Wednesday, January 27. 2010
CDKToronto, trong tháng này, đã chứng kiến sự đột phát của một hiện tượng tai nạn giao thông: người đi bộ bị xe tông chết ( trong vòng 9 ngày xãy ra 9 án mạng).
Lỗi do người đi bộ hay là người lái xe? Trả lời: cả hai.
Bản thân tôi cần phải tự thú: hơn đôi lần cua phải mà mắt cứ ngó trái, dè chừng xe mà sơ ý với người qua đường, suýt tông mấy em, nên đã bị chữi ỏm tỏi. Đôi lần khác, chính tôi chứng kiến mấy ẻm (người da đen--không phải tôi kỳ thị mà là dữ kiện thật), băng ngang giữa đường ngay trước mặt xe tôi. Điều đáng tức mình là mấy em này ung dung bình thản mà đi như thể tôi và chiếc xe tôi không hề tồn tại trên thế gian. Tôi suy diễn đến hai cách biện luận cho thái độ này:
- Nếu tôi không chú ý tới anh thì anh không tồn tại, và tôi sẽ không bị tông.
- Tôi không cần chú ý tới anh mà anh cần phải chú ý tới tôi. Anh thử tông tôi đi, tôi sẽ kiện cho cả dòng họ anh bại sản.
Về #1: có lẽ tôi không tồn tại thật. Về #2: quá liều mạng; chết rồi thì nhờ ai kiện cho mình?
Sáng nay, cảnh sát thành phố vừa mở chiến dịch cảnh cáo và phạt vạ những ai vi phạm luật giao thông, cả người đi xe (tối đa $280), lẫn người đi bộ (tối đa $110).
Thắc mắc: phạt tài xế thì dùng thẻ bằng lái làm căn cước. Vậy phạt người đi bộ thì dùng gì?
Tuesday, January 26. 2010
CDKMấy hôm trước nghe tin thiên hạ đòi biểu tình phản đối bác Harper đóng cửa quốc hội Canada, tôi tưởng họ muốn hạch tội Thủ Tướng về vụ của năm 2008. Nhưng đọc tin này tôi mới biết nó mới vừa xãy ra đầu năm nay. Wow! Bác Harper này gan thật: dùng kế "hoãn binh" này tới hai lần trong một nhiệm kỳ. Làm thế để làm gì? Dư luận trách rằng việc làm này phản dân chủ, cho rằng ông muốn trốn tránh trách nhiệm đối với sự kiện A Phú Hãn. Phe của bác Harper thì viện lý do rằng đảng ông cần thời gian để tập trung năng lực (tránh sự đả phá của đảng Tự Do) cho giai đoạn thứ 2 của kế hoạch chỉnh đốn kinh tế quốc gia đang trên đà phục hồi.
Bác Harper đang đánh cá với di sản chính trị của bác ta: 1) một thiên tài chính trị quả cảm; 2) một nhà độc tài chưa từng thấy của Canada.
Friday, January 22. 2010
CDKChương trình The Hour của đài CBC phỏng vấn Đức Cha Hiếu (biết qua blog của Tổng Giáo Phận Toronto). Hai điểm tôi chú ý:
- Cha Hiếu vượt biển và đến Nhật Bản vào năm 1983 (hai năm sớm hơn tôi).
- Cha kể về việc tử đạo của ông sơ ngài, nhưng tôi vẫn chưa rõ cụ có phải là một trong số 117 hay không.
Thursday, January 21. 2010
CDKXem những diễn biến sau cùng của vụ án Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung, nghe hai vị này thú tội vi phạm Điều 79 của Bộ Luật Hình Sự nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, thử tìm hiểu xem luật ấy nói gì:
Điều 79. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân
Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân
dân, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm
trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình;
2. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
Điều 4 của Hiến Pháp nước CHXHCNVN:
Điều 4
Đảng cộng sản Việt Nam ... là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Có lẽ đúng như lời chứng của LS Lê Công Định trước phiên tòa:
Luật pháp và hiến pháp của Việt Nam đã quy định và bảo vệ quyền lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng Sản Việt Nam....Cho nên, những lời kêu gọi đa nguyên đa đảng mặc nhiên là muốn thay đổi thể chế chính trị Việt Nam hiện nay. Và những tổ chức nào chủ trương đa nguyên, đa đảng thì đương nhiên là vi phạm Điều 79 của Bộ Luật Hình Sự.
