Hôm nọ, có bạn nhận xét rằng sao thấy dạo này tôi viết nhiều về tâm linh. Khi con người cảm thấy thế giới bên ngoài thiếu vắng sự cảm thông, tự nhiên người ta hướng nhiều về nội tâm. Phần tôi, khi hướng về nội tâm, tôi hay đi tìm Ông Trời, như để tìm sự an ủi thầm lặng, hằng có, và muôn đời không đổi thay. Nỗi đau đớn cho tôi là, dường như Người Cha Trên Trời ấy cũng đang thì thầm nói với tôi rằng: Con sai rồi.
Lâu rồi tôi không cầu nguyện (lần rồi đọc kinh cầu nguyện là vào dịp giỗ Bà Nội tôi). Tuy mỗi tối đặt lưng xuống giường, đặt tâm suy ngẫm vài ba phút về những khuyết điểm của mình, nhưng đó chẳng đáng để gọi là cầu nguyện. Tối hôm Thứ Tư rồi, đứng trong bóng đêm khuya vắng trước bàn thờ, đột nhiên tôi muốn quì xuống để cầu nguyện. Tôi quì, chắp tay, lặng thinh cầu, nhưng tâm tư thấy trống rỗng, tôi chợt nhận ra mình đã quên làm sao để cầu nguyện.
Thánh Gioan Thánh Giá đã từng viết về Đêm Tăm Tối của Linh Hồn. Dường như tôi đang trải qua giai đoạn này. Chứng tỏ rằng mặc cho những gì tôi đã học và hiểu được, hạt giống đức tin của tôi vẫn chưa bám sâu vào lòng đất Chúa cho lắm, khiến lòng dễ bị giao động. Thánh Âu Tinh nói, "hồn tôi không yên nghỉ, cho đến khi nào nó nghỉ yên trong Chúa tôi." Quả thật, linh hồn tôi đang thổn thức. Cũng có thể nói là nó đang hấp hối. ĐTC Biển Đức XVI đã viết trong Niềm Vui Khi Được Biết Chúa Cứu Thế: "Chúng ta không cần sợ vấp ngã, bởi khi ta vấp ngã, ta sẽ ngã vào tay Chúa." Nhưng tôi sợ. Tôi sợ sẽ lọt qua kẽ tay Chúa, bởi trong thâm tâm, tôi thấy rằng mình vẫn chưa trọn vẹn hiệp nhất với Chúa. Thánh Gia-cô-bê đã từng viết: "Đức tin thiếu thực thi thì đức tin chết". Thực thi ở đây bao gồm hai ý nghĩa: 1) hành động giúp ích cho bản thân; và 2) hành động giúp ích cho thế nhân.
Bài viết này khởi đầu cho đợt "ngâm cứu" về tỉnh tâm Linh Thao (Spiritual Exercises) của Thánh Y Nhã (Ignatius of Loyola) mà tôi đang chuẩn bị dấn mình vào. Linh Thao và Lectio Divina có thể nào sẽ là cứu cánh cho tôi chăng.
Đi tìm sự thỏa mãn khao khát tâm linh, nhưng vẫn luôn ý thức bổn phận mình với đời.
Khởi đầu Mùa Giáng Sinh, suy ngẫm ti tí về Chúa Giêsu: Ngài là ai? Phúc Âm theo Thánh Gioan, chương 20, câu 27-29, có chép:
27 Rồi Người bảo ông Tô-ma: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin." 28 Ông Tô-ma thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con! " 29 Đức Giê-su bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc cho những ai không thấy mà tin!"
Dường như, trong đoạn kinh văn này, ông Tô-ma đã nhận Giê-su là Thiên Chúa, và Giê-su đã không trách mắng cách xưng hô ấy. Cho nên, dường như ông Giê-su cũng đã công nhận mình là Đức Chúa Trời hay sao ấy.
Có người--như giáo phái Nhân Chứng Giê-hô-va (NCGHV) thời nay và Arius thời xưa--cho rằng ở đây Tôma không gọi ông Giê-su là Thiên Chúa (God), nhưng chỉ kêu trời trong sự ngạc nhiên quá độ, tương tự như lớp trẻ ngày nay hay có thói quen thốt lên câu "Trời ơi Trời (Oh my God)!". Nhưng, cần biết, ông Tôma trước khi theo Chúa Giêsu, đã từng là tín đồ đạo Do Thái, mà kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ như thế thì ắt đã phạm tội lộng ngôn.
Mấy bác truyền đạo NCGHV lúc trước khi đến trước cửa nhà tôi, chê giáo thuyết của đạo công giáo là không có nền tảng từ Kinh Thánh. Tôi đang đọc lại bộ Tổng Luận Thần Học (Summa Theologica) của Thánh Tôma Aquinô (1225–1274). Tôi không ngông cuồng nhận rằng mình hiểu hết những gì đã đọc--nhưng nhận thấy mọi luận điểm trong ấy đều là: 1) trích dẫn Kinh Thánh làm gốc, và 2) từ đấy dùng lôgíc để suy ra các hệ luận vững chắc. Ngược lại, đọc qua bản dịch New World của NCGHV tôi thấy thay vì dịch theo từ ngữ của bản gốc (translation), họ dịch theo cách hiểu của người dịch, một hình thức giải nghĩa (interpretation) hơn là dịch.
Đọc bài này trên mạng chiesa, gợi ý đến chiêu này: Lectio Divina--lối đọc linh thiêng, đọc theo linh cảm, đọc với tâm linh hướng thiên, đọc và suy niệm. Hơi giống như phương pháp thiền định bên Phật giáo. Hmm...Để tôi thử luyện bài tập này để suy niệm về bí tích Ngôi Lời nhập thể (incarnation), bí tích thánh thể (transubstantiation), và bí tích phục sinh (resurrection of the body), xem có đả thông được huyệt đạo, giác ngộ được điều gì không, hay là lại bị tẩu hỏa nhập ma đây không biết.
Recent Comments