ThanhHai Hôm nay tôi như bị ai nhập. Bài viết này là xuất thần giảng đạo cho chính mình, chứ không dám ngông cuồng "lên lớp dạy bảo" với người đọc.
Nếu mọi người trong chúng ta được đặt vào tình thế thử thách phải chọn giữa chữ hiếu và chữ tình, thì chúng ta phải chọn thế nào nhỉ? Hẳn nhiên, đa số trong chúng ta sẽ trả lời là "vì hiếu phụ tình". Trong truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, Thúy Kiều đã làm như vậy, khi nàng hy sinh mối tình đầu với Kim Trọng, bán mình để chuộc cha già.
Vấn đề cân nhắc giữa tình và hiếu nhiều khi bị người đời làm lu mờ đi, nên cần phải sáng suốt để nhận định rõ vấn đề, hầu khỏi phải sai lầm mà gây cảnh tang thương không cần thiết.
Tôi thí dụ, chàng và nàng yêu nhau thắm thiết, nhưng cha nàng vì lý do nào đó không ưa anh chàng, và không chấp nhận cho cuộc tình của hai người. Thậm chí, còn nhất quyết rằng: cô mà lấy hắn thì từ nay tôi sẽ từ cô, tình cha con và mọi quan hệ với gia đình này đối với cô kể như chấm dứt. Giữa tình và hiếu, cô hãy khéo chọn đi.
Ai trong chúng ta nếu thường xem những vỡ tuồng cải lương hoặc những phim tình cảm xã hội, ắt sẽ không lạ gì với hoàn cảnh trên. Nhưng, đều lạ là ở chỗ những chuyện tình lâm ly bi đát ấy vẫn còn xãy ra ngoài đời, ở thời thế hiện đại này. Dường như người ta xem phim, đọc truyện xong rồi lại cho qua lề, xem chúng chỉ như là một món ăn giải trí mà không đếm xĩa gì đến những bài học để đời mà tác giả đã dầy công dàn dựng.
Trở lại ví dụ trên của tôi, thử hỏi hai chữ tình-hiếu trong đấy có giống như hoàn cảnh của Thúy Kiều hay không? Xin thưa, rõ ràng là không, hai trường hợp hoàn toàn khác, vì một bên là thử thách của người, còn một bên là một thử thách của đời. Thử thách của đời là thử thách của tự nhiên, của thiên nhiên, do hoàn cảnh đẫy đưa mà nên, thậm chỉ cũng có thể cho là thử thách của trời ban, nên không thể chấc vấn. Còn nếu là thử thách nhân tạo, thì về mặt tình và lý, cần phải suy xét xem thử thách ấy có công bằng, hợp lý, và có mang tính ích kỷ hay không. Tại sao buộc phải như vậy, trong khi giữa tình và hiếu đều có thể được chu toàn cả hai?
Viết đến đây, vì là người trong Thiên Chúa Giáo, nên tôi liên tưởng đến điều răng thứ tư của mười giáo điều: hãy thảo kính cha mẹ. Vậy thử hỏi, nếu cãi lời cha mẹ trong vấn đề này thì có phải là đã vi phạm giáo điều hay không? Những người làm con trong đạo, nếu lâm vào cảnh này, ắt sẽ bị ray rứt, khỗ tâm không ít. Trong lịch sữ của Giáo Hội đã có không ít trường hợp những vị, như Thánh Phanxicô Assisi, đã bị gia đình từ bỏ, vì lý tưởng của mình. Tôi nêu lên ví dụ này không phải để ví tình yêu cao cả của Thánh Phanxicô dành cho Chúa với chuyện nam nữ thường tình, mà chỉ muốn ngõ ý rằng: "thảo kính" không có nghĩa là mù quáng vâng lời, mà phải biết suy xét, nhận định cho riêng mình, vì chỉ có mình mới hiểu rõ mình nhất, và vì Chúa đã cho mình quyền tự do ý chí đó. Nếu hai người thật sự yêu nhau, ngoại trừ một sô trường hợp trái ngược với luân thường đạo lý, thì không ai có quyền cấm cản họ cả, vì ở đâu có tình yêu, thì ở đấy có Thiên Chúa, bởi Chúa là tình yêu. Bậc làm cha mẹ, nếu thật sự biết thương con, vì con, thì sẽ không cản trở tình yêu của chúng nó mà đưa con cái mình đến hoàn cảnh phải khó xữ phân chia giữa hiếu với tình, mà bi kịch Romeo và Juliet của văn hào Shakespeare là một trong nhiều thảm trạng thực sự có thể xãy đến.
Xin đừng hiểu lầm. Tôi không bao giờ chủ trương xúi giục người ta nên cãi lời cha mẹ. Nhưng phải khẳng định một điều: làm một con người, một cá nhân, cần phải có cá tánh, có lập trường, phải biết suy nghĩ và lập luận cho riêng mình. Đó là cái bản chất và ý chí tự do của trời cho. Cha mẹ thì suốt đời cũng sẽ là cha mẹ. Cha mẹ chí có bổn phận dìu dắt chúng ta trong lúc còn non dại, và tất nhiên đối với công ơn của cha mẹ, phận làm con không thể nào quên được. Nhưng cha mẹ cũng chỉ là con người, cũng có khi đúng, có khi sai. Nếu ta biết rõ mình đang làm gì, và không dối lòng, hành động theo lương tâm, thì chung qui sẽ không có gì phải hối hận cả. Sách có câu "nhân bất vị kỷ, thiên tru địa diệt (người không vì mình thì trời tru, đất diệt)", là ý như thế. Việc mình nên làm thì phải làm, còn cha mẹ nếu có bất đồng thì chỉ còn cách giải quyết duy nhất: nhẫn nại thuyết phục và nhờ vào thời gian để hóa giả, chờ cơ hội để báo hiếu nếu được cho phép.
Và riêng về phần mình, cũng khá phải nhớ rằng: tự do đi đôi với trách nhiệm, và sự lựa chọn sẽ tiếp theo bằng hậu quả--đó là luật nhân quả. Vì vậy, cũng giống như lời cam kết giữa hai vợ chồng khi lấy nhau: có phước cùng hưởng, và có họa thì ... ráng mà chịu một mình.
Bình an và hạnh phúc đến cho người thiện tâm.
Recent Comments