Nếu là 3 năm trước, chắc có thể tôi sẽ đi sắp hàng để chờ vào xem ngày đầu. Nhớ hồi năm 1994 lúc còn đi học, tôi đã cùng 3 thằng bạn lái xe từ Waterloo về Toronto để xem cho được hồi (episode) cuối cùng của ST:TNG (All Good Things...), được chiếu trong SkyDome. Tôi nhớ hôm đó hình như là tối Thứ Năm trong tuần, bởi xem xong, chúng tôi còn phải lái xe về Waterloo để hôm sau phải lên lớp. Vị thuyền trưởng tôi thích nhất không phải là James Tiberius Kirk, mà là Jean-Luc Picard. Picard có vẽ biết tự kiềm chế hơn Kirk, mặc dầu thời còn trẻ Picard cũng đã "quậy" không kém gì Kirk.
Hồi xưa tôi theo dõi Star Trek không thiếu tập nào. Nhưng đó là hồi xưa. Bây giờ thì già rồi. Không còn hứng thú bon chen như lúc xưa nữa. Chờ nó ra đĩa cũng được. Chừng đó chắc sẽ phải đầu tư cho một cái máy hát đĩa Blu-Ray thôi. Hoặc là lên nhà thằng em tôi coi ké cũng không chừng, nhưng tôi nghĩ chắc nó không hứng thú với Star Trek.
Sáng nay nghe chương trình The Current của CBC phỏng vấn bác Liaquat Ahamed, tác giả của quyển sách Lords of Finance: The Bankers Who Broke the World, thấy có phần hấp dẫn. Chắc phải đặt mua để đọc cho biết. Cụ thể, tôi thật sự muốn biết lỗi lầm to tát của bác của Alan Greenspan là gì. Hồi học môn ECON 101 (Kinh Tế vỡ lòng) ở Waterloo (circa '92?), ông giáo sư của tôi (Larry Smith) hết sức thần tượng bác Greenspan, lúc bấy giờ, với chức vụ Thống Đốc ngân hàng quốc gia Mỹ, là người quyền lực nhất thế giới. Bởi vậy cho nên tôi ngạc nhiên khi xem đoạn video này hồi năm ngoái:
Trong đó bác Greenspan phát biểu:
I made a mistake in presuming that the self-interests of organizations, specifically banks and others, were such as that they were best capable of protecting their own shareholders and their equity in the firms.
Um...không phải đây là cách hết sức lịch sự để nói "I made a mistake in presuming that people would not be so goddamned greedy" sao?
Tờ Toronto Star hôm qua có đăng bài viết về một cậu học sinh ESL, tên Grigori Drobot, tuy là đang mắc bệnh tự kỷ, đã đoạt giải trong một cuộc thi Đánh Vần. Có đoạn ghi lời kể của cô giáo của Grigori, cô Edda Mindreau, như sau:
His father just told me that 'sometimes he doesn't pay attention'.
(Ba của em vừa mách với tôi rằng 'đôi khi thấy tâm trí em không mấy gì tập trung cho lắm').
Đang ngồi ăn trưa, đọc tới câu này làm tôi ơn ớn lạnh. Nhớ năm xưa khi còn học ở Waterloo, đôi khi đang cố chú tâm học bài thi, thì đầu óc tôi cũng đã lơ đễnh đâu đâu ấy, khó mà tập trung vào bài học. Thậm chí thi rớt mấy lần (nguyên nhân thực tế có thể do nhiều yếu tố cùng tác hợp, ví dụ như mê chơi game chẳng hạn ). Sau đó, một đêm nọ tình cờ bắt thấy mục quảng cáo trên ti-vi về chương trình Mega Memory của bác Kevin Trudeau, và trong sự cố gắng tự chữa một cách liều mạng, tôi đặt mua về để luyện trí nhớ. Kết quả gặt được, có thể chỉ là cái được gọi là "hiệu ứng plà-xi-bồ", bởi nghe đâu đây là một sự quảng cáo lừa dối. Nhưng nhìn lại, trong khoảng thời gian đó, rất có thể là tôi đã vướng bệnh tự kỷ.
Lúc xưa khi học mấy môn Thần Học ở trường St. Jerome, Waterloo, tôi đã ngu xuẩn lấy Thánh Âu Tinh ra làm đề tài cho luận án--ngu xuẩn vì những tác phẩm của ông rất uyên bác, càng đọc càng thấy rối bù chả hiểu trời trăng gì. Nay "luyện" lại xem mình đã đủ "công lực" để lãnh hội hay chưa.
Cuối tuần qua, đang trên đường lên thăm chú ba nó thì ngẫu hứng dẫn tôi tuột lên luôn trên Trường Waterloo để viếng thăm học đường củ. Đã hơn 10 năm rồi không trở lại, tuy rằng hồi năm '99, khi làm việc cho Open Text một thời gian ngắn, có trở lại thành phố Waterloo một lần để đi họp, nhưng không kịp thì thời để vào thăm trường.
