Tận tâm, tận sức thôi chưa đủ. Đôi khi còn đòi hỏi phải kèm thêm sự hy sinh cá nhân nào đó trước khi được chứng kiến sự thành công mỹ mãn, xán lạn. Đối với tôi trong hơn hai tháng nay, sự "hy sinh" ấy lên đến khoảng $4,800.00.
Chiều hôm qua về, mở lốp xe ra mò thì thấy lỗ xì tại chỗ đã có dấu vá. Mang đồ nghề mua từ CanTire (CT) ra, chà nhám rồi vá chồng lên, xong ép dưới chân bàn ăn cho qua đêm.
Sáng ra bơm lên, thử nước thì thấy ổn (không có dấu hiệu sùi bọt), bèn lắp vào, bơm căng thêm, rồi thì hành trang chỉnh tề, chuẩn bị khởi hành. Nào ngờ, vừa ra chưa khỏi ngõ hẻm thì bánh lại xẹp lép. Thế là đành quay trở vào, quấc xe hơi đi làm.
Chiều nay về, mua luôn cái ruột mới lắp vào.
Lắp xong thì cục gươm thắng trước chợt rớt ra, bèn hì hục ráp lại cái gươm.
Ráp xong thấy cổ thắng bị lỏng, gươm thắng ma sát vào niềng xe quá, bèn lấy chìa khóa ốc siết cho chặt. Siết làm sao mà gẫy bà luôn con vít.
Giờ này thì CanTire đã đóng cửa. Thế là mình xách xe cùi (không thắng trước) tọt ra Home Depot tìm mua bộ thắng trước (lần đầu tiên trong đời chạy xe đạp trên đường phố Toronto, nghe mùi chẳng khác gì đường phố Sài Gòn ); Home Depot không có bán phụ tùng xe đạp. Bèn vọt luôn qua WallMart; WM vừa đóng cửa lúc 23h00. Thế là xong.
Dường như Ông Trời không muốn tôi đạp xe đạp đi làm.
Chiếc xe cùn đã nằm dưới tầng hầm hơn chục năm không rớ tới; giờ lấy ra chạy, muốn không có trục trặc gì thì quả là quá mơ tưởng.
Sớm may CT mở cửa 8h00. Sẽ vọt sang xem cặp thắng trước bao nhiêu. Không thì mua quách chiếc xe mới (đang hạ giá $99) cho rồi.
Hôm qua ghé châm xăng, ý ẹ, $1.41/L--tôi dùng xăng 89% ốc-tan cho nên hơi đắt hơn xăng thường (87%).
Chắc là phải phủi bụi chiếc xe đạp bạn đồng hành với tôi thời Đại Học--phụ thân tôi đã mua cho với giá $100. Hơn chục năm nay chưa dùng tới nó.
Hình chụp năm thứ nhất Đại Học (1991), bên cạnh chiếc xe đạp, với anh Nam và anh Minh, sau máy chụp là anh Cường. Minh giờ đã "theo nàng" về thung lũng tình yêu, ý quên Thung Lũng Silicon; Cường thỉnh thoảng vẫn còn liên lạc. Duy có anh Cao Thanh Nam thì mất liên lạc. Anh Nam khi học chung năm đầu khoa Toán, cùng với anh Cường, ba đứa thuê chung tầng hầm của bác Clarke. Anh Nam nấu ăn giỏi lắm, nên suốt năm đã kiêm đầu bếp cho ba đứa tôi. Bao nhiêu năm qua tôi vẫn còn nhớ ơn anh. Tiếc thay, sau năm đầu, do có chuyện gia đình gì đó nên anh đã phải thôi học.
(khoảng) 3 tây tháng 6, 1997:
Nghe tin Nội tôi (78) do đi đứng bị trợt té mà nằm liệt, tôi từ Canada bay về VN thăm. Ba tôi đã bay khẩn về hơn một tuần trước đó, còn tôi lo phải thu xếp công việc nên mới về sau. Hơn một tuần lễ, Ba tôi hầu cận bên cạnh bà trong bệnh viện, nhưng xem chừng lành ít dữ nhiều, nên bác sĩ đề nghị nên cho bà về nhà. Sau hơn 10 năm, tôi gặp lại bà trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê. Tôi ôm bà khóc một phen. Bà nhận ra tôi. Liền đó, bà quyết định trao chiếc vòng cẩm thạch lại cho tôi--chiếc vòng mà suốt quản đời, đã không hề rời xa cườm tay bà kể từ khi 19 tuổi. Tôi van bà hãy để lại cho Ngũ Cô (con gái duy nhất trong gđ), nhưng Bà một mực không chịu. Chiếc vòng được tuốt ra khỏi tay. Vài hôm sau Nội tôi qua đời.
