Lịch [Tây phương] tính một năm có 365 ngày. Tuy nhiên, một chu kỳ của trái đất quanh mặt trời mất chính xác là 365 ngày và 6 giờ. Cho nên mỗi 4 năm, số giờ còn dư tích tụ lại được thêm 1 ngày (24 giờ). Vì thế, ngày dư ấy được cộng vào niên lịch để giữ phép tính ngày/năm cho phù hợp với vị trí của mặt trời.
Ngoại trừ những năm chia hết cho 100 mà lại không chia hết cho 400.
Vì thế các năm như 1996, 2000 và 2400 là năm nhuận nhưng các năm 1899, 1900, 2100 thì không phải (theo quy tắc 1 và 1 & 2 tương ứng).
Lý do nằm sau quy tắc này như sau:
Lịch Gregory được tạo ra để đảm bảo ngày xuân phân ở châu Âu rơi vào ngày 21 tháng 3, để đảm bảo ngày lễ Phục Sinh có thể điều chỉnh theo ngày xuân phân một cách rõ ràng hơn.
Một năm xuân phân (tính giữa hai tiết xuân phân kế tiếp nhau) là khoảng 365.242375 ngày.
Quy tắc tính năm nhuận theo lịch Gregory lấy một năm trung bình là 365.2425 ngày.
Sự sai khác rất nhỏ này (trên 0.0001 ngày) có nghĩa là sai số thời gian sẽ tích lũy đủ một ngày trong khoảng 8 năm. Nhưng trong thời gian của 8 năm thì độ dài của một năm xuân phân cũng sẽ thay đổi theo một lượng mà chúng ta không thể dự báo chính xác trước..Vì thế quy tắc tính năm nhuận của lịch Gregory là đủ thỏa mãn.
Tây Phương có thêm cái rắc rối này là nhờ công đức của Đức Giáo Hoàng Gregory XIII (1502-1585)--Lịch Tây phương còn được gọi là lịch Gregory (Gregorian calendar).
"Tìm kiếm Nâng cao".
Đây là cách dịch của từ "Advanced Search" bởi google.com.vn, và nhiều mạng thông tin khác ở Việt Nam.
Quái!
Nếu là tôi dịch thì tôi sẽ dịch là "Tìm Kiếm Phức Tạp" hoặc "Tìm Kiếm Chi Tiết". "Advanced" ở đây muốn nói về mức độ chi tiết (complexity of details), hơn là nâng cao, đề cao cái gì đó.
Dĩ nhiên, lạm dụng sức tưởng tượng cho mấy thì tôi cũng chẳng phải là chuyên gia ngôn ngữ. Biết đâu "tìm kiếm nâng cao" có cái lý hay của nó.
Cuối tuần qua ngồi ăn tối với mẫu thân tôi, chợt nghe bà kể về một ông nào trong đạo Công Giáo, vì "đọc được ở đâu đó thấy người ta nói Chúa Giêsu không phải là Thiên Chúa mà chỉ là một người thường có vợ, có con...". "Khám phá" ra điều ấy, ông này như vỡ mộng, bèn bỏ đạo.
Không biết chuyện ông kia bỏ đạo có thật hay không (biết rằng con người, nhất là người Việt, hay thích nghe những lời đồn nhảm). Nếu thật vậy thì quả là buồn cho những ai yếu lòng tin--lời Chúa thì chấc vấn đủ điều, trong khi miệng điêu ngoa của Sa-tăng thì vội cả tin mà không chịu tìm hiểu cặn kẽ hơn về vấn đề.
