Trưa nay đưa mẫu thân tôi đi may lại vết thương, ngồi ngoài phòng đợi, buồn buồn lật tờ MacCleans ấn bản tháng 7, 2008, thấy có bài viết hay hay, về Bill Gates, với tựa đề The Gospel According to Bill (Phúc Âm theo Bill). Một khi người ta đã đạt được sự giàu có vượt qua mức tưởng tượng, thì còn việc gì nữa trên đời để làm đây? Câu trả lời theo Bill Gates, mà hiện giờ ai cũng đã biết, ấy là: làm từ thiện. Điều tôi không biết là: bác Bill không phải là người đầu tiên đi theo công thức này, mà dường như bác đang đi theo dấu chân của John D. Rockefeller và Andrew Carnegie. "Mốt" này dường như hơi được thịnh hành trong xóm người muốn làm giàu: chú tâm kiếm cho thật nhiều tiền, rồi thì với số tiền kếch xù ấy ta có thể làm được nhiều việc từ thiện giúp ích cho đời. Bác Gates là một gương sáng cho những người này.
Nhưng có điều--và như lời thằng nhị đệ của tôi nó đã có lần nói--nếu tôi cần bác cứu trợ, mà phải chờ đến khi nào bác thành đạt vượt sức tưởng tượng mới có thể được bác cứu giúp, thì tới chừng đó tôi sẽ đã chết khô khan từ kiếp nào.
Sáng hôm qua tôi bị tố tuyết.
Anh chàng kia đi bộ băng băng trên lối xe hơi chạy--chắc cậu ta nghĩ đường đi bộ bị ngập tuyết cho nên cậu ta có quyền đi trên đường xe ôtô. Thấy tôi đang trườn tới, anh ta vẫn không tránh đường. Tôi tưởng tôi đã quá tử tế khi đã thận trọng tiến tới càng chậm hơn, cố ý tránh làm bắn tóe nước bùn vào cậu ta. Nào ngờ, vừa chạy ngang thì đã được thưởng cho một quả bom tuyết mà cậu ta đã thủ sẵn trong tay tự bao giờ.
Thú thật, phản ứng đầu tiên của tôi là muốn đậu xe lại, và ngay lập tức chạy ra lượm một quả tuyết, vố trả vào mặt cậu ta một phát cho hả giận. Phản ứng tiếp sau đó là: thôi, cho qua.
Nhân đây gợi lên một chút nhận xét. Có một số người, không phải chỉ cậy trông vào sự tốt bụng của người xa lạ, mà họ còn đòi hỏi sự tốt bụng ấy. Lối suy nghĩ ấy dẫn giải như thế này:
Anh nên đối xử tốt với tôi.
Nếu anh không xử tốt với tôi thì anh có lỗi.
Nếu anh gây lỗi với tôi thì tôi có quyền trừng phạt anh để rửa nhục và đòi lại công lý.
Lập lại bước 1 cho người "bị trừng phạt".
Thấy cũng có lý nhỉ. Trừ phi, còn có cách giải quyết khác: thôi thì tôi đành chịu cái nhục bởi chưa tử tế đúng mức, để chấm dứt cái vòng lẩn quẩn của oán thù.
Dường như đó là cái gương cư xử mà Chúa Giêsu đã để lại (gợi ý: tội tổ tông), và chắc cũng là ngụ ý của câu dạy "Các con hãy thương yêu nhau như Thầy đã thương yêu các con" (Ga 15:12).
Sáng hôm qua vào công ty làm việc được hơn 1 tiếng đồng hồ thì tam đệ nó gọi điện: bà cụ nhà té xỉu trong phòng vệ sinh, đập đầu vào đâu đó, chảy máu. Nó đã đưa bà vào phòng ER, đã tạm băng bó cái đầu và hiện đang chờ bác sĩ kiểm khám. Tôi vội sắp xếp chuyện công ty, xong tọt về nhà lấy cái máy GPS dẫn đường, tới nơi thì bà cũng vừa được BS khám sơ. Tôi đổi ca với tam đệ cho nó về đi phỏng vấn gì gì đó. Ông bác sĩ khâu cho bà 5 mũi, bảo tình trạng không trầm trọng, và cho xuất viện với lời dặn hờ, nếu có trở biến gì thì hãy quay trở lại. Xuất viện, tôi chở bà về nhà tôi, trên đường ghé Swiss Chalet mua chén súp cho bà tẩm bổ.
Tối qua thấy bà ngủ được, nhưng sáng dậy than hơi rêm mình. Chắc tại lúc té đã cấn đâu đó. Chiều đi làm về sẽ ghé Shoppers Drug Mart tìm mua thuốc thoa.