Nhớ năm xưa, đánh trận Waterloo đã từng làm tôi...te tua một thuở, bởi đầu óc phát triển chậm nên học ngu ơi là ngu. Tốt nghiệp xong thân thể xơ xác như cò ma.
Đậu xe bên bãi đậu của RIM, tôi tọt qua khuông viên của trường. Đầu tiên là vào Trung Tâm Nghiên Cứu William G. Davis.
Thư Viện Davis là một trong hai nơi tôi đã thường trú trong lúc làm bài tập và luyện thi (nơi thứ hai là thư viện Dana Porter của khoa Văn Học Nghệ Thuật). Rảo bước ngang các văn phòng giáo sư, tìm bảng tên của một trong hai người thầy tôi thích nhất, giáo sư Naomi Nishimura, nhưng không thấy--chắc bà ta đã đổi văn phòng.
Tản bộ sang tòa nhà của Khoa Toán...
Vào thăm lại các phòng láp:
Đây là nơi lúc xưa tôi "khám phá" ra chiêu IRC . (Phòng lab hiện trống trơn vì đám sinh viên sau kỳ thi mệt nhọc chắc đã cuốn gói về quê ăn chơi hết rồi.)
Mò qua các tủ kính trưng bày trên lầu ba, nhận thấy bảng mặt mình trong hình tốt nghiệp '97.
Lạng qua khu trưng bài cà-ra-vát hồng; không thấy phiên bản năm '91. Sẳn đây giới thiệu thêm luôn cái sự ngu của mình: cái cà-ra-vạt hồng của tôi lúc xưa, trong Tuần Lễ Hội Nhập (Orientation Week), khi viếng thăm tòa nhà của đám Dead Philosopher's Society (?), bị cô đàn chị, nhóm trưởng của nhóm mình, cô Betty-Joe gì gì đó (đã quên tên họ), toa rập, "tình nguyện" mình làm "vật cúng thần", dâng mình cho đám sinh viên Triết kỳ cựu, kết cuộc bị tụi nó tước cái cà-vạt thân thương của tôi mất.
Không có thời giờ để viếng thăm khoa Kỹ Thuật, nơi mà lúc xưa tôi đã bỏ không ít thời gian ở giảng đường Engineering Lecture Hall (nay được mang tên J.R. Coutts Engineering Lecture Hall).
Hôm nay mãi mê ngồi làm việc, quên cả ăn trưa. Chợt cảm thấy sây sẩm mặt mày, đầu óc lâng lâng. Thoạt đầu chưa biết vụ gì, nhưng rồi nhớ lại là mình đang...đói bụng. Ngước mắt nhìn đồng hồ thì đã hai giờ rưỡi chiều rồi, bèn vội đứng dậy, cuốc bộ qua Sherway Gardens tìm chút đồ ăn trưa.
Làm việc đã gần chục năm nay, tôi hay ăn trưa thất thường, có khi 1:30, 2:30, thậm chí có hôm tới 5 giờ chiều mới lò mò đi kiếm đồ ăn. Người quen ai cũng quở rằng, ăn uống bất thường coi chừng đau bao tử đấy!
Nhưng lâu ngày thành quen, cái dạ dày của tôi nó đã thích nghi với sự bất thường ấy rồi nên chẵng hề gì. Cứ làm việc đến khi nào cảm thấy đói thì đi tìm đồ ăn. Mình ăn để sống mà, chứ đâu phải sống để ăn đâu!
Gần đây, ngẫm nghĩ lại, mình nay đã....già rồi. Lúc xưa thức trắng đêm hai ngày liền để hoàn thành cho xong đề án, vẫn không sao. Nhưng nay thì quá 1 giờ rưỡi khuya thì đã nhướng mắt không nỗi nữa. Không còn thời trẻ trung như xưa nữa, nên gần đây tôi đã ép mình, cố trở lại mức quân bình, nên đã bắt đầu ăn uống có chừng mực, ngày đúng ba bữa, có giờ giấc hẳn hòi. Và cũng có lẽ vì thế nên cái dạ dày của tôi nó đã bắt đầu quen với cái nhịp điệu ngày ba bữa này, cho nên hôm nay lỡ quên một lần là nó nhắc mình ngay. Những lúc xưa khi đến lúc cần phải ăn thì chỉ cảm thấy tay chân lạnh băng lên, đó là tín hiệu để đi ăn trưa. Chưa bao giờ lại có cái mứng đói đến nỗi choáng váng mặt mày muốn ... xỉu, như hôm nay.
