và vợ ngoại đạo được thánh hoá nhờ chồng có đạo" (1Cr 7,14). Thật là một niềm vui lớn cho bên công giáo và cho Hội Thánh nếu "việc thánh hoá này" đưa người không công giáo tự nguyện đón nhận đức tin Ki-tô giáo (x. 1Cr 7,16). Chính tình yêu hôn nhân chân thành, việc khiêm tốn và kiên nhẫn thực thi những nhân đức gia đình và siêng năng cầu nguyện có thể chuẩn bị cho người không có đạo được ơn làm con Chúa.
Wednesday, December 31. 2008
CDK Chẳng hiểu chích ngừa làm cái quái gì, vẫn bị trúng cảm như thường. Liên tục hai đêm nằm run lập cập trong chăn, mặc dù đã mặc 3 lớp áo, 2 lớp quần, và luôn đôi tất. Dường như theo thường lệ, hễ tới dịp nghĩ phép là đau--nhàn cư vi bất thiện?
Tuy vậy nhưng cũng không đến nỗi liệt giường. Sáng hôm qua còn lồm cồm bò dậy, xách xe lên đưa phụ thân tôi ra phi trường--ông đi dự lễ cưới con người bạn bên Cali--đã lấy vé hơn 6 tháng trước rồi. Xong thì về nhà ngồi thảo lại bản hợp đồng thuê chỗ cho bà khách của mẫu thân tôi--Mẹ tôi bán tiệm cho bà kia, nhờ soạn dùm bản giao kèo thuê chỗ mới. Mọi việc xong, tôi leo lên giường, trùm chăn đánh một giấc tới chiều.
Lại nói chuyện phụ thân tôi đi Mỹ. Thằng nhị đệ của tôi tuần rồi hay tin, chua một câu: "Ông Nội, đám cưới người dưng tận bên Cali mà đi được, còn cháu nội gần trên Guelph đây thôi mà không đi thăm được". Dường như nó trách phụ thân tôi bỏ bê nó. Tôi không biết "Ông Nội" có trách nó là thằng con bất hiếu như ông từng trách tôi hay không. Dù trong thâm tâm nó, ông có chểnh mảng chức vụ làm cha tới đâu, không có ông thì làm gì nó được ở trên mảnh đất hứa này, cho dù nhà cao cửa rộng là hoàn toàn một tay nó làm ra.
Tối Chúa Nhật, 4 tây tháng 1, ông về qua ngõ Chicago. Ghi đây để nhớ mà đi rước ông.
Monday, December 15. 2008
CDK Hôm tối Thứ Bảy rồi tôi đi thăm anh bạn, vợ anh mới sanh thêm một quí tử vừa được hai tuần. Biết anh là người ngoan đạo, tôi hỏi anh rửa tội cho bé chưa? Anh bảo chưa. Chị vợ anh sẵn tiện, ngõ ý hỏi tôi làm cha đỡ đầu cho bé. Tôi mạnh dạn bảo "không thành vấn đề". Chị bèn nói, cũng có mấy người bạn của anh muốn làm cha đỡ đầu cho bé, nhưng chị muốn tìm người có đạo đức. Tôi đành cười cười, "nếu cần người có đạo đức thì em không thích hợp rồi chị à".
Câu trên tôi nói thật lòng, chứ không phải châm biếm.
Thursday, December 11. 2008
CDK Sáng nay chạy ngang một ngã tư đèn đỏ, thấy bên kia đường có chiếc xe Mẹc, ngồi sau tay lái là một cô đầm tóc vàng tuổi trạc tứ tuần, thỉnh thoảng cô chớp nhoáng đèn xe lên rồi tắt. Thấy vậy, tôi thầm nghĩ, cô này khùng hay sao, chớp đèn lấy le với ai đằng kia chắc. Đèn xanh lên, tôi vọt qua ngã tư, vừa kịp nhận ra vì sao cô ta chớp đèn: phía trước tôi độ 20m, có hai xe cảnh sát đang cặp kè một xe thường dân, chắc là đang ghi vé phạt vượt tốc độ. Thì ra cô đầm kia có ý báo động với mấy xe đối chiều, rằng đằng trước có cảnh sát mai phục. Đây là một luật ngầm của người lái xe, thể hiện mơ hồ sự quan tâm của con người đối với kẻ xa lạ. Mai cho tôi trong trường hợp này, đã quá quen với khúc đường này, thừa biết hay có đày tớ dân mai phục bắt phạt dân, nên đã không chạy quá nhanh.