So sánh với Luật Hình Sự ở Canada, "lật đổ chính quyền" được ghép vào phạm vi của tội phản quốc ( Bộ Luật Hình Sự Canada, Phần II, Điều 46)":
Phản Quốc
(2) Một cá nhân phạm tội phản quốc ở Canada là người,
(a) sử dụng vũ lực hoặc bạo lực với mục đích lật đổ chính quyền Canada hay của một tỉnh bang; hoặc
...
(c) âm mưu với bất kỳ người nào để ... làm bất cứ điều gì đã đề cập tại khoản (a); hoặc
(d) hình thành một ý định làm điều gì đó có tính cách ... đã đề cập tại khoản (a), và biểu hiện ý định đó bằng một hành động công khai;
...
Điều cần lưu ý rằng việc "lật đổ chính quyền" phải có liên quan tới vũ lực mới phạm pháp. Hồi tháng 12 năm ngoái, ba đảng Tự Do, Tân Dân Chủ, và Khối Québecois định hợp lực nhau lật đổ chính quyền của Thủ Tướng Stephen Harper--một việc làm hoàn toàn hợp pháp ở Canada. Mục tiêu thất bại khi chủ tịch đảng Tự Do quyết định ủng hộ chính sách của Thủ Tướng vào giờ chót.
Trở lại vụ Lê Công Định, lời chứng của LS Định trước tòa án không khỏi gây thất vọng và khó hiểu, nếu không muốn nói Lê Công Định hóa ra từ trước tới nay chỉ là một con cờ của chính quyền Việt Nam để răn đe những kẻ khác. Hiển nhiên, với tư cách một luật sư, bác Định đã thừa hiểu về Điều 79 khi dấn thân vào Đảng Dân Chủ. Nhưng, như Nguyễn Tiến Trung đã có lần nêu lên: Lập đảng hội đâu có phạm pháp. Và lập đảng hội để kêu gọi dân chủ và một xã hội đa nguyên, đâu hẳn là một âm mưu lật đổ chính quyền. Nếu có thì chẳng qua đó là quyết định của nhân dân qua việc bầu cử, chứ đâu phải trực tiếp do đảng phái ấy cưỡng ép chính quyền, bởi trong thể chế đa đảng, người ta lại có thể bầu chọn cho đảng Cộng Sản được cầm quyền kia mà.
Sự việc thật sự to tát hơn một cá nhân Lê Công Định hay một Nguyễn Tiến Trung nhiều. Đành rằng mọi hoạt động chính trị đều phải nằm trong khuôn khổ của luật pháp. Nhưng nếu mọi hoạt động nhằm khuyến khích tu bổ luật pháp đều bị cho là phạm pháp thì còn nghĩa lý gì nhỉ? Bác là người đang nắm độc quyền điều hành. Tôi mới chỉ van nài với bác vì lợi ích cho nhân viên và cho cả tập đoàn để đối diện với ngoại bang, hãy cho phép người khác có được cơ hội điều hành. Thế là bác tống giam tôi với tội quấy phá hành chính. Tôi có nên nản lòng không?
Nếu tôi thật sư tha thiết với dân tộc tôi, nếu tôi thật tin tưởng ở sự hữu ích cho nhân dân bởi một thể chế đa nguyên đối lập (adversarial process), nếu tôi không hề có ý gây "nợ máu" của đồng bào tôi, và nếu tôi có thừa lòng kiên nhẫn, thì tại sao tôi phải nản lòng? Ngược lại, nếu bác khăng khăng ôm cái Hiến Pháp của bác và cho đấy là bất di, bất dịch, thì có thể bác sẽ bị trào lưu tiến hóa của nhân loại bỏ lại sau lưng.
Câu hỏi sau chót: âm mưu lật đổ chính quyền thật chỉ vỏn vẹn có bốn mạng vậy sao?
Wednesday, January 20. 2010
CDKĐọc những diễn biến về "vụ xô xát" ở giáo xứ Đồng Chiêm (thuộc TGP Hà Nội), đau lòng khi thấy biểu tượng của Chúa bị người ta làm nhục, càng nhận thấy qua những vụ đàn áp này, Chúa đang thử thách lòng bác ái của chính những người con ngoan của mình trước bạo lực.
