Wednesday, January 14. 2009
CDK Sáng nay ngủ dậy thì nghe tin này tràn lan khắp đài phát thanh và truyền hình: hàn thủy biểu hôm nay tụt xuống tới -22°C. Cộng thêm độ gió, sẽ có cảm giác như -30°C. Nhiệt độ trong nhà tôi là +22°C. Hơi lo là trời lạnh thế này đề máy xe sẽ khó nổ máy. Nhưng may là không vấn đề gì.
Thời tiết giá lạnh thế này, chính quyền địa phương và các cơ quan từ thiện đặc biệt chú tâm đến những người vô gia cư. Vâng, ở một xứ sở văn minh như thế này cũng có tồn tại nạn vô gia cư và ăn xin. Lạ một điều, bởi lý do nào đó, một số người này từ chối sự giúp đỡ. Mới tháng vừa rồi có một bi kịch. Nghe đâu bên Vancouver có một người đàn bà, 47t, vô gia cư--mỉa mai thay--đã bị lửa thiêu chết khi túp lều tạm thời của bà phát hỏa. Trước đó bà ta đã ba lần từ chối sự giúp đỡ của cảnh sát và nhân viên từ thiện.
Tuesday, January 13. 2009
CDK Tin từ ctv.ca, thuốc chích ngừa cảm cúm năm nay không thể bảo vệ người ta đối với dạng dịch cúm có tên B/Victoria mà chỉ chống được dạng B/Florida cùng hai dạng A là H3N2 và H1N1. Hèn gì năm nay dù tôi có chích ngừa mà vẫn trúng cảm.
CDK Ý kiến của bác Lu cát cho bài viết vừa rồi khiến tôi bâng khuâng về từ ngữ "philanthropy" mà tôi đã mạn dịch là "việc làm từ thiện" (charity work).
Mạng Wikipedia định nghĩa:
Hành động đầu tư tiền, của, dịch vụ, thời gian và/hoặc công sức để hổ trợ một lợi ích cho xã hội, với mục đích cụ thể, mà không vì lợi ích tài chánh hoặc vật chấc riêng cho người đầu tư.
(the act of donating money, goods, services, time and/or effort to support a socially beneficial cause, with a defined objective and with no financial or material reward to the donor.)
Tôi đã dịch sửa từ "tặng biếu" (to donate) thành "đầu tư" (to invest) cho có hương vị kinh doanh ti tí, và hợp ý với bác Lu cát khi viết:
cần xem xét dưới mức độ ... đầu tư ...và tầm nhìn cực xa của Bill
Từ Điển WordNet của Đại Học Princeton định nghĩa từ philanthropy đơn giản là:
Sự tự nguyện đẩy mạnh công cuộc cải thiện đời sống cho nhân loại.
(voluntary promotion of human welfare.)
Vậy philanthropy, charity (lòng thương người), và humanitarianism (nhân đạo) khác nhau chỗ nào? Mạng Tự điển từ nguyên www.etymonline.com ghi:
gốc từ tiếng Hy Lạp, philanthropia, nghĩa là "lòng nhân đạo, lòng từ thiện"; từ philanthropos (tính từ), nghĩa là "thương người"...
(1608, from L.L. philanthropia, from Gk. philanthropia "humanity, benevolence," from philanthropos (adj.) "loving mankind," from phil- "loving" + anthropos "mankind" (see anthropo-). Originally in L.L. form; modern spelling attested from 1623. Philanthropist is first recorded 1730.)
Gần như chúng đồng nghĩa với nhau. Dường như, khi một người giàu có làm từ thiện thì nó là philanthropy; khi một cơ quan hay cá nhân nào làm từ thiện thì nó là "act of charity"; và khi cơ quan nào đó làm từ thiện và muốn tránh liên hệ tới tôn giáo thì họ gọi nó là "humanitarian work".
Ghi chú: Trong giáo lý Kitô giáo, charity là đức mến trong ba đức tin-cậy-mến: thương người như thể thương thân.
Saturday, January 10. 2009
CDK Trưa nay đưa mẫu thân tôi đi may lại vết thương, ngồi ngoài phòng đợi, buồn buồn lật tờ MacCleans ấn bản tháng 7, 2008, thấy có bài viết hay hay, về Bill Gates, với tựa đề The Gospel According to Bill (Phúc Âm theo Bill). Một khi người ta đã đạt được sự giàu có vượt qua mức tưởng tượng, thì còn việc gì nữa trên đời để làm đây? Câu trả lời theo Bill Gates, mà hiện giờ ai cũng đã biết, ấy là: làm từ thiện. Điều tôi không biết là: bác Bill không phải là người đầu tiên đi theo công thức này, mà dường như bác đang đi theo dấu chân của John D. Rockefeller và Andrew Carnegie. "Mốt" này dường như hơi được thịnh hành trong xóm người muốn làm giàu: chú tâm kiếm cho thật nhiều tiền, rồi thì với số tiền kếch xù ấy ta có thể làm được nhiều việc từ thiện giúp ích cho đời. Bác Gates là một gương sáng cho những người này.