Về đề tài Mật Mã Da Vinci, nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, hồi năm 2005, đã có bài viết mang tựa đề Ánh Sáng Phúc Âm. Những tưởng người trong đạo nên đọc và tìm hiểu, ngõ hầu có đủ thông tin để bênh vực đạo mình một cách sáng suốt, hơn là chỉ xua tay bảo rằng, "thằng cha Dan Brown viết toàn tầm bậy". Ở đây tôi xin trích dẫn một đoạn từ bài của bác Ngạn:
Điều quan trọng đáng nói ở đây là: nếu The Da Vinci Code chỉ là một tiểu thuyết thuần túy thì không ai bận tâm, bởi trong một xã hội mà tự do tư tưởng được tôn trọng tối đa như Hoa Kỳ, thì người viết tiểu thuyết có quyền tưởng tượng ra bất cứ nội dung gì, không ai có quyền bắt bẻ. Nhưng đàng này, tác giả Dan Brown cứ nhấn mạnh nhiều lần rằng: Những điều ông viết trong The Da Vinci Code đều là những sự kiện lịch sử, nghĩa là dựa trên những tài liệu có thật! Đó mới là mối bận tâm của những người nặng lòng với sự thật lịch sử cũng như với niềm tin Tôn Giáo. Những kẻ chuyên săn tìm đề tài lạ, vừa đọc The Da Vinci Code đã vội vàng lên tiếng hết lời ca ngợi. Chẳng hạn tờ Library Journal gọi đó là “a masterpiece should be mandatory reading”(một kiệt tác bắt buộc phải đọc) . Tuần báo Publisher’s Weekly thì gọi nó là “an exhaustively researched page-tuener about secret religious societiees, ancient cover up and savage vengeance” (một công trình khảo cứu kiệt lực về các tổ chức tôn giáo bí mật, về sự che đậy lâu đời và trả thù man rợ).’
...
Mã Da Vinci của bác Brown lấy nhiều chi tiết từ những cuốn dị kinh như Phúc Âm Của Philípê, Phúc Âm của Maria (Mađalêna). Theo mạng Công Giáo Bách Khoa Toàn Thư, những cuốn kinh điển này có thể bị người ta mạo danh là ông Philípê và bà Maria Mađalêna để viết, vì đã được ra đời mấy trăm năm sau khi các nhân vật ấy đã qua đời. Hơn nữa, chúng chứa đựng những chi tiết mâu thuẩn với nhiều nguồn tài liệu khác về cuộc đời và lời giảng của Chúa Giêsu, nên càng chứng tỏ mục đích của họ là phá hoại chứ không phải là nhân chứng. Vì thế Giáo Hội đã quyết định không liệt kê nó vào bộ sách Tân Ước; hoàn toàn không phải vì muốn che giấu sự thật, như lời đồn đại.
Mấy năm trước (~'99), khi quá rảnh rỗi, ngồi dưới tầng hầm nhà của phụ thân tôi, tôi đã tự mò, tấu được nguyên cả bài này. Nay thì đã trả lại cho mây gió hết rồi.
Terminator: The Sarah Connor Chronicles.
Tuần nay bận xem không được, đành xem trên mạng đỡ ghiền vậy. Chắc sẽ đợi tới hết mùa, mua luôn bộ DVD coi cho chất lượng hơn.
Xem tập 106 (mùa 1, tập 06) ở đây: phần 1/6, 2, 3, 4, 5, 6.
Lâu rồi, hôm nay lại trở lại tật khó ngủ.
Xuống lầu hâm ly sữa nóng, lên nghe lại bản độc tấu của nhạc sĩ Văn Vĩ. Lục Quyền Huyền Cầm là một trong hai nhạc cụ mà tôi thích nhất (nhạc cụ kia là cây Hạ Uy Cầm).
Có cha, con sẽ thông minh hơn
Những đứa trẻ có cha gắn bó với cuộc đời mình sẽ hạnh phúc hơn và thành công hơn so với những em thiếu vắng người bố.
Hèn gì. Hồi tôi còn nhỏ phụ thân tôi bận đi sĩ quan, rồi sau '75 bận đi tù cải tạo suốt 6 năm, tiếp theo bởi 3 năm tù vượt biên. Khi về thì tôi đã hơn 10 tuổi nốt. Chẳng trách sao ngày nay tôi đần độn quá đỗi.
Để thực thi sự tách ly giữa tôn giáo và chính quyền, Tỉnh Trưởng của Ontario, bác Dalton McGuinty, muốn kết thúc tập tục đọc Kinh Lạy Cha trong Nghị Viện Tỉnh Bang Ontario (Queen's Park).
Hmm...Hôm nay mới biết là Queen's Park cho đọc Kinh Lạy Cha mỗi sáng khi khai mạc chính sự. Hạ Nghị Viện của Ontario quả là ngoan đạo hơn tôi nhiều.
