Sáng Thứ Bảy vừa rồi bật TV chợt thấy đài YTV chiếu lại chương trình này. Gợi nhớ năm 1986 hồi mới đến xứ Rừng Phong, ở 2467 Dundas West, học lớp 9 ở trường Bloor, mổi sáng 7h30 thức dậy với điệu nhạc của Alvin and The Chipmunks trên cái TV 5' trắng đen mà phụ thân tôi mới mua.
Lúc xưa khi học mấy môn Thần Học ở trường St. Jerome, Waterloo, tôi đã ngu xuẩn lấy Thánh Âu Tinh ra làm đề tài cho luận án--ngu xuẩn vì những tác phẩm của ông rất uyên bác, càng đọc càng thấy rối bù chả hiểu trời trăng gì. Nay "luyện" lại xem mình đã đủ "công lực" để lãnh hội hay chưa.
Tối Thứ Sáu:
Tụi P & T chợt gọi, giọng có vẻ khẩn trương, bảo bà cụ đi đâu suốt ngày không thấy về, hỏi có xuống chỗ tôi không? Tôi gọi P & M hỏi có lên đó không? M trả lời 'không'. Tôi trấn an P, bảo đừng lo, đây không phải là lần đầu cụ đi không nói lời nào, chắc là buồn bực gì đó nên đi chơi với bạn thôi. Chứ đi tìm thì biết đâu mà tìm?
Tuy bảo nó thế nhưng mình nằm trằn trọc tới khuya mới ngủ được.
Thứ Bảy:
Hôm nay phải đi học lớp ABC. Trước khi đi tôi gọi T thì biết khuya đêm qua bà cụ đã về rồi. Thở phào nhẹ nhỏm.
Vừa tan lớp là mở ĐT gọi cho bà cụ hỏi thăm. Bà bảo hôm qua đi bộ dạo phố rồi, leo lên tắc-xi tuốt luôn xuống tới bờ hồ.
Trời đất. Hết ý kiến.
Tôi phi ngựa sắt thẳng luôn lên nhà cụ. Tụi P & T đã đi đâu mất. Tôi nói cụ thay đồ đi ra ngoài ăn trưa. Trên xe, cụ chỉ đường cho tôi đến quầy bán thức ăn tận đường Dixie và East Gate ở Etobicoke.
Ăn xong, cụ muốn đi Chợ T&T ở Mississauga nên chở cụ đi luôn. Mua được 2 con Cua Vancouver.
Về tới nhà thì trời đã tối. Đã dự định hôm nay đi thử khói xe. Thôi thì để tuần tới.
Tôi bảo cụ: "Mẹ ngủ sớm nhe. Sáng mai con tới rang cua ăn".
Chúa Nhật:
Sáng dậy bận lau dọn nhà cửa, nên tới trưa mới sang nhà cụ được.
Tôi gọi điện trước khi đi. Qua máy điện thoại, giọng bà cụ có vẻ giận dỗi.
Tôi tới nơi. Tụi P&T cũng đà đi đâu mất.
Rang cua ăn xong tôi chở cụ ra High Park ngắm cảnh mùa thu.
Xong, kéo về nhà tôi nấu bún riêu ăn, bà ngồi chơi tới tối quên cả thời gian, 23h00 tới lúc nào không hay.
Nói chung, một cuối tuần đầy ý nghĩa.
Đã dự định chiều nay 16h00 đi Lễ Chúa Nhật nhưng rồi lại thôi. Gia đình quan trọng hơn. Chúa vẫn ở bên tôi suốt đời tôi--cho dù thân tôi có vướng nhiều tội lỗi--nhưng bà cụ thì chắc không thể ở bên tôi suốt đời tôi được.
Có lẽ trong lòng cụ vẫn coi tôi là "không thật lòng" bằng Chú Ba nó. Nhưng cũng không sao.
Happy 4th, bé K!
Hồi mới sanh ra, Bác Hai bồng là khóc òa lên. Giờ lớn rồi, thấy Bác Hai lên là chạy ào tới. Không biết vì lý do gì.
