Sáng Thứ Ba ngủ dậy thấy lừ đừ, lại thấy trời ấm áp nên chán đi làm, viết thư vào công ty báo "bệnh", rồi cúp cua đi dạo mát ngoài trời. Chiều về bị nhức đầu cho tới bây giờ. Trời phạt tội nói láo. Viêm xoang chăng? Chỉ có nhức đầu, không xổ mũi, không sốt. Chờ vài ngày nữa xem, nếu không bớt thì đành phải vác xác vào trình diện bà bác sĩ để nghe giảng: "mình bệnh, có tiền thì mua thuốc uống; còn người ta bệnh, không tiền, thì để từ từ cũng hết bệnh thôi!"
Tối hôm kia nốc hai viên Tylenol 500, thấy đỡ. Sáng hôm sau thì đau lại, định nốc thêm hai viên nữa nhưng nghĩ lại--hễ cứ đau tí là uống thuốc chỉ để làm giảm đau, mãi rồi khả năng chịu đau của mình chẳng còn gì nữa, biến mình thành tên nhu nhược--bèn thôi không uống nữa. Tôi cần tập chịu đựng cái đau, thay vì luôn tránh né nó.
Sau đợt ưu tiên cho quí cụ, quí bà mang thai, và quí con nít, phát động từ mấy tuần trước, hôm nay thì đã đến lược những người "ít rủi ro" như tôi.
Rút kinh nghiệm từ thông tin của đợt trước--xếp hàng chờ đến 4-5 tiếng đồng hồ--nên tôi đợi đến gần giờ đóng cửa (21h00) mới "trình diện" tại địa điểm trên đường Cowan (trung tâm cộng đồng Masaryk-Cowan, gần đường Queen), vào làm thủ tục, rồi chích ngay, khỏi phải đợi.
Trước khi ra về, họ ban cho một tấm giấy chứng nhận: "Ngày 19 tháng 11 năm 2009, Đây chứng nhận, tên-họ đã tiêm chủng thuốc ngừa H1N1, do công ty GlaxoSmithKline chế biến". Kèm theo đó là một mẫu hướng dẫn và số điện thoại tham vấn nếu có tình trạng phản ứng gì.
Chưa thấy có phản ứng. Để chờ ngủ qua đêm, sáng mai sẽ xem sao.
Hết chứng cảm đã hai tuần, nhưng vẫn còn ho khan. Người cảm thấy vẫn bình thường, không sổ mũi, không nghẹt mũi, không đau cổ họng, nhưng lại cứ mắc ho như thể bị nhột cuống phổi. Thi thoảng, hỉ mũi thấy có máu. Hình như tôi đang bị nội thương.
Tối nay về sẽ làm thử ly trà gừng mật ong uống xem sao.
Tin từ ctv.ca, thuốc chích ngừa cảm cúm năm nay không thể bảo vệ người ta đối với dạng dịch cúm có tên B/Victoria mà chỉ chống được dạng B/Florida cùng hai dạng A là H3N2 và H1N1. Hèn gì năm nay dù tôi có chích ngừa mà vẫn trúng cảm.
Sáng hôm qua vào công ty làm việc được hơn 1 tiếng đồng hồ thì tam đệ nó gọi điện: bà cụ nhà té xỉu trong phòng vệ sinh, đập đầu vào đâu đó, chảy máu. Nó đã đưa bà vào phòng ER, đã tạm băng bó cái đầu và hiện đang chờ bác sĩ kiểm khám. Tôi vội sắp xếp chuyện công ty, xong tọt về nhà lấy cái máy GPS dẫn đường, tới nơi thì bà cũng vừa được BS khám sơ. Tôi đổi ca với tam đệ cho nó về đi phỏng vấn gì gì đó. Ông bác sĩ khâu cho bà 5 mũi, bảo tình trạng không trầm trọng, và cho xuất viện với lời dặn hờ, nếu có trở biến gì thì hãy quay trở lại. Xuất viện, tôi chở bà về nhà tôi, trên đường ghé Swiss Chalet mua chén súp cho bà tẩm bổ.
