Hôm qua, đọc đi đọc lại Kinh Ăn Năn Tội trong lúc cầu nguyện trước thánh lễ, lần đầu tiên trong đời, tôi chợt lưu ý đến câu này, tạo nên chút nhiễu loạn trong lòng: "Chúa đã dựng nên con, và cho Con Chúa ra đời chịu nạn chịu chết vì con".
Phải hiểu thế nào nhỉ? Rằng Chúa Cha là Đấng đã dựng nên tôi sao, trong khi Thánh Kinh (Gioan 1:3) lại có chép rằng chính Ngôi Lời mới là Đấng tác tạo nên muôn vật hữu hình và vô hình.
À, tôi hiểu rồi. Có thể nào hiểu theo bối cảnh của công nghệ xây dựng địa ốc, cũng như công nghệ phát triển phần mềm máy vi tính? Có lẽ Chúa Cha là thiết kế gia (chief architect), trong khi Chúa Con là vị kỹ sư (engineer) thi hành theo kế hoạch dự án. Và như thế, câu kinh "Chúa đã dựng nên con" không phải là phủ nhận công việc tác tạo của Ngôi Lời, mà là xác nhận sự tiên khởi của việc tác tạo ấy, phát xuất từ vị Kiến Trúc Sư của Sự Sống là Chúa Cha, cùng hành động tác tạo của Chúa Con, hiệp thông với phép lực của Chúa Thánh Thần, là "công cụ" ban sự sống.
Thế là đã bớt nhiễu loạn phần nào. Tuy nhiên, đọc phiên bản Anh ngữ--Act of Contrition--không thấy có câu nào tương ứng với câu "Chúa đã dựng nên con, và cho Con Chúa ra đời chịu nạn chịu chết vì con" trong bản kinh Việt ngữ cả:
O my God, I am heartily sorry for having offended You and I detest all my sins, because I dread the loss of heaven and the pains of hell, but most of all because they offend You, my God, who are all good and deserving of all my love. I firmly resolve, with the help of Your grace, to confess my sins, to do penance and to amend my life. Amen.
(Lạy Chúa con! Con ăn năn vô cùng vì đã xúc phạm đến Chúa, cùng chê ghét mọi tội con. Vì con khiếp sợ sự đớn đau nơi hỏa ngục, và sợ mất sự sống đời đời trên thiên đàng, nhưng trên hết là vì con đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa, là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng, thật xứng đáng để cho con kính mến. Nên con dốc lòng chừa cải, và nhờ ơn Chúa, thì con sẽ sốt sắng tuyên xưng tội lỗi mình đã phạm, cùng làm việc đền tội, hầu cải thiện cuộc đời con. Amen.)
Hôm nay là Lễ Tro. Sáng nay trên đường đi làm, lần đầu tiên tôi ghé viếng Thánh Ambrose trên đường Browns Line, rất gần chỗ tôi làm việc. Khi xưa Thánh Ambrose đã từng dẫn đường cho Thánh Âu Tinh ra khỏi chốn sa đọa, thì nay tôi cũng xin ngài soi đường cho tôi đi. Nhà thờ đã hành lễ hồi 8h00 sáng. Khi tôi đến thì thánh đường vắng tênh, chỉ có tôi, Thánh Ambrose, và Chúa. Hương vị trong ngôi thánh đường này làm tôi nhớ đến phòng trọ của tôi hồi thời học Đại Học.
Tối nay nhà thờ Thánh Cecilia của Cha Tập sẽ làm lễ vào 19h15, hy vọng tôi sẽ về kịp để dự.
Kinh ăn năn tội
Lạy Chúa! Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng. Chúa đã dựng nên con, và cho Con Chúa ra đời, chịu nạn chịu chết vì con, mà con đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa, thì con lo buồn đau đớn, cùng chê ghét mọi tội con trên hết mọi sự. Con dốc lòng chừa cải, và nhờ ơn Chúa, thì con sẽ lánh xa dịp tội, cùng làm việc đền tội cho xứng. Amen.
Ơn Trời đến như một cơn chớp. Đúng là chỉ có nhờ ơn Trời (Hồng ân Thiên Chúa, the grace of God) thì tôi mới có thể biết làm thế nào để "đền tội cho xứng" mà thôi.
Tôi lại nhớ rằng, tôi cầu nguyện không phải để Chúa thay đổi người khác, nhưng là để thay đổi chính bản thân tôi. Tôi cũng cầu nguyện để xin ơn rỗi cho các linh hồn đã quá cố, bởi chính bản thân họ giờ đây không còn làm được việc ấy nữa.
Ngôi Hai giáng trần là vì để cứu chuộc tội tình của chúng tôi, tội tình vốn bắt nguồn nơi tổ tiên loài người từ ngàn xưa, đã thấm ngầm vào xương tủy như một cơn bệnh AIDS, và từ đấy, đã sanh đẻ ra muôn vàn cơn bệnh khác.
