Tình cờ bắt được, nên tôi ráng thức khuya để xem đài truyền hình Salt-and-Light tái chiếu Thánh Lễ do ĐHY William Nevada (Bộ Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin của Vatican) làm chủ tế tại Nhà Thờ Đức Bà ở Ottawa. Lễ vừa mới kết thúc. Trích đoạn từ Bài giảng của ngài:
Ý tưởng về bí tích Công Giáo dạy ta rằng điều phi thường chỉ nằm ở bên ngưỡng cửa của sự tầm thường. Sự khoe khoang tự hào nhất của nhân loại là một trinh nữ vô danh của thành Nazareth. Vị Chúa Tể Càn Khôn nằm trong máng lừa nơi Bethlehem. Sự cứu rỗi của toàn thế giới được thực hiện giữa hai tên ăn trộm. Chúa Phục Sinh đến với ta trong những nguyên tố thấp hèn của bánh mì và rượu nho. Quyền năng tha tội được ủy thác nơi những người vốn đã mắc tội. Đây chính là sự quy mô của bí tích, mà trong đó điều phi thường được hoàn thành bởi phương thức rất tầm thường.
[The Catholic sacramental imagination teaches us what Naaman had to learn, namely that the extraordinary lies just on the other side of the ordinary. The proudest boast of the human race is an unknown virgin of Nazareth. The Sovereign Lord of the universe lies in manger in Bethlehem. The redemption of the whole world is accomplished between two thieves. The Risen Lord comes to us in the humble elements of bread and wine. The divine power to forgive sins is entrusted to sinful men themselves. This is the sacramental economy, in which the most extraordinary things are accomplished in the most ordinary way.]
Chúa không ngừng mời gọi ta đến dự bàn tiệc của Ngài, mặc dầu ta liên tục khước từ. Tôi vốn mơ hồ rằng mình hiện đang mang trên vai hai sứ mạng: 1) chữa mình, 2) chữa người. "người" ở đây mang hàm ý trước tiên là những người thân yêu của tôi. Sứ mạng phi thường thật. Phương thức tầm thường nào có thể giúp tôi đây? [thở dài]
Khi tỉnh thức, ta mơ ước sống từng giây bên em.
Khi ngủ mê, ta chiêm bao ân ái cùng em.
Khi nhận thấy khuyết điểm, và liền sau đó nhớ lại bao ưu điểm.
Khi buông lời trách mắng, và liền sau đó tự hận mình quá lời.
Khi hiểu rằng, ta diễm phúc được có em trong đời.
Và khi em ra đi, ta hiểu rằng ta không đáng có được em.
Ta yêu em từng giây phút của đời ta.
Những món quà, mà tôi từng nhận được trong đời, hoàn toàn không phải là do tôi xứng đáng, mà là do lòng hảo tâm của người ban tặng. Đó gọi là ân huệ, là hồng ân. Tôi trân trọng nó từng giây, từng phút, vì bởi tôi biết nó có thể biến mất đi bất cứ lúc nào.
Tối hôm qua mẫu thân tôi đi Chùa về, đem về cho tôi mấy cái bánh ít và nhắc tôi lúc xưa Nội tôi hay làm bánh ít, nhất là vào dịp Tết. Mẹ chua thêm: "Hình như ông bà nội [con] chưa đầu thai, dạo này [Mẹ] hay nằm mơ thấy ông bà đang ở trong nhà này." Tôi nửa đùa với mẫu thân rằng nếu thật vậy thì tôi đây quả là có phước, có được ông bà trú ngụ để trông nom cho tôi.
Tôi lấy sự kiện trên làm lời nhủ: lúc cầu nguyện, không những cầu cho người sống mà như đã chết (i.e. tôi) mà còn nên cầu cho những người tuy đã chết, nhưng hãy còn đang sống trong tôi. Tôi tưởng tượng khi mình đang cầu nguyện, thì họ đang hiện về ngồi quanh bên tôi. Chúng tôi là những kẻ đang chết, cùng hướng về Chúa và cầu mong được sự cứu rỗi, nhờ sự cầu bầu của Đức Mẹ và các thánh--hội thánh thông công.