Từ đó chiếc vòng đã trở thành biểu tượng cho Nội tôi. Nói theo kiểu "kiếm hiệp" thì là: thấy vòng như thấy người.
Duyệt nhanh lại vài mảnh thư từ củ.... Tháng 10, 2002:
...
Ta muốn nói về vòng cẩm thạch, di vật của Bà Nội. Bởi Nội thương lo cho con, muốn con sớm thành gia thất nên vào những ngày giờ cuối của cuộc đời, Nội không thấy còn gì khác ngoài vòng cẩm thạch trên tay muốn để lại cho con làm lễ vật khi cưới vợ...Ngụ ý khi con trọn bề gia thất thì Nội mới yên tâm. Con phải biết hiểu ngụ ý của Nội là muốn thấy con thành vợ thành chồng, chứ chưa hẳn là muốn trao vòng cẩm thạch một đời gìn giữ của Nội cho một người ngoại tộc.
...
...
...
Vì những lý do trên, Ta quyết định giữ vòng cẩm thạch cùng những di vật của Nội còn tại VN như những di vật gia phả. Chỉ có ai thuộc cùng huyết thống của Bà Nội mới được gìn giữ quản lý mà thôi!
Hmm....Thì ra chiếc vòng từ VN đã xuất ngoại, để rồi nhập nội từ bao giờ. Nhiều lúc tôi phân vân, muốn chôn vùi và quên đi những lời đáng lẽ không nên thốt ra, cử chỉ đáng lẽ không nên làm. Tôi biết cần phải cho nó qua, nhưng dường như tinh thần chưa đạt đước đến bước đó, bởi lòng vẫn còn đau. Chắc là nay mai thôi, và hôm nay là một sự bắt đầu. Phần lớn đều là lỗi tại tôi. Cách cư xử cứng đơ của mình hiếm có ai hiểu được.
Hôm nay là mùng 1 tháng 5. Bà tôi mất, tính đến nay đã tròn 10 năm.
Nội tôi là người không có đạo (ngoài việc thờ cúng ông bà). Nhưng, nhớ lúc xưa khi kể chuyện, bà hay nhắc đến "Ông Trời" và "thời khai thiên lập địa", cho thấy bà đã có ý niệm về Đấng Toàn Năng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình. Vào khoảng gần cuối cùa đời, bà hơi nghiêng về bên đạo Phật. Là dân nhà nông, câu mà bà thường hay thủ thỉ bên tai tôi:
Mong Trời mưa xuống, có nước tôi uống, có ruộng tôi cày...
Nếu nói đến đọc kinh giỗ trong gia đình, thì có nhiều kinh khác nhau để đọc lắm. Tôi gửi anh/chị link nói về đọc kinh giỗ: http://thanhlinh.net/caunguyen/CacLinhHon/ThamNhiaTrang.htm
...
Đọc kinh giỗ trong gia đình tại nhà, tôi đề nghị bỏ hết phần trên từ kinh cầu các Thánh của trang Thánh Linh.
Đầu tiên làm dấu, đọc kinh Chúa Thánh Thần, kế đó kinh Ăn năn tội, tiếp nên đọc Năm sự thương, sau khi đọc xong Năm sự thương, đọc tiếp kinh Cầu Các Thánh, kế đó nên đọc thêm hai kinh kính tên Thánh của Cụ, và sau đó tiếp tục đọc theo trang Thánh Linh (phần kế của Kinh cầu các Thánh)cho đến hết.
Hồi còn ở Nhật và mấy năm đầu sang đây, tôi rất siêng năng đọc kinh. Nhưng sau đó, và đã khá lâu, không đọc kinh ban sáng hằng ngày. Thôi thì sẵn dịp, đọc theo các kinh ban sáng ngày thường cho trọn, cầu cho Nội và cũng là cầu cho con, cầu cho người chết và kẻ sống luôn thể.
