Halloween năm nay nhầm ngày Thứ Bảy, cho nên tôi được dịp ở nhà phát bánh kẹo cho mấy đứa trẻ hàng xóm. Trời có gió mạnh, nên khá lạnh. Thế mà lũ trẻ vẫn kéo nhau đi "trick or treat" đông như giặc. 18h30 là chúng đã bắt đầu bấm chuông nhà. Hai mươi mấy đồng bánh kẹo mua từ Wall-Mạt cầm cự được gần một tiếng đồng hồ thì hết sạch.
Tam muội nó gọi đến hỏi thăm, bảo rằng nó đang chuẩn bị đi halloween party. Hmmm...từ đó tới giờ tôi chưa từng đi dự tiệc halloween.
Mấy hôm trước cu J gửi email "mời" Bác Hai lên Guelph đi "trick or treat" với hai anh em nó, mà tôi chưa hồi âm. Hôm nay thấy trời lạnh quá cho nên tôi "khước từ".
Năm ngoái trời ấm, nên phát sạch thùng bánh kẹo ở nhà, tôi khóa cửa, ra ngoài dạo xóm để chiêm ngưỡng quang cảnh "trick-or-treating". Tôi từ đó tới giờ chưa từng đi trick-or-treating. Thấy khá vui nhộn. Đi ngang một nhà, thấy có đề bản: "No treat or treating. We don't believe in Halloween." Hmm...chắc nhà này theo đạo gì đây. Tôi coi halloween như là một cơ hội để phát lộc vui cho chính bản thân tôi. Khi lũ "ma quỷ" tới trước cửa nhà tôi với câu chào "Trick or treat!", tôi thèm lắm muốn trả lời với câu "God bless you, you little devils!", nhưng kềm lòng với câu "happy halloween!"
Một câu hỏi thoáng lên: anh không sợ bị ma quỷ "cám dỗ" lôi kéo anh theo tà ma sao? Đối với một người công giáo, nếu tin rằng ma quỷ có đủ sức mạnh để lôi kéo ta theo tà đạo, thì chẳng khác nào ta tin rằng Chúa Thánh Thần đang ngự trong ta không mạnh bằng tà ma: "anh em lại chẳng biết rằng thân xác của anh em là Đền Thờ của Thánh Thần đó hay sao?" (1Cor 6:19)
Nhiều người công giáo muốn "tẩy chay" ngày ma quái này. Nhưng thật ra, người ta nên lợi dụng ngày ma quái này để "cảm hóa" những linh hồn ma quái thành những linh hồn hoàn thiện.
Dĩ nhiên, tôi không phải là phát ngôn viên chính thức của Giáo Hội Công Giáo.
Chiều hôm qua rời văn phòng, bước ra sân thượng nơi bãi đậu xe, mới 18h30 mà chẳng còn thấy ánh sáng mặt trời đâu cả, chợt nhớ câu nói của Bà Nội tôi lúc xưa: "Đêm tháng 5 chưa nằm đã sáng; Ngày tháng 10 chưa cười đã tối". Ngàn dặm xa xôi cách hơn nửa vòng Trái Đất, câu nói này vẫn còn quá đúng.
Cuộc đời Nội tôi khổ nhiều, sướng ít. Sáng mở mắt ra là làm lụn tất bật, loay hoay chưa làm được chi mà đã tới tối mờ, không thấy đường để cuốc đất nữa nên phải nghỉ thôi. Tối đặt lưng nằm xuống, gác tay lên trán suy tính coi ngày mai sẽ làm gì, ngã lưng chưa được yên thì gà đã gáy, trời đã hừng sáng.
Cuối tuần này đây miền đông Bắc Mỹ sẽ đổi giờ (thụt lùi lại một giờ), câu nói dân gian ở trên sẽ trở nên "bớt đúng"...ừm...hay là càng đúng hơn?
Con vẫn luôn nhớ đến Nội, dù cho mấy năm gần đây, thử thách của đời dễ làm con quên lãng.
Kinh nguyện Linh Hồn Chúa Cứu Thế (Anima Christi) của Thánh Ignatius Loyola (người sáng lập Dòng Tên).
Hồn Chúa Cứu Thế, xin thánh hóa tâm hồn con.