Tối qua thấy bà ngủ được, nhưng sáng dậy than hơi rêm mình. Chắc tại lúc té đã cấn đâu đó. Chiều đi làm về sẽ ghé Shoppers Drug Mart tìm mua thuốc thoa.
Chẳng hiểu chích ngừa làm cái quái gì, vẫn bị trúng cảm như thường. Liên tục hai đêm nằm run lập cập trong chăn, mặc dù đã mặc 3 lớp áo, 2 lớp quần, và luôn đôi tất. Dường như theo thường lệ, hễ tới dịp nghĩ phép là đau--nhàn cư vi bất thiện?
Tuy vậy nhưng cũng không đến nỗi liệt giường. Sáng hôm qua còn lồm cồm bò dậy, xách xe lên đưa phụ thân tôi ra phi trường--ông đi dự lễ cưới con người bạn bên Cali--đã lấy vé hơn 6 tháng trước rồi. Xong thì về nhà ngồi thảo lại bản hợp đồng thuê chỗ cho bà khách của mẫu thân tôi--Mẹ tôi bán tiệm cho bà kia, nhờ soạn dùm bản giao kèo thuê chỗ mới. Mọi việc xong, tôi leo lên giường, trùm chăn đánh một giấc tới chiều.
Lại nói chuyện phụ thân tôi đi Mỹ. Thằng nhị đệ của tôi tuần rồi hay tin, chua một câu: "Ông Nội, đám cưới người dưng tận bên Cali mà đi được, còn cháu nội gần trên Guelph đây thôi mà không đi thăm được". Dường như nó trách phụ thân tôi bỏ bê nó. Tôi không biết "Ông Nội" có trách nó là thằng con bất hiếu như ông từng trách tôi hay không. Dù trong thâm tâm nó, ông có chểnh mảng chức vụ làm cha tới đâu, không có ông thì làm gì nó được ở trên mảnh đất hứa này, cho dù nhà cao cửa rộng là hoàn toàn một tay nó làm ra.
Tối Chúa Nhật, 4 tây tháng 1, ông về qua ngõ Chicago. Ghi đây để nhớ mà đi rước ông.
Hồi chiều, lãng vãng qua Sherway Gardens, tôi thấy bà con lúm xúm xếp hàng để chích ngừa. Đã gần chục năm rồi không chích ngừa cúm. Nhìn lại mấy năm qua, mùa đông nào cũng bị chứng cảm đánh gục ít nhất một lần. Nay thấy bà con xếp hàng cũng không đông lắm, thôi thì sẵn đường, nhào vào chích luôn.
Hằng năm khoảng cuối tháng 10 đến giữa tháng 1, theo chương trình chăm sóc sức khỏe (health care in canada) của quốc gia, Ban Công Y của Toronto (Toronto Public Health) cho ra chiến dịch "Hãy Đánh Bại Chứng Cúm" (Let's Beat the Flu). Các nhân viên y tế dựng lều tại các trung tâm mua sắm lớn trong thành phố để chích ngừa miễn phí cho người dân.
Tôi ngỡ "chiến dịch" này chỉ dành riêng cho người dân Canada, nên tôi hơi ngạc nhiên khi họ không kiểm tra thẻ y tế của tôi, mà chỉ yêu cầu điền đơn với địa chỉ và số điện thoại. Nghĩa là, nếu ai đó ở quốc gia khác tới đây du lịch qua mùa đông, và muốn được chích ngừa cảm cúm, thì cũng sẽ được chiếu cố thôi.