+++
Dạo này sức khỏe tôi khả quan hơn mấy năm trước, nhưng vẫn chưa đạt đến mức "đại lực kim cang", bởi Thứ Bảy vừa rồi giang nắng cái đầu trần làm cỏ trước sau nhà, tối đến liền bị ơn ớn lạnh--may là không đến nỗi quỵ luôn mấy ngày.
Thằng em tôi hôm qua xuống chơi, nghe tôi dùng hai chữ "làm cỏ", hắn khì cười, như muốn nói "sân nhà có tí xíu mà cũng bày đặt dùng chữ 'làm cỏ', nghe như to tát chi lắm". Cái thằng này! đúng là mình cố tình thổi phồng phô trương thanh thế mà, làm cụt hứng.
Quả thật ở xứ lạnh đây mà cũng trồng mai được. Mấy cây tôi thường thấy quanh đường phía tây-bắc của thành phố--và trong công viên High Park--đích thật là cây mai (chính xác hơn là "cây đầu xuân", tiếng Anh gọi là Forsythia)--hôm qua đi rảo trong Home Depot tìm cây hoa mua về trồng, mới biết tên tiếng Anh của nó.
Gần tháng nay, mỗi sáng dậy đã bắt đầu bị hắt-xì hơi, sổ mũi chảy nước mũi--biểu hiện cho mùa dị ứng (khoảng cuối tháng tư tới đầu tháng chín) bắt đầu.
Có thể là do lạnh phổi mà gây ra. Quan sát mấy tuần nay trên bản thân, cho thấy, chút hoạt động mỗi sáng này có tác dụng giảm thiểu tình trạng sổ mũi, hắt-xì:
Sáng dậy tròng ngay vào một cái áo ấm. Tôi thì thích chiếc áo "lông gấu" của tôi (chắc không phải lông gấu thật), rất ấm.
Vận động làm nóng cho cơ thể bằng cách tập thể dục, chạy bộ, hay tập tạ (tôi thì, gần đây, tranh thủ dậy sớm để tập tạ khoảng 15-30' mỗi sáng).
Nghe đâu cơ quan từ thiện Công Giáo Caritas đã có chút thành công trong công việc cứu trợ nạn nhân Nargis, trong khi các cơ quan cứu trợ khác vẫn còn bị chính quyền Miến Điện cản trở.
Hồi còn ở Nhật Bản, tôi có được nghe nói về Caritas--dân tị nạn như tôi từng được họ giúp đỡ rất nhiều. Vừa mới lên mạng của họ xem thử nhưng không thấy nhận đóng góp trực tuyến, bèn qua mạng ShareLife (ShareLife là một thành viên của Caritas). Nhà thờ Thánh Cecilia, nơi tôi hay đi xem lễ, vẫn thường quyên góp cho ShareLife. Lần này chắc cũng không ngoại lệ, nhưng dạo này tôi ít đi lễ nhà thờ, nên đành đóng góp qua mạng vậy.
Chiều tối Thứ Bảy: tụi tôi đột nhập nhà mẫu thân--nhị đệ nó lên từ Guelph, đem sẵn tôm hùm và thức ăn nấu sẵn từ nhà nó xuống. Tôi, đảo xuống từ Vaughan--do sẵn đi dạo trên ấy--trên tay trang bị một két Heineken. Vì bởi, em tôi nó tới với mục đích khao mẹ trong ngày Hiền Mẫu; còn tôi đến với mục đích khao chính mình . Mẹ làm ở tiệm tới 5h, xong giông về, cả nhà--trừ vợ chồng chú út vắng mặt vì có công chuyện--cùng làm một chầu. Xong, đám của nhị đệ đáp xuống nhà tôi ngủ qua đêm.
Xế chiều Chúa Nhật: mở lò nướng thịt ra, tại nhà tôi làm một chầu nữa. Lần này có phụ thân tôi "phụ họa", ông cụ đem xuống một bình Carlo Rossi 3L, cùng lai rai cho tới tối gần cạn bình (can phạm chính làm cho cạn bình là tôi). Gần tối đến, lại có tam muội tôi lần đầu tiên tự lái xe tới chơi.