Dạo này xem chừng gặp nó thường hơn trước. Hôm Thứ Bảy đi tiệc sinh nhật nó. Chúa Nhật lại trở lên, đưa Bà Nội đi coi tiệm. Xong lại ghé "uống trà" (tea party) với bé K, chơi game với anh nó một hồi, xuống lầu xem Hoa Hậu Việt Nam Hoàn Vũ với Ba nó, mãi tới tối mới về.
Chẳng phải bác Thi Nga báo An Ninh Thế Giới đã từng nói đấy sao, có những tội còn nguy hiểm hơn cả cướp, giết, hiếp… đó là … «bị nhồi sọ bởi những tư tưởng gọi là tự do, dân chủ, và nhân quyền».
Mấy năm gần đây khi quan sát những sự thay đổi khả quan trong nước, tôi đã gần quên tại sao tôi đã phải trốn chạy ra ngoài này. Giờ thì nhớ lại rồi: vì tôi muốn được tự do lựa chọn giữa "bị nhồi sọ" hay không "bị nhồi sọ".
Hè vừa rồi tôi qua nhà một anh bạn chơi, được thưởng thức món nướng lạ và ngon bá cháy, tên là conch. Lão ngố tui từ đó giờ có biết conch (đọc gần giống như con-cờ) tức là ốc xà cừ bao giờ.
Chiều hôm qua trên đường đi làm về, nghe nghe đài CBC loan tin: Các nhà chức trách của Mỹ và Canada vừa tịch thu hơn 27 tấn ốc xà cừ chúa từ một nhóm buôn lậu.
Chưng hửng.
Thì ra loài đồ biển này đang được chính phủ bảo tồn--cấm đánh bắt--vì thuộc loài vật có nguy cơ tuyệt chủng.
nếu chúng ta bỏ rơi đồng loại mình để họ sống trong sự bần cùng, tàn bạo, và dốt nát, thì trong xóm địa cầu (global village) của ngày nay, sự khốn khổ của họ sẽ dần dần biến thành khốn khổ của chúng ta, không tránh khỏi.
Hay! Hy vọng lời lẽ này phát xuất từ đáy lòng hơn là trống rỗng mù tịt đọc diễn văn do người khác viết.
Trong cuộc chiến xâm lược Áp-Ga-Nít-Tăng, tôi tự hào với lối cư xử của chính phủ Canađa, đã từng khuyên đàn anh Mỹ là "đừng nên...", nhưng sau khi sự việc đã rồi, Canada đã tình nguyện đóng góp tiền tài và xương máu để bảo vệ an ninh Áp-Gan và dựng lại những gì bị phá hủy.
Lối cư xử này làm tôi liên tưởng đến lối cư xữ trong gia đình...
Đối với đứa con khó dạy, bậc phụ huynh thường hay có câu (1): "Tao nói mà không nghe thì chừng đó có chuyện gì thì ráng mà chịu, đừng kêu réo tao. Tao không có thằng con như mầy. "
Lối ứng xử này không hay. Nên sửa ti tí như thế này (2): "Tao nói mầy không nghe thì cứ tự ý mầy làm đi, tới chừng nào thất bại, gặp rắc rối rồi thì cứ về đây tao gở rối dùm cho. Mầy là thằng con bướng bĩnh khó dạy, nhưng bậc làm cha mẹ này không từ bỏ mầy đâu." Đây là lối ứng xử của một Người Cha Trên Trời đối với những Người Con bất phục tùng ở dưới Trần Thế.
Tôi nghĩ, trong thực tế, đối với bậc cha mẹ dưới trần thế, miệng thì nói câu (1), nhưng rồi lại thực thi câu (2).
Rõ khổ cho cái chứng dị ứng. Hễ đến mùa này là mỗi sáng/tối tôi phải bị sụt-xịt nước mũi và ách-xì mãi.
Đã lâu chưa biết cách nào khắc phục được.
Thoáng nhớ lại khẩu quyết Nội Công Thiếu Lâm học lóm hồi 20 năm về trước, tôi thử vận khí cho lưu thông từ huyệt Liêm Tuyền xuống Cửu Vĩ, rồi trở lên. Không hình dung được sự vận chuyển của kình lực, tôi dùng hai ngón tay, ấn lần theo đường Chu Thiên và ngừng vài giây ở từng huyệt. Làm ngay trong phòng rửa mặt, không cần ra sân sau tập luyện chi cho mất thời gian.
