Entries tagged as độc cô cầu đạo
Friday, November 2. 2007
CDK Theo tin CNN:
Bồi thẩm đoàn ở Baltimore, Maryland, hôm Thứ Tư vừa qua, đã quyết định bồi thường $10.9M cho người cha của một lính thủy quân lục chiến Mỹ đã tử trận, vì lễ an táng của anh ta đã bị thành viên của một nhà thờ, thuộc giáo hội chính thống, biểu tình quấy nhiễu. Những thành viên kia đã mang các biểu ngữ đỗ lỗi ở những tử vong của lính Mỹ bởi sự dung túng của Hoa Kỳ đối với những người đồng tính.
...
Gia đình của trung sĩ Matthew Snyder--người đã tử vong trong một tai nạn xe cộ tại tỉnh Anbar của Iraq vào năm 2006--đã khởi tố Nhà Thờ Báp Tít của Topeka, Kansas, và các người lãnh đạo của họ vì tội phỉ báng, xâm phạm quyền tự do riêng tư, và cố tình gây khổ tâm [cho gia đình nạn nhân].
...
Những thành viên này xuất hiện tại buổi lễ an táng của gia đình Snyder, hồ hào những khẩu hiệu xúc phạm, và cầm biểu ngữ có ghi "Thượng Đế ghét lũ đồng tính".
...
Vài biểu ngữ khác có đề "Tạ ơn Thượng Đế vì những tử binh", "Tạ ơn Thượng đế vì IEDs (những quả bom tự chế)".
Hmm...Biết suy tư điều gì đây? Đành mượn lời của bên Phật giáo "sắc tức thị không, không tức thị sắc", sửa thành: "tà tức thị chánh, chánh tức thị tà". Trong ác có thiện; trong thiện có ác.
Đúc kết: Bạn có thể thực thi quyền tự do ngôn luận của bạn, miễn sao việc làm ấy không vi phạm đến quyền tự do riêng tư của tôi.
Thursday, November 1. 2007
CDK Đông Phương có ngày Rằm Tháng Bảy, Tây Phương có Halloween.
Tối qua về, phát bánh kẹo cho đám yêu tinh dễ thương được nửa tiếng đồng hồ là sạch trơn thùng bánh kẹo, bèn đóng cửa nhà, tản bộ quanh xóm chiêm ngưỡng không khí Halloween. Chúa tôi ơi! Cách một năm, năm nay lũ yêu tinh đâu mà ra nhiều quá thế này, làm nhộn lên cả xóm làng.
---
Theo AmericanCatholic.org:
Halloween bắt nguồn từ một bộ tộc Ấn-Âu (Indo-European) tên Celtic, bấy giờ gồm có dân Ái Nhĩ Lan, Tô Cách Lan, và Anh Quốc. Đối với người Celt, 1 tây tháng 11 là khởi điểm một năm mới và bắt đầu của mùa Đông. Trong đêm "giao thừa", họ đón mừng lễ hội Samhain (Tử Thần). Trong đêm lễ này, họ tin rằng các âm hồn tề tụ về rong chơi nơi dương giới. Để xua đuổi những linh hồn tà ma này, dân làng thường đeo mặt nạ và tụ tập quan những nhóm lữa hồng.
Khi triều đại La Mã chinh phục được người Celt, La Mã đã châm chế phong tục của mình vào ngày lễ trên, ví dụ như, làm những trang vật bằng quả táo và hạt đậu để dâng cúng cho Pomona, Nữ Thần Vườn (hoa quả).
Năm 835, Giáo Hoàng Gregory IV cho dời ngày Lễ Các Thánh từ ngày 13 tháng 5, thành ngày 1 tháng 11. Vì vậy, đêm trước đó được gọi là "All Hallows Evening" (Đêm của Các Thánh). Dần dần thì "All Hallows Evening" được rút ngắn thành "Halloween". Vào ngày 2 tháng 11 hằng năm, Giáo Hội cử hành lễ Cầu Cho Các Linh Hồn.
