Sáng Thứ Ba ngủ dậy thấy lừ đừ, lại thấy trời ấm áp nên chán đi làm, viết thư vào công ty báo "bệnh", rồi cúp cua đi dạo mát ngoài trời. Chiều về bị nhức đầu cho tới bây giờ. Trời phạt tội nói láo. Viêm xoang chăng? Chỉ có nhức đầu, không xổ mũi, không sốt. Chờ vài ngày nữa xem, nếu không bớt thì đành phải vác xác vào trình diện bà bác sĩ để nghe giảng: "mình bệnh, có tiền thì mua thuốc uống; còn người ta bệnh, không tiền, thì để từ từ cũng hết bệnh thôi!"
Tối hôm kia nốc hai viên Tylenol 500, thấy đỡ. Sáng hôm sau thì đau lại, định nốc thêm hai viên nữa nhưng nghĩ lại--hễ cứ đau tí là uống thuốc chỉ để làm giảm đau, mãi rồi khả năng chịu đau của mình chẳng còn gì nữa, biến mình thành tên nhu nhược--bèn thôi không uống nữa. Tôi cần tập chịu đựng cái đau, thay vì luôn tránh né nó.
Hôm nọ, có bạn nhận xét rằng sao thấy dạo này tôi viết nhiều về tâm linh. Khi con người cảm thấy thế giới bên ngoài thiếu vắng sự cảm thông, tự nhiên người ta hướng nhiều về nội tâm. Phần tôi, khi hướng về nội tâm, tôi hay đi tìm Ông Trời, như để tìm sự an ủi thầm lặng, hằng có, và muôn đời không đổi thay. Nỗi đau đớn cho tôi là, dường như Người Cha Trên Trời ấy cũng đang thì thầm nói với tôi rằng: Con sai rồi.
Lâu rồi tôi không cầu nguyện (lần rồi đọc kinh cầu nguyện là vào dịp giỗ Bà Nội tôi). Tuy mỗi tối đặt lưng xuống giường, đặt tâm suy ngẫm vài ba phút về những khuyết điểm của mình, nhưng đó chẳng đáng để gọi là cầu nguyện. Tối hôm Thứ Tư rồi, đứng trong bóng đêm khuya vắng trước bàn thờ, đột nhiên tôi muốn quì xuống để cầu nguyện. Tôi quì, chắp tay, lặng thinh cầu, nhưng tâm tư thấy trống rỗng, tôi chợt nhận ra mình đã quên làm sao để cầu nguyện.
Thánh Gioan Thánh Giá đã từng viết về Đêm Tăm Tối của Linh Hồn. Dường như tôi đang trải qua giai đoạn này. Chứng tỏ rằng mặc cho những gì tôi đã học và hiểu được, hạt giống đức tin của tôi vẫn chưa bám sâu vào lòng đất Chúa cho lắm, khiến lòng dễ bị giao động. Thánh Âu Tinh nói, "hồn tôi không yên nghỉ, cho đến khi nào nó nghỉ yên trong Chúa tôi." Quả thật, linh hồn tôi đang thổn thức. Cũng có thể nói là nó đang hấp hối. ĐTC Biển Đức XVI đã viết trong Niềm Vui Khi Được Biết Chúa Cứu Thế: "Chúng ta không cần sợ vấp ngã, bởi khi ta vấp ngã, ta sẽ ngã vào tay Chúa." Nhưng tôi sợ. Tôi sợ sẽ lọt qua kẽ tay Chúa, bởi trong thâm tâm, tôi thấy rằng mình vẫn chưa trọn vẹn hiệp nhất với Chúa. Thánh Gia-cô-bê đã từng viết: "Đức tin thiếu thực thi thì đức tin chết". Thực thi ở đây bao gồm hai ý nghĩa: 1) hành động giúp ích cho bản thân; và 2) hành động giúp ích cho thế nhân.
Bài viết này khởi đầu cho đợt "ngâm cứu" về tỉnh tâm Linh Thao (Spiritual Exercises) của Thánh Y Nhã (Ignatius of Loyola) mà tôi đang chuẩn bị dấn mình vào. Linh Thao và Lectio Divina có thể nào sẽ là cứu cánh cho tôi chăng.
