Người ta thường nói "anh hùng không qua nổi ải mỹ nhân". Mới hôm trước, đọc tin về sự sa ngã của Tiger Woods (34t), thì sáng nay lại nghe tin Adam Giambrone (32t) tuyên bố rút lui khỏi cuộc chạy đua giành ghế Thị Trưởng Toronto, âu cũng vì một chữ "sắc".
Hôm Thứ Năm tuần rồi, tôi mới bắt đầu nghe đọc sách The Republic (Nền Cộng Hòa) của triết gia Plato, cốt chỉ để tìm hiểu thêm về thể chế cộng hòa. Ngay hôm sau, tình cờ đọc được bài phân tích Tiger Woods and Plato của giáo sư chính trị học Carson Holloway (biết qua blog của Lm. Tim Moyle), tôi mới biết rằng The Republic cũng đi sâu vào vấn đề tâm linh.
Theo GS Holloway, Plato gọi linh hồn (soul) là "tâm thần" (psyche), và ông phân chia nó ra thành ba đặc tính: ham muốn (desire), xúc cảm (spiritedness), và lý trí (reason). Điều lý thú là, ông (Plato) so sánh linh hồn như là một thành thị, là nơi trú ngụ của ba thành phần nói trên. Hơn nữa, trong một linh hồn có trật tự, lý trí là thành phần được nắm quyền cai trị, và khi lý trí bị hai đặc tính kia chế ngự, thì linh hồn trở nên hư hỏng. Lý trí không cưỡng chế xúc cảm và sự ham muốn, mà cả hai thành phần này đều hiệp lực với lý trí, tạo nên sự hài hòa cho linh hồn. Chí ít, tôi nghĩ sự hài hòa ấy là tối ưu quan trọng, bởi nếu lý trí được tự do lộng hành, thì lý trí cũng dễ bị hư hỏng, và người ta sẽ lạm dụng lý trí để làm chứng cho sự ngụy biện. Dầu vậy, quan niệm lý trí luôn nắm quyền cai trị--hài hòa hay không hài hòa--tôi vẫn cho là khả nghi. Tôi nghĩ trong đây có sự biểu hiện không phải chỉ là một nền cộng hòa, mà còn là một nền dân chủ: đôi khi lý trí nắm quyền là điều tốt, và có khi khác, xúc cảm nắm quyền lại cũng là một điều tốt.
Hồi nhỏ (chắc độ khoảng 14 tuổi), khi tôi vẫn còn được gần với Chúa tôi hơn so với bây giờ, tôi có lần va chạm với dì tôi. Bà ấy trách oan tôi, nhưng khi tôi cố biện minh thì bà lại cho rằng tôi dối trá. Phụ thân tôi buồn lòng bèn khóa cửa phòng lại mà tủi thân. Thuở ấy tôi thần tượng phụ thân tôi gần bằng Trời, cho nên khi thấy mình đã khiến cha buồn lòng đến vậy, tự nhiên tôi đã quên hết mọi sự oan ức trên đầu mình. Tôi sợ ông làm bậy, nên đã quýnh cống khóc thê thảm, nài xin ông mở cửa. Ông không mở cửa, mà bảo tôi hãy đi học bài đi. Thay vì đi học bài, tôi chạy vào phòng quì xuống cầu nguyện. Vài phút sau, phụ thân tôi cho gọi tôi vào. Tôi quì bên giường cha tôi, miệng mếu máo vừa khóc vừa nói: "Con xin lỗi Ba. Con không muốn làm Ba buồn. Nhưng giờ Ba đã buồn, nên con xin lỗi Ba". Tại đấy, lý trí đã đầu hàng vô điều kiện, và đã nhường ngôi lại cho sự điều khiển hoàn toàn của cảm xúc.
