Cuối tuần qua, dân Toronto lại được thêm một lần nữa xúc tuyết ná thở.
Sáng nay chạy xe ngang một bà Tây đang xúc tuyết nơi đường đi bộ trước nhà bà. Thấy bà cầm xuổng, xúc tuyết lên, rồi thải bừa ra ngoài đường, vừa lúc xe tôi chạy ngang qua, lãnh đủ.
Nhiều lần thấy bao người khác làm tương tự, tôi hay thầm nghĩ, chắc họ không muốn tuyết đen làm sân nhà mình nhơ bẩn, hay là họ sợ tuyết tan, rút nước xuống nền đất, làm móng nhà họ lung lay chăng?
Nếu tôi nhớ không lầm, người Nhật khi dùng dao gọt trái cây, họ thường hướng lưỡi dao vào trong mình, gọt từ ngoài vào trong, để nếu lỡ trật tay gây thương tích thì người gọt là người đón nhận, tránh gây phương hại đến người khách trước mặt. Có lẽ, đối với mọi việc, quan niệm của tôi cũng lờ mờ dựa trên tư tưởng này: thà hại ta hơn hại người. Tôi xúc tuyết, tém từ ngoài mép đường, đẫy chất đống vào trên sân cỏ nhà mình--chẳng thiệt thòi gì lắm cho mình, vừa tránh trở ngại cho xe qua lại và xe đậu bên lề.
Nói như thế không có nghĩa là tôi sẽ sẵn sàng dọn luôn bệ tuyết dưới mép đường, nếu có, để ai đó có thể đậu xe thoải mái trước nhà tôi.
Tại các bệnh viện công cộng (được tài trợ bởi chính phủ--đúng hơn là bởi tiền thuế của người dân) ở Toronto, đôi khi bệnh nhân phải chờ đợi quá lâu (có khi hơn 10 tiếng đồng hồ) mới được gặp bác sĩ chuyên khoa điều trị.
Trong số các bệnh nhân đến phòng cấp cứu, chỉ có 20% là nằm trong tình trạng nghiêm trọng. Tuy nhiên, hầu như ai cũng cho tình trạng của mình là trầm trọng và đáng được điều trị trước các người khác. Vô tình hay cố ý, những người này gây trì trệ cho cả một hệ thống.
Thứ tự điều trị không nhất thiết là "đến trước, trị trước". Tùy mức độ nghiêm trọng của từng bệnh nhân, người đến sau sẽ có thể được ưu tiên điều trị trước.
Thiếu bác sĩ. Thiếu giường bệnh.
Giải pháp hiện thời cho những người có khả năng tài chánh: bệnh viện tư. $200 để gặp bác sĩ thường trực ER. Muốn gặp bác sĩ chuyên khoa, thêm $$$.
Công việc của các Y Tá Xếp Hạng (triage nurse)--làm thế nào để phân biệt được bệnh nhân đang nguy kịch hay đang dở trò, hầu sắp xếp thứ tự cho hợp tình hợp lý--là một nghệ thuật. Hay, dùng từ ngữ của một y tá được phỏng vấn, đó là một "yêu thuật (black art)". Cách xếp hạng: hạng 1 - gần chết, điều trị lập tức; hạng 2 - nghiêm trọng (nhưng chưa đến nỗi chết), ~ 15' đợi; hạng 3, ~ 30' đợi; v.v...
Ghét nhất là tình trạng này: vận công điều tức mà không thể được, cảm giác sức lực đà tiêu tan đâu hết. Không đến nỗi phải liệt giường nhưng không có ý chí để làm việc gì đáng kể.
Hôm qua và hôm nay, thành phố đắm chìm trong cơn bão tuyết lớn. Càng không muốn bước chân ra ngoài.
Tối nay hệ thống mạng của công ty xem chừng có vấn đề (có lẽ do cơn bão đánh ngã cột điện), không thể bắt mạch vào máy của công ty để làm việc. Đành trùm mền Xưng Tội tiếp vậy. Hy vọng công lực sẽ kịp thời hồi phục để ngày mai tiếp tục..."cày".
Hôm Thứ Bảy rồi, tình cờ đi ngang chặn đường Dundas West và Keele--gần nhà thờ Thánh Cecilia của cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Toronto--chứng kiến Hội Nghệ Thuật Junction, bèn nhào vào xem thử. Luôn tiện táp được cái Bronto Burger (nhớ The Flintstones?); tôi ngồi cạnh một anh chàng có con rắn leo ngoằn ngoèo trên tay anh ta.
