Mấy hôm nay quá đổi bận rộn, muốn bệnh (cảm cúm, nhứt đầu) mà không có thời gian để bệnh.
Nghe Mẹ tôi báo, trưa/chiều nay nhị đệ sẽ xuống nhà tôi, kế hoạch là năm nay sẽ đón giao thừa (Tết Tây) và tiện thể làm tiệc mừng sinh nhật cho mẫu thân tôi ở nhà tôi.
Chiều hôm qua tôi đi dự lễ Giáng Sinh 17h00, đến khoảng 18h30 thì xong. Vào xưng tội được cha Tập bảo là mình "rối đạo".
Về vừa đến nhà thì phụ thân tôi đến, mang theo một cây bánh Giáng Sinh và một thùng KFC. Tôi mở chai rượu đỏ uống còn phân nửa. Hai cha con vào tiệc, đến gần 20h00 thì mẫu thân tôi đi làm về, cùng nhập tiệc, tới 22h00 thì tan.
Buổi tiệc đạm bạc, không kèn nhạc, nhưng thật nhiều ý nghĩa. Trời đang rơi tuyết, tuổi già mệt mỏi, nhưng ông vẫn lặn lội xuống thăm tôi. Thay vì đi dự mừng sinh nhật Chúa, thì ông xuống mừng sinh nhật tôi. Trục trặc éo le hay là thánh ý Chúa đã khiến ông mua không được bánh sinh nhật (tiệm đã hết bánh sinh nhật) mà lại chọn được bánh giáng sinh? Tôi thật sự là kẻ diễm phúc. Tôi cần cầu nguyện nhiều cho cha tôi hơn là cầu cho tôi, mặc dầu bản thân tôi cũng tội lỗi đầy đầu.
Nhắc đến diễm phúc, gợi nhớ hôm 25 tháng 11 vừa rồi, tình cờ "xem" lễ trưa trên đài truyền hình (trực tuyến) Salt+Light, nghe được bài cầu nguyện này ở cuối lễ:
Lời nguyện của một người lính.
Tôi xin Chúa ban cho tôi sức mạnh, để tôi làm được việc,
và Chúa đã làm cho tôi yếu hơn, để dạy tôi biết khiêm nhường vâng phục ...
Tôi xin sức khỏe, để tôi làm được nhiều việc to tát hơn,
và Chúa đã cho tôi bệnh tật, để tôi có thể làm được những việc tốt hơn ...
Tôi xin sự giàu có, để làm tôi hạnh phúc hơn,
và được ban cho sự nghèo nàn, để cho tôi khôn hơn ...
Tôi xin quyền lực, để được người đời ca tụng,
và được ban sự yếu nhược, để tôi cảm nhận được rằng tôi cần Chúa ...
Tôi xin cho được mọi thứ, để tôi hưởng thụ cuộc đời,
và Chúa ban cho tôi cuộc đời, để tôi hưởng thụ được mọi thứ ...
Tôi chẳng hề được ban cho những gì tôi cầu xin,
nhưng đã được mọi điều tôi hằng hy vọng.
Hầu như ngược với ý tôi, những lời cầu phát xuất từ đáy lòng tôi đã được đáp lại.
Tôi là một trong mọi kẻ giàu sự diễm phúc.
I asked God for strength, that I might achieve,
I was made weak, that I might learn humbly to obey....
I asked for health, that I might do greater things,
I was given infirmity, that I might do better things....
I asked for riches, that I might be happy,
I was given poverty, that I might be wise....
I asked for power, that I might have the praise of men,
I was given weakness, that I might feel the need of God....
I asked for all things, that I might enjoy life,
I was given life, that I might enjoy all things....
I got nothing that I asked for -
but everything that I had hoped for,
Almost despite myself, my unspoken prayers were answered.
I am among all men most richly blessed.
Cuối tuần vừa rồi mọi người (phụ mẫu thân, nhị đệ, tam đệ muội) tụ lại tại nhà tôi để ăn mừng No-el sớm, bởi 24-25 nhị đệ nó không xuống nhà tôi được, còn tôi không chắc sẽ lên nhà nó được. Nhị đệ tôi nó xuống hôm tối Thứ Bảy và ở chơi tới sáng nay mới về.