Đêm hôm qua lại nằm mộng thấy mình làm linh mục, dâng lễ nhưng không thuộc lời, lẩm bẩm lảm nhảm như nói cho chính mình nghe (hay là cho Chúa nghe?) hơn là cho cộng đoàn nghe. Chưa hiểu được ý nghĩa của giấc mộng này là gì. Có thể nào liên quan đến tâm trạng "đêm đen tối của linh hồn" mà tôi đang trải nghiệm trong thời gian gần đây.
Chiều Thứ Hai tuần rồi, trên đường đi làm về, nghe tin vụ động đất mức 7.0 ở Haiti trên đài CBC. 7.0 đâu phải tệ, nhưng nghe giọng thuyết trình không thiên vị của cô xướng ngôn, nghe như chẳng phải chuyện gì to tát. Mãi tới Thứ Năm, lần nữa qua đài phát thanh CBC, khi nghe giọng nói đẫm lệ của một cô gái khi nói về người mẹ bị thất lạc bên đó, tôi mới suýt khóc theo.
Về mặt thương vong: 200,000 trong số 1 triệu dân, trong đó có Đức Tổng Giám Mục giáo phận Port-au-Prince, Joseph Serge Miot.
Về mặt cộng đồng, trận thiên tai này chứng kiến tình nhân loại đổ ra ở mức độ nhanh chưa từng thấy của cộng đồng thế giới đối với một quốc gia nghèo nhất châu Mỹ, và cũng là một trong số quốc gia có nạn tham nhũng cao nhất thế giới. Thắc mắc: không biết việc Nữ Toàn Quyền đương nhiệm của Canada là người gốc Haiti có phải là một nguyên do? Liên tưởng: nếu Việt Nam được thế giới ủng hộ thế này khi gặp nạn thiên tai thì người dân đỡ khổ biết là bao. Thắc mắc: Về mặt này, không biết chính quyền có phải là chướng ngại hay không.
Về mặt khoa học, tại sao tiên đoán động đất vẫn còn là một bài toán chưa có phép giải? Vũ trụ/thiên văn học, Dịch học có giúp ích gì được không?
Về mặt tâm linh, thiên tai lần nữa gợi lên nghi vấn: tại sao Ông Trời nhẫn tâm để nhân loại chịu khổ? Và rồi, người lạc quan dĩ nhiên sẽ nghĩ rằng: trong những lúc này, Ông Trời đang khóc nhiều hơn con người; và rằng: trong khổ đau, Ông Trời sẽ đem lại sự tốt lành mới (chí ít, sự thể hiện tình thương người-với-người là bằng chứng). Mà qua gương khổ đau của Ông Trời Con, Ngài dường như muốn nói với nhân loại rằng: đừng tuyệt vọng, bởi chính ta đã và đang đồng hành cùng các con trong sự khổ đau này.
Trưa nay đọc thư, thấy phụ thân tôi quở trách rằng sao tôi lại bắt mẫu thân tôi lo lắng quá sức. Thì ra bà đã mách với ông rằng bà ở với tôi còn mệt hơn ở một mình. Ngay từ đầu, tôi đã đùa ngoài miệng với mọi người rằng tôi muốn bà về ở chung với tôi vì bởi tôi cần bà nuôi cơm nước, nhưng dụng tâm của tôi hiển nhiên là để cho bà bớt gánh nặng trang trải, để bà rãnh tâm lo toan cho việc khác. Nay thấy mẫu thân thốt lên lời kia thì có nghĩa là dụng tâm của tôi đang thất bại.
Tôi hiểu rõ dụng ý chính của mẫu thân không phải là trách móc tôi, mà là để kỳ vọng vào một việc khác. Nhưng, lòng không khỏi ngấn lên một nét buồn, khi thấy mình bị dùng làm "con cừu dê tế thần" như thế. Tôi cần nên cam tâm, mong rằng mẫu thân sẽ đạt được ý nguyện.
