Người ta thường nói "anh hùng không qua nổi ải mỹ nhân". Mới hôm trước, đọc tin về sự sa ngã của Tiger Woods (34t), thì sáng nay lại nghe tin Adam Giambrone (32t) tuyên bố rút lui khỏi cuộc chạy đua giành ghế Thị Trưởng Toronto, âu cũng vì một chữ "sắc".
Hôm Thứ Năm tuần rồi, tôi mới bắt đầu nghe đọc sách The Republic (Nền Cộng Hòa) của triết gia Plato, cốt chỉ để tìm hiểu thêm về thể chế cộng hòa. Ngay hôm sau, tình cờ đọc được bài phân tích Tiger Woods and Plato của giáo sư chính trị học Carson Holloway (biết qua blog của Lm. Tim Moyle), tôi mới biết rằng The Republic cũng đi sâu vào vấn đề tâm linh.
Theo GS Holloway, Plato gọi linh hồn (soul) là "tâm thần" (psyche), và ông phân chia nó ra thành ba đặc tính: ham muốn (desire), xúc cảm (spiritedness), và lý trí (reason). Điều lý thú là, ông (Plato) so sánh linh hồn như là một thành thị, là nơi trú ngụ của ba thành phần nói trên. Hơn nữa, trong một linh hồn có trật tự, lý trí là thành phần được nắm quyền cai trị, và khi lý trí bị hai đặc tính kia chế ngự, thì linh hồn trở nên hư hỏng. Lý trí không cưỡng chế xúc cảm và sự ham muốn, mà cả hai thành phần này đều hiệp lực với lý trí, tạo nên sự hài hòa cho linh hồn. Chí ít, tôi nghĩ sự hài hòa ấy là tối ưu quan trọng, bởi nếu lý trí được tự do lộng hành, thì lý trí cũng dễ bị hư hỏng, và người ta sẽ lạm dụng lý trí để làm chứng cho sự ngụy biện. Dầu vậy, quan niệm lý trí luôn nắm quyền cai trị--hài hòa hay không hài hòa--tôi vẫn cho là khả nghi. Tôi nghĩ trong đây có sự biểu hiện không phải chỉ là một nền cộng hòa, mà còn là một nền dân chủ: đôi khi lý trí nắm quyền là điều tốt, và có khi khác, xúc cảm nắm quyền lại cũng là một điều tốt.
Hồi nhỏ (chắc độ khoảng 14 tuổi), khi tôi vẫn còn được gần với Chúa tôi hơn so với bây giờ, tôi có lần va chạm với dì tôi. Bà ấy trách oan tôi, nhưng khi tôi cố biện minh thì bà lại cho rằng tôi dối trá. Phụ thân tôi buồn lòng bèn khóa cửa phòng lại mà tủi thân. Thuở ấy tôi thần tượng phụ thân tôi gần bằng Trời, cho nên khi thấy mình đã khiến cha buồn lòng đến vậy, tự nhiên tôi đã quên hết mọi sự oan ức trên đầu mình. Tôi sợ ông làm bậy, nên đã quýnh cống khóc thê thảm, nài xin ông mở cửa. Ông không mở cửa, mà bảo tôi hãy đi học bài đi. Thay vì đi học bài, tôi chạy vào phòng quì xuống cầu nguyện. Vài phút sau, phụ thân tôi cho gọi tôi vào. Tôi quì bên giường cha tôi, miệng mếu máo vừa khóc vừa nói: "Con xin lỗi Ba. Con không muốn làm Ba buồn. Nhưng giờ Ba đã buồn, nên con xin lỗi Ba". Tại đấy, lý trí đã đầu hàng vô điều kiện, và đã nhường ngôi lại cho sự điều khiển hoàn toàn của cảm xúc.