Đi tìm sự thỏa mãn khao khát tâm linh, nhưng vẫn luôn ý thức bổn phận mình với đời.
Lỗi do người đi bộ hay là người lái xe? Trả lời: cả hai.
Bản thân tôi cần phải tự thú: hơn đôi lần cua phải mà mắt cứ ngó trái, dè chừng xe mà sơ ý với người qua đường, suýt tông mấy em, nên đã bị chữi ỏm tỏi. Đôi lần khác, chính tôi chứng kiến mấy ẻm (người da đen--không phải tôi kỳ thị mà là dữ kiện thật), băng ngang giữa đường ngay trước mặt xe tôi. Điều đáng tức mình là mấy em này ung dung bình thản mà đi như thể tôi và chiếc xe tôi không hề tồn tại trên thế gian. Tôi suy diễn đến hai cách biện luận cho thái độ này:
Nếu tôi không chú ý tới anh thì anh không tồn tại, và tôi sẽ không bị tông.
Tôi không cần chú ý tới anh mà anh cần phải chú ý tới tôi. Anh thử tông tôi đi, tôi sẽ kiện cho cả dòng họ anh bại sản.
Về #1: có lẽ tôi không tồn tại thật. Về #2: quá liều mạng; chết rồi thì nhờ ai kiện cho mình?
Sáng nay, cảnh sát thành phố vừa mở chiến dịch cảnh cáo và phạt vạ những ai vi phạm luật giao thông, cả người đi xe (tối đa $280), lẫn người đi bộ (tối đa $110).
Thắc mắc: phạt tài xế thì dùng thẻ bằng lái làm căn cước. Vậy phạt người đi bộ thì dùng gì?
Bên blog Đông A (đạo hữu nào nhẹ bóng vía thì xin đừng tới đó ) vừa có bài viết khiến tôi lưu ý: Bao giờ người Công giáo hết dối trá?. Trả lời ngay: Người Công Giáo hết dối trá khi nào họ đã thành thánh.
Tôi định không lên tiếng, bởi người trong đạo Công Giáo thừa thuộc lòng cả câu chữ lẫn tinh thần của Mười Điều Răn. Cho nên lối lập luận "cấm làm chứng dối không có nghĩa là cấm dối trá như nói dối, viết sai sự thật, nói sai sự thật" thì chỉ có người không hiểu đạo Thiên Chúa mới thốt lên được.
Ý thức được lời của Thánh Phêrô: "Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em (1Peter 3:15)", nhưng cũng dè dặt với Châm Ngôn 11:9 ("Quân vô đạo dùng miệng lưỡi làm hại tha nhân,..."), e rằng chính tôi lại lần nữa vấp phải điều tôi chỉ trích. May thay, đây có liều thuốc giải cho CN11:19: "Nhưng phải trả lời cách hiền hoà và với sự kính trọng" (1Peter 3:16). Nếu ta chỉ trích trong tinh thần kính trọng thì đó là điều tốt. Với hành trang này, tôi lao mình vào cơn lửa khinh miệt của bác Đông A Trần Minh Tiến.
Trích đoạn từ bài viết nói trên:
Tôi cảm thấy dường như dối trá là một song hành với Công giáo và điểm này thật ra cũng không phải là khó hiểu bởi vì trong mười điều răn của Chúa không có điều răn nào cấm dối trá....10 điều răn của Chúa trong Kinh Thánh...Chỉ có cấm làm chứng dối trá chứ không cấm dối trá như nói dối, viết sai sự thật, nói sai sự thật.
...
Thiên Chúa giáo là tôn giáo độc thần, ở đó không có sự bình đẳng giữa Chúa và con người, và vì vậy không thể cấm nói dối.
...các chính khách Mỹ nói dối thoải mái và không có một tí mặc cảm tội lỗi nào về chuyện nói dối của mình ... vì họ là tín đồ Thiên Chúa giáo.
