Tôi tình cờ xem được bài diễn văn này của bác John McCain trên C-SPAN tối Thứ Năm hôm đi công tác ở Phoenix.
Wow! Chưa bao giờ tôi thấy bác McCain sống động và hài hước như thế trước đám đông. Đối lập trong ôn hòa. Đây là những giây phút nổi bật nhất của một nền dân chủ.
Đầu óc tôi quả là có vấn đề, chưa già mấy mà đã lú lẫn cha nó rồi. Sáng nay ngủ dậy, tưởng là ngày Chúa Nhật. Đem xe ra Canadian Tire (CTC) sửa. Bất mãn. Về nhà. Vẫn còn quên là hôm nay Thứ Hai phải đi làm, lại định xách xe chạy lên Guelph cho nhị đệ nó coi lại xem sao.
Tuần rồi đem xe cho họ thay nguyên bộ đĩa thắng (brake calipers), bố thắng (brake pads), và trục quay (rotors) cho hai bánh sau, tốn $900. Về chạy nghe mùi nhựa khét. Hóa ra họ thay làm sao mà dây thắng tay bị đứt--dĩ nhiên họ không chịu nhận là lỗi ở họ--giờ bảo phải tốn $500 để thay dây thắng. Thôi, dẹp. Kỳ rồi (3,4 năm về trước) họ thay nhớt, quên đóng nắp bình nhớt. Và bây giờ thì lại vụ này. Khỏi phải nói, từ nay bác Canadian Tire đã mất đi một khách hàng trung thành. Dĩ nhiên, có một tí xác suất rất nhỏ, là do dây thắng của xe tôi quá cũ kỹ nên đã bị đứt, nhưng thiệt hại đã đành: tôi không còn tin tưởng ở khả năng và chất lượng của CTC nữa.
Sự việc này làm tôi nhớ có lần xem chương trình Kitchen Nightmares của bác siêu đầu bếp Gordon Ramsay. Bác chủ quán tâm sự với bác Ramsay: "Tôi không hiểu vì sao nhà hàng tôi lại thu nhập tệ thế; các phiếu thăm dò ý kiến mà khách hàng đã từng ghi, đều cho thấy họ hưởng ứng rất khả quan kia mà". Bác Ramsay đáp: "Những mẫu giấy thăm dò ý kiến ấy hoàn toàn vô dụng. Khách hàng không trả lời bằng giấy mực hoặc lời nói. Họ trả lời bằng cách không bao giờ trở lại đây nữa."
--
T.B.: chữ "kém tài" này tôi dịch ra từ chữ "incompetence", nghe sao thấy nó chưa đúng ý cho lắm.
Mới năm ngoái, con vịt vừa bay qua đầu ông Washington, thì nay lại thụt lùi ra sau đít ông: 1.00CAD = 0.797USD. Thứ Năm tuần rồi, vào máy rút tiền ở phi trường Phoenix, rút 100 USD dằn túi, mà nay xem lại tài khoản, thấy nó tính 100.00 USD @ 1.2265 = 122.65.
Cho thấy, lời phát biểu của bác Harper vào tháng rồi, rằng nền kinh tế Canada vẫn vững mạnh, chả có nghĩa lý gì cả. Biết rằng ở cương vị của một quốc trưởng, ông phải nói vậy để trấn an lòng dân.
Nhưng, theo thông tấn Canadian Press, đồng đô Canada phải tụt giá như vậy để đương đầu với cuộc khủng hoảng thị trường toàn cầu, vì đồng đô yếu sẽ khiến giá xuất khẩu tụt. Giá rẻ hơn thì sẽ dễ hấp dẫn khách hàng nhiều hơn. Ví dụ, lúc này là lúc thuận tiện cho mấy bác láng giềng của tôi ở phương Nam lên Canada để du lịch, mua sắm.
Tối đi làm về, xem tin tức mới hay, ngày nay phía bắc thành phố vừa được hứng một trận tuyết rao mùa. Chỗ công ty của tôi, không thấy hạt tuyết nào cả.
