Ngay chính lúc tôi tưởng mình đang cố gắng hết mình, thì lại bị thúc đẩy cố gắng nhiều hơn nữa.
Những lúc này, tôi liền có cảm giác muốn ngưng ngay sự cố gắng.
Trong đám "bộ hạ" đã từng hân hạnh được tôi "chỉ huy", không biết có đứa nào đã từng có cảm giác này không nhỉ.
Có thể do bị phản ứng của mũi thuốc chích ngừa H1N1 của tuần rồi, nên từ hôm Thứ Sáu tới hôm nay tôi cảm thấy lừ đừ trong người.
Chiều/Tối nay đi ăn nhà hàng với gđ nhị đệ để mừng sinh nhật phụ thân tôi. Xong tiệc, ông cho tụi tôi mỗi đứa một chai rượu lạnh (ông mua sẵn đâu cả một thùng). Phần tôi, do là bợm rượu, nên ông cho hai chai. Tôi đang ngồi vừa viết bài này, vừa nhâm nhi ly thứ hai. Tôi có ý định dùng rượu để diệt vi trùng cảm.
Hồi chiều đi chợ, gặp mấy chị em của chị 5, 9, và 10 (người mẹ quá cố của mấy chị này là Cô Hai của tôi, gọi Bà Nội tôi là dì ruột). Ở bên VN hai gia đình rất thân với nhau. Nhưng từ khi xãy ra vụ tôi về VN dự đám tang Bà Nội tôi, gửi nhà bên này cho mấy vị này, khi trở lại tôi khám phá mình bị mất tiền. Từ đó tôi cố ý tránh né, không muốn giáp mặt với mấy vị này nữa. Mãi tới hôm nay gặp mặt giữa chợ (không phải là lần đầu), tôi mới đứng lại "hàn quyên" chút lâu. Tôi ngạc nhiên khi 9 giới thiệu con bé gái lớn của chị, nay được 15t. Lần rồi tôi tới nhà chơi thì nó chỉ có 3-4t gì đó chứ mấy. Thời gian trôi qua mau thật.
Ngẫu nhiên sao, mấy ngày nay tôi được "giới thiệu" đến với nhiều nan đề của đạo tôi. Hôm Thứ Năm, đọc được tin về bé Gabriel, rồi nghe tin hội bảo vệ súc vật Toronto Human Society bị buộc tội tàn nhẫn với súc vật vì họ cứ để chúng sống trong cảnh tồi tệ, không chịu "trợ tử" (euthanize) cho chúng. Sáng Thứ Sáu đọc được, TNS Patrick Kennedy bị vị giám mục giáo phận của ông "cấm" không cho rước lễ, vì ông ta ủng hộ phá thai. Gợi lên hai vấn đề gây nhiều tranh luận trong đạo công giáo: phá thai (abortion), và trợ tử (euthanasia), và gợi lên những câu hỏi cho chính bản thân tôi ....
Câu hỏi 1: Nếu gặp tha nhân đang khổ đau cùng cực, dù họ có van nài mình hay không, tôi có nên giúp họ kết liễu cuộc đời không?
Trả lời, với cảm giác bất lực cùng cực: Khổ thân tôi, tôi không có quyền làm việc đó, tha nhân ạ.
Câu hỏi 2: Nếu không tuân theo mọi điều mà Giáo Hội Công Giáo dạy, tôi có còn là người công giáo không?
Đáp: thưa, có, nhưng là một người công giáo đang mang tội. Bởi một khi đã được rửa tội vào đạo, không ai có thể tước bỏ bí tích ấy ra khỏi thân tôi.
Câu hỏi 3: Nếu biết mình đang mang tội, tại sao không hối cãi và không tái phạm nữa?
Đáp: [lặng người]. Có lẽ cái cảm giác mình mãi là kẻ mang tội, mãi là kẻ đói khát, sẽ giúp tôi bớt kiêu ngạo trong đời.
Câu hỏi 4: Vậy, tội tôi là gì mà ghê gớm thế?
Thưa: đó là tội lười dự Thánh Lễ Chúa Nhật.