Tóm tắc các luận điểm chính để tiện xem xét tính trung thực của từng điểm:
Mọi giới luật của đạo Công Giáo phát xuất từ Mười Điều Răn.
Mười điều răn của Chúa không có điều răn nào cấm nói dối.
Từ đó suy ra, đạo Công Giáo không hề cấm nói dối.
Điểm 1 chưa chính xác lắm, bởi hãy còn Điều Răn Thứ Mười Một: "Hãy yêu thương [mọi người] cũng như Thầy đã thương yêu các con." Thật ra, hàm ý "hãy thương người" đã có sẵn trong các Điều Răn 5 đến 10 rồi. Nhưng con người vẫn cứng lòng, nên Thiên Chúa đã phải xuống phàm trần để làm gương cho nhân loại. Đủ bản lãnh để soi được tấm gương ấy hay không chắc có lẽ là đánh dấu sự khác biệt giữa tiên thánh và người phàm, mặc dù mục đích của Chúa ngay từ đầu là ngõ hầu cho mọi người trở nên thánh.
Vậy, còn lại luận điểm 2, thử xét xem việc cấm nói dối có bắt nguồn từ Mười Điều Răn hay là hàng giáo sĩ (và giáo hoàng) đã vô cớ tự ý đặt ra. Trong TLTH,2-2, Q110,A4 "phải chăng mọi sự dối gian đều là trọng tội?"), Thánh Thomas Aquinas viết:
Dối trá là đi ngược với lời dạy này trong Mười Điều Răn: "Ngươi chớ làm chứng dối".
(lying is against this precept of the decalogue: "Thou shalt not bear false witness.")
Trong De mendacio (Về Sự Dối Gian, ~395AD), Thánh Augustinô có đoạn viết:
...Nhưng, kẻo ai đó sẽ lý luận rằng không phải mọi lời dối đều nhất thiết là thể hiện của việc làm chứng dối, hắn sẽ trả lời sao đối với câu "ăn gian nói dối giết hại linh hồn (Khôn Ngoan 1:11)": và kẻo ai đó lại cho rằng có điều ngoại lệ, hãy để hắn đọc thêm, "Ngài diệt trừ bọn điêu ngoa (Thánh Vịnh 5:7)". Do đâu mà chính Chúa đã từng nói "Nhưng hễ 'có' thì phải nói 'có', 'không' thì phải nói 'không'. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ (Matthew 5:37)". Do vậy, Thánh Phaolô Tông Đồ, cũng để giáo huấn cho việc lảng tránh lão tà--tên gọi của mọi sự tội lỗi--đã nói ngay, "Bởi thế, một khi đã cởi bỏ sự gian dối, mỗi người trong anh em hãy nói lên sự thật. (Ephesians 4:25)"
(...But lest any should contend that not every lie is to be called false witness, what will he say to that which is written, "The mouth that lies slays the soul:" and lest any should suppose that this may be understood with the exception of some liars, let him read in another place, "You will destroy all that speak leasing." Whence with His own lips the Lord says, "Let your communication be yea, yea; nay, nay; for whatsoever is more than these comes of evil." Hence the Apostle also in giving precept for the putting off of the old man, under which name all sins are understood, says straightway, "Wherefore putting away lying, speak ye truth.")
Cần nhấn mạnh thêm, "chớ làm chứng dối" cấm dối gian ở mọi hình thức, không chỉ riêng ở việc nói dối.
Và sau cùng, động cơ chính của bài viết này là để cho tôi tự xét mình, kẻo người đời lại nghĩ là tôi tự cho rằng mình chưa hề gian dối. Xin nêu lên một ví dụ nho nhỏ đã xãy ra cách đây không lâu:
Tôi yêu cầu anh bạn đồng nghiệp (tạm gọi là A) báo cáo công việc.
A trả lời: Tôi tưởng tôi đã bàn với anh rồi kia mà
Tôi: Nếu tôi không nhớ tức là anh chưa bàn
A: Nếu anh không nhớ thì anh nên sửa lỗi cái bộ não của anh đi!