Tôi thắc mắc, có mấy ai trên đường đời sớm nhận ra được những tín hiệu phảng phất như thế này. Hay là như tôi, khi nhận ra được thì đã muộng màng.
Monday, December 8. 2008
CDK Tối Thứ Sáu tuần rồi, tôi tháp tùng với ông sếp CEO (ông sang viếng nhóm kỹ thuật suốt cả tuần) đi dự tiệc giáng sinh của công ty bạn. Năm nào họ cũng nhã nhặn mời, nhưng hai, ba năm vừa rôi tôi không dự, bởi không mấy hứng thú chuyện tiệc tùng, đình đám. Vậy nhưng năm nay tự nhiên hứng. Tán dóc với ông sếp tôi trong lúc ngồi bàn tiệc. Dzời! Làm chung với nhau hơn một thập niên, giờ mới biết được ông ta cũng là người Công Giáo. Ông này giữ đạo mình kín thật. Cũng có thể là tôi đang ngủ gục suốt mười mấy năm nay mới không hay biết. Tôi nghĩ chắc ông ta là cái mà người đời gọi là "người công giáo theo truyền thống" ( cultural catholic).
Monday, December 1. 2008
CDK Tối Thứ Sáu, nghe Zellers họ mở chiến dịch đại hạ giá mang tên "Cơn Điên Nửa Đêm", từ 18h00 tới 24h00. Bà con họ rầm rộ đua nhau mua sắm hàng Nô-en. Tôi tò mò, đi xem thử, lụm được cái cây Nô-en này. Lâu lắm rồi không trang hoàng cây giáng sinh. Nhớ năm nào còn ở nhà phụ thân tôi, tôi hay dàn dựng cây giáng sinh, chờ đêm Nô-en mọi người đã đi ngủ, tôi rón rén xuống tầng hầm gói mấy món quà, đem lên đặt dưới chân cây giáng sinh bên cạnh hang đá và máng lừa, chờ sáng dậy nhìn cặp mắt ngờ ngợ của tam muội tôi khi thấy nó có quà. Năm nay tôi khởi đầu một tập tục mới.
---
Sáng Chúa Nhật trời lành lạnh, tôi gọi điện cho phụ thân tôi: "Chiều nay Ba có rãnh không, xuống chỗ con nhậu". Ông ừ ừ. Trưa tôi đi chợ mua con cá rô phi (tilapia) về nấu lẩu--ông cụ ngại cholesterol nên ăn cá là tốt nhất. Trên đường về, trời đã bắt đầu mưa tuyết.
Tối 18h00 ông gọi điện,
- trời lạnh, làm biếng quá mầy ơi, chắc tao không xuống...
...
- nếu ngán chạy đường đá tuyết vậy con lên rước Ba nha.
- không phải... thôi thì đợi một lát, nếu bớt tuyết thì tao xuống.
Tôi ôm chai Heineken lên phòng máy, ngồi lọ mọ định làm việc một tí, được một lát thì ngủ quên tuốt hồi nào không hay. Giật mình dậy thì đã gần 20h00.
20h00: nghe tiếng gõ ở cửa sau. Phụ thân tôi đã tới, đem xuống 1 bình rượu nho (tôi đoán chắc cũng 4-5L). Hai cha con vào bàn "nhậu". Tôi gọi cho nhị đệ--trời tuyết lạnh nên từ tận Guelph nó không lên được--cho cu J và bé K mừng sinh nhật Ông Nội, xong thì nhậu tiếp. Luôn tiện định gọi về Sàigòn hỏi thăm Ngũ Cô, nhưng bà đã đi chợ, không có nhà.