Chủ yếu, thấy mẹ tôi khá vui, vì không thấy bà đâm thọc ông già hôm nay. Cầu Chúa và Thánh Mẫu cho mẹ nhiều niềm vui hơn nữa. +++
Phần tôi, khỏi phải nói thêm cũng đủ biết tôi vui. Nhớ lại câu "mồ côi cha ăn cơm ăn cá, mồ côi mẹ liếm lá ngoài đường". Tôi không thật sự mồ côi cha, cũng không hẳn là mồ côi mẹ, nhưng eo ơi, cũng có một thời tuy nhà có cơm có cá nhưng gần như liếm lá ngoài đường. Nhưng thôi, nhiều người nói số tôi vẫn sướng hơn thằng em tôi. Có lẽ vậy. Dĩ nhiên tôi biết, tôi may mắn hơn rất nhiều người.
Phiếu phạt giao thông tôi "lượm" được hồi hai năm rồi, năm nay mới bắt đầu thấy hậu quả, khi tôi mang hồ sơ di dọ giá bảo hiểm, mới biết tôi bị tuột hạng từ "5 sao" (đại tướng) xuống còn "2 sao" (thiếu tướng)--khác biệt khoảng $100/tháng. Ouch!
Hơn nữa, vết nhơ này sẽ đeo theo tôi cho tới 2010 mới hết. Tưởng rằng dưới 15km/h sẽ không ảnh hưởng đến mức bảo hiểm, ngờ đâu, như lời cô nhân viên bảo hiểm giải thích với tôi sáng nay: "Một phiếu phạt là một phiếu phạt".
Chuyện gì đến rồi sẽ đến--"Que sera, sera", như lời bác Jay Livingston.
Sẵn trích, trích luôn lời nhận xét khái quát và thâm sâu của "triết gia" George Carlin:
Đứa nào chạy chậm hơn mình thì là đồ ngốc; còn thằng nào chạy nhanh hơn mình thì là đồ điên.
Trưa nay, trên đường từ nhà băng về công ty, đậu trước ngã tư chờ đèn xanh, nửa tỉnh nửa ngủ nên không để ý thằng xe 18 bánh (tạm gọi là thằng A) bên trái mình nó đang cua phải.
Hoảng hồn, tôi vội thụt lùi, lại bị thằng xe bốn bánh đằng sau (tạm gọi là thằng B) nhất định không nhường chỗ, bóp kèn inh ỏi, quơ tay quơ chân như thể muốn hét to, "mầy ngu tự đưa mình tới hoàn cảnh đó thì mầy ráng chịu; tao không lùi; cho mầy chết mặc mầy!" Hmmm...
May thay! Vẫn còn đủ khoảng trống giữa tôi và thằng A để tôi khỏi phải trở thành miếng chuối ép.
Quan sát người để làm gương cho mình.
Lưu ý cho mình: Trong mọi tình huống, dù người ta có lỗi, đừng bao giờ cư xử giống thằng B.
Suốt hai tuần nay tôi lo giúp mẫu thân về thủ tục sang tiệm "leo" (nail). Đến hôm nay thì mọi việc đã hoàn tất. Nền móng đã đặt xong. Từ đây nội vụ để bà toan tính, tôi không dính líu nữa.
Nghe đâu đầu tuần nay lòng bà bất an, nên đã đi coi bói. Bà thầy bảo rằng tôi "(1) có mạng thiên tử, nên (2) làm việc gì cũng thành công".
(1) "chân mạng thiên tử" thì không có gì lạ. "Thiên tử" chẳng qua là "con Trời". Mà loài người là do Tạo Hóa sinh ra. Ta gọi đấng sinh thành ta là gì, nếu không gọi bằng "cha"? Cho nên, do lẽ kế thừa tổ tông, con người ai cũng là "thiên tử", chứ không đặc biệt chỉ dành cho thiểu số nào đó, hoặc là bậc vua chúa như quan niệm của thời xưa.
(2) "làm việc gì cũng thành công" thì thật là không đúng. Thật sự, thằng ngu như tôi học hỏi và thấm thía nhiều hơn ở những sự thất bại, hơn là sự thành công, và sự thành công, nếu may mắn gặt được, cũng chỉ là kết tinh của kinh nghiệm học hỏi từ nhiều lần thất bại.
Hình như là mình vẫn chưa dám xúi cho lắm, hoặc nếu có thì cũng là tự xúi mình hơn xúi người khác.
Đã nằm trong Ban Chấp Hành hơn 4 năm. Hôm nay tưởng cũng không muộn lắm để tìm hiểu về những trách nhiệm liên quan đến vai trò này, ngoài việc lãnh lương muộn nhất so với các nhân viên khác, và góp phần gánh vác nợ nần của công ty.
Recent Comments