Hôm nay nghỉ làm một ngày để đi khám bệnh. Bà bác sĩ gia đình chẩn bệnh xong, tuyên bố: "chỉ là dị ứng theo mùa thôi, muốn uống thuốc advil cũng được, không uống thì từ từ cũng hết thôi". Lời bà làm tôi nhớ lời nói để đời tương tự mà bà đã thốt ra với tôi khoảng mười năm về trước (~1997) khi phụ thân tôi chở tôi đi khám bệnh bởi chứng cảm lạnh mùa đông: "Mình có tiền thì ngã bệnh tí xíu thì mình chạy đi mua thuốc uống, còn người ta nghèo không có tiền thì không uống thuốc rồi từ từ cũng hết bệnh thôi". Đại ý là vậy, tôi không nhớ lời chính xác.
Lời bà nói rất có lý, bởi ở đây đi khám bệnh miễn phí (chính phủ bao), còn mua thuốc thì có bảo hiểm y tế của công ty bao, cho nên dại gì lại không mua. Vì vậy đôi khi người ta có phần lạm dụng hệ thống đôi chút, chảy máu mũi tí xíu là đi khám bác sĩ. Riêng tôi, vì lời nói đơn sơ ấy mà từ đó tôi không đi khám bác sĩ nữa...mãi cho tới 2005.
Hôm nay, một lần nữa tôi nhận thấy sự vô ích của việc đi khám bác sĩ gia đình. Đếch thèm uống át-viêu át-viếc gì cả, về nhà rót đầy hai ly rượu nho ra nốc cạn--đây sẽ là thuốc trị cảm của tôi. Ngày mai nếu trong người có phấn chấn trở lại thì xách xe đạp đạp đi làm tiếp, không phấn chấn thì lái xe hơi đi làm, còn nếu liệt giường luôn thì nằm nhà nghỉ tiếp.
Vừa từ nhà của mẫu thân về. Sáng nay bà đang làm trong tiệm thì cảm thấy chóng mặt, say xẩm mặt mày, bèn gọi điện về nhà cho tam đệ tôi, rồi gọi cho tôi.
Vợ chồng tam đệ chở bà vào phòng cấp cứu. Một giờ sau tôi có mặt ở bệnh viện, vừa đúng lúc bác sĩ phòng trực đến chẩn bệnh cho bà. Ông bác sĩ làm một loạt trắc nghiệm cho bà, xong rồi thử máu, vô nước biển, rồi bảo chờ. Hai giờ sau, ông trở lại, giải thích cho tôi biết bà bị chứng BPPV, bảo cho chụp CT cho bộ não. Rồi lại đi. Vài giờ sau, khoảng 19h30, ông trở lại, bảo não không có vấn đề, làm trắc nghiệm cho bà lần nữa. Bà bảo cảm thấy đỡ hơn, không còn thấy chóng mặt nữa, bèn cho xuất viện.
Hội chứng Chóng Mặt Kịch Phát Hiền Tính Do Tư Thế [Benign Paroxysmal Positional Vertigo (BPPV)] là một loại chứng chóng mặt quay cuồng liên quan tới tai. Bài viết trên Wikipedia có đường dẫn đến mạng của DizzyFIX, có bài giải thích dễ hiểu:
Tại mê cung của vùng tai trong (inner ear) của con người có nhiều hạt tinh thể canxi gọi là otoconia (cát tai) với tác dụng phân định thăng bằng. Với bệnh nhân của chứng BPPV, các viên cát tai này bị trượt thoát ra khỏi vị trí bình thường của chúng trong các túi chứa nhỏ, và bồng bềnh bên trong vùng tai trong. Những hạt cát tai này tạo cảm giác quay cuồng trong bệnh nhân khi chúng bị nhiễu loạn bởi các động tác xoay đầu.
BBPV có những đặc tính sau đây:
chóng mặt quay cuồng cực độ (cảm giác cả căn phòng bị quay cuồng)
cảm giác buồn nôn (nhưng ít khi thật sự nôn)
có thể được kích thích do một vài tư thế nào đó
chỉ kéo dài trong khoảng thời gian ngắn
cử động đặt thù của mắt gọi là nystagmus
Bệnh nhân thường thấy có triệu chứng khi nhìn lên, lăn mình khi nằm trên giường, cuối xuống phía dưới một đồ vật nào đó.
