Hết chứng cảm đã hai tuần, nhưng vẫn còn ho khan. Người cảm thấy vẫn bình thường, không sổ mũi, không nghẹt mũi, không đau cổ họng, nhưng lại cứ mắc ho như thể bị nhột cuống phổi. Thi thoảng, hỉ mũi thấy có máu. Hình như tôi đang bị nội thương.
Tối nay về sẽ làm thử ly trà gừng mật ong uống xem sao.
Mấy hôm nay liên lạc qua i-meo, lại đụng chạm với mẫu thân. Khổ! Lần này có lẽ tôi lại "bị đòn" nặng. Bà viết: "Thật đáng buồn cho mình, thì ra trong đầu nó vẫn còn ác cảm với người mà nó gọi ngoài miệng là Mẹ, nhưng trong thâm tâm thì khác."
Nhớ mấy năm trước bà cũng đã nói về tôi: "Con cái chữi Cha mắng Mẹ thì thế nào cũng sẽ bị Trời đánh." Mà tôi đã có "chữi/mắng" bà hồi nào đâu.
Lần rồi tôi bị "tù treo" 1 năm. Phen này không biết lại sẽ bị treo bao lâu đây.
Mấy anh em nhà tôi ít khi dám đá động đến mẫu thân, vì sợ gây chạm tự ái sẽ làm bà cả giận lên. Quả là người ta đã từng bảo "im lặng là vàng", nhưng phải là im lặng khi không cần phải nói, và can đảm nói khi không nên giữ im lặng, dù cho lời nói ấy sẽ đem đến sự phiền hà cho bản thân. Dẫu biết ở chữ "nhịn", nhưng ít ra phải nói lên một lần rồi mới nhịn, bởi tôi cứ e không nói lại có hại hơn là nói.
Suy đoán làm chi những điều không thật, chỉ hại cho sức khỏe mình thôi chứ ích lợi gì ai đâu. Nếu phải nghĩ những gì không thật, thì tốt hơn nên nghĩ tốt cho người ta, không nghĩ xấu cho người ta. Tiếc rằng giữa mẫu thân tôi và tôi vẫn chưa có được khoảng cách đủ gần để khi tôi nói lên những lời này, thì Mẹ tôi sẽ nghĩ rằng tôi nói vì thương Mẹ chứ không phải là do có "ác cảm" với Mẹ.
Đã hết cảm nhưng mấy hôm nay còn ho xù xụ.
Hai ngày vừa qua phụ thân tôi xuống phụ ráp dùm hai cái cửa lưới (screen doors) trước sau, mua từ Home Depot, hai cái tổng cộng khoảng $310. Chúa Nhật ráp cửa sau, do chưa có kinh nghiệm nên mất nhiều thời gian và cửa đóng hơi bị kẹt. Thứ Hai ông không có đi làm, chiều tôi về sớm, ráp cửa trước, mất khoảng 2 tiếng đồng hồ, gọn gàng, không bị kẹt.
Nhân dịp này, có cơ hội ngồi ăn mấy bữa cơm giản dị với phụ thân, tôi chợt nhận thức lần đầu: Ba tôi đã già. Đầu tóc bạc xơ. Ánh mắt sáng quắc của thuở nào, nay có phần mệt mỏi.
Sáng Thứ Sáu, cảm thấy không được khỏe. Gửi email vào công ty, báo bệnh, sẽ không vào sở làm. Dần đến trưa, chiều, thì triệu chứng càng nặng hơn. Cảm giác lạnh run. Tối đến, nằm run giật theo từng cơn lạnh nó ào đến trong cơ thể. Uống Tylenol. Đắp nước lạnh cầm chừng.
Sáng Thứ Bảy dậy, thấy không còn lạnh như đêm qua. Gọi điện cho văn phòng bác sĩ gia đình, được bác ta cho số của bộ Công Y thành phố để họ chẩn đoán qua điện thoại xem có phải bị H1N1 không. Đường dây nóng đang bận, cô thư ký bảo khoảng 45' sau sẽ có cô y tá gọi lại. Quả là 45' sau, cô y tá gọi đến. Chẩn đoán một hồi thì phán cho một câu: chỉ cảm cúm thường.
Sáng Chúa Nhật dậy, tắt tiếng. Nói không nổi. Ráng bò ra khỏi giường, súc miệng bằng nước muối, thấy đỡ, nhưng sinh hoạt tới chiều thì đừ người ra.
Sáng Thứ Hai, đỡ hơn nhiều, nhưng vẫn còn oải. Chiều đến chạy lên đưa thư cho phụ thân--nghe nói mấy ngày nay ông cũng sụt sịt--tối chạy xuống đường Queen ăn chầu Chả Cá Lã Vọng, vẫn thấy ngon miệng như xưa. Chạy về nhà, ngang công viên nhỏ ở trong xóm, thấy chòm xóm tụ nhau đốt pháo bông, bèn tấp xe lại xem ké một hồi.