Có thể là hiện giờ, cái mà đang ngự trị trong tâm hồn tôi là một thứ lý trí hư hỏng. Nghĩ đến phụ thân tôi nay tuổi đã già, sức đã yếu, tâm trí có lẽ không còn minh mẫn như khi xưa, tôi không khỏi xót lòng. Nhưng tôi không còn có thể ép mình đi xin lỗi chỉ để làm vừa lòng cha như năm xưa nữa. Nếu là tôi sai, thì quả thật tôi chưa cảm nhận được. Còn nếu ông sai, mà tôi cứ lại nhận lỗi về mình, thì chẳng khác gì tôi làm hại thêm cho phần hồn của ông. Đôi khi ông có cử chỉ bao dung khiến tôi thấy thương ông vô cùng, nhưng chỉ sau một thời gian thì lại đem chuyện cũ bới ra, khiến tôi thắc mắc không biết ông có tiếp nhận một câu nào mà tôi đã nói hay không.
Mặt khác, tôi cũng ý thức được rằng, những sự ngược đãi mà tôi từng nhận được là để tinh luyện cho bản thân tôi. Hay, nói theo cách của giáo sư tin học Randy Pausch: Mọi sự cản trở mà đời đặt ra cho ta là để thử xem ta có thật sự ham muốn niềm hạnh phúc ấy hay không; nó hiện hữu để cản trở những ai khác không ham muốn mãnh liệt bằng mình. Ông Trời sợ tôi trở nên nhàm chán với cuộc đời, nên đã sắp đặt đoạn đường sắp tới đây thêm vài sự cản trở.
Mấy hôm trước nghe tin thiên hạ đòi biểu tình phản đối bác Harper đóng cửa quốc hội Canada, tôi tưởng họ muốn hạch tội Thủ Tướng về vụ của năm 2008. Nhưng đọc tin này tôi mới biết nó mới vừa xãy ra đầu năm nay. Wow! Bác Harper này gan thật: dùng kế "hoãn binh" này tới hai lần trong một nhiệm kỳ. Làm thế để làm gì? Dư luận trách rằng việc làm này phản dân chủ, cho rằng ông muốn trốn tránh trách nhiệm đối với sự kiện A Phú Hãn. Phe của bác Harper thì viện lý do rằng đảng ông cần thời gian để tập trung năng lực (tránh sự đả phá của đảng Tự Do) cho giai đoạn thứ 2 của kế hoạch chỉnh đốn kinh tế quốc gia đang trên đà phục hồi.
Bác Harper đang đánh cá với di sản chính trị của bác ta: 1) một thiên tài chính trị quả cảm; 2) một nhà độc tài chưa từng thấy của Canada.
Xem những diễn biến sau cùng của vụ án Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung, nghe hai vị này thú tội vi phạm Điều 79 của Bộ Luật Hình Sự nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, thử tìm hiểu xem luật ấy nói gì:
Điều 79. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân
Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân
dân, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm
trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình;
2. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
Điều 4 của Hiến Pháp nước CHXHCNVN:
Điều 4
Đảng cộng sản Việt Nam ... là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Có lẽ đúng như lời chứng của LS Lê Công Định trước phiên tòa:
Luật pháp và hiến pháp của Việt Nam đã quy định và bảo vệ quyền lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng Sản Việt Nam....Cho nên, những lời kêu gọi đa nguyên đa đảng mặc nhiên là muốn thay đổi thể chế chính trị Việt Nam hiện nay. Và những tổ chức nào chủ trương đa nguyên, đa đảng thì đương nhiên là vi phạm Điều 79 của Bộ Luật Hình Sự.
Phản Quốc
(2) Một cá nhân phạm tội phản quốc ở Canada là người,
(a) sử dụng vũ lực hoặc bạo lực với mục đích lật đổ chính quyền Canada hay của một tỉnh bang; hoặc
...
(c) âm mưu với bất kỳ người nào để ... làm bất cứ điều gì đã đề cập tại khoản (a); hoặc
(d) hình thành một ý định làm điều gì đó có tính cách ... đã đề cập tại khoản (a), và biểu hiện ý định đó bằng một hành động công khai;
...