2181 Thánh lễ Chúa Nhật đặt nền tảng và xác định toàn bộ cuộc sống người tín hữu. Do đó, mọi tín hữu phải tham dự thánh lễ vào ngày lễ buộc, trừ khi có một lý do quan trọng (như bệnh hoạn, chăm sóc trẻ sơ sinh) hay được cha sở miễn chuẩn (x. CIC,1245). Ai cố tình vi phạm sẽ mắc tội trọng.
Hèn gì gần đây tôi có cảm giác linh hồn tôi đang chết dần, chết mòn.
Câu hỏi sau chót: Nếu vì thương tha nhân mà tôi chịu mất linh hồn, thì tôi có được linh hồn mình lại hay không?
Câu này tôi không có thẩm quyền để trả lời. Nhưng tôi đoán chắc là: không.
Trong câu chuyện về Charles Darwin, được bác Richard Dawkins tường thuật trong đoạn video này, ông ta từng quan sát thấy một loại ký sinh trùng ong vò vẽ (parasitic wasp), chích trứng của mình vào cơ thể của những côn trùng khác, để chúng nó khi nảy nở, có thể ăn thịt "chủ nhà". Các ấu trùng còn chích cho các bộ phận trong hệ thần kinh của chủ nhà bị tê liệt, để họ không thể phản kháng được trong lúc cơ thể của mình đang bị ăn tươi, nuốt sống.
Xem đoạn video này, thấy có tiếng vang nào của sự quan sát ở trên không nhỉ.
Khi người ta cho mình chẳng khác nào côn trùng, họ có thể hành xử giống như côn trùng.
Bài viết dành cho dịp khác về đối cực của đề tài: Hệ quả của "chân lý tuyệt đối".
Bác Christopher Hitchens nhiều lần nêu lên câu thách thức này:
Bạn hãy nêu lên một điều gì hoặc một việc làm gì một người có tín ngưỡng có thể làm lên, mà một người vô tín ngưỡng không thể làm.
(Tell me of a moral statement that can be made or a moral action undertaken by a believer that could not have been made or performed by a non-believer.)
November 24, 2009
Bé Gabriel được sanh non với tật chân vẹo và đường hô hấp hẹp. Mặc dầu với những khuyết tật ấy, bé phát triển tốt khi xuất viện về nhà vào tháng sáu. Bé được cho ăn qua đường ống,và được truyền dưỡng khí và y dược.
Tuy nhiên, vào một cuối tuần tháng mười, khi bác sĩ thường trực của bé tạm vắng mặt, bà Catherine Palmer đem con vào phòng cấp cứu của bệnh viện nhi đồng ETCH (East Tennessee Children's Hospital) vì bé Gabriel gặp khó khăn hô hấp. Sau sự can thiệp của nhân viên cứu cấp, bé bị sốc, và sanh chứng viêm mạch máu phổi, và được đặt máy trợ hô hấp.
Mặc dù gặp nhiều rắc rối, tình trạng của bé Gabriel đang được bình phục, và một bác sĩ của ETCH đã xác định rằng cậu bé có thể sống được "một thời gian dài". Bé tỉnh táo, năng động, và có khả năng phản ứng trong lúc tỉnh táo. Theo hội Allance Defense Fund, vào những ngày gần đây, khi tỉnh thức, cậu bé dành thời gian đạp đá, cố gắng chơi với các búp bê thú vật nhồi gòn, lắng nghe tiếng của mẹ và của bà, thậm chí đáp ứng với loại nhạc mà bé thích.
Tuy vậy, tiếp sau đó, ETCH bắt đầu đầu hàng việc chăm sóc cho bé Gabriel, và vào ngày 13 tháng 11, trưởng phòng Cấp Cứu Sơ Nhi, bác sĩ Kevin Brinkman, báo cho bà Palmer biết rằng bệnh viện sẽ ngưng truyền sửa và y dược, đồng thời họ cũng sẽ ngưng tiếp dưỡng khí cho bé, bởi nhân viên của ông ta đã cho việc chăm sóc cho bé là một việc làm "vô ích". Ông Brinkman nói sẽ có một cuộc họp của "hội nhóm về đạo đức" để đi đến quyết định chính thức, nhưng ông lứu ý rằng kết cuộc đã được địn sẵn rồi.
(Baby Gabriel was born prematurely with club foot and narrow airway. Despite his disabilities, he flourished when he went home from the hospital in June. He was fed through a tube and received some oxygen and medications.