Nhắc đến chuyện "xỉu", tôi nhớ lại lúc xưa hồi mới vào Đại Học năm thứ nhất ở Waterloo. Do miệt mài đèn sách, lại ăn uống thiếu dinh dưỡng, nên thân tàn như cò ma. Khi thi xong, về Toronto nghỉ "xả hơi" vài hôm, đi lễ Chúa Nhật, đứng phía sau nhà thờ thì xãy ra sự cố đáng buồn cười. Nhà thờ đông người nên hơi ngột ngạt. Tôi đứng phía sau cuối nhà thờ để xem lễ. Phút thứ nhất còn đứng đó nghe Cha Chủ Tế dâng lễ. Phút thứ 2 mở mắt ra thì thấy mình đang nằm dài dưới đất, thấy mọi người đang túm rúm chung quanh mình, xì xào. Những gì đã xãy ra giữa phút 1 và phút 2 thì chả hay biết, vì đó là khoảng thời gian...bất tỉnh nhân sự. Quê cơ thiếu điều muốn độn thổ, bèn tự mình lòm còm ngồi dậy nhanh, len qua đám đông, bước ra ngoài nhà thờ để hít không khí trong lành.
Vào năm 1992, tôi bắt đầu vào theo học chương trình Cử Nhân Khoa Học Vi Tính của Đại Học Viện Waterloo. Ở đấy, tôi được lần đầu tiên làm quen với mạng Internet. Đây là thời điểm khoảng một năm trước khi Mạng Lưới Vi Tính Toàn Cầu (World Wide Web) được phổ biến ra cho dân chúng tiêu dùng. Trước đó thì mạng Internet chỉ được sử dụng trong khuôn viên của các Đại Học viện, hoặc các cơ quan quân sự của các cấp chính quyền như ở Mỹ và Canada.
Bước vào thế giới Internet lúc bấy giờ, tôi đã khám phá ra một hiện tượng gọi là Internet Relay Chat (IRC), một phương thức đàm thoại trực tiếp với những người khác trên khắp địa cầu, qua mạng Internet. Có thể nói IRC là tổ tiên của phong trào "chat" trên mạng World Wide Web sau đó.
Lúc bấy giờ, trong trường tôi chỉ có tôi và một ít người khác khám phá ra được trò chơi này. Tôi lấy bí danh là pmtk ("Phục Ma Thần Kiếm")--ảnh hưởng phim kiếm hiệp--để tán gẫu cùng các sinh viên đến từ các nước như Mỹ, Canada, Úc, Thụy Điển, vv....
Chơi được mấy ngày thì tôi làm quen được một người tên là Ngân. Có lẽ vì nói chuyện hợp khẩu hay chi đó, mà tôi đã có lòng mến Ngân. Hai đứa chỉ nói chuyện thông thường với nhau, có điều là chúng tôi không hề hỏi chuyện riêng tư của nhau, và không hề hỏi tuổi tác lẫn nhau. Càng nói chuyện thêm thi tôi càng cảm thấy mến mộ Ngân thêm, đến nỗi khi nào không có lên IRC tâm sự với Ngân thì tôi lại nghĩ đến Ngân.
Trong chốc lâu, tôi đã trở thành một anh chàng si, hầu như đã bị ám ảnh bởi một người không hình không bóng này, đến nỗi bài vở bị sao lãng, học điểm bị xuống dốc.
Ngân không bao giờ mở lời nói là thích tôi hay gì cả. Chỉ có mình tôi ngày đêm ôm ấp một hình bóng hư ảo như thế.
Cho đến một hôm, tôi lại lên phòng chát. Như thường lệ Ngân cũng có mặt. Nhưng lần này thì Ngân đang nói chuyện với một vài anh chàng bạn khác, có vẻ như là thân với Ngân lắm. Tôi đoán họ là các "anh chàng" vì họ xưng hô với nhau toàn là mầy, tao, mi, tớ.
Chợt một anh nói:
- Này Ngân, cứ tối ngày ôm cái máy IRC hoài. Bộ không sợ bà xã dẹp đi cái máy vi tính hay sao?
Lại thấy dòng chữ của Ngân hồi đáp:
- Bả đi làm ban ngày đâu có ở nhà, hơi đâu mà lo!
Trời! Ngân của tôi là một đàn ông sao??? Thế là hết. Ngay lúc đó, bao nhiêu hình ảnh trong đầu óc mà tôi đã mường tượng về một người con gái kiều diễm đầy nữ tính tên Ngân, đột nhiên vỡ tan.
Từ đó, cơn sốt ai-a-rờ-si (IRC) của tôi đã dịu đi, và tôi không còn dám bén mảng lên phòng chát nữa...cho tới khi năm cuối của cuộc đời sinh viên của tôi, nhưng đó lại là một câu chuyện cho dịp khác vậy.
Recent Comments