Điều cần lưu ý rằng việc "lật đổ chính quyền" phải có liên quan tới vũ lực mới phạm pháp. Hồi tháng 12 năm ngoái, ba đảng Tự Do, Tân Dân Chủ, và Khối Québecois định hợp lực nhau lật đổ chính quyền của Thủ Tướng Stephen Harper--một việc làm hoàn toàn hợp pháp ở Canada. Mục tiêu thất bại khi chủ tịch đảng Tự Do quyết định ủng hộ chính sách của Thủ Tướng vào giờ chót.
Trở lại vụ Lê Công Định, lời chứng của LS Định trước tòa án không khỏi gây thất vọng và khó hiểu, nếu không muốn nói Lê Công Định hóa ra từ trước tới nay chỉ là một con cờ của chính quyền Việt Nam để răn đe những kẻ khác. Hiển nhiên, với tư cách một luật sư, bác Định đã thừa hiểu về Điều 79 khi dấn thân vào Đảng Dân Chủ. Nhưng, như Nguyễn Tiến Trung đã có lần nêu lên: Lập đảng hội đâu có phạm pháp. Và lập đảng hội để kêu gọi dân chủ và một xã hội đa nguyên, đâu hẳn là một âm mưu lật đổ chính quyền. Nếu có thì chẳng qua đó là quyết định của nhân dân qua việc bầu cử, chứ đâu phải trực tiếp do đảng phái ấy cưỡng ép chính quyền, bởi trong thể chế đa đảng, người ta lại có thể bầu chọn cho đảng Cộng Sản được cầm quyền kia mà.
Sự việc thật sự to tát hơn một cá nhân Lê Công Định hay một Nguyễn Tiến Trung nhiều. Đành rằng mọi hoạt động chính trị đều phải nằm trong khuôn khổ của luật pháp. Nhưng nếu mọi hoạt động nhằm khuyến khích tu bổ luật pháp đều bị cho là phạm pháp thì còn nghĩa lý gì nhỉ? Bác là người đang nắm độc quyền điều hành. Tôi mới chỉ van nài với bác vì lợi ích cho nhân viên và cho cả tập đoàn để đối diện với ngoại bang, hãy cho phép người khác có được cơ hội điều hành. Thế là bác tống giam tôi với tội quấy phá hành chính. Tôi có nên nản lòng không?
Nếu tôi thật sư tha thiết với dân tộc tôi, nếu tôi thật tin tưởng ở sự hữu ích cho nhân dân bởi một thể chế đa nguyên đối lập (adversarial process), nếu tôi không hề có ý gây "nợ máu" của đồng bào tôi, và nếu tôi có thừa lòng kiên nhẫn, thì tại sao tôi phải nản lòng? Ngược lại, nếu bác khăng khăng ôm cái Hiến Pháp của bác và cho đấy là bất di, bất dịch, thì có thể bác sẽ bị trào lưu tiến hóa của nhân loại bỏ lại sau lưng.
Câu hỏi sau chót: âm mưu lật đổ chính quyền thật chỉ vỏn vẹn có bốn mạng vậy sao?
Hai tuần nay tôi để ý theo dõi vụ Bộ Công An Sài Gòn bắt giam Luật Sư Lê Công Định vì vi phạm Điều 88 của Bộ Luật Hình Sự Nước CHXHCHVN. Định tra khảo thêm Điều 88 là cái quái gì mà một người "đấu tranh bất bạo động" cũng bị bắt giam, thì tìm thấy trang blog freelecongdinh có bài viết này khá chi tiết: Thông điệp cho tuổi trẻ Việt Nam!
Mới hôm nay, tìm thấy bài Quyết Không Khiếp Nhược của LS Định viết hồi 2007. Vậy theo tinh thần "quyết không khiếp nhược" của bác Định, cộng với sự kiện bác ta đã "nhận tội" chưa đầy 1 tuần sau khi bị bắt, tôi thấy mọi việc xãy ra đều nằm trong phạm vi dự trù của LS Định. Và nhờ sự kiện này tôi được dịp biết thêm vài điều:
Đọc được hai cái blog bác Định đã nhắc qua trong "bản tường trình"
Đọc được hai bài viết từ blog "Change We Need" với bài "Minh Chủ Sắp Xuất Hiện" và "Bô-Xít Tây Nguyên: Huyệt Mộ Triều Đại Cộng Sản Tự Đào Chôn Mình" mà các bài báo trong nước đã đề cập.
