CDK Chiều hôm qua, tam muội tôi xuống chơi. Lâu lắm rồi nó không xuống thăm tôi, còn mấy dịp tôi lên nhà nó thì không có nó ở nhà.
Hôm nay mẫu thân tôi làm mâm cơm chay cúng giỗ Bà Ngoại tôi. Sáng nay định thức dậy sớm để đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn Bà Ngoại, nhưng dạo tâm hồn tôi mệt mỏi, nên ngủ tới 10h00 sáng mới thức giấc.
Sáng nay mẹ tôi đi cúng chùa. Trưa nhị đệ tôi nó lên chơi. Chiều mẫu thân đi chùa về, mua đồ chay từ chùa về, làm mâm cơm cúng ở nhà. Tôi gọi điện mời phụ thân tôi xuống cùng vui--hơi băn khoăn tại sao dạo này tôi cần thiết phải mời thì ông mới xuống. Xong thì tôi xách xe chạy một vòng, mua kết bia cho mấy anh em nhâm nhi, và mua ít trái cây về cúng Bà Ngoại.
Khi tôi về tới nhà, thấy nhị đệ tôi nó đang ở trước cửa nhà, thay mặt tôi "tiếp đón" hai anh truyền đạo Nhân Chứng Giê-hô-va, tôi vội ra "đỡ lời" nhị đệ tôi. Hai người, một Việt một Tây, xưng tên là "Hòa" và "Bình". Anh Hòa, mẹ lại là một người công giáo, nhưng chẳng hiểu sao anh ta lại theo NCGHV. Tôi trao đổi với hai anh về câu "Gioan 1:1" trong Thánh Kinh Kitô giáo . Tôi hỏi hai anh có sự giải thích thế nào về lối chuyển dịch theo bản dịch NWT. Tôi cố thuyết phục họ về thuyết Chúa Ba Ngôi; họ cố thuyết phục tôi về quan niệm "thần linh" trong tín ngưỡng của họ. Tôi yêu cầu họ nêu lên ví dụ nào khác trong Kinh Thánh mà các thánh nhân hoặc thiên thần được gọi là "god", tương tự như lối dịch của NWT trong "Gioan 1:1" về Chúa Giêsu. Họ hứa sẽ tìm, và sẽ email cho tôi. Về "Gioan 1:1", sau này tôi sẽ có bài "siêu tầm" riêng. Hiện thời, chỉ ghi thêm ý này: tôi hỏi họ về Gioan 1:1 là vì tôi cho rằng quan niệm về Chúa Giêsu là điều tất yếu trong Kitô giáo. Nếu hiểu sai Chúa Giêsu là ai, thì rất có thể ta sẽ hiểu sai những lời dạy của Ngài. Hiện nay hầu hết các giáo phái Kitô giáo đều tin rằng "Giêsu là Đức Chúa Trời", ngoại trừ tín đồ NCGHV tin rằng Giêsu chỉ là một vị thần linh.
Phụ thân tôi xuống tới, mọi người ngồi vào bàn, với mấy món đơn sơ, vừa ăn vừa nghe mẫu thân tôi kể chuyện đời xưa về Bà Ngoại. Quan niệm của tôi về việc cúng giỗ ông bà: mục đích chính là để tưởng nhớ; cúng kiếng là để no bụng cho người sống, chứ người chết thì ăn được gì. Tưởng nhớ là để noi gương những cái hay, thậm chí những cái ta cho là "dở" cũng có thể dạy cho ta được bài học. Bởi mục đích chính là tưởng nhớ, cho nên tôi không đồng ý với lý luận cho rằng chỉ có nơi nào làm nhà thờ chính thức (nhà Dì Hai tôi bên VN, bởi là con gái lớn trong gđ) thì mới làm lễ giỗ, còn ngoài ra thì thôi. Tôi cám ơn mẹ tôi đã cho tôi cơ hội để có thêm chút ấn tượng về bên ngoại.
Đã lâu, tôi không có chút ấn tường gì về Bà Ngoại. Mẫu thân kể, Bà mất năm '77, thọ 46t. Do bệnh đau bao tử nên bà nhập viện để uống thuốc và điều trị, đêm khuya đi tiểu tiện, trượt chân mà té, nằm hôn mê trong nhà cầu. Tới sáng, dì Út tôi (lúc đó khoảng 7-8 tuổi gì đó) đi tiểu, thấy bà nằm đó, bèn vội kêu cấp cứu. Mẹ tôi--lúc đó do phải buôn bán xoay sở cho gia đình nên ở nhà, không trực trong b/v--hay tin thì chạy ngay vào nhà thương trông nom. Mẹ tôi đổ lỗi cho mấy người "bác sĩ quốc doanh" (lúc đó mới vừa "tiếp thu" các bác sĩ "ngụy" đã bỏ chạy hết), thiếu hiểu biết, gây trì trệ, không điều trị gì mà chỉ thử máu cho đến chết, cứu chữa không kịp thời nên Ngoại tôi mới tử vong. Khi Ngoại tôi mất, Mẹ phải mướn xe, giữa đêm đen, chở xác bà về nhà. Mẹ kể, trên đoạn đường về, Mẹ nhìn thấy bóng một người đàn bà đội nón lá, băng qua đường, rồi khuất bóng sau chiếc xe vừa chạy ngang. Bác tài xế hỏi: "Vừa rồi chị có thấy gì không? Đó là ma đó!" Mẹ cho rằng đó là Ngoại tôi, vừa đã xuất hồn.
Recent Comments