Có thể là hiện giờ, cái mà đang ngự trị trong tâm hồn tôi là một thứ lý trí hư hỏng. Nghĩ đến phụ thân tôi nay tuổi đã già, sức đã yếu, tâm trí có lẽ không còn minh mẫn như khi xưa, tôi không khỏi xót lòng. Nhưng tôi không còn có thể ép mình đi xin lỗi chỉ để làm vừa lòng cha như năm xưa nữa. Nếu là tôi sai, thì quả thật tôi chưa cảm nhận được. Còn nếu ông sai, mà tôi cứ lại nhận lỗi về mình, thì chẳng khác gì tôi làm hại thêm cho phần hồn của ông. Đôi khi ông có cử chỉ bao dung khiến tôi thấy thương ông vô cùng, nhưng chỉ sau một thời gian thì lại đem chuyện cũ bới ra, khiến tôi thắc mắc không biết ông có tiếp nhận một câu nào mà tôi đã nói hay không.
Mặt khác, tôi cũng ý thức được rằng, những sự ngược đãi mà tôi từng nhận được là để tinh luyện cho bản thân tôi. Hay, nói theo cách của giáo sư tin học Randy Pausch: Mọi sự cản trở mà đời đặt ra cho ta là để thử xem ta có thật sự ham muốn niềm hạnh phúc ấy hay không; nó hiện hữu để cản trở những ai khác không ham muốn mãnh liệt bằng mình. Ông Trời sợ tôi trở nên nhàm chán với cuộc đời, nên đã sắp đặt đoạn đường sắp tới đây thêm vài sự cản trở.
Tụi nhị đệ đã ra về hồi chiều, sau 1 đêm và nửa ngày "tưng bừng" mừng năm mới tại nhà Bác Hai tụi nhỏ. Chiều hôm qua nó và phụ thân tôi chạy khắp nẻo tìm mua chiếc bánh sinh nhật cho mẫu thân tôi, sau cùng đành toại với hai ổ ... pizza, không đèn cầy. Đám con cháu vây quanh để chúc mừng sinh nhật. Mẫu thân than: sao bắt bà sanh sớm"? (Sáng nay phụ thân đã đền bù bằng cái bánh đẹp và ngon tuyệt từ tiệm bánh Đồng Khánh.) Tối đến kéo xuống tầng hầm mở đài CityTV lên chờ thiên hạ đón mừng năm mới trước khuôn viên Tòa Thị Chính, mở YM lên gọi về kéo phe VN lên mạng để hàn huyên--lâu lắm tôi mới được nói chuyện với Cửu Thúc. Tôi có chuyện phải kiếu lui, khi trở thì đã 00h30, mất cơ hội xem thiên hạ hò hét mừng giao thừa. Tiếp tục tán gẫu với phía VN đến 03h30 thì dẹp, ngủ.
Bản thân tôi, mấy ngày nay ăn, uống (bia có, rượu vang có) li bì. Nhưng chả nếm được mùi vị của những thứ mình đã ăn/uống, bởi hai lỗ mũi đã bị điếc từ đêm 29.
Tối nay dọn lại chiếc máy tính thời 1999 đã bỏ hoang bấy lâu, thấy có mấy đoạn thâu lại từ băng cassette Tiếu Vương Hội, bèn cho hát lại vài đoạn, nhớ thời mới tới trại tị nạn Omura (Nhật Bản), bởi lần đầu tiên được làm quen với băng hài này là ở đấy.
"I also came to understand that the purpose of prayer was not to change God’s mind, but to change my heart."
(Tôi dần dần hiểu được rằng mục đích của việc cầu nguyện không phải là để thay đổi ý định của Chúa, mà là để thay đổi tấm lòng tôi.)
Đọc mấy lời giới thiệu này thôi đã đủ thu hút tôi tìm xem "mùa 2" của chương trình Nothing More Beautiful (Không gì đẹp hơn) bởi Tổng Giáo Phận Edmonton, được phát hình trên đài Salt+Light TV. Cập nhật 25-11-2009 15:02: xem (và nghe) lời chứng của cô Lydia Cristini ở đây.