Tình trạng này xãy ra ở khoảng 10% của những người trên 60 tuổi. Bệnh BPPV có thể được chẩn đoán thấp (underdiagnosed) và bác sĩ thường hay điều trị bằng y dược thay vì phương pháp tái ổn định vị trí cát tai (particle repositioning maneuver).
Mạng DizzyFIX cho biết ở Shopper's Drug Mart có bán cái máy trị BPPV này.
Để Thứ Hai ghé tiệm gần công ty xem họ có không, và giá cả bao nhiêu. Nhưng chắc cũng phải cần hỏi ý kiến bác sĩ gia đình trước.
Điều trị khởi đầu này làm xê dịch các vật thể bồng bềnh ra khỏi ống bán khuyên sâu và do đó làm thuyên giảm 44% đến 95% các bệnh nhân mắc phải chứng chóng mặt kich phát hiền tính do tư thế. Trước hết, trắc nghiệm Dike-Hallpike được thực hiện về phía tai bị bệnh. Trong khi còn ở tư thế nằm ngửa va sau khi chóng mặt và rung giật nhãn cầu được gây nên bởi thủ thuật dừng lại, đầu bệnh nhân được đưa ngay về phía đối diện với tai bên đối diện bây giờ hướng xuống dưới. Đầu và thân của bệnh nhân được xoay thêm nữa theo cùng chiều hướng cho đến khi đầu của bệnh nhân có mặt hướng xuống dưới. Bệnh nhân nên được giữ trong tư thế này trong 10 đến 15 giây, sau đó được đưa lên tư thế ngồi với đầu vẫn còn giữ hướng về phía đối diện với tai bị bệnh. Trong khi ngồi, đầu được nghiêng sao cho cằm hướng xuống dưới. Thủ thuật Epley có thể cần được lập lại cho đến khi bệnh nhân không còn triệu chứng. Nếu thành công, bệnh nhân sẽ được chỉ thị tránh nằm trong vòng 24 đến 48 giờ sau đó.
Tại các bệnh viện công cộng (được tài trợ bởi chính phủ--đúng hơn là bởi tiền thuế của người dân) ở Toronto, đôi khi bệnh nhân phải chờ đợi quá lâu (có khi hơn 10 tiếng đồng hồ) mới được gặp bác sĩ chuyên khoa điều trị.
Trong số các bệnh nhân đến phòng cấp cứu, chỉ có 20% là nằm trong tình trạng nghiêm trọng. Tuy nhiên, hầu như ai cũng cho tình trạng của mình là trầm trọng và đáng được điều trị trước các người khác. Vô tình hay cố ý, những người này gây trì trệ cho cả một hệ thống.
Thứ tự điều trị không nhất thiết là "đến trước, trị trước". Tùy mức độ nghiêm trọng của từng bệnh nhân, người đến sau sẽ có thể được ưu tiên điều trị trước.
Thiếu bác sĩ. Thiếu giường bệnh.
Giải pháp hiện thời cho những người có khả năng tài chánh: bệnh viện tư. $200 để gặp bác sĩ thường trực ER. Muốn gặp bác sĩ chuyên khoa, thêm $$$.
Công việc của các Y Tá Xếp Hạng (triage nurse)--làm thế nào để phân biệt được bệnh nhân đang nguy kịch hay đang dở trò, hầu sắp xếp thứ tự cho hợp tình hợp lý--là một nghệ thuật. Hay, dùng từ ngữ của một y tá được phỏng vấn, đó là một "yêu thuật (black art)". Cách xếp hạng: hạng 1 - gần chết, điều trị lập tức; hạng 2 - nghiêm trọng (nhưng chưa đến nỗi chết), ~ 15' đợi; hạng 3, ~ 30' đợi; v.v...
Recent Comments