Tụi nó có đem xuống bộ phim Đại Hồng Thủy 2012 nên tối Thứ Bảy hai anh em cùng hai đứa cháu (cu J, và cu B cháu vợ của nhị đệ cũng tháp tùng đi chơi) thức khuya để xem. Trước đây tôi đã có đọc vài bình luận về bộ phim này--mấy bác công giáo cho là phim này bài đạo Công Giáo--nên tôi cố tình để ý xem "bài" ở chỗ nào. Nhận xét: Cốt truyện không hay, nhưng phim hay. Nếu muốn nói là "bài" thì cũng có phảng phất. Về cốt truyện, chẳng có gì mới mẻ. Mượn giả thuyết 2012 của nền văn minh Maya để làm tựa, nhưng không đi sâu vào thuyết tận thế Maya (hành tinh X, Nibiru, v.v...), mà lại mượn rất nhiều chi tiết từ truyền thuyết Đại Hồng Thủy thời ông Noah trong Thánh Kinh Cựu Ước của đạo Thiên Chúa: 1) các chiếc tàu được gọi là "arks", 2) con trai của ông Jackson có tên Noah. Không thấy họ đem theo súc vật gì cả cho nên sau trận này, chắc tất cả đều bị tận diệt ngoại trừ loài người. Một trong nhiều điểm phi lý trong phim: trái đất sắp bị tận diệt, nhưng loài người không ai được thông báo trước, ngoại trừ một số ít được tuyển chọn; đối chiếu với câu chuyện thời Noah, khi ông loan báo về thảm họa sắp xảy ra thì mọi người cho rằng ông điên rồ.
Vợ chồng Tam đệ chở bé T xuống chơi tối Chúa Nhật. Bé T tặng Bác Hai món qua vô cùng quí giá: lần đầu tiên chủ tâm cho Bác Hai được ẵm bồng.
Năm nay, mẫu thân tôi vui vẻ nên tôi tạm yên lòng. Tôi e ngại cho phụ thân tôi, vì dạo này thấy ông có vẻ mệt mỏi, mà bản thân mình vẫn chưa chăm sóc được cho ông. Tối qua, trước khi ông ra về, Mẹ tôi "sai" ông đi châm xăng cho xe bà. Tôi biết bà dụng ý muốn được ông chăm sóc, nhưng thấy ông uể oải, tôi bèn nói: Thôi Mẹ để con đi được rồi, Ông Nội [tụi nhỏ] già cả rồi, để ông nghỉ. Nhị đệ tôi chua vào: Ông Nội bị Bác Hai chê già rồi!
Chút cảm tưởng, từ một người đứng ngoài lề cộng đồng, nhân dịp xem đoạn video phóng sự trên của TV Thời Báo.
Tôi thấy con em người Việt chúng ta được sinh ra và lớn lên tại Canada (Toronto) rất tha thiết với truyền thống Việt Nam, nhưng lại không biết nói tiếng Việt cho dù hiện tại thành phố Toronto có khá nhiều trường Việt ngữ so với khoảng thời gian mà tôi mới đến đây hơn 20 năm về trước. Tôi thấy hiện tượng trẻ em không biết nói tiếng Việt đây không phải trường hợp dị biệt nhưng là chuyện thường gặp--mấy đứa cháu tôi (đứa lớn nay đã 8 tuổi) cũng không biết nói tiếng Việt, ngoài mấy chữ "Ông Nội", "Bà Nội", "Bác Hai". Điều đó cho thấy, việc duy trì ngôn ngữ của cha ông cho thế hệ sau là một việc làm hết sức khó khăn cho người Việt tha hương.
Đọc bài viết "Thấy người sang…" trên blog Hiệu Minh hôm nọ, nhận thấy rằng đây không phải là khó khăn của cộng đồng người Việt tại Toronto (Canada) thôi, mà còn ở Hoa Kỳ (chí ít, ở New York nơi tác giả đang cư ngụ), thậm chí đối với những người Việt sang đây sau này (tức là không thuộc vào thế hệ tị nạn Cộng Sản). Điều này cho thấy cộng đồng người Việt nói chung, trong nhu cầu đời sống, không coi trọng việc truyền thụ ngôn ngữ cha ông cho lắm, nhưng rồi lại quay ra ta thán rằng tại sao con cháu ta lơ là với cội nguồn.