"Cầu nguyện không phải để thay đổi ý của Chúa, nhưng để thay đổi tấm lòng tôi." Câu này thật tuyệt vời. Vậy, tôi đọc kinh không phải để Chúa nghe, nhưng để chính tôi nghe, để những lời kinh ấy cảm hóa, và tác động đến tâm tư, lời nói, và việc làm của tôi. Tôi cần phải trở lại với thói quen đọc kinh mỗi sáng như khi còn ở Nhật Bản. Lúc đó do ở chung với mấy cha con của bác Nguyễn Thời Thí (một gia đình cực kỳ ngoan đạo), nên mỗi sáng bị đánh thức sớm 6h30, bị lôi đầu lên nhà nguyện của Cha George Cloutier để đọc kinh, rồi 7h30 bị kéo cổ tới nhà dòng của Sơ Muraoka để giúp lễ cho Cha George. Giờ đây, nhìn lại, tôi cảm thấy phúc đức vì đã được hưởng những cái "bị" ấy làm nền tảng cho đức tin.
Năm ngoái, xem bài giảng của Đức TGM Richard Smith của Edmonton, tôi lưu ý tới điểm này (thời điểm ~ 25:00-30:00): có một quan niệm, rằng trong mổi người chúng ta hiện hữu hai quyền lực ngang hàng và đối lập với nhau--một chánh, một tà. Trong truyền thông đại chúng, ta nhận thấy quan niệm này được biểu hiện qua hình ảnh một thiên thần ngồi bên vai phải, và một quỷ thần ngồi bên vai trái của ta. Đây là một quan niệm sai lầm. Trích lời TGM Smith:
Vâng, có một quyền lực tà ác đang hoành hành trong thế thới, và nguồn gốc của nó là một sự huyền bí, nhưng chúng ta có thể vượt qua nó, và đừng để nó làm động cơ khiến ta tuyệt vọng.
Nguồn gốc của nó là một sự huyền bí? Lời Đức Cha Tổng khiêm nhường thật. Người công giáo ta thừa biết nguồn gốc nó phát xuất từ Sa Tăng, và Sa Tăng dù sao cũng chỉ là một "tạo vật". "Tạo vật" không thể nào thắng nổi Đấng đã tạo nên nó. Bởi thế ĐTC Benedictô XVI mới thốt ra câu: "không gì đẹp hơn được tìm biết Chúa Kitô". Tôi đang đọc tác phẩm "Niềm Vui Khi Được Biết Chúa Cứu Thế" (The Joy of Knowing Christ) của Ngài, như để tìm lại đức tin của chính mình.
Xem đài truyền hình Salt+Light, trực tuyến:
Lịch trình:
Jesus Christ: Word of God Made Flesh
Catechist: Most Rev. Richard Smith, Archbishop of Edmonton
Witness: Lydia Cristini, teacher
Broadcast: November 7th at 9:00 pm ET, encore presentation Tuesday, November 10th at 8:00 pm ET
Jesus Christ: The Way, the Truth and the Life
Catechist: Most Rev. Thomas Collins, Archbishop of Toronto
Witness: Mother Agnes Mary Donovan, SV
Broadcast: December 19th at 9:00 pm ET, encore presentation Tuesday, December 22nd at 8:00 pm ET
Jesus Christ: Lamb of God and Bread of Life
Catechist: Most Rev. Gary Gordon, Bishop of Whitehorse
Witness: Sister Annata Brockman, SC
Broadcast mid-February 2010
Jesus Christ: Crucified and Risen Lord
Catechist: Most Rev. J. Michael Miller, CSB, Archbishop of Vancouver
Witness: George Weigel, author
Broadcast late April 2010
Jesus Christ: Revelation of the Trinity
Catechist: Cardinal Daniel DiNardo, Archbishop of Galveston, Houston
Witness: Carl Anderson, Supreme Knight, Knights of Columbus
Broadcast early June 2010
Chiều hôm qua rời văn phòng, bước ra sân thượng nơi bãi đậu xe, mới 18h30 mà chẳng còn thấy ánh sáng mặt trời đâu cả, chợt nhớ câu nói của Bà Nội tôi lúc xưa: "Đêm tháng 5 chưa nằm đã sáng; Ngày tháng 10 chưa cười đã tối". Ngàn dặm xa xôi cách hơn nửa vòng Trái Đất, câu nói này vẫn còn quá đúng.