Thấy có chút khả quan--sau 5 phút, không còn ách-xì và đã hết chảy nước mũi.
Tại sao có kết quả khả quan như thế?
Tuy đã luyện kình 20 năm, nhưng là lúc tập lúc không. Mức thành đạt chắc chưa đến 1/1000. Cho nên dĩ nhiên không phải là do tôi đã đạt được "công lực thâm hậu".
Khi sáng dậy, trong người tôi lạnh--lạnh phổi. Khi hít thở điều hòa, hơi ấm được lưu thông trong cơ thể, làm ấm người, ấm phổi, cho nên chứng ách-xì dần biến mất. Chắc là lý do này.
Cũng có thể do ảnh hưởng tâm lý. Hiệu ứng Pla-xi-bô chăng?
Cuối tuần qua, đang trên đường lên thăm chú ba nó thì ngẫu hứng dẫn tôi tuột lên luôn trên Trường Waterloo để viếng thăm học đường củ. Đã hơn 10 năm rồi không trở lại, tuy rằng hồi năm '99, khi làm việc cho Open Text một thời gian ngắn, có trở lại thành phố Waterloo một lần để đi họp, nhưng không kịp thì thời để vào thăm trường.
Nhớ năm xưa, đánh trận Waterloo đã từng làm tôi...te tua một thuở, bởi đầu óc phát triển chậm nên học ngu ơi là ngu. Tốt nghiệp xong thân thể xơ xác như cò ma.
Đậu xe bên bãi đậu của RIM, tôi tọt qua khuông viên của trường. Đầu tiên là vào Trung Tâm Nghiên Cứu William G. Davis.
Thư Viện Davis là một trong hai nơi tôi đã thường trú trong lúc làm bài tập và luyện thi (nơi thứ hai là thư viện Dana Porter của khoa Văn Học Nghệ Thuật). Rảo bước ngang các văn phòng giáo sư, tìm bảng tên của một trong hai người thầy tôi thích nhất, giáo sư Naomi Nishimura, nhưng không thấy--chắc bà ta đã đổi văn phòng.
Tản bộ sang tòa nhà của Khoa Toán...
Vào thăm lại các phòng láp:
Đây là nơi lúc xưa tôi "khám phá" ra chiêu IRC. (Phòng lab hiện trống trơn vì đám sinh viên sau kỳ thi mệt nhọc chắc đã cuốn gói về quê ăn chơi hết rồi.)
Mò qua các tủ kính trưng bày trên lầu ba, nhận thấy bảng mặt mình trong hình tốt nghiệp '97.
Lạng qua khu trưng bài cà-ra-vát hồng; không thấy phiên bản năm '91. Sẳn đây giới thiệu thêm luôn cái sự ngu của mình: cái cà-ra-vạt hồng của tôi lúc xưa, trong Tuần Lễ Hội Nhập (Orientation Week), khi viếng thăm tòa nhà của đám Dead Philosopher's Society (?), bị cô đàn chị, nhóm trưởng của nhóm mình, cô Betty-Joe gì gì đó (đã quên tên họ), toa rập, "tình nguyện" mình làm "vật cúng thần", dâng mình cho đám sinh viên Triết kỳ cựu, kết cuộc bị tụi nó tước cái cà-vạt thân thương của tôi mất.
Không có thời giờ để viếng thăm khoa Kỹ Thuật, nơi mà lúc xưa tôi đã bỏ không ít thời gian ở giảng đường Engineering Lecture Hall (nay được mang tên J.R. Coutts Engineering Lecture Hall).
Phản ứng đầu tiên của tôi là căm phẫn bọn Đại Hàn, tuy biết rằng người tu hành hú không được thù hận. Đây dĩ nhiên không phải là lần đầu đọc được câu chuyện tang thương về những cô gái Việt lấy chồng Hàn. Hồi học Trung Học tôi bị một tên Hàn tiểu tử ăn hiếp, đây là vết một; đọc bài trên này coi như là vết thương thứ hai. Vết thứ ba, ta sẽ đem một loạt La Hán Thập Bát Thủ, Thập Bát La Hán Quyền, Hổ Hạc Song Hình Quyền, Ngũ Hành Quyền, cùng Phục Hổ Cẩu Quyền phối hợp với Độc Cô Bá Láp Quyền ra thí mạng cùi với Cước Quyền Đạo của tụi mi.