Điều 88 của Bộ Luật Hình Sự có thể mâu thuẫn với Điều 69 của Hiến Pháp Nước CHXHCNVN.
Có lẽ chính quyền VN bắt LS Định để ngăn cản bác ta khới kiện Trung Quốc trước Tòa Án Quốc Tế quanh vụ đàn áp ngư dân VN. Sự thật cho thấy, hiện nay dư luận quần chúng dường như đều hướng về LS Định và hầu như đã quên đi những vụ tranh chấp với TQ.
Từ mấy điều trên đó, thoáng ra chút thắc mắc dưới đây:
"bản nhận tội" này thật ra chẳng có nhận tội gì, mà là một việc làm tuyên truyền cho LS Định, dùng ngay hệ thống truyền thông của Bộ Công An. Vậy tại sao lại công bố rộng thế?
Giữa thay đổi Hiến Pháp và thay đổi Bộ Luật Hình Sự, việc nào làm khó hơn?
Rồi ai sẽ thay thế LS Định để tố kiện Trung Quốc trước tòa án quốc tế?
Một người đấu tranh ôn hòa, bất bạo động, mà vẫn bị bắt bớ. Từ đó cho thấy, trong chế độ Cộng Sản, muốn làm một người yêu nước thì thật khó. Thảo nào trong đám người Việt tha hương trạc lứa tôi, phần đông đều đã hòa đồng, hòa nhập vào đất nước họ đang sống, chẳng còn mệt óc chi với nhữnng diễn biến trong xã hội Việt Nam, lại còn không trong mong trở về quê của cha ông. Còn tôi, tôi dỡ khóc, dỡ cười; sau 23 năm, hòa đồng vào xứ này thì vẫn chưa hẳn (tôi vẫn không thích những trò chơi thể thao của họ) còn muốn hướng về quê cha đất tổ thì nó đã bỏ tôi đi xa và lâu rồi (tôi cũng không thích đá banh).
Đối với phụ thân tôi thì khác. Tôi cảm giác dường như ông đỗ lỗi cho xã hội văn minh phương Tây này đã biến con cháu ông trở thành những kẻ quên nguồn quên cội, quên lãng đi tập quán dân tộc, đi trật đường rầy, vô phương lèo lái, và không muốn thêm con cháu phải lìa xa xứ sở.
Theo dõi những diển biến trên, tôi liên tưởng đến câu ta thán của bác Curly (hay là Moe?) (Three Stooges): "What a revoltin' development!" Họ có quyền làm vậy sao? Tôi thương hại cho bác Harper, đang đương đầu với trận khủng hoảng kinh tế, thì lại phải đối đầu với những lộn xộn nội bộ của quốc hội. Nhân đây tôi (và tin chắc khá nhiều người dân khác) được dịp tìm hiểu thêm về luật lệ và hiến pháp của Canada trong những trường hợp hiếm hoi này. Một khi đảng cầm quyền không còn được sự tín nhiệm của quốc hội, thì chỉ có hai cách giải quyết: một là vị Toàn Quyền sẽ bổ nhiệm một chính quyền liên hợp (coalition government) từ những đảng đối lập; hai là tái bầu cử toàn quốc.
May cho bác Harper là hôm qua cơn ác mộng của bác đã được tạm yên, khi tân lãnh tụ của Đảng Tự do, bác Michael Ignatieff, đã tuyên bố ủng hộ (với điều kiện) ngân sách của bác, mới được công bố hồi hôm kia. Như vậy là Liên Minh Tự Do-Tân Dân Chủ đã tan rã.