Cuộc đời Nội tôi khổ nhiều, sướng ít. Sáng mở mắt ra là làm lụn tất bật, loay hoay chưa làm được chi mà đã tới tối mờ, không thấy đường để cuốc đất nữa nên phải nghỉ thôi. Tối đặt lưng nằm xuống, gác tay lên trán suy tính coi ngày mai sẽ làm gì, ngã lưng chưa được yên thì gà đã gáy, trời đã hừng sáng.
Cuối tuần này đây miền đông Bắc Mỹ sẽ đổi giờ (thụt lùi lại một giờ), câu nói dân gian ở trên sẽ trở nên "bớt đúng"...ừm...hay là càng đúng hơn?
Con vẫn luôn nhớ đến Nội, dù cho mấy năm gần đây, thử thách của đời dễ làm con quên lãng.
Trời quang đãng, trong lành, mây là đà, không chút dấu hiệu của sự ô nhiễm môi sinh. Tuyệt đẹp!
Mỗi lần gặp cảnh trời đẹp như vậy, tôi thường nghĩ như vầy: Tạ ơn Chúa, và tạ ơn phụ thân đã cho con cơ hội được sống ở nơi đất nước tự do này. Lần đầu tiên tôi gặp cảnh trời này là lúc tôi đặt chân lên đất nước Nhật trên bước đường tị nạn.
Thật ra nói "lần đầu tiên" thì có lẽ hơi quá đáng, vì lúc nhỏ khi làm mục đồng chăn dê ở quê nhà, tôi cũng đã gặp cảnh trời tương tự. Nhưng cảnh đó có kèm theo gió mát hiu hiu trên cánh đồng bát ngát bao la. Còn cảnh đây là cảnh trời yên tịnh, không chút gió. Ấn tượng có khác. Cảnh gió hiu hiu làm tôi hướng về quê hương. Cảnh trời yên tịnh khiến tôi khao khát đến quê trời, nơi mà tôi không dám chắc rằng mình sẽ được đến.
Đã tự hứa lâu rồi, hôm qua mới có dịp "mã số hóa" (digitize) cái băng cassette sinh hoạt Trại Về Nguồn hồi năm 1986 tại công viên Akasaka-yama thuộc tỉnh bang Niigata (ở đây có đoạn viđiô về công viên này), đã nghe lại, và rùng mình đẩy lên mới sáng nay--rùng mình vì nhớ lại lúc nhỏ tôi "quậy" thật.
Những gì của cộng đồng, nay trả lại cho cộng đồng.
Đợt đi trại này phụ thân tôi không có đi, nên tôi đã đem theo máy ghi âm bỏ trong túi để thâu lại từng chi tiết để đem về cho ông nghe. Tôi còn nhớ, do Ba tôi không đi nên khi bước lên xe buýt tôi buồn hiu, nhưng 5 phút sau, khi đã hòa vào cuộc vui "văn nghệ bỏ túi" ở trên xe, thì đã bỏ quên cái buồn đâu mất tiêu.
Đây là sơ lượt vài thời điểm của đoạn ghi âm:
00:05:42: "Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay, tay kia cầm sợi dây, để bắt con cầy" là giọng của "yours truly".
00:14:20: "Đi xích qua bên bểnh. Người ta đi ngay hàng người ta đây [mà] khi không xích ra sao được!". Giọng tôi "cãi lộn" với Nga. Đợt đi trại này là lần đầu tiên chúng tôi quen nhau.
00:20:30: "Thấy hông, con nói con đem theo miếng trải rồi mà Ba không cho [đem]." Lại là giọng nhí nhảnh của cô bạn tên Nga của tôi.
00:45:10: "Dozo, yoroshiku onegaishimasu."
00:45:45: Bé Đinh Nguyễn Tường Vi hát bài "Kìa con bướm vàng"
00:47:00: Kịch bản Sơn Tinh Thủy Tinh
00:53:15: "Kết thân, kết thân! Mấy người? Năm người. Woh...ba người..."
Đã quá trễ giờ.
Em bước ra cửa, nhưng rồi lại muốn quay vô, như thể vừa nhớ lên điều gì.