Thay vì tổ chức các lớp học thêm ngoài giờ học thường, thì, tôi nghĩ, phối hợp chúng vào giáo trình ngoại ngữ của bộ giáo dục thành phố có lẽ sẽ có hiệu quả hơn. Hai mươi năm về trước, khi tôi học Trung Học, Bộ Giáo Dục Toronto (Toronto Board of Education) đã có giáo trình học Hoa ngữ (Chinese language) có tính điểm (tức là, được tính như một tín chỉ ngoại ngữ trong điều kiện tốt nghiệp trung học). Không thấy có giáo trình tương tự nào cho Việt ngữ. Điều này dễ hiểu vì cộng đồng người Việt lúc bấy giờ hãy còn non. Hiện nay, tìm nhanh trên mạng của TDSB cho thấy có 27 trường dạy Việt ngữ ở cấp bậc tiểu học. Bộ Giáo Dục Công Giáo có 3 trường: James Culnan, Jane Frances, và Barbara. Bậc trung học tại các trường công lập (public secondary schools) thì nghe nói mấy năm trước có lớp tín chỉ Việt ngữ vào buổi tối, nhưng năm nay thì không có, có lẽ do thiếu giảng viên. Giải pháp? Nhập chất xám sang từ Việt Nam (nếu cộng đồng VN ở đây không quá tự hào về mình).
Gợi ý: Quí vị nào bên VN có nhả ý sang Canada hành nghề giáo viên Việt ngữ thì có lẽ bây giờ hãy còn là thời cơ tốt.
Trưa nay điện đàm với ông sếp tôi bên Mỹ, được nghe ông kể về phiên họp dự kiến triễn khai với một công ty bạn hồi sáng. Họ nhờ chúng tôi xây dựng một "món đồ chơi" mới, tạm gọi là X. Giám Đốc (GĐ) Bán Hàng (VP of Sales) "cãi lộn" với Kỹ Sư (KS) Trưởng Công Nghệ cho sản phẩm Y.
GĐ nói: Tôi muốn làm sao có thể bán kèm X với mọi hợp đồng cho Y. (Dịch: tôi muốn Y phải hết sức "khiêu gợi")
KS nói: Nhưng tôi chỉ muốn X giúp khách hàng có cái nhìn tốt hơn về Y. (Dịch: Nhưng Y chỉ là tạm thời, không nên tốn nhiều công sức cho nó quá.)
Không biết hai người đã cãi nhau trong bao lâu, nhưng nghe sếp tôi kể đến đây, tôi buộc miệng: Nhưng mà hai người họ đều nói cùng một ý: X sẽ giúp Y tìm thêm nhiều khách hàng.
Cắm đầu, cắm cổ mà cãi, không để ý rằng, với cách diễn đạt riêng của họ, đối phương đang đồng ý với mình. Lỗi lầm này tôi cũng thường vấp phải. Nhớ lại lời Thầy Sáu đã có lần giảng dạy: "Mau nghe, chậm nói, chậm giận ..."
Hôm trước đọc lời bình của một vị quí khách cho một bài viết của tôi hồi năm ngoái, khiến tôi nghĩ đến câu hỏi này: Tại sao trên thế gian có nhiều tôn giáo thế? Đường đến chánh đạo có nhiều lối đi vậy sao?
Đọc tác phẩm Living Buddha, Living Christ của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, tôi được biết rằng theo quan niệm của Phật giáo, có đến 84,000 cửa giác ngộ (dharma doors). Ngài nói thêm:
"Nếu bạn may mắn tìm được một cửa, một Phật tử không thể nói rằng cửa của mình là cái cửa duy nhất dẫn đến sự giác ngộ." (tr.39)
Thiên Chúa giáo thì khác. Bởi quan niệm về tội tổ tông, nên đạo Thiên Chúa (bao gồm Công Giáo La Mã và nhiều hệ phái Kitô giáo khác) cho rằng chỉ có đạo của Chúa Giêsu là đạo duy nhất để đưa đến "chánh quả". Dĩ nhiên quan niệm này, cho dù nếu là đúng, có chút tai hại. Người cho mình là chánh đạo sẽ tìm cách tiêu diệt những cái mà họ cho là tà đạo.