Xác Chúa Cứu Thế, xin cứu lấy thân xác con.
Máu Chúa Cứu Thế, xin cho đức tin của con đừng khô héo.
...
Latin
Việt ngữ
Anh ngữ
chorus:
Anima Christi, sanctifica me.
Corpus Christi, salva me.
Sanguis Christi, inebria me.
Aqua lateris Christi, lava me.
Hồn Chúa Cứu Thế, xin thánh hóa con.
Xác Chúa Cứu Thế, xin cứu vớt con.
Máu Chúa Cứu Thế, xin cho con say mến.
Nước cạnh sườn Chúa, xin tẩy rửa con.
Soul of Christ, sanctify me
Body of Christ, save me
Blood of Christ, inebriate me (refresh me)
Water from the side of Christ, wash me
[1] Passio Christi, conforta me.
O bone Jesu, exaudi me.
Intra vulnera tua absconde absconde me.
Cuộc Khổ Nạn của Chúa, xin ủi an con.
Ôi Giêsu tốt lành, xin nghe con cầu khẩn.
Trong vết thương Chúa, xin che giấu con
Passion of Christ, strengthen me
O good Jesus, hear me
Within Thy wounds hide me
[2] Ne permittas a te me separari.
Ab hoste maligno defende me.
In hora mortis meae voca me voca me.
Xin đừng bao giờ tách lìa con xa Chúa
Xin bảo vệ con khỏi kẻ thù hung ác.
Xin gọi con trong giờ lâm tử.
Separated from Thee let me never be
From the malicious enemy defend me
(from the malignant enemy defend me)
[3] Et iube me venire ad te,
cum Sanctis tuis laudem te.
per infinita saecula saeculorum. Amen
(nguồn: lyricstime.com)
Và xin mang con đến gần Chúa,
Ðể cùng với các Thánh,
con ngợi ca Chúa đến muôn đời. Amen.
(nguồn: thanhlinh-austin.net)
In the hour of my death call me
And bid me come unto Thee
That I may praise Thee with Thy saints
and with Thy angels
(That with thy saints I may praise Thee)
Forever and ever
Amen
Ý thức với câu nhắn "đừng để quá muộn", nên chiều Chúa Nhật hôm qua tôi lên thăm phụ thân tôi (sáu tháng rồi tôi không tới thăm ông, tuy rằng ông vẫn xuống chỗ tôi thường), không để bàn luận gì to tát, chỉ là có mặt trong câu nói ngầm, "con vẫn còn đây, nếu Ba thấy vẫn còn dùng được đến con", không biết ông có hiểu tôi không. Tôi thấy Ba tôi sống có vẻ khá yên ổn, không có vẻ bị lụy phiền, nên tôi có chút mừng.
Mấy hôm trước đó tôi email hỏi ông câu hỏi ngắn gọn, vì thấy mấy năm gần đây, lối suy luận của ông hơi "lạ". Trong thư, tôi viết vỏn vẹn:
Mấy năm gần đây con suy ngẫm nhiều về lĩnh vực tâm linh. Con muốn hỏi Ba câu này: Ba có còn tin vào Chúa không? Hay là vì thằng con bất hiếu này đã khiến Ba mất lòng tin?
Ngay sáng sớm hôm sau, thấy ông hồi âm:
Ba chủ trương thiên về khoa học thực nghiệm ...Quan niệm này có thể gần giống với " Duy vật biện chứng " của thuyết CS ...Gần giống thôi chứ không là như 1, vì thực tế mọi chủ thuyết về CS đã lỗi thời ... Mọi sự vật cần phải được chứng minh cụ thể ...Những tín điều,những mặc khải của Tôn giáo chỉ là những điều được đặt ra,ghi lại gần như buộc người tín hữu phải tin là như vậy không cần suy luận, không cần đòi hỏi chứng minh cụ thể ...Với người quan niệm thiên về " Khoa học thực nghiệm " khó có tính thuyết phục ...vì đúng là những điều mơ hồ, không dễ tin ... Cho nên với tôn giáo & tín ngưỡng, ba thực tình không mấy sốt sắn,chỉ là do tập quán tiếp nối trong đời sống từ Ông Bà.