Không thể tránh viết vài câu về hiện tượng "sốt Obama" (Obamania) liên quan đến lễ nhậm chức của tân tổng thống Mỹ hôm qua. Từ sáng tới tối, hễ mở đài phát thanh lên là nghe thiên hạ bàn tán về Obama. Tôi chỉ xem cuộc tuyên thệ và diễn văn của ông trên YouTube, tránh CNN, MSNBC, và theo dõi các bình luận. Không có cảm tưởng lẫn nhận xét gì. Để chờ cơn sốt hạ dần đã...xem ông ta sẽ làm được những gì. Trong bản tin đăng lời chúc phúc của ĐTC Biển Đức XVI, tôi lưu ý đến đoạn này: cần có sự chú tâm đến những kẻ đói nghèo, những người bị xã hội ruồng bỏ, và ... "những ai không có được tiếng nói cho chính mình" (Benedict said attention must be paid to the poor, the outcast, the hungry and "those who have no voice.").
Tôi tình cờ xem được bài diễn văn này của bác John McCain trên C-SPAN tối Thứ Năm hôm đi công tác ở Phoenix.
Wow! Chưa bao giờ tôi thấy bác McCain sống động và hài hước như thế trước đám đông. Đối lập trong ôn hòa. Đây là những giây phút nổi bật nhất của một nền dân chủ.
Còn vài ngày nữa là đến đợt bầu cử liên bang thứ 40 của Canada. Đã định sẽ bầu cho đảng Bảo Thủ của bác Harper vì thấy bác ta làm được. Hơn nữa tôi thấy thái độ điềm tĩnh của ông khi đối đáp phỏng vấn về sự khủng hoảng thị trường hiện thời--trong khi mấy bác bên phe đối lập hoang mang như gà bị chặt đầu--biểu lộ phong cách của một vị quốc trưởng. Nhưng đến giờ này vẫn chưa thấy con ma dân biểu nào của bác ta đến xóm tôi vận động. Sáng nay đọc mấy blog cộng đồng Toronto mới biết lần đầu tiên tên của mẹ cha nội dân biểu đảng Bảo Thủ đại diện cho xóm mình--Jillian Saweczko Aydin Cocelli. Nên bực mình. Dường như họ đã nắm chắc phần thắng hay sao ấy. Định sẽ bầu cho mấy bác Tự Do. Nhưng thật ra tôi vẫn chưa khẳng định.
Đợt bầu cử liên bang kỳ rồi hồi 2006, tôi ngủ gục--Tôi nhớ hình như do bị kẹt ở công ty, về bầu không kịp. Nên bác Harper vào 24 Sussex Drive hồi nào tôi không hay. Tự nhủ, ngày 14 tây tháng 10 sắp tới đây, sẽ không xao lãng việc thực thi quyền tự do dân chủ của mình nữa.
"Faith is blind without reason and reason futile without faith"
(Niềm tin không có lý trí sẽ là mù quáng; lý trí thiếu niềm tin thì sẽ là vô dụng.)
Hmm...Sao nghe giông giống những gì bác [Hồ Chí] Minh nói quá vậy trời! ("có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó; có tài mà không đức là vô dụng"). Không biết có phải ông Minh đã "nhập khẩu" tư tưởng này từ nước ngoài về hay không đây.
Để thực thi sự tách ly giữa tôn giáo và chính quyền, Tỉnh Trưởng của Ontario, bác Dalton McGuinty, muốn kết thúc tập tục đọc Kinh Lạy Cha trong Nghị Viện Tỉnh Bang Ontario (Queen's Park).
Hmm...Hôm nay mới biết là Queen's Park cho đọc Kinh Lạy Cha mỗi sáng khi khai mạc chính sự. Hạ Nghị Viện của Ontario quả là ngoan đạo hơn tôi nhiều.
Tôi không nghĩ vấn đề này có ăn nhậu gì với quan niệm tách rời tôn giáo và chính quyền, bởi đọc kinh cầu nguyện đâu liên quan gì đến sự định đoạt của nghị viện. Và đây không phải là lần đầu tiên có người đưa ra đề nghị này. Nhưng có lẽ rồi thì bác McGuinty sẽ được toại nguyện.