Trưa nay điện đàm với ông sếp tôi bên Mỹ, được nghe ông kể về phiên họp dự kiến triễn khai với một công ty bạn hồi sáng. Họ nhờ chúng tôi xây dựng một "món đồ chơi" mới, tạm gọi là X. Giám Đốc (GĐ) Bán Hàng (VP of Sales) "cãi lộn" với Kỹ Sư (KS) Trưởng Công Nghệ cho sản phẩm Y.
GĐ nói: Tôi muốn làm sao có thể bán kèm X với mọi hợp đồng cho Y. (Dịch: tôi muốn Y phải hết sức "khiêu gợi")
KS nói: Nhưng tôi chỉ muốn X giúp khách hàng có cái nhìn tốt hơn về Y. (Dịch: Nhưng Y chỉ là tạm thời, không nên tốn nhiều công sức cho nó quá.)
Không biết hai người đã cãi nhau trong bao lâu, nhưng nghe sếp tôi kể đến đây, tôi buộc miệng: Nhưng mà hai người họ đều nói cùng một ý: X sẽ giúp Y tìm thêm nhiều khách hàng.
Cắm đầu, cắm cổ mà cãi, không để ý rằng, với cách diễn đạt riêng của họ, đối phương đang đồng ý với mình. Lỗi lầm này tôi cũng thường vấp phải. Nhớ lại lời Thầy Sáu đã có lần giảng dạy: "Mau nghe, chậm nói, chậm giận ..."
Ngẫu nhiên sao, mấy ngày nay tôi được "giới thiệu" đến với nhiều nan đề của đạo tôi. Hôm Thứ Năm, đọc được tin về bé Gabriel, rồi nghe tin hội bảo vệ súc vật Toronto Human Society bị buộc tội tàn nhẫn với súc vật vì họ cứ để chúng sống trong cảnh tồi tệ, không chịu "trợ tử" (euthanize) cho chúng. Sáng Thứ Sáu đọc được, TNS Patrick Kennedy bị vị giám mục giáo phận của ông "cấm" không cho rước lễ, vì ông ta ủng hộ phá thai. Gợi lên hai vấn đề gây nhiều tranh luận trong đạo công giáo: phá thai (abortion), và trợ tử (euthanasia), và gợi lên những câu hỏi cho chính bản thân tôi ....
Câu hỏi 1: Nếu gặp tha nhân đang khổ đau cùng cực, dù họ có van nài mình hay không, tôi có nên giúp họ kết liễu cuộc đời không?
Trả lời, với cảm giác bất lực cùng cực: Khổ thân tôi, tôi không có quyền làm việc đó, tha nhân ạ.
Câu hỏi 2: Nếu không tuân theo mọi điều mà Giáo Hội Công Giáo dạy, tôi có còn là người công giáo không?
Đáp: thưa, có, nhưng là một người công giáo đang mang tội. Bởi một khi đã được rửa tội vào đạo, không ai có thể tước bỏ bí tích ấy ra khỏi thân tôi.
Câu hỏi 3: Nếu biết mình đang mang tội, tại sao không hối cãi và không tái phạm nữa?
Đáp: [lặng người]. Có lẽ cái cảm giác mình mãi là kẻ mang tội, mãi là kẻ đói khát, sẽ giúp tôi bớt kiêu ngạo trong đời.
Câu hỏi 4: Vậy, tội tôi là gì mà ghê gớm thế?
Thưa: đó là tội lười dự Thánh Lễ Chúa Nhật.
2181 Thánh lễ Chúa Nhật đặt nền tảng và xác định toàn bộ cuộc sống người tín hữu. Do đó, mọi tín hữu phải tham dự thánh lễ vào ngày lễ buộc, trừ khi có một lý do quan trọng (như bệnh hoạn, chăm sóc trẻ sơ sinh) hay được cha sở miễn chuẩn (x. CIC,1245). Ai cố tình vi phạm sẽ mắc tội trọng.
Hèn gì gần đây tôi có cảm giác linh hồn tôi đang chết dần, chết mòn.
Câu hỏi sau chót: Nếu vì thương tha nhân mà tôi chịu mất linh hồn, thì tôi có được linh hồn mình lại hay không?