Tánh tôi lẩm cẩm, cho nên nhờ ghi chép trên đây, mới thấy, ở xứ này, tháng 10 có tuyết cũng không phải là lạ.
Tôi đã để đồng hồ báo thức 4h30, nhưng đã ngủ thẳng cẳng tới 7h00 mới dậy, làm trễ chuyến bay 7h30 bay trực tiếp tới Phoenix.
Sau 10 năm làm việc, đi công tác bao nhiêu lần. Nhận thấy trong phi vụ, mình vẫn còn được sự "may mắn" không kém thuở ban đầu. Có khác chăng là phản ứng của tôi khi vấp phải những trường hợp này: tôi không còn hốt hoảng, hoang mang như xưa nữa. Mấy bác chuyên quản lý dự án (project manager) có một câu để ứng xử cho những trường hợp này: "It is what it is!". Sự việc đã là như vậy. Có hốt hoảng, hoang mang, cũng chẳng giúp được gì.
12h35 giờ địa phương.
Đang ngồi tại phi trường McCarran, chờ chuyến bay về TO. Lại bắt được sóng wifi miễn phí. Wow! 2/3 không phải tệ. Mạng wifi ở đây xem chừng nhanh hơn tôi từng nhớ.
Chuyến bay từ Phoenix tới Las Vegas chỉ mất khoảng 35'. Vừa chui ra khỏi phi cơ, ngay trong khuông viên cổng máy bay, biểu tượng thủ đô cờ bạc của thế giới đã ập ngay vào mắt tôi:
Mới vừa nghe cô nhân viên thông báo trên máy phóng thanh: máy bay bị đình trễ, nghĩa là sẽ cất cánh trễ hơn dự tính khoảng 30'.
Bây giờ là 8h55 giờ địa phương. Tôi đang ngồi tại cổng B6 ở phi trường Sky Harbor, Phoenix (phi-níx), chờ chuyến bay 10h00 về Toronto, chuyển tiếp qua Las Vagas, dùng mạng wifi của phi trường. Phi trường Phoenix (phi-níc) Sky Harbor có wifi miễn phí. Thật hiếm! Thời buổi này, dường như mấy mạng wifi ở phi trường nào cũng phải bắt đóng tiền ($7.95/ngày) để nối mạng. Lúc nãy tôi mới đứng lọ mọ trước mấy cái màn hình, tra xét cổng khởi hành cho chuyến bay, có một cô nhân viên tươi cười đến hỏi "cậu cần giúp gì không?" Trước, đó khi đi trên xe buýt, từ chỗ trả xe mướn, vào phi trường, thấy tivi hô hào khẩu hiệu, "America's friendliest airport". Giờ thấy họ không nói ngoa.
Lẽ ra đã về hồi hôm qua, nhưng làm đe-mồ hơi quá giờ, đến quầy lấy phiếu máy bay cho chuyến 15h12 thì đã trễ 10'. Ai biết họ đã có nhu cầu check-in trước 60' từ hồi nào. Tôi đến 50' trước giờ bay. Thế là họ không cho vào. Đành ngủ lại đây thêm một đêm. Mướn xe (có GPS, thêm $13.95/ngày), định nhân cơ hội đi đâu xem thắng cảnh thiên nhiên. Grand Canyon thì quá xa. Ăn chiều xong thì đã hơn 18h30. Tính làm một chuyến lên Flagstaff xem hố thiên thạch--hơn 2h lái xe. Đi được nữa đường thì thấy oải. Bụng bảo dạ, nếu tới nơi mà lả mệt, lái về không nổi thì là nguy. Bèn quay xe trở lại, về khách sạn lúc 21h20, nghỉ thôi.
Thử Bảy vừa rồi lên nhị đệ phụ nó đóng vách phần còn lại của tầng hầm, sẵn đến Chúa Nhật chung vui này sinh nhật thứ 5 của bé K. Sáng Chúa Nhật phụ thân tôi lên tiếp nó một tay. Đóng vách xong, tiếp theo sẽ là trét bột, sơn vách, rồi lót gạch.