Chút sưu tầm cho tôi biết, tập tục đọc Kinh Lạy Cha tại nghị viện đã có từ thế kỷ 18 khi các lập quốc tỉnh công thần đã mới đặt chân tới miền đất này, đa số đều là những người truyền giáo của đạo Công Giáo. Chẳng trách họ đọc kinh cầu nguyện trước khi khai mạc triều chính. Có thể, tâm nguyện của họ cũng là để những người ngoại đạo nghe qua, tìm hiểu, và nhập đạo.
Thẳng thắng mà nói, mục đích của đạo Thiên Chúa là: cả toàn cầu đều sẽ trở thành tín đồ của đạo Thiên Chúa. Mục đích ấy, bắt nguồn từ quan niệm "Chúa Giêsu, con một của Ông Trời, là đạo, là sự thật, và là sự sống" (Ga 6:14). Và khi người ta đã nắm được một chân lý nào đó, thói quen của con người là muốn chia sẽ nó với tất cả.
Nhưng đồng thời, Trời cho con người có quyền tự ý (free will--tư tưởng này đã được khai thác bởi các thánh thượng phụ: Âu Tinh của Hippo vào thế kỷ IV, và Tôma Aquina ở thế kỷ XIII). Vì vậy, tuyệt đối không thể cưỡng bức tôn giáo của mình lên người khác ngoài ý muốn của họ. Cho nên, trong cộng đồng đa văn hóa và đa tôn giáo của Ontario và Canada của ngày nay, mụch đích trên hãy còn xa vời. Và thế mới nói, lần này chắc là Thiên Chúa phải một lần nữa nhượng bộ cho sự...cứng đầu của con người.
Bên GodTube.com, Linh Mục Jonathan Morrisbình luận về viễn cảnh của Thượng Nghị Sĩ John McCain vào ghế Tổng Thống Mỹ. Tôi không thấy cuộc phỏng vấn này có gì đáng chú ý, nhưng có người phản bác rằng:
Christians are extremists. We are extremists for God's Will through Christ. We have been called to build the body of Christ! We have not been called to make this world better. God doesn't bless America... He blesses His children. He said that He will replace the world as we know with a new heaven and a new earth... old things will come to pass...
(Những người Kitô hữu là những người cực đoan. Chúng ta cực đoan bởi ý Chúa, qua Chúa Cứu Thế. Chúng ta được gọi để xây dựng một hội thánh của Chúa Cứu Thế, không phải để làm cho thế giới này tốt hơn. Chúa không phù hộ cho nước Mỹ...Ngài phù hộ cho con cái của Ngài.
Ngài đã có phán rằng Ngài sẽ thay thế thế giới này bằng một trời mới và đất mới....những cái củ rồi sẽ qua...)
Yuck!!! Bức xúc nhất thời, tôi chọt lại mấy câu phá đám:
"Christians are extremists"? God! Christians like you give Christians a bad name (if, indeed, you are even a Christian at all). "God doesn't bless America... He blesses His children"? But who are God's children, if not EVERYONE, and that includes America. I'm disgusted (although, can't say that I'm surprised) to see that this sort of rhetoric still exists in the 21st century.
Có lẽ hơi nặng lời chăng, bởi thấy tác giả đã xóa phản hồi của tôi.
Chứng tỏ rằng, mình không những rất đáng ghét đối với người ngoài đạo, mà còn đáng ghét bởi những người trong đạo nữa.
VietCatholic News (Thứ Bảy 12/01/2008)
Chứng kiến những biến cố diễn ra trong suốt tuần lễ vừa qua, từ khi giáo dân xứ Thái Hà và các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) tại cộng đoàn Hà Nội chính thức lên tiếng yêu cầu chính quyền nhà nước cộng sản Việt Nam hoàn trả lại phần đất 16.362m2, hiện nay đang bị chiếm đoạt bất hợp pháp bởi công ty may cổ phần Chiến Thắng tại Hà Nội.