Phải chăng việc hưởng ứng Halloween bởi người Công Giáo là trái giáo luật? Đa số cho là 'không', và họ trích Điều 1475 để lý giải:
[1475]Trong mầu nhiệm Các Thánh Thông Công, các tín hữu - những người đã về quê trời, những người còn đền tội nơi luyện ngục hay những người đang lữ hành trên trần gian này- tất cả liên kết với nhau trong tình yêu bền vững và chia sẻ với nhau những điều thiện hảo. Trong sự hiệp thông kỳ diệu này, sự thánh thiện của một người ảnh hưởng trên người khác vượt xa thiệt hại do tội lỗi của một người có thể gây ra cho người khác. Vì thế, sự hiệp thông của Dân Thánh giúp cho hối nhân được thanh luyện nhanh chóng và hữu hiệu hơn.
(Bản dịch Việt ngữ, từ giaoly.org)
Cổ tích về Cậu Giắt Đèn Lồng (Jack-O-Lantern), dịch từ americancatholic.org:
Jack lớn lên trong một thôn xóm bình dị, nơi mà cậu được tiếng là lanh lợi nhưng lại hay lười biếng. Cậu ta dùng trí lanh lợi ấy để thoát khỏi mọi công việc mà người ta bảo cậu làm, suốt ngày nằm dưới gốc cây sồi, suốt ngày gọt đẽo. Để có tiền xoay trở, cậu ta đánh bài, và cậu chơi rất giỏi.
Suốt đời, cậu ta không bạn, không thù, và không hề làm từ thiện cho một ai.
Một đêm Halloween nọ, ngày tận số của Jack đã đến. Diêm Vương đến lấy hồn của Jack thì thấy cậu đang ngồi nhậu lười tại một quán ba. Jack xin được uống xong ly bia đang còn dở. Diêm Vương đồng ý. Jack nhanh nhẩu nói, "Nếu quả thật ông có quyền lực gì, thì hãy biến thành một đồng tiền thử xem". Diêm Vương khịt mũi, tỏ vẽ khinh bỉ với trò trẻ con ấy, rồi lập tức biến thành một đồng tiền. Jack bèn chộp lấy đồng tiền đó và giữ thật chặt trong bàn tay có vết thẹo chữ thập. Uy lực của thập tự giữ Diêm Vương tù túng nơi đó luôn. Jack bắt Diêm Vương phải cho cậu sống thêm 1 năm nữa, bằng không cậu sẽ không buông tay--vì nghĩ một năm sẽ thừa thời gian để cho cậu hoàn thiện.
Diêm Vương hứa xong, bèn rời khỏi quán ba ấy.
Một năm trôi qua, nhưng Jack vẫn chưa kịp hoàn thiện. Diêm Vương lại xuất hiện, và lần nữa Jack thương lượng với mạng sống của mình, lần này thách thức Vương chơi một ván súc-cắc (dice). Vương ném được cặp mắt rắn (2 hòn 1 điểm) và vừa định tóm cổ Jack về âm phủ, nhưng Jack dùng cặp súc-sắc mà cậu ta đã tự tay gọt đẽo. Khi được ném xuống, cặp súc-sắc này kết thành hình chữ T, và một lần nữa Vương đành chịu bất lực. Jack được thêm thời gian để hoàn thiện.
Rồi cậu ta lại cứ mãi hẹn lần, hẹn lượt. Cho đến giây phút cuối cùng, và cái chết chợt đến với Jack trong bất ngờ. Nhưng lần này Diêm Vương không xuất hiện.
Đang ngẫm nghĩ phân vân thi cậu đã đến trước cổng Thiên Đàng. Thánh Phê-rô (người gác cổng Thiên Đàng) lắt đầu buồn bả, không muốn nhận cậu vào trong, vì suốt đời cậu Jack đã chẳng bao giờ làm một việc làm vị tha nào cả.