Tối hôm qua ngồi trong xe chờ chuyến bay của phụ thân tôi đáp (máy bay bị đình trễ, hơn nửa đêm mới đáp, đưa ông về tới nhà thì đã gần 2 giờ sáng), buồn buồn mở băng tầng AM của radio nghe mấy chương trình hội thoại của đài CBS, nghe bàn về đức tin Công Giáo trong vấn đề kết hôn với người ngoại đạo. Nghe một bà--người công giáo--dõng dạc tố cáo một cô giáo của một trường công giáo là đã phạm "tội trọng" vì đã kết hôn với người ngoại đạo mà không thông qua bí tích hôn phối, tức là không được chấp nhận bởi Giáo Hội, và do đó hôn phối không có hiệu lực.
Hmm...Nghe những người sùng đạo hay vội vã kết tội như thế này, làm tôi không khỏi e dè. Tôi thiển nghĩ, Chúa Thánh Thần thật sự khoan dung nhiều hơn những người này hằng tưởng.
1637 Trong trường hợp hôn phối khác đạo, bên công giáo có trách nhiệm đặc biệt: "Chồng ngoại đạo được thánh hoá nhờ vợ và vợ ngoại đạo được thánh hoá nhờ chồng có đạo" (1Cr 7,14). Thật là một niềm vui lớn cho bên công giáo và cho Hội Thánh nếu "việc thánh hoá này" đưa người không công giáo tự nguyện đón nhận đức tin Ki-tô giáo (x. 1Cr 7,16). Chính tình yêu hôn nhân chân thành, việc khiêm tốn và kiên nhẫn thực thi những nhân đức gia đình và siêng năng cầu nguyện có thể chuẩn bị cho người không có đạo được ơn làm con Chúa.
Nhân đọc bài Veni Creator Spiritus, thông điệp của ĐTC Biển Đức XVI, suy niệm vài điều về Chúa Thánh Thần (Thần Khí, Đức Thánh Linh, ...)
Thần Khí là uy lực tác tạo (và liên tục tái tạo) nên trời đất, vạn vật sinh linh, cho chúng sự tinh vi và trật tự trong cơ cấu và cả tinh thần. Thần Khí hiện hữu trong thiên nhiên.
Chúa Cứu Thế là Thần Khí
Thần Khí là hơi thở của Chúa Cứu Thế
Thần Khí là linh hồn của thân thể của Chúa Cứu Thế
Thần Khí (Chúa Thánh Thần) và Chúa Cứu Thế không thể tách rời nhau
Giáo Hội là thân thể của Chúa Cứu Thế
Niềm vui là hoa quả của Chúa Thánh Thần (Ga 5:22)
Tự dưng nãy sinh ý nghĩ: Thể xác, lời nói, cùng trí tuệ lẫn tâm hồn; ba thứ này của con người không phải là biểu hiện cực tiểu của Thiên Chúa Ba Ngôi hay sao?
290 (326) "Lúc khởi đầu Thiên Chúa tạo dựng trời và đất": những lời đầu tiên này của Kinh thánh khẳng định ba điều : Thiên Chúa vĩnh cửu đã đặt một khởi điểm cho tất cả những gì hiện hữu bên ngoài Người; duy chỉ mình Người là Ðấng Sáng Tạo (động từ "sáng tạo"- tiếng hipri là bara - luôn có chủ từ là Thiên Chúa) ; toàn thể những gì hiện hữu (được diễn tả bằng công thức "trời và đất") đều tùy thuộc vào Ðấng đã cho chúng hiện hữu.
291 (241 331 703) "Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời và Ngôi Lời là Thiên Chúa... Nhờ Ngôi Lời vạn vật được tạo thành và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành" (Ga 1, 1-3). Tân Ước mặc khải rằng : Thiên Chúa đã tạo dựng tất cả nhờ Ngôi Lời vĩnh cửu là Con yêu quí của Người. Chính trong Người mà "mọi sự trên trời và dưới đất được tạo dựng... , mọi sự được dựng nên nhờ Người và cho Người. Người có trước mọi sự và mọi sự tồn tại trong Người" (Cl 1, 16-17). Ðức tin của Hội Thánh cũng xác quyết như vậy về hoạt động sáng tạo của Chúa Thánh Thần. Người là "Ðấng ban sự sống" (Kinh Tin Kính Ni-xê-a Con-tan-ti-nô-po-li), là "Thần trí tác tạo"("Veni, Creator Spiritus"), là nguồn mạch của mọi thiện hảo (Phụng vụ Byzantine, kinh chiều lễ Hiện Xuống)
292 (699 257) Sự thống nhất không thể tách rời giữa hành động sáng tạo của Chúa Con và Chúa Thánh Thần với hành động sáng tạo của Chúa Cha đã được thoáng thấy trong Cựu Ước (x. Tv 33, 6; 104, 30; St 1, 2-3), và được mặc khải trong Tân Ước, nay được qui luật đức tin của Hội Thánh xác định rõ ràng : "chỉ có một Thiên Chúa duy nhất... : Người là Cha, là Thiên Chúa, là Ðấng Sáng Tạo, là Tác Giả, là Ðấng an bài mọi sự. Người tự mình tác tạo mọi sự nghĩa là nhờ Lời và Đức Khôn Ngoan của Người" (T. I-rê-nê , chống lạc giáo, 2, 30. 9), "nhờ Chúa Con và Chúa Thánh Thần" như "những bàn tay của Người" (Ibid, 4, 20, 1.). Sáng tạo là công trình chung của Ba Ngôi Chí Thánh.