Tháng Bảy tới chắc sẽ ra công viên Ashbridge's Bay (Bãi Hồ ở phía đông Toronto) xem pháo bông ngày quốc khánh Canada. Nghe nói đấy là địa điểm lý tưởng nhất để xem pháo bông.
Đã quá trễ giờ.
Em bước ra cửa, nhưng rồi lại muốn quay vô, như thể vừa nhớ lên điều gì.
Anh quát lên, giọng trầm, nhưng gằn rõ từng câu chữ: "Thôi đi ra mau!"
Em cuối đầu, vâng lời bước nhanh qua ngưỡng cửa.
Anh biết ngay lập tức...
Anh đã lỡ lời.
Anh xin lỗi em yêu.
Sáng hôm qua gọi điện về thăm mẫu thân. Bà đã lên Sài Gòn hôm 30/4, nhưng mà đang đi thăm người thân ở ngoại ô, không có quán Internet nên không lên mạng chít chát, không "check mail" được. Hồi ở Cần Thơ cứ mãi than trời nóng, không đi đâu được. Nay nghe nói lên đây mát hơn nhiều. Mới đi Suối Tiên chơi, mà lại nấu cơm nếp, nướng thịt gà, đem theo ăn. Bó tay.
Tuần sau bà sẽ trở vô nội thành.
Đã lâu lắm rồi không đi dự, sáng Chúa Nhật hôm nay, tôi mon men ra Quảng Trường Nathan Phillips để xem cộng đồng người Việt ở Toronto cử hành buổi lễ kỷ niệm ngày Việt Nam Cộng Hòa thất trận. Tôi phải đi thôi, bởi không thể phủ nhận, sự kiện 30 tháng 4 là lý do gián tiếp tại sao tôi đang có mặt trên mảnh đất Bắc Mỹ này. Thế mới rõ một điều: trong cái họa có cái phúc.
Đây là trích đoạn của chương trình truyền hình Vietnam - The Ten Thousand Day War mà hồi mới sang đây tôi đã xem được trên đài Citytv (Toronto), chiếu vào mỗi Thứ Bảy vào 13h00 giờ chiều:
Tôi xem các cụ cựu sĩ quan và binh sĩ của binh chủng VNCH rải rác trong đám đông của Nathan Phillips Square mà thầm mũi lòng cho mấy cụ. Đã hơn 30 năm, tại sao họ không hướng được về tương lai mà cứ ôm mãi vết sẹo xưa? Tại sao họ không quên được biến cố 30 tháng 4 nhỉ? Tôi nghĩ bởi vì vết thương hãy còn đó, và họ vẫn chưa chính thức nhận được lời xin lỗi nào về lối cư xử của Hà Nội đối với họ và các đồng chí của họ sau cuộc chiến. Chiến tranh gây nhà tan, cửa nát đã đành. Nhưng nếu đã "hòa bình", sao lại còn gây phân ly, khiến vợ mất chồng, con thiếu cha. Đối với nhiều người, sự cách ly ấy kéo dài đến mười mấy năm ròng rã. Đối với cá nhân tôi, viết lên bài này coi như là giải tỏa một phần ấm ức nào đó không nói lên được, một bước đầu để xoa dịu vết thương gia đình, đã ly tan sau 30/4, và mãi đến mấy năm gần đây mới tạm gọi là đã "đoàn tụ".
Hôm qua, ngồi ăn tối với phụ thân tôi--có cả nhị đệ của tôi tới chơi--kể chuyện tị nạn ngày xưa, làm sáng tỏ thêm trí nhớ mù mờ của tôi về chuyến hành trình vượt biển của tôi năm xưa. Thì ra, chiếc tàu đã cứu vớt chúng tôi hồi năm 1985 là chiếc J. Paul Getty (được đặt tên theo một công nghiệp gia dầu hỏa cùng tên, còn được gọi là Alaska Getty, treo cờ Liberia, thủy thủ đoàn người Ý). Trước giờ tôi cứ ngỡ nó là chiếc tàu của Na Uy, nhưng thật ra nó thuộc công ty vận chuyển Fuji Trading Co. Ltd. - Marine Supply and Engineering của Nhật, theo thông tin từ phụ thân tôi.
Đọc bài Ghen và hạnh phúc trên mục Giải Đáp Tâm Tình của Thời Báo, không phải tôi quá rãnh muốn mở dịch vụ "giải đáp tâm tình" cạnh tranh với Thời Báo, nhưng vì thấy có nhiều điểm quen quen.