Anh quát lên, giọng trầm, nhưng gằn rõ từng câu chữ: "Thôi đi ra mau!"
Em cuối đầu, vâng lời bước nhanh qua ngưỡng cửa.
Anh biết ngay lập tức...
Anh đã lỡ lời.
Anh xin lỗi em yêu.
Đêm qua vừa mơ một giấc mơ rối óc. Tôi làm linh mục, dâng lễ lần đầu, lọng cọng chẳng biết phải làm gì. Cha Tập đứng bên cạnh, nhắc từng ly từng tí. Tôi bực dọc, liếc cha Tập như thể muốn nói, "Cha đừng nhắc nhiều quá, tôi biết tôi phải làm gì mà".
Sau lễ, Cha Bá hỏi, "từ ngày nhậm chức tới nay chưa hề dâng lễ lần nào sao?" Tôi thưa rằng chưa. Cha bảo, "Cha rất tiếc đã không có ở đây để chỉ dẫn cho mầy."
Điểm "rối óc" là ở chỗ: lúc ấy tôi đã có vợ con.
Nhớ năm nào hồi còn ở bên Nhật, cha Hồng Kim Linh có lần hỏi tôi, "Có muốn đi tu không? Cha giới thiệu cho". Tôi chỉ cười bù trừ, dường như chừng 12 tuổi ấy cũng đã tự ý thức được rằng, cỡ như tôi "quỉ khóc, thần sầu", chăn mình còn chưa xong đừng nói chăn chiên, đi tu chỉ có thể làm bại hoại cái thiên chức làm môn đệ Chúa mà thôi.
Chiều nay đi chợ mua bao gạo 16kg hiệu Bông Hồng ($27); mua chai rượu Cabernet-Merlot, con Cá Rồng Châu Úc (australian Barramundi ) về hấp, mời ông bà cụ tôi xuống nhâm nhi. Chẳng có duyên cớ gì đặc biệt. Cũng chẳng luận bàn gì to tát.
Hôm nọ, nghe Mẹ tôi kể rằng nhị đệ tôi nó nói về tôi: "Ổng từ đó giờ chưa từng được ăn ngon nên ăn gì cũng khen ngon". Tôi không được rõ, nhưng có thể căn cơ của câu phát biểu này là bởi nó nghe tôi tôi khen ăn nem nướng ngon. Chú nó nói đúng phần nào. Hồi nhỏ tôi sống ở xóm nghèo, đã trải qua nạn đói của '78--không gạo để nấu cháo, nhà trồng khoai lang, khoai mì nên ăn độn khoai thay cơm. Phải, từ cái khó khăn cực cùng ấy, nên giờ đây ăn gì tôi cũng thật sự thấy ngon, và ăn rất ngon miệng, ngọai trừ một số hoàn cảnh rất hiếm hoi. Tôi nhớ cái khó để trân trọng cái no. Tôi biết thằng em tôi nó đã từng khó hơn tôi nhiều. Có lẽ do vậy mà bây giờ nó không còn muốn nhớ đến cái khó khi xưa nữa.
Mấy tuần trước, phụ thân và nhị đệ tôi xuống làm giỗ cho Ông tôi. Ngồi kể chuyện đời xưa về thời Ông Nội và Ông Cố tôi. Tôi thì nhớ Bà Nội có kể, thời xưa loạn lạc, đạo tặc lan tràn. Nhà Ông Cố tôi ban đêm bị ăn trộm liên miên. Chủ nhà vác tầm vong rượt ăn trộm chạy rầm rầm. Mấy cậu ăn trộm thì trần truồng như nhộng trong bóng đêm, bôi bùn khắp thân thể để khi có bị chủ nhà víu được trong đêm tối thì thân hình trơn tru sẽ tạo thuận lợi cho việc đào tẩu. Phụ thân tôi kể thêm, rằng có lần Ông Cố tôi vác tầm vong rượt bọn ăn trộm, bị chúng dùng súng đạn chì bắn trả lại, khiến Ông Cố tôi tử thương.