Rồi thì Jack lần xuống cửa Âm Phủ, nhưng Diêm Vương vẫn còn sủi bọt căm phẩn bởi hai lần bị gạt, và không muốn dính dáng gì với cậu nữa.
"Tôi sẽ đi đâu đây?", Jack than van, "Làm sao tôi có thể thấy được đường đi trong bóng tối?"
Diêm Vương bèn lấy một thanh củi than đang cháy, vứt vào một quả bí ngô (bí rợ) rỗng ruột, và bắt cậu ta đi lang thang đời đời, kiếp kiếp, với cây đèn lồng bí ngô để rọi đường. Và từ đó đến nay, cậu ta được gọi bằng "Jack of the Lantern" hay "Jack-o-Lantern". Thỉnh thoảng, cậu ta xuất hiện vào dịp Halloween.
Wednesday, October 24. 2007
CDK Theo lời gợi ý của bác Thomistic, tôi đã đặt mua quyển Xưng Tội của Thánh Augustinô (Âu Tinh).
Lúc xưa khi học mấy môn Thần Học ở trường St. Jerome, Waterloo, tôi đã ngu xuẩn lấy Thánh Âu Tinh ra làm đề tài cho luận án--ngu xuẩn vì những tác phẩm của ông rất uyên bác, càng đọc càng thấy rối bù chả hiểu trời trăng gì. Nay "luyện" lại xem mình đã đủ "công lực" để lãnh hội hay chưa.
Friday, October 19. 2007
CDK Hôm nọ đọc được một bài viết trên blog Đường Đến Vaticanô III về cuốn phim Superman Returns, gợi ý rằng Superman là biểu tượng cho Chúa Giêsu. Khơi tính hiếu kỳ, tôi xem lại cuốn phim và nhận thấy nhiều điểm tương đồng.
"Mặc dù con đã được nuôi dưỡng bởi nhân loại, nhưng con không phải là một trong họ....Họ có khả năng làm một loài người vĩ đại, Kal-el, nếu họ mong muốn điều đó. Họ chỉ thiếu ánh sáng để soi chiếu đường đi. Vì bởi lẽ này trên hết--khả năng hoàn thiện của họ--ta đã phái con đến với họ, con duy nhất của ta."
"Cô viết [trong bài báo] rằng thế giới không cần một Superman, nhưng mổi ngày, tôi nghe người ta van cầu có một Đấng Cứu Độ."
Còn nhiều biểu tượng khác:
- Bị đâm bên cạnh sườn bằng cây thủy tinh tẩm Kryptonite (gợi ý Chúa Giêsu bị lính La Mã dùm giáo đâm nơi cạnh sườn)
- một người nữ y tá vào chăm bệnh, thấy phòng bệnh trống không. (gợi ý sự Phục Sinh của Chúa Giêsu)
Nhưng....
Dường như có chút gì đó...không ổn, khi ví Superman như Chúa Giêsu. Tôi đồng ý với rất nhiều điểm trong bài viết này trên mạng BBC:
Ta không khỏi thắc mắc, phải chăng có chút gì đó phạm thượng trong phim này. Nếu Superman rỏ ràng là biểu tượng cho Chúa Giêsu, tại sao ông ta lại còn lăng nhăng tư tình nam nữ trần tục, thậm chí còn dang díu với một phụ nữ đang có người yêu?
Nếu một đường thẳng có đoạn rất ngắn bị uống éo, thì có còn là đường thẳng nữa không?
Nếu cái áo trắng tinh có hoen một vệch đen, thì có còn gọi là trắng tinh nữa không.
Ví Superman như Chúa Giêsu chỉ làm hạ phẩm chất, và đã hiểu sai lệch vai trò và ngôi vị của Ngài trong vũ trụ và trong lịch sử loài người. Vai trò của ông là Đấng Cứu Thế. Ngôi vị của ông là Ông Trời Con, là tuyệt đối hoàn mỹ, quyền năng vô hạn, thánh thiện vô cùng.