Kính mừng tuổi thọ phụ thân. Thiết nghĩ, không quá lố lời, khi nói rằng, con thương cha dường nào, lẫn chút xót xa khi nhận thấy, mình vẫn chưa đền ơn dưỡng dục sao cho phải đạo. Xin Chúa ban bình an.
Wednesday, November 26. 2008
CDK Khởi đầu Mùa Giáng Sinh, suy ngẫm ti tí về Chúa Giêsu: Ngài là ai? Phúc Âm theo Thánh Gioan, chương 20, câu 27-29, có chép:
27 Rồi Người bảo ông Tô-ma: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin." 28 Ông Tô-ma thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con! " 29 Đức Giê-su bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc cho những ai không thấy mà tin!"
Dường như, trong đoạn kinh văn này, ông Tô-ma đã nhận Giê-su là Thiên Chúa, và Giê-su đã không trách mắng cách xưng hô ấy. Cho nên, dường như ông Giê-su cũng đã công nhận mình là Đức Chúa Trời hay sao ấy.
Có người--như giáo phái Nhân Chứng Giê-hô-va (NCGHV) thời nay và Arius thời xưa--cho rằng ở đây Tôma không gọi ông Giê-su là Thiên Chúa (God), nhưng chỉ kêu trời trong sự ngạc nhiên quá độ, tương tự như lớp trẻ ngày nay hay có thói quen thốt lên câu "Trời ơi Trời (Oh my God)!". Nhưng, cần biết, ông Tôma trước khi theo Chúa Giêsu, đã từng là tín đồ đạo Do Thái, mà kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ như thế thì ắt đã phạm tội lộng ngôn.
Mấy bác truyền đạo NCGHV lúc trước khi đến trước cửa nhà tôi, chê giáo thuyết của đạo công giáo là không có nền tảng từ Kinh Thánh. Tôi đang đọc lại bộ Tổng Luận Thần Học ( Summa Theologica) của Thánh Tôma Aquinô (1225–1274). Tôi không ngông cuồng nhận rằng mình hiểu hết những gì đã đọc--nhưng nhận thấy mọi luận điểm trong ấy đều là: 1) trích dẫn Kinh Thánh làm gốc, và 2) từ đấy dùng lôgíc để suy ra các hệ luận vững chắc. Ngược lại, đọc qua bản dịch New World của NCGHV tôi thấy thay vì dịch theo từ ngữ của bản gốc (translation), họ dịch theo cách hiểu của người dịch, một hình thức giải nghĩa (interpretation) hơn là dịch.
Sunday, November 16. 2008
CDK Chiều nay đi chợ mua bao gạo 16kg hiệu Bông Hồng ($27); mua chai rượu Cabernet-Merlot, con Cá Rồng Châu Úc (australian Barramundi ) về hấp, mời ông bà cụ tôi xuống nhâm nhi. Chẳng có duyên cớ gì đặc biệt. Cũng chẳng luận bàn gì to tát.
Hôm nọ, nghe Mẹ tôi kể rằng nhị đệ tôi nó nói về tôi: "Ổng từ đó giờ chưa từng được ăn ngon nên ăn gì cũng khen ngon". Tôi không được rõ, nhưng có thể căn cơ của câu phát biểu này là bởi nó nghe tôi tôi khen ăn nem nướng ngon. Chú nó nói đúng phần nào. Hồi nhỏ tôi sống ở xóm nghèo, đã trải qua nạn đói của '78--không gạo để nấu cháo, nhà trồng khoai lang, khoai mì nên ăn độn khoai thay cơm. Phải, từ cái khó khăn cực cùng ấy, nên giờ đây ăn gì tôi cũng thật sự thấy ngon, và ăn rất ngon miệng, ngọai trừ một số hoàn cảnh rất hiếm hoi. Tôi nhớ cái khó để trân trọng cái no. Tôi biết thằng em tôi nó đã từng khó hơn tôi nhiều. Có lẽ do vậy mà bây giờ nó không còn muốn nhớ đến cái khó khi xưa nữa.