Khi xưa, tôi được rửa tội là để được tha tội di truyền từ tổ tiên, vì bởi chỉ có Ông Trời Con mới đủ thẩm quyền tha thứ tội này, mà Ngài cũng đã chẳng tha tội xuông, mà đã phải gánh lấy tội ấy trên vai mình, là việc Ngài đã phải làm để duy trì sự công chính trong Đức Chúa Cha. Nghịch lý lắm thay, khi sự cứu chuộc ấy, một bên là buộc phải là như vậy, đồng thời lại là sự chọn lựa tự do của Ngôi Lời, tự do trong sự vâng phục hoàn toàn đối với Đức Chúa Cha, và trong sự hết mực thương yêu kẻ tội lỗi như tôi, và tổ tiên tôi, là những tạo vật do chính tay Ngôi Lời đã tạo thành.
Tôi được rửa tội cũng để nhờ lời dạy và các bí tích của Chúa mà tôi sẽ lánh xa, và nếu không thể lánh xa thì vẫn có sức kháng cự lại dịp tội, nhờ sức mạnh của Ngôi Lời và của Đức Thánh Linh. Tội tổ tông đã được tha, nhưng tôi đã và đang thất bại trong sự kháng cự. Tôi thất bại chỉ vì tôi chối từ Chúa, bằng cách này hay cách khác. Concupiscence là bản tính, là khuynh hướng, là sự thôi thúc muốn hành động theo sở thích cá nhân. Có lẽ suốt cả kiếp người này, tôi vẫn sẽ còn thất bại, sẽ còn vấp ngã dài dài bởi sự thôi thúc trái ngược ấy. Thế cho nên tôi không chỉ "xin ơn lánh xa dịp tội", mà còn xin mỗi khi sa ngã vì tội, tôi sẽ còn đủ nghị lực và sự khiêm cung để trỗi dậy và tiếp tục đi, cho dù mỗi lần trỗi dậy là mỗi lần chấp nhận lãnh thêm một vết thương trên chặn đường sắp tới. Và với ý niệm này, tôi cảm giác rằng con đường tôi đang đi không phải là con đường sai (mặc dù đôi lúc tôi không khỏi ngờ vực), mà là con đường phải đi. Ở một mức độ nhỏ bé nào đó, có thể nó là "con đường thương khó" mà Chúa đã dành cho tôi.
Chiều hôm qua, tam muội tôi xuống chơi. Lâu lắm rồi nó không xuống thăm tôi, còn mấy dịp tôi lên nhà nó thì không có nó ở nhà.
Hôm nay mẫu thân tôi làm mâm cơm chay cúng giỗ Bà Ngoại tôi. Sáng nay định thức dậy sớm để đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn Bà Ngoại, nhưng dạo tâm hồn tôi mệt mỏi, nên ngủ tới 10h00 sáng mới thức giấc.
Sáng nay mẹ tôi đi cúng chùa. Trưa nhị đệ tôi nó lên chơi. Chiều mẫu thân đi chùa về, mua đồ chay từ chùa về, làm mâm cơm cúng ở nhà. Tôi gọi điện mời phụ thân tôi xuống cùng vui--hơi băn khoăn tại sao dạo này tôi cần thiết phải mời thì ông mới xuống. Xong thì tôi xách xe chạy một vòng, mua kết bia cho mấy anh em nhâm nhi, và mua ít trái cây về cúng Bà Ngoại.
Khi tôi về tới nhà, thấy nhị đệ tôi nó đang ở trước cửa nhà, thay mặt tôi "tiếp đón" hai anh truyền đạo Nhân Chứng Giê-hô-va, tôi vội ra "đỡ lời" nhị đệ tôi. Hai người, một Việt một Tây, xưng tên là "Hòa" và "Bình". Anh Hòa, mẹ lại là một người công giáo, nhưng chẳng hiểu sao anh ta lại theo NCGHV. Tôi trao đổi với hai anh về câu "Gioan 1:1" trong Thánh Kinh Kitô giáo . Tôi hỏi hai anh có sự giải thích thế nào về lối chuyển dịch theo bản dịch NWT. Tôi cố thuyết phục họ về thuyết Chúa Ba Ngôi; họ cố thuyết phục tôi về quan niệm "thần linh" trong tín ngưỡng của họ. Tôi yêu cầu họ nêu lên ví dụ nào khác trong Kinh Thánh mà các thánh nhân hoặc thiên thần được gọi là "god", tương tự như lối dịch của NWT trong "Gioan 1:1" về Chúa Giêsu. Họ hứa sẽ tìm, và sẽ email cho tôi. Về "Gioan 1:1", sau này tôi sẽ có bài "siêu tầm" riêng. Hiện thời, chỉ ghi thêm ý này: tôi hỏi họ về Gioan 1:1 là vì tôi cho rằng quan niệm về Chúa Giêsu là điều tất yếu trong Kitô giáo. Nếu hiểu sai Chúa Giêsu là ai, thì rất có thể ta sẽ hiểu sai những lời dạy của Ngài. Hiện nay hầu hết các giáo phái Kitô giáo đều tin rằng "Giêsu là Đức Chúa Trời", ngoại trừ tín đồ NCGHV tin rằng Giêsu chỉ là một vị thần linh.