Tuesday, September 18. 2007
CDK Trong một thế giới đa nguyên, hòa đồng, và cởi mở, con người cần có sự cảm thông, đối thoại, và chấp nhận về các quan điểm và tín ngưỡng khác nhau. Nhưng cũng nên nhớ, trong sự nhiệt tình chấp nhận các tín ngưỡng khác ấy, không có nghĩa là ta vội vàng từ bỏ đức tin và lập trường của chính ta.
Dominus Iesus không có lời tuyên bố nào mới mẻ, ngoài việc tái xác định đức tin của Giáo Hội. Môn đồ của Giáo Hội cần đọc và hiểu rõ rằng mình đại diện cho những gì, ngõ hầu tránh sự ngộ nhận.
Tôi đang tìm bản dịch tiếng Việt. Khi tìm ra sẽ cập nhật lại đây.
Monday, September 17. 2007
CDK Nhân tin cố Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận được mở án phong chân phước, tìm hiểu đôi chút về bậc thánh nhân...
Trích từ mạng Catholic Weekly (Úc Châu):
"Tôi biết, nếu tôi có thật lòng với đạo Thiên Chúa, thì tôi phải thương yêu những người đã bắt giam tôi."
....
Họ thay đổi lính canh gác ông mỗi hai tuần, nhưng rồi họ đã dẹp bỏ việc làm ấy vì ông đã dần dần thuyết phục những người canh gác ấy theo đạo, và họ e rằng nếu tiếp tục, có ngày ông sẽ biến họ thành Kitô hữu hết.
...
Wednesday, September 12. 2007
CDK Lời phát biểu của Thủ Tướng Stephen Harper, nhân chuyến công du sang Úc Chầu để dự phiên họp của Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Á Châu-Thái Bình Dương:
nếu chúng ta bỏ rơi đồng loại mình để họ sống trong sự bần cùng, tàn bạo, và dốt nát, thì trong xóm địa cầu (global village) của ngày nay, sự khốn khổ của họ sẽ dần dần biến thành khốn khổ của chúng ta, không tránh khỏi.
Hay! Hy vọng lời lẽ này phát xuất từ đáy lòng hơn là trống rỗng mù tịt đọc diễn văn do người khác viết.
Trong cuộc chiến xâm lược Áp-Ga-Nít-Tăng, tôi tự hào với lối cư xử của chính phủ Canađa, đã từng khuyên đàn anh Mỹ là "đừng nên...", nhưng sau khi sự việc đã rồi, Canada đã tình nguyện đóng góp tiền tài và xương máu để bảo vệ an ninh Áp-Gan và dựng lại những gì bị phá hủy.
Lối cư xử này làm tôi liên tưởng đến lối cư xữ trong gia đình...
Đối với đứa con khó dạy, bậc phụ huynh thường hay có câu (1): " Tao nói mà không nghe thì chừng đó có chuyện gì thì ráng mà chịu, đừng kêu réo tao. Tao không có thằng con như mầy. "
Lối ứng xử này không hay. Nên sửa ti tí như thế này (2): " Tao nói mầy không nghe thì cứ tự ý mầy làm đi, tới chừng nào thất bại, gặp rắc rối rồi thì cứ về đây tao gở rối dùm cho. Mầy là thằng con bướng bĩnh khó dạy, nhưng bậc làm cha mẹ này không từ bỏ mầy đâu." Đây là lối ứng xử của một Người Cha Trên Trời đối với những Người Con bất phục tùng ở dưới Trần Thế.
Tôi nghĩ, trong thực tế, đối với bậc cha mẹ dưới trần thế, miệng thì nói câu (1), nhưng rồi lại thực thi câu (2).
