Từ hôm bị cảm hồi hôm nọ, tới hôm nay, hít thở, vận công, mới cảm thấy công lực đã phục hồi hoàn toàn.
Đã bỏ tập luyện Phục Hổ Quyền một thời gian dài, tuần này cần phải tiếp tục lại thôi.
Nửa dự định bắt đầu đạp xe đạp đi làm trở lại. Hôm nay trời mưa, nên cũng chẳng mấy hứng thú. Vả lại, cuối tuần rồi hơi bận rộn, chưa kiểm tra lại chiếc xe đạp. Để cuối tuần này kiểm kỷ lại trước đã, rồi sẽ tính sau.
Đã thoát qua cơn tẩu hỏa nhập ma của chiêu 50 và 53. Tôi nghĩ vậy.
Như mấy lần trước, tôi cố ý đánh số thứ tự sao cho tương ứng với số trong quyền phổ, cho nên có lúc xem chừng như hơi bị lộn xộn. Ví dụ như, hình 53.png tương ứng với hình 53 (Điệp chưởng bách phân lậu) trong sách, nhưng những động tác cho chiêu này bắt đầu từ 52e.png và kết thúc ở 53.png.
Tôi mất gần cả tuần nay để "ngâm cứu" bức sơ đồ này:
Đâu là chiêu thế 50 (Tiêu Quán Thủ Pháp)?
Trong quyền phổ của sự phụ Lâm Tổ (bản dịch của nxb. Hồng Lĩnh 1970) có ghi:
"Liên hoàn tiêu quán", với thủ pháp này nếu địch dùng chưởng úp chụp vào chưởng của ta thì ta cũng dùng liên hoàn cái (úp) quán thủ, có nghĩa là dùng chưởng úp đánh liên hoàn. Thế này cũng giống như "Xà hình thủ pháp" (thân rắn); Nếu địch dùng thủ pháp này tấn công ta thì ta phải dùng "Tam tinh câu đạn cước pháp (đá móc) đá móc vào tiểu môn của địch mà phá giải.
Nếu "giống như xà hình thủ pháp" thì phải giống như vầy chứ nhỉ:
(Trích từ Hổ-Hạc Song Hình quyền, chiêu 8: Ô long hý thủy)
Nhưng, lại thấy sư phụ Lâm Thế Vinh ghi chú trong Hình 49 như sau:
Ở đây các chiêu thức từ hình 47 tới 51 được gọi tên theo thứ tự [tức là: Phao thủ (đánh chỏ), Tiêu Quán thủ (chưởng úp), Định Kim Kiều]. Chúng hoàn toàn tương ứng với các động tác của hình 10 tới 16.
Như vậy hình 50 (phía sau) tương ứng với hình 15 (phía trước) ư?
Vậy, hình 49m tới 49s đi rất có thể là những động tác của chiêu 50, và 49t tới 51c tức là chiêu 51?
Hình như tôi vừa mơ hồ nhận ra, tập luyện quyền cước có thể chế ngự được hỏa dục. Thảo nào mấy vị hòa thượng Thiêu Lâm từng dày công khổ luyện như thế.
Hôm qua tìm ra đoạn vi-đi-ô này về bài quyền Phục Hổ của Thiếu Lâm Hồng gia ('Hồng' là Hồng Hy Quan), giống y như cuốn quyền phổ tôi đang có trong tay:
Đây là cơ hội. Từ nay thử học lại bài quyền này như là lần đầu tiên xem. Thử ra kế hoạch học võ như là làm dự án coi sẽ đi tới đâu...Bài quyền này có 93 chiêu thức. Nếu khiêm tốn phân ra một ngày học 5 thức, thì chỉ mất 19 ngày là xong. Nhưng do tôi tự học--lại tối hôm qua thử đem ra thi triển vài ba thức thì lại thở hổn hển như bò--cho nên tự trừ hao cho mình thành 3 tháng (hay 3 năm?). Như vậy tới cuối tháng 4 sẽ phải hoàn tất.
Cuối tuần qua bị cái chứng dị ứng hành, thậm chí gần đến độ cảm sốt, sáng tối đều hắt-xì liên miên. Đến Chúa Nhật thì bị hạ đo giường suốt buổi chiều. Nếu tôi nhớ không lầm thì từ đó tới giờ chưa từng bị nặng đến độ này.