Tôi không nghĩ vấn đề này có ăn nhậu gì với quan niệm tách rời tôn giáo và chính quyền, bởi đọc kinh cầu nguyện đâu liên quan gì đến sự định đoạt của nghị viện. Và đây không phải là lần đầu tiên có người đưa ra đề nghị này. Nhưng có lẽ rồi thì bác McGuinty sẽ được toại nguyện.
Chút sưu tầm cho tôi biết, tập tục đọc Kinh Lạy Cha tại nghị viện đã có từ thế kỷ 18 khi các lập quốc tỉnh công thần đã mới đặt chân tới miền đất này, đa số đều là những người truyền giáo của đạo Công Giáo. Chẳng trách họ đọc kinh cầu nguyện trước khi khai mạc triều chính. Có thể, tâm nguyện của họ cũng là để những người ngoại đạo nghe qua, tìm hiểu, và nhập đạo.
Thẳng thắng mà nói, mục đích của đạo Thiên Chúa là: cả toàn cầu đều sẽ trở thành tín đồ của đạo Thiên Chúa. Mục đích ấy, bắt nguồn từ quan niệm "Chúa Giêsu, con một của Ông Trời, là đạo, là sự thật, và là sự sống" (Ga 6:14). Và khi người ta đã nắm được một chân lý nào đó, thói quen của con người là muốn chia sẽ nó với tất cả.
Nhưng đồng thời, Trời cho con người có quyền tự ý (free will--tư tưởng này đã được khai thác bởi các thánh thượng phụ: Âu Tinh của Hippo vào thế kỷ IV, và Tôma Aquina ở thế kỷ XIII). Vì vậy, tuyệt đối không thể cưỡng bức tôn giáo của mình lên người khác ngoài ý muốn của họ. Cho nên, trong cộng đồng đa văn hóa và đa tôn giáo của Ontario và Canada của ngày nay, mụch đích trên hãy còn xa vời. Và thế mới nói, lần này chắc là Thiên Chúa phải một lần nữa nhượng bộ cho sự...cứng đầu của con người.
Bên GodTube.com, Linh Mục Jonathan Morrisbình luận về viễn cảnh của Thượng Nghị Sĩ John McCain vào ghế Tổng Thống Mỹ. Tôi không thấy cuộc phỏng vấn này có gì đáng chú ý, nhưng có người phản bác rằng:
Christians are extremists. We are extremists for God's Will through Christ. We have been called to build the body of Christ! We have not been called to make this world better. God doesn't bless America... He blesses His children. He said that He will replace the world as we know with a new heaven and a new earth... old things will come to pass...
(Những người Kitô hữu là những người cực đoan. Chúng ta cực đoan bởi ý Chúa, qua Chúa Cứu Thế. Chúng ta được gọi để xây dựng một hội thánh của Chúa Cứu Thế, không phải để làm cho thế giới này tốt hơn. Chúa không phù hộ cho nước Mỹ...Ngài phù hộ cho con cái của Ngài.
Ngài đã có phán rằng Ngài sẽ thay thế thế giới này bằng một trời mới và đất mới....những cái củ rồi sẽ qua...)
Yuck!!! Bức xúc nhất thời, tôi chọt lại mấy câu phá đám:
"Christians are extremists"? God! Christians like you give Christians a bad name (if, indeed, you are even a Christian at all). "God doesn't bless America... He blesses His children"? But who are God's children, if not EVERYONE, and that includes America. I'm disgusted (although, can't say that I'm surprised) to see that this sort of rhetoric still exists in the 21st century.
Có lẽ hơi nặng lời chăng, bởi thấy tác giả đã xóa phản hồi của tôi.
Chứng tỏ rằng, mình không những rất đáng ghét đối với người ngoài đạo, mà còn đáng ghét bởi những người trong đạo nữa.
Cuối tuần qua, dân Toronto lại được thêm một lần nữa xúc tuyết ná thở.
Sáng nay chạy xe ngang một bà Tây đang xúc tuyết nơi đường đi bộ trước nhà bà. Thấy bà cầm xuổng, xúc tuyết lên, rồi thải bừa ra ngoài đường, vừa lúc xe tôi chạy ngang qua, lãnh đủ.