Ngành con học và làm việc cùng không xa mấy với "Khoa học thực nghiệm" nên việc nghiên cứu về các v/đ tâm linh, Ba nghĩ cũng chỉ như một trò giải trí mà thôi! Không cần phải "lặn hụp " trong cái "không gian hư hảo " đó nhiều thêm mệt óc ...
Tôi bèn hồi âm vội:
Đúng là ngành khoa học máy tính của con thật là một nhánh khoa học thực nghiệm (experimental science).
Nhưng, nếu ta chỉ dựa vào những gì nhất thời có thể chứng minh được, thì là tự giới hạn mình quá, và những gì không chứng minh được, con nỗ lực thí nghiệm để chứng minh, vì con "tin" ở một mức điểm nào đó, là con có thể làm được. Và từ đó nảy sanh ra những thứ tạm gọi là "phát minh".
Trong vũ trụ có vô số những điều mà khoa học chưa chứng minh được, nhưng điều đó không có nghĩa là nó không tồn tại. Từ thời tạo thiên lập địa, vũ trụ đã có "điện". Nhưng người ta không biết nó là "điện" cho tới khi Benjamin Franklin khám phá ra nó hồi năm 1752 .
Nhà toán học Kurt Gödel, chỉ mới năm 1931 đây thôi, cho công bố Định Lý Bất Toàn, trong đó ông chứng minh rằng: vốn có những câu luận ngữ mà chúng ta không thể chứng minh được là nó đúng hay sai.
Khoa học ước lượng vũ trụ ta có đường kính khoảng 166 tỉ Năm Ánh Sáng (tNAS, nguồn: http://en.wikipedia.org/wiki/Universe), trong số đó có khoảng 93tNAS được liệt kê là "có thể quan sát được". Mà Thiên Chúa/Thượng Đế/Ông Trời là đấng tác tạo ra vũ trụ. Trí tuệ hạn hẹp của loài người không thể "chứng minh" được Ông Trời, vì vậy, cần có sự "mặc khải". Biết qua "mặc khải" thì cũng là một cách để "biết".
Thường thì đức tin dìu dắt cho suy luận, chứ không phải là có tin rồi nên không cần suy luận, không cần tìm hiểu. Nhưng nếu đặt niềm tin đúng chỗ, thì chỉ cần răm rắp làm theo, không cần suy nghĩ cho mệt óc, thì cũng có thể đạt được mục đích. Lấy ví dụ của chiếc xe hơi. Mấy ai, trong số người tầm thường như con đây, hiểu được những cơ cấu máy móc trong hầm máy của chiếc xe hơi. Nhưng họ vẫn tin rằng hễ gài số vào nất "D (Drive)" thì là chiếc xe chạy tới, và gài vào chữ "R" là xe thụt lùi.
Niềm tin còn dẫn dắt cho hành động. Khi người ta có con, họ đặt niềm tin vào đứa con đó sau này sẽ là người tốt, giúp ích cho gia đình, cho xã hội, và họ cưng chìu nó với kỳ vọng đó. Trái lại, nếu họ tin rằng đứa con mình sau này sẽ trở thành một tên đại ác nhân, thi có lẽ họ sẽ cư xữ khác đối với đứa con đó.
Tín lý Công Giáo dạy rằng: Ông Trời tạo ra con người theo giống hình của Ngài. Tức là có Thần (giống Chúa Thánh Thần), xác (giống Chúa Giêsu, hiện thân của Đức Chúa Cha) và hồn (thuộc về Đức Chúa Cha). Khoa học thực nghiệm chỉ có thể đáp ứng phần "xác" (sinh vật học) và phần "thần" (tinh thần, tâm lý/tâm thần học). Nếu chỉ chú tâm duy nhất vào khoa học, thì trong hiện tại khoa học chưa chứng minh được, ta lấy gì làm "thức ăn" cho phần hồn?
Không thấy ông hồi âm. Tôi biết chắc chắn là không phải tôi đã thuyết phục cha tôi trở lại với Chúa, bởi, thứ nhất, "tôi thuyết phục được cha tôi" là điều không thể xãy ra, và thứ hai, rõ ràng những lập luận của tôi chưa đủ chính xác. Xác suất cao hơn là: Ba tôi đã đi đến kết luận rằng không thể lý luận với thằng con "mù quáng" như tôi.