Cảm giác tiếp theo là buồn: buồn cho số phận hẩm hiu của những người con cháu của bà Âu Cơ; cảm nhận được sự khốn khổ cùng cực, cùng tinh thần chịu đựng to tát của các vị; và càng thấm thía hơn câu chuyện mà bạn Kim Anh gửi cho tôi đọc hôm nọ: Tại sao cha cưng con gái hơn.
Phản ứng sau cùng là sự an ủi: quả là Ông Trời có mắt. May là sự này được phanh phui ra công luận, hy vọng từ đấy sẽ giảm thiểu được những chuyện đau thương tương tự trong tương lai.
Cuối tuần qua, nhân lễ Công Nhân (Civic Day), tọt lên Queo (Guelph) thăm thằng em. Trên Xa Lộ 401, chớp được tấm ảnh hy hữu này: chiếc phi cơ hành khách, sắp sửa đáp xuống phi trường Pearson, Toronto, vừa ào qua trước đầu xe tôi.
Cùng gia đình cậu em ra Riverside Park nướng thịt ăn. Xong thì đi dạo dọc dòng sông Speed (sông này chảy dài ra Đại Hồ Ontario), gợi nhớ trong tôi dòng sông năm nào phía sau nhà dưới Gò Công, bèn chớp thêm vài tấm lưu niệm. Nhìn giống, giống lắm!
Con sông sau nhà tôi giờ đã bị lấp.
Tuần rồi, tôi nhận được giấy báo của tòa án về sự kiện chạy xe quá tốc độ của tôi năm ngoái: quí tòa kết án phạt $52.50, giảm tội hình từ 60/40 xuống còn 55/40.
Trời đất! Cúng cơm $250 cho tụi chống án để hơn 1 năm trì trệ, cuối cùng vẫn phải đóng tiền phạt? 5km là sự khác biệt giữa 3 điểm và 0 điểm. Có đáng $250 không ta.
Mấy tháng trước, cậu em tôi cũng trúng một lô 60/40 tương tự. Nó có phải mất cắt nào đâu. Chỉ bỏ ra mấy tiếng đồng hồ đi hầu tòa. Vào tòa, chưa đợi cậu nhà tôi nói on đơ gì cả, bác quan tòa đã đề xuất: "thôi bây giờ tôi giảm cho cậu xuống từ 60 đến 55 nha. Cậu chịu phạt nhưng khỏi bị trừ điểm. Cậu chịu thì xong chuyện, không chịu thì chúng ta tiếp tục nghe lời bào chữa của cậu." Cũng có chút "tình người" đấy chứ nhỉ.
Hôm nay, thức dậy lúc 6h00 (ngủ 5 tiếng đã đủ), ra sân sau tập võ hứng nắng sáng xong, vào nhà rót tách trà, đem lên văn phòng vừa ngồi làm việc vừa nhâm nhi, tinh thần có chút sảng khoái.
Coi như đã thực hiện lời hứa hôm nào được một lần. Để xem có thể duy trì được bao lâu.
Xem chừng thói củ chưa chừa: ngày thường không gì, chờ đến ba ngày nghỉ lễ Victoria Day thì trúng cảm. Bệnh hoạn kiểu này thì lợi cho thằng chủ quá. Nhưng phen này không phải tại bị thằng chả "đì" nên không trách được. Hôm thứ bảy ra sau nhà cắt cỏ làm vườn, bị cảm nắng nhẹ thôi. Tuy vậy nhưng cũng phải bãi bỏ chuyến đi họp mặt với gia đình nhị đệ (bọn nó tổ chức BBQ mừng kỷ niệm 10 năm gì gì đó). Đại ca xin lỗi cùng vợ chồng chú mầy nhé. Muốn đi lắm, nhưng cứ hắt hơi ách-xì miếc, ngại sẽ làm lây nhiễm cho tụi bây đấy thôi.
Recent Comments