Người trong cuộc thường hay bị "rối trí", nhất là trong chuyện tình cảm. Tôi thấy bác Tr. H. N. làm sai ở chỗ này: "Tôi phẫn nộ và quyết tâm bằng bất cứ giá nào phải giữ nàng lại, bảo vệ hạnh phúc gia đình. Tìm V. để hắn biết khó mà lui? " Có câu (tôi trích phỏng): Những gì của mình thì sẽ về mình; còn những gì không thuộc về mình thì dù có cố níu giữ cũng sẽ mất. Vấn đề không phải là ở chỗ bác V; đây là một thử thách về sự chung thủy của cô Th.
Ghen không phải là điều xấu, nhưng ghen tuông thường là động cơ cho nhiều hành động tệ hại. Nếu là tôi thì tôi sẽ "án binh bất động", đừng làm gì hết, thậm chí tự cách ly mình ra xa, để có khoảng thời gian suy nghĩ và định đoạt, dùng đầu óc của chính mình để suy xét, nhưng dùng con tim để kiểm chứng sự định đoạt ấy. Hành động nhất thời theo đề nghị của người khác, nhất là của người thân, đôi khi sẽ phản tác dụng. Và sau hết, nếu không thể vãn hồi, nếu bác thật sự yêu cô Th, thì hãy để cho cô ấy đi.
Trong đời tôi hay làm nhiều điều ích kỷ, nhưng không ai có thể cho rằng, tôi ích kỷ trong tình yêu.
...sau ngày mãn chay. Paradiso Medium...Hmmm....yum....Tim Horton's không bao giờ sánh bằng.
Trưa nay trời ấm (15°C), ngẫu hứng mon men qua Sherway Gardens mua ly cà phê, sẵn dịp hít khí ấm của mùa xuân và xem trăm hoa đua nở.
Đã từng nghĩ là tôi uống chứ không ghiền.
Lần kiêng cử kỳ rồi, tôi chứng minh rằng tôi không tự dối mình.
Hôm nay, người Kitô giáo long trọng mừng Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết.
Tôi nhân dịp này, dọn dẹp nhà cửa, lau chùi tủ thờ, chụp tấm ảnh này để lưu niệm:
Bức tranh này hồi năm nào tôi đã lượm được ngoài ven đường, hồi còn ở nhà phụ thân tôi. Ai đó đã vứt ra bãi rác bên lề đường.
Lm. George Henry Cloutier, OFM, người cha tinh thần của tôi trong những tháng tạm cư ở Nhật Bản.
Miếng vải tang đen, Ngũ Cô tôi may cho, tôi đã đeo để tang cho Bà Nội tôi khi Bà qua đời hồi năm '98.
Hình Ông Nội tôi, do Cửu Thúc tôi minh họa.
Thật ra tôi chưa dọn mình đón Chúa Phục Sinh cho xứng đáng. Sáng Thứ Sáu xem lại bài Via Dolorosa làm một lần nữa rơi lệ. Trưa đến, định đi xưng tội, nhưng vào nhà thờ, thấy thiên hạ sắp hàng dài triền miên, tôi đứng sắp hàng được nửa tiếng thì bỏ cuộc, về chạy lên nhà nhị đệ tôi, sinh họat hai ngài lễ với gia đình nó. Tụi nó "tổ chức" ăn...thịt nướng (độc địa!), nhằm lúc tôi đang kiêng thịt, nên đành nhịn thèm. Tội cho thằng em, phải chạy tìm mua mấy con cá về để nướng cho tôi ăn. Tối đến, lên Yahoo Messenger, gọi về mẫu thân tôi dưới Cần Thơ, cho bà nghe đám con cháu bên đây la hét kara-ôkê.
Hôm nay (Chúa Nhật) đi xem lễ 4 giờ chiều xong, chạy lên viếng phụ thân tôi và để đưa thư, tiện dịp được ăn ké một chầu thịt nướng (bít-tết, sườn non và đùi gà) thật hả hê.
36 Bấy giờ Đức Giê-su đi cùng với các ông đến một thửa đất gọi là Ghết-sê-ma-ni. Người nói với các môn đệ: "Anh em ngồi lại đây, Thầy đến đàng kia cầu nguyện." 37 Rồi Người đưa ông Phê-rô và hai người con ông Dê-bê-đê đi theo. Người bắt đầu cảm thấy buồn rầu xao xuyến. 38 Bấy giờ Người nói với các ông: "Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy." 39 Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng: "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha."