Chính quyền điạ phương tại quận Đống Đa đã phối hợp với các lực lượng khác, bao gồm: công an 113, an ninh, cán bộ thanh tra xây dựng, lực lượng dân phòng… để bảo vệ cho công ty may Chiến Thắng tiến hành xây dựng trái phép trên phần đất hiện đang còn tranh chấp giữa giáo xứ Thái Hà, tu viện DCCT Hà Nội, và chính quyền điạ phương.
Thửa đất này được mua bởi Đức Giám Mục Francois Chaize, đại diện cho nhà DCCT tại Hà Nội. Hiện nay cộng đoàn DCCT Hà Nội là pháp nhân chính thức có chủ quyền thực sự trên toàn bộ diện tích khu đất 61,455m2.
Sự cưỡng chiếm đất đai bất hợp pháp của chính quyền cộng sản từ suốt hơn nửa thế kỷ vừa qua đã làm cho người dân đất bắc đem lòng căm phẫn, vì sự cưỡng đoạt tài sản của nhân dân một cách thản nhiên, hết sức phi lý. Gây nên không biết bao nhiêu oan trái. Ví dụ chính sách “Cải cách ruộng đất” diễn ra tại miền Bắc vào năm 1956 đã để lại không biết bao nhiêu hậu qủa thê lương.
Nhà nước làm công việc của nhà nước, tôn giáo làm công việc của tôn giáo. Tôn giáo không can thiệp vào công việc của nhà nước, nhưng ngược lại, nhà nước cũng cần không can thiệp vào công việc của tôn giáo. Đó là một trong những “nguyên tắc con” thuộc đặc trưng của nhà nước pháp quyền. Tài sản của hai bên cũng nằm trong phạm vi này.
Về những tranh chấp hiện nay của Giáo hội với Chính quyền, phía Công giáo đơn giản chỉ muốn đòi lại những gì thuộc tài sản của Giáo hội đã bị Nhà nước “sung công” dưới nhiều hình thức. Như vậy, họ không hề làm, mà cũng chẳng nói chính trị, dù nói về chính trị cũng là quyền của họ.
Cải cách ruộng đất--trên lý thuyết thì thật hay, nhưng đem áp dụng thì thật là ác ôn. Cũng như chủ nghĩa cộng sản--lý thuyết tuyệt vời; áp dụng lộn thời. Chủ thuyết cộng sản đem đến một sự mâu thuẫn: mục đích nó là xóa giai cấp, bỏ đói nghèo, cơm no, áo ấm; nhưng áp dụng được thuyết ấy đòi hỏi phải sẵn có một xã hội cơm no áo ấm, bằng không sẽ vấp phải tình trạng tham nhũng, tạo nên giai cấp "có" (con ông cháu cha) và giai cấp "không có" (người dân đen), phân biệt giàu nghèo vẫn còn, và kết cuộc là nó tự phá hoại mục đích của chính nó. Bởi thế mới nói là "áp dụng lộn thời". Có thể loài người sẽ dần đi đến một xã hội "cộng sản", chỉ có điều, chừng đó người ta sẽ không gọi nó là "cộng sản" hay "xã hội chủ nghĩa" nữa, bởi các cụm từ này đã bị ô uế đi mất rồi.
Mặc dầu tới sáng nay vẫn chưa nhận được phiếu cử tri từ phía tỉnh bang, tôi dự định chiều nay đi làm về thì đi bầu. Nhưng về tới nhà thì bị bác bán hệ thống lọc nước cầm chân tới 21h30 (câu chuyện cho một dịp khác) trong khi trạm bỏ phiếu đóng cửa lúc 21h00. May là Đảng Tự Do của bác Tỉnh Trưởng McGuinty tái đắc cử, vì nếu có đi bầu tôi cũng đã bầu cho bác ta. Lý do đơn giản tại sao tôi bầu cho bác ta không phải vì tôi nghĩ đảng tự do tài giỏi gì mấy, mà là các đảng đối lập đã không gây đủ sự thuyết phục rằng họ có thể làm tốt hơn.
Vê cuộc trưng cầu dân ý cho hệ thống bầu cử mới, nếu có đi bầu thì tôi đã bầu cho hệ thống MMP.
Recent Comments