Tôi: Xin lỗi, bởi câu vừa rồi tôi hơi nhân nhượng. Ý tôi muốn nói là: Anh nói dối! Anh đã chưa hề bàn việc ấy với tôi.
...
Ouch!!!
Buộc cho người khác tội nói dối thì chính mình cũng phạm tội "chớ làm chứng dối". Tôi đã nói lời xin lỗi hai hôm sau, khi anh ta chịu trở lại làm việc.
Chiều hôm qua tôi đi dự lễ Giáng Sinh 17h00, đến khoảng 18h30 thì xong. Vào xưng tội được cha Tập bảo là mình "rối đạo".
Về vừa đến nhà thì phụ thân tôi đến, mang theo một cây bánh Giáng Sinh và một thùng KFC. Tôi mở chai rượu đỏ uống còn phân nửa. Hai cha con vào tiệc, đến gần 20h00 thì mẫu thân tôi đi làm về, cùng nhập tiệc, tới 22h00 thì tan.
Buổi tiệc đạm bạc, không kèn nhạc, nhưng thật nhiều ý nghĩa. Trời đang rơi tuyết, tuổi già mệt mỏi, nhưng ông vẫn lặn lội xuống thăm tôi. Thay vì đi dự mừng sinh nhật Chúa, thì ông xuống mừng sinh nhật tôi. Trục trặc éo le hay là thánh ý Chúa đã khiến ông mua không được bánh sinh nhật (tiệm đã hết bánh sinh nhật) mà lại chọn được bánh giáng sinh? Tôi thật sự là kẻ diễm phúc. Tôi cần cầu nguyện nhiều cho cha tôi hơn là cầu cho tôi, mặc dầu bản thân tôi cũng tội lỗi đầy đầu.
Nhắc đến diễm phúc, gợi nhớ hôm 25 tháng 11 vừa rồi, tình cờ "xem" lễ trưa trên đài truyền hình (trực tuyến) Salt+Light, nghe được bài cầu nguyện này ở cuối lễ:
Lời nguyện của một người lính.
Tôi xin Chúa ban cho tôi sức mạnh, để tôi làm được việc,
và Chúa đã làm cho tôi yếu hơn, để dạy tôi biết khiêm nhường vâng phục ...
Tôi xin sức khỏe, để tôi làm được nhiều việc to tát hơn,
và Chúa đã cho tôi bệnh tật, để tôi có thể làm được những việc tốt hơn ...
Tôi xin sự giàu có, để làm tôi hạnh phúc hơn,
và được ban cho sự nghèo nàn, để cho tôi khôn hơn ...
Tôi xin quyền lực, để được người đời ca tụng,
và được ban sự yếu nhược, để tôi cảm nhận được rằng tôi cần Chúa ...
Tôi xin cho được mọi thứ, để tôi hưởng thụ cuộc đời,
và Chúa ban cho tôi cuộc đời, để tôi hưởng thụ được mọi thứ ...
Tôi chẳng hề được ban cho những gì tôi cầu xin,
nhưng đã được mọi điều tôi hằng hy vọng.
Hầu như ngược với ý tôi, những lời cầu phát xuất từ đáy lòng tôi đã được đáp lại.
Tôi là một trong mọi kẻ giàu sự diễm phúc.
I asked God for strength, that I might achieve,
I was made weak, that I might learn humbly to obey....
I asked for health, that I might do greater things,
I was given infirmity, that I might do better things....
I asked for riches, that I might be happy,
I was given poverty, that I might be wise....
I asked for power, that I might have the praise of men,
I was given weakness, that I might feel the need of God....
I asked for all things, that I might enjoy life,
I was given life, that I might enjoy all things....
I got nothing that I asked for -
but everything that I had hoped for,
Almost despite myself, my unspoken prayers were answered.
I am among all men most richly blessed.