Đọc bài Góp ý về Giám mục đồng hành với đoàn chiên của mình bởi tác giả Công Luận, chỉ trích sự im lặng của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, tôi tìm đọc lại bài Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Lên Tiếng Hay Không Lên Tiếng, và thấy hình như bác Công Luận hơi quá lời khi cho rằng cả Hội Đồng Giám Mục "sai trái và lạc lõng".
Nếu muốn nói là HĐGMVN không lên tiếng thì việc không lên tiếng ấy cũng có cái lý:
Liên quan đến từng vụ việc cụ thể tại từng địa phương, hơn ai hết, vị giám mục sở tại vừa là người có trách nhiệm chăm sóc một phần Dân Thiên Chúa tại đây (x. GM số 11) vừa là người nắm rõ tình hình và bối cảnh của vấn đề, chính ngài là người đưa ra quyết định cụ thể để giải quyết.
Đây không phải là "lập luận lạc lõng", mà là dựa theo Điều 455.1 của Bộ Giáo Luật ("Hội Ðồng Giám Mục chỉ có thể ra những sắc luật chung chung trong những trường hợp mà luật phổ quát đã quy định"), và là một lối hành sự cẩn trọng. Động cơ nào đã khiến nhân viên chính quyền đả thương các giáo dân? Giáo dân mình có khiêu khích người ta không?
Lại có đoạn viết:
Đức Thánh Cha Benedictô XVI khi nghe là dân Haiti bị động đất đã gửi thư chia buồn và kêu gọi trợ giúp ngay chứ đâu cần phải phân biệt và chờ vị giám mục sở tại là người nắm rõ tình hình và giải quyết! Đó mới là người Cha có tinh thần thương yêu và đường hướng mục vụ đích thật.
Không hiểu sao tác giả lại nêu lên điểm này. Nếu nhìn vấn đề từ khía cạnh xác suất có thể phán đoán sai lầm do chưa nắm đủ nội tình, so sánh sự kiện Haiti với Đồng Chiêm là một so sánh khấp khễnh. Vai trò của một "người Cha tinh thần" ở đây là Đức Cha Ngô Quang Kiệt (TGM giáo phận Hà Nội), chứ không phải là Hội Đồng Giám Mục. Ngay cả ở Hoa Kỳ và Canada, cũng chưa thấy HĐGM lên tiếng về những sự kiện riêng biệt nào, ví dụ như những vụ nạn lạm dụng tính dục trẻ em bởi hàng giáo sĩ, mà phải nhận chỉ thị của Tòa Thánh. Nói như thế để cho thấy rằng, hành động của HĐGMVN không phải là ngoại lệ mà thực ra là thi hành Bộ Giáo Luật rất chuẩn.
Mặt khác, Cha Kiệt đã có mặt tại hiện trường để đích tay săn sóc cho các nạn nhân. Mà Cha Kiệt là Tổng Thư Ký đương nhiệm của HĐGMVN. Vậy sao có thể nói là "không lên tiếng"?
Lại có tin đồn rằng có sự chia rẽ giữa Cha Kiệt và HĐGMVN, và rằng bài "Lên Tiếng Hay Không Lên Tiếng" là bằng chứng của sự chia rẽ đó, cho rằng đây như là cái "tát tay" (lời của một vị "blogger Đỏ") vào mặt Cha Kiệt từ HĐGMVN. Tôi cố đọc đi dọc lại mà chẳng tìm thấy cái dấu tát tay nào trong bài viết đó cả. Ngược lại, tôi thấy dường như HĐGMVN muốn tát tay vào mặt chính quyền Việt Nam:
Chẳng nhẽ một đất nước tự hào mình dân chủ gấp trăm lần các đất nước khác, mà ngay cả những quyền căn bản nhất của con người cũng không được tôn trọng sao?...Một xã hội với bốn ngàn năm văn hoá sẽ không chấp nhận dung túng cho cách giải quyết các vấn đề xã hội bằng sức mạnh của cơ bắp."
Dĩ nhiên lời viết đã được uốn nắn rất kỹ trong khuôn khổ "xã hội chủ nghĩa", cho nên có lẽ hơi chói tai đối với những người "chống Cộng". Tuy rằng các Cha hẳn có nỗi khổ tâm riêng, nhưng các ngài vẫn nhấn mạnh: " có thể khẳng định HĐGMVN đã lên tiếng và sẽ còn lên tiếng".