Phụ thân tôi xuống tới, mọi người ngồi vào bàn, với mấy món đơn sơ, vừa ăn vừa nghe mẫu thân tôi kể chuyện đời xưa về Bà Ngoại. Quan niệm của tôi về việc cúng giỗ ông bà: mục đích chính là để tưởng nhớ; cúng kiếng là để no bụng cho người sống, chứ người chết thì ăn được gì. Tưởng nhớ là để noi gương những cái hay, thậm chí những cái ta cho là "dở" cũng có thể dạy cho ta được bài học. Bởi mục đích chính là tưởng nhớ, cho nên tôi không đồng ý với lý luận cho rằng chỉ có nơi nào làm nhà thờ chính thức (nhà Dì Hai tôi bên VN, bởi là con gái lớn trong gđ) thì mới làm lễ giỗ, còn ngoài ra thì thôi. Tôi cám ơn mẹ tôi đã cho tôi cơ hội để có thêm chút ấn tượng về bên ngoại.
Đã lâu, tôi không có chút ấn tường gì về Bà Ngoại. Mẫu thân kể, Bà mất năm '77, thọ 46t. Do bệnh đau bao tử nên bà nhập viện để uống thuốc và điều trị, đêm khuya đi tiểu tiện, trượt chân mà té, nằm hôn mê trong nhà cầu. Tới sáng, dì Út tôi (lúc đó khoảng 7-8 tuổi gì đó) đi tiểu, thấy bà nằm đó, bèn vội kêu cấp cứu. Mẹ tôi--lúc đó do phải buôn bán xoay sở cho gia đình nên ở nhà, không trực trong b/v--hay tin thì chạy ngay vào nhà thương trông nom. Mẹ tôi đổ lỗi cho mấy người "bác sĩ quốc doanh" (lúc đó mới vừa "tiếp thu" các bác sĩ "ngụy" đã bỏ chạy hết), thiếu hiểu biết, gây trì trệ, không điều trị gì mà chỉ thử máu cho đến chết, cứu chữa không kịp thời nên Ngoại tôi mới tử vong. Khi Ngoại tôi mất, Mẹ phải mướn xe, giữa đêm đen, chở xác bà về nhà. Mẹ kể, trên đoạn đường về, Mẹ nhìn thấy bóng một người đàn bà đội nón lá, băng qua đường, rồi khuất bóng sau chiếc xe vừa chạy ngang. Bác tài xế hỏi: "Vừa rồi chị có thấy gì không? Đó là ma đó!" Mẹ cho rằng đó là Ngoại tôi, vừa đã xuất hồn.
Trong buổi lễ an táng cho Thượng Nghị Sĩ Edward Kennedy, bài diễn văn của TNS Patrick Kennedy,con trai ông, làm tôi chú ý nhất:
Thêm một chứng nhân cho câu hỏi vì sao Chúa Cha cho phép sự đau khổ xãy ra trên thế gian: để loài người chiến thắng sự đau khổ như Chúa Con đã làm, với sự động viên của Chúa Thánh Thần, và từ đó trở nên thánh thiện giống như Chúa.
Nhân đọc bài Veni Creator Spiritus, thông điệp của ĐTC Biển Đức XVI, suy niệm vài điều về Chúa Thánh Thần (Thần Khí, Đức Thánh Linh, ...)
Thần Khí là uy lực tác tạo (và liên tục tái tạo) nên trời đất, vạn vật sinh linh, cho chúng sự tinh vi và trật tự trong cơ cấu và cả tinh thần. Thần Khí hiện hữu trong thiên nhiên.
Chúa Cứu Thế là Thần Khí
Thần Khí là hơi thở của Chúa Cứu Thế
Thần Khí là linh hồn của thân thể của Chúa Cứu Thế
Thần Khí (Chúa Thánh Thần) và Chúa Cứu Thế không thể tách rời nhau
Giáo Hội là thân thể của Chúa Cứu Thế
Niềm vui là hoa quả của Chúa Thánh Thần (Ga 5:22)
Tự dưng nãy sinh ý nghĩ: Thể xác, lời nói, cùng trí tuệ lẫn tâm hồn; ba thứ này của con người không phải là biểu hiện cực tiểu của Thiên Chúa Ba Ngôi hay sao?