Gần đây ngoài việc đạp xe đạp, tôi đã lười tập thể dục (bỏ tập tạ lẫn tập võ). Có thể đây là nguyên do khiến cơ thể yếu sự đề kháng. Giờ chớm bệnh mới thử vận công, điều tức, thấy chẳng còn mấy sức lực. Thi triển thử ba chiêu thức của Cung Tự Phục Hổ Quyền thì đã thở như bò, bèn phải ngồi xuống nghỉ thôi.
Cũng có thể ở nhà đang bắt đầu có bụi nhiều, bởi sáng nay ráng lết xác vào công ty, ngồi làm một hồi thấy người khỏe hẳn ra. Chắc đã đến lúc phải phát động chiến dịch "tảo thanh bụi" (operation "enduring freedust") cho tư gia. Chứ hút bụi thường hàng tuần thôi vẫn chưa đủ. Cần phải:
lau chùi các ống dẫn hơi lạnh,
rửa lượt bụi cho máy điều hòa,
nghiên cứu và đầu tư cho một cái máy thanh lọc không khí (air purifier).
Năm ngoái tôi có nêu đường dẫn đến bài Dịch Cân Kinh (phiên âm tiếng Tàu là yi jin jing). Nay thử tra lại thì thấy bài đó đã không còn trên mạng, bèn đăng lại ở đây.
Trong một vũ trụ thay đổi không ngừng, ráng giữ mức cố định, bất di bất dịch, nghĩ cũng khó nhỉ.
Rõ khổ cho cái chứng dị ứng. Hễ đến mùa này là mỗi sáng/tối tôi phải bị sụt-xịt nước mũi và ách-xì mãi.
Đã lâu chưa biết cách nào khắc phục được.
Thoáng nhớ lại khẩu quyết Nội Công Thiếu Lâm học lóm hồi 20 năm về trước, tôi thử vận khí cho lưu thông từ huyệt Liêm Tuyền xuống Cửu Vĩ, rồi trở lên. Không hình dung được sự vận chuyển của kình lực, tôi dùng hai ngón tay, ấn lần theo đường Chu Thiên và ngừng vài giây ở từng huyệt. Làm ngay trong phòng rửa mặt, không cần ra sân sau tập luyện chi cho mất thời gian.
Thấy có chút khả quan--sau 5 phút, không còn ách-xì và đã hết chảy nước mũi.
Tại sao có kết quả khả quan như thế?
Tuy đã luyện kình 20 năm, nhưng là lúc tập lúc không. Mức thành đạt chắc chưa đến 1/1000. Cho nên dĩ nhiên không phải là do tôi đã đạt được "công lực thâm hậu".
Khi sáng dậy, trong người tôi lạnh--lạnh phổi. Khi hít thở điều hòa, hơi ấm được lưu thông trong cơ thể, làm ấm người, ấm phổi, cho nên chứng ách-xì dần biến mất. Chắc là lý do này.
Cũng có thể do ảnh hưởng tâm lý. Hiệu ứng Pla-xi-bô chăng?
Bên diễn đàn Thư Viện Việt Nam có đăng bài Tự Luyện Nội Công Thiếu Lâm Tự của VS Hàng Thanh mà lúc xưa tôi từng tập dở lỡ. Tuyệt cú mèo! Phen này lại có cơ hội thứ hai để tẩu hỏa nhập ma rồi đây.
Phiên bản dạng PDF có tại đây.
Người ta nói, những kẻ khờ khạo thì hay bị người ta ăn hiếp. Tôi trời sanh bản tánh vừa khờ khạo vừa đần độn, nên người đời cứ ăn hiếp luôn...
Hồi học tiểu học trường xã, vì học khá nên được được thầy cô và các bạn bầu làm lớp trưởng ba năm liền từ lớp 4 đến lớp 6. Năm lên lớp 6, mỗi sáng tôi được giao nhiệm vụ chỉ huy cả trường tiểu học từ các lớp 5 và lớp 6 tập thể dục. Mấy cậu đàn anh học lớp 7,8 trường cấp 2 ở dưới chợ, gần trường tiểu học của tôi--một cậu là cựu lớp trưởng của lớp 6 tôi năm trước--sáng đi học ngang trường nhìn thấy tôi mặt áo bỏ trong quần thật là oai, xem có phần ... xất xược quá, bèn sanh ghét, dọa đánh. Quả là rừng nào cọp nấy! Cậu lớp trưởng tôi đây rét quá, mỗi sáng không dám vào lớp sớm, chờ mấy cậu đàng anh đi học đâu hết rồi mới dám vào trường. Khi về thì tháp tùng cùng đám bạn đi về ấp, không dám đi một mình. Những lúc đó, thật ước gì mình có một người anh cả để che chở cho mình thì đỡ biết mấy.