Câu chuyện thời xưa ở trên gợi nhớ chuyện đạo tặc của thời nay. Thay vì ăn cắp đồ thì người ta ăn cắp văn. Bên blog Khoa Học Máy Tính, thấy bác Hưng lại phải phàn nàn vì có ai đó bên VN ăn cắp bài viết của bác ta. Hồi tháng 7 vừa rồi, tôi tình cờ phát giác ra bài viết này trên Wikipedia Tiếng Việt, hầu như là hoàn toàn sao chép từ chương 4 của tác phẩm "công giáo: huyền thoại và tội ác" của Charlie Nguyễn. Wikipedia Việt Ngữ cần có nhiều cố gắng nữa để đạt được trình độ chất lượng của phiên bản Anh ngữ (cho dù bên Anh ngữ cũng có khuyết điểm).
Ngày giỗ Ông Nội tôi nhằm ngày 27-08 AL, tức là hôm Thứ Sáu vừa qua. Do lu bu nên đã chễnh mảng, không đọc kinh đúng ngày cho ông. Thật có lỗi.
Ông tôi quê ở Gò Công, làm nghề thầy giáo trung học tại đấy một thời gian. Sau đó vì việc xin dạy tại trường công lập Nguyễn Đình Chiểu ở Mỹ Tho, nên đã dời gia đình lên Mỹ Tho sinh sống. Trong khi đó, ông còn xin dạy thêm ở Hòa Đồng, Chợ Gạo, hằng ngày đạp xe đạp hơn mười mấy cây số để đi dạy. Hè vừa rồi tôi cũng đạp 15 cây số để đi làm mỗi ngày. Vậy là hai ông cháu coi như có chút điểm tương đồng.
Hồi nhỏ tôi ít gần gũi với ông (tôi quấn quýt bên Bà Nội tôi nhiều hơn). Nhưng cũng có vài kỷ niệm khó quên. Nhớ năm '76, '77 gì đó, khi tản cư từ Sài Gòn về Gò Công, từ huyện về ấp Thanh Nhung, mấy thúc thúc cùng mẫu thân và nhị đệ tôi đã rẽ ra, đi xe bò về trước theo ngã Tân Tăng Hòa, còn hai ông cháu từ từ tản bộ về qua ngõ Tân Cương, đi hai bên đồng lúa xanh bát ngát, phơ phất theo từng đợt gió. Thỉnh thoảng trên đường, gặp lại bà con đã từ lâu không gặp, ông dừng lại nói chuyện. Họ hỏi:
- ủa, con của đứa nào đây anh?
- con của thằng N. đó anh.
- chà, hai ông cháu, một già một trẻ, vừa đi vừa tâm sự như hai người bạn vậy nha.
...
Dường như giây phút đồng hành với ông lúc đó là lúc tôi gần ông tôi nhất.
Sau khi đã ổn định ở dưới quê, tôi vào học lớp một. Một hôm ngồi treo vắt võng trên nhánh cây chùm ruột trước nhà, lớn tiếng đọc lào lào bài tập đọc, không nhớ nguyên bài thế nào, chỉ nhớ cuối bài có câu mà tôi dõng dạc đọc là "cho em không lớn". Ông tôi ngồi ở dưới nghe được, bèn lên tiếng sửa là "cho em khôn lớn". Tôi không chịu nghe theo. Thế là hai ông cháu cãi nhau. Sau cùng, ông mệt quá, thốt lên, "Đồ ngu!" Thằng khỉ nhị đệ của tôi ở dưới đất nghe vậy, cũng hòa theo, "hì hì hì ... anh hai nhu! hì hì".
Ông mất năm '80. Còn nhớ đêm đó, nửa đêm chợt tỉnh giấc, thấy mình đang nằm trên nhà bác Ba Giáo ở cùng xóm (Bác Ba là con trai của Ông Sáu, anh ruột của Bà Nội tôi). Hỏi tại sao tôi lại ở đây thì không ai chịu nói. Tôi nằng nặc đòi về vì không muốn ngủ xa Bà Nội. Mãi lâu mấy anh mới đưa tôi về nhà. Bà nhìn tôi mếu máo, "Ông Nội mất rồi con". Tôi ngơ ngác không biết nói gì, cũng không xúc động gì--tuổi thơ chừng ấy làm gì biết ý thức về sinh tử. Thì ra chú tôi đã đưa tôi lên ngủ nhờ bên nhà Bác Ba để gia đình tiện lo tang sự.