Ngẫu nhiên sao, mấy ngày nay tôi được "giới thiệu" đến với nhiều nan đề của đạo tôi. Hôm Thứ Năm, đọc được tin về bé Gabriel, rồi nghe tin hội bảo vệ súc vật Toronto Human Society bị buộc tội tàn nhẫn với súc vật vì họ cứ để chúng sống trong cảnh tồi tệ, không chịu "trợ tử" (euthanize) cho chúng. Sáng Thứ Sáu đọc được, TNS Patrick Kennedy bị vị giám mục giáo phận của ông "cấm" không cho rước lễ, vì ông ta ủng hộ phá thai. Gợi lên hai vấn đề gây nhiều tranh luận trong đạo công giáo: phá thai (abortion), và trợ tử (euthanasia), và gợi lên những câu hỏi cho chính bản thân tôi ....
Câu hỏi 1: Nếu gặp tha nhân đang khổ đau cùng cực, dù họ có van nài mình hay không, tôi có nên giúp họ kết liễu cuộc đời không?
Trả lời, với cảm giác bất lực cùng cực: Khổ thân tôi, tôi không có quyền làm việc đó, tha nhân ạ.
Câu hỏi 2: Nếu không tuân theo mọi điều mà Giáo Hội Công Giáo dạy, tôi có còn là người công giáo không?
Đáp: thưa, có, nhưng là một người công giáo đang mang tội. Bởi một khi đã được rửa tội vào đạo, không ai có thể tước bỏ bí tích ấy ra khỏi thân tôi.
Câu hỏi 3: Nếu biết mình đang mang tội, tại sao không hối cãi và không tái phạm nữa?
Đáp: [lặng người]. Có lẽ cái cảm giác mình mãi là kẻ mang tội, mãi là kẻ đói khát, sẽ giúp tôi bớt kiêu ngạo trong đời.
Câu hỏi 4: Vậy, tội tôi là gì mà ghê gớm thế?
Thưa: đó là tội lười dự Thánh Lễ Chúa Nhật.
2181 Thánh lễ Chúa Nhật đặt nền tảng và xác định toàn bộ cuộc sống người tín hữu. Do đó, mọi tín hữu phải tham dự thánh lễ vào ngày lễ buộc, trừ khi có một lý do quan trọng (như bệnh hoạn, chăm sóc trẻ sơ sinh) hay được cha sở miễn chuẩn (x. CIC,1245). Ai cố tình vi phạm sẽ mắc tội trọng.
Hèn gì gần đây tôi có cảm giác linh hồn tôi đang chết dần, chết mòn.
Câu hỏi sau chót: Nếu vì thương tha nhân mà tôi chịu mất linh hồn, thì tôi có được linh hồn mình lại hay không?
Câu này tôi không có thẩm quyền để trả lời. Nhưng tôi đoán chắc là: không.
Nhờ bác David gợi ý hôm nọ, mấy hôm nay tôi tìm hiểu thêm về phong trào Công Giáo Canh Tân Đặc Sủng (Catholic Charismatic Renewal movement). Theo bài viết trên Wikipedia, phong trào này bắt nguồn từ thập niên 1960 bởi giáo phái Ngũ Tuần (Pentecostals), gọi là Charismatic Renewal (Canh Tân Đặc Sủng, hoặc Canh Tân Thần Ân), và, từ 1967 trở đi, được cộng đồng Công Giáo hưởng ứng. Các chương trình cho phong trào này được gọi là các buổi "Cầu Nguyện Thánh Linh" hoặc "Khóa Thánh Linh" (xem bài viết này trên mạng thanhlinh.net: CHÚNG TÔI DỰ KHÓA THÁNH LINH TẠI NEW ORLEANS). Cộng đồng công giáo ở Austin - Texas cũng có nguyên một web site cho phòng trào này (sao Toronto không có, ta?).
Nói chung, đây là một phong trào lành mạnh, nhằm cho tâm linh và ý chí của con người được hướng về Chúa.