Chẳng hiểu chích ngừa làm cái quái gì, vẫn bị trúng cảm như thường. Liên tục hai đêm nằm run lập cập trong chăn, mặc dù đã mặc 3 lớp áo, 2 lớp quần, và luôn đôi tất. Dường như theo thường lệ, hễ tới dịp nghĩ phép là đau--nhàn cư vi bất thiện?
Tuy vậy nhưng cũng không đến nỗi liệt giường. Sáng hôm qua còn lồm cồm bò dậy, xách xe lên đưa phụ thân tôi ra phi trường--ông đi dự lễ cưới con người bạn bên Cali--đã lấy vé hơn 6 tháng trước rồi. Xong thì về nhà ngồi thảo lại bản hợp đồng thuê chỗ cho bà khách của mẫu thân tôi--Mẹ tôi bán tiệm cho bà kia, nhờ soạn dùm bản giao kèo thuê chỗ mới. Mọi việc xong, tôi leo lên giường, trùm chăn đánh một giấc tới chiều.
Lại nói chuyện phụ thân tôi đi Mỹ. Thằng nhị đệ của tôi tuần rồi hay tin, chua một câu: "Ông Nội, đám cưới người dưng tận bên Cali mà đi được, còn cháu nội gần trên Guelph đây thôi mà không đi thăm được". Dường như nó trách phụ thân tôi bỏ bê nó. Tôi không biết "Ông Nội" có trách nó là thằng con bất hiếu như ông từng trách tôi hay không. Dù trong thâm tâm nó, ông có chểnh mảng chức vụ làm cha tới đâu, không có ông thì làm gì nó được ở trên mảnh đất hứa này, cho dù nhà cao cửa rộng là hoàn toàn một tay nó làm ra.
Tối Chúa Nhật, 4 tây tháng 1, ông về qua ngõ Chicago. Ghi đây để nhớ mà đi rước ông.
Hôm Boxing Day, đi dạo tiệm điện tử ở Cambridge với nhị đệ tôi, tóm được cái Garmin Nuvi 205 ở 2001 Audio/Video, giá thường $199, nay còn $149 (Hôm sau ra FutureShop ở Toronto, thấy để giá $99, nhưng tức thật, họ đã hết hàng.) Ở thành phố này hai mươi mấy năm nhưng có nhiều khu phố vẫn làm tôi mất định hướng như thường, ví dụ như khu Square One hoặc Promenade. Có cái máy GPS này từ nay khỏi bị lộng cộng đường lối. Nhận xét đầu tiên sau vài ngày dùng thử: hướng dẫn tuyến đường đôi lúc hơi bị bậy bạ, nhưng khi tôi đi đường khác, máy có thể tự điều chỉnh theo tuyến đường mới. Thêm nữa, nhờ máy này mà trưa nay dễ dàng tìm ra được tiệm cắt tóc First Choice Hair Cutters trên đường Wilson.
Hôm trước vừa mua xong máy GPS trên Cambridge, đem ra xe thì liền moi ra, cắm điện vào ngay, bởi tôi cần định hướng để trở ra xa lộ 401. Chạy được nửa giờ đồng hồ thì nó chợt tắt (hết điện). Thì ra ổ cắm châm thuốc không ăn điện. Thử lây lắc nó một hồ, nó rớt ra luôn. Quả là xe đã tới tuổi.
Hôm qua ở nhà, tháo miếng nhựa bên trên máy radio ra xem, siết lại cục mồi thuốc cho chặt.
Mở máy, thấy mạch đèn--bên cạnh mạch mồi thuốc--không cháy. Chắc là bị đứt cầu chì. Đã kiểm soát hộp cầu chì trong buồng máy, không cái nào đứt. Còn một hộp chì dưới tay lái phía bên trái, chưa mò mở ra được. Để nghỉ vài ngày rồi mò tiếp. Hiện tại, tôi đã mua cái cục A/C adapter, sạc ở nhà xong, xài pin được khoảng 4-6 tiếng đồng hồ.