Thursday, November 13. 2008
CDK Sáng hôm kia, phụ thân tôi mua cho mẫu thân cái bánh Egg McMuffin ăn sáng. Bà không ăn, chiều đem xuống cho tôi, bỏ trong tủ lạnh. Sáng nay tôi đem ra, cho lên đĩa, hâm nóng trong lò vi ba (microwave oven), xong lấy dao và nĩa ra, cắt ăn như ăn thịt bò bít-tết, bởi lười biếng, không muốn cầm bánh, làm bẩn tay phải đi rửa. Chợt xuất hồn, thấy mình hơi bị tếu, bèn ghi lại đây.
Monday, October 27. 2008
CDK Đầu óc tôi quả là có vấn đề, chưa già mấy mà đã lú lẫn cha nó rồi. Sáng nay ngủ dậy, tưởng là ngày Chúa Nhật. Đem xe ra Canadian Tire (CTC) sửa. Bất mãn. Về nhà. Vẫn còn quên là hôm nay Thứ Hai phải đi làm, lại định xách xe chạy lên Guelph cho nhị đệ nó coi lại xem sao.
Tuần rồi đem xe cho họ thay nguyên bộ đĩa thắng (brake calipers), bố thắng (brake pads), và trục quay (rotors) cho hai bánh sau, tốn $900. Về chạy nghe mùi nhựa khét. Hóa ra họ thay làm sao mà dây thắng tay bị đứt--dĩ nhiên họ không chịu nhận là lỗi ở họ--giờ bảo phải tốn $500 để thay dây thắng. Thôi, dẹp. Kỳ rồi (3,4 năm về trước) họ thay nhớt, quên đóng nắp bình nhớt. Và bây giờ thì lại vụ này. Khỏi phải nói, từ nay bác Canadian Tire đã mất đi một khách hàng trung thành. Dĩ nhiên, có một tí xác suất rất nhỏ, là do dây thắng của xe tôi quá cũ kỹ nên đã bị đứt, nhưng thiệt hại đã đành: tôi không còn tin tưởng ở khả năng và chất lượng của CTC nữa.
Sự việc này làm tôi nhớ có lần xem chương trình Kitchen Nightmares của bác siêu đầu bếp Gordon Ramsay. Bác chủ quán tâm sự với bác Ramsay: "Tôi không hiểu vì sao nhà hàng tôi lại thu nhập tệ thế; các phiếu thăm dò ý kiến mà khách hàng đã từng ghi, đều cho thấy họ hưởng ứng rất khả quan kia mà". Bác Ramsay đáp: "Những mẫu giấy thăm dò ý kiến ấy hoàn toàn vô dụng. Khách hàng không trả lời bằng giấy mực hoặc lời nói. Họ trả lời bằng cách không bao giờ trở lại đây nữa."
--
T.B.: chữ "kém tài" này tôi dịch ra từ chữ "incompetence", nghe sao thấy nó chưa đúng ý cho lắm.
Monday, October 13. 2008
CDK Thử Bảy vừa rồi lên nhị đệ phụ nó đóng vách phần còn lại của tầng hầm, sẵn đến Chúa Nhật chung vui này sinh nhật thứ 5 của bé K. Sáng Chúa Nhật phụ thân tôi lên tiếp nó một tay. Đóng vách xong, tiếp theo sẽ là trét bột, sơn vách, rồi lót gạch.
Tối thì tối qua phải về vì hôm nay (Thứ Hai) có công việc, phải chuẩn bị đe-mồ, dự trù tuần này sẽ phải bay sang Phoenix một phen để demo trực tiếp với khách mới. Công việc này đáng lẽ ra là ông sếp tôi bên Mỹ làm, nhưng ông ta bị kẹt bên Úc mấy tuần nay, gần cuối tuần này mới về lại Mỹ.
Cái quái quăm của ngày lễ này là: Canada tổ chức vào tháng 10, trong khi Mỹ lại cử hành vào tháng 11, tạo sự nhập nhằng trong quan hệ kinh doanh. Tôi đã cố gợi ý lắm, rằng hôm nay là ngày lễ bên đây, nhưng chúng nó vẫn dửng dưng. Thôi thì mình hãy còn nhỏ nên đành chịu vậy.