However, on an October weekend when the baby's regular doctors were unavailable, Catherine Palmer took her son to the ETCH emergency room because of breathing problems. After interventions by the medical staff, the baby went into shock, developed pulmonary vascular disease, and was placed on a respirator.
Despite the complications, Baby Gabriel is in stable condition, and an ETCH doctor determined he could live "a long while." The child is alert, active, and responsive when not sedated. According to the Alliance Defense Fund, in recent days while awake, he spent time kicking his feet, tried to play with his stuffed animals, listened to his mother and grandmother, and responded to his favorite music.
However, ETCH recently began giving up on Baby Gabriel's care, and on Nov. 13, the head of ETCH's Pediatric Intensive Care Unit, Dr. Kevin Brinkman, told Palmer that the hospital was going to stop feeding him milk and giving him his medications, as well as disconnect his respirator, because the staff considered his care "futile." Brinkman said a formal "ethics panel" meeting at 12 p.m. EST Monday would determine whether to stop treating Baby Gabriel, but he noted that the decision was already a foregone conclusion.)
Tin này thật hay hư vậy Trời?
Bản tin ngày 26-11-2009 của Catholic News Agency cho thấy: ETCH đã quyết định tiếp tục chăm sóc cho bé Gabriel. Người ta rùng mình khi tưởng tượng đến kết quả sẽ ra sao, nếu không có sự can thiệp của hội ADF.
Đọc bài của bác Matt Gurney trên National Post cho thấy, do ngân sách thiếu hụt nên các bệnh viện ở Hoa Kỳ rất thường gặp những trường hợp tương tự--quyết định ngưng điều trị vì họ thấy không còn hy vọng cứu chữa.
Đọc bài chia sẻ kinh nghiệm khác liên quan đến sự kiện, thấy bằng chứng của nỗ lực, dù cho sự việc có vô vọng đến thế nào.
Trong những trường hợp này, tôi không khỏi nảy lên ý nghĩ: khi người ta loại bỏ Đấng Tạo Hóa ra khỏi công thức của sự sống, bao nhiêu hệ quả thật ghê gớm có thể xãy ra.
Tại sao người ta lại hao tổn tiềm lực để điều trị cho một người "đã chết" trong khi còn bao nhiều người "đang sống" khác cần dùng đến tiềm lực ấy? Nếu bỏ mặc đứa bé cho mấy bác vô tín ngưỡng, với quan niệm "sinh tồn của kẻ mạnh" (survival of the fittest), thì chắc đứa bé này đã toi mạng.
Nếu tôi phiền lòng khi đọc về những người nhân danh Kitô giáo mà làm bậy, thì lúc này, tôi vui lây khi được làm tín đồ của Chúa Kitô.
Đọc tác phẩm "Giêsu là Ai?" của bác Trần Chung Ngọc quả là một cực hình--toàn là lời lẽ khinh miệt, chẳng có chút nào tinh thần đối thoại liên tôn từ một tín đồ Phật giáo. Đây là bài học cho tôi khi đối thoại với tín đồ Chứng Nhân Giê-hô-va.
Trởi lại đề, chương 1 của bác Ngọc thấy có chép:
theo Matthew 1:1-17 thì các thế hệ tiếp nối giòng họ Giê-su từ vua David như sau:
Chúng ta nên để ý rằng, trong 2 danh sách trên kể về dòng dõi của Giê-su, chỉ có ba tên giống nhau (chữ đậm), còn thì hoàn toàn khác biệt, và Matthew kê ra 27 thế hệ trong khi Luke kê ra 42 thế hệ. Nếu những tên thế hệ đều giống nhau thì chúng ta có thể cho rằng Matthew bỏ sót, liệt kê cách quãng những thế hệ tiếp nối từ David đến Giê-su. Nhưng rõ ràng là không phải vậy.
Đúng ra, "2 danh sách có ba tên giống nhau" mới thật là vấn đề, bởi hai quyển Thánh Kinh trên đây ghi chép hai dòng dõi khác nhau: Ma-thi-ơ ghi chép dòng dõi từ vua Solomon, con trai của vua Đa-vít , trong khi Lu-ca ghi dòng dõi của Nathan, một người con trai khác của vua Đa-vít.