Nhưng có điều--và như lời thằng nhị đệ của tôi nó đã có lần nói--nếu tôi cần bác cứu trợ, mà phải chờ đến khi nào bác thành đạt vượt sức tưởng tượng mới có thể được bác cứu giúp, thì tới chừng đó tôi sẽ đã chết khô khan từ kiếp nào.
Thursday, January 8. 2009
CDK Sáng hôm qua tôi bị tố tuyết.
Anh chàng kia đi bộ băng băng trên lối xe hơi chạy--chắc cậu ta nghĩ đường đi bộ bị ngập tuyết cho nên cậu ta có quyền đi trên đường xe ôtô. Thấy tôi đang trườn tới, anh ta vẫn không tránh đường. Tôi tưởng tôi đã quá tử tế khi đã thận trọng tiến tới càng chậm hơn, cố ý tránh làm bắn tóe nước bùn vào cậu ta. Nào ngờ, vừa chạy ngang thì đã được thưởng cho một quả bom tuyết mà cậu ta đã thủ sẵn trong tay tự bao giờ.
Thú thật, phản ứng đầu tiên của tôi là muốn đậu xe lại, và ngay lập tức chạy ra lượm một quả tuyết, vố trả vào mặt cậu ta một phát cho hả giận. Phản ứng tiếp sau đó là: thôi, cho qua.
Nhân đây gợi lên một chút nhận xét. Có một số người, không phải chỉ cậy trông vào sự tốt bụng của người xa lạ, mà họ còn đòi hỏi sự tốt bụng ấy. Lối suy nghĩ ấy dẫn giải như thế này:
- Anh nên đối xử tốt với tôi.
- Nếu anh không xử tốt với tôi thì anh có lỗi.
- Nếu anh gây lỗi với tôi thì tôi có quyền trừng phạt anh để rửa nhục và đòi lại công lý.
- Lập lại bước 1 cho người "bị trừng phạt".
Thấy cũng có lý nhỉ. Trừ phi, còn có cách giải quyết khác: thôi thì tôi đành chịu cái nhục bởi chưa tử tế đúng mức, để chấm dứt cái vòng lẩn quẩn của oán thù.
Dường như đó là cái gương cư xử mà Chúa Giêsu đã để lại (gợi ý: tội tổ tông), và chắc cũng là ngụ ý của câu dạy "Các con hãy thương yêu nhau như Thầy đã thương yêu các con" ( Ga 15:12).
Biển xanh êm dịu...Biển xanh êm dịu...Biển xanh êm dịu.
Wednesday, January 7. 2009
CDK Sáng hôm qua vào công ty làm việc được hơn 1 tiếng đồng hồ thì tam đệ nó gọi điện: bà cụ nhà té xỉu trong phòng vệ sinh, đập đầu vào đâu đó, chảy máu. Nó đã đưa bà vào phòng ER, đã tạm băng bó cái đầu và hiện đang chờ bác sĩ kiểm khám. Tôi vội sắp xếp chuyện công ty, xong tọt về nhà lấy cái máy GPS dẫn đường, tới nơi thì bà cũng vừa được BS khám sơ. Tôi đổi ca với tam đệ cho nó về đi phỏng vấn gì gì đó. Ông bác sĩ khâu cho bà 5 mũi, bảo tình trạng không trầm trọng, và cho xuất viện với lời dặn hờ, nếu có trở biến gì thì hãy quay trở lại. Xuất viện, tôi chở bà về nhà tôi, trên đường ghé Swiss Chalet mua chén súp cho bà tẩm bổ.
Tối qua thấy bà ngủ được, nhưng sáng dậy than hơi rêm mình. Chắc tại lúc té đã cấn đâu đó. Chiều đi làm về sẽ ghé Shoppers Drug Mart tìm mua thuốc thoa.
Monday, January 5. 2009
CDK Tối hôm qua ngồi trong xe chờ chuyến bay của phụ thân tôi đáp (máy bay bị đình trễ, hơn nửa đêm mới đáp, đưa ông về tới nhà thì đã gần 2 giờ sáng), buồn buồn mở băng tầng AM của radio nghe mấy chương trình hội thoại của đài CBS, nghe bàn về đức tin Công Giáo trong vấn đề kết hôn với người ngoại đạo. Nghe một bà--người công giáo--dõng dạc tố cáo một cô giáo của một trường công giáo là đã phạm "tội trọng" vì đã kết hôn với người ngoại đạo mà không thông qua bí tích hôn phối, tức là không được chấp nhận bởi Giáo Hội, và do đó hôn phối không có hiệu lực.
Hmm...Nghe những người sùng đạo hay vội vã kết tội như thế này, làm tôi không khỏi e dè. Tôi thiển nghĩ, Chúa Thánh Thần thật sự khoan dung nhiều hơn những người này hằng tưởng.