Theo tôi biết, trong dòng họ tôi, chỉ có tôi và phụ thân tôi là theo đạo công giáo, do duyên cớ hồi năm 1986 được sống ở 2 trại tị nạn do các linh mục truyền giáo công giáo chưởng quản. Nay có khả năng cho thấy tôi là "loài vật có nguy cơ tuyệt chủng".
Chắc tôi cần phải tìm hiểu thêm cái gọi là "duy vật biện chứng".
Tưởng cũng nên nói, kẻo người đời lại nghĩ tốt cho tôi một cách lầm lẫn, bản thân tôi cũng chẳng phải là "đứa con ngoan đạo" gì--dạo này tôi rất ư là lười đi dự Lễ Chúa Nhật. Giữa hai cái "hiểu mà không làm" và "không hiểu nên không làm" thì chắc là "tri pháp phạm pháp, tội càng nặng." Thiết nghĩ, cũng chẳng mấy an ủi gì, nếu tôi nói tuy không đi dự lễ, nhưng tâm hồn tôi luôn hướng về Chúa. Được hiệp nhất với Hội Thánh Thông Công và nhận lãnh Bí tích Thánh Thể, đối với tôi đang là một sự khao khát mà tôi chưa có ân huệ được hưởng trọn vẹn. Chắc là chưa đến thời, đến lúc.
Trái gió, trở trời, nội lực tiêu tan, tôi cảm nhận được cơn bệnh cúm đang tấn công sắp tới nơi. Thể xác cũng mệt mỏi, nhưng dường như tâm hồn tôi mệt hơn.
Tối nay phải đi ngủ sớm thôi--ngay sau khi viết mấy dòng này. Sáng 02h00 sẽ dậy làm việc, trưa mai phải giao nộp dự án cho khách.
Chúa Nhật vừa rồi tôi chạy lên nhà nhị đệ để dự tiệc sinh nhật bé K (tròn 6 tuổi). Như thường lệ, hễ nhà nhị đệ tôi có tiệc là khách dự đông nghẹt. Hình như trong gia đình tôi, từ phụ thân, mẫu thân tôi, đến ba đứa em tôi, ai cũng có tài xã giao, ngoại trừ Độc Cô Quái Khách là ít quen ai.
Bé K, tháng trước được Ba nó mua cho cái máy Nintendo DS. Ba nó bảo: thôi tốn tiền mua máy game cho con rồi thì năm nay khỏi làm tiệc sinh nhật nha. Nó trả lời rằng: Không, cứ làm đi để Bà Nội và Bác Hai cho tiền lì-xì nó, rồi nó sẽ lấy tiền đó hoàn trả tiền mua máy game lại cho Ba--Lời Mẹ nó thuật lại. Khôn lạy!
Từ hôm viết bài này cho tới nay, tôi băn khoăn nhiều về đề tài và giải pháp. Mấy hôm nay, dường như có hé lên chút tia sáng. Nghĩ lại, trong quá khứ, tia sáng ấy đã vài lần đến với tôi. Đấy là: tôi phải tự hạ nhục mình, mà không chút do dự. Gợi nhớ câu nói của một Phật gia nào đó tôi đã đọc/nghe được mấy tuần trước, nhưng giờ không còn nhớ rõ quí danh, tôi đỗi chủ đề "nhận thức về con sông" thành "sự ức hiếp/sỉ nhục", dựa trên gương của Chúa Giêsu:
Lâu lắm rồi, tôi từng bị người đời ăn hiếp, và tôi phẫn uất. Và tôi tìm cách làm sao đễ khỏi bị người đời ăn hiếp. Và giờ đây, sau bao nhiêu năm, tôi đã tìm ra "cách": hãy cứ để người đời ăn hiếp.
Hình như đại ý của đoạn văn gốc là như thế này:
Years ago, when I first began to practice meditation, a river was as river. And, as I meditated, the river stopped being a river. And now, after many years of meditation, I see a river as a river.
Tự hạ nhục mình. Có lẽ đây cũng là cách để khắc phục tội tổ tông.
Recent Comments