Vậy tại sao, hai dòng dõi lại hội tụ lại nơi Thánh Giuse? Theo Tự Điển Bách Khoa Công Giáo, có một cách giải thích:
Estha cưới Mathan, con cháu của vua Đa- vít bởi Solomon, và trở thành mẹ [ghẻ] của Jacob; sau khi Mathan chết đi, bà ta lấy ông chồng thứ hai, Mathat, cũng là con cháu vua Đa-vít nhưng thuộc dòng dõi Nathan, và do đó trở thành mẹ [ghẻ] của Heli. Jacob và Heli do đó trở thành anh em trong giới luật. Heli cưới vợ, nhưng chết không có con; góa phụ của ông ta, theo luật của người Levi bấy giờ, trở thành vợ của Jacob, và hạ sanh Giuse. Giuse là con ruột của Jacob nhưng cũng là con của Heli theo pháp luật, và do đó kết hợp hai dòng dõi của nhà vua Đa-vít.
Trở lại vấn đề, nếu là hai dòng dõi khách nhau, vậy tại sao hai danh sách lại trùng hợp ở hai tên Zorobabel (Zerubbabel) và Salathiel (Shealtiel)? Bài viết của Tự Điển Bách Khoa Công Giáo cũng giải thích, có thể là do trùng tên chứ không phải là cùng một nhân vật:
Nếu Salathiel và Zorobabel lúc bấy giờ đã làm rạng danh trong dòng họ Solomon, thì không mấy gì lạ lùng nếu dòng họ của Nathan lấy hai tên ấy để đặt cho hậu duệ của mình. Ở đây, người đọc cần lưu ý rằng, chúng ta chỉ đề nghị một lối giải thích khả dĩ cho vấn đề; khi có sự khả dĩ, thì đối phương của chúng ta không có lý gì để cáo buộc rằng gia phả của Matthew và của Luke mâu thuẫn nhau.
Lại thấy bác Trần Chung Ngọc chép:
Một vài nhà thần học Ki Tô đã đưa ra một cách giải thích có tính cách ngụy biện nhưng không được thông minh cho lắm. Đó là gia phả của Giê-su theo Luke là theo dòng họ mẹ, nghĩa là Maria, chứ không phải là dòng họ bố là Joseph. Nghiên cứu về cổ sử và truyền thống Do Thái, các học giả đã bác bỏ lý luận ngụy biện này. Thật vậy, cả Matthew và Luke đều ghi Giê-su thuộc dòng dõi cha là Joseph chứ không ghi Giê-su thuộc dòng họ mẹ là Maria.
Có lẽ là ở điểm này bác Ngọc nói đúng: Matthew và Luke đều ghi chép dòng dõi của Thánh Giuse. Bởi trang Tự Điển Bách Khoa Công Giáo cũng có nói: theo truyền thống, các giáo phụ không có ai cho rằng gia phả theo Luke là thuộc dòng dõi của Đức Mẹ Maria ("It may be safely said that patristic tradition does not regard St. Luke's list as representing the genealogy of the Blessed Virgin.").
Vậy câu hỏi kế tiếp: Tại sao lại ghi chép dòng dõi của Thánh Giuse trong khi Giuse không phải là cha ruột của Chúa Giêsu?
Trong bộ Tổng Luận Thần Học, Phần 3, Nghi vấn 29, Mục 1, liên quan đến đề tài tại sao Chúa Giêsu lại chọn cho mình một người mẹ đồng trinh đã đính hôn, thấy Thánh Thomas Aquinas chép:
[Ấy] là điều hợp tình hợp lý vì 3 nguyên nhân: vì lợi ích riêng của Ngài, vì lợi ích cho Mẹ Ngài, và vì lợi ích cho chúng ta.