Sau đó, đi "thăm nuôi" phụ thân tôi ở Tây Ninh. Trên đường đi bộ mấy cây số từ trạm xe vào trại cải tạo, chung quanh cảnh hùng vĩ của Núi Điện Bà, Bà tôi đã căn dặn nhiều lần: "Ba con có hỏi thì hãy nói Ông Nội vẫn khỏe. Đừng cho Ba con biết Ông mất, kẻo Ba buồn." Tôi răm rắp, vâng vâng, dạ dạ. Đến hồi gặp Ba tôi, Bà Nội đi rửa mặt, còn tôi vô tư ngồi chơi trong lòng Ba. Chợt Ba hỏi "Ông Nội khỏe không con?" Tự nhiên tôi mếu méo, lời thốt ra vô tư như không cầm được, "Ông Nội mất rồi!" Nói xong thì òa khóc lên ngon lành. Phụ thân tôi, trong nỗi đau với tin bất ngờ mất cha, lại phải vội dỗ giành, an ủi đứa con ngỗ nghịch đang ngồi gọn trong lòng ông.
Đêm qua hiếm mơ về cô bạn xưa. Hai đứa đang chung sống dưới quê Gò Công. Một hôm tôi đi công tác ở Sàigòn về thì thấy anh chàng hàng xóm ở xóm trên--người tình xưa của cô nàng--xuống chơi, thấy cô ta đang ân cần chăm sóc cho anh chàng. Tôi liền giở thái độ hằn học, đoạn tuyệt với cô nàng ngay từ đấy.
Thức giấc, ngẫm lại, thấy tội nghiệp cho cô nàng, dù gì cũng không đáng bị đối xử như thế bởi một thằng ghen tuông bóng gió. Thật, trong giấc mơ dường như tôi hay hành động theo bản năng (instinct) và thiếu sự kiểm soát của lý trí (reason), bởi ngoài đời có lẽ tôi sẽ xử sự khác. Nhớ có lần tình cờ rón rén đến sau cửa phòng, định "hù" cô nàng một cái, nhưng rồi nghe cô ta đang cười nói trên điện thoại với một anh chàng nào, tôi bèn rón rén rút lui về phòng mình. Lại có lần muội muội tôi gọi báo, rằng tình cờ thấy cô ta đang cặp kè với một anh nào trong Yorkdale, tôi cũng bảo em tôi, cứ để họ tự nhiên, đừng đá động đến họ. Về nhà, tôi cũng đã không hề nhắc đến chuyện ấy với cô ta.
bị nắng ăn. Cool!
Hai vệt trắng là vết tích của hai sợi dây của miếng mướp bọc cùi chỏ.
Hôm nay chạy ngang cầu Humber trên đường Queensway, cao hứng ngừng lại chụp một tấm:
Những cảnh như thế này thường làm cho tôi nhớ quê xưa. Dĩ nhiên "quê xưa" bây giờ chỉ còn--và sẽ mãi--tồn tại trong ký ức tôi, bởi cảnh tượng ngoài đời giờ đã thay đổi đi nhiều.
Chiều hôm qua do cao hứng (cũng có thể nói là do lương tâm gợi nhắc), đi làm về nhà, rửa mặt lau mồ hồi xong thì liền lôi lò nướng thịt (barbecue) ra, nướng một mớ đùi gà, sường heo, và bắp.
Xong, lấy điện thoại gọi cho cô em:
- Hello?
- Hey, come down for some BBQ.
- Can my friend come?
- Sure
- My car's making weird noises
- Come down, I'll take a look at it for you.
- Alright, we'll be there.