Cuối tuần vừa qua, đại đô thị Toronto đã tưng bừng mở hội. Chiều Thứ Sáu đi xem Taste of the Danforth, cũng khá vui. Thứ bảy ra Phố Tàu tình cờ cũng thấy họ mở hội China Town Festival--chả có gì đặc sắc mấy, thay vì bán trong tiệm thì họ đem ra giữa đường bán.
Con trai của bác Ed Mirvish (bác Ed vừa chầu Trời hồi tháng rồi) cũng có mở hội ăn mừng để tưởng niệm cuộc đời của bác ấy. Tôi không có đi xem, nhưng lúc xưa (~'86-87) tôi và phụ thân tôi là "khách VIP" của cửa hàng Honest Ed's của bác ta.
Nghe đâu ở bến tàu Harbourfront Centre cũng có tổ chức hội Thức Ăn Nóng và Cay.
Ontario Place có hội Đèn Lồng cả tháng nay nhưng chưa đi xem thử. Mấy tuần trước lái xe ngang qua lúc tối, thấy đèn màu chiếu chiếu cũng khá đẹp mắt.
Tối qua đang trên đường qua Ontario Place xem pháo bông, ngang Tháp CN, tôi được chứng kiến cảnh tượng mới mẻ của tòa tháp này: dọc theo thân tháp có đèn màu thắp sáng, và màu sắc ấy được biến đổi sau vài phút.
Chiều Thứ Sáu vừa rồi, tôi xuống khu đường College xem Hội Hè Taste of Little Italy, do cộng đồng Ý Đại Lợi ở Toronto tổ chức trong 3 ngày, từ tối Thứ Sáu đến tối Chúa Nhật. Đoạn đường College bị phong tỏa từ đường Bathurst đến đường Shaw. Dân chúng tràn ra khắp đường, thật vui nhộn. Hai bên đường được bày bán các loại thức ăn từ thịt nướng, bánh mì hót đoóc (hot dog), kem, nước giải khát.
Tôi quan sát cậu bé này nhiều nhất. Một cây đàn tí hon, gắng vào âm ly hẳn hòi, cậu ta gồi ghế vừa rải đàn, vừa nhịp chân theo điệu nhạc các cô chú người lớn ở phía sau, trông thật dễ thương.
Lâu rồi lười thi hành quyền lợi dân chủ của mình, nhưng đọc bài viết của người láng giềng tôi ở phía Nam biên giới kia, làm bị nhiễm (Hmm..hệ đề kháng mình yếu thật ta, dễ bị nhiễm tạp nhạp tứ tung). Nên hôm nay nhân ngày bầu cử của thành phố, 10h00 sáng tôi lọt tọt ra trạm bỏ phiếu để bầu ngài thị trưởng, dân biểu và ủy viên bộ giáo dục đô thị Toronto.
Vào hội trường, lên quầy trình giấy tờ xong thì được bác nhân viên canh phiếu bảo: bác đã bầu rồi cơ mà. Huh? Chắc cuối tuần trước mình bị mộng du nên sáng sớm tọt ra bỏ phiếu hồi nào không hay chắc! Hay là mấy bác nhân viên canh phiếu ngủ gục, gạch tên cử tri nào đã bầu trước đó mà mắt nhắm mắt mở gạch nhằm qua tên mình. Âu cũng là cơ hội cho mình trắc nghiệm cái hệ thống bầu cử của thành phố xem họ phản ứng thế nào trong những trường hợp này: Họ cho đọc lời cam kết rằng mình chưa hề bỏ phiếu cho đợt bầu cử này (nếu dối bị bỏ tù), xong thì cho mình bỏ phiếu như bình thường. Đơn giản thế thôi.
Bác David Miller 3 năm qua đã làm nhiều việc tốt cho thành phố, ví dụ như vận động cho các hãng phim Hollywood và các chương trình tivi sang thu hình tại Toronto , nay lại được đắc cử nhiệm kỳ thứ nhì. Buồn cho Jane Pittfield--tôi đã bầu cho bà ta.
Bà (cụ) Hazel McCallion, 85 "xuân xanh" và còn đầy nghị lực, đã đắc cử thị trưởng Mississauga nhiệm kỳ thứ 11 liên tục! Mississauga có rất nhiều người Việt cư ngụ, dám chừng ai cũng đã bầu cho bà, vì TT McCallion rất có cảm tình với cộng đồng người Việt.
Recent Comments