Chén ấy không chỉ đơn giản ám chỉ cuộc tử nạn mà Ngài sắp phải chịu, mà là tội lỗi của thế gian. Nỗi đau to tát nhất của Chúa Giêsu là mặc dù Ngài đang đích thân tiến hành công cuộc cứu độ, vẫn sẽ có nhiều linh hồn bị mất mát bởi do sự lựa chọn của chính họ. Đó là chén đắng mà Ngài đã xin Chúa Cha cất đi, để khỏi phải bị mất đi biết bao nhiêu sinh linh mà Ngài hằng yêu dấu. (Sưu tầm: Palm Sunday 09)
Sắp đến ngày tưởng niệm cuộc tử nạn của Chúa. Tâm hồn tôi có gì đó bất an. Phải chăng tôi bất an vì cảm nhận cực hình Chúa phải gánh chịu cho tôi, hay là tôi bất an bởi tội lỗi của chính mình chưa được hòa giải?
Ở đời hiếm có sự hoàn hảo. Ta phải tập sống cho thật tốt với những sự không hoàn hảo (của chính mình và của những người chung quanh mình), và từ đó khiến cho nó trở nên hoàn hảo hơn.
Ý niệm trên đây, chắc nhất định là tôi đã học được từ đâu đó, chứ không phải do tự tôi nghĩ ra.
Trời hãy còn sớm. Đi ngủ tiếp đây.
Gần đây nhà tôi bị nạn dán (cockroach) hoành hành.
Mấy tuần trước tôi vào Home Depot mua một bình Ortho Home Defense MAX (hình bên trái), mỗi tối xịt một vòng dưới sàn nhà và trong những kẽ hóc, thấy cũng có chút hiệu quả, nhưng chưa biết có diệt tận gốc hay không.
Nhân đây bàn về chuyện sát sanh--chắc do bị nhiễm từ mấy vị Phật tử. Lúc xưa tôi áy náy khi phải đập một con ruồi lỡ bay vào nhà, đôi lúc cầm khăn giấy bắt nó trong tay xong thì rồi mở cửa thả nó ra ngoài, bởi mình nghĩ, nếu cứ giết chúng miếc chắc có ngày chúng sẽ tuyệt chủng.
Hôm nọ, đọc thấy những người ủng hộ phá thai ví những bào thai con người như là những con dán hay con kiến mọn. Ở nơi mấy người này, tự dưng một thai nhi bị hạ thấp xuống cấp bậc sâu bọ, một sự so sánh hơi bị phi lý. Phi lý cỡ nào, thử bắt mấy ông này mang thai, rồi hỏi mấy ông ấy nghĩ gì khi cảm nhận cái đạp của con mình, khi vuốt ve nó những lúc nó quậy phá trong bụng, và chứng kiến giây phúc nó nghe lời mình, không đạp phá mình nữa, thậm chí cảm nhận được nó biết đau khi mình vô tình bị va chạm mạnh nơi bụng, biết hốt hoảng khi nghe tiếng động bất thình lình--thì chắc sẽ hiểu hơn.
"The scourge of AIDS cannot be resolved with the distribution of condoms: on the contrary, the risk is that of amplifying the problem."
...
The Church's view, confirmed by experience on the ground, is that condoms alone do not stop sexual promiscuity, the true cause of the rampant spread of the disease, and even encourage it sometimes by bringing a false sense of security.
...
Our Holy Church continues to proclaim that the moral law is exceedingly clear: it is never licit to eliminate the life of an innocent person to save another life
Về vụ ngừa thai và cuộc sống trinh khiết, có bài giảng này của LM Jeffrey thấy hơi hay, nhưng không hiểu bao nhiêu bạn trẻ làm theo được--nếu là tôi thì tôi làm không được. Làm sao giải thích được cho tuổi trẻ tò mò, đầy ham muốn khám phá, rằng họ hãy còn cả một cuộc đời để tìm hiểu về tính dục, trong khi có những thứ họ chỉ có thể làm khi hãy còn niên thiếu, ngây thơ.
Về vụ phá thai của Carmen, qua bài viết của TGM Rino Fisichella, thay vì sự rạn nứt của Giáo Hội từ bên trong theo như dư luận nhận xét, tôi nhìn thấy hai mặt của Thiên Chúa. Một mặt công chính vô cùng: phạm luật thì phải chịu hậu quả; tôi dám thọt tay vào ổ điện thì tất nhiên phải bị điện giật. Mặt khác bao dung vô cùng: mặc dù tôi phạm tội, nhưng Chúa vẫn cho cơ hội để tôi được sống bên Chúa, nếu tôi thật sự mong muốn điều đó.
Đã hơn 1 giờ khuya. Mấy năm rồi chưa thức khuya đến độ này--thường thì 0h59 là cùng.
Tối nay do phải giúp ông sếp tôi chuẩn bị cho chuyến đe-mồ bên Phoenix (lại là Phoenix?) ngày mai. Chuyến này ông đi; tôi ở nhà dùng chiêu "cách không điểm huyệt" để hỗ trợ từ xa. Giờ đã xong việc phải làm. Đi ngủ thôi!
Recent Comments