Sunday, August 5. 2007
CDK Như thể châm thêm dầu vào ngọn lửa tranh cãi bấy lâu nay về vấn đề cho rằng tập truyện Harry Potter là phù phép và phản Thiên Chúa giáo, bài viết của bác Lev Grossman trên tờ Times đề nghị rằng "người" chết trong tập truyện Harry Potter 7 chính là Thượng Đế:
Nếu bạn muốn biết ai đã chết trong [truyện] Harry Potter, câu trả lời thật đơn giản: Thượng Đế. Harry Potter sống trong một thế giới tự do khỏi [sự gò bó của] tôn giáo hay bất cứ loại thần linh gì. Cậu ta sống chung quanh những ma quái, nhưng không cầu nguyện với ai cả...Trong thiên niên kỷ mới, phép thuật không đến từ Thượng Đế hay thiên nhiên, hay những gì vĩ đại hơn, huyền bí hơn đơn thuần những xúc cảm của con người. Khi chọn Rowling là người mơ mộng của thế hệ ta, chúng ta đã chọn một nhà văn với ước mơ về những phép thuật [vô tôn giáo], quan liêu hóa, và hoàn toàn có tính cách phàm tục [thay vì tính cách siêu phàm]. Trong hệ thức này, tâm lý và kỹ thuật đã vượt trội trên thần linh.
"Thượng Đế" mà Grossman muốn nói thật ra là "Tôn Giáo". Dầu là vậy, tôi cũng không đồng ý với quan điểm của bác ta.
Dĩ nhiên, tôi không phải là người duy nhất. Ben Myers, tác giả của trang bloóc Faith and Theology (Tín Ngưỡng và Thần Học), có một cái nhìn khác:
Rowling, trong một lần được phỏng vấn, đã nói rằng bà ta không đề cập công khai về quan niệm tín ngưỡng của mình vì những độc giả sáng suốt sẽ nhận ra điều đó từ tập truyện thứ 7 của bà. Thật vậy, bà ta đã dựng lên một thần thoại với nhiều yếu tố vĩ đại của Kitô giáo (Thiên Chúa giáo): Lời dọa giết nhắm vào cậu bé Harry gợi cho chúng ta đến sự kiện vua Hê-rô-đê toan giết cậu bé Giê-su năm xưa; Harry, người không tranh giành quyền lực mà lại có được quyền lực; Harry, người đã tâm sự với các linh hồn trong rừng cấm, như Chúa Giê-Su đã cầu nguyện trong vườn Giệt-si-ma-ni; Harry, người đã dâng tánh mạng mình để cứu mạng của bạn mình [, như Chúa Giêsu đã dâng mạng mình để cứu nhân loại bạn mình].
So sánh hay!
Quả thật, tôi chỉ là tạo vật của Cha Ngài, chỉ đáng hàng tôi tớ của Ngài, mà Ngài lại xem tôi như anh em, bè bạn sao?
Tuesday, July 31. 2007
CDK Tình cờ đọc được bài viết của một "công dân neét" tên violine, làm gợi ý cho bài này:
Có một điều khiến tôi luôn thắc mắc là tại sao con người dễ dàng bị thuyết phục bởi những điều thuộc phạm trù tín ngưỡng, niềm tin, tôn giáo...Đây chỉ là những niềm tin mù quáng không có cơ sở khoa học, và đi xa hơn chúng trở thành mê tín dị đoan.
...
Có thể có một số người tự chọn cho mình cuộc sống đó. Nhưng có lẽ rất nhiều đã bị áp đặt từ khi họ còn nhỏ, do hoàn cảnh mồ côi hay một sự không may nào tương tự. Áp đặt niềm tin tôn giáo lên trẻ nhỏ trong lúc chúng là những tờ giấy trắng và không tự quyết định được con đường chúng sẽ đi, đối với tôi, là một điều phi nhân bản.
Trước hết, tôi hơi ngạc nhiên khi thấy người bạn này bị bức xúc bởi sự áp đặt niềm tin. Không phải bạn ấy đang sống trong một xã hội chuyên áp đặt chủ thuyết của Bác-Mác-Lê lên người dân ngay từ thuở ấu thơ hay sao?