---
Cập nhật 1 tháng 2, 2009 @ 14h30:
Hình này, đang ngồi ngoài sàn sau ở nhà thằng em, nó lấy máy bấm cho một tấm hồi nào không nhớ ...
Tuesday, October 7. 2008
CDK Mấy tuần trước, phụ thân và nhị đệ tôi xuống làm giỗ cho Ông tôi. Ngồi kể chuyện đời xưa về thời Ông Nội và Ông Cố tôi. Tôi thì nhớ Bà Nội có kể, thời xưa loạn lạc, đạo tặc lan tràn. Nhà Ông Cố tôi ban đêm bị ăn trộm liên miên. Chủ nhà vác tầm vong rượt ăn trộm chạy rầm rầm. Mấy cậu ăn trộm thì trần truồng như nhộng trong bóng đêm, bôi bùn khắp thân thể để khi có bị chủ nhà víu được trong đêm tối thì thân hình trơn tru sẽ tạo thuận lợi cho việc đào tẩu. Phụ thân tôi kể thêm, rằng có lần Ông Cố tôi vác tầm vong rượt bọn ăn trộm, bị chúng dùng súng đạn chì bắn trả lại, khiến Ông Cố tôi tử thương.
Câu chuyện thời xưa ở trên gợi nhớ chuyện đạo tặc của thời nay. Thay vì ăn cắp đồ thì người ta ăn cắp văn. Bên blog Khoa Học Máy Tính, thấy bác Hưng lại phải phàn nàn vì có ai đó bên VN ăn cắp bài viết của bác ta. Hồi tháng 7 vừa rồi, tôi tình cờ phát giác ra bài viết này trên Wikipedia Tiếng Việt, hầu như là hoàn toàn sao chép từ chương 4 của tác phẩm "công giáo: huyền thoại và tội ác" của Charlie Nguyễn. Wikipedia Việt Ngữ cần có nhiều cố gắng nữa để đạt được trình độ chất lượng của phiên bản Anh ngữ (cho dù bên Anh ngữ cũng có khuyết điểm).
Monday, October 6. 2008
CDK Hai ngày cuối tuần chạy lên giúp nhị đệ làm lại cái tầng hầm của nó. Hôm nay thấy ran rán cái lưng, dấu hiệu sắp sửa bị trúng cảm.
Nói giúp cho nó oai nhưng thật ra tôi chỉ kiêm việc ... đỡ ván và đóng đinh, còn phần đo cắt ván và chạy dây điện thì do phụ thân tôi và nó làm. Ba cái việc này thì tôi đành bù trất.
Sunday, September 28. 2008
CDK Ngày giỗ Ông Nội tôi nhằm ngày 27-08 AL, tức là hôm Thứ Sáu vừa qua. Do lu bu nên đã chễnh mảng, không đọc kinh đúng ngày cho ông. Thật có lỗi.
Ông tôi quê ở Gò Công, làm nghề thầy giáo trung học tại đấy một thời gian. Sau đó vì việc xin dạy tại trường công lập Nguyễn Đình Chiểu ở Mỹ Tho, nên đã dời gia đình lên Mỹ Tho sinh sống. Trong khi đó, ông còn xin dạy thêm ở Hòa Đồng, Chợ Gạo, hằng ngày đạp xe đạp hơn mười mấy cây số để đi dạy. Hè vừa rồi tôi cũng đạp 15 cây số để đi làm mỗi ngày. Vậy là hai ông cháu coi như có chút điểm tương đồng.
Hồi nhỏ tôi ít gần gũi với ông (tôi quấn quýt bên Bà Nội tôi nhiều hơn). Nhưng cũng có vài kỷ niệm khó quên. Nhớ năm '76, '77 gì đó, khi tản cư từ Sài Gòn về Gò Công, từ huyện về ấp Thanh Nhung, mấy thúc thúc cùng mẫu thân và nhị đệ tôi đã rẽ ra, đi xe bò về trước theo ngã Tân Tăng Hòa, còn hai ông cháu từ từ tản bộ về qua ngõ Tân Cương, đi hai bên đồng lúa xanh bát ngát, phơ phất theo từng đợt gió. Thỉnh thoảng trên đường, gặp lại bà con đã từ lâu không gặp, ông dừng lại nói chuyện. Họ hỏi:
- ủa, con của đứa nào đây anh?