Có lẽ ai đó nói đúng: trong Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đang có sự chia rẽ. Nhưng, là tín đồ của Chúa, ta phải tin vào lời hứa của Chúa, rằng Ngài không bỏ rơi hiền thê của Ngài, và tin rằng sức mạnh của Ngài sẽ cảm hóa những người có tâm địa bất chính.
Trên đây là đôi lời của một kẻ nghèo đức tin, để tỏ lòng hiệp thông với các thiên thần giàu ơn phúc Chúa tại Đồng Chiêm. Các bác hẳn thừa hiểu nhiều hơn tôi rằng: Họ có thể đập nát thánh giá trên Núi Thờ, nhưng cây thánh giá đó chỉ là biểu tượng bề ngoài, và nếu các bác vững lòng tin, họ sẽ không bao giờ đập được thánh giá in sâu đậm trên mỗi người của các bác.
Tuesday, January 19. 2010
CDKTheo tin từ VietnamNet, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam Tôn Quốc Tường (Sun Guoxiang) đã phát ngôn hôm 6 tháng 1:
kinh nghiệm quí báu nhất rút ra trong tiến trình 60 năm quan hệ Trung-Việt là 'hợp tác sẽ phát triển, đấu tranh sẽ thất bại.'
Ouch!
Hồi năm 1077, Lý Thường Kiệt đã dám thốt lên câu "Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm...Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư" đối với Đại Tống, một trong những triều đại cường thịnh nhất thế giới thời Trung Cổ (nguồn Wikipedia: " The economy of the Song Dynasty was one of the most prosperous and advanced economies in the medieval world."). Để rồi gần 1000 năm sau, con cháu ta người thì niềm nở hoan nghênh, kẻ thì thinh lặng, khi con cháu họ răn đe rằng: "thuận ta thì sống, nghịch ta thì chết".
Wednesday, January 6. 2010
CDKTheo tin:
TTO - 11g hôm nay 1-1, "cụ" rùa hồ Gươm đã nổi gần đền Ngọc Sơn. Ban đầu, "cụ" nổi gần khu vực đền Ngọc Sơn sau bơi dần sang phía cửa hàng Thủy Tạ (phố Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội). Hàng ngàn người dân hiếu kỳ đã đổ xô ra bờ hồ khu vực đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc để ngắm "cụ" rùa.
...
Điều đặc biệt là "cụ" rùa lại xuất hiện đúng vào ngày đầu năm tết dương lịch và cũng trùng vào dịp Hà Nội đang tưng bừng tổ chức lễ hội phố hoa, một trong những hoạt động hướng tới đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Rồi lại nữa:
(Dân trí) - Sáng nay, 3/1/2010, một lần nữa cụ Rùa hồ Gươm lại nổi lên, thu hút sự chú ý của hàng trăm người đang đi chơi phố hoa. Sự việc này diễn ra vào khoảng 11h15. Cụ Rùa nhiều lần nổi lên ở khu vực giữa hồ. Những người vô tình nhìn thấy cụ đã hô lớn, kéo theo sự chú ý của nhiều người khác.
Không biết có phải là sự sắp đặt của ai đó hay không đây, kiểu như Nguyễn Trãi đã từng dùng mật ong viết chữ trên lá đa.
Tương truyền, hễ thần Kim Quy xuất hiện thì đất nước sắp có diễn biến trọng đai. Lịch sử có ghi chép ít nhất là 2 lần: thời An Dương Vương (257-207TCN); thời Lê Thái Tổ (1385-1433).
Tôi thèm vở quyển Mai Hoa Dịch Số ra toán thử một quẻ, nhưng cuối cùng quyết định nó là một việc làm vô bổ, nên đã thôi.
Không can hệ gì tới chuyện rùa Hồ Hoàn Kiếm: Thời VNCH, phụ thân tôi đã từng công tác trên chiếc tuần duyên hạm HQ-605 (Kim Quy) với chức vụ hạm phó.

(Ảnh từ hqcuulong.org)
HQ-605, sau '75, có tham chiến trận Trường Sa (1988) với Trung Cộng và đã bị đánh chìm.
|
Recent Comments