Tuy nhiên, người tu hành có câu nói: "đạo cao 1 thước, ma cao 1 trượng". Tại Toronto, vào năm 1994, đã xãy ra hiện tượng quái đản mà sau này được phổ biến với cái tên Toronto Blessing (Phép lành Toronto), do nhóm nhà thờ (Tin Lành?) tên Toronto Airport Christian Fellowship (TACF) khởi xướng:
Trong bài giới thiệu phong trào Canh Tân Đặc Sủng trên blog Xuân Bích của Đại Chủng Viện Huế, thấy có đề cập tới hiện tượng Toronto Blessing và gọi đó là "làn sóng thứ ba" của phong trào Canh Tân Đặc Sủng. Cần nhấn mạnh, những người khởi xướng "Toronto Blessing" không phải là tín đồ công giáo, nhưng xem chừng, hiện tượng này đã tạo dư luận lớn lúc bấy giờ, đến nỗi cộng đồng Công Giáo cũng phải lên tiếng. Bác Colin Donovan, phó giám đốc của đài truyền hình EWTN, có bài viết rất hay, đã góp phần cho sự nhận định của tôi về vụ này. Tôi đặc biệt để ý đến câu này: "Thánh Gioan tông đồ đã khuyến khích chúng ta nên thử thách những 'thần linh' này (1 John 4)". Thoáng nghe, tưởng chừng như câu này gây mâu thuẫn với câu: "Anh em đừng thử thách ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, như anh em đã thử thách ở Massah" (Đệ Nhị Luật 6:16). Nhưng, với Thiên Chúa không thể có sự mâu thuẫn. Do vậy, tôi buộc phải hiểu rằng: 1 John 4 khuyên đừng vội tin một cách mù quáng mà dễ bị Satan đánh lừa; và ĐNL 6 khuyên rằng khi đã đủ chứng cớ để tin, thì đừng cố chấp, cứng lòng.
Nếu ngày nào đó tôi đi dự các buổi "cầu nguyện thánh linh" do cộng đồng công giáo tổ chức, tôi sẽ đi với mục đích gì khác chứ không phải đi để tìm "dấu lạ". Mục đích gì thì chưa biết. Tôi hay chú ý tới những tác động của Chúa Thánh Thần trong tôi. Chưa thấy có sự thúc giục mạnh mẽ nào lôi cuốn tôi tới phong trào này--có thể câu hỏi đặt vấn đề của bác David là một sự khởi đầu. Hiện thời, tôi có linh cảm với sự tác động này mạnh hơn: hãy đi gặp cha xứ mà xưng tội cho mau!
Ý thức với câu nhắn "đừng để quá muộn", nên chiều Chúa Nhật hôm qua tôi lên thăm phụ thân tôi (sáu tháng rồi tôi không tới thăm ông, tuy rằng ông vẫn xuống chỗ tôi thường), không để bàn luận gì to tát, chỉ là có mặt trong câu nói ngầm, "con vẫn còn đây, nếu Ba thấy vẫn còn dùng được đến con", không biết ông có hiểu tôi không. Tôi thấy Ba tôi sống có vẻ khá yên ổn, không có vẻ bị lụy phiền, nên tôi có chút mừng.
Mấy hôm trước đó tôi email hỏi ông câu hỏi ngắn gọn, vì thấy mấy năm gần đây, lối suy luận của ông hơi "lạ". Trong thư, tôi viết vỏn vẹn:
Mấy năm gần đây con suy ngẫm nhiều về lĩnh vực tâm linh. Con muốn hỏi Ba câu này: Ba có còn tin vào Chúa không? Hay là vì thằng con bất hiếu này đã khiến Ba mất lòng tin?
Ngay sáng sớm hôm sau, thấy ông hồi âm:
Ba chủ trương thiên về khoa học thực nghiệm ...Quan niệm này có thể gần giống với " Duy vật biện chứng " của thuyết CS ...Gần giống thôi chứ không là như 1, vì thực tế mọi chủ thuyết về CS đã lỗi thời ... Mọi sự vật cần phải được chứng minh cụ thể ...Những tín điều,những mặc khải của Tôn giáo chỉ là những điều được đặt ra,ghi lại gần như buộc người tín hữu phải tin là như vậy không cần suy luận, không cần đòi hỏi chứng minh cụ thể ...Với người quan niệm thiên về " Khoa học thực nghiệm " khó có tính thuyết phục ...vì đúng là những điều mơ hồ, không dễ tin ... Cho nên với tôn giáo & tín ngưỡng, ba thực tình không mấy sốt sắn,chỉ là do tập quán tiếp nối trong đời sống từ Ông Bà.
