CDK Hôm trước đọc
lời bình của một vị quí khách cho một bài viết của tôi hồi năm ngoái, khiến tôi nghĩ đến câu hỏi này: Tại sao trên thế gian có nhiều tôn giáo thế? Đường đến chánh đạo có nhiều lối đi vậy sao?
Đọc tác phẩm
Living Buddha, Living Christ của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, tôi được biết rằng theo quan niệm của Phật giáo, có đến 84,000 cửa giác ngộ (dharma doors). Ngài nói thêm:
"Nếu bạn may mắn tìm được một cửa, một Phật tử không thể nói rằng cửa của mình là cái cửa duy nhất dẫn đến sự giác ngộ." (tr.39)
Thiên Chúa giáo thì khác. Bởi quan niệm về tội tổ tông, nên đạo Thiên Chúa (bao gồm Công Giáo La Mã và nhiều hệ phái Kitô giáo khác) cho rằng chỉ có đạo của Chúa Giêsu là đạo duy nhất để đưa đến "chánh quả". Dĩ nhiên quan niệm này, cho dù nếu là đúng, có chút tai hại. Người cho mình là chánh đạo sẽ tìm cách tiêu diệt những cái mà họ cho là tà đạo.
Trong chương "Đối Thoại Thật (Real Communication)", Thầy Hạnh viết:
"Nếu chúng ta quan niệm rằng mình nắm giữ độc quyền về chân lý, mà ta vẫn tổ chức cuộc đối thoại, thì đó là điều không trung thực. Chúng ta phải tin rằng đối thoại sẽ giúp ta thay đổi bản thân, và hiểu sâu, trông rộng hơn" (tr.9) (nguyên văn: "If we think we monopolize the truth and we still organize a dialogue, it is not authentic. We have to believe that by engaging in dialogue with the other person, we have the possibility of making a change within ourselves")
Đoạn trên làm tôi hơi thất vọng. Dường như Thầy Hạnh vẫn chưa hiểu đạo Thiên Chúa lắm. Đồng ý là đối thoại giúp ta thay đổi bản thân, nhưng một trong những sự thay đổi đó là sự thông cảm. Dù cho chúng ta "quan niệm rằng mình nắm độc quyền chân lý", đối thoại vẫn có ích vì nó giúp ta thông cảm (và chịu đựng) được đối phương. Chúa Giêsu đã nói "hãy thương yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. (Matthew 5:44)". Từ đó, tôi nghĩ, tà được cho phép tồn tại là để thử lòng người chánh đạo.
Người có ý khiêu khích, đặt câu hỏi: Phải chăng theo quan niệm đạo Thiên Chúa của anh, anh tin rằng Phật Thích Ca hiện giờ đang ở dưới hỏa ngục? Dĩ nhiên câu trả lời là: không. Quả thật là đạo Thiên Chúa quan niệm rằng nếu anh không tin (ở đây tôi dùng từ "tin" với ý nghĩa "tin + làm") theo Chúa Giêsu (Ông Trời Con), thì anh sẽ vào hỏa ngục, nhưng giáo lý Công Giáo cố tình không nói rằng dưới hỏa ngục hoặc luyện ngục hiện đang có những ai, bởi chúng tôi quan niệm rằng lòng khoan dung của Thiên Chúa vô bờ bến, con người không hiểu hết được.
Dĩ nhiên, trong cái nhìn hạn hẹp của con người, "tà" và "chánh" chỉ là quan niệm tương đối--người ta có thể lầm "chánh" thành "tà", và tà có thể đội lốt "chánh" để làm việc đồi bại hầu bôi nhọa chánh nghĩa, v.v...Có lẽ vì lý này mà đạo Phật quan niệm "thà tin không có Thượng Đế, còn hơn là tin có", vì họ sợ suy tưởng về một đấng Toàn Năng có thể làm hư hỏng tâm trí con người chăng--nói theo kiểu kiếm hiệp là bị "tẩu hỏa nhập ma". Tôi đã nghĩ đến điều này khi tôi xem bác
Karen Armstrong nói chuyện về tác phẩm mới nhất của bác ta--The Case for God ("Bào chữa cho Đấng Tạo Hóa"). Nguyên là một nữ tu sĩ của giáo hội Công Giáo, nhưng tôi không nhìn thấy chút khái niệm nào từ bác ta về đạo Thiên Chúa, và ngược lại, dường như bác ta đã hấp thụ rất nhiều giáo lý Phật giáo. Tôi vốn khâm phục Phật giáo ở chỗ: với quan niệm không có Thượng Đế, họ đã hiểu được nhiều chân lý. Cho nên, nhờ bác Karen Armstrong và Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, tôi hiểu rằng khi tín đồ Phật giáo nói "tôi không tin có Thượng Đế", thì câu nói đó chẳng có nghĩa lý gì cả. Dường như ở đây, câu nói của cố Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu có thể áp dụng được: "Đừng tin những gì [họ] nói, mà hãy nhìn những gì [họ] làm [được]".
Recent Comments