Nhiều lần thấy bao người khác làm tương tự, tôi hay thầm nghĩ, chắc họ không muốn tuyết đen làm sân nhà mình nhơ bẩn, hay là họ sợ tuyết tan, rút nước xuống nền đất, làm móng nhà họ lung lay chăng?
Nếu tôi nhớ không lầm, người Nhật khi dùng dao gọt trái cây, họ thường hướng lưỡi dao vào trong mình, gọt từ ngoài vào trong, để nếu lỡ trật tay gây thương tích thì người gọt là người đón nhận, tránh gây phương hại đến người khách trước mặt. Có lẽ, đối với mọi việc, quan niệm của tôi cũng lờ mờ dựa trên tư tưởng này: thà hại ta hơn hại người. Tôi xúc tuyết, tém từ ngoài mép đường, đẫy chất đống vào trên sân cỏ nhà mình--chẳng thiệt thòi gì lắm cho mình, vừa tránh trở ngại cho xe qua lại và xe đậu bên lề.
Nói như thế không có nghĩa là tôi sẽ sẵn sàng dọn luôn bệ tuyết dưới mép đường, nếu có, để ai đó có thể đậu xe thoải mái trước nhà tôi.
Hôm Thứ Bảy rồi, cụ thân mẫu nhà tôi cùng gia đình Chú Ba nó đi Hội Chợ Tết ở Quảng Trường CNE (Đài CityNews có bài phóng sự). Còn tôi, theo thói quen "phản xã hội", đã ở nhà...ngủ.
Mấy hôm trước, thấy đài truyền hình địa phương, khi nhắc đến Tết, đã dùng cụm từ "Vietnamese New Year" thay vì "Chinese New Year", đủ chứng tỏ cộng đồng người Việt tại đây đã đạt được một chỗ đứng khá đáng kể trong lòng người bản xứ so với 20 năm về trước. Nhưng Tết nơi xứ người làm sao bằng Tết ở quê nhà, sau hơn 20 năm phiêu bồng, nhất là khi hoàn cảnh không cho cơ hội ăn mừng (Tết đến giữa tuần làm việc). Tết ở đây rời rạc. Trời mùa đông lạnh buốt hồn viễn xứ. Người tha hương nào ở nhà tha hương nấy.
Năm 2006 tôi đã có dịp về quê ăn Tết. Quang cảnh giao thừa ở đường phố Sài Gòn tấp nập và vui nhộn không thể tả. Đó là lần đầu tiên, sau nhiều năm dài, tôi được hưởng hương vị Tết ở Việt Nam. Không kém sự mỉa mai, tôi đã được một người bạn Tây (gốc Anh) hướng dẫn đi dạo phố và dạo quán (ông ta có quán rượu ở Sài Gòn).
Nhớ hồi ở quê nhà (bảy, tám, chín, mười tuổi gì đó), mỗi năm hai bà cháu tôi lên Sài Gòn ăn tết. Cửu Thúc chở ra bến Bạch Đằng coi pháo bông. Xong về nhà, Bà Nội tôi và Cô Năm tôi làm bánh tét, bánh ít. Tôi ngồi kế bên bếp, ôm chân Nội, chờ cơ hội phụ...ăn thử. Có lần buồn ngủ quá thức không nỗi, bèn phải đi ngủ trước. Sáng sớm Nội đem bánh ra chợ bán, lúc nào cũng để lại, lúc thì cái bánh ích nhân đậu sanh, lúc thì khoanh bánh tét nhân dừa, nhân chuối, cho tôi có ăn khi thức dậy. Lúc xưa tôi là đứa bé hư hỏng, nhưng Nội thương tôi nhất.
Giờ đây, nhìn thấy những gì tôi đã làm, không biết Nội có quỡ trách tôi không. Tự tôi biết câu trả lời.
Xin Chúa ban ơn phúc cho Nội, suốt cuộc đời vì con, vì cháu, không chút nghỉ ngơi mãi đến khi an nghỉ ngàn thu. Đây, cháu bất hiếu thắp nén hương lòng, tưởng nhớ ơn dưỡng dục của Nội nhân dịp Tết Năm Tuổi của con. Đồng tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, tiền bối, bằng hữu. Người đi trước chỉ đường kẻ theo sau. Không có người thì sẽ không có ta. Xin Chúa ban phúc lành cho tất cả.
+++
Recent Comments