290 (326) "Lúc khởi đầu Thiên Chúa tạo dựng trời và đất": những lời đầu tiên này của Kinh thánh khẳng định ba điều : Thiên Chúa vĩnh cửu đã đặt một khởi điểm cho tất cả những gì hiện hữu bên ngoài Người; duy chỉ mình Người là Ðấng Sáng Tạo (động từ "sáng tạo"- tiếng hipri là bara - luôn có chủ từ là Thiên Chúa) ; toàn thể những gì hiện hữu (được diễn tả bằng công thức "trời và đất") đều tùy thuộc vào Ðấng đã cho chúng hiện hữu.
291 (241 331 703) "Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời và Ngôi Lời là Thiên Chúa... Nhờ Ngôi Lời vạn vật được tạo thành và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành" (Ga 1, 1-3). Tân Ước mặc khải rằng : Thiên Chúa đã tạo dựng tất cả nhờ Ngôi Lời vĩnh cửu là Con yêu quí của Người. Chính trong Người mà "mọi sự trên trời và dưới đất được tạo dựng... , mọi sự được dựng nên nhờ Người và cho Người. Người có trước mọi sự và mọi sự tồn tại trong Người" (Cl 1, 16-17). Ðức tin của Hội Thánh cũng xác quyết như vậy về hoạt động sáng tạo của Chúa Thánh Thần. Người là "Ðấng ban sự sống" (Kinh Tin Kính Ni-xê-a Con-tan-ti-nô-po-li), là "Thần trí tác tạo"("Veni, Creator Spiritus"), là nguồn mạch của mọi thiện hảo (Phụng vụ Byzantine, kinh chiều lễ Hiện Xuống)
292 (699 257) Sự thống nhất không thể tách rời giữa hành động sáng tạo của Chúa Con và Chúa Thánh Thần với hành động sáng tạo của Chúa Cha đã được thoáng thấy trong Cựu Ước (x. Tv 33, 6; 104, 30; St 1, 2-3), và được mặc khải trong Tân Ước, nay được qui luật đức tin của Hội Thánh xác định rõ ràng : "chỉ có một Thiên Chúa duy nhất... : Người là Cha, là Thiên Chúa, là Ðấng Sáng Tạo, là Tác Giả, là Ðấng an bài mọi sự. Người tự mình tác tạo mọi sự nghĩa là nhờ Lời và Đức Khôn Ngoan của Người" (T. I-rê-nê , chống lạc giáo, 2, 30. 9), "nhờ Chúa Con và Chúa Thánh Thần" như "những bàn tay của Người" (Ibid, 4, 20, 1.). Sáng tạo là công trình chung của Ba Ngôi Chí Thánh.
Khởi đầu Mùa Giáng Sinh, suy ngẫm ti tí về Chúa Giêsu: Ngài là ai? Phúc Âm theo Thánh Gioan, chương 20, câu 27-29, có chép:
27 Rồi Người bảo ông Tô-ma: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin." 28 Ông Tô-ma thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con! " 29 Đức Giê-su bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc cho những ai không thấy mà tin!"
Dường như, trong đoạn kinh văn này, ông Tô-ma đã nhận Giê-su là Thiên Chúa, và Giê-su đã không trách mắng cách xưng hô ấy. Cho nên, dường như ông Giê-su cũng đã công nhận mình là Đức Chúa Trời hay sao ấy.
Có người--như giáo phái Nhân Chứng Giê-hô-va (NCGHV) thời nay và Arius thời xưa--cho rằng ở đây Tôma không gọi ông Giê-su là Thiên Chúa (God), nhưng chỉ kêu trời trong sự ngạc nhiên quá độ, tương tự như lớp trẻ ngày nay hay có thói quen thốt lên câu "Trời ơi Trời (Oh my God)!". Nhưng, cần biết, ông Tôma trước khi theo Chúa Giêsu, đã từng là tín đồ đạo Do Thái, mà kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ như thế thì ắt đã phạm tội lộng ngôn.
Mấy bác truyền đạo NCGHV lúc trước khi đến trước cửa nhà tôi, chê giáo thuyết của đạo công giáo là không có nền tảng từ Kinh Thánh. Tôi đang đọc lại bộ Tổng Luận Thần Học (Summa Theologica) của Thánh Tôma Aquinô (1225–1274). Tôi không ngông cuồng nhận rằng mình hiểu hết những gì đã đọc--nhưng nhận thấy mọi luận điểm trong ấy đều là: 1) trích dẫn Kinh Thánh làm gốc, và 2) từ đấy dùng lôgíc để suy ra các hệ luận vững chắc. Ngược lại, đọc qua bản dịch New World của NCGHV tôi thấy thay vì dịch theo từ ngữ của bản gốc (translation), họ dịch theo cách hiểu của người dịch, một hình thức giải nghĩa (interpretation) hơn là dịch.
Recent Comments