Một giờ sau, hai cô nàng đến. Mấy anh em cùng thịt một chầu xong, tôi ra mở đầu xe xem, thấy nhớt trợ lực tay lái (power steering fluid) hơi bị cạn, bèn móc điện thoại, định gọi nhắn tin cho phụ thân tôi sáng mai xem lại. Hì hì....tôi đâu phải là thợ sửa xe đâu mà mò. Vả lại, giờ đó Canadian Tire cũng đã đóng cửa, muốn chạy mua nhớt về châm cũng không được. Phụ thân tôi làm đêm, máy không có hệ thống nhắn tin. Thường thì khi ra về thì ông gọi lại. Nhưng lần này, đến giờ ông nghỉ việc mà không thấy ông gọi lại.
Sáng nay gọi lại cô em, hỏi có báo cho phụ thân không. Cô nàng trả lời, không, đã đem xe thẳng đến tiệm. Thì ra bộ thắng bị mòn, phải thay, tốn $100 một bên.
Cô bé này có tính tự lập. Chẳng uổng công phụ thân thương nó nhất.
Nhớ tôi lúc xưa ở độ tuổi đôi mươi như nó, việc nhỏ gì cũng vẫn còn nhờ phụ thân làm. Thậm chí đi khám bệnh ông cũng phải đi theo. Ông sợ tôi nói tiếng Việt không rành--mà hồi đó đúng là nói không rành thật. Đến nỗi cha tôi buộc phải phán cho một câu: Mầy điệu này mà ra ngoài đời, không biết làm sao mầy sống nổi.
Tuần rồi, nhị đệ được nghỉ phép nên hôm Thứ Năm nó xuống Toronto chơi, thăm mẫu thân và bé cháu gái con của tam đệ mới sanh. Tối ngồi ăn tối, nói chuyện đời xưa, tự nhiên dẫn đến chuyện sợ ma. Mẹ tôi kể rằng hồi nhỏ giữa tôi và nhị đệ thì nó là thằng sợ ma hơn. Tôi thì lại nhớ khác. Tôi nhớ lúc xưa ở với Ngũ Cô, được bà tặng danh hiệu "nhát như thỏ đế". Nhà chỉ có 3 cô cháu, mỗi tối bà may đồ (sau '75 cô tôi làm thợ may) thì hai đứa tôi ngồi bên cạnh bà chơi. Tới khuya vẫn chưa xong, nên bà bảo hai đứa đi ngủ trước. Thằng em tôi--nhỏ hơn tôi hai tuổi--nó lọt tọt vào buồng trong, ngủ liền, không chần chờ. Còn tôi do sợ ma quá nên không chịu đi.
Từ giường ngủ của chúng tôi có thể nhìn thẳng ra nhà sau, thông ra vườn sau, một màn đêm tối om. Bóng tối có thể tạo nên nhiều thứ quái dị đối với cái óc tưởng tượng. Lại đang nghe tuồng cải lương "Thái Hậu Dương Vân Nga" (vừa sau khi hay tin nghệ sĩ Thanh Nga bị ám sát), nghe có chút rùng rợn, nên tôi ứ dám đi ngủ một mình, bèn giả đò làm như chưa buồn ngủ, cố hỏi cô tôi hết điều này đến điều nọ để cô tôi thấy là mình còn tỉnh lắm. Hỏi một hồi thì tôi gật gù, ngủ gục, giật mình lại thì tiếp tục giả đò làm tỉnh, nói chuyện tiếp. Được một hồi thì cô tôi chịu thua, bèn dẹp đồ, cùng tôi đi ngủ.
Lại nhớ lúc ở dưới quê, vừa sau khi Nội Tổ (Ông Nội) của tôi mới qua đời, mấy chú đi làm ruộng về khuya, một mình tôi ở nhà, đốt đèn dầu, đơm cơm lên bàn thờ, đốt nhang cúng xong thì leo lên giường trùm mền...trốn. Có hôm sợ quá kham không nổi thì vắt giò lên cổ chạy cống lên nhà Bác Ba Giáo chơi, chờ Thất Thúc đi ruộng về. Trong khi đó, ở nhà, con mèo hàng xóm nó leo lên bàn thờ tha hồ đớp đồ cúng.
Recent Comments