Trong chương "Đối Thoại Thật (Real Communication)", Thầy Hạnh viết:
"Nếu chúng ta quan niệm rằng mình nắm giữ độc quyền về chân lý, mà ta vẫn tổ chức cuộc đối thoại, thì đó là điều không trung thực. Chúng ta phải tin rằng đối thoại sẽ giúp ta thay đổi bản thân, và hiểu sâu, trông rộng hơn" (tr.9) (nguyên văn: "If we think we monopolize the truth and we still organize a dialogue, it is not authentic. We have to believe that by engaging in dialogue with the other person, we have the possibility of making a change within ourselves")
Đoạn trên làm tôi hơi thất vọng. Dường như Thầy Hạnh vẫn chưa hiểu đạo Thiên Chúa lắm. Đồng ý là đối thoại giúp ta thay đổi bản thân, nhưng một trong những sự thay đổi đó là sự thông cảm. Dù cho chúng ta "quan niệm rằng mình nắm độc quyền chân lý", đối thoại vẫn có ích vì nó giúp ta thông cảm (và chịu đựng) được đối phương. Chúa Giêsu đã nói "hãy thương yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. (Matthew 5:44)". Từ đó, tôi nghĩ, tà được cho phép tồn tại là để thử lòng người chánh đạo.
Người có ý khiêu khích, đặt câu hỏi: Phải chăng theo quan niệm đạo Thiên Chúa của anh, anh tin rằng Phật Thích Ca hiện giờ đang ở dưới hỏa ngục? Dĩ nhiên câu trả lời là: không. Quả thật là đạo Thiên Chúa quan niệm rằng nếu anh không tin (ở đây tôi dùng từ "tin" với ý nghĩa "tin + làm") theo Chúa Giêsu (Ông Trời Con), thì anh sẽ vào hỏa ngục, nhưng giáo lý Công Giáo cố tình không nói rằng dưới hỏa ngục hoặc luyện ngục hiện đang có những ai, bởi chúng tôi quan niệm rằng lòng khoan dung của Thiên Chúa vô bờ bến, con người không hiểu hết được.
Dĩ nhiên, trong cái nhìn hạn hẹp của con người, "tà" và "chánh" chỉ là quan niệm tương đối--người ta có thể lầm "chánh" thành "tà", và tà có thể đội lốt "chánh" để làm việc đồi bại hầu bôi nhọa chánh nghĩa, v.v...Có lẽ vì lý này mà đạo Phật quan niệm "thà tin không có Thượng Đế, còn hơn là tin có", vì họ sợ suy tưởng về một đấng Toàn Năng có thể làm hư hỏng tâm trí con người chăng--nói theo kiểu kiếm hiệp là bị "tẩu hỏa nhập ma". Tôi đã nghĩ đến điều này khi tôi xem bác Karen Armstrongnói chuyện về tác phẩm mới nhất của bác ta--The Case for God ("Bào chữa cho Đấng Tạo Hóa"). Nguyên là một nữ tu sĩ của giáo hội Công Giáo, nhưng tôi không nhìn thấy chút khái niệm nào từ bác ta về đạo Thiên Chúa, và ngược lại, dường như bác ta đã hấp thụ rất nhiều giáo lý Phật giáo. Tôi vốn khâm phục Phật giáo ở chỗ: với quan niệm không có Thượng Đế, họ đã hiểu được nhiều chân lý. Cho nên, nhờ bác Karen Armstrong và Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, tôi hiểu rằng khi tín đồ Phật giáo nói "tôi không tin có Thượng Đế", thì câu nói đó chẳng có nghĩa lý gì cả. Dường như ở đây, câu nói của cố Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu có thể áp dụng được: "Đừng tin những gì [họ] nói, mà hãy nhìn những gì [họ] làm [được]".
Recent Comments