Tối thì tối qua phải về vì hôm nay (Thứ Hai) có công việc, phải chuẩn bị đe-mồ, dự trù tuần này sẽ phải bay sang Phoenix một phen để demo trực tiếp với khách mới. Công việc này đáng lẽ ra là ông sếp tôi bên Mỹ làm, nhưng ông ta bị kẹt bên Úc mấy tuần nay, gần cuối tuần này mới về lại Mỹ.
Cái quái quăm của ngày lễ này là: Canada tổ chức vào tháng 10, trong khi Mỹ lại cử hành vào tháng 11, tạo sự nhập nhằng trong quan hệ kinh doanh. Tôi đã cố gợi ý lắm, rằng hôm nay là ngày lễ bên đây, nhưng chúng nó vẫn dửng dưng. Thôi thì mình hãy còn nhỏ nên đành chịu vậy.
--- Cập nhật 1 tháng 2, 2009 @ 14h30:
Hình này, đang ngồi ngoài sàn sau ở nhà thằng em, nó lấy máy bấm cho một tấm hồi nào không nhớ ...
Tối nay vừa đàm thoại với Ngũ Cô bên VN, trên YM. Bà cô tôi dạo này quá tân tiến; ngược lại dạo này tôi tụt hậu, lâu rồi không chát-chít gì nữa. Chắc cũng hơn hai năm rồi không nói chuyện, nên bà kể chuyện tràn lan đại hải. Được bà bỗ sung cho mấy chi tiết:
Tôi nhắc chuyện sợ ma, bà vở lẽ, bảo: ờ, tao tưởng hồi đó mầy thương tao, sợ tao ngồi may một mình buồn nên chưa chịu đi ngủ. Té ra là mầy sợ ma hả?
Về chuyện của Ông cố tử thương do phụ thân tôi kể, bà đính chính rằng, đấy là Ông Ngoại của Bà Nội tôi, tức là Ông Cố của Ba tôi và là Ông Sơ của tôi. Lần đó Ông bị bắn bị thương thôi, chứ không đến nổi tử vong.
Được biết, bà cũng đã thâu âm một loại bài hát--thì ra là gia đình có máu nghệ sĩ . Tôi đã bảo Vĩnh Ân đăng lên đây:
Còn vài ngày nữa là đến đợt bầu cử liên bang thứ 40 của Canada. Đã định sẽ bầu cho đảng Bảo Thủ của bác Harper vì thấy bác ta làm được. Hơn nữa tôi thấy thái độ điềm tĩnh của ông khi đối đáp phỏng vấn về sự khủng hoảng thị trường hiện thời--trong khi mấy bác bên phe đối lập hoang mang như gà bị chặt đầu--biểu lộ phong cách của một vị quốc trưởng. Nhưng đến giờ này vẫn chưa thấy con ma dân biểu nào của bác ta đến xóm tôi vận động. Sáng nay đọc mấy blog cộng đồng Toronto mới biết lần đầu tiên tên của mẹ cha nội dân biểu đảng Bảo Thủ đại diện cho xóm mình--Jillian Saweczko Aydin Cocelli. Nên bực mình. Dường như họ đã nắm chắc phần thắng hay sao ấy. Định sẽ bầu cho mấy bác Tự Do. Nhưng thật ra tôi vẫn chưa khẳng định.
Đợt bầu cử liên bang kỳ rồi hồi 2006, tôi ngủ gục--Tôi nhớ hình như do bị kẹt ở công ty, về bầu không kịp. Nên bác Harper vào 24 Sussex Drive hồi nào tôi không hay. Tự nhủ, ngày 14 tây tháng 10 sắp tới đây, sẽ không xao lãng việc thực thi quyền tự do dân chủ của mình nữa.