Trong lợi ích cho Chúa Giêsu, có 4 lý do. Thứ nhất: Kẻo lời đồn thị phi của những kẻ nghi ngờ, mà cho rằng Ngài là con hoang. Vì lẽ này, Thánh Ambrose đã nói về Luke 1:26-27: "Làm sao chúng ta có thể trách Herod hay dân Do Thái nếu họ có ý bách hại một kẻ đã được sanh ra bởi tội thông dâm?" Thứ hai, để theo tập tục, hầu cho gia phả của Ngài được vạch theo dòng dõi của [người cha dưới thế gian]. Do đó, Thánh Ambrose đã nói về Luke 3:23: "Đấng đã đến trong thế gian, theo tập tục của thế gian, cần phải được danh chánh, ngôn thuận. Với mục đích này, tục lệ đòi hỏi người đàn ông [trong hai vợ chồng] phải là người đứng ra làm thủ tục ghi danh, bởi đàn ông là đại diện cho gia đình trong nghị viện và tòa án. Tập tục trong Thánh Kinh cũng cho thấy dòng họ của người đàn ông luôn được dùng để liệt kê gia phả". Thứ ba, vì an toàn cho đứa bé sơ sinh, kẻo quỷ thần lại mưu đồ ám hại Ngài. Vì lẽ này, Thánh Ignatius đã nói rằng Đức Bà phải được đính hôn, "hầu cho phương cách hạ sanh của Ngài được che giấu khỏi tai mắt của quỷ thần". Thứ tư, hầu cho Ngài được che chở bởi cha nuôi là Thánh Giuse, người được gọi là "cha" của Ngài, bởi là người đã nuôi dưỡng Ngài dưới thế gian.
Việc ấy phù hợp cho Đức Mẹ Maria bởi 3 lý do. Thứ nhất, bởi thế Đức Bà mới được thoát khỏi sự trừng phạt của người thế gian, đó là "kẻo Bà bị ném đá cho đến chết, bởi người Do Thái, vì tội thông dâm", theo lời Thánh Jerome. Thứ hai, để bảo toàn cho danh tiết của Đức Bà; Thánh Ambrose nói về Luke 1:26-27: "Bà phải được đính hôn, ngõ hầu tránh khỏi sự tổn thương bởi tai tiếng là kẻ bị xúc phạm tiết hạnh, khi bào thai trong bụng Bà lớn dần". Thứ ba, như Thánh Jerome nói, để hầu cho Thánh Giuse có thể chăm sóc cho bà.
Việc ấy cũng gây lợi ích cho chúng ta bởi 5 lý do.
Thứ nhất, do vậy mà Thánh Giuse có thể làm chứng cho chúng ta về sự hạ sanh của Chúa Giêsu bởi một người nữ đồng trinh. Thánh Ambrose nói: "Chồng bà là một chứng nhân đáng tin cậy về sự trong sạch của bà, vì bởi lẽ ra ông phải oán trách bà do sự ô nhục ấy, và trả thù vì bà làm tổn thanh danh ông, nếu thật sự ông không chấp nhận mầu nhiệm."
Thứ hai, bởi thế lời lẽ của Đức Bà trở nên đáng tin cậy hơn khi bà khẳng định sự trong sạch của mình. Thánh Ambrose nói: "Niềm tin nơi lời nói của Đức Bà Maria được thêm sức mạnh, động cơ của lừa dối được dẹp tan. Nếu bà không được đính hôn khi mang thai, bà sẽ bị buộc phải che giấu bằng lời dối. Khi đã được đính hôn, bà không còn lý do để nói dối, trong khi sự mang thai là một tặng thưởng của hôn nhân và nó chúc phúc cho sự kết hợp vợ chồng. Hai lý do trên đây, góp phần tạo sức mạnh cho đức tin của chúng ta.
Thứ ba, ngõ hầu cho mọi sự bào chữa có thể được loại bỏ đối với những trinh nữ khác, cho dù muốn thận trọng, lại rơi vào sự ô nhục. Thánh Ambrose nói: "Thật là điều không thích hợp nếu các trinh nữ để mình bị vấp phải tai tiếng xấu, và rồi lại viện cớ rằng chính Đức Mẹ Chúa Trời đã từng bị áp bức bởi ô danh".
Thứ tư, bởi vì sự kiện này mà Giáo Hội công giáo lấy làm gương, đó là một nữ đồng trinh, nhưng lại được đính hôn với người đàn ông (Chúa Kitô), như Thánh Augustine nói (trong tác phẩm De sancta virginitate, quyển xii).
Thứ năm, bởi Đức Mẹ Chúa Trời được đính hôn và lại là nữ đồng trinh, cả hai lối sống trinh tiết và kết hôn được tôn vinh qua con người Bà, ngược với những kẻ dị giáo nào đã từng gièm pha lối này hay lối nọ.