Nô-en năm nay, lần đầu tiên, tôi lên nhà nhị đệ cùng chung vui với gia đình nó. Tối 24, lên tới nơi, vừa kịp đi lễ 20h00 (chỉ tôi đi, bởi bọn nó theo đạo Phật, không theo đạo Thiên Chúa).
Xong thì trở về nhà, rượu tiệc, đàn ca, nhảy nhót với lũ trẻ, chờ nửa đêm xem chúng nó mở quà.
Hằng năm, vào tháng này, trong thành phố Toronto có nhiều địa điểm công cộng triễn lãm đèn giáng sinh. Ngoài ra, nhiều nhà dân cư cũng giăng đèn đủ màu, đủ hình tượng, trước ngõ nhà họ (tôi không có trong số này). Gần xóm tôi, trên đường Caledonia, khoảng giữa Rogers và St. Clair, có ngôi này làm hơi quá đà ngoạn mục:
Còn nữa, nghe đâu bên Markham (thành phố phụ cận phía đông bắc của Toronto) có gia đình Lindsay, thậm chí còn chơi trò hòa nhạc--phát thanh trên băng tầng nội bộ 104.9MHz FM, đệm theo từng nhịp đèn chớp nhoáng trước sân nhà:
Nhớ có lần tôi hỏi một tín hữu rằng anh ấy có biết rằng ngày 25 tháng 12 không đích thực là ngày hạ sanh của Chúa Giêsu hay không, thì liền bị anh ấy chửi cho một phen. Chẳng hiểu tại sao.
Hôm tối Thứ Bảy rồi tôi đi thăm anh bạn, vợ anh mới sanh thêm một quí tử vừa được hai tuần. Biết anh là người ngoan đạo, tôi hỏi anh rửa tội cho bé chưa? Anh bảo chưa. Chị vợ anh sẵn tiện, ngõ ý hỏi tôi làm cha đỡ đầu cho bé. Tôi mạnh dạn bảo "không thành vấn đề". Chị bèn nói, cũng có mấy người bạn của anh muốn làm cha đỡ đầu cho bé, nhưng chị muốn tìm người có đạo đức. Tôi đành cười cười, "nếu cần người có đạo đức thì em không thích hợp rồi chị à".
Câu trên tôi nói thật lòng, chứ không phải châm biếm.
Đã chờ mấy tuần nay coi đài nào họ sẽ hát nhạc giáng sinh suốt ngày theo thường lệ--trí nhớ tôi tồi tệ, không nhớ được. Thì ra là đài 97.3FM, và hôm nay họ đã bắt đầu.
Sáng nay chạy ngang một ngã tư đèn đỏ, thấy bên kia đường có chiếc xe Mẹc, ngồi sau tay lái là một cô đầm tóc vàng tuổi trạc tứ tuần, thỉnh thoảng cô chớp nhoáng đèn xe lên rồi tắt. Thấy vậy, tôi thầm nghĩ, cô này khùng hay sao, chớp đèn lấy le với ai đằng kia chắc. Đèn xanh lên, tôi vọt qua ngã tư, vừa kịp nhận ra vì sao cô ta chớp đèn: phía trước tôi độ 20m, có hai xe cảnh sát đang cặp kè một xe thường dân, chắc là đang ghi vé phạt vượt tốc độ. Thì ra cô đầm kia có ý báo động với mấy xe đối chiều, rằng đằng trước có cảnh sát mai phục. Đây là một luật ngầm của người lái xe, thể hiện mơ hồ sự quan tâm của con người đối với kẻ xa lạ. Mai cho tôi trong trường hợp này, đã quá quen với khúc đường này, thừa biết hay có đày tớ dân mai phục bắt phạt dân, nên đã không chạy quá nhanh.
Tôi thắc mắc, có mấy ai trên đường đời sớm nhận ra được những tín hiệu phảng phất như thế này. Hay là như tôi, khi nhận ra được thì đã muộng màng.
Tối Thứ Sáu tuần rồi, tôi tháp tùng với ông sếp CEO (ông sang viếng nhóm kỹ thuật suốt cả tuần) đi dự tiệc giáng sinh của công ty bạn. Năm nào họ cũng nhã nhặn mời, nhưng hai, ba năm vừa rôi tôi không dự, bởi không mấy hứng thú chuyện tiệc tùng, đình đám. Vậy nhưng năm nay tự nhiên hứng. Tán dóc với ông sếp tôi trong lúc ngồi bàn tiệc. Dzời! Làm chung với nhau hơn một thập niên, giờ mới biết được ông ta cũng là người Công Giáo. Ông này giữ đạo mình kín thật. Cũng có thể là tôi đang ngủ gục suốt mười mấy năm nay mới không hay biết. Tôi nghĩ chắc ông ta là cái mà người đời gọi là "người công giáo theo truyền thống" (cultural catholic).
Recent Comments