Mấy tuần trước, phụ thân và nhị đệ tôi xuống làm giỗ cho Ông tôi. Ngồi kể chuyện đời xưa về thời Ông Nội và Ông Cố tôi. Tôi thì nhớ Bà Nội có kể, thời xưa loạn lạc, đạo tặc lan tràn. Nhà Ông Cố tôi ban đêm bị ăn trộm liên miên. Chủ nhà vác tầm vong rượt ăn trộm chạy rầm rầm. Mấy cậu ăn trộm thì trần truồng như nhộng trong bóng đêm, bôi bùn khắp thân thể để khi có bị chủ nhà víu được trong đêm tối thì thân hình trơn tru sẽ tạo thuận lợi cho việc đào tẩu. Phụ thân tôi kể thêm, rằng có lần Ông Cố tôi vác tầm vong rượt bọn ăn trộm, bị chúng dùng súng đạn chì bắn trả lại, khiến Ông Cố tôi tử thương.
Câu chuyện thời xưa ở trên gợi nhớ chuyện đạo tặc của thời nay. Thay vì ăn cắp đồ thì người ta ăn cắp văn. Bên blog Khoa Học Máy Tính, thấy bác Hưng lại phải phàn nàn vì có ai đó bên VN ăn cắp bài viết của bác ta. Hồi tháng 7 vừa rồi, tôi tình cờ phát giác ra bài viết này trên Wikipedia Tiếng Việt, hầu như là hoàn toàn sao chép từ chương 4 của tác phẩm "công giáo: huyền thoại và tội ác" của Charlie Nguyễn. Wikipedia Việt Ngữ cần có nhiều cố gắng nữa để đạt được trình độ chất lượng của phiên bản Anh ngữ (cho dù bên Anh ngữ cũng có khuyết điểm).
Hai ngày cuối tuần chạy lên giúp nhị đệ làm lại cái tầng hầm của nó. Hôm nay thấy ran rán cái lưng, dấu hiệu sắp sửa bị trúng cảm.
Nói giúp cho nó oai nhưng thật ra tôi chỉ kiêm việc ... đỡ ván và đóng đinh, còn phần đo cắt ván và chạy dây điện thì do phụ thân tôi và nó làm. Ba cái việc này thì tôi đành bù trất.
Hai cái cuối tuần vừa qua, tôi lò mò dựng lên cái trang web cho cái tiệm của mẫu thân tôi: Vicky's The Spa. Hôm nay đã tạm hoàn tất, sẵn tiện công bố ở đây. Mạng này do tôi dùng dịch vụ Google Sites, cộng thêm dịch vụ đăng ký tên miền của co.cc, tất cả đều là miễn phí.
Gần đây, nhờ những vụ bùng nỗ tranh chấp nhà đất liên quan đến giáo phận Hà Nội, tôi mới được đọc thêm chút về Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt. Mới đây, dường như câu phát ngôn của ông đã làm rối loạn lòng dân trong nước:
...Do đó, chúng tôi xin nhắc lại, chúng tôi rất mong muốn xây dựng một khối đại đoàn kết dân tộc. Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế. Còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng...
Nghe đâu vì những lời này mà có một số giáo dân đòi truất phế chức vụ Tổng Giám Mục của ông.
Tôi không biết gì nhiều về Đức Tổng, nhưng nếu người thế gian chỉ trích, bắt bớ ông như thế, vậy thì chắc là ông đang làm đúng. Nếu là 2000 năm trước đây, chắc người ta còn hô hào đóng đinh ông vào cây thập tự nữa là khác.
Ngày giỗ Ông Nội tôi nhằm ngày 27-08 AL, tức là hôm Thứ Sáu vừa qua. Do lu bu nên đã chễnh mảng, không đọc kinh đúng ngày cho ông. Thật có lỗi.
Ông tôi quê ở Gò Công, làm nghề thầy giáo trung học tại đấy một thời gian. Sau đó vì việc xin dạy tại trường công lập Nguyễn Đình Chiểu ở Mỹ Tho, nên đã dời gia đình lên Mỹ Tho sinh sống. Trong khi đó, ông còn xin dạy thêm ở Hòa Đồng, Chợ Gạo, hằng ngày đạp xe đạp hơn mười mấy cây số để đi dạy. Hè vừa rồi tôi cũng đạp 15 cây số để đi làm mỗi ngày. Vậy là hai ông cháu coi như có chút điểm tương đồng.