Hôm qua mẫu thân tôi lên thăm nhị đệ (bà cần nhờ nó sửa xe do hư gì gì đó). Tôi dành buổi chiều đi dạo phố với tam muội tôi-cũng do tình cờ nó nhắn tin hỏi thăm nên sẵn tiện tôi gọi điện rủ nó đi chơi luôn, sẵn dịp mua quà sinh nhật và Giáng Sinh cho nó. Thứ Bảy tuần trước, Ông Già Nô-en vào làng, mở đầu cho một mùa mua sắm Giáng Sinh. Cho nên cuối tuần này, thấy thiên hạ tấp nập trong Square One, cũng vui vui. Tôi viết, vì tôi thấy thương em gái tôi---nó cố tìm hai món đồ ít tiền nhất (nhưng đủ vừa ý) để chọn mua, vì nó sợ tôi túng quẫn. Sau đó, mấy anh em cùng đi ăn tối. Nó giành, không cho tôi trả tiền--tiền chi cho bữa ăn còn nhiều hơn số tiền tôi trả cho hai món quà của nó. Tôi chở nó về nhà khoảng gần 21h00.
Sau đợt ưu tiên cho quí cụ, quí bà mang thai, và quí con nít, phát động từ mấy tuần trước, hôm nay thì đã đến lược những người "ít rủi ro" như tôi.
Rút kinh nghiệm từ thông tin của đợt trước--xếp hàng chờ đến 4-5 tiếng đồng hồ--nên tôi đợi đến gần giờ đóng cửa (21h00) mới "trình diện" tại địa điểm trên đường Cowan (trung tâm cộng đồng Masaryk-Cowan, gần đường Queen), vào làm thủ tục, rồi chích ngay, khỏi phải đợi.
Trước khi ra về, họ ban cho một tấm giấy chứng nhận: "Ngày 19 tháng 11 năm 2009, Đây chứng nhận, tên-họ đã tiêm chủng thuốc ngừa H1N1, do công ty GlaxoSmithKline chế biến". Kèm theo đó là một mẫu hướng dẫn và số điện thoại tham vấn nếu có tình trạng phản ứng gì.
Chưa thấy có phản ứng. Để chờ ngủ qua đêm, sáng mai sẽ xem sao.
[Mặt khác, cách tốt nhất tôi có thể đề nghị với KA là bạn nên đem những gì đọc được, đến xin sự chỉ giáo của cha xứ. Tôi không có khả năng bằng các vị linh mục, bởi họ đã dành nhiều năm trong tu viện, cùng sự sốt sắng suy niệm hằng ngày, để hấp thụ chân lý của đạo mình.]
Tớ thấy tự bản thân mình đi tìm hiểu và nếu kẹt lắm thì vào đây hỏi ý bác là chắc ăn nhất. Mấy cha xứ ngày nay rất bận rộn với việc hành chánh và cuộc sống riêng tư nên tầm hiểu biết của các ngài chẳng có bao nhiêu mà gỡ rối tơ lòng" cho ta. Vơ đũa cả nắm cũng không đúng, các cha người Mỹ thì có kiến thức thần học nhiều hơn, vì các ngài có giờ để suy ngẫm thánh kinh. Chuyện hành chánh thì có hội đồng giáo xứ lo. Còn các cha VN ta, tại các nhà thờ VN thì khác. Các ngài phải lo hết mọi chuyện nên chẳng có giờ kinh kệ nhiều. Hỏi tới thì các ngài cáo lui ngay. Chưa kể là người VN ta bên này là cộng đồng nhỏ nên các cha cũng hay được mời làm cố vấn cho cộng đồng, nên từ từ đi vào con đường chính trị. Tớ nghĩ bác là người có khả năng nhất. Chúng tớ sẽ vào đây xin "gỡ rối tơ lòng"
Dzời ạ! Mấy bác kỳ vọng chi nơi tôi, trong khi trong đức tin, chính tôi là kẻ đói nghèo còn cần phải đi ăn xin nơi mấy bác mới đúng. Ngay cả ở những gì tôi viết, các bác cũng cần phải kiểm chứng với giới thẩm quyền của giáo hội, bởi chỉ các vị ấy mới có quyền thừa tác từ Chúa Giêsu để truyền bá đức tin.