Tra cứu các tài liệu Giáo Lý Công Giáo ( The extent of sacramental marriage, Disparity of Worship, và Mixed marriages and disparity of cult) thì tình hình gần như là bà kia đã tuyên bố. Rõ ràng các bậc giáo phụ đã sợ người có đạo bị lôi kéo bỏ đạo, nên đã khuyên không cho người có đạo lập hôn phối với người ngoài đạo. Nhưng cũng không quên lưu ý GLCG - Phần II - Đoạn II – Chương III - Mục 7 ( THE SACRAMENT OF MATRIMONY):
1637 Trong trường hợp hôn phối khác đạo, bên công giáo có trách nhiệm đặc biệt: "Chồng ngoại đạo được thánh hoá nhờ vợ và vợ ngoại đạo được thánh hoá nhờ chồng có đạo" (1Cr 7,14). Thật là một niềm vui lớn cho bên công giáo và cho Hội Thánh nếu "việc thánh hoá này" đưa người không công giáo tự nguyện đón nhận đức tin Ki-tô giáo (x. 1Cr 7,16). Chính tình yêu hôn nhân chân thành, việc khiêm tốn và kiên nhẫn thực thi những nhân đức gia đình và siêng năng cầu nguyện có thể chuẩn bị cho người không có đạo được ơn làm con Chúa.
Thursday, January 1. 2009
CDK Nhân đọc bài Veni Creator Spiritus, thông điệp của ĐTC Biển Đức XVI, suy niệm vài điều về Chúa Thánh Thần (Thần Khí, Đức Thánh Linh, ...)
- Thần Khí là uy lực tác tạo (và liên tục tái tạo) nên trời đất, vạn vật sinh linh, cho chúng sự tinh vi và trật tự trong cơ cấu và cả tinh thần. Thần Khí hiện hữu trong thiên nhiên.
- Chúa Cứu Thế là Thần Khí
- Thần Khí là hơi thở của Chúa Cứu Thế
- Thần Khí là linh hồn của thân thể của Chúa Cứu Thế
- Thần Khí (Chúa Thánh Thần) và Chúa Cứu Thế không thể tách rời nhau
- Giáo Hội là thân thể của Chúa Cứu Thế
- Niềm vui là hoa quả của Chúa Thánh Thần (Ga 5:22)
Tự dưng nãy sinh ý nghĩ: Thể xác, lời nói, cùng trí tuệ lẫn tâm hồn; ba thứ này của con người không phải là biểu hiện cực tiểu của Thiên Chúa Ba Ngôi hay sao?
Sưu tầm thêm GLCG - Phần I - Đoạn II - Chương 1 - Mục 1 - Tiết 4:
290 (326) "Lúc khởi đầu Thiên Chúa tạo dựng trời và đất": những lời đầu tiên này của Kinh thánh khẳng định ba điều : Thiên Chúa vĩnh cửu đã đặt một khởi điểm cho tất cả những gì hiện hữu bên ngoài Người; duy chỉ mình Người là Ðấng Sáng Tạo (động từ "sáng tạo"- tiếng hipri là bara - luôn có chủ từ là Thiên Chúa) ; toàn thể những gì hiện hữu (được diễn tả bằng công thức "trời và đất") đều tùy thuộc vào Ðấng đã cho chúng hiện hữu.
291 (241 331 703) "Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời và Ngôi Lời là Thiên Chúa... Nhờ Ngôi Lời vạn vật được tạo thành và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành" (Ga 1, 1-3). Tân Ước mặc khải rằng : Thiên Chúa đã tạo dựng tất cả nhờ Ngôi Lời vĩnh cửu là Con yêu quí của Người. Chính trong Người mà "mọi sự trên trời và dưới đất được tạo dựng... , mọi sự được dựng nên nhờ Người và cho Người. Người có trước mọi sự và mọi sự tồn tại trong Người" (Cl 1, 16-17). Ðức tin của Hội Thánh cũng xác quyết như vậy về hoạt động sáng tạo của Chúa Thánh Thần. Người là "Ðấng ban sự sống" (Kinh Tin Kính Ni-xê-a Con-tan-ti-nô-po-li), là "Thần trí tác tạo"("Veni, Creator Spiritus"), là nguồn mạch của mọi thiện hảo (Phụng vụ Byzantine, kinh chiều lễ Hiện Xuống)
292 (699 257) Sự thống nhất không thể tách rời giữa hành động sáng tạo của Chúa Con và Chúa Thánh Thần với hành động sáng tạo của Chúa Cha đã được thoáng thấy trong Cựu Ước (x. Tv 33, 6; 104, 30; St 1, 2-3), và được mặc khải trong Tân Ước, nay được qui luật đức tin của Hội Thánh xác định rõ ràng : "chỉ có một Thiên Chúa duy nhất... : Người là Cha, là Thiên Chúa, là Ðấng Sáng Tạo, là Tác Giả, là Ðấng an bài mọi sự. Người tự mình tác tạo mọi sự nghĩa là nhờ Lời và Đức Khôn Ngoan của Người" (T. I-rê-nê , chống lạc giáo, 2, 30. 9), "nhờ Chúa Con và Chúa Thánh Thần" như "những bàn tay của Người" (Ibid, 4, 20, 1.). Sáng tạo là công trình chung của Ba Ngôi Chí Thánh.
|
Recent Comments