Câu này tôi không có thẩm quyền để trả lời. Nhưng tôi đoán chắc là: không.
[Mặt khác, cách tốt nhất tôi có thể đề nghị với KA là bạn nên đem những gì đọc được, đến xin sự chỉ giáo của cha xứ. Tôi không có khả năng bằng các vị linh mục, bởi họ đã dành nhiều năm trong tu viện, cùng sự sốt sắng suy niệm hằng ngày, để hấp thụ chân lý của đạo mình.]
Tớ thấy tự bản thân mình đi tìm hiểu và nếu kẹt lắm thì vào đây hỏi ý bác là chắc ăn nhất. Mấy cha xứ ngày nay rất bận rộn với việc hành chánh và cuộc sống riêng tư nên tầm hiểu biết của các ngài chẳng có bao nhiêu mà gỡ rối tơ lòng" cho ta. Vơ đũa cả nắm cũng không đúng, các cha người Mỹ thì có kiến thức thần học nhiều hơn, vì các ngài có giờ để suy ngẫm thánh kinh. Chuyện hành chánh thì có hội đồng giáo xứ lo. Còn các cha VN ta, tại các nhà thờ VN thì khác. Các ngài phải lo hết mọi chuyện nên chẳng có giờ kinh kệ nhiều. Hỏi tới thì các ngài cáo lui ngay. Chưa kể là người VN ta bên này là cộng đồng nhỏ nên các cha cũng hay được mời làm cố vấn cho cộng đồng, nên từ từ đi vào con đường chính trị. Tớ nghĩ bác là người có khả năng nhất. Chúng tớ sẽ vào đây xin "gỡ rối tơ lòng"
Dzời ạ! Mấy bác kỳ vọng chi nơi tôi, trong khi trong đức tin, chính tôi là kẻ đói nghèo còn cần phải đi ăn xin nơi mấy bác mới đúng. Ngay cả ở những gì tôi viết, các bác cũng cần phải kiểm chứng với giới thẩm quyền của giáo hội, bởi chỉ các vị ấy mới có quyền thừa tác từ Chúa Giêsu để truyền bá đức tin.
Tôi viết với mục đích chia sẻ những quá trình "tầm đạo" của bản thân, hơn là "giảng đạo". Nếu có chỗ nào không đúng thì xin các bác không ngại chỉ điểm dùm cho. Bởi tôi thấy lời của GS Randy Pausch trong Bài Giảng Cuối Cùng rất chí lý: "Khi anh [nói/làm] sai mà không ai màng nói gì cả, thì có thể là họ đã bỏ anh."
Cuộc đời của tôi không phải là vì tôi. Tôi cần phải lắng nghe xem Ông Trời có sắp đặt gì cho tôi.
Tôi không phải là người nắm quyền. Quyền lực là một ảo giác. Mọi nỗ lực cố để nắm quyền, hầu lôi kéo kết quả theo ý mình, là một trò buồn cười, nếu không muốn nói là tai hại. Tôi cần phải biết phó thác cho Thiên Chúa.
Tôi không mấy quan trọng. Có rất nhiều người khác quan trọng hơn tôi nhiều, và có thể thời điểm nào đó sẽ đòi hỏi tôi phải dâng hiến mạng sống của mình để cho người nào khác được sống.
Tôi sẽ chết. Tôi nên chuẩn bị mọi thứ hầu cho xứng đáng mà gặp Đấng Tạo Hóa. "Chuẩn bị" này bao gồm sự lo trọn bổn phận của đời này để được hưởng phúc đời sau. Nghĩa là với tư cách là một người "chăn vườn", tôi đã làm gì để góp phần xây dựng cho con người, Trái Đất, vũ trụ, là ruộng vườn và cây trái của của Đấng Tạo Hóa, ngày một xanh tươi hơn?