Lối suy nghĩ của người bạn này tương tự như quan điểm của Giáo Sư Richard Dawkins.
Tôi nghĩ vấn đề xãy đến là do đôi khi chính bật cha mẹ không am tường về tôn giáo của mình. Đến khi con cháu gạn hỏi, không biết phải trả lời ra sao, thì chúng ta quát tháo với con em:
tao bảo tin thì cứ tin đi! Không được hỏi. Còn ở nhà tao thì phải nghe lời tao. Cấm cãi! Con cãi cha mẹ thì trăm đường con hư!
Điểm sai lầm này đáng tiếc này gây ác cảm đối với đứa trẻ. Khiến nó sẽ tự đi tìm hiểu ở nơi khác. Gặp được cao nhân này chỉ điểm thì thành người mộ đạo. Gặp "cao nhân" khác chỉ điểm thì lại thành người chống đạo.
Ép đặt niềm tin dĩ nhiên là không nên. Nhưng dẫn giải cho chúng hiểu những điều hay, lẽ phải, thì không những là "nên" mà là "phải", vì đó là bổn phận của bật làm cha mẹ. Tuối trẻ bồng bột, rất dễ bị quyến rũ bởi nhiều điều xấu. Ví dụ như, nếu ta không dạy cho con em chúng ta rằng hút thuốc là điều có hại cho sức khỏe, nhất định khi chúng đi học, áp lực của bè bạn hút sách sẽ khiến chúng tập tành thói hư tật xấu thôi. Rồi sau này, khi bốn mươi mấy năm mươi tuổi đời, khi ôm chứng ung thư gan chờ ngày chết, chúng sẽ trách rằng tại sao lúc trẻ thơ không ai chỉ cho chúng điều sai để tránh.
Bật làm cha mẹ còn có bổn phận dạy dỗ cho con cái của chúng ta những giá trị đạo đức của con người. Vậy thì chúng ta lấy đâu làm nền tảng của những giá trị đạo đức ấy? Đối với người có đạo, những giá trị ấy lấy từ trong tôn giáo của họ. Ví dụ, trong đạo Thiên Chúa thì người ta lấy lời dạy của ông Giê Su làm gương: hãy thương không chỉ những người thương yêu ngươi, mà hãy thương cả những kẻ thù ghét ngươi; nếu ai tát vào má trái của ngươi thì hãy đưa luôn má phải cho họ đánh; ai muốn giựt chiếc áo lót trên người ngươi thì hãy cho họ luôn chiếc áo choàng ngươi đang mặc; vv...
Thật ra khi các tín đồ của Thiên Chúa giáo tìm hiểu sâu sắc hơn về tôn giáo của mình, thì chúng ta sẽ nhận ra nhiều chân lý thật quí giá. Thậm chí, chúng ta còn sẽ thấy rằng nếu người khác thấy được lối nhìn của mình thì chắc chắn họ cũng sẽ tin. Đây quả thật là một niềm tin hợp lý và có cơ sở. Nói như vậy không phải là tôi cho rằng các tôn giáo khác là vô lý và không cơ sở; tôi đã có đôi lần viếng chùa Phật, có tham khảo giáo thuyết của nhà Phật và thấy có nhiều điều rất hay, tuy rằng có điểm tôi không đồng ý (ví dụ: tôi tin rằng Thượng Đế là đấng chí tôn hằng có, tạo nên vạn vật hữu hình và vô hình; trong khi người của Phật giáo dường như tin rằng có vũ trụ trước, rồi Đấng Chí Tôn sau bao ngàn năm tu hành, đắc đạo mới thành Thượng Đế; nhưng đây sẽ là đề tài cho một bài viết khác vậy).
Dĩ nhiên, đến một giai đoạn và mức độ nào đó, bật cha mẹ cũng phải buông tay với câu "khôn nhờ, dại chịu", còn hơn là cưỡng bức chúng làm theo ý mình.