Ngành con học và làm việc cùng không xa mấy với "Khoa học thực nghiệm" nên việc nghiên cứu về các v/đ tâm linh, Ba nghĩ cũng chỉ như một trò giải trí mà thôi! Không cần phải "lặn hụp " trong cái "không gian hư hảo " đó nhiều thêm mệt óc ...
Tôi bèn hồi âm vội:
Đúng là ngành khoa học máy tính của con thật là một nhánh khoa học thực nghiệm (experimental science).
Nhưng, nếu ta chỉ dựa vào những gì nhất thời có thể chứng minh được, thì là tự giới hạn mình quá, và những gì không chứng minh được, con nỗ lực thí nghiệm để chứng minh, vì con "tin" ở một mức điểm nào đó, là con có thể làm được. Và từ đó nảy sanh ra những thứ tạm gọi là "phát minh".
Trong vũ trụ có vô số những điều mà khoa học chưa chứng minh được, nhưng điều đó không có nghĩa là nó không tồn tại. Từ thời tạo thiên lập địa, vũ trụ đã có "điện". Nhưng người ta không biết nó là "điện" cho tới khi Benjamin Franklin khám phá ra nó hồi năm 1752 .
Nhà toán học Kurt Gödel, chỉ mới năm 1931 đây thôi, cho công bố Định Lý Bất Toàn, trong đó ông chứng minh rằng: vốn có những câu luận ngữ mà chúng ta không thể chứng minh được là nó đúng hay sai.
Khoa học ước lượng vũ trụ ta có đường kính khoảng 166 tỉ Năm Ánh Sáng (tNAS, nguồn: http://en.wikipedia.org/wiki/Universe), trong số đó có khoảng 93tNAS được liệt kê là "có thể quan sát được". Mà Thiên Chúa/Thượng Đế/Ông Trời là đấng tác tạo ra vũ trụ. Trí tuệ hạn hẹp của loài người không thể "chứng minh" được Ông Trời, vì vậy, cần có sự "mặc khải". Biết qua "mặc khải" thì cũng là một cách để "biết".
Thường thì đức tin dìu dắt cho suy luận, chứ không phải là có tin rồi nên không cần suy luận, không cần tìm hiểu. Nhưng nếu đặt niềm tin đúng chỗ, thì chỉ cần răm rắp làm theo, không cần suy nghĩ cho mệt óc, thì cũng có thể đạt được mục đích. Lấy ví dụ của chiếc xe hơi. Mấy ai, trong số người tầm thường như con đây, hiểu được những cơ cấu máy móc trong hầm máy của chiếc xe hơi. Nhưng họ vẫn tin rằng hễ gài số vào nất "D (Drive)" thì là chiếc xe chạy tới, và gài vào chữ "R" là xe thụt lùi.
Niềm tin còn dẫn dắt cho hành động. Khi người ta có con, họ đặt niềm tin vào đứa con đó sau này sẽ là người tốt, giúp ích cho gia đình, cho xã hội, và họ cưng chìu nó với kỳ vọng đó. Trái lại, nếu họ tin rằng đứa con mình sau này sẽ trở thành một tên đại ác nhân, thi có lẽ họ sẽ cư xữ khác đối với đứa con đó.
Tín lý Công Giáo dạy rằng: Ông Trời tạo ra con người theo giống hình của Ngài. Tức là có Thần (giống Chúa Thánh Thần), xác (giống Chúa Giêsu, hiện thân của Đức Chúa Cha) và hồn (thuộc về Đức Chúa Cha). Khoa học thực nghiệm chỉ có thể đáp ứng phần "xác" (sinh vật học) và phần "thần" (tinh thần, tâm lý/tâm thần học). Nếu chỉ chú tâm duy nhất vào khoa học, thì trong hiện tại khoa học chưa chứng minh được, ta lấy gì làm "thức ăn" cho phần hồn?
