CDK Ý thức với câu nhắn "đừng để quá muộn", nên chiều Chúa Nhật hôm qua tôi lên thăm phụ thân tôi (sáu tháng rồi tôi không tới thăm ông, tuy rằng ông vẫn xuống chỗ tôi thường), không để bàn luận gì to tát, chỉ là có mặt trong câu nói ngầm, "con vẫn còn đây, nếu Ba thấy vẫn còn dùng được đến con", không biết ông có hiểu tôi không. Tôi thấy Ba tôi sống có vẻ khá yên ổn, không có vẻ bị lụy phiền, nên tôi có chút mừng.
Mấy hôm trước đó tôi email hỏi ông câu hỏi ngắn gọn, vì thấy mấy năm gần đây, lối suy luận của ông hơi "lạ". Trong thư, tôi viết vỏn vẹn:
Mấy năm gần đây con suy ngẫm nhiều về lĩnh vực tâm linh. Con muốn hỏi Ba câu này: Ba có còn tin vào Chúa không? Hay là vì thằng con bất hiếu này đã khiến Ba mất lòng tin?
Ngay sáng sớm hôm sau, thấy ông hồi âm:
Ba chủ trương thiên về khoa học thực nghiệm ...Quan niệm này có thể gần giống với " Duy vật biện chứng " của thuyết CS ...Gần giống thôi chứ không là như 1, vì thực tế mọi chủ thuyết về CS đã lỗi thời ... Mọi sự vật cần phải được chứng minh cụ thể ...Những tín điều,những mặc khải của Tôn giáo chỉ là những điều được đặt ra,ghi lại gần như buộc người tín hữu phải tin là như vậy không cần suy luận, không cần đòi hỏi chứng minh cụ thể ...Với người quan niệm thiên về " Khoa học thực nghiệm " khó có tính thuyết phục ...vì đúng là những điều mơ hồ, không dễ tin ... Cho nên với tôn giáo & tín ngưỡng, ba thực tình không mấy sốt sắn,chỉ là do tập quán tiếp nối trong đời sống từ Ông Bà.
Ngành con học và làm việc cùng không xa mấy với "Khoa học thực nghiệm" nên việc nghiên cứu về các v/đ tâm linh, Ba nghĩ cũng chỉ như một trò giải trí mà thôi! Không cần phải "lặn hụp " trong cái "không gian hư hảo " đó nhiều thêm mệt óc ...
Tôi bèn hồi âm vội:
Đúng là ngành khoa học máy tính của con thật là một nhánh khoa học thực nghiệm (experimental science).
Nhưng, nếu ta chỉ dựa vào những gì nhất thời có thể chứng minh được, thì là tự giới hạn mình quá, và những gì không chứng minh được, con nỗ lực thí nghiệm để chứng minh, vì con "tin" ở một mức điểm nào đó, là con có thể làm được. Và từ đó nảy sanh ra những thứ tạm gọi là "phát minh".
Trong vũ trụ có vô số những điều mà khoa học chưa chứng minh được, nhưng điều đó không có nghĩa là nó không tồn tại. Từ thời tạo thiên lập địa, vũ trụ đã có "điện". Nhưng người ta không biết nó là "điện" cho tới khi Benjamin Franklin khám phá ra nó hồi năm 1752 .
Nhà toán học Kurt Gödel, chỉ mới năm 1931 đây thôi, cho công bố Định Lý Bất Toàn, trong đó ông chứng minh rằng: vốn có những câu luận ngữ mà chúng ta không thể chứng minh được là nó đúng hay sai.
Khoa học ước lượng vũ trụ ta có đường kính khoảng 166 tỉ Năm Ánh Sáng (tNAS, nguồn: http://en.wikipedia.org/wiki/Universe), trong số đó có khoảng 93tNAS được liệt kê là "có thể quan sát được". Mà Thiên Chúa/Thượng Đế/Ông Trời là đấng tác tạo ra vũ trụ. Trí tuệ hạn hẹp của loài người không thể "chứng minh" được Ông Trời, vì vậy, cần có sự "mặc khải". Biết qua "mặc khải" thì cũng là một cách để "biết".
Thường thì đức tin dìu dắt cho suy luận, chứ không phải là có tin rồi nên không cần suy luận, không cần tìm hiểu. Nhưng nếu đặt niềm tin đúng chỗ, thì chỉ cần răm rắp làm theo, không cần suy nghĩ cho mệt óc, thì cũng có thể đạt được mục đích. Lấy ví dụ của chiếc xe hơi. Mấy ai, trong số người tầm thường như con đây, hiểu được những cơ cấu máy móc trong hầm máy của chiếc xe hơi. Nhưng họ vẫn tin rằng hễ gài số vào nất "D (Drive)" thì là chiếc xe chạy tới, và gài vào chữ "R" là xe thụt lùi.
Niềm tin còn dẫn dắt cho hành động. Khi người ta có con, họ đặt niềm tin vào đứa con đó sau này sẽ là người tốt, giúp ích cho gia đình, cho xã hội, và họ cưng chìu nó với kỳ vọng đó. Trái lại, nếu họ tin rằng đứa con mình sau này sẽ trở thành một tên đại ác nhân, thi có lẽ họ sẽ cư xữ khác đối với đứa con đó.
Tín lý Công Giáo dạy rằng: Ông Trời tạo ra con người theo giống hình của Ngài. Tức là có Thần (giống Chúa Thánh Thần), xác (giống Chúa Giêsu, hiện thân của Đức Chúa Cha) và hồn (thuộc về Đức Chúa Cha). Khoa học thực nghiệm chỉ có thể đáp ứng phần "xác" (sinh vật học) và phần "thần" (tinh thần, tâm lý/tâm thần học). Nếu chỉ chú tâm duy nhất vào khoa học, thì trong hiện tại khoa học chưa chứng minh được, ta lấy gì làm "thức ăn" cho phần hồn?
Không thấy ông hồi âm. Tôi biết chắc chắn là không phải tôi đã thuyết phục cha tôi trở lại với Chúa, bởi, thứ nhất, "tôi thuyết phục được cha tôi" là điều không thể xãy ra, và thứ hai, rõ ràng những lập luận của tôi chưa đủ chính xác. Xác suất cao hơn là: Ba tôi đã đi đến kết luận rằng không thể lý luận với thằng con "mù quáng" như tôi.
Theo tôi biết, trong dòng họ tôi, chỉ có tôi và phụ thân tôi là theo đạo công giáo, do duyên cớ hồi năm 1986 được sống ở 2 trại tị nạn do các linh mục truyền giáo công giáo chưởng quản. Nay có khả năng cho thấy tôi là "loài vật có nguy cơ tuyệt chủng".
Chắc tôi cần phải tìm hiểu thêm cái gọi là "duy vật biện chứng".
Tưởng cũng nên nói, kẻo người đời lại nghĩ tốt cho tôi một cách lầm lẫn, bản thân tôi cũng chẳng phải là "đứa con ngoan đạo" gì--dạo này tôi rất ư là lười đi dự Lễ Chúa Nhật. Giữa hai cái "hiểu mà không làm" và "không hiểu nên không làm" thì chắc là "tri pháp phạm pháp, tội càng nặng." Thiết nghĩ, cũng chẳng mấy an ủi gì, nếu tôi nói tuy không đi dự lễ, nhưng tâm hồn tôi luôn hướng về Chúa. Được hiệp nhất với Hội Thánh Thông Công và nhận lãnh Bí tích Thánh Thể, đối với tôi đang là một sự khao khát mà tôi chưa có ân huệ được hưởng trọn vẹn. Chắc là chưa đến thời, đến lúc.
Recent Comments