Hồi nhỏ tôi ít gần gũi với ông (tôi quấn quýt bên Bà Nội tôi nhiều hơn). Nhưng cũng có vài kỷ niệm khó quên. Nhớ năm '76, '77 gì đó, khi tản cư từ Sài Gòn về Gò Công, từ huyện về ấp Thanh Nhung, mấy thúc thúc cùng mẫu thân và nhị đệ tôi đã rẽ ra, đi xe bò về trước theo ngã Tân Tăng Hòa, còn hai ông cháu từ từ tản bộ về qua ngõ Tân Cương, đi hai bên đồng lúa xanh bát ngát, phơ phất theo từng đợt gió. Thỉnh thoảng trên đường, gặp lại bà con đã từ lâu không gặp, ông dừng lại nói chuyện. Họ hỏi:
- ủa, con của đứa nào đây anh?
- con của thằng N. đó anh.
- chà, hai ông cháu, một già một trẻ, vừa đi vừa tâm sự như hai người bạn vậy nha.
...
Dường như giây phút đồng hành với ông lúc đó là lúc tôi gần ông tôi nhất.
Sau khi đã ổn định ở dưới quê, tôi vào học lớp một. Một hôm ngồi treo vắt võng trên nhánh cây chùm ruột trước nhà, lớn tiếng đọc lào lào bài tập đọc, không nhớ nguyên bài thế nào, chỉ nhớ cuối bài có câu mà tôi dõng dạc đọc là "cho em không lớn". Ông tôi ngồi ở dưới nghe được, bèn lên tiếng sửa là "cho em khôn lớn". Tôi không chịu nghe theo. Thế là hai ông cháu cãi nhau. Sau cùng, ông mệt quá, thốt lên, "Đồ ngu!" Thằng khỉ nhị đệ của tôi ở dưới đất nghe vậy, cũng hòa theo, "hì hì hì ... anh hai nhu! hì hì".
Ông mất năm '80. Còn nhớ đêm đó, nửa đêm chợt tỉnh giấc, thấy mình đang nằm trên nhà bác Ba Giáo ở cùng xóm (Bác Ba là con trai của Ông Sáu, anh ruột của Bà Nội tôi). Hỏi tại sao tôi lại ở đây thì không ai chịu nói. Tôi nằng nặc đòi về vì không muốn ngủ xa Bà Nội. Mãi lâu mấy anh mới đưa tôi về nhà. Bà nhìn tôi mếu máo, "Ông Nội mất rồi con". Tôi ngơ ngác không biết nói gì, cũng không xúc động gì--tuổi thơ chừng ấy làm gì biết ý thức về sinh tử. Thì ra chú tôi đã đưa tôi lên ngủ nhờ bên nhà Bác Ba để gia đình tiện lo tang sự.
Sau đó, đi "thăm nuôi" phụ thân tôi ở Tây Ninh. Trên đường đi bộ mấy cây số từ trạm xe vào trại cải tạo, chung quanh cảnh hùng vĩ của Núi Điện Bà, Bà tôi đã căn dặn nhiều lần: "Ba con có hỏi thì hãy nói Ông Nội vẫn khỏe. Đừng cho Ba con biết Ông mất, kẻo Ba buồn." Tôi răm rắp, vâng vâng, dạ dạ. Đến hồi gặp Ba tôi, Bà Nội đi rửa mặt, còn tôi vô tư ngồi chơi trong lòng Ba. Chợt Ba hỏi "Ông Nội khỏe không con?" Tự nhiên tôi mếu méo, lời thốt ra vô tư như không cầm được, "Ông Nội mất rồi!" Nói xong thì òa khóc lên ngon lành. Phụ thân tôi, trong nỗi đau với tin bất ngờ mất cha, lại phải vội dỗ giành, an ủi đứa con ngỗ nghịch đang ngồi gọn trong lòng ông.
Recent Comments