- con của thằng N. đó anh.
- chà, hai ông cháu, một già một trẻ, vừa đi vừa tâm sự như hai người bạn vậy nha.
...
Dường như giây phút đồng hành với ông lúc đó là lúc tôi gần ông tôi nhất.
Sau khi đã ổn định ở dưới quê, tôi vào học lớp một. Một hôm ngồi treo vắt võng trên nhánh cây chùm ruột trước nhà, lớn tiếng đọc lào lào bài tập đọc, không nhớ nguyên bài thế nào, chỉ nhớ cuối bài có câu mà tôi dõng dạc đọc là "cho em không lớn". Ông tôi ngồi ở dưới nghe được, bèn lên tiếng sửa là "cho em khôn lớn". Tôi không chịu nghe theo. Thế là hai ông cháu cãi nhau. Sau cùng, ông mệt quá, thốt lên, "Đồ ngu!" Thằng khỉ nhị đệ của tôi ở dưới đất nghe vậy, cũng hòa theo, "hì hì hì ... anh hai nhu! hì hì".
Ông mất năm '80. Còn nhớ đêm đó, nửa đêm chợt tỉnh giấc, thấy mình đang nằm trên nhà bác Ba Giáo ở cùng xóm (Bác Ba là con trai của Ông Sáu, anh ruột của Bà Nội tôi). Hỏi tại sao tôi lại ở đây thì không ai chịu nói. Tôi nằng nặc đòi về vì không muốn ngủ xa Bà Nội. Mãi lâu mấy anh mới đưa tôi về nhà. Bà nhìn tôi mếu máo, "Ông Nội mất rồi con". Tôi ngơ ngác không biết nói gì, cũng không xúc động gì--tuổi thơ chừng ấy làm gì biết ý thức về sinh tử. Thì ra chú tôi đã đưa tôi lên ngủ nhờ bên nhà Bác Ba để gia đình tiện lo tang sự.
Sau đó, đi "thăm nuôi" phụ thân tôi ở Tây Ninh. Trên đường đi bộ mấy cây số từ trạm xe vào trại cải tạo, chung quanh cảnh hùng vĩ của Núi Điện Bà, Bà tôi đã căn dặn nhiều lần: "Ba con có hỏi thì hãy nói Ông Nội vẫn khỏe. Đừng cho Ba con biết Ông mất, kẻo Ba buồn." Tôi răm rắp, vâng vâng, dạ dạ. Đến hồi gặp Ba tôi, Bà Nội đi rửa mặt, còn tôi vô tư ngồi chơi trong lòng Ba. Chợt Ba hỏi "Ông Nội khỏe không con?" Tự nhiên tôi mếu méo, lời thốt ra vô tư như không cầm được, "Ông Nội mất rồi!" Nói xong thì òa khóc lên ngon lành. Phụ thân tôi, trong nỗi đau với tin bất ngờ mất cha, lại phải vội dỗ giành, an ủi đứa con ngỗ nghịch đang ngồi gọn trong lòng ông.
Sớm mai dậy sẽ đọc kinh cầu nguyện cho Ông tôi.
Friday, September 26. 2008
CDK Mọi việc coi như đã dàn xếp xong. Vẫn còn mậy mọ một quyển sách củ mèm, nhưng đã lật qua chương mới của nghề nghiệp...
Từ chối một lời mời với mức lương cao 17% hơn những gì tôi đang hưởng. Chắc tôi đã điên rồi!
Hồi đầu tuần nay, khi đưa yêu cầu 20% để phản bác đề nghị 9% trong thư mời đầu tiên, một chút gì đó trong tôi thầm mong rằng họ sẽ không thỏa thuận, bởi nếu có thì đây quả là thử thách quá lớn cho lòng trung thành của tôi.
|
Recent Comments