Tôi viết với mục đích chia sẻ những quá trình "tầm đạo" của bản thân, hơn là "giảng đạo". Nếu có chỗ nào không đúng thì xin các bác không ngại chỉ điểm dùm cho. Bởi tôi thấy lời của GS Randy Pausch trong Bài Giảng Cuối Cùng rất chí lý: "Khi anh [nói/làm] sai mà không ai màng nói gì cả, thì có thể là họ đã bỏ anh."
Cuộc đời của tôi không phải là vì tôi. Tôi cần phải lắng nghe xem Ông Trời có sắp đặt gì cho tôi.
Tôi không phải là người nắm quyền. Quyền lực là một ảo giác. Mọi nỗ lực cố để nắm quyền, hầu lôi kéo kết quả theo ý mình, là một trò buồn cười, nếu không muốn nói là tai hại. Tôi cần phải biết phó thác cho Thiên Chúa.
Tôi không mấy quan trọng. Có rất nhiều người khác quan trọng hơn tôi nhiều, và có thể thời điểm nào đó sẽ đòi hỏi tôi phải dâng hiến mạng sống của mình để cho người nào khác được sống.
Tôi sẽ chết. Tôi nên chuẩn bị mọi thứ hầu cho xứng đáng mà gặp Đấng Tạo Hóa. "Chuẩn bị" này bao gồm sự lo trọn bổn phận của đời này để được hưởng phúc đời sau. Nghĩa là với tư cách là một người "chăn vườn", tôi đã làm gì để góp phần xây dựng cho con người, Trái Đất, vũ trụ, là ruộng vườn và cây trái của của Đấng Tạo Hóa, ngày một xanh tươi hơn?
Hai đêm vừa rồi tôi liên tiếp gặp hai giấc mơ. Đêm hôm kia, lại mơ đi thi quên học bài, lần này là môn Kinh Tế. Giấc mơ thứ hai, đêm hôm qua, về một người bạn xưa, thú vị hơn. Tôi bị ép buộc đi đến chỗ tôi không muốn đi, nên quyết định chia tay. Cô ta không...cho phép, cầm điện thoại gọi "chư vị" đến để thanh toán tôi. Tiếc thay, chưa kịp chứng kiến cảnh gì sẽ xãy đến cho mình thì tôi đã chợt bừng tỉnh giấc.
"I also came to understand that the purpose of prayer was not to change God’s mind, but to change my heart."
(Tôi dần dần hiểu được rằng mục đích của việc cầu nguyện không phải là để thay đổi ý định của Chúa, mà là để thay đổi tấm lòng tôi.)
Đọc mấy lời giới thiệu này thôi đã đủ thu hút tôi tìm xem "mùa 2" của chương trình Nothing More Beautiful (Không gì đẹp hơn) bởi Tổng Giáo Phận Edmonton, được phát hình trên đài Salt+Light TV. Cập nhật 25-11-2009 15:02: xem (và nghe) lời chứng của cô Lydia Cristini ở đây.
"Cầu nguyện không phải để thay đổi ý của Chúa, nhưng để thay đổi tấm lòng tôi." Câu này thật tuyệt vời. Vậy, tôi đọc kinh không phải để Chúa nghe, nhưng để chính tôi nghe, để những lời kinh ấy cảm hóa, và tác động đến tâm tư, lời nói, và việc làm của tôi. Tôi cần phải trở lại với thói quen đọc kinh mỗi sáng như khi còn ở Nhật Bản. Lúc đó do ở chung với mấy cha con của bác Nguyễn Thời Thí (một gia đình cực kỳ ngoan đạo), nên mỗi sáng bị đánh thức sớm 6h30, bị lôi đầu lên nhà nguyện của Cha George Cloutier để đọc kinh, rồi 7h30 bị kéo cổ tới nhà dòng của Sơ Muraoka để giúp lễ cho Cha George. Giờ đây, nhìn lại, tôi cảm thấy phúc đức vì đã được hưởng những cái "bị" ấy làm nền tảng cho đức tin.