Rồi sang xứ rừng phong này, thời gian đầu đi học thêm lớp Anh Ngữ vào dịp hè, gặp một anh Đại Hàn cao lớn hơn tôi, lúc đầu thì giao thiệp cũng tốt lắm. Nhưng sau đó thì, không nhớ tôi đã làm gì phật lòng anh ta, tôi thì lại ngốc nghếch không biết phân nặng nhẹ, mặc cho anh ta to lớn hơn, muốn gây sự thì cho chơi luôn. Kết cuộc, tôi ôm mặt sưng tù vù vào lớp học. Tôi uất ức lắm nhưng không làm gì được vì mình đơn thân độc mã nơi xứ lạ quê người. Lúc đó, tôi thật ước gì mình biết được miếng võ thì cho cậu Đại Hàn này biết tay, bỏ tật ĩ lớn hiếp nhỏ.
Một hôm, tôi lại vào thư viện công cộng tìm sách .. kiếm hiệp đọc, tình cờ bắt được quyển Tự Luyện Nội Công Thiếu Lâm Tự của Võ Sư Hàng Thanh, tôi khênh về nhà đọc, trong đó có bài Ngũ Hành Quyền. Nghi thức luyện nội công mới tập sơ sơ, nhưng thấy bài quyền tôi mê quá, bèn luyện nốt 108 thức luồn. Thân phụ tôi răng rằng, học không thầy, coi chừng bị ... tẩu hỏa nhập ma đấy! Tôi mặc kệ, cứ luyện tiếp. Xong, tới kỳ hạn phải trả sách, vì có bác nào đó đã đăng ký mượn, tôi không thể gia hạn được nữa nên đành phải gián đoạn việc tập nội công. Từ đó tôi quen mánh, bèn rảo khắp các thư viện trong thành phố, vào khu vực sách tiếng Việt tìm sách võ học để...siêu tầm. Tìm được quyển Thiếu Lâm Mai Hoa Quyền, đem về luyện hết luôn. Xong đem trả, tìm thấy bài Ngũ Cầm Hí, Thiết Sa Chưởng, mang về luyện luôn.
Khổ nỗi, tôi luyện song bài này thì quên bài kia. Tôi bèn bỏ công phô-tô cộp-bi lại mấy bộ sách để dành sưu tầm. Sao được xong bài Ngủ Cầm Hí. Tìm được cuốn Điểm Huyệt Chân Truyền Đồ Giải, đem về sao nốt luôn. Định trở lại mượn cuốn Nội Công sao chép luôn, nhưng nó đã mất tích. Chắc bác nào chơi xấu, nhận thấy "bí kíp", nên mượn rồi...lấy luôn.
Hiện tôi đang "siêu tầm" quyển Dịch Cân Kinh, món quà của một người bạn về Việt Nam, có dịp mua tặng, hồi mấy năm trước đây. Bác nào muốn sưu tầm ké, trên mạng hiện có đăng bài Dịch Cân Kinh.
Giờ thì võ học đầy mình, nhưng mà tập chẵng đâu ra đâu. Thấy con người bất bình thường của tôi bây giờ, chắc là đã tẫu hỏa nhập ma từ lâu rồi. khakhakha.
Hè vừa rồi tôi đi Hà Nội chơi, đang dạo phố vào buổi tối bên vĩa hè thì gặp một anh chàng say rượu, chạy xe Honda đâm thẳng xém đụng vào tôi. Anh chàng say rượu, chạy xe gắng máy trên lề đường người đi bộ, chẵng những không biết điều xin lỗi, mà còn bắt lỗi lại tôi, bảo tôi sao thấy xe tới lại không tránh, lâm le xem chừng muốn đánh lộn. Tôi lúc đầu cũng nóng lắm. Mẹ kiếp! Ông mầy từng đi công tác bên New York, ban đêm đi bộ một mình ngoài khúc đường nguy hiểm nhất mà không sợ bị dân ngoại đánh cướp, há nào về quê hương lại sợ bị dân mình đánh hay sao? Nhưng rồi nhớ câu "rừng nào cọp nấy", tôi bèn xin lỗi anh chàng say rượu rồi lẫn tránh mau lẹ. Nếu lúc đó tôi lại ngốc nghếch không phân nặng nhẹ, đá động nhầm con ông cháu cha thì chắc hậu quả khó lường.
Điều tối kỵ của người luyện võ là động thủ một cách không cần thiết.
Recent Comments