Friday, July 20. 2007
CDK Dùng ngôn ngữ của Phái Giê-Đai mà nói: "hiện đang có một sự nhiễu loạn lớn trong chốn sinh linh." Tên của nó là Vô Thần Giáo (atheism).
Vô Thần Giáo (atheism) là một tôn giáo với niềm tin khá mãnh liệt rằng: không có Thượng Đế. Vô Thần Giáo đã nãy sanh kể từ lâu lâu lắm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cụm lửa này dường như được thổi phồng lên, nhờ sự nhiệt tình của những vị thủ lãnh có tên tuổi, như Richard Dawkins. Giáo Sư Dawkins là một sinh vật gia, phong tục gia, giáo sư của trường Đại Học Oxford và là tác giả của nhiều quyển sách "phản tôn giáo", nổi bật nhất là quyển The God Delusion (Ảo Tưởng về Thượng Đế), một trong những cuốn sách bán chạy nhất của cuối năm 2006 và đầu 2007. Trong đó, giáo sư Dawkins lý luận khá hùng hồn rằng:
- Thượng Đế không tồn tại, bởi nếu có Thượng Đế, vũ trụ này hẳn phải khác hơn nhiều so với hiện tại.
- Tôn giáo là nguồn cội của mọi sự độc ác đã và đang xãy đến trong thế giới.
Chủ trương của bác Dawkins là: khoa học phải là chủ thuyết tối thượng, bởi không có gì tôn giáo giải thích được mà khoa học không giải thích được, ý đề cập đến thuyết Tiến Hóa (evolution) của khoa học và thuyết Hóa Công Hữu Ý (intelligent design) của Thiên Chúa giáo.
Ở cuối chương 1, GS Dawkins viết:
If this book works as I intend, religious readers who open it will be atheists when they put it down.
Nếu quyển sách này tác dụng theo ý tôi mong mỏi, người mộ đạo khi đọc nó xong sẽ trở thành người vô thần.
Sau khi đọc xong quyển "Ảo Tưởng về Thượng Đế", tôi vui vẻ và thành thật báo cáo rằng: tôi vẫn còn là tín đồ của Đạo Thiên Chúa. Hơn thế nữa, tôi càng tin mạnh mẻ hơn rằng:
- Thượng Đế là hằng có và vô tận.
- Thượng Đế là một khoa học gia tuyệt vời và hoàn mỹ vô cùng.
- Thượng Đế là đấng tạo tác lên vũ trụ này (và, có thể, cả vô số những vũ trụ khác nữa).
- Thượng Đế là đấng đã đặt ra các luật lệ "tự nhiên" trong vũ trụ. Những luật lệ mà loài người đã khám phá ra và chứng minh thì gọi là "khoa học" (science). Những luật lệ mà loài người chưa khám phá ra thì gọi là "phép lạ" (miracles).
- Thượng Đế là tuyệt đối. Chỉ có nhận thức của loài người về Thượng Đế là tương đối.
- Mục đích thuần khiết nhất của tôn giáo là đạo, là đường lối giúp con người sống một cuộc sống hướng thiện. Vì thế, một tôn giáo chân chính không thể phản khoa học.
Giáo sư Dawkins là một tác giả tài ba và hùng hồn. Có thể là ông ta lầm khi chỉ tin tưởng duy nhất ở khoa học--trên đời còn có những bộ môn khác ngoài khoa học . Nhưng có một số vấn đề ông nêu ra về tôn giáo (cụ thể hơn là Thiên Chúa Giáo) thật là hữu lý. Trên phương diện đại chúng, tôi không nghĩ rằng những gì ông ta nêu lên sẽ gây nên sự diệt vong của tôn giáo, nhưng ngược lại nó sẽ giúp củng cố lại tôn giáo, buộc các tôn giáo phải lược lại những niềm tin vào giáo thuyết của mình dựa trên hiện trạng của thời đại.