Năm ngoái, xem bài giảng của Đức TGM Richard Smith của Edmonton, tôi lưu ý tới điểm này (thời điểm ~ 25:00-30:00): có một quan niệm, rằng trong mổi người chúng ta hiện hữu hai quyền lực ngang hàng và đối lập với nhau--một chánh, một tà. Trong truyền thông đại chúng, ta nhận thấy quan niệm này được biểu hiện qua hình ảnh một thiên thần ngồi bên vai phải, và một quỷ thần ngồi bên vai trái của ta. Đây là một quan niệm sai lầm. Trích lời TGM Smith:
Vâng, có một quyền lực tà ác đang hoành hành trong thế thới, và nguồn gốc của nó là một sự huyền bí, nhưng chúng ta có thể vượt qua nó, và đừng để nó làm động cơ khiến ta tuyệt vọng.
Nguồn gốc của nó là một sự huyền bí? Lời Đức Cha Tổng khiêm nhường thật. Người công giáo ta thừa biết nguồn gốc nó phát xuất từ Sa Tăng, và Sa Tăng dù sao cũng chỉ là một "tạo vật". "Tạo vật" không thể nào thắng nổi Đấng đã tạo nên nó. Bởi thế ĐTC Benedictô XVI mới thốt ra câu: "không gì đẹp hơn được tìm biết Chúa Kitô". Tôi đang đọc tác phẩm "Niềm Vui Khi Được Biết Chúa Cứu Thế" (The Joy of Knowing Christ) của Ngài, như để tìm lại đức tin của chính mình.
Xem đài truyền hình Salt+Light, trực tuyến:
Lịch trình:
Jesus Christ: Word of God Made Flesh
Catechist: Most Rev. Richard Smith, Archbishop of Edmonton
Witness: Lydia Cristini, teacher
Broadcast: November 7th at 9:00 pm ET, encore presentation Tuesday, November 10th at 8:00 pm ET
Jesus Christ: The Way, the Truth and the Life
Catechist: Most Rev. Thomas Collins, Archbishop of Toronto
Witness: Mother Agnes Mary Donovan, SV
Broadcast: December 19th at 9:00 pm ET, encore presentation Tuesday, December 22nd at 8:00 pm ET
Jesus Christ: Lamb of God and Bread of Life
Catechist: Most Rev. Gary Gordon, Bishop of Whitehorse
Witness: Sister Annata Brockman, SC
Broadcast mid-February 2010
Jesus Christ: Crucified and Risen Lord
Catechist: Most Rev. J. Michael Miller, CSB, Archbishop of Vancouver
Witness: George Weigel, author
Broadcast late April 2010
Jesus Christ: Revelation of the Trinity
Catechist: Cardinal Daniel DiNardo, Archbishop of Galveston, Houston
Witness: Carl Anderson, Supreme Knight, Knights of Columbus
Broadcast early June 2010
Cha Giuse Trần Việt Hùng, của Bronx, vừa có bài viết về phong trào Canh Tân Đặc Sủng. Trích đoạn:
Chúng ta đừng gán ghép cho Chúa Thánh Thần mọi thứ kẻo bị xúc phạm. Chúng ta đừng cuồng tín. Đừng bị ảo giác chi phối. Niềm tin của chúng ta cần đặt trên nền tảng vững chắc nơi Thánh Kinh và Thánh Truyền. Hãy sống đạo trưởng thành, đừng ủy mị và mê tín hay cả tin.
...
Chúa Thánh Thần sẽ làm việc bất cứ ở nơi nào. Gió muốn thổi đâu thì thổi. Chúng ta không thể cản ngăn ơn Chúa Thánh Thần.
Còn một vấn đề Cha không nhắc tới: quá sốt sắng, thậm chí đến mức độ nghiện ngập.
Tối hôm qua nhà tôi lại làm món này ăn với bánh mì nướng. Ăn khá hấp dẫn, nên để dành một phần cho mẫu thân đi làm về ăn tối. Bà về, tôi nướng bánh mì định cắt từng khoanh cho bà chấm ăn với cá. Mẹ hỏi "Bánh mì ở đâu vậy?" Tôi trả lời rằng của "bà kia" cho. Mẹ bảo, "thôi, không ăn bánh mì đó đâu. Tụi con ăn bánh đó rồi có ngày bị bỏ bùa mê, theo bà ấy hết mà bỏ Mẹ". Dzời!
Recent Comments