Không thấy ông hồi âm. Tôi biết chắc chắn là không phải tôi đã thuyết phục cha tôi trở lại với Chúa, bởi, thứ nhất, "tôi thuyết phục được cha tôi" là điều không thể xãy ra, và thứ hai, rõ ràng những lập luận của tôi chưa đủ chính xác. Xác suất cao hơn là: Ba tôi đã đi đến kết luận rằng không thể lý luận với thằng con "mù quáng" như tôi.
Theo tôi biết, trong dòng họ tôi, chỉ có tôi và phụ thân tôi là theo đạo công giáo, do duyên cớ hồi năm 1986 được sống ở 2 trại tị nạn do các linh mục truyền giáo công giáo chưởng quản. Nay có khả năng cho thấy tôi là "loài vật có nguy cơ tuyệt chủng".
Chắc tôi cần phải tìm hiểu thêm cái gọi là "duy vật biện chứng".
Tưởng cũng nên nói, kẻo người đời lại nghĩ tốt cho tôi một cách lầm lẫn, bản thân tôi cũng chẳng phải là "đứa con ngoan đạo" gì--dạo này tôi rất ư là lười đi dự Lễ Chúa Nhật. Giữa hai cái "hiểu mà không làm" và "không hiểu nên không làm" thì chắc là "tri pháp phạm pháp, tội càng nặng." Thiết nghĩ, cũng chẳng mấy an ủi gì, nếu tôi nói tuy không đi dự lễ, nhưng tâm hồn tôi luôn hướng về Chúa. Được hiệp nhất với Hội Thánh Thông Công và nhận lãnh Bí tích Thánh Thể, đối với tôi đang là một sự khao khát mà tôi chưa có ân huệ được hưởng trọn vẹn. Chắc là chưa đến thời, đến lúc.
Năm nay, lần đầu tiên đứa cháu đích tôn đít vại này chứng tỏ rằng hắn xứng đáng bị truất phế: hắn đã quên ngày giỗ Bà Nội hắn (1/5 AL). Bây giờ đi đọc kinh cầu nguyện cho bà đây.
Hôm nay, người Kitô giáo long trọng mừng Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết.
Tôi nhân dịp này, dọn dẹp nhà cửa, lau chùi tủ thờ, chụp tấm ảnh này để lưu niệm:
Bức tranh này hồi năm nào tôi đã lượm được ngoài ven đường, hồi còn ở nhà phụ thân tôi. Ai đó đã vứt ra bãi rác bên lề đường.
Lm. George Henry Cloutier, OFM, người cha tinh thần của tôi trong những tháng tạm cư ở Nhật Bản.
Miếng vải tang đen, Ngũ Cô tôi may cho, tôi đã đeo để tang cho Bà Nội tôi khi Bà qua đời hồi năm '98.
Hình Ông Nội tôi, do Cửu Thúc tôi minh họa.
Thật ra tôi chưa dọn mình đón Chúa Phục Sinh cho xứng đáng. Sáng Thứ Sáu xem lại bài Via Dolorosa làm một lần nữa rơi lệ. Trưa đến, định đi xưng tội, nhưng vào nhà thờ, thấy thiên hạ sắp hàng dài triền miên, tôi đứng sắp hàng được nửa tiếng thì bỏ cuộc, về chạy lên nhà nhị đệ tôi, sinh họat hai ngài lễ với gia đình nó. Tụi nó "tổ chức" ăn...thịt nướng (độc địa!), nhằm lúc tôi đang kiêng thịt, nên đành nhịn thèm. Tội cho thằng em, phải chạy tìm mua mấy con cá về để nướng cho tôi ăn. Tối đến, lên Yahoo Messenger, gọi về mẫu thân tôi dưới Cần Thơ, cho bà nghe đám con cháu bên đây la hét kara-ôkê.
Hôm nay (Chúa Nhật) đi xem lễ 4 giờ chiều xong, chạy lên viếng phụ thân tôi và để đưa thư, tiện dịp được ăn ké một chầu thịt nướng (bít-tết, sườn non và đùi gà) thật hả hê.
Recent Comments