Đã có nhiều học giả chỉ trích lối lập luận của Dawkins, nổi bật nhất là giáo sư Allister McGrath của Đại Học Oxford và giáo sư Margaret Somerville của Đại Học McGill. Nếu có dịp, tôi sẽ "siêu tầm" thêm về quan điểm của những vị học giả này so với quan điểm của giáo sư Dawkins.
Sunday, April 8. 2007
CDK Chúa ơi! Chúa tử nạn cứu thế nhân là việc cao cả to tác dường nào. Con ăn chay, tuy chỉ là việc nhỏ nhen để phạt mình đền tội lỗi với Chúa--nhưng cũng đủ làm cái miệng của con nó lở loét vì thiếu dinh dưỡng. Năm tới, nếu Chúa không quở trách, thì con xin "cái bang" qua bên chùa của mấy Phật tử, mua đồ chay ăn cho...đủ dinh dưỡng.
Chết! Tâm địa bất chánh--ăn chay phạt mình mà lại mơ mộng được ăn ngon. Uổng công đã ăn chay ba ngày. Phen này phải đi xưng tội thôi.
"Người ta sống không riêng bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra."
Thursday, January 18. 2007
CDK Có người bà con xem tử vi "in absentia" dùm, bảo rằng số tôi phải chịu khổ suốt 50 năm. Ghi lại đây để sau này kiểm chứng xem thực hư thế nào. Nếu quả thật như vậy thì thật là ít quá. Tôi thật e ngại có ngày nào đó sẽ đến, sự sung sướng của đời này sẽ làm tôi đánh mất đi chính mình.
Monday, December 25. 2006
CDK Sau một năm dài nặng trĩu, cuối cùng cũng đã tạm giải hòa với mẫu thân, mặc dầu vẫn cảm thấy qua sự việc, mình đã bị xữ thật tệ. Có lẽ là do mầu nhiệm của Chúa Giáng Sinh cảm hóa, một phần là do nhị đệ thúc dục (nhị hoàng tử từ nhỏ đã chứng tỏ khôn ngoan hơn kẻ ăn mài này nhiều): Cha mẹ dù sao thì cũng là cha mẹ, bổn phận con thì phải cố chu toàn bổn phận con. Có lẽ trong thâm tâm của mẫu thân, mình đã không tròn bổn phận một người con. Buồn thay, khi trong cảm tình, mình cho thì nhiều còn nhận thì có bao nhiêu. Nhưng dù nhiều bao nhiêu, nếu không đủ với mức mong mỏi, thì dù có cũng như không.
Nhị đệ khuyên thật đúng. Từ lâu quan niệm của mình, theo lời Chúa dạy, đã là "làm ơn không cần sự báo ơn" và "mình làm việc tốt cho người không phải là để cho họ tốt lại với mình" kia mà. Sao nay lại hồ đồ vô ý thức! Chắc tại vết thương lòng không thể dễ lành trong một thời gian ngắn. Phải chờ cho nó bình phục, rồi thì con tim mới có thể thắng lý trí, gạt tự ái sang một bên để mình một lần nữa có thể thật sự khiêm nhường. Phải chi thần trí mình lanh lẹ hơn, chóng hồi phục lại, thì đã đỡ bứt rứt suốt cả năm. Nhưng, mọi việc chắc đã đặt để phải như vậy.
Thân này hãy còn nhiều tội lắm, và quãng đường đời còn lại không biết còn bao xa nữa, chắc không tránh khỏi sẽ gây tội vạ thêm. Nhưng đôi lúc hiếm hoi, dường như Chúa đang mạc khải cho tôi thấy được thế nào là "sống đẹp lòng Chúa".
Nhân ngày tưởng nhớ đến sự giáng sinh và công ơn cứu chuộc của Con Ngài, xin Chúa ban bình an đến cùng với song thân, và cùng tất cả những người thân yêu của con. Amen.
|
Recent Comments