Từ hôm viết bài này cho tới nay, tôi băn khoăn nhiều về đề tài và giải pháp. Mấy hôm nay, dường như có hé lên chút tia sáng. Nghĩ lại, trong quá khứ, tia sáng ấy đã vài lần đến với tôi. Đấy là: tôi phải tự hạ nhục mình, mà không chút do dự. Gợi nhớ câu nói của một Phật gia nào đó tôi đã đọc/nghe được mấy tuần trước, nhưng giờ không còn nhớ rõ quí danh, tôi đỗi chủ đề "nhận thức về con sông" thành "sự ức hiếp/sỉ nhục", dựa trên gương của Chúa Giêsu:
Lâu lắm rồi, tôi từng bị người đời ăn hiếp, và tôi phẫn uất. Và tôi tìm cách làm sao đễ khỏi bị người đời ăn hiếp. Và giờ đây, sau bao nhiêu năm, tôi đã tìm ra "cách": hãy cứ để người đời ăn hiếp.
Hình như đại ý của đoạn văn gốc là như thế này:
Years ago, when I first began to practice meditation, a river was as river. And, as I meditated, the river stopped being a river. And now, after many years of meditation, I see a river as a river.
Tự hạ nhục mình. Có lẽ đây cũng là cách để khắc phục tội tổ tông.
Trong tuần qua, khi miền trung VN bị cơn bão Ketsana hoành hành, thì cộng đồng công giáo ở Canada đang đương đầu với một cơn bão khác: vị chủ chiên đương nhiệm của giáo phận Antigonish, tỉnh bang Nova Scotia, bị buộc tội tàng trữ tài liệu nhi dâm.
Đây có phải chăng là một trường hợp khôn ba năm dại một giờ, nhưng phải hay không, đó là chuyện giữa Giám Mục Lahey và Chúa, người ngoài như tôi sẽ mãi không hiểu đủ nội tình để lạm bàn. Nhưng, sự kiện này khơi gợi vài điều suy ngẫm cá nhân, về ơn thiên triệu, nhân dịp năm nay được ĐTC ấn định là Năm Linh Mục (Year of Priests 2009-2010) ...
Làm hòa thượng theo chân Phật Thích Ca đã là khó, nhưng làm linh mục, vác thánh giá để theo Chúa Giêsu, thật khó hơn gấp bội, bởi Chúa đòi hỏi thật nhiều nơi các đấng thánh của Ngài.
Sa-tăng luôn ganh tị với Chúa Giêsu. Nên hắn không ngừng cám dỗ con cái Chúa khiến họ sa ngã. Các thầy tế của Ngài lại là mục tiêu dễ tìm nhất.
Như lời của TGM Mancini: đối với người công giáo, đây là những giây phút thử thách đức tin của bản thân. Có người nhân cơ hội này để xa lánh nhà thờ. Tôi thì thấy nóng lòng, muốn trở lại nhà Cha tôi, càng sớm càng tốt.
Đọc bài Làm Sao Hướng Dẫn Người Thân Mình Đến Với Chúa (Leading Your Loved Ones to Christ), tự dưng lại gợi nhớ đến bài hát One Bread One Body - cùng một miếng bánh, cùng một thân thể [trong Chúa Cứu Thế]. Cảm động đến rơi lệ, cảm giác mình thật bất lực và vô dụng, bởi bản thân không làm được gương tốt để linh hướng người thân.
(1Cor10:17) seeing that we, who are many, are one bread, one body: for we are all partake of the one bread.
Chúng ta dù nhiều, nhưng chỉ là một: một cái bánh, một thân thể; bởi chúng ta cùng dự phần trong một cái bánh.
cái bánh = Chúa Giêsu.
Đôi lúc, tôi nổi lên cái cảm giác bớt hứng thú với cái công việc này. 'Đôi lúc' đó lại xãy ra vào tuần này. Cảm giác này hơi nguy hiểm, bởi khi không còn hứng thú với việc gì, người ta thường có khuynh hướng ngừng tay, rút lui. Tôi cần phải sáng suốt: không chán nản quá sớm, và không rút lui quá muộn. Khó! Linh hồn tôi đang đói, và khát! (linh = spirit; hồn = soul) Tôi cần Chúa Thánh Thần thêm sức. Tôi cần ăn thịt Chúa Giêsu.
Recent Comments